Hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh với Trung Hoa

95

Các biến cố hiện đang diễn ra quanh việc Tòa Thánh yêu cầu 2 vị giám mục “hầm trú” của Trung Hoa nhường chỗ cho hai giám mục “quốc doanh” của nước này đang gây nhiều ngỡ ngàng và tranh luận.

Theo ký giả John Allen Jr., Vatican có một lịch sử lâu dài muốn thỏa hiệp với Bắc Kinh, trong một cố gắng dọn đường cho việc thiết lập các liên hệ ngoại giao và tạo ra một cái khung luật pháp vững ổn hơn cho sinh hoạt của Giáo Hội tại Trung Hoa.

Nhưng cái lịch sử ấy không hề thẳng thừng mà hết sức quanh co, nhiều bất ngờ. Vì trong 1 phần 4 thế kỷ qua, có lúc, rõ ràng có “tan đá”: nói tốt cho Đức Giáo Hoàng trên báo chí Trung Hoa hay 1 vị giám mục được trả tự do, khiến nhiều người, kể cả những tờ báo như The Economist, cho rằng sắp sửa có đột phá! Nhưng rồi sau đó, lại thụt lùi: 1 nhà thờ bị san bằng, 1 linh mục bị bắt, người Trung Hoa khó chịu vì 1 lời nói nào đó của 1 viên chức Tòa Thánh… Sáu tháng sau, ta lại trở lại như lúc ban đầu!

Allen cho rằng lần này cũng sẽ thế thôi! Lý do: cản trở chính không phải ở phía Tòa Thánh, người luôn mong tiến lên phía trước. Cản trở chính nằm ở phía kia: có những người Trung Hoa vẫn sợ Tây Phương.

Nhưng tại sao Tòa Thánh lại muốn tiến lên phía trước? Allen cho rằng có thể có 4 lý do sau đây:

Lý do thứ nhất, sự kiện căn cốt là có những người Công Giáo tại Trung Hoa, khoảng từ 10 tới 15 triệu người. Dù những người này không chịu bách hại thể lý, nhưng rõ ràng họ chịu nhiều xách nhiễu và hạn chế về sinh hoạt tôn giáo và 1 tư thế công dân hạng nhì.

Cũng rõ ràng là Tòa Thánh muốn cải thiện tình thế trên.

Lý do thứ hai, cũng có một thúc đẩy ngoại giao song song với thúc đẩy mục vụ. Tòa Thánh có đội ngũ ngoại giao của mình, khát vọng trở thành tiếng nói của lương tâm trên diễn đàn hoàn cầu, chưa bao giờ như thế bằng dưới thời Đức Phanxicô, lúc, từ di dân và thay đổi khí hậu tới giải giới hạch nhân và các nguy cơ “thực dân ý thức hệ”, Tòa Thánh rất tích sực trên nhiều mặt trận đa dạng.

Hiển nhiên, Trung Hoa hiện đã ở trong một nhóm nhỏ các đại cường đang nắm giữ vận mệnh thế giới và càng ngày càng như thế hơn nữa khi họ dần dà mở rộng các khả năng chính trị, kinh tế và quân sự của họ. Thành thử, Tòa Thánh hiểu rằng nếu không trực tiếp nói chuyện với Bắc Kinh, hình như mình đang lỡ bước!

Thứ ba, có một thứ mơ mộng sâu xa nào đó về Trung Hoa trong tâm thức Công Giáo từ nhiều thế kỷ qua, liên hệ tới các nhân vật đã thành huyền sử như Matteo Ricci và Thánh Phanxicô Xaviê. Đồng thời cũng có một hối tiếc khôn nguôi nào đó vì đã bỏ lỡ cơ hội nhân vụ tranh luận về việc thờ cúng tổ tiên trong thế kỷ 17 và 18, khiến cản ngăn việc khai phá 1 Giáo Hội “thực sự Công Giáo và thực sự Trung Hoa”.

Từ đó, vẫn có hoài mong được cắn một cắn nữa vào trái táo và Tòa Thánh tin rằng một thỏa hiệp chính thức với Trung Hoa sẽ làm cho việc này thành khả hữu.

Thứ tư, Tòa Thánh cũng hiểu Trung Hoa có tiềm năng truyền giáo mênh mông, dù đôi khi lao đao không biết phải làm gì trong vấn đề này.

Nhiều nhà chuyên môn coi Trung Hoa như “thị trường thiêng liêng” thực sự có tính cạnh tranh nhất hoàn cầu hiện nay. Dù bất cứ điều gì xẩy ra, Kitô Giáo vẫn sẽ là tôn giáo đa số tại Âu Châu và Bắc Mỹ, Ấn Độ Giáo sẽ chiếm đa số tại Ấn Độ, Hồi Giáo chiếm đa số tại Trung Đông còn Phi Châu thì được phân chia giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Tuy nhiên, ở Trung Hoa, sự việc hình như đang sẵn đó để ta nắm lấy. Khổng giáo là một triết lý đạo đức học, hơn là một tôn giáo và 70 năm chủ nghĩa vô thần chính thức ít nhiều đang nằm xoài bên vệ đường nhường chỗ cho một khao khát tâm linh có thể rờ mó được.

Thế nhưng, trong khi Đạo Công Giáo cùng lắm chỉ duy trì được cùng một nhịp gia tăng như việc gia tăng dân số thông thường của cả nước trong 70 năm qua, thì người Thệ Phản, nhất là Tin Lành và Ngũ Tuần, đang bùng nổ ở đấy. Từ non một triệu tín đồ vào lần thống kê cuối cùng năm 1949, con số tín đồ Thệ Phản hiện nay là từ 60 tới 100 triệu người, đặt Trung Hoa trên đường trở thành “quốc gia Kitô Giáo lớn nhất trên thế giới” vào giữa thế kỷ 21.

Tòa Thánh hình như tin rằng cách khôn ngoan là tạo được 1 cái khung luật pháp vững ổn trước khi khuyến khích việc phát triển công cuộc truyền giáo, nhưng Tòa này cũng nên hiểu phải hành động nhanh kẻo sẽ quá trễ.

Các yếu tố trên giúp ta hiểu tại sao Tòa Thánh muốn nói chuyện và tỏ ra nhân nhượng đối với Trung Hoa.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, không biết chiến lược lâu dài nhằm cùng một lúc công khai hóa Giáo Hội hầm trú và thúc đẩy để có nhiều tự do hơn cho giáo hội “thống nhất” này có thành công hay không.

Phil Lawler, một ký giả bảo thủ, thì nghĩ rằng muốn gì thì muốn, cần có sự nhìn nhận nhau: Tòa Thánh nhìn nhận các giám mục “quốc doanh”, ngược lại, chính phủ Trung Hoa phải thừa nhận các giám mục “hầm trú”. Hiện nay, hình như chỉ có Tòa Thánh nhúc nhích trong khía cạnh này: các giám mục “hầm trú” ngày một mất đi nhường chỗ cho các giám mục “quốc doanh”.

Trong khi ấy, Tuần Báo America, dựa vào 1 nguồn tin dấu tên của Vatican, cho hay: một thỏa hiệp do các cuộc thương thuyết giữa Tòa Thánh và Trung Hoa hồi tháng 12 năm 2017 sắp sửa được chính thức ký kết. Có lẽ vào kỳ họp tới tại Vatican giữa đại diện Tòa Thánh và đại diện chính phủ Trung Hoa dịp Tết Âm Lịch. Dịp này, theo Tuần Báo America, phái đoàn Tòa Thánh sẽ trao cho phái đoàn Trung Hoa sắc lệnh ân xá và thừa nhận 7 giám mục “quốc doanh”, mở đường cho việc ký kết thỏa hiệp.

Tin trên được hãng tin Reuters xác nhận, dù Tòa Thánh chưa chính thức bình luận gì. Hãng Reuters gọi thỏa hiệp này là thỏa hiệp khung, chủ yếu nói đến vấn đề bổ nhiệm giám mục, nhằm thống nhất hai thực thể “hầm trú” và “quốc doanh” hiện nay của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa.

Thương thảo với Qủy Dữ

George Weigel, tác giả cuốn tiểu sử nổi danh về Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thì cho rằng “thương thảo với Qủy Dữ chưa bao giờ là việc làm tốt (long suit) của ngành ngoại giao Vatican”.

Tác giả trên đưa ra các điển hình: Năm 1929, Vatican ký Thỏa Ước Lateran với Mussolini nhằm bảo đảm tự do hành động của Giáo Hội Công Giáo. Hai năm sau, trước các hành động bách hại các nhóm thanh niên Công Giáo và nhất là chiến dịch truyền thông phản giáo sĩ, Đức Piô XI phải ra thông điệp nẩy lửa Non abbiamo bisogno lên án “việc tôn thờ Nhà Nước” của chủ nghĩa phátxít.

Năm 1933, ngành ngoại giao Tòa Thánh thương thảo với chế độ Hitler nhằm bảo vệ Giáo Hội Công Giáo khỏi nhà nước toàn trị qua một mạng lưới các bảo đảm luật pháp. Chiến lược này ít thành công đến độ năm 1937, sau nhiều vụ tấn công các giáo phẩm và các tổ chức Công Giáo của Quốc Xã, Đức Piô XI đã kết án ý thức hệ giống nòi của Hitler bằng thông điệp nẩy lửa không kém, tức thông điệp Mit brennender Sorge.

Rồi đến chính sách bình thường hóa (Ostpolitik) cuối thập niên 1960 và thập niên 1970, trước điều gọi là “vũng lầy đông đá” (frozen swamp) áp chế Cộng Sản sau bức màn sắt, ngành ngoại giao của Tòa Thánh với Đức Tổng Giám Mục Agostino Casaroli, bắt đầu thương thảo một loạt thỏa hiệp với các chính phủ Cộng Sản, nhằm duy trì sinh hoạt bí tích cho các giáo hội tại các nơi ấy. Kết quả: hàng giáo phẩm Hung trở thành chi nhánh của Đảng Cộng Sản Hung. Tại Tiệp Khắc, những người Công Giáo thân thiện với chế độ nổi bật trong Giáo Hội, còn những người Công Giáo “hầm trú” phải lao đao mới sống còn được.

Theo Weigel, đáng lẽ các nhà ngoại giao của Tòa Thánh nên dựa vào đó để “xét mình”, thì, trong cuộc thuơng thảo với nhà cầm quyền Trung Hoa hiện nay, người ta chưa thấy dấu hiệu nào rõ ràng là họ đã làm thế ở cấp cao nhất của ngành ngoại giao Tòa Thánh. Trong khi ấy, thì một thỏa hiệp sắp sửa được ký kết giữa đôi bên.

Nói về thỏa hiệp trên, cũng theo Weigel, một viên chức ngoại giao dấu tên của Tòa Thánh cho hay, đây là thoả hiệp “tốt nhất trong lúc này” mà mình phải nắm lấy, “vì không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra trong 20 năm tới”.

Theo Weigel, nhận định trên chứng tỏ viên chức này không hề “xét mình” dựa vào những thỏa hiệp đã ký trước đây rồi bị làm ngơ. Người Cộng Sản 20 năm sau vẫn là người Cộng Sản bây giờ, có khi còn tệ hơn, nếu Tập Cẩn Bình thành công trong việc “Trung Hoa hóa” mọi sự, lúc ấy, hắn còn coi cái thỏa hiệp này ra cái thá gì nữa không?

Mặt khác, theo Weigel, điển hình ngay trước mắt dường như cũng không được các nhà ngoại giao Tòa Thánh lưu ý: Các người Thệ Phản Tin Lành nhờ bất chấp chế độ, bằng lòng với hình thức “phong trào giáo hội tại gia đầy tính anh hùng” nên đã lôi cuốn được nhiều tín hữu hơn Công Giáo.

Lý do có thể, như Weigel nói, “các nhà ngoại giao Vatican, phần lớn người Ý, lâu nay vốn bị ám ảnh bởi việc phải đạt cho bằng được việc trao đổi ngoại giao đầy đủ với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong nhiều thập niên qua.” Họ lý luận rằng Trung Hoa là đại cường đang lên của thế giới và để Giáo Hội đóng 1 vai trò trên diễn đàn thế giới, cần phải có việc tiếp xúc ngoại giao với Bắc Kinh.

Weigel coi đó là một ảo tưởng dựa trên giấc mộng của các nhà ngoại giao người Ý của Tòa Thánh. Những người này coi Tòa Thánh là 1 Nước Giáo Hoàng, một đại cường Âu Châu, muốn được các siêu cường thừa nhận. Nhưng thật ra, uy thế duy nhất Tòa Thánh có được là uy thế tinh thần, nhờ việc bảo vệ nhân quyền đầy tính hy sinh. Thành thử làm thế nào một thỏa hiệp với chế độ toàn trị Trung Hoa, một chế độ đang cầm tù và tra tấn Kitô hữu, lại có thể làm tăng uy thế tinh thần kia? Vả lại làm sao giải thích được sự phản bội đối với các giám mục cả đời chịu trăm cay nghìn đắng chỉ để trung thành với Tòa Thánh?

Weigel chua cay cho rằng thay vì thực tiễn, ngành ngoại giao của Tòa Thánh có thái độ khuyển nho (cynicism) không thích hợp chút nào với một ngành ngoại giao lấy phương châm là “sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8:32).

Nhà khoa bảng xã hội nói chuyện ngoại giao

Không riêng gì ngành ngoại giao của Tòa Thánh, tin báo chí ngày 6 tháng 2, 2018, còn cho biết một vị khoa bảng trong giáo triều Rôma vừa lên tiếng, sau chuyến viếng thăm Trung Hoa lần đầu tiên, rằng “Hiện nay, những người thi hành tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo Hội là người Trung Hoa”. Đó là lời tuyên bố của Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, chưởng ấn Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học Xã Hội.

Vị này giải thích: “bạn không thấy những khu ổ chuột, bạn không thấy ma túy, thanh thiếu niên không dùng ma túy”. Thay vào đó, có “một ý thức quốc gia tích cực”.

Ngài còn cho tờ Vatican Insider (ấn bản Tây Ban Nha) hay: ở Trung Hoa “kinh tế không thống trị chính trị, như diễn ra ở Hoa Kỳ, một số người Hoa Kỳ có lẽ sẽ nói thế”.

Về môi trường, Đức Cha Sánchez Sorondo nói rằng Trung Hoa thi hành thông điệp Laudato Si’ tốt hơn mọi quốc gia khác. Ngài tố cáo Tổng Thống Trump bị các công ty dầu quốc tế “thao túng”, chống lại “tư duy cấp tiến”, trong khi người Trung Hoa làm việc vì lợi ích to lớn hơn của hành tinh.

Không lạ gì, Steven Mosher, một nhà tranh đấu chống Trung Quốc lâu nay đến nỗi bị trục xuất khỏi Đại Học Standford, người có tên Trung Hoa là Maosidi (nhại tên Mao Trạch Đông) và cưới vợ người Trung Hoa, mỉa mai nhận định: ngồi xe bóng loáng có tài xế và ở khách sạn 5 sao làm sao thấy nhà ổ chuột!

Mosher trích dẫn phúc trình của Ủy Ban Kiểm Soát Ma Túy Toàn quốc mới đây, cho hay: “vấn đề ma túy ở Trung Hoa trầm trọng và đang gia tăng”. Trung Hoa là nước sản xuất các chất nha phiến chính như fentanyl và xuất khẩu đi khắp nơi.

Previous articlePhòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc
Next articleLừa và ngựa