Tin mừng theo Thánh Matthêu hôm nay miêu tả ngày đầu tiên Chúa Giêsu khởi sự sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sau 30 năm sống âm thầm nơi làng quê Nagiarét, đúng lúc “thiên thời địa lợi”, Chúa Giêsu rời xa gia đình ra đi gieo hạt giống Nước trời.
Trang Tin Mừng cho thấy sau khi chuẩn bị chu đáo cho Chúa một con đường thẳng tắp, một mảnh đất phì nhiêu màu mỡ, ông Gioan đã lui vào bóng tối âm thầm để ánh sáng Giêsu chiếu tỏa cho hạt giống nứt mộng nảy một mầm sống. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được loan báo qua lời ngôn sứ Isaia “Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.
Hôm nay ta thấy rằng sứ mạng Truyền Giáo là sứ mạng chung của mọi Kitô hữu, khi thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Galilê làm cứ điểm đầu tiên trong hoạt động truyền giáo của Ngài. Theo nguyên nghĩa chữ Galilê là bất cứ miền nào trong xứ. Do đó, hàm ý là Nước Thiên Chúa không còn hạn hẹp đóng khung trong một địa dư nào. Đặc biệt hơn, Galilê thời Chúa Giêsu là miền có nhiều thổ dân khác nhau, có nhiều tôn giáo khác nhau sống bên nhau. Galilê còn là nơi giao thoa, là ngã tư của nhiều dân ngoại tới giao thương trao đổi. Và có thể nói một cách nào đó Galilê như một thế giới thu hẹp, là một thứ tượng trưng cho nhân loại rộng lớn mà Chúa Giêsu sẽ trao phó cho Giáo hội phổ quát của Ngài mai sau này.
Chúa Giêsu chọn Galilê – miền Bắc Do Thái là miền đất của dân ngoại như một trung tâm truyền giáo vì nơi đây có vai trò tôn giáo quan trọng, nơi có thành Caphacnaum, hơn nữa Chúa Giêsu đã lớn lên ở Nadaret cũng thuộc Galilê. Có thể nói Chúa Giêsu đã quen thuộc địa lý xã hội chính trị và tôn giáo tại Galilê.Bên cạnh đó, người dân vùng Galilêsống cởi mở, thích đón nhận những trào lưu tư tưởng mới nên rất thuận lợi cho việc truyền giáo. Điều đáng nói ở đây, Đức Giêsu giảng dạy có uy quyền và thuyết phục hơn các kinh sư và thày khác bởi Người có phép lạ kèm theo.
Khởi đầu sứ mạng công khai, Đức Giêsu đã thực hiện những phép lạ và đã thu hút nhiều người khắp nơi: Từ miền Galilê, vùng thập tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và miền bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người. Ngài mời gọi họ: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.
Chúa Giêsu loan báo Nước trời “đến gần” qua các dấu hiệu và việc làm cụ thể đó là ma quỷ bị xua trừ, mọi người đau bệnh tật nguyền được chữa lành.Một viễn cảnh thái bình an vui đang mở ra trước mắt mọi người. Dân chúng từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan lũ lượt kéo đến đi theo Đức Giêsu.Ai nấy lắng nghe một cách chăm chú và sửng sốt bởi chưa bao giờ họ đượcnghe những điều huấn giáo mới mẻ và thuyết phục như vậy.
Chúa Giêsu đã có một khởi đầu mới “thuận buồm xuôi gió”.Người đã đến để thực hiện kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã trao phó.Kế hoạch đó không gì khác ngoài việc yêu thương và giải thoát loài người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết, đem đến cho họ niềm vui, sự an bình và nguồn hạnh phúc đích thực. Nhưng để có được hạnh phúc lớn lao ấy đòi hỏi mọi người phải sám hối. Như vậy sám hối chính là thái độ cần phải có để trở thành công dân Nước Trời.Sám hối chính là nhìn nhận những yếu đuối của mình để thêm tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa.
Mang thân phận con người, chắc hẳn chúng ta cảm nghiệm được con người thật yếu đuối mỏng giòn và dễ dàng sa ngã phạm tội, xa lìa ơn cứu độ. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được cứu độ, vì sám hối là ý thức mình đang đi trệch hướng và quyết tâm quay về đường ngay nẻo chính. Thành tâm sám hối là chìa khóa để ơn thánh Chúa có thể sinh hiệu quả nơi ta. Khi ta sa ngã phạm tội, chính Chúa đã tha thứ, tìm kiếm và mời gọi ta quay về với Người. Tuy thế, lòng sám hối không phải chỉ là thụ động, mà còn ở sự cộng tác tích cực của ta với ơn thánh Chúa. Nhờ đó người môn đệ được làm mới lại tương quan đã đánh mất với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.
Tiếng gọi sám hối cũng chính là trọng tâm lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Và xa hơn nữa, các ngôn sứ thời trước cũng thường xuyên lặp đi lặp lại tiếng gọi sám hối như vậy. Tiếng gọi sám hối tiếp tục không ngừng vang lên trong đời sống Giáo Hội: không chỉ mùa Chay, mà cả mùa Vọng, và ngay cả mùa Giáng Sinh nữa (như hôm nay!) Nói thật đúng thì sám hối là chuyện của mọi mùa.
Sám hối và hoán cải là bước quyết định, là cánh cửa mở ra mọi dự án tốt đẹp khác của đời môn đệ, của sứ mạng tông đồ. Đức Thánh Cha Phanxicô đang cố gắng thúc đẩy một cuộc canh tân đời sống và sứ mạng của Giáo hội – gọi là công cuộc Tân Phúc Âm hóa – và ngài cũng xác định rõ rằng cuộc canh tân ấy nhất thiết phải bắt đầu bằng sự hoán cải mục vụ ở mọi cấp độ của cơ cấu Giáo hội, cách riêng giáo xứ, giáo phận
Qua Bí tích Rửa tội, Kitô hữu được Thiên Chúa và Giáo Hội trao cho một ngọn đuốc thiêng liêng, vừa có vai trò soi đường cho họ đi, cũng vừa có vai trò soi đường cho người khác đến với Chúa. Nhưng khi nhìn lại hành trình theo Chúa của mỗi người, có những lúc ngọn đuốc thiêng liêng này đã bị tắt ngủm lúc nào không hay; ngay chính chúng ta cũng đi trong bóng tối thì nói gì đến việc soi sáng cho người khác.
Mỗi người chúng ta đã đón nhận Nước Trời, và chúng ta phải có bổn phận mang Nước Trời đến cho những anh em của chúng ta với hy vọng Nước Trời mau ngự trị trong mọi tâm hồn. Để được như vậy, mỗi tông đồ (chúng ta) phải đi ra khỏi nơi an toàn của mình, ra khỏi con người khép kín e ngại để sẵn sàng đến với mọi người và nhất là những người đang tìm kiếm ánh sáng chân lý của Chúa. Hãy tập giao tiếp với mọi hạng người, kể cả những người vô thần, những kẻ chống đối và nhất là những người đang ngồi trong bóng tối nên chưa biết ánh sáng Tin Mừng.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ngày càng ý thức hơn vai trò và sứ mạng của mình trong việc mở mang nước Chúa qua việc truyền giáo. Và khi thi hành sứ mạng ấy, dù thành công hay thất bại, xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn trở về bên Chúa, tin tưởng và phó thác vào Ngài.