Hơi thở xúc cảm

91

Hơi thở xúc cảm

Ronald Rolheiser, 2006-10-29

Một trong những điều làm cho cha Henri Nouwen thành một tác giả được yêu mến là sự trung thực không hề che chắn của cha. Cha hầu như không giấu điều gì về bản thân mình.

Và một trong những điều cha có thể cất tiếng nói là cuộc chiến đấu liên tục để được đoan chắc, được khiến cho cảm thấy mình là người đặc biệt, được cảm động, được cảm phục, được cảm nhận các dấu hiệu rõ rệt của tình yêu. Rất nhiều lần, trong nhật ký của cha, cha chia sẻ khát khao này với chúng ta. Ngôn từ có thể thay đổi nhưng luôn luôn là lời cầu xin qua những hàng chữ:

Hôm nay tôi không còn chịu đựng nổi những hắt hủi dù rất nhỏ – một nụ cười châm biếm, một nhận xét thiếu nghiêm túc, một sự chối bỏ thẳng thừng, một sự im lặng cay đắng, một thất bại được nhắc đến, đồng nghiệp lạnh lùng, người tôi thương có thái độ dửng dưng, mệt mỏi giằng dai, thiếu một người tri âm, nỗi cô đơn không tài nào giải thích được. Tôi cảm thấy trống rỗng, cô đơn, sợ hãi, bất an, không tin vào bản thân mình. Và tôi tìm kiếm quanh xem có ai mời tôi, có thư, có ai điện thoại, có quà, ánh mắt ai đó nhìn mắt tôi thông cảm, cử chỉ nồng ấm nào đó hàn gắn tâm hồn trống rỗng của tôi. Và ngay lúc này tôi không đặc biệt muốn Chúa, đức tin, nhà thờ hay kể cả một tâm hồn cao thượng. Tôi chỉ muốn được ở trong tay, được ôm, được một người đặc biệt yêu thương tôi, cho tôi cảm nhận tôi là người duy nhất, được một tâm hồn tri kỷ hôn tôi. Tôi cần một người cho tôi cảm nhận tôi là một con người trọn vẹn, đích thực.

Những gì cha Nouwen nói ở đây không phải là một tình trạng lo âu cực độ, thiếu trưởng thành, quá yêu mình hoặc thiếu tình mật thiết. Những gì cha Nouwen cảm nhận đều đúng cho cha cũng như cho bất cứ ai trong chúng ta – không ngày này thì ngày khác- những gì cha diễn tả nói lên cuộc chiến đấu của con người để có sự trưởng thành trong cảm xúc và tâm linh.. Và cuộc chiến đấu này không dễ dàng chút nào.

Chúng ta sinh ra chưa phải đã đơn giản, đã trưởng thành,đã trọn vẹn, đã là thánh. Đây là cuộc hành trình của cả đời. Chúng ta sinh ra đơn độc, ham muốn, bứt rứt, phức tạp với những bản năng ích kỷ, cực mạnh, vẫn còn tồn tại kể cả khi mình đã trưởng thành. Cha Nouwen nói lên cái đau đớn và áp lực mà chúng ta cảm nhận trong lòng mình do các bản năng này.

Và đó không chỉ là vấn đề đi tìm một tình thân và ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta (nơi người phối ngẫu, gia đình, bạn thân, một người để giao du, công việc có ý nghĩa). Có được những điều này có thể có ích nhưng không có gì bảo đảm là cuối cùng nó sẽ xóa đi nỗi cô đơn trong lòng chúng ta và tái lập hệ thống bản năng của chúng ta, và rồi sẽ đến cái ngày không tránh được, khi nỗi đau đớn – mà cha Nouwen cảm nhận – bắt đầu gặm nhấm trong lòng chúng ta. Cảm nhận nhu cầu cần khẳng định rõ rệt con người mình không phải là dấu hiệu của một chuyện gì xấu cho đời chúng ta nhưng đơn giản là chúng ta khỏe mạnh về mặt cảm xúc, không chai sạn, không méo mó, không trầm cảm. Rốt cùng, khỏe mạnh là cảm nhận mình cần một quan hệ với một người dù theo một cách bản năng tới mức khiến chúng ta phải quỳ gối xuống.

Và điều này không chỉ gây đau đớn về mặt cảm xúc, nó còn gây hoang mang về tinh thần. Khi chúng ta đem sự căng thẳng này vào lời cầu nguyện và xin Chúa xóa bỏ nó đi, thường thường hình như Chúa chẳng nghe thấu lời cầu nguyện của chúng ta. Căng thẳng vẫn còn và đôi khi còn nặng nề hơn. Tại sao?

Không phải Chúa chưa nghe thấy lời cầu nguyện của chúng ta, mà vì chúng ta đang được cai sữa, như những em bé trong thời kỳ cai sữa mẹ. Và điều đang xảy ra là: các bản năng tự nhiên của chúng ta ấn định cho chúng ta một cách thở với các cảm xúc của mình. Những gì cho chúng ta năng lượng, dưỡng khí xúc cảm, là những cảm nhận lành mạnh khi chúng ta thấy mình được yêu thương một cách rõ rệt, một khẳng định xúc cảm rõ ràng, thích được đụng chạm thương yêu, thích được có thú vui thể xác. Vấn đề không phải ở chỗ những tình cảm đó là sai, chỉ là chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành nếu động lực sống với và phụng sự những người khác của chúng ta phải phụ thuộc vào việc luôn luôn phải cảm thấy như vậy. Chúng ta cũng sẽ không bao giờ trưởng thành nếu một cách vô thức, chúng ta cứ tiếp tục nói: tôi sẽ yêu bạn và sẽ ở bên cạnh bạn miễn là có cái gì đó cho tôi.

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc và tâm linh đòi hỏi rằng cuối cùng chúng ta chọn lựa yêu thương, chọn lựa phụng sự, chọn lựa cầu nguyện và chọn lựa Chúa, không phải dựa trên cơ sở cảm xúc, mà trên những giá trị, sự thật và sự thiện lành. Chúng ta trưởng thành khi tình yêu là một quyết định không dựa trên một mối lợi lộc về cảm xúc mà dựa trên bản chất thiện lành nằm ở nơi người khác.

Nhưng muốn đến được đó, chúng ta cần phải học cách thở với xúc cảm. Các đau đớn cùng cực mà đôi khi chúng ta cảm nhận chúng ta chẳng muốn gì hơn trên đời là được gần nhau bằng thể xác và xúc cảm mà chúng ta không có được, về cốt yếu chẳng khác gì cuộc cai sữa, cái đau đớn của đứa bé khóc thét cho tới lúc ngủ thiếp đi vì không còn được mẹ ôm nữa, nhưng đứa bé phải học một cách khác hơn để lớn lên ngoài vòng tay ôm của mẹ. Các lời cầu nguyện của chúng ta có vẻ như không được Chúa nhận lời, vì Chúa như bà mẹ hiền, biết rằng nếu vẫn duy trì một vài loại xúc cảm thì chỉ làm chậm tiến trình của điều không tránh được. Trưởng thành là học thở với xúc cảm theo một cách mới.

Khoa huyền bí gọi đó là «đêm tăm tối của tâm hồn». Và chúng ta ở một trong các đêm tối này mỗi khi chúng ta cảm nhận cô quạnh làm chúng ta phải quỳ gối xuống van xin một kiểu đụng chạm hữu hình, dù ít nhất là trong chốc lát, để chúng ta cảm thấy mình trọn vẹn lại.

Ronald Rolheiser