Việc rửa tay trước khi ăn là một việc làm đúng mà ai cũng biết, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn. Thế mà hôm nay Chúa Giêsu lại lên án hành động này với những người Pharisiêu. Với việc rửa tay trước khi ăn của người Do Thái thời đó, những người Pharisiêu chỉ biết làm và làm, họ làm vì luật, vì một thói quen với những hình thức bên ngoài mà không hiểu được ý nghĩa sâu xa bên trong của việc họ làm.
Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức.
Thực vậy đối với người Do Thái việc rửa tay hay những việc tẩy rửa khác không đơn thuần là để giữ vệ sinh mà là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn theo luật. Vì quá nệ luật nên họ lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái bên ngoài mà đánh mất điều quan trọng của tâm linh bên trong đó là Tình yêu, lòng nhân ái và xót thương
Do bất mãn của một số Biệt Phái đối với Chúa Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Chúa Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.
Qua câu nói này, Chúa Giêsu muốn nói cho họ biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng, đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh, hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Biệt Phái cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Chúa.
Chúa Giêsu đã lên án họ một cách mạnh mẽ: “bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Qua việc làm này, Chúa Giêsu đã dạy cho họ một bài học quan trọng: “hãy bố thí thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các người”. Để làm được điều này, họ cần có một tình yêu, sự thương xót và lòng bác ái. Tình yêu thật sự đến từ chính bên trong của con người, một tình yêu phát xuất từ sự trong sạch bên trong của tâm hồn chứ không phải một tình yêu mang dáng dấp của thương hại. Tình yêu này được thể hiện rõ qua chính cuộc sống của Đức Giêsu, chạnh lòng thương trước nỗi khổ đau của con người.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa. Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa. Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ. Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết. Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê, nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách.
Chúa Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu, cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa. “Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39). Như thế cái bên trong của chén đĩa tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người. Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ. Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà. Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ.
Lời dạy của Chúa Giêsu với những người Pharisiêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người ngày nay. Bên ngoài người ta có thể rất đạo mạo, lịch sự, cao trọng, chức quyền nhưng bên trong lại chứa đầy tham lam “đầy những chuyện gian tà, cướp bóc” hay người ta tô điểm thêm bên ngoài của mình với những việc làm bác ái hay bố thí nhưng bên trong lại đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Vì vậy Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở về bên trong với con người thật của mình, để ở đó chúng ta gặp được Chúa Giêsu, để Ngài biến đổi chúng ta để từ đó ta hành động với một tấm lòng trong sạch, một tình yêu được kín múc từ chính Đức Giêsu.
Điều quan trọng là làm sao để tâm hồn mình được sạch vì “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa” (x. Tv. 23, 3.4). Và Chúa Đức Giêsu đã nói trong tin mừng hôm nay “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c. 41) Hay nói khác hơn phải sống đơn thành trước Thiên Chúa và hãy có tinh thần yêu thương vị tha chia sẻ đích thực đối với đồng loại – Hãy có lòng xót thương!
Với lời dạy này, ta nhìn lại mình, còn quá xa vời với lời dạy của Chúa. Tâm hồn ta còn chứa đầy sự tham lam, ham hố danh vọng, tiền tài… vì vậy mà con làm cốt chỉ để lấy tiếng khen của người khác, hay trong cuộc sống con còn thiếu bác ái với anh chị em trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động. Xin Chúa tha thứ và thanh tẩy tâm hồn ta. Xin cho ta được sáng suốt, đừng tìm cách chải chuốt bên ngoài, nhưng biết trang điểm bên trong tâm hồn với một tình yêu của chính Ngài.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Biệt Phái khi xưa.
Ta cũng nên duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của ta. Ước gì ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành. Xin cho ta có một tấm lò ng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để ta can đảm sống thật với lương tâm của mình để được bình an và hạnh phúc thật.