HƯỚNG DẪN ĐỌC CỰU ƯỚC

166

HƯỚNG DẪN ĐỌC CỰU ƯỚC

Nguyên tác “Pour lire l’Ancien Testament” của Etienne Charpentier,

Nxb Les Éditions du Cerf, xuất bản lần thứ 12, Paris 1990

MỤC LỤC

NHƯ MỘT CHUYẾN DU LỊCH……………………………………………. 10
CHUẨN BỊ CUỘC DU LỊCH……………………………………………. 12
1/ THÁNH KINH………………………………………………………………. 14
MỘT QUYỂN SÁCH HAY MỘT THƯ VIỆN ?…………………… 14

  1. DANH TỪ………………………………………………………………….. 14
  2. NHỮNG SÁCH…………………………………………………………. 14
  3. XẾP LOẠI……………………………………………………………….. 15
  4. NGÔN NGỮ……………………………………………………………. 16
  5. PHÂN ĐOẠN VÀ PHÂN CÂU…………………………………. 17

2/ MỘT DÂN TỘC NHÌN LẠI DÒNG ĐỜI CỦA MÌNH…….. 19
3/ ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN……………………… 25

  1. PHÂN TÍCH LỊCH SỬ………………………………………………… 27
  2. PHÂN TÍCH CƠ CẤU……………………………………………….. 30
  3. MỘT DỤ NGÔN………………………………………………………. 32

“HỘP ĐỒ NGHỀ”……………………………………………………………… 33

  1. TIẾP XÚC SƠ KHỞI………………………………………………….. 33
  2. NGHIÊN CỨU BẢN VĂN………………………………………… 33
  3. ĐỌC BẢN VĂN………………………………………………………. 35

4/ MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI ĐỊA DƯ CỦA NÓ
………………………………………………………………………………………… 35

  1. NHỮNG NỀN VĂN MINH LỚN………………………………… 35
  2. CANAAN…………………………………………………………………. 37

5/ MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI NÃO TRẠNG TRUNG ĐÔNG          38

  1. NÃO TRẠNG AI CẬP………………………………………………… 38
  2. NÃO TRẠNG LƯỠNG HÀ ĐỊA………………………………… 40
  3. TƯ TƯỞNG CANAAN…………………………………………….. 42
  4. NÃO TRẠNG THÁNH KINH…………………………………… 43

6/ MỘT NGÀN NĂM LỊCH SỬ hay là………………………………… 47
NHỮNG GIAI ĐOẠN LỚN CỦA ISRAEL………………………… 47

  1. VƯƠNG QUỐC CỦA ĐAVÍT-SALOMON…………………. 47
  2. HAI VƯƠNG QUỐC : GIUĐA VÀ ISRAEL………………. 47
  3. LƯU ĐÀY Ở BABYLONE……………………………………….. 48
  4. DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA BATƯ……………………………… 49
  5. DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA HY LẠP RỒI RÔMA………… 49

CHƯƠNG IBIẾN CỐ XUẤT HÀNH……………………………………. 50
Bài 1ĐỌC BẢN VĂN………………………………………………………. 52

  1. ĐỌC LẦN ĐẦU…………………………………………………………. 52
  2. ĐỌC LẦN THỨ HAI…………………………………………………. 52
  3. NGHIÊN CỨU XUẤT HÀNH 13,17-14,31………………… 56
  4. BÀI CA CHIẾN THẮNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CỨU : Xh 15,1-21 64

Bài 2XUẤT HÀNH BIẾN CỐ THÀNH LẬP DÂN……………. 68

  1. MỘT BIẾN CỐ THÀNH LẬP DÂN…………………………….. 68
  2. MỘT CUỘC GẶP GỠ THIÊN CHÚA………………………… 69
  3. MỘT QUÁ KHỨ LUÔN LÀ HIỆN TẠI…………………….. 69

Bài 3XUẤT HÀNH ĐÃ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO ?………… 71

  1. THẾ NÀO LÀ MỘT BIẾN CỐ LỊCH SỬ ?…………………… 71
  2. XUẤT HÀNH ĐÃ DIỄN RA THẾ NÀO ?…………………… 72

CHƯƠNG IIVƯƠNG QUỐC CỦA GIÊRUSALEM……………… 76
Bài 1LỊCH SỬ…………………………………………………………………. 76

  1. TỪ XUẤT HÀNH ĐẾN ĐAVÍT…………………………………… 76
  2. ĐAVÍT……………………………………………………………………… 77
  3. SALÔMON……………………………………………………………… 79
  4. HAI VƯƠNG QUỐC……………………………………………….. 80

Bài 2LỊCH SỬ THÁNH JAHVISTE………………………………….. 82

  1. MỘT BẢN VĂN CHÌA KHOÁ : St 12,1-3……………………. 84
  2. ĐỌC VÀI BẢN VĂN………………………………………………… 84
  3. TƯỜNG THUẬT VỀ CUỘC TẠO DỰNG St 2,4-3,24…. 90

Bài 3NHỮNG NGÔN SỨ CỦA VƯƠNG QUỐC GIUĐA… 101

  1. NATAN……………………………………………………………………. 101
  2. ISAIA……………………………………………………………………… 102
  3. MIKHA………………………………………………………………….. 104

CHƯƠNG IIIVƯƠNG QUỐC PHÍA BẮC (935-721)…………… 107
Bài 1LỊCH SỬ……………………………………………………………….. 107

  1. HOÀN CẢNH ĐỊA DƯ…………………………………………….. 107
  2. HOÀN CẢNH KINH TẾ………………………………………….. 108
  3. HOÀN CẢNH TÔN GIÁO……………………………………… 108
  4. HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ…………………………………….. 109
  5. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI……………………………………. 109
  6. DÂN SAMARIA SAU NĂM 721…………………………….. 110

Bài 2NHỮNG NGÔN SỨ CỦA VƯƠNG QUỐC PHÍA BẮC112

  1. ÊLIA………………………………………………………………………… 112
  2. AMOS – NGÔN SỨ CỦA ĐỨC CÔNG BÌNH…………… 115
  3. HÔSÊ – NGÔN SỨ CỦA TÌNH THƯƠNG……………….. 116
  4. NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN Hs 2,4-25……………… 117

Bài 3LỊCH SỬ THÁNH CỦA PHÍA BẮC HAY LÀ TRUYỀN THỐNG ELOHISTE         120

  1. GIAO ƯỚC SINAI Xh 19-20…………………………………….. 122
  2. HIẾN TẾ ISAAC : St 22,1-13.19……………………………….. 122

Bài 4LƯỚT QUA LỊCH SỬ THÁNH CỦA PHÍA BẮC……. 124
CHƯƠNG IVGIAI ĐOẠN CUỐI CỦA VƯƠNG QUỐC GIUĐA 721-587     129
Bài 1LỊCH SỬ……………………………………………………………….. 129

  1. GIUĐA TỪ 933 ĐẾN 721………………………………………….. 129
  2. GIUĐA GIỮA 721 VÀ 587………………………………………. 130
  3. CÚ SỐC DO VIỆC ISRAEL SỤP ĐỔ NĂM 721………. 132

Bài 2SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT……………………………………………. 135

  1. SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT HIỆN NAY VÀ LỊCH SỬ CỦA NÓ

…………………………………………………………………………………… 135

  1. MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG…………………………………. 139
  2. VÀI BẢN VĂN ĐỆ NHỊ LUẬT………………………………. 140
  3. NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN : LỄ TẠ ƠN ĐẦU MÙA Đnl 26,1-11           141

Bài 3TRUYỀN THỐNG JÉHOVISTE (J-E)……………………… 145
Bài 4NHỮNG NGÔN SỨ CỦA GIUĐA THẾ KỶ VI………. 148

  1. NAKHUM………………………………………………………………… 148
  2. XÔPHÔNIA……………………………………………………………. 148
  3. KHABACUC…………………………………………………………. 149
  4. GIÊRÊMIA……………………………………………………………. 151

CHƯƠNG VTHỜI LƯU ĐÀY Ở BABYLONE 587-538………. 156
Bài 1LỊCH SỬ……………………………………………………………….. 156

  1. MƯỜI NĂM ĐIÊN LOẠN : 597-587………………………….. 156
  2. PHÉP LẠ CỦA CUỘC LƯU ĐÀY……………………………. 157
  3. BÊN BỜ SÔNG BABYLONE…………………………………. 158
  4. ĐẤNG MESSIA MANG TÊN CYRUS……………………. 159

Bài 2CÁC NGÔN SỨ THỜI LƯU ĐÀY………………………….. 162

  1. ĐỆ NHỊ ISAIA “TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI HÔ LỚN” : Is 40-55          165

Bài 3SÁCH LÊVI…………………………………………………………… 169

  1. CẦN CÓ NHHỮNG LỄ NGHI………………………………….. 169
  2. “CÁC NGƯƠI HÃY NÊN THÁNH, VÌ TA LÀ THÁNH !”

…………………………………………………………………………………… 169

  1. “MÁU CHÍNH LÀ SỰ SỐNG” Lv 17,11.14……………… 171
  2. VIỆC SOẠN THẢO SÁCH LÊVI……………………………. 173
  3. VÀI VĂN BẢN CỦA SÁCH LÊVI………………………….. 174

Bài 4LỊCH SỬ TƯ TẾ…………………………………………………….. 175

  1. MỘT BẢN VĂN CHÌA KHOÁ St 1,28………………………. 177
  2. ĐỌC LƯỚT QUA TRUYỀN THỐNG P…………………….. 177
  3. TƯỜNG THUẬT TẠO DỰNG : St 1,1-2,4………………… 180

CHƯƠNG VIISRAEL DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA BA TƯ 538-333
………………………………………………………………………………………….. 186
Bài 1LỊCH SỬ……………………………………………………………….. 186

  1. ĐẾ QUỐC BA TƯ…………………………………………………….. 186
  2. LƯU ĐÀY TRỞ VỀ…………………………………………………. 188
  3. NĂM 515 – KỶ NGUYÊN CỦA ĐỀN THỜ THỨ HAI 189
  4. NHỮNG NÉT QUAN TRỌNG………………………………… 190

Bài 2/ NHỮNG NGÔN SỨ THỜI HỒI HƯƠNG………………… 192

  1. KHÁC GAI………………………………………………………………. 192
  2. ĐỆ NHẤT DACARIA : Dcr 1-8………………………………… 192
  3. MALAKHI…………………………………………………………….. 192
  4. GIOEN………………………………………………………………….. 193
  5. ĐỆ TAM ISAIA : Is 56-66………………………………………… 194

Bài 3LUẬT HOẶC NGŨ THƯ……………………………………….. 198

  1. LUẬT………………………………………………………………………. 198
  2. TORAH THÀNH VĂN VÀ TRUYỀN KHẨU…………… 200
  3. DÂN SAMARIA…………………………………………………….. 200
  4. HAI QUYỂN SỬ BIÊN NIÊN – SÁCH ÉT-RA VÀ SÁCH NƠKHEMIA        201

Bài 4/ SỰ KHÔN NGOAN……………………………………………….. 203

  1. AI LÀ NGƯỜI KHÔN NGOAN (HAY HIỀN SĨ) Ở

ISRAEL ?…………………………………………………………………….. 204

  1. NHỮNG SÁCH VỀ KHÔN NGOAN TRONG THỜI BATƯ

…………………………………………………………………………………… 205
CHƯƠNG VII: ISRAEL DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA HY LẠP (333- 63) 213
VÀ ROMA (sau năm 63)………………………………………………………. 213
Bài 1/ LỊCH SỬ……………………………………………………………….. 213

  1. ISRAEL DƯỚI QUYỀN NHÀ LAGOS : 333-198……….. 214
  2. ISRAEL DƯỚI QUYỀN NHÀ SELEUCOS 198-63…… 215
  3. NHỮNG HỆ PHÁI DO THÁI…………………………………… 216

Bài 2/MỘT NGÔN SỨ THỜI HY LẠP ĐỆ NHỊ DACARIA. 218
Bài 3/NHỮNG SÁCH VỀ KHÔN NGOAN………………………. 222

  1. QOHELET HOẶC GIẢNG VIÊN……………………………… 222
  2. TÔBIA (thuộc đệ nhị thư quy)……………………………………. 222
  3. DIỄM CA………………………………………………………………. 223
  4. SIRACIDE HAY HUẤN CA………………………………….. 224

Bài 4/NHỮNG TÁC PHẨM RƠI RỚT TRONG THỜI MACABÊ
………………………………………………………………………………………. 225

  1. GIUĐITHA (Đệ nhị thư quy) và ÉT-TE……………………….. 226
  2. 2 MACABÊ (Đệ nhị thư quy)…………………………………….. 226
  3. 1 MACABÊ (Đệ nhị thư quy)…………………………………… 228

Bài 5/ CÁC SÁCH KHẢI HUYỀN……………………………………. 229
Bài 6/ SÁCH ĐANIEN…………………………………………………….. 232

  1. NHỮNG CHUYỆN ĐẠO ĐỨC hoặc CHUYỆN HÀI HƯỚC ĐEN : Đn 1-6      232
  2. MỘT ĐOẠN KHẢI HUYỀN : Đn 7-12……………………… 235

Bài 7/ KHÔN NGOAN Ở DIASPORA……………………………… 238

  1. SÁCH BARÚC (Đệ nhị thư quy)………………………………… 238
  2. SÁCH KHÔN NGOAN (Đệ nhị thư qui)……………………. 239

CHƯƠNG VIII: CÁC THÁNH VỊNH………………………………….. 244
Bài 1/ TỔNG QUÁT…………………………………………………………. 244

  1. NHỮNG TIẾNG KÊU CỦA CON NGƯỜI………………… 244
  2. HAI LOẠI NGÔN NGỮ………………………………………….. 245
  3. NGÔN NGỮ CỦA MỘT THỜI ĐẠI………………………… 246
  4. CÁCH ĐÁNH SỐ CÁC THÁNH VỊNH………………….. 247
  5. NHỮNG VĂN THỂ…………………………………………………. 247

Bài 2/NHỮNG THÁNH VỊNH LÊN ĐỀN TV 120-134……… 249

  1. VĂN THỂ………………………………………………………………… 249
  2. THI VĂN HÍP-RI…………………………………………………….. 250
  3. HÌNH ẢNH……………………………………………………………. 250
  4. LIÊN HỆ VỚI SÁCH THÁNH………………………………… 251
  5. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA KITÔ HỮU…………………….. 252

Bài 3/THÁNH VỊNH TÁN TẠ THIÊN CHÚA CỨU TINH VÀ TẠO HOÁ  255

  1. THIÊN CHÚA CỨU TINH………………………………………… 256
  2. THIÊN CHÚA TẠO HOÁ………………………………………… 256
  3. CƠ CẤU CỦA NHỮNG THÁNH VỊNH TÁN TẠ……. 256
  4. LỜI NGUYỆN CỦA CHÚNG TA…………………………… 257
  5. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH…………………………. 258

Bài 4/THÁNH VỊNH TÁN TẠ THIÊN CHÚA Ở KỀ BÊN… 261

  1. EMMANUEL : THIÊN-CHÚA-Ở-VỚI-TA…………………. 261
  2. THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN TRONG ĐỀN THỜ……….. 261
  3. THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN BẰNG LUẬT CỦA NGÀI 262
  4. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH……………………….. 263

Bài 5/ THÁNH VỊNH HY VỌNG…………………………………….. 267

  1. CHÚA LÀ VUA……………………………………………………….. 267
  2. SINH NHẬT CỦA VUA………………………………………….. 268
  3. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH………………………… 269

Bài 6/CÁC THÁNH VỊNH XIN ƠN VÀ TẠ ƠN………………. 273
Bài 7/CÁC THÁNH VỊNH CẦU NGUYỆN ĐỂ SỐNG…….. 278

  1. CA NGỢI NGƯỜI CÔNG CHÍNH hay là TÔN KÍNH CÁC THÁNH    278
  2. TÔN KÍNH LUẬT…………………………………………………… 279
  3. VẤN ĐỀ THƯỞNG PHẠT……………………………………… 279
  4. NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH……………………….. 280

CHƯƠNG CUỐI: CUỐI CUỘC HÀNH TRÌNH…………………… 283

NHƯ MỘT CHUYẾN DU LỊCH


Khi ta muốn làm một chuyến du lịch, điều cần thiết trước tiên là phải có trong tay một tập hướng dẫn, trong đó có ghi lộ trình nên theo, những nơi cần tham quan và tóm lược lịch sử của xứ đó. Quyển sách này cũng muốn là một tập hướng dẫn bạn du lịch tham quan Thánh kinh.
Do đó nó khiêm tốn. Rất đơn sơ, chỉ nhằm giúp cho bạn nào chưa từng đọc Thánh kinh, hoặc bạn nào đã thử đọc nhưng đã chán nản bỏ cuộc, để các bạn ấy có thể đọc cách tương đối dễ dàng (nhưng chẳng phải là không cần làm việc đâu nhé !).
Tuy nhiên nó cũng tham vọng vì muốn trao tặng bạn tất cả những chìa khóa chủ yếu giúp bạn có thể tự mình đọc Thánh kinh.
Nội dung của quyển sách này như sau : trước tiên là một chương dẫn nhập tổng quát, tiếp đến là 8 chương có cùng bố cục gồm :

  • Một bản toát yếu lịch sử Israel. Mỗi chương có một toát yếu về phần lịch sử liên hệ, nhưng bản toát yếu của 8 chương hợp thành toát yếu về toàn thể lịch sử Israel thời Cựu ước. Vì vậy bạn cũng có thể đọc liền một hơi tất cả 8 bản toát yếu đó.
  • Một bài giới thiệu những tác phẩm được soạn thảo trong giai đoạn lịch sử ấy. Đọc những bài giới thiệu này, bạn sẽ thấy những truyền thống được dần dần phát sinh như thế nào để rồi cuối cùng trở thành Luật (hoặc Ngũ thư) ; bạn cũng sẽ được nghe các ngôn sứ rao giảng ra sao trong giai

đoạn lịch sử của các vị ấy ; và bạn cũng sẽ được biết những suy nghĩ của các hiền sĩ về những vấn đề quan trọng như: thân phận con người, cuộc sống, tình yêu và sự chết v.v…

  • Một số bản văn Thánh kinh được đề nghị cho bạn thử đọc. Đây là những bản văn quan trọng và tiêu biểu của các tác phẩm. Bạn có thể đọc và làm việc một mình, hoặc chung trong một nhóm.
  • Một số tư liệu cần thiết và thuộc nhiều loại như : giải thích những chữ quan trọng hoặc khó hiểu, những chìa khóa giúp đọc bản văn, những bản văn cổ có thể dùng để so sánh với những bản văn trong Thánh kinh, những suy tư thần học hoặc đạo đức… các tư liệu này được in chữ nhỏ hơn.

Bạn sẽ sử dụng tập hướng dẫn này thế nào ? Có thể sử dụng một mình, mà cũng có thể dùng nó để làm việc chung trong nhóm.
Trước tiên nên đọc lướt qua tất cả mọi bài trong chương, nhờ vậy bạn sẽ có được một cái nhìn tổng quát, sẽ biết những bản văn Thánh kinh nào mình phải tìm hiểu sâu hơn, và sẽ thấy trước những điều gì mình thích tìm hiểu kỹ hơn. Sau đó mới đọc lại lần thứ hai, lần này là đọc kỹ từng bài, với quyển Thánh kinh trong tay và làm việc nghiêm túc.
Nếu bạn làm việc theo nhóm thì có thể phân chia công việc : mỗi người tìm hiểu kỹ một bài trong chương, đến ngày họp lại, mỗi người sẽ trình bày vấn đề mình đã tìm hiểu. Làm như thế mọi người trong nhóm sẽ giúp nhau hiểu biết thấu đáo hơn.
Và xin bạn hãy nhớ rằng quyển sách này chỉ là một trong những hướng dẫn bước đầu. Dù sao cũng còn rất tổng quát. Nếu bạn muốn tìm hiểu Thánh kinh một cách sâu sắc

hơn, bạn hãy tìm đọc thêm trong các sách vở những bài viết chuyên sâu về các đề tài quan trọng, chẳng hạn về Cựu ước như : những tường thuật về tạo dựng, Abraham và các tổ phụ, Môsê và cuộc xuất hành v.v… về Tân ước như: những tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu, các phép lạ, các dụ ngôn, cuộc phục sinh v.v…

Chương dẫn nhập tổng quát

CHUẨN BỊ CUỘC DU LỊCH

Trước khi đi du lịch thì phải chuẩn bị một số điều cần thiết, như : phải biết chút ít về địa lý, lịch sử, ngôn ngữ của xứ mình sắp tham quan, một ít câu nói thường dùng…
Chương dẫn nhập này muốn giúp bạn chuẩn bị những điều cần thiết ấy trước khi bạn thực sự khởi hành chuyến du lịch tham quan Cựu ước. Trong chương này, bạn sẽ được biết những vấn đề sau:

  1. Thánh kinh là gì : một quyển sách hay một thư viện ? Một vài hướng dẫn thực tiễn giúp làm quen với Thánh kinh.
  2. Một dân tộc nhìn lại dòng đời của mình. Nhận định về Thánh kinh : “không phải là phóng sự trực tiếp”, mà là suy tư của các tín hữu.
  3. Đọc và tìm hiểu một bản văn Thánh kinh. Hai phương pháp phân tích một bản văn, và một “hộp đồ nghề”.
  4. Một dân tộc được đánh dấu bởi địa lý của nó. Môi trường địa lý và lịch sử của Israel.
  1. Một dân tộc được đánh dấu bởi não trạng trong vùng Trung Đông. Khái quát về tư tưởng của các dân có liên hệ với Israel.
  2. Một nghìn năm lịch sử. Những thời kỳ lớn của Israel.

1/ THÁNH KINH

MỘT QUYỂN SÁCH HAY MỘT THƯ VIỆN ?

  1.  DANH TỪ :

Nguồn gốc của chữ “Thánh kinh” là một danh từ Hy lạp số nhiều ta bilia có nghĩa là “những quyển sách”.
Như vậy Thánh kinh không chỉ là một quyển sách, mà là cả một thư viện trong đó có nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại khác nhau ; được gom thành hai bộ lớn là Cựu giao ước và Tân giao ước, hoặc nói gọn hơn : Cựu ước và Tân ước. Vậy Thánh kinh là toàn bộ những sách viết về Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Israel qua trung gian của ông Môsê (cựu giao ước) và được hoàn thành trong Đức Giêsu (tân giao ước).
Người ta cũng thường gọi Thánh kinh là Văn tự (Ecriture), hoặc Văn tự thánh (Saintes Ecritures). Cách gọi này quan trọng và rất có ý nghĩa :

  1.  
    1. Đây là Lời của Thiên Chúa được viết ra ; vậy thì cũng có thể có Lời Thiên Chúa không được viết ra.
    2. Đối với chúng ta, Lời Thiên Chúa là những gì được viết ra chứ không phải là những biến cố hoặc những lời được thốt ra trước khi được viết. Chúng ta sẽ có dịp trở lại điểm này.
  2.  NHỮNG SÁCH :

Phần thứ nhất của bộ Thánh kinh, Cựu ước, là chung của những người Do thái và Kitô hữu, nhưng với vài khác

biệt : những người Do thái và những người Tin lành chỉ công nhận những sách nào viết bằng chữ Híp-ri, tức là 40 quyển. Những người Công giáo công nhận thêm 6 quyển nữa viết bằng chữ Hy Lạp. 6 quyển này Tin lành gọi “ngụy thư” vì họ không công nhận, còn Công giáo gọi là “thuộc đệ nhị thư quy” vì chúng có mặt trong Thư quy nhưng thuộc hạng nhì (xem tư liệu ở cuối bài).
Phần Tân ước thì như nhau đối với mọi Kitô hữu, gồm 27 quyển.
Thành thử bộ Thánh kinh gồm 67 hoặc 73 quyển.

 

  1.  XẾP LOẠI :

Trong tất cả các ấn bản Thánh kinh dù là của Công giáo hay của Tin lành, cách xếp loại các quyển Tân ước đều như nhau.
Đối với Cựu ước thì có 2 cách xếp loại : a- Người Do thái xếp thành 3 phần:
. Torah, Luật (ta gọi là Ngũ thư).
. Nebiim, các ngôn sứ. Chia thành 2 nhóm : Những ngôn sứ đi đầu (những quyển mà ta gọi lầm là “lịch sử”) và những ngôn sứ đi sau (Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và 12 ngôn sứ khác).
. Ketubim, sách vở.
Ấn bản Kinh thánh Đại kết (TOB) chọn theo cách xếp loại này và ở phần sau có in thêm những quyển mà chỉ có Công giáo công nhận.

b- Đa số các ấn bản Thánh kinh xếp loại theo sách của bộ Thánh kinh Hy Lạp, nghĩa là xếp các sách thành 4 loại : Ngũ thư, những sách lịch sử, những sách Ngôn sứ và những sách Khôn ngoan.

  1.  NGÔN NGỮ :

Toàn thể Cựu ước được viết bằng chữ Híp-ri, trừ một ít đoạn bằng chữ Aram. Hai ngôn ngữ này chỉ viết có phụ âm thôi, người đọc phải đoán ra nguyên âm theo nghĩa mà họ hiểu. Từ thế kỷ VII sau công nguyên (cn), có những học giả Do thái (được gọi là những nhà massorètes) ấn định ý nghĩa của bản văn bằng cách ghi thêm những nguyên âm dưới hình thức những dấu chấm bên trên hoặc bên dưới các phụ âm trong nguyên bản. Vì thế những bản văn được ghi thêm nguyên âm như thế được gọi là những bản massorétiques.
Cựu ước đã được dịch sang chữ Hy Lạp tại Alexandria từ thế kỷ III trước cn. Theo một huyền thoại thì có 70 ký lục tuy làm việc riêng rẽ nhưng đều dịch đúng y như nhau. Ý nghĩa của huyền thoại này là : bản dịch được Thiên Chúa linh ứng. Chính vì thế mà người ta gọi bản dịch sang chữ Hy Lạp này là “bản dịch bảy mươi” (viết tắt là LXX). Ngoài ra cũng có những bản dịch khác sang chữ Hy Lạp nữa như: bản Aquila, bản Symmaque, bản Théodotion.
Tân ước được viết hoàn toàn bằng chữ Hy Lạp thuộc loại ngôn ngữ “chung” được nói vào thời đó, chứ không phải là loại ngôn ngữ Hy Lạp cổ điển. Người ta gọi nó là koinè, nghĩa là (ngôn ngữ) “chung”.

Có những chuyên viên lo dịch nguyên bản (tức là chữ Híp-ri của Cựu ước, và chữ Hy Lạp của Tân ước) sang những ngôn ngữ khác. Trong những bản dịch ấy, có thể lưu ý tới những bản dịch sang chữ Syriaque, Copte và Latin. Bản dịch sang chữ Latin được gọi là bản Vulgata nghĩa là “phổ thông”. Đây là công trình của thánh Jérôme (cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V sau cn).

 

  1.  PHÂN ĐOẠN VÀ PHÂN CÂU :

Để giúp người ta dễ tìm trong Thánh kinh. Étienne Langton có sáng kiến phân mỗi quyển thành những đoạn được đánh số. Việc này được thực hiện năm 1226. Đến năm 1551, ông Robert Estienne trong một chuyến đi từ Lyon tới Paris bằng xe ngựa, đã đánh số hầu như mỗi câu của các đoạn ấy. Đấy là nguồn gốc việc phân câu.
Thế nhưng cách phân thành đoạn và câu như trên không phải luôn luôn ăn khớp với ý nghĩa của bản văn, cho nên ta không được dựa vào đấy để tìm hiểu ý nghĩa bản văn. Dù sao thì nó cũng thực dụng, nên các ấn bản Thánh kinh đều đã theo cách đó. Muốn chỉ một chỗ nào trong Thánh kinh thì chỉ cần cho biết quyển nào, đoạn mấy, câu mấy. Thí dụ St 2,4.
 

NHỮNG SÁCH NGỤY THƯ VÀ ĐỆ NHỊ THƯ

QUY
Có một khác biệt nhỏ giữa các ấn bản của Thánh kinh Công giáo và Tin lành đối với phần Cựu ước: Công giáo có

thêm 7,8 quyển. Những quyển này Công giáo gọi là thuộc đệ nhị thư quy, còn Tin lành gọi là ngụy thư.
Chữ “Thư quy” có nguồn gốc là chữ Canon, nghĩa là “quy luật” : quyển sách nào được công nhận làm quy luật cho đức tin thì là “hợp quy”. Thư quy các sách thánh là toàn thể những quyển sách được nhìn nhận là quy luật cho đức tin.
Các Kitô hữu và các tín hữu Do thái giáo đồng quan điểm với nhau về các sách phần Cựu ước. Tuy nhiên có hai thư quy khác nhau. Cho tới những năm 90 sau cn, các rabbi ở Palestina chỉ công nhận những quyển viết bằng chữ Híp- ri. Còn những người Do thái ở Alexandria công nhận thêm một số quyển khác được viết hoặc được viết bằng chữ Hy Lạp, những Kitô hữu nào đọc những ấn bản Thánh kinh chữ Hy Lạp thì nhận Thư quy Alexandria. Phần thánh Jérôme, người dịch Thánh kinh sang chữ Latin vào đầu thế kỷ V, thì theo thư quy Híp-ri.
Trong cuộc Cải cách thế kỷ XIV, những người Tin lành theo lập trường của thánh Jérôme nên khi in Thánh kinh, họ đã đặt những quyển bị bàn cãi vào phần cuối và gọi những quyển ấy là “ngụy thư”.
Còn phía Công giáo thì, trong Công đồng Trente, xem những quyển sách vừa nói cũng được linh ứng như những quyển kia, nhưng gọi chúng là “thuộc đệ nhị thư quy”. Nghĩa là: được nhận vào thư quy với tư cách hạng nhì.
Những quyển ấy là : Giuđita, Tôbia, 1 và 2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca, những đoạn bằng chữ Hy Lạp trong sách Étte, Barúc và Thư của Giêrêmia.

2/ MỘT DÂN TỘC NHÌN LẠI DÒNG ĐỜI CỦA MÌNH

Nhiều người biết rằng Thánh kinh là một bộ sách thánh của những người Do thái giáo và Kitô giáo. Nhưng họ tưởng rằng trong đó chứa những lời của Thiên Chúa “trong nguyên trạng”, như một quyển giáo lý hoặc luân lý.
Thế nhưng khi mở ra đọc thì người ta thấy những chuyện quá khứ của một dân tộc nhỏ bé, những chuyện không hấp dẫn bao nhiêu, có những điểm luân lý chẳng tốt đẹp gì lắm đến nỗi không dám đọc lớn tiếng, những cuộc tàn sát, những bài thơ khó mà dùng để cầu nguyện được mặc dù chúng đã được gọi là Thánh vịnh, có những lời khuyên theo một thứ luân lý cũ kỹ, lỗi thời và kỳ thị phụ nữ…
Đó là một quyển sách đánh lạc hướng… nhưng có phải là một quyển sách không ?
Đúng ra đó là cả một thư viện gồm tới 73 quyển được viết trong một thời gian trải dài suốt hơn 1000 năm. Khi bạn nhìn vào một thư viện, bạn thấy biết bao sách đủ loại xếp cạnh nhau : sách lịch sử, sách khoa học, sách triết học, sách văn chương… những quyển viết về thời Cổ đại và những quyển viết về thời hiện nay… Chúng giúp ta có một cái nhìn tổng quát về lịch sử và văn chương của 2000 năm qua, nhưng phần nào bạn cũng cảm thấy lạc lõng… Cũng vậy, Thánh kinh là một thư viện và còn hơn cả một thư viện lạnh lùng, nó là cả một vũ trụ, là một cuộc phiêu lưu đang mời gọi bạn bước vào : cuộc phiêu lưu của một dân tộc say mê đi tìm Thiên Chúa.
Thí dụ sau đây sẽ giúp bạn thấy rõ hơn.

Chiều ngày lễ vàng hôn phối

Lúc chúng tôi tới thì chỉ còn hai ông bà, con cháu họ đã đi đâu hết. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau trọn buổi tối. Tôi cứ tưởng là đã hiểu rõ hai ông bà này : những con người đơn sơ đã sống chung với nhau nửa thế kỷ giữa những vui buồn sướng khổ. Nhưng chiều hôm ấy tôi đã khám phá được nhiều điều mới lạ vì họ đã mở “kho tàng” của họ cho tôi xem : một chiếc hộp đơn sơ đựng đủ thứ : hình chụp, giấy tờ, thư từ, gia phả v.v… Có cả những bức thư tình họ đã viết cho nhau trước ngày cưới nữa… Hai ông bà lần lượt giải thích cho tôi nghe từng thứ một. Chúng là những chứng nhân của tất cả những niềm vui, nỗi buồn trong bao nhiêu năm qua.
Trước đây tôi tưởng đã hiểu hai ông bà này. Nhưng chiều hôm đó tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của đời họ. Những hình ảnh và giấy tờ ấy xem ra rất tầm thường, không đáng giá. Thế nhưng chúng đã trở thành vô giá : chúng không còn phải là đồ vật nữa mà là cả một cuộc đời được gom góp lại và được giải nghĩa, từng món đều có một vị trí trong lịch sử đời họ.
Xin rút ra vài điểm quan trọng từ thí dụ trên.

  1. Một cuộc sống trở thành văn bản :

Cặp vợ chồng già ấy cho tôi xem những bức hình và những giấy tờ. Những món ấy tuy tầm thường nhưng vô cùng quý giá. Vì cả cuộc sống của họ đã cô đọng lại trong đó. Qua chúng và nhờ chúng, tôi có thể hiểu phần nào bước vào thế giới của họ, tham dự cuộc phiêu lưu của họ.

  • Sau này mới hiểu :

Ông cụ cười ranh mãnh nói : “đây là bức thư tình đầu tiên của chúng tôi”. Tôi đọc tờ giấy và ngạc nhiên : chỉ là một bài toán ! Khi ấy ông và bà còn là học sinh trung học. Vì bà bệnh nên ông được giao trách nhiệm viết gửi cho bà đề bài của bài toán phải làm. Chỉ là một lá thư tầm thường nhưng nó khai mào cho một cái gì đó… rồi tiếp theo là nhiều lá thư khác nữa. Tự nó, lá thư đầu tiên chẳng có gì. Nhưng nó được lưu giữ và được đọc lại sau ngày hôn lễ, khi đó nó đã trở nên lá thư tình đầu tiên !
Thì cũng thế đối với những sự việc khác : tự chúng chẳng có ý nghĩa gì, nhưng khi chúng bước vào lịch sử đời ta thì chúng mang rất nhiều ý nghĩa. Những bức hình khi mới chụp không có ý nghĩa bao nhiêu, nhưng sau này xem lại thì mới thấy đong đầy kỷ niệm.
Như vậy, mỗi sự việc có thể mang trong mình rất nhiều ý nghĩa mà ta chưa nhận ra ngay lúc đó, nhưng sau này khi nhìn lại ta mới khám phá ý nghĩa quan trọng của nó, càng lùi xa thì càng nhiều ý nghĩa.
Thuật lại một sự việc không phải chỉ là kể lại chính xác những điều gì đã xảy ra, mà còn là làm sống lại sự việc ấy và cho thấy ngày nay nó có ý nghĩa gì với ta. Và nếu sau này ta thuật lại lần nữa thì ta lại khám phá thêm nhiều điều nữa. Chẳng hạn một người bạn nói với ta điều gì đó, ta không chú ý bao nhiêu. Nhưng bẵng đi một thời gian ta bỗng nhớ lại và chợt hiểu ra “À, thì ra nó muốn nói thế này này…”. Lúc đó dù ta không nhớ chính xác từng lời của người bạn, nhưng ta hiểu thực ý của hắn.

  • Chính xác hay thực ?

Đôi khi ta nghe hỏi “những điều viết trong Thánh kinh có thực không ? Phép lạ này có thực không ?” Trước khi trả lời, có lẽ phải xác định chữ “thực” (vrai). Nó có thể mang nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn người ta nói : “chuyện này thực, quyển tiểu thuyết này thực, bài thơ này thực”. Nghĩa của những chữ “thực” này khác nhau : quyển tiểu thuyết này dù tất cả chỉ là tưởng tượng, nhưng nó thực vì nó viết đúng tâm lý ; chẳng có gì chính xác theo lịch sử nhưng tất cả đều thực, vì viết đúng thực trạng con người.

  •  
  • Chính xác (exact) là viết thật đúng như đã xảy ra trong lịch sử, y như chụp hình hoặc ghi âm vậy. Nếu xét theo khía cạnh chính xác thì lá thư đầu tiên của hai ông bà kia chỉ là để thông báo một bài toán.
  • Thực (vrai) là viết đúng tâm tình, ý tưởng. Xét theo khía cạnh thực thì lá thư ấy là một lá thư tình.

Trong Thánh kinh có rất nhiều điều không chính xác, bằng những lời lẽ không chính xác. Nhưng tất cả đều thực vì chúng chứa đựng những ý nghĩa mà ta khám phá ra.

  • Tin để hiểu :

Thực chất của một sự việc, mắt tôi không thể thấy được. Tôi phải dựa vào những vẻ bề ngoài mà mắt tôi thấy để đoán ra thực chất ấy. Chẳng hạn tôi thấy hai người ôm nhau. Đó là một sự việc chính xác, lịch sử. Nhưng còn ý nghĩa của sự việc đó : họ chào nhau ? hay họ yêu nhau ? Tôi không thể kết luận. Nếu như có người cho tôi hay là họ đã yêu nhau thì tôi hiểu cử chỉ ôm nhau đó là dấu hiệu của tình yêu. “Nhưng nếu có người cho tôi hay…” nói như thế có nghĩa là tôi tin điều người ấy nói, và vì tin nên tôi hiểu được ý nghĩa cái ôm đó. Để hiểu thì phải tin và khi đã hiểu thì

càng tin hơn. Ta như đi theo đường trôn ốc : cứ đi vòng vòng, nhưng sau mỗi vòng thì tiến cao hơn thêm.
Đối với Thánh kinh cũng vậy. Các tác giả Thánh kinh tường thuật những sự việc, nhưng những sự việc ấy sở dĩ có ý nghĩa là vì họ tin. Ngày nay ta đọc những sự việc đó, có người hiểu thế này, có người hiểu thế khác, nhưng ta sẽ hiểu đúng ý nghĩa tác giả nếu ta có cùng niềm tin với tác giả.
Những điều vừa nói trên xem ra hơi phức tạp, nhưng ta sẽ còn nói lại nữa và sẽ thấy sáng tỏ dần dần. Bây giờ hãy rút ra một hệ luận quan trọng : đâu là ý nghĩa của một bản văn? Thế nào là đọc một bản văn ?

  • Ý nghĩa của một bản văn :

Khi đứng trước một bản văn, nhất là một bản cổ văn, tự nhiên chúng ta lập luận thế này : tác giả muốn nói cái gì đó, ý nghĩa ấy được tác giả “gói ghém” trong những từ ngữ và theo văn hoá của ông, việc của ta là “mở gói” ra để thấy ý nghĩa ấy và “gói ghém” lại trong những từ ngữ và văn hoá của ta ngày nay. Nghĩa là ta tưởng có một ý nghĩa khách quan trong bản văn, một cái “nhân cứng” ở trong lớp vỏ bọc bên ngoài, chỉ cần bóc vỏ là thấy được cái nhân ý nghĩa.
Nhưng thực ra không phải giản đơn như vậy. Khi nghe cặp vợ chồng già kia kể lại đời họ. Dĩ nhiên tôi đã cố gắng hiểu điều họ muốn nói. Nhưng khi nhận điều ấy thì tôi cũng đã biến đổi nó đi. Kể từ buổi chiều hôm ấy, tôi có một hình ảnh về họ nhưng chưa hoàn toàn giống với hình ảnh của một người khác cũng có mặt chiều đó có về họ. Cũng thế, khi đọc một bản văn, chúng ta tạo lại bản văn ấy theo hiện tình của chúng ta . Sau đó ta sống cái sự việc ta đã đọc, nhưng

đồng thời ta cũng cho thêm vào đó cái ý nghĩa mà ta khám phá.
Như vậy, “đọc” tức là “chiếm lấy” một bản văn và bắt nó phải nói một điều gì cho ta hôm nay, một điều gì làm cho ta sống.
Tuy nhiên không thể bắt bản văn phải nói bất cứ điều gì ! Chính vì thế mà ta cần nghiên cứu bản văn, cần phải sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu.

MỘT LỊCH SỬ KỲ DIỆU

“Phải chăng Thánh kinh thuật lại một lịch sử kỳ diệu : Thiên Chúa luôn luôn nói (với Abraham, với Môsê, với các ngôn sứ…) và không ngừng làm những phép lạ để giải phóng những kẻ bị áp bức, và cứu chữa những bệnh nhân…? Nhưng điều đó có hệ gì đến cuộc sống tầm thường hàng ngày của tôi và của thế giới hôm nay ? Thiên Chúa đã nói nhiều như thế suốt 2000 năm mà bây giờ im lặng ! Vẫn còn những người bị áp bức và những kẻ bất hạnh, thế tại sao Ngài không ra tay hành động nữa…?”
Trên đây là một vấn nạn rất thực tế. Thế nhưng những điều chúng tôi đã trình bày có thể giúp bạn đoán ra rằng khi đặt vấn nạn đó người ta đã so sánh các lịch sử trên hai bình diện khác nhau.
Một sử gia nghiên cứu lịch sử Israel thì thấy rằng đó chỉ là một lịch sử tầm thường của một dân tộc nhỏ bé ở Trung Đông chẳng có gì đặc biệt.
Những tín hữu đã soạn tác Thánh kinh thì thấy trong những sự việc ấy Lời và sự can thiệp của Thiên Chúa, cũng

giống như trường hợp cặp vợ chồng kia thấy trong tờ giấy ghi bài toán một bức thư tỏ tình.
Lịch sử Israel cũng là một lịch sử bình thường như lịch sử của nhiều dân khác. Do đó kẻ không tin chẳng khám phá dấu vết nào của Thiên Chúa trong đó cả.
Nhưng đối với chúng ta, việc đọc Thánh kinh phải khiến ta đọc lại đời mình bằng cái nhìn của người tin. Có như vậy ta mới thấy được rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với ta như đã thường nói với các ngôn sứ, Ngài vẫn tiếp tục hành động. Và có như vậy cả cuộc đời của ta sẽ là một lịch sử đầy những việc kỳ diệu.
 

3/ ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN


Ta phải phân biệt đọc một bản văn và nghiên cứu bản văn ấy.
Đọc một bản văn là bắt nó phải cho ta một ý nghĩa cho ngày hôm nay. Đây là điều chúng ta quen làm. Ta thường nói “đó là điều bản văn muốn nói với tôi… điều đánh động tôi trong bản văn này là…”. Đọc như vậy thì rất dễ. Nhưng cũng có nguy hiểm bởi vì làm sao ta có thể bắt bản văn nói lên bất cứ điều gì ? Vì thế mà cần phải nghiên cứu.
Nghiên cứu tức là làm việc trên bản văn bằng những phương pháp phân tích, nhằm mục đích giúp ta thấy rằng có một khoảng cách giữa chúng ta với bản văn khiến ta không thể bước vào bản văn một cách trọn vẹn. Vì thế không nên liều lĩnh giải thích nó theo cảm quan và tâm lý của ta. Nghiên cứu cũng buộc ta phải đọc bản văn thật sát. Có những bản

văn ta biết rõ (hoặc tưởng là biết rõ), chẳng hạn những bản văn Tin mừng, đến nỗi chúng ta không phải “đọc”, mà chỉ nhìn lướt qua chúng, rồi lặp lại ý nghĩa mà ta thường nghe nói về chúng (một thí dụ : khi đọc Lc 2,1-20 người ta thường nói “đó là chuyện các mục tử đến thờ lạy Chúa”. Nhưng bạn hãy đọc kỹ bản văn ấy xem, bạn sẽ thấy rằng các mục tử đến không phải để thờ lạy mà chỉ là để “giảng” cho Đức Maria nghe !).

Hai phương pháp phân tích :

Trước một bản văn chúng ta thường sử dụng hai loại phương pháp nghiên cứu. Xin lấy một thí dụ đơn sơ :
Bà cô của bạn viết thư cho bạn. Khi đọc thư bạn thấy được bà qua ý tưởng của bà, và bạn giải nghĩa bức thư theo những gì bạn đã biết về bà. Giả sử có đoạn bà than phiền, nếu như bạn biết bà có tính hay than phiền luôn thì bạn chẳng quan tâm, bạn chỉ nói : “bà ấy vốn là như vậy mà” ; trái lại nếu bạn biết bà là người rất nghiêm khắc với bản thân thì bạn sẽ nói : “bà mà than phiền thì chắc chắn là bà đang buồn khổ lắm”. Hoặc hơn nữa, nếu trong thư có một câu công kích đám trẻ hay một nhóm xã hội bạn sẽ nói : “bà ta thuộc thế hệ xưa rồi nên không thể thông cảm với ngày nay”. Tức là bạn đã đi ra khỏi bức thư để hình dung bà cô của bạn, và từ cái hình dung ấy bạn tìm hiểu xem bà cô muốn nói gì.
Cũng thế, bạn đang đọc một bản văn và gặp một đoạn khó hiểu. Bạn ngừng đọc một lúc để tìm hiểu ý nghĩa, bạn phân tích ngữ pháp. “Động từ ở đâu? Chủ từ ở đâu? Túc từ ở đâu…?”, sau đó bạn đọc lại bản văn để tìm cho nó một ý nghĩa. Cũng có thể xảy ra là bạn thấy bức thư bắt đầu với giọng bi quan nhưng kết thúc cách lạc quan. Bạn đọc lại bức

thư để xem cái gì đã khiến giọng điệu thay đổi như thế. Trong trường hợp này, bạn không ra khỏi bản văn nhưng bạn tìm hiểu trong chính bản văn.
Đó là hai cách nghiên cứu một bản văn, các chuyên viên đã sử dụng chúng và hoàn chỉnh chúng. Dưới đây ta sẽ xem họ đã sử dụng chúng như thế nào.

  1.  PHÂN TÍCH LỊCH SỬ :

Khi đọc bức thư của bà cô, bạn đặt câu hỏi “bà muốn nói điều gì đây ?”, và để trả lời, bạn đặt bức thư vào đời sống hiện tại hoặc quá khứ của bà.
Đó cũng là câu hỏi chúng ta đặt cho một bản văn Thánh kinh : “Luca muốn nói gì? Tác giả sách Sáng thế muốn nói gì?”.
Nhưng sự việc hơi phức tạp hơn. Phần bạn thì đã hiểu rõ bà cô của bạn. Nhưng chúng tôi thì không hiểu bà ; nếu tôi đọc bức thư ấy, tôi sẽ dựa vào chữ viết, vào những câu ám chỉ và tâm trạng bà biểu lộ để đoán bà bao nhiêu tuổi, môi trường sống như thế nào, muốn nói những gì v.v… nghĩa là từ hình dung mà tôi tạo ra về một con người, tôi sẽ giải thích bức thư của người ấy. Tôi phải biết rằng làm cách đó thì có phần mạo hiểm : vì tôi tạo ra một con người từ một bản văn, thế rồi sau đó tôi giải nghĩa bản văn từ hình dung về con người ấy.
Cũng tương tự như vậy, chúng ta chỉ biết Luca và tác giả sách Sáng thế qua những bản văn của họ. Do đó phải tiến hành cách thận trọng và không ngừng kiểm tra điều ta xác định.

  1.  
    1. Làm thế nào để đặt tác giả vào môi trường của ông ?

Việc này rất dễ đối với trường hợp bà cô vì bà thuộc thời đại của chúng ta. Dù vậy trong thư bà có nói tới trận đại chiến 14-18 thì tôi phải liên hệ với những gì tôi đã biết về cuộc chiến ấy. Đối với các sách trong Thánh kinh thì lại càng khó hơn nữa vì chúng được viết cách nay hai ba nghìn năm. Để đặt chúng vào môi trường, ta cần lưu ý những điểm sau:

  •  
    •  
  • Tìm hiểu lịch sử dựa vào những gì được viết trong Thánh kinh, nhưng cũng phải dựa vào những tư liệu của các dân khác.
  • Tìm hiểu văn chương thời đó : những người Do thái thời lưu đày bên Babylone đã dựa vào những huyền thoại vùng Lưỡng Hà Địa để trình bày tư tưởng của họ ; những người Do thái thời Đức Giêsu có những cách thức riêng để diễn giải một đoạn sách thánh…
  • Tìm hiểu khoa Khảo cổ : thành Giêricô đã điêu tàn khi Giôsuê chiếm nó ; đã tìm thấy ở Giêrusalem một ao nước có 5 cửa mà Tin mừng có nói tới…

Dĩ nhiên những việc trên dành cho các chuyên viên. Nhưng cũng may là họ đã tốt bụng cho chúng ta được biết những kết quả vững chắc nhất mà họ đã tìm ra. Bạn có thể đọc chúng trong rất nhiều tác phẩm nổi danh, nhất là trong những bài dẫn nhập và những ghi chú trong ấn bản Thánh kinh (nhất là TOB và BJ).

  1.  
    1. Làm thế nào để đặt một bài tường thuật vào môi trường của nó ?

Chúng ta hay tưởng rằng tác giả của một bài tường thuật cũng giống như một chiếc máy ghi âm. Khi mở máy ra ta sẽ nghe lại chính xác những sự việc và những lời nói đã xảy ra. Sự thật không phải vậy : tác giả vừa thuật sự việc, vừa phản ánh sinh hoạt của ông và của thời đại ông. Hãy lấy vài thí dụ:
Luther đã sống vào thế kỷ XVI. Ta hãy đọc hai quyển sách đều của người Công giáo viết về ông. Một quyển viết khoảng năm 1900 và một quyển mới viết. Quyển thứ nhất viết đại khái như sau : Luther là một thầy tu hồi tục, đi quyến rũ một nữ tu, và do tính kiêu căng, ông đã đưa Âu châu và Giáo hội vào vòng máu lửa… Còn quyển thứ hai thì viết đại khái : Luther cũng có những yếu đuối như bất cứ ai trong chúng ta, nhưng ông là một tu sĩ rất say mê Thiên Chúa, luôn nghĩ đến việc cứu độ các linh hồn ; ông thấy rằng Giáo hội cần phải canh tân và trở về nguồn Thánh kinh ; tiếc thay ông đã bị loại ra khỏi Giáo hội… Trong hai quyển sách ấy, chúng ta được biết nhiều điều về Luther, nhưng nhất là ta thấy được tinh thần đại kết của những người Công giáo vào năm 1900 và vào thời đại bây giờ khác xa nhau đến chừng nào !
Cũng như cặp vợ chồng già kia thuật lại cuộc hôn nhân của họ vào buổi chiều ngày lễ vàng hôn phối. Muốn hiểu, tôi phải đặt lại cuộc hôn nhân này vào bối cảnh năm 1940, nhưng cũng phải đặt nó vào bối cảnh năm 1990 nữa. Bởi vì họ thuật chuyện theo ánh sáng của cả năm 1940 lẫn của năm 1990.
Cũng thế tác giả Thánh kinh thuật chuyện Abraham, nếu ông viết trong thời thịnh vượng của Đavít thì ông sẽ viết không giống như nếu ông viết 500 năm sau đó lúc đang bị lưu đày bên Babylone. Những lời nói của Đức Giêsu phải

được hiểu theo ánh sáng lịch sử của những năm 30, nhưng cũng phải theo ánh sáng của sinh hoạt các giáo đoàn vào những năm 80 hoặc 90 là những giáo đoàn đã viết ra chúng.
Tóm lại : khái quát lộ trình của phương pháp phân tích lịch sử là : đặt một bản văn trở lại vào lịch sử của nó để có thể thấy được tác giả muốn nói gì (người ta cũng gọi phương pháp này là “lịch sử/phê bình” nghĩa là có phần phê bình riêng trong khi đặt bản văn trở lại vào lịch sử).

  1.  
    1. Phân tích duy vật :

“Đấy là một cách phản ứng của môi trường” chúng ta nghĩ thế khi đọc một câu trong bức thư của bà cô. Nghĩa là khi chúng ta nói, chúng ta tưởng là chúng ta đang nói, nhưng thực ra là chính môi trường và nền giáo dục của chúng ta nói qua chúng ta.
Phương pháp phân tích duy vật đặt bản văn trở lại vào lịch sử của nó vì cho rằng bản văn là sản phẩm của những điều kiện xã hội, kinh tế và chính trị của thời đó.

  1.  PHÂN TÍCH CƠ CẤU :

Ta dùng lại thí dụ bức thư của bà cô. Trước một câu khó hiểu, ta dừng lại một lúc để sắp xếp những yếu tố của câu ấy (chủ từ, động từ, túc từ v.v…) nhờ đó ta sẽ hiểu được ý nghĩa của câu.
Từ đầu thế kỷ XX, một khoa mới đã sinh ra, đó là khoa Dấu chỉ học (sémiothique: từ chữ Hy Lạp sémeion nghĩa là “dấu chỉ”), nhằm nghiên cứu ý nghĩa những dấu chỉ trong các yếu tố của ngôn ngữ. Các chuyên viên khoa này cho biết rằng ngoài ngữ pháp của câu, còn có ngữ pháp của bản văn nữa. Khi viết một câu ta phải để ý tới những quy tắc ngữ

pháp, và khi viết cả một bài, ta cũng phải để ý tới những quy tắc ngữ pháp ấy (về thể loại thư tín, tường thuật v.v…).
Một trong những nét đặc thù của phương pháp này là : với phương pháp phân tích lịch sử, ta ra khỏi bản văn để giải nghĩa nó theo ánh sáng của điều tác giả muốn nói ; còn với phương pháp phân tích cơ cấu này, ta không ra khỏi bản văn, nhưng nghiên cứu trong chính bản văn và không cần quan tâm tới những ý hướng của tác giả (“tác giả đã chết !“). Ta mổ xẻ bản văn đủ mọi khía cạnh, nhưng đồng thời phải quên đi những gì ta đã biết trước về bản văn, phải gạt sang một bên điều mà ta muốn tìm, để chỉ tập chú vào một mình bản văn. Vì thế phương pháp này rất khách quan.
Một nhóm người đi dạo trong rừng. Có người thích nấm nên chỉ thấy nấm, đối với anh, rừng chỉ toàn là nấm ! Thế nhưng bạn của anh không thích nấm nên chẳng thấy nấm gì cả mà còn đạp nát chúng. Đối với anh này, rừng là chim, là cây, là đá, là hoa v.v… Cũng thế, khi chúng ta đọc một bản văn, thì một cách vô thức ta đã có sẵn một ý tưởng : chẳng hạn ta muốn tìm trong bản văn một lời khuyên, một trợ lực. Rồi ta mải mê tìm điều đó và chỉ thấy mỗi điều đó. Chính vì thế mà rất nhiều khi chúng ta không hiểu nhau. Giả sử như nhóm bạn kia khởi sự tham quan tổng quát toàn khu rừng và mở mắt quan sát tất cả nào nấm, nào chim, nào cây, nào hoa, nào đá… Sau đó, nếu ai thích thì làm một đợt tham quan thứ hai, người xem nấm, kẻ xem chim v.v… thì họ sẽ không nói rằng : “rừng chỉ toàn là nấm” hay “rừng chỉ toàn là chim”.
Ích lợi của phương pháp phân tích cơ cấu, dù chỉ được sử dụng một cách rất thô sơ, là buộc chúng ta phải khảo sát bản văn dưới càng nhiều khía cạnh càng tốt, đồng thời quên đi quan điểm riêng có trước của chúng ta, để tập chú vào một

mình bản văn. Sau đó ta có thể trở lại xem xét một khía cạnh nào đó, nhưng vẫn biết rằng còn có những khía cạnh khác nữa.

  1.  MỘT DỤ NGÔN :

Bây giờ ta hãy dùng một dụ ngôn để tóm lược những điều vừa nói trên. Tôi và một người bạn nghe một đĩa nhạc giao hưởng của Mozart. Mỗi người trong chúng tôi nghe khác nhau : tôi thấy bản nhạc ấy vui, còn bạn tôi lại thấy nó buồn. Đó là vì mỗi người nghe theo tâm trạng của mình lúc đó và phải tâm trạng mình vào bản nhạc : “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Vì cách giải thích của chúng tôi quá khác biệt, cho nên để đi đến nhất trí thì chúng tôi phải nghiên cứu. Chúng tôi lấy một đoạn nhạc và nghiên cứu những nhịp, những lúc nhạc cụ này, nhạc cụ nọ nhập cuộc… Sau đó chúng tôi mở một quyển sách viết về Mozart để tìm hiểu xem ông muốn thể hiện gì qua bản giao hưởng ấy. Với hai phương pháp ấy, chúng tôi khám phá rất nhiều điều, loại trừ đi rất nhiều giải thích cá nhân chủ quan. Thật là hay. Tuy nhiên một bản giao hưởng được viết ra không phải để được nghiên cứu, mà để được nghe !
Vì thế chúng tôi mở máy ra nghe lại lần nữa. Việc nghiên cứu trước sẽ giúp chúng tôi nghe hay hơn, nhưng bây giờ chúng tôi tạm quên đi những gì đã nghiên cứu mà chỉ thả hồn lắng nghe thưởng thức bản nhạc. Chúng tôi tìm được một cảm hứng mới cho cuộc đời. Đây mới là điều chủ yếu.

Trong dụ ngôn trên, bạn thay chữ “nghe” bằng chữ “đọc”, thay “bản nhạc” bằng “quyển sách” thì bạn sẽ có được điểm cốt yếu mà chúng tôi muốn nói với bạn trong bài này.

 

“HỘP ĐỒ NGHỀ”

  1.  TIẾP XÚC SƠ KHỞI :

Hãy đọc bản văn. Ghi ra những phản ứng tự nhiên bộc phát: điều gì đánh động bạn, điều gì làm bạn thích, điều gì làm bạn ngạc nhiên, điều gì làm bạn thắc mắc…

  1.  NGHIÊN CỨU BẢN VĂN :
    1. Chính bản văn :

Hãy đọc lại bản văn, nhưng đừng để ý tới những ghi chú của quyển Thánh kinh. Nếu bản văn không dài quá thì hãy chép ra. Hãy tìm (nếu cần thì dùng những bút chì màu gạch dưới):

  •  
    •  
  • Những từ hoặc nhóm từ lặp đi lặp lại tương ứng nhau, đối nghịch nhau…
  • Những vai (nhân vật hoặc sự vật) : chúng làm gì ? nói gì ? điều gì xảy ra cho chúng ?
  • Những nơi, những sự di chuyển : một số nơi có liên hệ đặc biệt với một nhân vật hay một ý tưởng nào đó không ?
  • Những thì của các động từ, những chỉ dẫn khác…

Dựa trên những chi tiết vừa khám phá, bạn hãy tìm xem điều gì đang diễn ra trong bản văn : ai (hoặc cái gì) làm hoặc tìm ai (hoặc cái gì) giúp cho việc làm hoặc cuộc tìm kiếm đó ? Ai (hoặc cái gì) cản trở việc ấy ? để ý xem có biến chuyển nào không từ đầu cho tới cuối bản văn : biến chuyển của ai (của cái gì) ? biến chuyển thế nào ? biến chuyển qua mấy giai đoạn ? biến chuyển nhờ ai (hoặc nhờ gì) ?

  1.  
    1. Đặt bản văn vào văn mạch :

Bản văn này thuộc về một chương, một phần, một quyển sách ? chỗ đứng của nó trong văn mạch ra sao ? nó mang lại điều gì cho văn mạch ?

  1.  
    1. Đặt bản văn vào thời của nó :

Bây giờ bạn dùng những bài dẫn nhập và những ghi chú của quyển Thánh kinh để trả lời những câu hỏi sau đây :

  •  
    •  
  • Bản văn này được viết vào thời nào ? hoàn cảnh của dân tộc hoặc của tác giả lúc ấy ra sao ?
  • Một số từ hoặc nhóm từ có mang một ý nghĩa đặc biệt

nào không vào thời đó ?

  •  
    •  
  • Bản văn này thuộc văn thể nào ?
  • Thời đó có những bản văn nào tương tự không trong Thánh kinh hoặc ngoài Thánh kinh : bản văn Cựu ước này có nói lại những chủ đề Thánh kinh không ? Hãy nói lại những chủ đề quen thuộc của văn chương Ai cập hoặc Lưỡng Hà Địa ? những điểm nào giống nhau và khác nhau ? bản văn này của Tân ước có nói lại những chủ đề Do thái của thời Đức Giêsu không ? hay của những bản văn Cựu ước ? trong trường hợp này nó được soi sáng nhờ những bản văn ấy thế nào ?
  •  
    •  
  • Nếu trong Thánh kinh có những bản văn tương tự, nhất là đối với các sách Tin mừng (bạn hãy xem những quy chiếu in bên lề trang sách Thánh kinh), bạn hãy so sánh chúng : những điểm nào giống nhau và khác nhau ? những điểm ấy có giúp bạn hiểu bản văn rõ hơn không ?
  • Bản văn này được viết bởi một giáo đoàn và cho một giáo đoàn. Vậy ai nói với ai ? nhằm trả lời cho câu hỏi nào ?
  • Kiểm tra :

Xem lại những câu hỏi ban đầu: bạn có thể trả lời chúng không ?

  1.  ĐỌC BẢN VĂN :

Bây giờ bạn bỏ sang một bên những gì đã nghiên cứu được, và cả cái “hộp đồ nghề” nữa. Bạn đọc bản văn : nó nói gì với bạn ? nó giúp gì cho cuộc sống bạn ?

 

4/ MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI ĐỊA DƯ CỦA NÓ

Nhìn vào bản đồ Trung Đông, ta thấy ngoài đất liền có biển và sa mạc. Trong phần đất liền, nhiều nền văn minh đã phát sinh và phát triển ở ba vùng chính:

  1.  NHỮNG NỀN VĂN MINH LỚN :

Ở mạn Nam, trong lưu vực sông Nil, từ 3000 năm trước cn, AI CẬP đã là một dân tộc quan trọng dưới quyền cai trị của các triều đại Pharaon. Thủ đô khi thì ở miền Bắc (Memphis), khi thì ở miền Nam (Thèbes). Lịch sử Ai cập

được tính theo các triều đại. Chẳng hạn như cuộc xuất hành xảy ra có lẽ vào triều đại thứ 19 (khoảng 1250).
Ở mạn Bắc, sống trên các cao nguyên Tiểu Á là dân HITTITES. Họ rất hùng mạnh trong khoảng 1500 năm, nhưng đã biến mất vào thời Thánh kinh.
Ở mạn Đông là vùng LƯỠNG HÀ ĐỊA (Mésopotamie, tiếng Hy Lạp mésos potamos nghĩa là “giữa hai giòng sông”). Vùng này còn được gọi là “Lưỡi liềm phì nhiêu”. Ở đấy nhiều nền văn minh sáng chói đã sát cánh nhau hoặc nối tiếp nhau, sau đấy biến mất để rồi vài thế kỷ sau lại tái xuất hiện. Trong số đó đặc biệt ở miền Nam có các dân SUMERAKKAD và BABYLONE; ở miền Bắc có dân ASSYRIA. Đây là lãnh thổ của nước Irak ngày nay. Xa hơn về phía Đông, trong lãnh thổ nước Iran ngày nay, là dân MÈDES, kế đó là dân BA TƯ.
Nhiều dân khác sẽ đến từ mạn Tây (châu Âu ngày nay), xâm chiếm Trung Đông như : HY LẠP, (3 thế kỷ trước cn), ROMA (1 thế kỷ trước cn).
Điều gì xảy ra khi các dân tộc lớn sống cạnh nhau ? Dĩ nhiên là họ sẽ đánh nhau ! “Khi mùa Xuân trở lại, các vua lên đường chinh chiến…” Thánh kinh đã viết như thế. Nhưng để đánh nhau thì phải gặp nhau hoặc đi gặp đối phương, và do đó phải dùng hành lang giữa Địa Trung Hải và sa mạc Arabia.
Rủi thay dân tộc nhỏ bé mà chúng ta quan tâm, dân Israel, lại ở ngay hành lang hẹp đó. Thế mới hiểu vì sao cuộc sống của họ phải lệ thuộc rất nhiều vào sức mạnh của các dân tộc khác. Họ là một vùng trái độn giữa những thế lực lớn, họ được dùng làm tiền đồn khi thì cho thế lực này, khi

thì cho thế lực khác, và do đó họ cũng thường xuyên bị cám dỗ thoả hiệp với nước này nước khác.

  1.  CANAAN :

Trong Thánh kinh (và trong những bản văn ngoài Thánh kinh), chữ “Canaan” có khi là một xứ, có khi là một dân.
Xứ Canaan đại khái là miền Palestina ngày nay. Nó được cắt dọc thành nhiều vùng :

  •  
  • Dọc theo bờ Địa Trung Hải là vùng duyên hải có ngọn núi Carmel cắt ngang.
  • Vùng ở giữa gồm nhiều cao nguyên (Galilêa) và nhiều đồi (Samaria, Giuđa).
  • Vùng phía Tây là lưu vực sông Giođan. Sông này bắt nguồn ở chân núi Hermon ở mức 200m trên mực nước biển, chảy tới hồ Hulê thì nó còn 68m, nhưng khi tới hồ Tibéria thì đã – 212m dưới mực nước biển và khi đổ vào Biển Chết thì độ thấp là – 392m.

Chính trong xứ Canaan này, vào thế kỷ XII trước cn có nhiều chi tộc sinh sống, rồi tới khoảng năm 1000, họ trở thành vương quốc của Đavít – Salômon. Khi Salômon băng hà, vương quốc tách đôi thành vương quốc Giuđa ở miền Nam với thủ đô là Giêrusalem, và vương quốc Israel ở miền Bắc với thủ đô là Samaria.
Cũng vào khoảng thế kỷ XII, dân PHILITINH chiếm cứ vùng duyên hải Địa Trung Hải ở mạn Nam. Vài thế kỷ trước cn, người Hy Lạp sẽ lấy tên của dân ấy mà đặt cho xứ này : xứ Palestina, nghĩa là “xứ của dân Philitinh”.

Có một vương quốc nhỏ khác sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Israel, đó là ĐAMAS.
Thế mới biết lịch sử Israel phải tuỳ thuộc vào những dân khác đến mức nào. Bây giờ chúng ta hãy xem tư tưởng và não trạng của Israel bị ảnh hưởng thế nào bởi những nền văn minh khác.
 

5/ MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI NÃO TRẠNG TRUNG ĐÔNG

Trong suốt dòng lịch sử của mình, Israel luôn tiếp xúc với những dân láng giềng và học biết nhiều kiệt tác văn chương của họ. Chúng ta sẽ có dịp đọc vài trích đoạn. Còn bây giờ ta hãy nói qua về những nền văn minh ấy.

  1.  NÃO TRẠNG AI CẬP :

Người Ai cập sống trong vùng đất đầy ánh sáng ; nếu như họ cảm thấy lo âu khi thấy Mặt trời biến mất buổi chiều, thì kinh nghiệm đã cho họ biết rằng Mặt trời sẽ lại xuất hiện mỗi buổi sáng sau khi đã chiến thắng các thế lực của đêm tối. Do đó Mặt trời được họ coi là Thần đệ nhất trên các thần, và được họ đặt cho nhiều tên. Chính Mặt trời sinh ra các thần khác và con người. Trong khung dưới đây ta có thể đọc vài câu trong bài thánh thi tán dương Thần Mặt trời, được Pharaon Akkhénaton soạn khoảng năm 1350 ; tác giả Thánh vịnh 104 chắc đã lấy ý từ bài thánh thi ấy.
Sông Nil có những đợt thuỷ triều vào những ngày nhất định, mang phù sa và nước uống cho cuộc sống.
Do sống trong một thiên nhiên ưu đãi như vậy nên người Ai cập tự nhiên có tính lạc quan ; các thần của họ đều

tốt, chăm sóc loài người. Sau cái chết là một cuộc sống mới huy hoàng sẵn chờ người tín hữu.


 

THÁNH THI TÁN DƯƠNG THẦN MẶT TRỜI

ATON
Đây là một bài thơ tôn giáo của Ai cập, do Pharaon Akhénaton soạn.
Sau đây là trích một vài câu:
Ngài hiện lên hùng vĩ ở chân trời Như dĩa lửa, nguồn phát sinh sự sống Ở trời đông, lúc Ngài xuất hiện,
Ánh hào quang lan toả khắp nơi nơi. Bên trời tây khi Ngài lặn xuống
Màn đen tối bao phủ địa cầu…
Và đây là trích vài câu của Tv 104, để bạn so sánh :
Ôi lạy Chúa muôn trùng cao cả
Áo Ngài mặc, toàn oai phong lẫm liệt
Cẩm bào Ngài : muôn vạn ánh hào quang… Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết
Dạy mặt trời lặn xuống đúng thời gian Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối…

  1.  NÃO TRẠNG LƯỠNG HÀ ĐỊA

Xét chung, ngược với não trạng Ai cập, não trạng Lưỡng hà địa mang tính bi quan. Cư dân vùng này thường gặp những đợt thuỷ triều thất thường, đôi khi gây lụt lội. Hơn nữa, thường có những đợt xâm lăng của các sắc dân du mục từ sa mạc Arabia hoặc từ những cao nguyên Iran. Vì thế các thần của họ cách chung có tính khí thất thường, luôn đánh nhau ; con người là một sinh vật khả tử luôn sợ hãi tìm cách khỏi bị các thần giận dữ xuống tay hành hạ. Các thần “đã ban cái chết làm gia tài cho con người” (Anh hùng ca Gilgamesh) và “đã lấy dối trá nhào nặn nên con người”. Nơi cư ngụ sau khi chết rất là buồn thảm, đó là nơi tụ tập của những hồn ma bóng quế chập chờn chẳng có gì vui thú.
Sau đây là một số huyền thoại mà ta sẽ có dịp đọc vài trích đoạn :

  •  
  • Anh hùng ca Atra-Hasis (nghĩa là: “Đấng rất khôn ngoan” : một bản chép được tìm thấy ở Babylone, chép năm 1600 trước cn. Đây là một bài thơ dài 1645 dòng, mô tả các thần vì phải nô dịch vất vả nên mỏi mệt, bèn quyết định tạo dựng con người để bắt nó làm việc thế cho họ. Họ đã lấy bùn trộn với máu của một vị thần bị bóp cổ chết rồi nhào nặn thành con người. Nhưng loài người sinh sản thêm đông, gây ồn ào làm cho các thần bực bội. Các thần bèn giáng xuống loài người nhiều tai ương và cuối cùng giáng một trận hồng thuỷ. Nhưng thần Êa đã mật báo cho một người đóng một chiếc tàu cứu được cả gia đình và các thú vật mỗi loại một cặp.
  • Thi ca Enouma Elish (nghĩa là: “xưa kia ở trên cao”): đây cũng là một tài liệu rất cổ ; hình thức như hiện nay của

nó có lẽ được viết khoảng năm 1100 trước cn. Thuở ban đầu có 2 nguyên lý phái tính là Apsou (nước ngọt) và Tiâmat (nước mặn, từ chữ “Tiâmat” này sinh ra chữ tehom ở St 1,2 nghĩa là “vực thẳm”). Từ hai nguyên lý đó sinh ra tất cả các thần. Nhưng vì các thần quấy rầy quá nên Tiâmat muốn giết họ chết hết. Tuy nhiên thần Marduk đã thắng Tiâmat và chặt bà làm đôi như một chiếc vỏ sò rồi lấy đó tạo thành vòm trời. Tiếp đó Marduk lấy máu của một thần phản loạn tạo nên con người…

  •  
  • Anh hùng ca Gilgamesh : đây có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của văn chương Lưỡng Hà Địa thời cổ. Thiên anh hùng ca này sinh ra tại Sumer rồi phổ biến trong khoảng 1 thiên niên kỷ sang Assyria và Babylone ; nó còn được chép lại ở Palestina và nơi dân Hittites. Dưới hình thức như hiện nay, nó gồm 12 ca khúc. Gilgamesh là một vị anh hùng của Sumer, nhưng tính khí hiên ngang của chàng làm cho các thần khó chịu. Các thần bèn xúi một quái nhân sống với dã thú tên là Enkidu chống lại chàng. Nhưng Enkidu được một thiếu nữ cảm hoá và trở thành bạn của Gilgamesh, cả hai đã làm được nhiều kỳ công. Rồi một ngày kia Enkidu chết, Gilgamesh chợt khám phá sự độc dữ của cái chết và chàng ra đi tìm sự trường sinh bất tử. Vị anh hùng Bão lụt chỉ cho chàng biết bí mật của cây trường sinh. Gilgamesh đã lấy được cây trường sinh, nhưng lại bị một con rắn cướp mất. Thế là Gigamesh đành phải chấp nhận chết…

BÀI THƠ TẠO DỰNG CỦA BABYLONE

Thi ca Enouma Elish thuật rằng các thần được sinh ra bởi Apsou nguyên lý đực, và Tiâmat nguyên lý cái. Vì các thần quấy rầy mình nên Tiâmat muốn giết chết họ. Các thần liền trao quyền cho thần Marduk (thần của Babylone). Với

sự trợ lực của các thần kia, Marduk giết được Tiâmat, và lấy xác bà mà tạo thành thế giới ! Ta có thể so sánh thi ca này với tường thuật của St 1 và với huyền thoại dưới đây của người Ai cập.

… VÀ CỦA AI CẬP :

Chou là thần không khí. Hai đứa con của ông là Nout (con gái) và Geb (con trai) dính với nhau. Chou đã tách Nout ra thành vòm trời và tách Geb ra thành trái đất (một chỉ cảo Ai cập khoảng giữa các năm 1100-950 trước cn).
Một thánh thi, viết khoảng 1400 trước cn, tán dương thần Mặt trời Amon đã thức suốt đêm để coi sóc cho loài người ngủ yên. Vì thế loài người đã coi Amon là Cha của các thần.

  1.  TƯ TƯỞNG CANAAN :

Người ta biết nhiều hơn về tư tưởng Canaan từ khi khai quật được (năm 1929) thư viện của thành Ugarit, tức là Ras Shamra ở Syria hiện nay. Đỉnh cao của nền văn minh Uragit này là khoảng năm 1500 trước cn, tức là thời các tổ phụ.
Vị thần chính có tên là El, thường được hình dung bằng hình con bò tót (đây cũng là một trong những tên của Thiên Chúa. Trong Thánh kinh là Élohim, tức là số nhiều trang trọng của chữ El). Tôn giáo Canaan thờ những sức mạnh của thiên nhiên được thần thánh hoá như : Baal là thần Bão và mưa (đôi khi được mô tả là “Đấng cưỡi mây”, cũng như Thiên Chúa trong Thánh vịnh 68,5), Anat em gái của Baal là thần Chiến tranh, tình yêu và sinh sản (về sau nữ thần này được gọi là Astarté).

Vương quốc Israel sẽ bị cám dỗ chạy theo thứ tôn giáo Canaan này, cũng như theo các hình thức tế tự đầy màu sắc phái tính dâng lên tượng nữ thần trần truồng được đặt ở những “nơi cao”, và cử hành nhiều lễ nghi cầu xin cho đất đai và súc vật sinh sản nhiều.

  1.  NÃO TRẠNG THÁNH KINH :

Chúng ta sẽ khám phá não trạng này khi đọc trọn tập tài liệu này. Còn bây giờ chỉ xin nêu ra một nét cơ bản khiến nó khác với những não trạng mà ta đã đề cập ở trước.
Shema Israel, Adonai hédad ! “nghe đây hỡi Israel. Đức Chúa là độc nhất !”. Công thức này trong Đnl 6,4 tóm lược điểm chủ yếu của đức tin Israrel. Israel ý thức rằng chính Thiên Chúa gọi họ, và họ đáp lời Ngài bằng yêu thương. Để minh hoạ, ta có thể vẽ tư tưởng huyền thoại bằng một vòng cung khởi đi từ con người và trở lại với con người: con người phóng sang cõi bên kia một vị thần, rồi dùng nghi lễ để “chế ngự” thần và bắt thần phải phục vụ con người.

Thần Nghi lễ Con người

Còn trong Thánh kinh thì vòng cung đảo ngược lại : chính Thiên Chúa mời gọi con người và con người đáp lời. Nghi lễ trở thành cách bày tỏ sự đáp lời.

Thiên Chúa Nghi lễ Con người

Nghi lễ có thể như nhau nhưng ý nghĩa thì khác. Chẳng hạn đứa con dâng bó hoa cho mẹ để được cho phép đi xinê, hoàn toàn không giống với cũng đứa con đó dâng một bó hoa y như thế cho mẹ vào dịp Lễ các Bà Mẹ. Trong trường hợp sau, dâng hoa là một cử chỉ tự nguyện để biểu lộ tấm lòng đứa con đáp lại tình yêu của mẹ. Đó là một nghi lễ biết ơn. Đấy cũng là tâm tình căn bản của Thánh lễ Tạ ơn mà chúng ta sẽ có dịp nói tới.

NHỮNG HUYỀN THOẠI VỀ THIÊN NHIÊN Ở CANAAN

Một bài thơ tìm thấy ở Ugarit ca tụng thần Baal và thần Mốt. Baal là thần Bão và mưa, Mốt là thần Chết. Như vậy bài thơ này đề cập tới một vấn đề ray rứt. Đó là vấn đề về sự phì nhiêu của đất đai : thần Baal phục vụ con người bằng cách làm mưa xuống cho đất đai phì nhiêu. Nhưng thần Mốt nuốt hết nước xuống đất (thần Mốt ở phía dưới mặt đất). Thế thì nước có thể bị giam mãi dưới đất để sinh ra hạn hán chăng ? Bài thơ này đưa câu trả lời : Thần tối cao El sẽ cho Baal tái sinh, và sẽ lại có mưa.
Trong Thánh kinh ta gặp thấy công thức “đất chảy ra sữa và mật” (chẳng hạn Xh 3,8).

HUYỀN THOẠI

Nhiều lần chúng ta đã gặp chữ “huyền thoại”. Vậy nó là gì ?
Đó là những câu chuyện tưởng tượng với các vai là thần nam, thần nữ và những vị anh hùng. Thoạt mới đọc, ta thấy lúng túng, khó chịu, nhưng liền sau đó ta thấy bị cuốn hút vì biết trong đó có những vấn đề lớn, vốn nằm trong tâm tư ta được đề cập và khai triển: thế giới bởi đâu mà có ? Tại sao

nam nữ thu hút nhau ? Con người và thần thánh liên hệ với nhau thế nào ?
Chỉ có điều là thay vì bàn những vấn đề ấy bằng những bài viết đầy trí thức và khó hiểu như nhiều người thời nay, thì huyền thoại bàn chúng bằng những “chuyện hoạt họa”.
Ta hãy lấy một thí dụ thời nay : thi hoa hậu. Sống trong thời đại không còn vương quyền nữa, người ta bầu một người đẹp lên làm hoa hậu ; cuộc sống hiện nay mang nhiều buồn chán thế mà người ta cho hoa hậu này đội vương miện, nhận biết bao món quà… Tất cả những chi tiết trên khiến cho cuộc bầu hoa hậu mang vẻ của một thế giới khác, một thế giới trong mơ, không có thực. Nhưng đấy là biểu lộ ước muốn của mọi phụ nữ : muốn đẹp, muốn giàu, muốn thành công ; và cũng biểu lộ ước muốn của mọi người nam : muốn ngắm nhìn sắc đẹp phụ nữ. Thế nhưng cũng có một tác dụng nghịch là huyền thoại có thể khiến người ta bị tha hoá, không còn tự do, không còn là mình nữa. Chẳng hạn có nhiều thiếu nữ cố bắt chước kiểu tóc của hoa hậu và ráng làm sao cho thân mình có những kích thước như hoa hậu, trong khi điều đó không thích hợp với dáng người của họ.
Nói một cách đơn giản tối đa, huyền thoại lấy một vấn đề trong tâm tư chúng ta rồi phóng ra ngoài dưới dạng một câu chuyện, trong một thế giới không có thực, trong một thời gian-trước-mọi-thời-gian, tức là thời gian của các vị thần khi mà con người chưa có. Thực ra câu chuyện ấy về các vị thần chính là câu chuyện của chúng ta, đã được chuyển dịch để trở thành mẫu mực cho người ta bắt chước.
Chẳng hạn con người không hiểu tại sao hai phái nam và nữ lại thu hút nhau như thế, và làm cách nào để sinh sản

đông đúc. Thế là con người tưởng tượng ra một thế giới siêu thời gian, trong đó các thần nam và các thần nữ yêu nhau, giao hợp với nhau và sinh sản ; nếu các vị thần ấy mà sinh sản nhiều thì đất đai và súc vật của con người cũng sinh sản nhiều, bởi vì các thần ấy chỉ là phóng thể không có thực của cuộc sống con người. Vì thế phải làm sao buộc các vị ấy sinh sản cho nhiều : những nghi lễ là nhằm mục đích ép các vị ấy giao hợp nhau. Theo chiều hướng đó, việc giao hợp với các “đĩ thánh” ở Babylone hoặc các “nơi cao” trong xứ Canaan không phải là điều trụy lạc mà chính là một nghi lễ tôn giáo nhằm làm cho đất đai sinh sản phì nhiêu.
Như thế, tất cả các huyền thoại đều cực kỳ trang nghiêm : chúng là suy tư đầu tiên của nhân loại. Có thế ta mới hiểu tại sao Thánh kinh lại dùng ngôn ngữ huyền thoại để diễn tả tư tưởng riêng của mình. Nhưng Thánh kinh thay đổi thứ ngôn ngữ đó. Nói cách đơn giản, thì cũng giống như dựa vào một chuyện hoạt họa, Thánh kinh viết lại thành một chuyện tâm lý.
Ta hãy đọc thử một chuyện tâm lý : nó viết về một cặp yêu nhau cùng với những niềm vui, nỗi buồn của họ. Thoạt mới đọc thì ta thấy nó cũng giống như một chuyện hoạt họa, nhưng thực ra trái ngược hẳn : nó không đưa ta vào cõi mơ mộng mà ngược lại dẫn ta vào cuộc sống thường ngày, bởi vì nó được rút tỉa từ 1001 nhận xét về biết bao cặp yêu nhau. Do đó nó buộc ta phải suy tư về cuộc sống của ta.
Khi Thánh kinh vay mượn những huyền thoại, đặc biệt là trong những bài tường thuật về tạo dựng, Thánh kinh đã suy tư lại để làm sao có thể dùng chúng diễn tả đức tin của mình vào Thiên Chúa độc nhất đã can thiệp vào lịch sử chúng ta và muốn cho con người được tự do.

6/ MỘT NGÀN NĂM LỊCH SỬ hay là NHỮNG GIAI ĐOẠN LỚN CỦA ISRAEL

  1.  VƯƠNG QUỐC CỦA ĐAVÍT-SALOMON

Khoảng năm 1000, Đavít chiếm Giêrusalem và đặt nó làm thủ đô của một vương quốc quy tụ các chi tộc cả phía Nam lẫn phía Bắc. Sau đó con ông là Salômon sắp xếp vương quốc ấy.
Thế là có một lãnh thổ, một vua và một Đền thờ nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài.
Đó cũng là lúc bắt đầu sinh hoạt văn chương. Người ta khởi sự viết ra những kỷ niệm quá khứ : xuất hành (biến cố giải phóng khỏi Ai cập) trở thành kinh nghiệm nền tảng giúp người ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng giải phóng, Đấng cứu độ ; người ta cũng viết chuyện các tổ phụ (Abraham, Isaac…) để chứng minh rằng lời Thiên Chúa hứa với Abraham được Đavít thực hiện. Người ta còn truy đến tận lúc khởi nguyên thế giới : nhằm cho thấy rằng Thiên Chúa không chỉ muốn cho một dân tộc mà còn cho cả nhân loại được tự do.

  1.  HAI VƯƠNG QUỐC : GIUĐA VÀ ISRAEL

Sau khi Salômon băng hà, năm 933, vương quốc chia thành hai : phía Nam là vương quốc Giuđa với thủ đô là Giêrusalem, phía Bắc là Israel với thủ đô là Samaria.
Giuđa vẫn trung thành với triều đại Đavít. Vua được coi là người bảo vệ sự thống nhất của nước và là đại diện

cho cả nước trước mặt Thiên Chúa, Đấng ở giữa dân Ngài trong đền thờ. Những truyền thống được bắt đầu viết từ thời Đavít-Salomon dần dần trở thành “Lịch sử thánh của Giuđa”. Đó cũng là thời rao giảng của các ngôn sứ Isaia và Mikha.
Israel thì dứt khoát hẳn với triều Đavít. Ở Israel, về mặt tôn giáo, vua không được coi trọng bằng. Chính ngôn sứ là người có vai trò tập hợp dân và duy trì đức tin của dân, một đức tin bị đe dọa bởi việc tiếp xúc với tín ngưỡng Canaan thờ những thần Baal. Ở Israel, những truyền thống được bắt đầu viết từ thời Đavít-Salomon dần dần trở thành “Lịch sử thánh của Bắc quốc”. Những ngôn sứ rao giảng thời đó là Amos và Hôsê.
Nhiều sưu tập lề luật được thực hiện ở Bắc quốc, sau đó được soạn lại ở Giuđa và trở thành quyển Đệ nhị luật.
Năm 721 vương quốc Israel bị quân Assyria tàn phá. Năm 587 dân vương quốc Giuđa bị bắt đi đày sang
Babylone.

  1.  LƯU ĐÀY Ở BABYLONE

Trong vòng nửa thế kỷ, dân phải sống lưu đày. Họ đã bị mất tất cả : lãnh thổ, vua ; phải chăng đức tin vào Thiên Chúa cũng bị mất luôn ? Các ngôn sứ như Êdêkien và một môn đệ của Isaia cố gắng hồi sinh niềm trông cậy của dân ; phần các tư tế thì dạy dân đọc lại những truyền thống của mình để tìm hiểu ý nghĩa của khổ đau hiện tại. Những việc ấy dẫn đến “Lịch sử thánh tư tế”.

  1.  DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA BATƯ

Năm 538 vua Cyrus của Batư phóng thích dân Do thái. Họ hồi hương về Palestina. Họ đã được thanh luyện qua cuộc lưu đày và trở về quê hương sống một cuộc đời nghèo nàn.
Trong vòng 5 thế kỷ trước, dân đã nhiều lần đọc lịch sử của mình để tìm ra ý nghĩa và cậy trông mỗi tình huống lịch sử. Một người tên là Ét-ra, vừa là tư tế vừa là ký lục, đã gom 3 “lịch sử thánh” và quyển “Đệ nhị luật” lại thành một bộ sách duy nhất, gọi là Sách Luật.
Ngoài ra, suy tư của các Hiền sĩ đã bắt đầu có từ thời Salomon và cả trước đó nữa, dần dần đưa tới những tuyệt tác như Gióp, Châm ngôn, Tôbia…

  1.  DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA HY LẠP RỒI RÔMA

Năm 333 vua Alexandre của Hylạp chiếm trọn vùng Trung Đông, đem vào đấy văn hoá và ngôn ngữ Hy lạp.
Năm 167 một kẻ kế vị Alexandre là vua Atiochus ép dân Do thái phải từ bỏ đức tin của họ, nếu không thì bị xử tử. Đó là thời nhiều người chịu tử đạo, và cũng là thời của nhà Macabê. Dân tìm lại được tự do năm 164. Hoàn cảnh thời đó trở thành đề tài suy tư của các tác giả những sách khải huyền : họ mong đợi lúc tận cùng thời gian và khi đó Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp.
Năm 63, đế quốc Rôma chiếm vùng Trung Đông. Vua Hêrôđê cai trị từ năm 40 đến năm 4 trước cn.

CHƯƠNG I BIẾN CỐ XUẤT HÀNH

Bây giờ chúng ta lên đường tham quan Cựu ước : chúng ta sẽ đi xem những giai đoạn chính yếu của lịch sử Israel để coi họ đã diễn tả đức tin của mình qua dòng lịch sử ấy như thế nào. Thế nhưng, khi đi đến một xứ lạ thì trước khi lên xe cũng phải dừng lại một chút để xem trước lộ trình sẽ đi, để tìm hiểu phong tục tập quán của người dân xứ ấy… Vậy, trước khi bắt đầu chuyến tham quan Cựu ước, chúng ta cũng hãy tạm dừng trên một đoạn sách Xuất hành, việc này rất hữu ích giúp ta dễ khám phá thêm nhiều điều về sau.
Trước hết chúng ta sẽ làm quen với việc đọc và việc nghiên cứu những bản văn. Có vẻ hơi rắc rối, nhưng đừng sợ, dần dần sẽ sáng tỏ thôi.
Chúng ta cũng sẽ làm quen với các văn thể, tức là những cách viết khác nhau về những sự việc như nhau, bởi vì viết cho một người bạn thì khác, mà viết cho một ông thầy lại khác.
Chúng ta sẽ thấy rằng những bản văn hiện thời như chúng ta đọc trong sách thánh kinh có một lịch sử rất dài : chúng đã được soạn từ những tài liệu có trước. Bởi đó mà chúng ta phải dùng một lộ trình hơi ngoằn ngoèo.
Bài nghiên cứu này sẽ không hoàn toàn là tri thức. Chúng ta sẽ khám phá rằng biến cố Xuất hành là biến cố thành lập dân Israel. Sau này Israel sẽ luôn gợi lại biến cố

ấy, suy gẫm biến cố ấy để tìm ra ý nghĩa và hy vọng cho tương lai họ.

Bài 1

ĐỌC BẢN VĂN

Xh 12,1-13,16

  1.  ĐỌC LẦN ĐẦU

Bắt đầu,bạn hãy đọc bản văn này từ đầu tới cuối. Đừng để ý tới những tựa đề và những chú thích trong sách Thánh kinh của bạn. Nếu có từ nào hoặc nhóm từ nào bạn không hiểu rõ lắm cũng không sao, chúng ta sẽ trở lại chúng khi đọc lần thứ hai. Còn bây giờ bạn chỉ đọc bản văn và tự đặt những câu hỏi sau :

  1.  
  1. Bản văn nói tới sự việc gì ?
  2. Nói cách nào ? Cách tường thuật chăng (trong những đoạn nào) ? Đề ra những khoản luật chăng (trong những đoạn nào) ? Hay là tổ chức lễ nghi phụng vụ (trong những đoạn nào) ?
  3. Sau khi đọc xong, bạn thử đặt tựa đề cho những đoạn mà bạn đã tìm thấy. Điều này, buộc bạn phải xác định văn thể của những đoạn ấy.
  4.  ĐỌC LẦN THỨ HAI

Bây giờ nhờ những chú thích trong sách Thánh kinh, bạn hãy xem kỹ lại một vài điểm.
Những đoạn ấy được viết vào nhiều thời kỳ khác nhau, các chú thích sẽ giúp bạn xác định rõ hơn (TOB 12,1f BJ 12,1e).

Những đoạn ấy là những đoạn văn phụng vụ chỉ cách cử hành lễ nghi để lưu giữ kỷ niệm về biến cố xuất hành, đồng thời cho thấy biến cố ấy có ý nghĩa gì cho cuộc sống hôm nay.
Israel đã mượn hai cuộc lễ có trước họ, nhưng đã thay đổi ý nghĩa để ghép chúng vào một biến cố lịch sử. Quả thực có hai loại lễ : loại thứ nhất có tính cách thiên nhiên và được cử hành mỗi năm, (thí dụ lễ mừng năm mới) ; loại thứ hai có tính cách lịch sử để tưởng niệm một biến cố đã xảy ra một lần trong lịch sử (thí dụ lễ Quốc khánh).
Mỗi năm vào mùa xuân, những người du mục mừng lễ vượt qua : họ ăn thịt chiên và lấy máu nó đánh dấu lên cọc lều để xua đuổi tà thần. Israel đã mượn lại lễ này (12,2-11 và 21.22) nhưng đổi ý nghĩa thành lễ tưởng niệm cuộc Giải phóng (12,25-27) ; (TOB 12,11k và 5,1s BJ 12,1e).
Cũng vào mùa xuân hàng năm, những nông dân mừng lễ bánh không men : họ mừng mùa thu hoạch mới bằng cách xoá sạch mọi dấu vết của mùa cũ. Israel cũng mượn lại lễ này (12,15) nhưng biến nó thành lễ tưởng niệm cuộc Giải phóng (12,17.39 13,3-10); (TOB 12,15 BJ 12,1).
Các Kitô hữu cũng mượn lại hai lễ trên nhưng còn gán thêm ý nghĩa tưởng niệm cuộc Giải phóng chung cục do Đức Kitô.
Israel cũng làm thế đối với tục lệ dâng cái tốt nhất cho thần linh : tức là dâng con đầu lòng của loài vật, đôi khi của cả loài người nữa. Tục lệ này được Israel xem như tưởng niệm cuộc Giải phóng (13,2.14-15) ; (TOB 13,12 BJ 13,11).

VĂN THỂ

Cùng một sự việc nhưng có thể kể lại nhiều cách. Chẳng hạn cùng một sự việc người thân bị bệnh, nhưng ta kể lại cách khác nhau cho gia đình người ấy, cho bác sĩ hoặc cho nhân viên bảo hiểm xã hội ; và cách kể cũng khác nhau tuỳ theo lúc người ấy còn trong cơn thập tử nhất sinh hay sau khi khỏi bệnh. Đó là những “văn thể” vậy.
Nhưng xâu sa hơn, những “văn thể” ấy tương ứng với những nhu cầu khác nhau trong sinh hoạt của một nhóm. Bất cứ nhóm nào cũng tạo ra một số bản văn. Lấy thí dụ một nhóm chài lưới : họ sẽ tạo ra những bản văn có tính pháp lý (nội quy), những “biểu ngữ” hoặc là những câu ngắn gọn dễ nhớ (“Muốn thư giãn thì hãy đi chài”), những chuyện kể, thậm chí cả những “anh hùng ca”… Rồi cũng có những nghi lễ : ăn mừng, nhậu nhẹt… Cũng thế, xã hội nào cũng cần tạo ra một nền văn chương, quốc gia nào cũng cần có luật, có những cuộc lễ, có những tường thuật về thời quá khứ, những bài ca, những bài thơ…
Vậy thì sự kiện Israel hiện hữu như một dân tộc đã tạo nên một nền văn chương với nhiều thể loại, xin kể ra đây một số:

  • o Tường thuật :

Cần phải nhắc lại quá khứ để làm cho mọi người có cùng một não trạng chung. Khi nghe những tường thuật về các tổ tiên mình, người ta mới ý thức mình cùng một gia tộc với nhau.

  • o Anh hùng ca :

Cũng là kể chuyện quá khứ, nhưng nhằm ca tụng các bậc anh hùng và khơi lên anh hùng tính nơi người nghe, mặc dù để đạt mục tiêu đó thì phải điểm tô thêm một số chi tiết.

  • o Luật :

Nhằm mục đích tổ chức sinh hoạt để có thể sống chung với nhau.

  • o Phụng vụ nghi lễ :

Để biểu lộ cuộc sống chung ấy, cũng như bữa ăn ngày lễ làm cho gia đình đoàn kết nhau. Vì là những hành vi tín ngưỡng nên chúng còn biểu lộ sự liên hệ giữa con người với Thiên Chúa.

  • o Thi ca Thánh vịnh :

Là những cách thức biểu lộ tình cảm và đức tin của dân.

  • o Sấm ngôn :

Là những lời phán long trọng của Thiên Chúa, chúng nhắc dân về đức tin đích thực.

  • o Giáo huấn :

Của các ngôn sứ và các tư tế : có thể ở dạng dạy dỗ, có thể ở dạng tường thuật, kể chuyện (dụ ngôn)…

  • o Những câu khôn ngoan :

Là những suy tư về những vấn đề lớn của loài người như ý nghĩa của sự sống, sự chết, tình yêu, đau khổ…

Phải phân biệt rõ văn thể

Mỗi cách diễn tả (mỗi văn thể) có kiểu sự thật của nó. Ta không nên đọc bài tường thuật tạo dựng (St 1) như một bài dạy khoa học, vì đó là một bài thơ phụng vụ ; cũng không được đọc đoạn văn qua biển như một bài phóng sự trực tiếp (Xh 14) ; nó là một thiên anh hùng ca.

Vì thế, mỗi khi có thể được, ta phải tự hỏi xem bản văn này thuộc văn thể nào và loại sự thật của nó ra sao.

  1.  NGHIÊN CỨU XUẤT HÀNH 13,17-14,31 :

Việc nghiên cứu bài tường thuật “Qua biển” sẽ giúp chúng ta khám phá điều được gọi là những truyền thống của Ngũ thư.

  1.  Đọc lần thứ nhất :

Bắt đầu, bạn hãy đọc đoạn này. Thoạt đầu xem ra đó là một bài tường thuật rất liền lạc. Nhưng khi đọc kỹ, bạn sẽ thấy nhiều điều lạ. Chẳng hạn như về “phép lạ” : có khi đó là gió thổi khô biển và quân Ai cập sa lầy trong cát lún ; nhưng khi khác thì Thiên Chúa tách đôi nước biển để cho dân Híp-ri đi qua. Có khi đoạn văn nói chính Thiên Chúa ra tay chiến đấu ; khi khác lại nói Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê và chính ông này ra tay. Bút pháp cũng khác nhau : có khi mô tả rất cụ thể, trình bày Thiên Chúa như một chiến sĩ ra trận, thọc gậy vào bánh xe của các chiến xa (đó là kiểu nói “như nhân”, nghĩa là diễn tả Thiên Chúa dưới hình dáng của con người, tiếng Hy lạp là anthropomorphisme), nhưng có khi bút pháp rất trừu tượng, Thiên Chúa phán, và chính Lời của Ngài hành động…
Những nhận xét trên, không riêng gì cho đoạn này mà cho toàn thể bộ Ngũ thư, đã khiến các chuyên viên đưa ra giả thuyết : đây là một tập hợp từ 4 truyền thống (hoặc 4 nguồn tài liệu) thành một tổng tập. Chúng ta sẽ kiểm chứng giả thuyết này.

  •  Đọc lần thứ hai :

Bây giờ ta tạm đưa vào giả thuyết có 4 nguồn truyền thống, và chép lại bài tường thuật của mỗi truyền thống (ở đây ta chỉ chép có truyền thống Jahviste và truyền thống tư tế mà thôi, tạm bỏ qua 2 truyền thống kia, để đơn giản cho công việc của chúng ta hơn).

Truyền thống Jahviste :

14,2b Đối diện với Pi-Hakhirot giữa Migdol và biển, đối diện với Baal-Céphon, các ngươi hãy đóng trại ngay đàng trước đó, gần mé biển.
5b Pharaon và bầy tôi đổi lòng với dân. Họ nói “ta đã làm gì vậy, sao lại thả Israel ra đi để chúng khỏi làm tôi ta ?”.
6a Ông cho thắng xe trận của ông.
7a Ông lấy 600 xe trận, những xe bảnh nhất.
9ab Quân Aicập đuổi theo họ và đã kịp họ… trong khi họ đóng trại gần mé Biển gần bên Pi-Hakhirot đối diện với Baal-Céphon.
10 Pharaon sấn lại gần. Con cái Israel ngước mắt lên, và này quân Ai cập tiến lại đằng sau họ và họ khiếp sợ quá đỗi, và con cái Israel đã kêu lên Yavê.
13 Môsê nói với dân “Đừng sợ, cứ đứng yên và nhìn xem việc cứu thoát Yavê sẽ làm cho các ngươi hôm nay, các ngươi sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy lại nữa !
14 Yavê sẽ giao chiến thay cho các ngươi, còn các ngươi, các ngươi chỉ việc làm thinh”.
19b Cột mây đã bỏ đàng trước và vòng lại đàng sau

20 Và đến vào giữa doanh trại Aicập và doanh trại Israel. Và đám mây ấy vừa là tối tăm (cho bên kia) vừa làm rạng sáng đêm tối (cho bên này)
22b Yavê cho cuồng phong phía Đông thổi lại khuấy động biển suốt cả đêm. Ngài làm cho biển thành đất khô ráo.
24 Và xảy ra là vào lối canh sáng, Yavê trên cột lửa và mây ngó sang doanh trại Ai cập và gieo tán loạn trong doanh trại Ai cập.
25 Ngài làm xiêu vẹo bánh xe chúng và chúng phải vất vả mới đẩy xe đi. Bấy giờ quân Ai cập nói với nhau : “ta hãy trốn cho mau khỏi Israel vì Yavê giao chiến với Ai cập hộ chúng”.
27b Biển đã trở lại mức cũ vào lúc tảng sáng. Quân Ai Cập chạy ùa cả xuống biển và Yavê xô quân Aicập lộn nhào trong lòng biển.
30 Trong ngày ấy, Yavê đã cứu Israel thoát tay Ai cập, và Israel đã thấy xác quân Aicập trên bãi biển.
31 Và Israel đã thấy tay cao cả Yavê tỏ ra trên quân Aicập và đã kính sợ Yavê. Họ đã tin vào Yavê và Môsê tôi tớ Ngài…
Đọc xong bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau : các vai là ai ? quân Aicập muốn gì ? chúng có biết cách đạt điều chúng muốn không ? chúng có khả năng đạt được điều đó không ? còn dân Híp-ri, họ muốn gì ? ai giúp họ biết cách đạt điều họ muốn ? ai ban cho họ khả năng ấy ?
Tựu trung, biến cố này như thế nào ?

Bạn hãy gạch dưới những từ lặp đi lặp lại. Phải chăng động từ “thấy” luôn luôn có cùng một ý nghĩa (thấy bằng cặp mắt xác thịt, và thấy bằng đức tin) ? chữ “sợ” có cùng một ý nghĩa chăng trong những câu 10.13 và c.31 (chữ song song với nó trong câu này là chữ nào) ?
Xem ra mục đích của tường thuật Jahviste này là cho thấy dân Híp-ri đã đi qua từ loại sợ này sang loại sợ khác như thế nào ? sự chuyển biến này diễn ra thế nào ? điều đó có nghĩa gì đối với đức tin của dân Híp-ri và của chúng ta ?

Truyền thống tư tế :

13,20 Họ bỏ Sukkot trẩy đi và đã đóng trại ở Etam, đầu mút sa mạc.
21 Và Yavê đi đàng trước họ, ban ngày trên cột mây để dẫn họ trên đường, và ban đêm trên cột lửa để soi sáng trên họ, thành thử họ có thể đi cả ngày lẫn đêm.
22 Ban ngày cột mây và ban đêm cột lửa không hề rời khỏi đàng trước dân.
14,1 Yavê phán bảo Môsê rằng:
2a “Hãy bảo con cái Israel quay lại mà đóng trại.
3 Pharaon sẽ tự nói với mình về con cái Israel “chúng lạc loài trong vùng, đã có sa mạc nhốt chúng lại”.
4 Ta sẽ làm cho Pharaon ra chai đá và nó sẽ đuổi theo các ngươi, Ta sẽ được rạng vinh nhân vì Pharaon và quân lính của nó, khiến cho người Aicập biết được rằng “Ta là Yavê”. Và họ đã làm như vậy.

8 Yavê làm cho lòng Pharaon vua Ai cập ra chai đá, và ông đuổi theo con cái Israel, trong khi con cái Israel ra đi, tay giơ cao.
15 Yavê phán với Môsê “tại sao ngươi kêu lên Ta ? Hãy bảo con cái Israel cứ trẩy đi.
16 Còn ngươi, ngươi hãy nâng gậy lên và giơ tay trên biển. Hãy rẽ nó làm hai cho con cái Israel đi vào lòng biển (chân) khô ráo.
17 Phần Ta, này Ta làm cho lòng dân Aicập ra chai đá để chúng cũng vào theo sau. Ta sẽ được rạng vinh nhân vì Pharaon và quân binh cùng xe trận với kỵ binh của nó.
21a Môsê giơ tay trên biển. 21c Nước đã rẽ làm hai
22 Con cái Israel đi vào lòng biển (chân) khô ráo. Nước đã nên như tường thành cho họ ở tả hữu hai bên.
23 Quân Ai cập thúc đuổi cũng vào theo sau (tất cả ngựa xe của Pharaon cùng với xe và kỵ binh của ông ta) tận trong lòng biển.
26 Yavê phán với Môsê “Hãy giơ tay trên biển cho nước trở lại trên quân Aicập, trên xe trận và kỵ binh của chúng.
27a Môsê đã giơ tay trên biển
28 Nước đã trở lại và nhận chìm xe trận, kỵ binh và tất cả quân binh của Pharaon trong khi chúng theo sau Israel xuống biển, và chúng không còn một mống nào sót lại.
29 Con cái Israel đã đi trong lòng biển (chân khô ráo). Nước đã trở nên như tường thành cho họ ở tả hữu hai bên.

Ở đây ta thấy chỉ còn có một vai, là ai ? Ngài muốn gì ? Ngài hành động ra sao ? Hãy chú ý những nhóm từ lặp đi lặp lại. Vài nhóm từ có lẽ gây thắc mắc (“Thiên Chúa làm cho lòng người ta ra chai đá”). Nhưng bạn đừng mất giờ suy nghĩ, sau này ta sẽ trở lại.
Điều mà Thiên Chúa muốn tìm là : Ngài được rạng vinh, khiến cho người ta biết Ngài là Chúa. Nhưng “rạng vinh” không phải là “hào quang”, thánh Irênê nói : “vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống” ; Thiên Chúa lấy làm vinh quang khi cứu dân Ngài, vì như thế các dân khác sẽ biết Ngài là Thiên Chúa cứu thoát, Thiên Chúa bảo vệ. Nhưng với điều kiện là dân phải để cho Ngài cứu họ, phải trông cậy vào Ngài, làm như thế là họ “thánh hoá danh Thiên Chúa“, tức là để cho Ngài tỏ ra Ngài là thánh, là Chúa. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về điểm này khi nghiên cứu ngôn sứ Êdêkien.
Tựu trung, biến cố này diễn ra thế nào ? Hãy chú ý những sự lặp đi lặp lại : Thiên Chúa ra lệnh và người ta thi hành. Đây là trình tự hay được truyền thống tư tế sử dụng (hãy xem bài tường thuật thứ nhất về cuộc tạo dựng St.1). Ở đây điều quan trọng là Lời của Thiên Chúa, Lời nói gì là sáng tạo ra ngay cái đó. Hãy so sánh “phép lạ” này với Sách Thánh.1 : cũng cùng một chủ đề : Thiên Chúa tách đôi mặt nước và khô ráo lộ ra (Xh 14,16.22.29 và St.1, 9.10).
Điều này có nghĩa gì đối với tường thuật về cuộc qua biển ? và đối với tường thuật về tạo dựng ? (TOB 14,16).

NHỮNG TRUYỀN THỐNG CỦA BỘ NGŨ THƯ

Hãy bắt đầu bằng một thí dụ đơn sơ : chúng ta có 4 bản văn khác nhau cùng nói về Đức Giêsu, đó là 4 sách Tin

mừng. Biết bao người đã mong muốn tổng hợp chúng lại thành một quyển duy nhất “cuộc đời Đức Giêsu”, bằng cách dựa vào một quyển rồi lấy các chi tiết của các quyển kia thêm vào.
Giả sử tôi nhờ một chuyên viên văn chương không biết gì về 4 sách Tin mừng để nghiên cứu quyển “cuộc đời Đức Giêsu” ấy thì chẳng bao lâu ông ta sẽ đánh hơi rằng quyển này không phải do một người viết vì có nhiều lần đổi bút pháp, nhiều bộ ngữ vựng khác nhau v.v…
Rồi ông sẽ đưa giả thuyết rằng quyển này là tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu. Ông sẽ cố gắng phân quyển sách thành nhiều cột để tìm cho ra những nguồn tài liệu khác nhau ấy.
Bây giờ nếu ta so sánh kết quả việc làm của ông với các sách Tin mừng thì chắc chắn sẽ nhận ra hai điều : một là những “chỗ trống”. Chẳng hạn Marco và Luca cùng thuật một chuyện, nhưng quyển “Cuộc đời Đức Giêsu” chỉ giữ lại một tường thuật thôi, tường thuật kia đã mất. Hai là có những “sai lầm” : không phải lúc nào cũng dễ nhận ra đoạn này thuộc về Marco hay Luca, cho nên chuyên viên của chúng ta có thể lầm.
Trở lại với bộ Ngũ thư, 5 quyển này làm thành một tác phẩm duy nhất. Nhưng từ lâu các chuyên viên đánh hơi rằng đó là một tổng hợp từ 4 nguồn truyền thống chính được viết vào nhiều thời kỳ khác nhau.
Như thế Ngũ thư được viết qua nhiều giai đoạn:

  1. Phần căn bản là nhân vật Môsê và biến cố Xuất hành.
  1. Tiếp đó người ta đã soạn tác (bằng miệng hoặc cũng có thể bằng chữ viết) những mẩu chuyện nhỏ như : tường thuật, luật, diễn từ, suy gẫm về biến cố ấy, cử hành phụng vụ…
  2. Vào những thời kỳ khác nhau, những ký lục (ngôn sứ, tư tế, hiền sĩ) gom góp những mẩu chuyện nhỏ ấy lại thành những tường thuật dài, tức là 4 nguồn tài liệu.
  3. Cuối cùng 4 truyền thống ấy được nhập chung thành

một bộ sách gồm 5 quyển.

Chúng ta sẽ có dịp nghiên cứu chi tiết những tài liệu ấy. Còn bây giờ chỉ xin nói phớt qua :

  1. Truyền thống Jahviste (viết tắt là J) : sở dĩ được đặt tên như vậy vì nó gọi Thiên Chúa là Jahvé (hay Yavê). Truyền thống này được sinh ra có lẽ vào thời Salômon, khoảng 950 trước cn, trong môi trường triều đình Giêrusalem. Vì thế nó dành cho Vua một vị trí lớn, chính vua là người tạo thống nhất về đức tin.
  2. Truyền thống Élchiste (viết tắt là Êdêkiên) : gọi Thiên Chúa là Êlôhim, được sinh ra khoảng 750 ở Vương quốc phía Bắc sau khi Vương quốc thống nhất của Đavít- Salômon bị phân đôi. Vai trò của các ngôn sứ được đề cao, truyền thống này chịu ảnh hưởng nhiều bởi lời rao giảng của ngôn sứ Êlia và Hôsê.

Hai truyền thống trên được nhập lại tại Giêrusalem khoảng năm 700. Công trình hoà nhập này thường được gọi là Jéhoviste (JE).

  1. Truyền thống Đệ nhị luật (viết tắt là D) : phần lớn nằm trong quyển Đệ nhị luật, nhưng cũng ảnh hưởng nhiều

trên các sách khác. Được bắt đầu trong Vương quốc phía Bắc và được hoàn thành ở Vương quốc phía Nam tại Giêrusalem.

  1. Truyền thống tư tế (viết tắt là P, do chữ tư tế tiếng Pháp là Prêtres) : sinh ra trong thời lưu đày bên Babylone, trong những năm 587-538 và sau đó. Trong cảnh lưu đày, các tư tế đọc lại các truyền thống của họ để gìn giữ đức tin và niềm hi vọng của dân.
  2. truyền thống này và các công trình quản diễn chúng sẽ được tập họp lại thành một bộ sách : bộ Ngũ thư. Công việc này hình như được hoàn thành vào năm 400 và có lẽ do công của một tư tế tên là Esdras.

Trong chương I này, chúng ta chỉ làm quen với những truyền thống ấy. Trong những chương sau chúng ta sẽ xem xét từng truyền thống. Như thế ta sẽ đọc Ngũ thư 4 lần và mỗi lần để ý riêng một truyền thống.

  1.  BÀI CA CHIẾN THẮNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CỨU : Xh 15,1-21

Với đoạn văn này, Xuất hành trở thành một bài thơ, một bài ca có thể hát lên để mừng tất cả mọi cuộc giải phóng xưa cũng như nay.
Bạn hãy bắt đầu bằng cách đọc (đọc to lên càng tốt). Bạn sẽ thấy ngay có hai bè đối đáp nhau : một bè ca tụng quyền năng Thiên Chúa cách chung (cc.2.3.6.7.11.18) ; bè kia ca tụng những hành động cụ thể của Ngài (cc.1.4.5.8.10.12-17).
Những hình ảnh được sử dụng, đặc biệt để nói về Thiên Chúa, gợi cho bạn ý tưởng gì ? Trong đó có một số sẽ

làm bạn ngạc nhiên, chẳng hạn hình ảnh Thiên Chúa Chiến sĩ. Nhưng nên nhớ rằng : đây là loại hình ảnh biểu tượng. Nói “Thiên Chúa Chiến sĩ” là một cách nói rằng Thiên Chúa không ở xa, không vắng mặt trong những cuộc chiến đấu của loài người cho công bình và tự do (TOB 15,3t).
Bài hát này ca tụng những hành động cụ thể nào của Thiên Chúa : ở cc.4-5 và 8-10? Ở cc.12-17 ? Tên của các dân (Êđom, Moab, Canaan, Philitinh) cho thấy một lộ trình : Lộ trình nào ? “Nơi ở thánh, trên núi, nơi Thiên Chúa ngự” là những kiểu nói về một ngôi nhà rõ rệt, ngôi nhà nào ? Đoạn này đặt ta vào thời kỳ nào ?
Vào thời ấy, người ta diễn tả Thiên Chúa nhằm một mục đích rõ rệt khi giải phóng dân Ngài (c.17). Mục đích gì ?
c.18 dạy ta điều gì về đức tin của Israel và hệ thống chính trị của họ ?

Xuất hành cũng là một biến cố của hôm nay :

Bản văn này đưa ta đến một vài nhận định quan trọng cho đức tin của chúng ta.
Thiên Chúa được bản văn này ca tụng không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, một ý tưởng, dù cao siêu bao nhiêu đi nữa. Người ta biết được Ngài là vì người ta thấy được hành động của Ngài trong những biến cố cụ thể.
Những biến cố ấy cũng là những biến cố của hôm nay, nhưng ta chỉ khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đó khi ta suy gẫm về những biến cố của ngày xưa. Bạn hãy đọc lại cc.12-17 : đó là thời quân chủ, dân đang ở xứ Canaan, Đền thờ đã cất xong, Thiên Chúa đang ngự trị giữa dân Ngài.

Hãy so sánh những câu 12-16 (nói về việc Israel “đi qua” các dân) với những câu 8-10 (nói về việc dân Aicập chết chìm) : tác giả mô tả xuất hành theo ánh sáng những gì ông vừa mới sống qua, và đối lại, những sự việc của Xuất hành giúp ông hiểu ý nghĩa điều ông đang sống.
Và như thế, bài thơ này được dùng làm lời cầu nguyện cho những thế hệ tương lai : mỗi cộng đoàn tín hữu thuộc mọi thế hệ đều được mời viết thêm những câu thơ của mình, phụng vụ Công giáo hát bài ca này trong đêm vọng Phục sinh : đó là mời chúng ta viết thêm những câu thơ của mình để ca tụng những lần Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, can thiệp vào lịch sử của chúng ta hôm nay, lịch sử của thế giới, mà cũng là lịch sử riêng của mỗi người.

THI CA HÍP-RI

Ta hãy nói qua về vài đặc tính của thi ca Híp-ri.
Đặc tính thứ nhất là giàu hình ảnh: Híp-ri là một thứ ngôn ngữ rất cụ thể. Các sự vật, sự việc đều được coi là những biểu tượng về một thực tại phong phú nhưng vô hình. Thay vì triển khai những ý nghĩa trừu tượng, thi sĩ thích dồn chung nhiều hình ảnh cụ thể và phong phú của cả một cuộc sống. Thay vì nói : “Thiên Chúa quyền năng“, thi sĩ diễn tả : Ngài giáng sấm sét, Ngài là chiến sĩ, tay hữu Ngài cầm gươm, Ngài là kẻ hướng dẫn, là người trồng vườn, là nhà kiến trúc v.v…
Đặc tính thứ hai là cú pháp sóng đôi. Mỗi câu gồm hai vế, hai vế này có cách diễn tả bổ sung nhau hoặc đối nghịch nhau. Nhưng đều nói lên cùng một ý tưởng, chẳng hạn:
Tôi sẽ ca tụng Ngài là Thiên Chúa của tôi.

Tôi sẽ tôn vinh Ngài là Thiên Chúa của tổ tiên tôi.

Bài 2

XUẤT HÀNH BIẾN CỐ THÀNH LẬP DÂN


“Mỗi người của mọi thế hệ phải tự coi như chính mình ra khỏi Aicập, vì có lời viết rằng : trong ngày đó (ngày mừng lễ tưởng niệm việc ra khỏi Ai cập) ngươi hãy bảo con trai ngươi rằng “chính vì thế mà Chúa đã can thiệp cho cha. Khi cha ra khỏi Aicập…”. Trích đoạn này từ phụng vụ lễ Vượt qua Do thái cho ta thấy rõ tầm quan trọng của biến cố xuất hành đối với dân Israel. Suốt dòng lịch sử của mình, dân (Israel và tiếp đó là dân Kitô hữu) sẽ không ngừng suy niệm ý nghĩa của biến cố đó.
Dưới đây ta chỉ có thể nêu lên vài khía cạnh của biến cố phong phú ấy :

  1.  MỘT BIẾN CỐ THÀNH LẬP DÂN

“Israel luôn coi việc ra khỏi Aicập là thời điểm độc nhất vô nhị trong lịch sử của họ, là một biến cố có vị trí đặc biệt hơn mọi biến cố khác” (TOB). Với Abraham thì có lẽ đã có dân, nhưng chỉ mới có trong lời hứa. Chính Xuất hành mới là biến cố tạo họ thành một dân tộc thực sự.
Khi ta muốn hiểu ý nghĩa của các biến cố, các định chế, các lễ nghi khác ; khi ta muốn giải thích sự tồn tại của dân Israel, nhất thiết ta phải quy chiếu về biến cố Xuất hành.

  1.  MỘT CUỘC GẶP GỠ THIÊN CHÚA

Trong biến cố này, Israel bắt đầu khám phá Thiên Chúa của mình là ai, tên Ngài là gì. Họ đã khám phá rằng Thiên Chúa là Đấng giải phóng, Đấng cứu độ, trước khi nhận biết Ngài là Đấng tạo hoá. Đây là một điểm rất quan trọng nên sau này ta sẽ nói lại. Thiên Chúa là “Đấng đã kéo chúng ta ra khỏi nhà nô lệ“, đấy là danh hiệu chính của Ngài, và hầu như là danh hiệu riêng không ngừng được dùng trong Thánh kinh.
Trong thị kiến bụi gai rực cháy, Thiên Chúa đã xưng tên cho Môsê: YAVÊ tên mà TOB dịch ra là “Ta là Đấng sẽ là” (Je suis qui je serai) nghĩa là : Ta là gì thì các ngươi sẽ khám phá trong điều Ta sẽ là và sẽ làm với ngươi, với các ngươi, trong lịch sử (Xh 3,14).
Như vậy, Thiên Chúa và dân Ngài được hiệp nhất bởi cùng một liên hệ huyết thống (xem lễ nghi trong Xh 24,3-8), bởi cùng một giao ước.
Từ nô lệ tới phục vụ” : đây là tựa đề mà một bài chú giải đã đặt cho biến cố Xuất hành. Tựa đề này tóm lược rất đúng điểm chủ yếu của biến cố ấy. Dân ý thức rằng Thiên Chúa đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai cập ; từ nay họ có thể hoàn toàn tự do để phục vụ Ngài, phục vụ bằng cách sống hàng ngày trong tâm tình trung thành với Giao ước và biểu lộ ra trong phụng tự.

  1.  MỘT QUÁ KHỨ LUÔN LÀ HIỆN TẠI

Như nghi thức phụng vụ Do thái diễn tả, Xuất hành không chỉ là một biến cố của quá khứ, mà là biến cố vẫn tháp tùng Israel trong suốt dòng lịch sử của họ. Khi cử hành biến

cố ấy trong phụng tự thì nó trở thành hiện tại và mọi người có thể tham dự vào. Việc quy chiếu về quá khứ ấy giúp họ hiểu hiện tại : cả cuộc sống trở thành một cuộc Xuất hành, một cuộc hành trình về Nước Thiên Chúa ; việc quy chiếu như thế còn giúp duy trì đức tin trong những thời kỳ khủng khiếp hoặc lưu đày : nếu ngày xưa Thiên Chúa đã giải phóng chúng ta thì hôm nay Ngài cũng vẫn có thể làm thế. Thành thử việc quy chiếu ấy lại có tác dụng duy trì niềm trông cậy hướng về tương lai nữa.
Các Kitô hữu đầu tiên sẽ tiếp tục suy gẫm điều ấy. Họ sẽ giải thích cuộc đời Đức Kitô như một cuộc Xuất hành. Và những bản văn như thư 1 Phêrô, thư Hípri hoặc sách Khải huyền sẽ cho thấy rằng đời sống của Kitô hữu cũng là một cuộc xuất hành, nối bước Đức Kitô, để tiến về nước Ngài.
Chúng ta đã phần nào thấy được vẻ phong phú của biến cố Xuất Hành. Bây giờ còn một câu hỏi nữa : liệu chúng ta có thể tìm ngược lên tận biến cố đó hay không ? hay nói cách khác : thực sự điều gì đã xảy ra ? Đây là câu hỏi mà chúng tôi sẽ cố trả lời trong bài kế tiếp.

Bài 3

XUẤT HÀNH ĐÃ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO ?

  1.  THẾ NÀO LÀ MỘT BIẾN CỐ LỊCH SỬ ?

Trước khi trả lời câu hỏi “Xuất hành đã diễn ra thế nào ?” cần phải xác định thế nào là một biến cố lịch sử.
Có thể trả lời ngay : đó là những sự việc mà ta có thể hoặc đã có thể thấy. Tuy nhiên nói thế vẫn còn hàm hồ, phải nói rõ hơn.
Thực ra, không có những “sự việc sống sượng”, tức là những sự việc mà ta có thể biết một cách khách quan ; chỉ có những sự việc đã được giải thích mà thôi. Hai người kể cùng một sự việc, nhưng kể hai cách khác nhau, nghĩa là họ không kể “sự-việc-tự-thân” mà là “sự-việc-như-họ-đã-thấy”. Bởi thế cùng một cử chỉ, nhưng đối với người này nó có nghĩa là một sự chế nhạo, còn đối với người kia lại là một sự khích lệ.
Và chính vì người ta giải thích sự việc bằng cách cho nó một ý nghĩa nên nó mới là sự việc lịch sử. Có những sự việc xảy ra nhưng người ta quên đi ngay vì chúng chẳng có ý nghĩa gì cả : chúng có “trong lịch sử” nhưng không có “tính lịch sử”. Tôi mở cửa, tôi cầm bút… những sự việc ấy có đó nhưng không có ý nghĩa gì riêng biệt. Còn một sự việc lịch sử là cái để lại dấu vết trong ký ức của một người hoặc một nhóm người nào đó, nó vẫn kéo dài trong lịch sử bởi vì người ta đã thấy trong nó một ý nghĩa.
Thế nhưng ý nghĩa ấy chỉ là sau này mới thấy, và đôi khi sau này rất lâu mới thấy. Chẳng hạn như khi thấy kỷ

nguyên mới mở ra cho Giáo hội, ta mới khám phá tầm quan trọng của việc Đức Gioan XXIII quyết định mở một Công đồng chung. Như thế, chính nhờ xuôi dòng lịch sử để nhận ra một sự việc nào đó đã đưa đến những kết quả nào mà ta mới bắt đầu hiểu ý nghĩa của sự việc ấy.
Đôi khi cũng phải lội ngược dòng lịch sử, bởi vì một số sự việc có thể rất tầm thường, đã có thể trở thành biểu tượng cho cả một toàn thể. Lấy một thí dụ mà ai cũng biết : một nhóm người nổi dậy đã vào ngục Bastille để giải thoát 2,3 tù nhân được canh giữ sơ sài bởi vài anh lính hiền lành. Đấy là một sự việc rất tầm thường so với biết bao sự việc khác bi thảm hoặc hào hùng hơn nhiều. Vậy thử hỏi việc ấy đã trở thành sự kiện lịch sử lúc nào ? Phải chăng vào ngày 14-7- 1789 ? hoặc khi cuộc cách mạng thành công và nó trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng ấy ? Xin thưa là : cả hai ! Chính vì hôm đó đã có một sự việc xảy ra nên người ta mới có thể lấy sự việc đó làm biểu tượng. Nhưng cũng chính vì nó được lấy làm biểu tượng nên nó mới trở thành sự kiện lịch sử.

  1.  XUẤT HÀNH ĐÃ DIỄN RA THẾ NÀO ?
    1.  Môsê :

Nền tảng của những bài tường thuật về biến cố Xuất hành là nhân vật Môsê. Ông sinh ra dưới triều Horemheb (1334-1306) hoặc Séti I (1309-1290), được học hành trong một trường đào tạo những ký lục-thông ngôn mà Aicập rất cần cho những cuộc giao dịch với những dân châu Á.
Thời gian ông lưu ngụ ở sa mạc Madian đã đánh dấu đời ông : ông đã tiếp xúc với một nhóm người (nhóm mà

nhạc phụ của ông là Jéthro làm tư tế), nhóm này hình như rất có tinh thần tín ngưỡng và thờ kính một vị thần mà họ gọi là YAHO.

  1.  
    1.  Có hai cuộc xuất hành ?

Một số bản văn mô tả cuộc ra khỏi Aicập như một cuộc trục xuất, một số bản văn khác lại coi đó là một cuộc trốn chạy. Vậy có lẽ có hai cuộc Xuất hành mà sau đó dân đã hoà lẫn lại làm một trong ký ức của họ.

  1.  
    1.  
      1. Cuộc xuất hành-trục xuất diễn ra khoảng năm 1550. Một số người thuộc chủng Sêmit (những người Hyksos) đã lên nắm quyền ở Ai cập vào khoảng năm 1720. Nhưng họ đã bị đuổi vào năm 1552. Con cháu Giacob cũng thuộc chủng Sêmít, đã lợi dụng sự hiện diện của người Hyksos ấy để tới Aicập định cư, nhưng khi đó họ cũng bị đuổi. Họ đi con đường phía Bắc rồi vòng xuống phía Nam hướng về Ốc đảo Cadès. Một ngày kia họ sẽ vào miền Nam xứ Canaan.
      2. Cuộc xuất hành-chạy trốn xảy ra khoảng năm 1250. Một nhóm người Sêmit khác đã ở lại Ai cập. Do Môsê kích thích, họ lợi dụng một cuộc lễ mùa Xuân (và có lẽ một vài tai hoạ giáng xuống Aicập khiến nhiều trẻ con bị chết) để trốn đi. Họ đi con đường phía Bắc. Khi họ tới gần hồ Sirbonis thì bị một toán quân Ai cập đuổi kịp, nhưng các chiến xa của toán quân này bị lún cát, nhờ vậy nhóm Sêmit ấy được cứu, họ rời con đường nguy hiểm ấy để đi xuống hướng Cadès.
    2.  Cuộc “vượt qua” biển :

Trong truyền thống Jahviste không có nói tới “cuộc vượt qua biển” : gió thổi khô nước, các chiến xa Aicập sa lầy trước những cặp mắt ngỡ ngàng của dân Híp-ri, nhiều sử

gia thời cổ cho biết rằng những bờ của hồ Sirbonis rất dễ lún vì toàn là đất cát ngăn chận nước Địa Trung Hải.
Chỉ có tường thuật của truyền thống tư tế là nói Thiên Chúa “chẻ đôi” giòng nước để cho “khô ráo” hiện ra, cũng như vào thuở bình minh của thế giới, Ngài đã chẻ đôi giòng nước nguyên sơ để cho khô ráo hiện lên ! Cuộc Xuất hành được mô tả như một hành động sáng tạo, và tường thuật về cuộc Sáng tạo (St.1) được mô tả như một hành động giải phóng.
 

  1.  
    1.  Núi Sinai :

Các truyền thống đều nói tới một ngọn núi tên Sinai hoặc Horeb. Vậy nó ở đâu? Có nhiều giả thuyết:

  • Đó là núi Mousa ở phía Nam vùng Sinai. Thực ra con đường phía Nam chỉ quen dùng từ thế kỷ IV của kỷ nguyên chúng ta, vì thế không có gì chắc chắn là dân Híp-ri khi xưa đã đi con đường này. Sở dĩ có người theo giả thuyết này có lẽ là vì chịu ảnh hưởng của việc một số đan sĩ đã tới cư ngụ dưới chân núi Mousa.
  • Đó là núi Hor gần Cedès.
  • Đó là một quả núi ở Madian, phía Đông vịnh Aqaba.
    •  Một khảo luận thần học viết theo cú pháp anh hùng ca

Có thể ta hơi thất vọng vì được biết quá ít điều chắc chắn như thế. Nhưng đó là do thể loại của những bản văn ấy, thể loại anh hùng ca, với nội dung quan trọng trước tiên có tính thần học.

  • Một thiên anh hùng ca : nhiều chi tộc cho rằng mình do cùng một nguồn gốc (những chi tộc ở lại Canaan, những chi tộc bị đuổi khỏi Ai cập và những chi tộc chạy trốn theo Môsê) đã liên minh với nhau trong Đại hội Sikem (Gs 24). Mỗi chi tộc khi liên minh với các chi tộc khác cũng đem theo những truyền thống của mình, và những truyền thống ấy đã hoà chung lại làm thành gia sản chung của liên minh mới. Do đó những kỷ niệm khác nhau lại ảnh hưởng lên nhau. Chẳng hạn như kỷ niệm về cuộc “vượt qua” sông Giođan tác động lên kỷ niệm về trận đụng độ bên bờ hồ và biến nó thành cuộc “vượt qua biển” (TOB, Gs 3,13c ; BJ Xh 14,15a). Rất nhiều biến cố đánh dấu cuộc định cư ở Canaan (qua sông Giođan, những cuộc chiếm thành, chiến thắng Taanak được Đêbôra hát mừng (Tl 5). Trong số đó có một biến cố nổi bật và trở thành biểu tượng cho mọi biến cố khác, biểu tượng cho cuộc giải phóng, đó là biến cố Xuất hành.
  • Một khảo luận thần học : những kỷ niệm ấy được viết lại không nhằm mục đích giảng dạy về lịch sử hoặc địa dư, mà là để nói về Thiên Chúa. Xuyên qua những tường thuật ấy, xuất hiện gương mặt của một vị Thiên Chúa giải phóng, Ngài muốn cho một dân tộc được tự do, tự do phụng sự Ngài bằng cách sống theo giao ước với Ngài. Đấy là điều chủ yếu và là động cơ của toàn thể cuộc sống của Israel và kế đó là của các Kitô hữu.

Kinh nghiệm nền tảng trên giúp cho một ngày nào đó người ta có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa không phải chỉ muốn giải phóng một dân, mà là giải phóng chính con người : khi đó người ta sẽ có thể viết những tường thuật về cuộc tạo dựng trong đó ơn ban sự sống và tự do được trải rộng ra cho toàn thể nhân loại.

CHƯƠNG II
 

VƯƠNG QUỐC CỦA GIÊRUSALEM

Bài 1

LỊCH SỬ


Khoảng năm 1000 trước cn, Đavít trở thành vua và chiếm thành Giêrusalem, rồi biến nó thành thủ đô của nước ông. Đây là một điểm khởi hành mới đối với Israel. Thế nhưng những gì đã dẫn đến việc này ?

  1.  TỪ XUẤT HÀNH ĐẾN ĐAVÍT

Khoảng năm 1200, nhóm người đã rời Aicập dưới sự hướng dẫn của Môsê, rồi của Giôsuê đến định cư ở Canaan. Xứ này đã được chiếm ngụ bởi nhiều chi tộc khác, quy tụ quanh những thành trì nhỏ trên các đỉnh đồi. Các chi tộc ấy sinh sống bằng nghề nông, nghề buôn bán và thường đánh nhau.
Bằng sức mạnh, bằng mưu mô và đôi khi bằng thoả hiệp, nhóm người Híp-ri đã định cư được ở ngay trung tâm của xứ này. Sau này sách Giôsuê đã tường thuật cuộc định cư như là một thiên anh hùng ca kỳ diệu, trước hết là để đưa ra một giáo huấn : dân Híp-ri đã chiếm được xứ này, nhưng chính Thiên Chúa đã cho họ làm điều đó ; đấy là “ơn chinh phục”.

Trong một đại hội họp ở Sikem, các chi tộc đã lập với nhau một dây liên kết bằng cách cùng ký kết giao ước với Thiên Chúa (Gs.24).
Tới thời kỳ gọi là thời các thủ lãnh (giữa các năm 1200 và 1000), các chi tộc liên minh với Yavê (gồm 12 chi tộc) chia thành 3 nhóm ở Galilê, Samaria và ở phía Nam Giêrusalem. Liên hệ giữa họ rất lỏng lẻo và hầu như chỉ có tính cách tôn giáo. Nhưng đôi khi nếu một vài chi tộc nào đó gặp nguy hiểm thì một vị cứu tinh (hoặc thủ lãnh) đứng lên động viên toàn dân chiến đấu, và sau khi chiến thắng thì ai trở về nhà nấy (sách Thủ lãnh).
Tuy nhiên sức ép của quân Ammon ở miền Trung và nhất là của quân Philitinh ở miền Nam khiến các chi tộc ý thức rằng họ cần có một quyền lực mạnh ở trung ương. Bởi thế họ đã thử thành lập chế độ quân chủ : các chi tộc miền Trung đã thử chọn Abimélek làm vua nhưng thất vọng, các chi tộc miền Nam thì chọn Saul.
Trên bình diện tôn giáo thì cư dân xứ Canaan thờ một vị thần : thần El, nhưng nhất là họ theo một thứ tôn giáo thiên nhiên : họ thờ các thần Baal, tức là những sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá (như bão, đất, biển…) và vợ của các thần ấy, những nữ thần Astartés là những nữ thần tình yêu và sinh sản. Còn dân Híp-ri thì thờ thần YAVÊ, họ sẽ thường xuyên bị cám dỗ bởi những lễ tế đầy tính sắc dục của người Canaan trên những nơi cao.

  1.  ĐAVÍT

Lợi dụng lúc ba “đại cường” đang xuống sức (Hittites trên thực tế đã biến mất, Ai cập và Assyria không còn mạnh)

và dựa vào uy tín cá nhân của mình, Đavít đã khôn khéo khiến cho các chi tộc miền Nam và sau đó các chi tộc miền Bắc chọn ông lên làm vua. Ông chiếm thành của dân Giơbusi (nằm giữa ranh giới 2 miền Nam Bắc) và biến nó thành thủ đô Giêrusalem. Việc này tạo cho Israel một hoàn cảnh hoàn toàn mới.

  •  
  • Trên bình diện chính trị, Israel đã có vua như các dân khác. Nhưng việc này cũng đặt cho các tín hữu một câu hỏi : Yavê há không phải là vua duy nhất sao ?

Khi đó ngôn sứ Natan đóng một vai trò hàng đầu. Ở Babylone và Aicập, khi tấn phong một vị vua thì vị tư tế nhân danh thần linh của xứ đó tuyên sấm với vị tân vương rằng : “Ngươi là con của Ta và Ta là Cha của ngươi”. Qua trung gian của Natan, Thiên Chúa cũng làm thế : Đavít và những con cháu kế vị ông (“con của Đavít“) trong ngày lễ tấn phong cũng được trở thành “con Thiên Chúa“. Điều này cho thấy : nhà vua là đại diện của Thiên Chúa, nhà vua có vai trò thiết yếu là chịu trách nhiệm về ơn cứu độ của cả nước trước mặt Thiên Chúa, là đầu mối thống nhất về chính trị và tôn giáo.

  •  
  • Trên bình diện tôn giáo : Đavít làm một hành động có giá trị chính trị : quyết định đặt khám giao ước trong thủ đô. Khám này từ thời xuất hành đã là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài. Khi đặt nó ở Giêrusalem, Đavít ràng buộc sự hiện diện của Thiên Chúa vào triều đại của ông. Vì thế không gì đáng ngạc nhiên khi nhiều tín hữu phản kháng hành động ấy, vì ở đây xuất hiện hai cách thức quan niệm về Thiên Chúa : (1) quan niệm về Thiên Chúa cố định, cư ngụ ở một nơi cố định và gắn liền với quyền bính của một người, vua và dân có thể “lèo lái” Ngài ; (2) một quan niệm về

Thiên Chúa vẫn tự do, một Thiên Chúa muốn đi đâu tuỳ ý, sự hiện diện và hoạt động của Ngài luôn luôn vô hình (xem chuyện khám giao ước di chuyển trong 1Sm 5-6). Vì thế, vẫn qua trung gian của Natan, Thiên Chúa từ chối không cho Đavít dựng nhà cho Ngài (2Sm 7).
Ta sẽ gặp hai cách quan niệm về Thiên Chúa ấy trong suốt Thánh kinh (Cv 7,48) và ngay cả trong thời đại ngày nay.

  1.  
  1. Trên bình diện hành chính, Đavít khởi công tổ chức vương quốc. Ông đặt nhiều chức vụ như Tổng tư lệnh quân đội, các tư tế, các ký lục, bộ trưởng thông tin… (2Sm 8,16- 18), ông còn thực hiện cả một cuộc kiểm tra dân số nữa (2Sm 24).
  2. Chính sách đối ngoại của Đavít cũng có những hệ quả tôn giáo. Nhờ những trận chiến thắng, ông đã sát nhập thêm vào vương quốc một số chi tộc khác và một vài vương quốc thần phục ông. Khi trở thành chư hầu của Đavít, các dân ấy cũng được hưởng ơn ích của Giao ước với Thiên Chúa. Sau này khi viết lịch sử, các ký lục của Đavít sẽ cố chứng minh rằng tính đại đồng này đã được loan báo trước từ lâu nơi bản thân của Abraham.
  3.  SALÔMON

Salômon kế thừa vương quốc của cha mình. Được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan (1V 3), tức là ơn khéo điều hành việc nước, ông lợi dụng tình trạng hoà bình để tổ chức đất nước. Bộ máy hành chính phát triển (1V 4-5), đất nước được chia thành 12 khu vực lãnh trách nhiệm mỗi tháng cung cấp lương thực cho triều đình và lao động cho những

công trình xây cất lớn… Những chuồng ngựa (cho kị binh) được thành lập tại Megiddo và những nơi khác. Một đội thương thuyền hoạt động trên các biển. Tài nguyên do buôn bán với Aicập và Syria chảy về Giêrusalem. Tại chính Giêrusalem, Salômon còn xây một Đền thờ huy hoàng cho Thiên Chúa, và một cung điện còn huy hoàng hơn nữa cho chính ông… quả là một vị vua vĩ đại ! Thế nhưng…
Thế nhưng có những bóng đen. Salômom đã tỏ ra là một kẻ quan liêu theo kiểu các vua chúa thời đó chứ không phải là một người đại diện cho Thiên Chúa. Thánh kinh nói ông có tới 700 bà vợ và 3000 hầu thiếp… Có lẽ nói vậy hơi quá đáng! Nhưng sự thật là Salômon có nhiều vợ mà ông cưới từ các nước khác (trong đó có công chúa con Pharaon) ; các bà này mang theo vào Israel những thần linh của họ, kéo theo nguy hiểm của thói thờ ngẫu thần. Salômon cũng đã quá khai thác dân, cho nên dù ông đã chận được âm mưu nổi loạn thì khi ông mất, cuộc nổi loạn vẫn sẽ nổ ra. Con của ông lên kế vị, nhưng là một nhà chính trị ngu xuẩn, ông này sẽ để đất nước bị chia cắt làm đôi : các chi tộc phía Bắc ly khai. Như vậy là vương quốc thống nhất chỉ tồn tại có 70 năm.

  1.  HAI VƯƠNG QUỐC

Từ năm 933 có hai vương quốc :

  •  
  • Vương quốc phía Nam (hay vương quốc Giuđa) có thủ đô là Giêrusalem. Các vua kế vị nhau đều thuộc dòng dõi Đavít và do đó sẽ thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa qua miệng Natan : dù thánh thiện hay tội lỗi, họ cũng được coi là “con Thiên Chúa“.
  •  
  • Vương quốc phía Bắc (hay vương quốc Israel) có thủ đô là Samaria. Các vua không thuộc dòng dõi Đavít và trong số 19 vua, đã có 8 vua bị mưu sát chết. Vua không được coi là người chịu trách nhiệm về ơn cứu độ của dân trước mặt Thiên Chúa.

KHỞI ĐẦU MỘT NỀN VĂN CHƯƠNG

Thời kỳ Đavít-Salômon, các ký lục bắt đầu viết những truyền thống. Đó là nhờ tình hình hoà bình lúc đó và cũng do Salômon cũng đã tổ chức triều đình theo kiểu Aicập trong đó có nhiều ký lục. Thánh kinh có nói tới 2 quyển sách đã bị mất là “sách về người công chính” và “sách về những cuộc chiến của Yavê“. Có lẽ thời đó người ta đã viết một “lịch sử về khám giao ước” (1Sm 2-5) và lịch sử khác về việc kế vị Đavít (2Sm 9-20). Những bài thơ được sưu tập : bài ca chiếc cung và bài khóc Abner có lẽ do Đavít soạn (2Sm 1 và 3), và có lẽ một vài Thánh vịnh và một số châm ngôn mà sau này sẽ được tập họp lại trong sách Châm ngôn.
Nhưng quan trọng hơn cả là người ta viết “lịch sử thánh của Giuđa” mà ta gọi là truyền thống Jahviste. Trong bài sau đây ta sẽ học về tài liệu này.

Bài 2

LỊCH SỬ THÁNH JAHVISTE


Salômon đã tổ chức triều đình theo kiểu của Pharaon, trong đó các ký lục giữ một chỗ đứng quan trọng. Là những người được đào tạo để làm ký lục, họ cũng là những hiền sĩ tức là những kẻ có tài biện phân và biết cách sống khôn khéo : sự khôn ngoan của họ được coi là một ơn Thiên Chúa ban.
Lịch sử thánh của Giuđa” (hay của vương quốc Giuđa) có lẽ là do họ viết. Người ta gọi nó là truyền thống Jahviste (hay “tài liệu Jahviste”) vì ngay từ đầu nó đã gọi Thiên Chúa là Yavê. Tác giả có thể là một người hoặc một nhóm người, nhưng được gọi đơn giản là Jahviste, viết tắt là J.
Truyền thống này có lẽ bắt đầu từ thời Salômon và sẽ được tiếp tục trong vài triều vua kế tiếp ở vương quốc Giuđa. Nhà vua được coi là con của Đavít, con của Thiên Chúa, là đại diện của Thiên Chúa, là kẻ tạo thống nhất chính trị và tôn giáo. Truyền thống J nhằm phục vụ cho vương quyền và chứng minh rằng vua là kẻ thực hiện lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ ; vì thế nó cũng là một tài liệu chính trị ủng hộ vương quyền. Nhưng đồng thời, J cũng chỉ trích vương quyền vì kêu gọi nhà vua phải tôn trọng trật tự : vua không phải là chúa tể tối cao mà phải lo phục vụ Thiên Chúa, phục vụ dân mình và các dân khác.
Chúng tôi đề nghị bạn hãy đọc vài bản văn của truyền thống này, vừa đọc vừa chú ý tới ý tưởng chính, lời chúc

phúc, tiếp đó chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về bài tường thuật tạo dựng.

VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG J :

  1. J có tài thuật chuyện : những bài tường thuật của J rất sống động, luôn cụ thể và đầy hình ảnh. Thiên Chúa thường được mô tả như một người (như nhân hoá) : trong bài tường thuật tạo dựng, Ngài lần lượt là người làm vườn, người thợ gốm, nhà giải phẫu, thợ may… đấy là cách thức riêng của J để nói về Thiên Chúa và về con người. Nhưng J cũng là một nhà thần học sâu sắc.
  2. Một Thiên Chúa rất người : Ngài đi dạo thân mật với Adam như một người bạn (St 2), Ngài đến dùng bữa ở nhà Abraham và mặc cả với ông (St 18)… con người sống thân mật với Ngài trong sinh hoạt thường ngày.
  3. Một Thiên Chúa hoàn toàn khác : tuy nhiên Thiên Chúa ấy là chủ : Ngài ra lệnh và cấm đoán (St 3,16). Ngài bảo Abraham và Môsê “Hãy đi”, Ngài có một dự án về lịch sử : lời chúc phúc của Ngài phải đem hạnh phúc đến cho dân Ngài và qua đó đến với các dân khác. (Thật tuyệt vời khi thấy một ý hướng đại đồng như thế ngay từ thời đó). Con người phải đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và phải tuân phục Ngài.

Tội của con người sẽ là muốn tự coi mình là Thiên Chúa. Tội ấy kéo lời chúc dữ xuống trên con người : Cain, Hồng thuỷ, tháp Babel…).

  1. Một Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ : đặc biệt theo lời cầu bầu của những người như Abraham (St 18) hoặc Môsê (Xh 32,11-14) và sẵn sàng lặp lại lời chúc phúc của Ngài.
  2.  MỘT BẢN VĂN CHÌA KHOÁ : St 12,1-3

Bạn hãy mở Thánh kinh và đọc bản văn trên. Các vai là ai ?
Những từ nào bạn thấy là quan trọng và hay lặp đi lặp lại (bao nhiêu lần) ? hãy chú ý thì của các động từ : mệnh lệnh cách, thì tương lai. Chữ “nước” ở đây chỉ một dân có tổ chức và đã định cư trên một lãnh thổ.
Bản văn này nói với bạn điều gì?
Hãy đọc St 12,6-9. Thiên Chúa hứa điều gì mới với Abraham (c.7) ?

  1.  ĐỌC VÀI BẢN VĂN :
    1.  Chu kỳ khởi nguyên :

Bảng trong khung dưới đây cho ta thấy các câu của St 1-11 có thể phân chia những câu nào thuộc về truyền thống Jahviste và những câu nào thuộc truyền thống tư tế. Ở đây ta chỉ nghiên cứu truyền thống J mà thôi (về cuộc tạo dựng
– sẽ được giải thích kỹ ở mục III).

Truyền thống J Truyền thống P

KHỞI NGUYÊN
ch 1 c. 1-31
2 1-4a
c. 4b-25
3 1-24
4 1-26

  • 1-28

29 30-32
HỒNG THUỶ

  • 1-8 9-22
  • 1-5 6

7 8-9
10 11
12 13-16a
16b 17a 17b 18-21
22-23 24

  • 1-2a

2b-3a 3b-5 6-12 13a
13b 14-19

  • 1-17

TỪ NÔÊ ĐẾN ABRAHAM 18-27 28-29

  1. 1a

1b 2-7
8-19 20
21 22-23
24-30 31-32

  1. 1-9 10-27a

27b-30 31-32
Những chương trên không phải là lịch sử, mà là thần học diễn tả bằng hình ảnh, là một suy tư của các hiền sĩ. Tác giả muốn trả lời cho những câu hỏi lớn mà con người đặt ra về cuộc sống, cái chết, tình yêu và nguồn gốc. Tác giả suy tư từ khởi điểm đức tin vào Thiên Chúa và sử dụng những huyền thoại cổ.
Bài tường thuật bắt đầu một cách lạc quan nhưng dần dần lịch sử loài người đầy dẫy điều dữ. 5 lần bị chúc dữ (3,14.7; 4,11; 5,29; 9,25). Mỗi lần như thế Thiên Chúa đều tha thứ. Nhưng trừ lần chót. Tường thuật về tháp Babel thể hiện cảm nghĩ của chúng ta trong một thế giới rạn nứt trong đó người ta không còn hiểu nhau nữa. Phải chăng lịch sử của chúng ta bị chúc dữ ?
Suy nghĩ xem bài tường thuật về Abraham đưa ra câu trả lời thế nào ?
Hãy lưu ý tới thế đảo ngược từ 14,1 đến 12,2 và 5 lời chúc phúc.

  1.  
    1.  Chu kỳ Abraham :

Ở đây chúng ta cũng chưa vào văn thể lịch sử. Những chương này cũng là những chuyện giả sử dựa trên một cái nền lịch sử, và được giải thích theo nghĩa tôn giáo nhằm đưa ra một giáo huấn.
Abraham được coi là người quản lý lời chúc phúc của Thiên Chúa cho mọi dân. Ông làm gì với lời chúc phúc ấy ?

  •  
    •  
  • Ở St 12,10-20 ?
  •  
    •  
  • Ở St 18,16-33 ? lưu ý cc.17-18.
  • Ở St 22, 15-18 ?

Nếu muốn, bạn có thể xem Tân ước tự đặt mình trong dòng dõi Abraham như thế nào : Gl 3,8 ; Dt 11,8 ?

  1.  
    1.  Chu kỳ Giacob :

Văn thể ở đây cũng giống như trong chu kỳ Abraham. Những truyền thống về 2 chi tộc khác nhau (chi tộc Giacob và chi tộc Israel) đã được hoà lẫn với nhau và người ta đã lấy 2 tên để đặt cho một người, và coi người ấy là cháu nội của Abraham.
Hãy đọc St 28,13-16. Tại sao Thiên Chúa hứa với Giacob, và hứa những gì ?
St 32,23-33 : chuyện Giacob chiến đấu với Thiên Chúa.
Đọc kỹ những chú thích của TOB và BJ.

  1.  
    1.  Chu kỳ Môsê :

Môsê vẫn là nhân vật chủ chốt của Cựu ước. Nhưng dung mạo ông có khác nơi mỗi truyền thống.
Theo J, Môsê có mặt khắp nơi, từ lúc ra khỏi Ai cập tới lúc đến Canaan. Nhưng Thiên Chúa mới là thủ lĩnh thực sự của dân, là nhà giải phóng duy nhất. Môsê không làm phép lạ, không phải là thủ lĩnh quân đội, không thành lập tôn giáo ; ông chỉ là người mục tử được Thiên Chúa soi sáng để tỏ cho dân biết ý của Ngài đối với con người.
Hãy đọc Xh 3,1-8 : Thiên Chúa gọi Môsê.
Hãy xem phản ứng của Pharaon trong Xh 8,4 ; 10,17 ; 12,31-32 (về đoạn này nên đọc chú thích của TOB). Hãy so sánh vai trò cầu bầu của Môsê và của Abraham trong St 18.

Ngay cả đối với kẻ thù tệ hại nhất, dân Thiên Chúa phải mang tha thứ và lời chúc phúc đến với họ !

  1.  
    1.  Chu kỳ Balaam :

Israel phải đối đầu với dân Moab. Vua xứ này mời phù thuỷ Balaam từ phương Đông tới để chúc dữ Israel. Balaam làm gì ? (Ds 24,1), cũng nên đọc Ds 24,1-19 ít ra những câu 7 và 17.
Sau đây là cách người thời Đức Kitô hiểu Ds 24,17 dựa theo bản dịch Targum thời đó:

Bản Híp-ri :

“Một ngôi sao xuất từ Giacob trở thành thủ lãnh. Một vương trượng đứng lên từ Israel”.

Bản dịch Targum :

  • Một vua sẽ chỗi dậy từ nhà Giacóp.
  • Một Đấng cứu tinh (hoặc Messias) từ nhà Israel.

Lời giải thích trên có giúp bạn hiểu Mt 2,1 không ?
Theo Mt thì Ngôi sao ấy là ai ?

LỜI CHÚC PHÚC :

  • Chúc phúc (tiếng Latinh là benedicere gồm bởi bene : tốt ; dicere : nói) nghĩa là : nói điều tốt. Khi Thiên Chúa nói điều tốt với ai thì điều tốt đến thật với người đó bởi vì Lời Thiên Chúa là toàn năng và phát sinh điều Lời ấy nói.
  • Ngược lại: chúc dữ (tiếng Latinh là maledicere cũng gồm bởi male : dữ, xấu ; và dicere : nói) là nói điều dữ, và khiến điều dữ xảy đến.

Những điều tốt mà Thiên Chúa nói hoặc làm có thể thuộc trật tự có (avoir) : như của cải, con cháu ; nhưng nhất là thuộc trật tự là (être) : chính sự sống của Thiên Chúa.

CÁC TỔ PHỤ

Khi ta muốn lập một bảng gia phả, ta bắt đầu từ chính mình rồi tiến lên các tổ phụ của mình. Nguyên tắc hướng dẫn duy nhất là liên hệ huyết thống. Lẽ dĩ nhiên huyết thống là quan trọng, thế nhưng đôi khi những liên hệ khác, chẳng hạn liên hệ bạn bè còn mạnh hơn nhiều. Một người bạn có thể trở thành “người anh em”, thế mới hiểu được tại sao ngay vào thời nay vẫn còn nhiều chi tộc khi đã giao ước với nhau thì để tất cả thành của chung (tài sản chung, truyền thống chung, tổ tiên chung). Bởi vì từ nay mọi người đã trở thành một nhóm chung. Và để biểu lộ tinh thần chung, người ta coi mọi tổ tiên riêng đều là tổ tiên chung, coi các vị ấy như bà con với nhau.
Hình như đó cũng chính là điều Israel đã làm đối với các tổ phụ. Khoảng thế kỷ XVIII hoặc XVII trước cn, có nhiều chi tộc du mục định cư trong xứ Canaan : những chi tộc Giacob, Isaac, Israel, Abraham… Họ cùng nhận một vị thần địa phương : Thần El. Họ kết giao ước với nhau, trở thành anh chị em với nhau, thế là họ có một gia phả, trong đó Abraham thành cha của Isaac và là ông nội của Giacob, ông này được đồng hoá với Israel.
Giả thuyết trên do các chuyên viên đưa ra, thật ra chẳng có gì khiến ta phải băn khoăn. Nó chỉ khuyến cáo ta nên thận trọng hơn khi ta muốn dựng lại lịch sử của các tổ phụ. Tuy nhiên đó không phải là điều chính yếu.

Điều chính yếu nằm trong ý nghĩa tôn giáo mà Israel đã thấy được trong lịch sử của mình. Trong lịch sử ấy (một bài ca ngợi các việc làm của các tổ phụ) họ đã tìm được ở mỗi thời kỳ những điều bổ ích cho suy tư của họ và củng cố đức tin của họ. Tác giả J tìm thấy trong đó một lời hứa chúc phúc mà nhà vua (con của Đavít) được hưởng và phải chuyển lại cho mọi người. Tác giả E chỉ cho mọi người đồng thời của ông đang gặp cám dỗ muốn bỏ Thiên Chúa mà chạy theo các ngẫu thần Canaan, rằng các tổ phụ của họ như Abraham và nhất là Giacob đã trung thành với Thiên Chúa như thế nào. Tác giả P viết trong thời lưu đày khi mà mọi sự hình như tan nát cả và chẳng thể hi vọng gì nữa, ông dựa trên lời Thiên Chúa hứa với Abraham để khuyên dân rằng : Thiên Chúa đã hứa thì Ngài sẽ trung thành thực hiện lời hứa mà cứu thoát họ dù họ tội lỗi.
Còn Phaolô thì coi Abraham là gương mẫu của đức tin : điều quan trọng không phải là muốn mình trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ những việc mình làm, mà là phải cậy trông phó thác nơi Ngài. Thư Híp-ri mời chúng ta theo bước Abraham mà chẳng cần biết trước con đường sẽ đi…
Phần chúng ta, trong Abraham chúng ta sẽ tìm thấy điều gì để sống trung thành với Thiên Chúa hôm nay ?

  1.  TƯỜNG THUẬT VỀ CUỘC TẠO DỰNG St 2,4- 3,24 :

Trước hết bạn hãy đọc kỹ bản văn này. Hãy ghi nhận những cảm nghĩ, những thắc mắc ban đầu.
Xin đọc lại lần nữa và tự đặt vài câu hỏi (có thể dùng bút chì nhiều màu để gạch dưới bản văn).

  • Các vai là ai, họ làm gì?
  • Tường thuật này có thể chia thành mấy phần, mỗi phần nói gì ?
  • Những chủ đề và kiểu nói nào thường lặp đi lặp lại ? Cách riêng : những câu nào nói về “cây sự sống” ? “cây biết lành biết dữ” ? tác giả dùng những thuật ngữ nào để giải thích điều người ta có được khi ăn trái của cây ấy ?

Đây là một bài suy tư của các hiền sĩ.

Bản văn này được viết theo văn thể nào ?
Hiển nhiên không phải là “phóng sự trực tiếp”, cũng chẳng phải là lịch sử hay địa dư. Nó là một bài suy tư của các hiền sĩ về những vấn đề lớn của nhân loại : con người từ đâu mà có ? ta sẽ đi về đâu ? tại sao có sống – chết – đau khổ ? sao mà nam nữ lại thu hút nhau ? con người có liên hệ gì với Thiên Chúa, với thiên nhiên (lao động) và với tha nhân…?
Để trả lời cho những vấn đề trên, tác giả dựa trên suy tư riêng của mình, nhưng cũng dựa trên suy tư của các hiền sĩ thuộc những nền văn minh khác, và nhất là dựa trên đức tin : các tín hữu trước ông đã từng suy nghĩ về Xuất hành và việc vào đất Canaan ; Họ đã tìm thấy trong những sự việc ấy một dung mạo nào đó về Thiên Chúa của họ. Đó là những chỗ mà tác giả dựa vào để đưa ra câu trả lời.
Sau đây chúng ta lấy lại một số vấn đề và đặt chúng lại vào bối cảnh tư tưởng của thời chúng.

  1.  
    1.  Adam và Eva :

Trước tiên ta hãy loại bỏ một khó khăn. Đôi khi ta nghe nói : “Adam và Eva không bao giờ có“. Nói thế là chẳng hiểu gì về văn thể của bản văn này. Dĩ nhiên là nhân loại đã có lúc bắt đầu. Lúc nào ? thế nào ? và bắt đầu bằng những ai ? những chi tiết này khoa học phải trả lời, chứ không phải Thánh kinh. Cặp người (hoặc những cặp người) đầu tiên mà khoa học khám phá ra được, Thánh kinh gọi tên là “Adam và Eva“. Trong tiếng Híp-ri những tên đó có ý nghĩa là “Người và Sự Sống” (l’homme, la vie), tức là không phải tên riêng mà là tên biểu tượng vừa của những người đầu tiên, vừa của bất cứ người nào và của mọi người.

  1.  
    1.  Phát sinh Trái đất :

Tường thuật này chứa đựng ý tưởng “khoa học” nào của thời đó ? (ta sẽ thấy rằng “khoa học” của St 1 khác hẳn). Có lẽ đây chỉ là kinh nghiệm của một người du mục, gặp được một ốc đảo trong sa mạc thì cứ tưởng là địa đàng.

  1.  
    1.  Việc tạo dựng con người :

Con người gồm bởi những yếu nào ? Bạn hãy đọc một trích đoạn thơ dưới đây của Babylone rồi so sánh với bài tường thuật của Thánh kinh xem có những điểm nào giống nhau và khác nhau. Bạn có nhận thấy nét bi quan của Babylone và nét lạc quan của Thánh kinh không ?

ANH HÙNG CA ATRA-HASIS

(trước năm 1600)
Các thần mỏi mệt vì những việc phải làm : “khi các thần cũng phải theo kiểu loài người mà lao động nhọc nhằn và chịu cực nhọc thì nhọc nhằn của các ngài thật lớn, lao

động của các ngài thật nặng, sầu buồn của các ngài thật mênh mông…”
Thế là các thần nổi loạn. Để trút gánh nặng, các ngài quyết định tạo dựng con người. Thần Ea bèn khuyên :
“Ta phải giết chết một vị thần, Nintou (nữ thần mẹ) lấy máu và thịt của vị ấy ta hãy trộn với bùn để cho thần linh và người phàm hoà lẫn nhau trong bùn…”
Bản văn Thánh kinh chẳng có gì nghịch với thuyết tiến hoá, theo đó con người là do con vật tiến hoá thành : Thánh kinh chỉ đưa ra một ý nghĩa tôn giáo về việc xuất hiện của con người : ý nghĩa gì ?

  1.  
    1.  Con người và thiên nhiên :

Vai trò của con người đối với thiên nhiên ra sao (2,15) ? đối với thú vật ra sao ? (2,19 : đặt tên là ban cho một hữu thể mới). Như thế có phải là chấp nhận khoa học không ?

  1.  
    1.  Tạo dựng người nữ :

Tại sao tạo nên người nữ ? Tác giả diễn tả thế nào ý tưởng người nam và người nữ cùng một bản tính với nhau, nhưng khác với thú vật ?
Đối với chúng ta ngày nay “ở bên cạnh (sườn)” có nghĩa là bình đẳng với nhau. Có lẽ Thánh kinh cũng dùng hình ảnh ấy. Nhưng có thể cũng là một cách chơi chữ : trong tiếng Sumer, chữ “cạnh sườn” và chữ “sự sống” có thể viết giống nhau.
– “Cơn tê mê” hay là “giấc ngủ” (TOB 2,21) : chữ này rất hiếm, nó chỉ một cảm nghiệm siêu nhiên, một loại “xuất thần”.

Ở đây có lẽ ta gặp được một huyền thoại cổ xưa, theo đó người nam chỉ thực sự thành người nam khi có tương quan yêu thương với người nữ. Sau đây là một trích đoạn:

ANH HÙNG CA GILGAMESH :

Gilhamesh là vị anh hùng của thành Qurouk. Để chống lại thế lực của chàng, các thần linh tạo dựng nên một quái nhân tên là Enkidou, tên này chung sống với các dã thú. Theo lời khuyên của một người thợ săn, một cô gái hiến thân cho tên Enkidou ấy. Trong 6 ngày 6 đêm ấy hắn kết hợp với nàng, sau đó, thoả mãn rồi, hắn muốn quay về với các dã thú, nhưng các dã thú thấy hắn thì chạy trốn. Enkidou muốn rượt theo, nhưng không nỗi, vì hắn đã mất hết sức lực, hắn đã trở thành người.
“Enkidou đã hết sức
cặp đầu gối của hắn bất động
khi hắn muốn rượt theo bầy dã thú Bạc nhược,
hắn không còn chạy được như trước nữa, nhưng lòng và trí hắn mở ra!
Hắn đến ngồi dưới chân cô gái
và chiêm ngưỡng gương mặt nàng và bây giờ hắn hiểu được
điều mà cô gái nói…”

  1.  
    1.  Con rắn :

Rắn có một vai trò lớn trong các huyền thoại. Ở Ai cập nó là kẻ thù của thần Mặt trời, ban đêm nó cản trở không cho

thần Mặt trời tái xuất hiện. Ở Canaan nó là biểu tượng của tính dục trong một số lễ nghi. Theo anh hùng ca Gilgamesh, chính con rắn đã “ăn cắp cây sự sống”. Còn trong bản văn này, điểm chủ yếu là tác giả cho thấy tội lỗi không phải ở trong con người mà là từ bên ngoài (từ con rắn), nên tội lỗi không là thành phần của bản tính con người. Vì thế con người lãnh trách nhiệm về các hành vi của mình (bạn hãy so sánh với một bản văn Babylone dưới đây)
“Thần tối cao tạo dựng con người
tức thần Ea, kẻ đã lấy bùn đất nắn ra con người. Và nữ thần đã tạo hình dáng cho con người
Hai thần này đã ban cho con người một tinh thần xảo
trá.
Các vị ấy đã không bao giờ ban cho con người sự thật,
mà là xảo trá”.

  1.  
    1.  Cây của sự biết lành dữ :

Cây này và trái của nó dĩ nhiên chỉ là những biểu tượng (chứ không phải là trái táo đâu !) tương tự như ngày nay chúng ta nói “hưởng hoa trái của việc làm“. Vậy cây này là biểu tượng của sự gì ?
Hãy gạt bỏ một cách giải thích sai lầm : đây không phải là cây của sự hiểu biết, của khoa học, làm như con người bị cấm không cho hiểu biết, không cho làm khoa học. Bản văn quả quyết ngược lại : Thiên Chúa ban Trái đất cho con người canh tác và thú vật cho con người đặt tên, tức là Thiên Chúa cho phép con người hiểu biết và tìm hiểu khoa học.

Khi đọc bản văn này, ta đã thấy cái cây ấy luôn luôn liên hệ với những thuật ngữ như : “các ngươi sẽ như thần linh có sự hiểu biết điều lành điều dữ” (3,5), cây này quý giá để thành công (nghĩa là : để có được sự biện phân, sự sáng suốt) (3,6); hãy đọc thêm 3,22.
Nếu có giờ bạn hãy đọc thêm Êdêkien 28 : ngôn sứ cũng dùng lại những hình ảnh ấy (địa đàng, như Thiên Chúa, thiên sứ v.v… xem chú thích của TOB) tội của vua thành Tyr là ỷ vào sự khôn ngoan của ông để nói : “Ta là thần“.
Điều Thiên Chúa cấm con người chính là từ chối không chịu làm người mà lại muốn coi mình là Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa là “khôn ngoan”, biết nguồn gốc của sự lành sự dữ. Không ai có thể ăn cắp sự khôn ngoan ấy, chỉ có Thiên Chúa ban cho người nào yêu mến Ngài với lòng tôn kính (hay nói theo ngữ vựng của Thánh kinh, là lòng “kính sợ” chẳng hạn xem Cn 3,18).
Sự khôn ngoan mà con người tưởng là đã ăn cắp được, cuối cùng khiến nó trở nên “trần truồng”; nó thấy rằng mình chỉ là người mà thôi và nó rơi vào tình trạng như con rắn. Trong tiếng Híp-ri “trần truồng” và “tinh ranh” chỉ là một chữ.

ANH HÙNG CA GILGAMESH

Bị ám ảnh về sự chết, Gilgamesh ra đi tìm sự bất tử. Vị anh hùng bão lụt chỉ cho chàng biết có một “cây sự sống”. Gilgamesh đã nhổ được cây ấy lên từ một vực thẳm và muốn mang nó trở về thành của chàng. Chàng đi được hai ngày, rồi dừng lại.
“Gilgamesh thấy một vũng nước trong

Chàng dừng bước để tắm.
Một con rắn đánh mùi được cái cây ấy nó rón rén từ dưới đất bò lên
nó chộp lấy cái cây,
và lập tức nó lột lớp da già cũ.
Hôm đó Gilgamesh ở lại đấy và khóc
nước mắt chảy đầm đìa dọc theo mũi chàng…”.

  1.  
    1.  Đau khổ và sự chết :

Phải chăng trước khi phạm tội thì con người không khổ và không chết ? Câu hỏi này bị đặt lầm chỗ. Tác giả sáng suốt nhìn vào thân phận con người thời của ông ; ông biết là có chết và có khổ, ông tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Nhưng ông vấp phải sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà con người không thể biết được. Muốn ăn cắp sự khôn ngoan ấy tức là thấy mình “trần truồng” trong thân phận đau khổ của kiếp người. Vậy ông khám phá có một liên hệ giữa đau khổ và tội. Trước lúc phạm tội có lẽ Adam cũng đau khổ và cũng sẽ chết, nhưng Adam đã sống thân phận ấy trong niềm phó thác vào Thiên Chúa, không hề lo lắng (chúng ta sẽ trở lại chữ “trước” này).

NGUYÊN TỘI

Cái mà Kitô hữu gọi là “nguyên tội” thực ra không có trong bản văn Sáng thế ký, nhưng trong thư của Phaolô gửi tín hữu Roma (Rm 5).
Tội trong sách Sáng thế : Nếu Adam có nghĩa là “người“, bất cứ người nào, mọi người… thì tội Adam cũng có nghĩa là tội của mọi người, của thế giới. Theo nghĩa này

mọi tội của chúng ta đều đi vào trong tội của Adam, làm cho tội đó lớn thêm, kéo dài thêm.
Theo Phaolô, xác nhận có nguyên tội chỉ là hệ quả của một sự thật quan trọng hơn nhiều : “Tất cả chúng ta đều được cứu trong Đức Giêsu Kitô”. Ông nói tiếp : “bởi vì tất cả chúng ta đều cần được như thế”. Rồi ông cố dùng phương pháp thống kê để chứng minh rằng cả Do thái lẫn dân ngoại đều có tội (Rm 1,3) ; kế đó ông lại dùng biểu tượng để chứng minh thêm : vì Adam là đại biểu tất cả chúng ta và ông đã phạm tội, nên trong ông, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Điều chủ yếu là chúng ta được cứu trong Đức Giêsu Kitô. “Ở đâu tội đầy tràn, thì ở đó ân sủng còn dư tràn hơn nữa“. Nói cách khác : Phaolô tuyên bố rằng chúng ta không phải là “có ơn sủng”, chúng ta là những tội nhân được ban ơn sủng. Thế mới là kỳ diệu ! Cũng như sau khi thoát khỏi một tai nạn có thể chết, vết sẹo còn lại trên mặt ta thật kỳ diệu, mỗi lần nhìn thấy nó ta nhớ rằng mình còn sống ! Tín điều về nguyên tội cũng phải khiến chúng ta vui mừng như vậy, nó nhắc ta rằng Thiên Chúa đã cứu chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, rằng : “chúng ta còn tốt số hơn những người chiến thắng trong Đấng đã yêu thương chúng ta” (Rm 8,37).

  1.  
    1.  Cây sự sống :

Cây này xuất hiện đầu tiên ở 2,9. Theo 2,16 thì con người có thể ăn trái của nó. Nó lại xuất hiện ở 3,22-33. Ở đây ta thấy được lòng tốt của Thiên Chúa. Ngài không ganh tị như lời con rắn xuyên tạc. Ngài nắm giữ sự sống (và chỉ một mình Ngài thôi). Ngài sẵn sàng ban sự sống cho con người với điều kiện con người phải muốn sống : “Đây trước mặt ngươi là sự sống và sự chết: ngươi hãy chọn sự sống…” (Đnl 30,19-20).

  1.  
    1.  Địa đàng – một trách nhiệm phải hoàn thành :

Tác giả muốn diễn tả hai điều rất khó nói và khó giữ cùng một lúc. Điều thứ nhất là do đức tin : Thiên Chúa đã dựng nên con người để nó được hạnh phúc và tự do ; Thiên Chúa đã không dựng nên tội và sự dữ. Điều thứ hai là do kinh nghiệm : mọi người là tội nhân, mọi người đều tự muốn làm Thiên Chúa, từ xưa đến nay vẫn thế.
Ta hãy cầm một đồng tiền : không thể cùng một lúc xem được cả hai mặt. Muốn xem cả hai mặt thì phải cắt dọc đồng tiền nhưng như thế thì không phải là một đồng tiền nữa. Tác giả J cũng làm như thế. Hai điều ông nói là hai mặt của thực tại con người ; ông tách đôi chúng ra để đặt chúng cạnh nhau cái trước cái sau. Trình bày như thế thì rõ ràng, nhưng không còn phải là con người nữa ? Ở đây, “cái trước” không phải là một thời gian lịch sử, mà là một hình ảnh của thần học. Tác giả chỉ muốn trình bày ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn không bao giờ được thực hiện đúng hoàn toàn.
Sau J ít lâu, ngôn sứ Isaia sẽ lấy lại cùng những hình ảnh ấy nhưng phóng chúng về lúc tận thế : đấy là điều mà một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ thực hiện (Is 11,1-9). J và Isaia có lẽ nói cùng một điều : vườn địa đàng không nằm sau lưng chúng ta như một giấc mơ đã mất, mà nằm trước mặt chúng ta như một nhiệm vụ phải hoàn thành.

  1.  
    1.  Thiên Chúa nào ? con người nào ?

Khi bắt đầu bài này, chúng ta đã nói : J muốn trả lời cho những câu hỏi lớn nằm trong tâm tư chúng ta. Giờ đây đã cuối bài, bạn đã nhận được những soi sáng nào ?
Bạn thấy dung mạo của Thiên Chúa ra sao ?

Và con người là gì…?

Bài 3

NHỮNG NGÔN SỨ CỦA VƯƠNG QUỐC GIUĐA

Trong bài này chúng ta sẽ làm quen với những ngôn sứ đầu tiên rao giảng trong vương quốc Giuđa.

  1.  NATAN

Ngôn sứ này không để lại văn thư, nhưng đóng một vai trò quan trọng bên cạnh Đavít.
2Sm 7,1-7 : bạn hãy đọc bản văn này và đặt nó vào bối cảnh tôn giáo và chính trị của vương quốc Đavít.
Hãy tìm những ý đối nghịch : định cư / ở dưới mái lều (TOB) ; cư ngụ / trú ngoài trại (BJ); nhà (xây) / nhà-triều- đại ; danh của ngươi / danh của Ta. Bạn có nhận ra hai cách quan niệm về Thiên Chúa như đã nói phía trước không ? Bạn có thể nói rõ hơn không ?
Vai trò của vua ở Israel như thế nào ? Hãy xem những tước hiệu được gán cho Đavít : tôi tớ, mục tử, vua…
Nếu bạn có giờ, xin đọc thêm 1Sb 17,1-15. Quyển sử biên niên được viết sau thời lưu đày, hơn 5 thế kỷ sau bản văn của Samuel. Hãy so sánh 2Sm 7,14 và 1Sb 17,13 (khi ấy người ta không còn nghĩ rằng “con vua Đavít” mà có thể phạm tội) ; 2Sm 7,16 và 1Sb 17,14 (những sở hữu tính từ đã đổi). Điều này cho thấy rằng trong 3 thế kỷ, dung mạo của “con vua Đavít” đã được coi trọng). Hãy đọc Tv 2 : gán cho vua quyền trên toàn thế giới ! Điều này khiến ta có thể hiểu

tước hiệu “con vua Đavít” được gán cho Đức Giêsu theo nghĩa nào.
Những lần can thiệp khác của Natan là ở 2Sm,12 (Đavít phạm tội) và 1V,1.

  1.  ISAIA

Isaia rao giảng ở Giêrusalem giữa các năm 740 và 700. Ông là một thi hào, một chính khách khôn khéo, nhưng trên hết là một ngôn sứ. Ông có một ảnh hưởng to lớn trên thời kỳ của ông. Hai thế kỷ sau nhiều người vẫn tự xưng là môn đệ của ông, tác phẩm của họ được ghép thêm vào tác phẩm của ông. Vì vậy phải phân biệt “sách Isaia” (66 chương) và những tác giả viết sách ấy : Is 1,39 là do Isaia viết ; Is 40-55 do một môn đệ trong thời lưu đày và Is 56-66 do một môn đệ khác sau thời lưu đày.
Hoàn cảnh chính trị thời Isaia rất phức tạp. Hai vương quốc Giêrusalem và Samaria đều thịnh vượng (ít ra đối với những người giàu áp bức kẻ nghèo !), nhưng đang bị Assyria đe doạ. Khoảng năm 734 các vua của Đamas và Samaria muốn ép Giêrusalem vào liên minh chống Assyria : cuộc chiến tranh Syro-Éphraim này sẽ là dịp cho Isaia đưa ra những tuyên sấm chính.
Đọc những bài dẫn nhập vào Isaia trong TOB và BJ, bạn có thể thấy rõ hơn bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị của thời đó.
Còn trong bước đầu, ta chỉ đọc 12 chương đầu hoặc chỉ đọc Is 6-12 và 29,17-24.
Bài tường thuật ơn gọi của Isaia (Is 6) giải thích sứ điệp của ông. Lúc ở trong Đền thờ, ông cảm nghiệm được

sự hiện diện của Thiên Chúa. Ông ý thức rằng mình chỉ là người phàm và là tội nhân. Ông thấy mình như chết. Nhưng Thiên Chúa giúp ông đứng vững và thanh luyện ông. Isaia nhận ra tội lớn nhất chính là kiêu căng (tưởng tự mình có thể đứng vững, coi mình là Thiên Chúa), và ơn cứu độ chính là đức tin (phó thác vào Thiên Chúa một cách trọn vẹn và khiêm tốn).
Isaia cố gắng làm cho dân chúng có cảm nghiệm đó : Thiên Chúa cũng như một tảng đá lớn trên đường, kẻ kiêu căng thì vấp phải nó (8,14) và chết (5) ; kẻ tin thì dựa trên nó (10,20-21) hoặc trên Đấng Messia-Đá-tảng (28,16). Nhưng than ôi, lời rao giảng này sẽ chỉ đưa tới sự cứng lòng của đa số, nhưng dù sao cũng tạo được một thiểu số dư tồn những kẻ trung thành (6,9-11).
Isaia là người Giuđa. Theo ông, vua là “con của Đavít
/ con của Thiên Chúa“, là người bảo đảm đức tin cho dân và đại diện dân trước Thiên Chúa. Vì thế ông đau lòng trước sự thiếu tin của vua Akhaz. Ông này quá sợ liên minh Đamas-Samaria nên đã tế hiến con mình cho các thần giả (2V 16,3), làm nguy hại đến Lời Thiên Chúa hứa với Đavít. Isaia đến báo cho ông ta rằng, dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn giữ lời hứa, rằng một đứa trẻ khác đã thụ thai, rằng thiếu phụ trẻ (vợ của Akhaz) đã mang thai. Và Isaia đặt hết hi vọng vào đứa trẻ ấy, cậu bé Êzékias, Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7). Khi Êzekias lên ngôi vua trở thành “con Thiên Chúa” thì Isaia hát mừng kỷ nguyên hoà bình mà ông thoáng thấy (Is 9) và còn hát mừng trước việc con Đavít đích thực sẽ đến để thiết lập một nền hoà bình phổ quát (Is 11). Những sấm ngôn này quan trọng nhưng đôi khi khó hiểu : bạn hãy đọc những chú thích trong TOB và BJ.

“CHẲNG AI CÓ THỂ THẤY THIÊN CHÚA MÀ KHÔNG CHẾT”

Đây là một câu thường gặp trong Thánh kinh, nhất là trong sách Isaia, không phải vì Thiên Chúa hung dữ mà vì Ngài hoàn toàn khác chúng ta ! Dòng điện là tốt, nhưng nếu ta đặt tay trên dòng điện cao thế thì sẽ bị giật chết, bởi vì ta không hợp với điện thế ấy. Cũng vậy chúng ta không hợp với Thiên Chúa, Đấng LÀ sự sống trong khi chúng ta chỉ CÓ sự sống mà thôi. Vì vậy khi hiện ra Thiên Chúa phải che vinh quang Ngài lại (hãy xem Xuất hành 33,12t : Thiên Chúa cho phép Môsê được nhìn “phía lưng” của Ngài).
Vả lại, chúng ta còn là tội nhân nên không thể đứng vững trước Thiên Chúa thánh. Nghĩa là vừa hoàn toàn khác, vừa trọn hảo.
Thiên Chúa cần phải thanh luyện chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Chỉ sau này trong Đức Giêsu Con của Ngài, chúng ta mới “dám” gọi Ngài là Cha.

  1.  MIKHA

Isaia là một người quý phái, còn Mikha là một nông dân. Ông là nạn nhân của đường lối chính trị của những “người lớn” đã dẫn đến chiến tranh và sự bóc lột của những kẻ giàu. Một hôm ông lên Giêrusalem để lớn tiếng cho người ta biết sự bất bình của Thiên Chúa.
Nếu chỉ nhớ một câu của Mikha thôi thì đó phải là Mk 6,8. Câu này tổng hợp được sứ điệp của 3 ngôn sứ thời đó : Amos rao giảng sự công bình, Hôsê giảng tình thương của Thiên Chúa (2 vị này ở vương quốc phía Bắc) và Isaia (ở Giêrusalem) rao giảng về đức tin khiêm tốn :

“Hỡi người, đã cho ngươi biết điều gì là thiện, điều mà Đức Chúa đòi ngươi. Không gì khác hơn là thực thi công bình, trìu mếu yêu thương, và bước đi khiêm nhường với Thiên Chúa của ngươi”.
Bạn có thể đọc những lời ông kêu gào chống bất công xã hội (2,1-5 ; 3,1-12; 7,1-7), lời ông loan báo về một Đấng Messia không phải là con của Đavít-vua-Giêrusalem, mà là con-Đavít-mục tử-ở-Bêlem (5,1-5, được trích lại ở Mt 2,6) hoặc sứ điệp hy vọng của ông (7,1-10 được trích ở Lc 1,73).

NGÔN SỨ

Ngôn sứ không phải là người đoán tương lai (tiên tri), mà đúng hơn, đó là người nói nhân danh Thiên Chúa, người được đưa vào kế hoạch của Thiên Chúa (Am 3,7) và từ đó ông nhìn mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa.
Ngôn sứ có nhất thiết nhận được những mạc khải phi thường không ? Không loại trừ điều này. Nhưng hình như đúng hơn là họ khám phá Lời Thiên Chúa ở 2 lúc hoặc 2 nơi : lúc được gọi và trong cuộc sống. Ơn gọi là yếu tố quyết định : đó chính là lúc họ cảm nghiệm Thiên Chúa (lúc ở trong Đền thờ như Isaia, lúc đang cầu nguyện như Giêrêmia, lúc gặp tình yêu trắc trở như Hôsê…) rồi được soi sáng bằng ánh sáng ấy, từ nay trong cuộc sống (trong những biến cố chính trị lớn, và trong sinh hoạt thường ngày) họ sẽ khám phá ra Lời Thiên Chúa, họ sẽ được “đọc” những dấu chỉ thời đại.
Từ đó, mọi sự đều nói cho họ về Thiên Chúa, chẳng hạn một cánh đào trổ hoa hay một chiếc nồi sắp đổ (Gr 1,11t) hoặc một cuộc sống lứa đôi (Hs 1-3; Ed 24,15t) hoặc một cuộc xâm lăng của quân thù… Các ngôn sứ dạy chúng ta

cũng phải biết đọc trong cuộc sống mình Lời Thiên Chúa
vẫn còn tiếp tục kêu gọi chúng ta.
Các ngôn sứ diễn tả sứ điệp bằng nhiều cách : bằng lời nói, như sấm ngôn (những lời tuyên bố nhân danh Thiên Chúa), khuyến dụ, tường thuật, cầu nguyện…; bằng hành động : những hành vi ngôn sứ cũng là một cách diễn tả Lời Thiên Chúa và thậm chí tác động lên lịch sử nữa (xem những chú thích của TOB và BJ về các hành vi ngôn sứ).

CHƯƠNG III


VƯƠNG QUỐC PHÍA BẮC (935-721)
Bài 1

LỊCH SỬ

Hai thủ đô thù nghịch, Giêrusalem và Samaria, chỉ cách nhau chừng 50 km. Nhưng có nhiều điểm rất khác nhau.

  1.  HOÀN CẢNH ĐỊA DƯ

Chỉ cần nhìn thoáng lên bản đồ, ta sẽ thấy rõ sự dị biệt.

  •  
  • Giêrusalem nằm giữa các ngọn đồi, gần sa mạc Giuđa. Đất đai nhiều sỏi đá, trên đó người ta trồng ngũ cốc, nho, ôliu và nuôi cừu. Xứ này không có đường ra biển (vì cánh đồng Shêphêla phì nhiêu đã bị quân Philitinh chiếm) nên phải hướng về đồng bằng Giođan và Biển Chết.
  • Vương quốc phía Bắc trái lại, trải rộng trên một vùng đất gồm những ngọn đồi của xứ Samaria đầy những thung lũng xanh tươi, và những cánh đồng phì nhiêu vùng Saron và Israel. Việc dời thủ đô cho thấy sự phát triển của xứ này : Vua đầu tiên là Giêrôbôam đặt thủ đô ở Tirsa quay hướng về sông Giođan. Nhưng một trong những vua kế vị, Omri mua ngọn đồi Samaria và đặt nó làm thủ đô, quay hướng về phía biển, nhờ thế những liên hệ thương mại với các vua Canaan ở phương Bắc (ngày nay là Liban và Syria) được dễ

dàng. Hoàn cảnh này ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và tôn giáo.

 

  1.  HOÀN CẢNH KINH TẾ

Sách ngôn sứ Amos đã mô tả nhà cửa ở Samaria làm bằng gỗ mun và ngọc ngà (Am 3,12; 5,11; 6,4) chứng tỏ một mức thịnh vượng cao. Nhưng từ đó cũng phát sinh cảnh bất công xã hội : những kết quả khai quật ở Tirsa, thủ đô đầu tiên cho thấy một một khu nhà cửa xây cất kiên cố được tách hẳn bằng một bức tường với một khu khác gồm những mái nhà lụp xụp.

  1.  HOÀN CẢNH TÔN GIÁO

Israel có nhiều tiếp xúc hơn Giuđa với những người Canaan sinh sống trên lãnh thổ họ và với các vua thành Tyr, Siđon và Đamas. Tín ngưỡng của những dân này rất hấp dẫn đối với một dân sống bằng nghề nông bởi vì nó thờ những sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá (Baals và Astartés) vốn được coi là có khả năng làm cho loài người, súc vật và cây trái sinh sản nhiều. Israel đã đi nước đôi, hay nói như ngôn sứ Êlia là “đi khập khiễng trên cả hai chân” tức là vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ các Baals.
Để ngăn không cho dân mình đến Đền thờ Giêrusalem, Giêrôbôam đã cho dựng 2 tượng bò tót ở 2 đầu biên giới, Đan và Bêthel (1V 12,26t). Hình như những tượng bò tót ấy được coi là bệ ngai của Thiên Chúa Yavê tương tự như khám

giao ước ở Giêrusalem. Thế nhưng bò tót cũng tượng trưng cho các thần Baals, vì thế nó gây nên nguy hiểm thờ tà thần.

  1.  HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ

Hệ thống vương quyền do Đavít và Salômon thiết lập vẫn tiếp tục ở Israel. Nhưng ở đây các vua không còn là những hậu duệ hợp pháp của Đavít nữa ; 8 trong số 19 vua sẽ bị mưu sát và các triều đại cứ liên tiếp lật đổ nhau. Vua không phải là “con của Đavít” nên cũng không phải là “con Thiên Chúa“. Trong sách Hôsê, Thiên Chúa trách rằng : “Chúng đã dựng nên những vua mà không cần hỏi ý Ta” (Hs 8,4). Vì thế không như ở Giuđa, vua sẽ không là kẻ đảm bảo mối thống nhất của dân và đại diện dân trước Thiên Chúa. Ở Israel, người nắm vai trò ấy sẽ là ngôn sứ, mà các ngôn sứ thường chống đối các vua.
Cách chung, các vua của Israel cũng chẳng tốt hơn mà cũng chẳng xấu hơn các vua Giuđa, nhưng một số vị quả là những vua vĩ đại.

  1.  CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Israel bị chi phối bởi đường lối chính trị chung của thời
đó.
Khi ấy Ai cập đang xuống dốc, còn Assyria thì hùng
cường, nhiều lần xuất chinh vào xứ Canaan.
Ở phía Bắc của Israel, một nước khác tuy nhỏ nhưng thịnh vượng là Đamas. Vì cũng thuộc chủng Sêmit, vì hùng mạnh và vì ở sát cạnh Israel và Giuđa, nước này sẽ trở thành khi thì đồng minh khi thì đối thủ của họ. Chẳng hạn một tài

liệu Assyria cho hay rằng vào năm 853 Assyria phải đương đầu với một liên minh các nước Aram trong đó có phần đóng góp của vua Achab nước Israel là 2.000 chiến xa và 10.000 lính.
Khoảng năm 750 hai vương quốc Israel và Giuđa đạt đến cao điểm hùng cường. Đế quốc Assyria muốn mở bờ cõi về hướng Địa Trung Hải. Chướng ngại đầu tiên họ gặp là Đamas. Điều này có lợi cho Israel và Giuđa, vì Đamas phải bận tâm đối phó với mặt trận thứ hai ấy nên không còn đe doạ họ nữa. Ngoài ra bao lâu Đamas còn sức chiến đấu thì đó sẽ cũng là một lá chắn thay họ chống lại Assyria. Nhưng tình hình đó sẽ không kéo dài bao lâu. Tuy nhiên trong tạm thời, nhờ có những vua thông minh và vị nào cũng trị vì khá lâu (khoảng 40 năm) nên hai vương quốc tiếp tục an cư lạc nghiệp. Trong thời kỳ này các ngôn sứ Amos và Hôsê rao giảng ở Israel.
Đến năm 732, Assyria chiếm được Đamas, rồi năm 721 chiếm Samaria. Một phần dân cư bị đày sang Assyria, họ sẽ bị đồng hoá với dân xứ đó. Thế là chấm dứt vương quốc phía Bắc.

  1.  DÂN SAMARIA SAU NĂM 721

Không phải tất cả cư dân đều bị lưu đày, một số còn lại ở Samaria. Assyria còn đưa về Samaria những kẻ chiến bại từ các tỉnh khác. Những người này khi tới Samaria cũng mang theo các tập tục, tín ngưỡng của họ.
Điều ấy làm sinh ra một cư dân mới hỗn tạp ; về huyết thống thì lại giống, về tín ngưỡng thì vừa thờ Yavê vừa thờ các thần linh (xem 2V 17,24-41).

Chúng ta sẽ có dịp nói tới những cuộc xung đột giữa đám người Samaria này với những người Do thái từ chốn lưu đày Babylone trở về.
Thế mới hiểu tại sao vào thời Đức Kitô những người Do thái và Samaria thù ghét nhau.

HOẠT ĐỘNG VĂN CHƯƠNG

Có lẽ từ đầu thế kỷ IX, người ta chép “những truyền thống về Êlia” (1V 17-19, 21; 2V. 1-2), và khoảng năm 750, những “giai thoại về Êlisê” (2V 3-9) hoặc những “trang sử đẹp” như tường thuật về cuộc cách mạng của Jéhu (2V 9- 10).


ra.

Những sấm ngôn của Amos và Hôsê cũng được viết

Cũng khoảng năm 750, người ta viết “lịch sử thánh của

phía Bắc” mà chúng ta gọi là truyền thống Elihiste.
Sau cùng là bắt đầu có những sưu tập về luật để thích nghi hệ thống luật cũ với hoàn cảnh xã hội mới. Những sưu tập này chịu nhiều ảnh hưởng của các ngôn sứ, nhất là Hôsê. Sau này chúng sẽ là nòng cốt của quyển Đệ nhị luật.

Bài 2

NHỮNG NGÔN SỨ CỦA VƯƠNG QUỐC PHÍA BẮC

Ở vương quốc này ngôn sứ (chứ không phải vua) mới là người bảo đảm cho đức tin. Ta hãy nói tới 3 vị ngôn sứ lớn.

  1.  ÊLIA

Cũng như Natan ở Giêrusalem, Êlia không để lại văn tự. Nhưng ông và Môsê được coi là những khuôn mặt lớn của đức tin Do thái. Tân ước, nhất là Luca, sẽ trình bày Đức Giêsu là một Êlia mới.
Tên của ông là cả một chương trình : chữ ÊLIA là viết tắt 2 chữ : Éli và Yahu. Với ý nghĩa : “Thiên Chúa của tôi chính là Yavê”. Ông xuất hiện vào thế kỷ IX triều vua Akhab. Vua này đã cưới Jêsabel con gái vua thành Tyr. Cuộc hôn nhân này góp phần làm cho Israel thêm thịnh vượng, nhưng Jêsabel cũng đem vào xứ những Baals và những ngôn sứ của bà khiến dân vừa thờ Thiên Chúa, vừa thờ Baals. Phần Êlia thì đã dứt khoát lựa chọn.
Bạn hãy đọc 1V 17-19; 21, 2V 1-2. Hãy tìm xem những nét chính về Êlia.

  • Một người trước mặt Thiên Chúa. Những thuật ngữ “Thiên Chúa mà tôi thờ” và “Thiên Chúa mà tôi đứng trước mặt” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nghĩa là Êlia đã chọn, một sự lựa chọn dứt khoát, không chia sẻ. Và ông cũng muốn buộc dân phải như thế.
  • Một kẻ được Thánh Linh xâm chiếm. Bạn hãy đọc câu trả lời cho Ovad-yahu trong 1V 18,12. Đó chính là nguồn sức mạnh và tự do của tâm hồn Êlia.
  • Một đức tin không chia sẻ. Trong cuộc tế lễ trên núi Carmel (1V 18), ông buộc dân phải chọn giữa Thiên Chúa hằng sống, hữu vị, can thiệp vào lịch sử và các Baals vốn chỉ là những sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá (xem khung sau đây). Cũng như chúng ta, Êlia đã tin dù không thấy, tin chỉ vì nghe Thiên Chúa bảo (1V 18,41t : Thiên Chúa bảo ông loan báo sắp có mưa thì ông loan báo… dù chẳng thấy gì cả !).
  • Một người thân thiết với Thiên Chúa. Việc ông được thấy Thiên Chúa (1V 19) (cùng với thị kiến của Môsê, Xh 33,18t) được coi là mẫu mực cho cuộc sống chiêm niệm : đó là mức tối đa mà con người được phép thấy. Nhưng Êlia vẫn là một người phàm như chúng ta, cũng thất vọng, cũng sợ hãi (19,1t). Phải dịch câu 19,12 như sau mới đúng : “có tiếng động của một sự im lặng“, bởi vì Thiên Chúa không ở trong sức mạnh thiên nhiên được thần thánh hoá. Ngài là Thiên Chúa mầu nhiệm, người ta chỉ có thể cảm được sự hiện diện của Ngài trong im lặng và trống rỗng, Ngài là một Thiên Chúa giấu mình. Trong lời cầu nguyện của ông (cũng như của Hôsê), Êlia không cần nói nhiều, ông chỉ thân mật thưa chuyện với Thiên Chúa Đấng giao sứ mệnh cho ông.
  • Kẻ bênh vực người nghèo : Êlia không sợ chống lại vua và những người thế lực để bênh vực người nghèo.
  • Một tinh thần đại đồng : vì Êlia tin Thiên Chúa với một đức tin không chia sẻ, và vì ông để Thánh Linh hoàn toàn hướng dẫn, nên ông rất tự do thường xuyên lui tới

những người ngoại (1V 17). Nhưng ông đòi người ngoại phải có một đức tin không điều kiện (17,13).

  • Những giai thoại về Êlia (2V,1) : đây là một tường thuật bình dân. Tiếc thay nó sẽ khiến người ta lầm tưởng Êlia là một người khe khắt đòi lửa từ trời xuống đốt những tội nhân.
  • Chuyện Êlia thăng thiên (2V,2) : có lẽ vì người ta không biết mộ của Êlia nên đã tưởng rằng ông được đưa lên trời. Luca sẽ dựa vào bản văn này để viết tường thuật Đức Giêsu thăng thiên (Cv 1,6-11) ; cũng như Êlisê nhờ được thấy thầy mình là Êlia được lên trời mà được thừa hưởng tinh thần của thầy để tiếp tục sứ mạng của thầy, thì các môn đệ nhờ thấy Đức Giêsu thăng thiên nên cũng nhận được Thánh Linh của Đức Giêsu.

ĐỨC GIÊSU – ÊLIA MỚI TRONG TIN MỪNG LUCA

Bạn hãy đọc những bản văn mà Luca quy chiếu minh nhiên về chuyện Êlia : 4,26 (diễn từ tại hội đường Nazareth), 7,12.15 (cứu sống con trai bà goá Naim) ; 9,42 (chữa bệnh một đứa trẻ) ; 9,51.54.57.61.62 (Đức Giêsu lên Giêrusalem) ; 22,43.45 (hấp hối, Đức Giêsu được thiên sứ đến tăng sức). Cũng hãy lưu ý rằng Luca đã bỏ qua Lời Đức Giêsu đồng hoá Gioan Tẩy giả với Êlia (so sánh với Mt 11,14 ; 17,11-13).
Những nhận xét trên giúp bạn thấy Luca mô tả Đức Giêsu bằng những nét của Êlia : liên hệ mật thiết với Thiên Chúa biểu lộ thường xuyên bằng việc cầu nguyện, tâm hồn hoàn toàn tự do trong Thánh Linh, tinh thần đại đồng, yêu thương những người nghèo khó, tội lỗi, bị bỏ rơi, các phụ

nữ, đòi hỏi một đức tin không chia sẻ và không điều kiện. Và cũng như Êlia, Đức Giêsu là con người chỉ nghĩ đến mỗi một mục tiêu là “hướng về lúc được nâng lên” (9,51) : vừa là nâng lên trên thập giá vừa là nâng lên trong vinh quang của Cha.

  1.  AMOS – NGÔN SỨ CỦA ĐỨC CÔNG BÌNH

Là một mục tử quê quán ở Téqoa gần Bêlem, Amos được Thiên Chúa sai đến vương quốc phía Bắc vào thời huy hoàng của Samaria dưới triều Giêrôbôam II. Ông là một nhà giảng thuyết bình dân với những lời lẽ thẳng thừng, ông phẫn nộ trước cảnh xa hoa và bất công xã hội. Bạn hãy xem 3,13-4,3 (xa hoa) ; 2,6-16 ; 8,4-8 (bất công).
Amos là một ngôn sứ : có hai lần ông nói về ơn gọi của mình. Ở 7,10-17 ông thuật lại việc mình được gọi thế nào ; ở 3,3-8 ông giải thích ý nghĩa của ơn gọi ấy : ngôn sứ là người được bước vào kế hoạch của Thiên Chúa nên từ đó nhìn mọi sự theo ánh sáng Thiên Chúa và tìm cách diễn tả kế hoạch ấy trong cuộc sống và trong những sự việc xảy ra.
Do đó, giáo huấn của ông về xã hội đặt nền tảng trên Giao ước : Giao ước không phải là một bảo đảm để người ta sống cách nào cũng được, mà là một trách nhiệm : “trong tình thương, Ta chỉ biết có các ngươi, Thiên Chúa phán, vì thế Ta sẽ buộc các ngươi phải trả lẽ về những sự bất công của các ngươi” (3,1-2).
Nếu Thiên Chúa phạt, đó là để giúp người ta hoán cải. Amos thấy trước sẽ có một thiểu số dự tồn trong thảm hoạ, sẽ có một ít người được cứu (3,12) cho nên vẫn còn hi vọng (8,11-12).

Thiên Chúa của Amos không chỉ là Thiên Chúa của quốc gia, mà còn là Thiên Chúa của các nước khác (1,3-2,3), bởi vì Ngài là Đấng tạo hoá (4,13 + 5,8-9 9, 5-6)).

  1.  HÔSÊ – NGÔN SỨ CỦA TÌNH THƯƠNG

Là người gốc phía Bắc, Hôsê rao giảng cùng thời với Amos. Ông đã khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua kinh nghiệm bản thân : Hôsê yêu thương vợ ông, nhưng đó là một người đàn bà xấu nết. Tuy nhiên ông đã dùng tình thương để hoán cải nàng. Thiên Chúa cũng yêu thương chúng ta như thế, không phải bởi vì chúng ta tốt, mà là để cho chúng ta trở nên tốt (Hs 1-3). Ngài yêu thương ta như chồng yêu thương vợ : tư tưởng này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Thánh kinh và cho đức tin có một ý nghĩa mới : Luật Sinai được coi như một khế ước tình thương, một giao ước giữa hai vợ chồng. Còn tội được coi như một sự ngoại tình, một lỗi nghịch với tình thương.
Hôsê vẽ ra một bức tranh u tối về tội lỗi của dân : chẳng có trung tính, chẳng có yêu thương nhau, chẳng có sự hiểu biết về Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nghiên cứu một bản văn cách kỹ lưỡng hơn. Còn bây giờ bạn hãy đọc một vài đoạn nói về tình thương của Thiên Chúa (1-3 : như chồng thương vợ ; 11 : như cha thương con), Thiên Chúa đòi dân phải đáp lại tình thương của Ngài (4,1-3 ; 6,4-6 ; một câu mà Mt sẽ trích lại hai lần ở Mt 10,12 ; 12,3-7) ; và tội là gì (4,4-10 ; 5,1-7 ; 7,1-2).
Về điều gì quan trọng cho cuộc sống, bạn hãy tìm các câu nói về định chế như Luật – Phụng tự – Đất – Ngôn sứ (có vai trò trổi hơn vua) – Thủ lãnh… Lý tưởng là sống như ở sa mạc trong thời xuất hành, dưới sự hướng của ngôn sứ Môsê.

THIÊN CHÚA CỦA LỊCH SỬ HAY CÁC THẦN CỦA THIÊN NHIÊN ?

Israel tin một Thiên Chúa duy nhất là Đấng can thiệp vào      lịch    sử      :         “Thiên     Chúa         của      Abraham,           Isaac, Giacob”,”Thiên-Chúa-đã-kéo-chúng-ta-ra-khỏi-kiếp-nô- lệ“. Thiên Chúa ấy đã dẫn dắt họ khi họ còn là dân du mục trong sa mạc, và đã đưa họ vào đất Canaan.
Nhưng khi Israel trở thành dân định cư, đã có những đồng ruộng và những thành phố, thì những điều họ quan tâm là : làm sao cho đất đai và đoàn vật sinh sản nhiều ? phải xin với ai để có mưa đúng thời ? Họ đã tìm thấy câu trả lời cho những quan tâm ấy trong thứ tín ngưỡng đã có sẵn tại chỗ : các thần Baals (thần bão, thần mưa) và các nữ thần Astartés (thần phái tính và sinh sản).
Đành rằng cũng tốt nếu thờ một Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử. Nhưng mà còn phải sống, cho nên xin với các thần Baals thì bảo đảm hơn !
Ta đừng vội nghĩ rằng đó là một vấn đề thuộc quá khứ : ngày nay vẫn có những thần Baals nhưng đã đổi tên. Kitô hữu cũng có thể gặp sự xung đột tương tự : họ tin Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử và Đức Giêsu Con Ngài, thế nhưng đức tin ấy có giúp họ thoả mãn những nhu cầu kinh tế không ? phải chăng bảo đảm hơn là chạy tới những “quyền lực” thiên nhiên (ngân hàng, địa vị, quyền thế…) ?

  1.  NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN Hs 2,4-25

Bạn hãy đọc bản văn trên rồi cố trả lời những câu hỏi
sau :

Bản văn nói tới ai ? bằng những hình ảnh gì ? bản văn này nói với bạn điều gì ? Hãy ghi nhận những điều bạn thích, những điều khiến bạn ngạc nhiên và những điều làm bạn thắc mắc…
Có những vai nào ? những vai ấy được diễn tả bằng những hình ảnh nào ?
Họ làm gì ? họ kiếm gì ?
Chú ý tới những từ và nhóm từ lặp đi lặp lại, những từ mà bạn thấy quan trọng, cách chơi chữ với những tính từ sở hữu (thí dụ : lúa, lúa của tôi…).
Đây là một vụ kiện ly hôn, hãy lưu ý 3 lời buộc tội của Thiên Chúa (những lời nào ?) và những hình phạt Ngài đe doạ (hình phạt thứ 3 ra sao ?)
Xin chú ý những đối nghịch : thương / không thương ; cho / lấy lại ; sa mạc ở câu 5 / sa mạc ở câu 16 (có cùng nghĩa không ? tại sao ?) ; ở đầu thì “làm vợ” có nghĩa là “được chăm sóc“, còn ở cuối thì sao ?
Hãy đặt bản văn này lại vào tư tưởng của thời đó (xem khung ở trang trước, nói về Thiên Chúa của lịch sử và các thần của thiên nhiên ; và chú thích của TOB 2,25) ; mấu chốt là phải biết ai làm cho sinh sản nhiều : các Baals hay là Thiên Chúa ? Hôsê đã dựa vào lịch sử thế nào (hãy đọc những quy chiếu bên rìa sách Thánh kinh) ?
Trong bản văn này, Thiên Chúa mang dung mạo nào ? Ngài có phải là một thành phần của thiên nhiên không ? Ngài là Đấng cho mọi sự có ý nghĩa. Nhưng thiên nhiên có những luật riêng thuộc lĩnh vực khoa học (x.TOB.w).

Thiên Chúa chờ đợi gì nơi con người ? Hãy chú ý những chữ nói về sự trả lời của con người.

NGỮ VỰNG TÌNH THƯƠNG

  1.  
    1. HÉSED : liên hệ yêu thương giữa 2 vợ chồng (TOB dịch là amour, fidélité ; BJ dịch là tendresse, amour, bonté. Tạm dịch qua tiếng Việt là : tình ân ái).
    2. RAHAMIN : số ít là rehem nghĩa là “vú mẹ”, chỉ sự êm ái dịu dàng. Số nhiều rahamin là từ dành riêng để nói về tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta, một tình thương dịu dàng, đùm bọc như của cha mẹ đối với con cái, một tình thương nằm trong ruột gan của cha mẹ (TOB dịch là amour, aimer, tendresse, aimer. Tạm dịch tiếng Việt là : tình thương trìu mến).
    3. ÉMETH, ÉMOUNAH, AMEN : những chữ này có cùng ngữ căn trong tiếng Híp-ri. Chúng chỉ sự bền vững lâu dài trong Giao ước giữa hai người nhờ đó mà họ có thể hoàn toàn tin cậy nhau (TOB và BJ dịch là sincérité, fidélité. Tạm dịch quan tiếng Việt là : trung tín).
    4. BIẾT : biết bằng trí khôn, tấm lòng và thân xác. Tóm lại là bằng cả con người trọn vẹn. Động từ này cũng được dùng để diễn tả việc vợ chồng giao hợp (xem TOB chú thích Hs 4,1 và Am 3,2; BJ chú thích Hs 2,22).
    5. HANAN : cử chỉ người mẹ nghiêng mình trên đứa con nhỏ. Người ta thường dịch là ban ơn, nhưng chưa đủ nghĩa. Có lẽ nên dịch là cưng, (tên Gioan do chữ Yo-hanan nghĩa là : “Thiên Chúa ban ơn”, “Thiên Chúa cưng”.

Đó là những tên mà Thiên Chúa ghi trên danh thiếp của Ngài : ân ái, trìu mến, trung tín, biết và cưng loài người.

Bài 3

LỊCH SỬ THÁNH CỦA PHÍA BẮC HAY LÀ TRUYỀN THỐNG ELOHISTE


Các chi tộc phía Bắc đã tách khỏi Giêrusalem và các vua nhà Đavít. Nhưng họ vẫn có chung một quá khứ và những truyền thống. Sau cuộc ly khai này chẳng bao lâu, vương quốc Giuđa đã viết các truyền thống của họ thành “lịch sử thánh của Giuđa” (hay truyền thống J). Hai thế kỷ sau, có lẽ khoảng năm 750, ở vương quốc Israel, người ta cũng gom góp cùng những truyền thống ấy để viết một “lịch sử thánh của phía Bắc”. Người ta gọi đó là “truyền thống Elohiste“, vì nó gọi Thiên Chúa là Êlohim. Truyền thống này viết tắt là E.
Đây cũng là lịch sử đã được viết ở phía Nam, nhưng vì bối cảnh khác nên nó cũng khác. Ở Israel dân bị nhiều cám dỗ bỏ Thiên Chúa thật để thờ các Baals, hoặc bắt cá hai tay. Để duy trì đức tin chân thật, ta không thể dựa vào vua không thuộc dòng dõi Đavít. Chính các ngôn sứ lãnh trách nhiệm nhắc nhớ dân rằng chỉ có thể có một giao ước duy nhất là giao ước mà Thiên Chúa đã ký với dân Ngài. Các ký lục viết truyền thống này thấm nhuần tư tưởng của các ngôn sứ và các hiền sĩ. Nhắc dân nhớ lại những truyền thống là một cách đưa họ về với giao ước.
Có lẽ vì lý do trên mà không như truyền thống J ở phía Nam, truyền thống E không bắt đầu bằng những tường thuật về khởi nguyên, nhưng với giao ước Thiên Chúa ký kết với Abraham.

Tâm tình tôn giáo mà dân phải có để trung thành với giao ước ấy là “kính sợ Thiên Chúa“, đây không phải là sợ hãi, mà là tôn kính và trông cậy.
Chúng ta sẽ đọc kỹ 2 bản văn trong đó, E bày tỏ những xác tín chính của mình : phần kết thúc của giao ước Sinai và tường thuật hiến tế Isaac.
Sau đó chúng ta sẽ có thể đọc nhanh hết truyền thống E, nhưng chú ý tới những yếu tố hướng dẫn là : Giao ước và Kính sợ Thiên Chúa.

VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG E

Ta sẽ thấy rõ hơn nếu so sánh E với J.

  1. Bút pháp kém sống động, kém cụ thể hơn.
  1. Thiên Chúa là Đấng khác hẳn con người. E thường tránh các kiểu nói như nhân. Vị Thiên Chúa bất-khả-đạt ấy tự mạc khải qua trung gian những giấc mộng. Khi Ngài nói là nói trong những cuộc thần hiện. Con người không thể hình dung Thiên Chúa.
  2. E quan tâm nhiều đến những vấn đề luân lý và ý nghĩa của tội. Chẳng hạn E giải thích rằng Abraham đã không nói dối (so sánh St 12,10t của J với St 20 của E). Luật Môsê trong E chú ý tới luân lý, những bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân hơn là chú ý tới cách thức tế lễ.
  3. Việc phụng tự đích thực, đó là vâng lời Thiên Chúa, tôn trọng giao ước và từ bỏ mọi thoả hiệp với các thần giả.
  4. Những người đích thực của Thiên Chúa không phải là vua hay tư tế, mà là những ngôn sứ : Abraham, Môsê (ngôn sứ lớn nhất), Êlia, Êlisê…
  5. Suy tư của E đâm rễ trong dòng tư tưởng ngôn sứ và hiền sĩ.
  6.  GIAO ƯỚC SINAI Xh 19-20

Bạn hãy đọc kỹ bản văn rồi tìm ra những nét đặc thù của E.
Môsê được gán cho vai trò gì ? hãy lưu ý tới những phương diện khác nhau : ngôn sứ, trung gian, tư tế…
Kính sợ : tâm tình này thế nào ? nhằm mục đích gì ? Đối với Thiên Chúa, thử thách là một cách để trắc nghiệm lòng trung thành của dân.
Giao ước : xem kỹ nghi thức kết giao ước; đây là một hợp đồng 2 chiều : Thiên Chúa ban luật, dân cam kết vâng lời Ngài (trong tiếng Híp-ri, động từ “nghe” cũng có nghĩa “vâng lời”. x. Đnl 6,4. Máu được rảy lên hai phía ký hợp đồng : trên bàn thờ tượng trưng Thiên Chúa và trên dân. Nghi thức này ngụ ý rằng nếu phía nào vi phạm giao ước thì máu nó sẽ phải đổ ra ; nhất là nó cho thấy từ nay hai phía thuộc “cùng một dòng máu”.

  1.  HIẾN TẾ ISAAC : St 22,1-13.19

Hãy đọc bản văn trên nhưng nhớ bỏ đi những câu 14- 18 thuộc truyền thống J.
Có lẽ chuyện này xây trên nền tảng của một tường thuật cổ để cho thấy rằng Thiên Chúa không muốn người ta sát tế trẻ con (như thói quen thời xưa).
E lấy lại tường thuật cổ ấy để vẽ lên chân dung Abraham một cách đặc biệt sắc sảo.

Bạn hãy tìm những nét đặc thù của E. Chú ý riêng những nét có chung trong bản văn này với phần kết thúc giao ước.
Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của một người Israel khi nghe tường thuật này : phải chăng Abraham là mẫu mực cho anh phải noi theo ?
Và Abraham cũng là mẫu mực cho ta noi theo thế nào ?

SÁT TẾ CON NGƯỜI

Người ta hay tìm kiếm cái mới. Bởi vì cái gì mới thì quý. Do đó thời nào cũng vậy, người ta dâng lên thần linh những sản phẩm đầu tiên của mình.
Những người nào thuộc chủng Sêmit sinh sống ở Canaan cũng thế : họ đem con trai đầu lòng sát tế cho thần linh, thí dụ như trong những hoàn cảnh bi thảm (bị xâm lăng chẳng hạn). Tuy nhiên điều này ít khi xảy ra, và những người chủng Sêmit tới từ phương Đông (Lưỡng Hà Địa) như Abraham không biết tới nghi lễ ấy.
Phần Israel thì không chấp nhận thứ lễ tế ấy, cho nên họ chuộc đứa con đầu lòng lại bằng cách tế sát một con vật thay thế (xem TOB ; St 22,2r ; Xh 13,11c và Lv 18,21 ; BJ : St 22,1a ; Xh 13,11a ; Lv 18,21b).

Bài 4

LƯỚT QUA LỊCH SỬ THÁNH CỦA PHÍA BẮC


Thật khó đọc liên tục lịch sử thánh này, vì khi lưu đày trở về người ta đã hoà lẫn những truyền thống với nhau, và khi có những chỗ song song thì người ta thường bỏ chi tiết ấy trong truyền thống Êdêkiên, do đó E chỉ còn tồn tại trong tình trạng manh mối. Sau đây chúng ta chỉ đọc những bản văn nào được coi là chắc chắn thuộc về E.

  1.  Chu kỳ Abraham :

Có lẽ truyền thống E không bắt đầu với những tường thuật về khởi nguyên như J, mà bắt đầu với Abraham. Bản văn đầu tiên là tường thuật về giao ước của Thiên Chúa với Abraham (St 15).

  1.  
    1. Abraham và Abimélek (St 20) : ta gặp ở đây những nét chính của Êdêkien : quan tâm tới luân lý, Abraham đóng một vai trò đẹp nhưng ông không nói dối ! Chính một mình ông, với tư cách ngôn sứ (c.7) có thể cầu bầu cùng Thiên Chúa cho vua (c.17). Ông khám phá rằng “lòng kính sợ Thiên Chúa” (c.11) cũng có thể có nơi một người ngoại. Vả lại người ngoại này cũng không phạm tội vì trong một giấc mộng Thiên Chúa đã cản trở ông phạm tội (c.4).
    2. Agar và Ismael (St 21,9-21) : Thiên Chúa ra tay can thiệp giúp người bị áp bức.
    3. Abraham và Isaac (St 22,1-14) : bản văn quan trọng này chúng ta đã đọc rồi. Theo truyền thống Do thái, việc trói

Isaac trên đống củi (aqédah) rất là quan trọng (xem Targum giải thích St 22,10 trong khung).

  •  Chu kỳ Giacob :
    • Giấc mộng của Giacob (St 28,10) : có những chi tiết đặc thù của E như giấc mộng (c.11-12), nỗi kính sợ khi đứng trước Thiên-Chúa-khác-hẳn (c.17-18), Thiên Chúa bảo vệ kẻ yếu (c.20-22).
    • Những cuộc du hành của Giacob (St 29-35) : ta thấy Giacob đi qua những đền thờ chính của vương quốc phía Bắc. Như thế là nguồn gốc của những đền thờ ấy có nền tảng từ thời các tổ phụ.
  •  Chuyện Giuse :

Ở đây cũng khó phân biệt giữa E và J. Giuse là cha của 2 chi tộc phía Bắc (Ephraim và Manassê) và được chôn tại Sikem (Gs 24,32). Chính vì thế mà E coi trọng tổ phụ Giuse.
Trong chuyện này ta có thể gặp được những nét của E như : thử thách (St 42,16), kính sợ Thiên Chúa (42,18), Thiên Chúa bảo vệ người yếu (45,5; 50,20). Thậm chí qua đau khổ và tội lỗi, Thiên Chúa cũng vẫn theo đuổi kế hoạch cứu loài người.

TARGUM GIẢI THÍCH St 22,10 :

Vào đầu cn, người Do thái đọc sách thánh trong hội đường bằng tiếng Híp-ri. Nhưng khi đó dân quen nói tiếng Aram nên không hiểu. Vì thế phải dịch ra. Nhưng thay vì dịch sát từng tiếng người ta đã dịch rộng, cách này được gọi là Targum.

Những bản dịch sang tiếng Aram này rất hữu ích vì chúng ta biết người Do thái thời Đức Giêsu đã hiểu sách thánh như thế nào. Đôi khi dịch giả chỉ thay đổi chút ít. Đôi khi vừa dịch vừa giải thích thêm. Đây là trường hợp Targum dịch tường thuật tế sát Isaac. Sau câu 10, Targum giải thích tiếp như sau:
Isaac cất tiếng và nói với Abraham cha cậu : “Thưa cha, xin trói cho con kỹ để con không dùng chân mà đá cha khiến cho lễ vật không còn giá trị nữa…”. “Mắt Abraham dán chặt vào mắt Isaac, và mắt Isaac dán về các thiên sứ trên cao. Lúc đó từ trời có tiếng phán xuống “Hãy đến mà xem hai người độc nhất trong vũ trụ của Ta, một người sát tế và một người chịu sát tế : người sát tế không ngần ngại còn người chịu sát tế đưa cổ ra…”
Việc trói (Aqédah trong tiếng Aram) mà Isaac yêu cầu, biểu lộ lễ vật trong tâm hồn cậu : cậu không muốn vì giãy giụa mà bị thương tích khiến cậu không còn là một lễ vật xứng đáng dâng lên Thiên Chúa nữa.
Trong những giờ phút lo âu, người Do thái cầu xin Thiên Chúa nhớ lại Aqédah của họ (họ cũng như bị trói) để vì đó mà tha thứ tội lỗi cho họ và cứu họ.

  •  Môsê :

Ở đây vai trò Môsê thành lập dân được chú trọng hơn là trong J. Ông có quyền làm phép lạ, ông đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với dân, ông cũng đóng vai trò ngôn sứ, lời cầu xin của ông hữu hiệu, ông còn là một tư tế nữa.

  1.  
    1. Chuyện Môsê sinh ra (Xh 1,15-2,10). Các bà đỡ kính sợ Thiên Chúa và thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời Pharaon. Thiên Chúa cứu kẻ yếu là cậu bé Môsê. Có lẽ tác

giả đã dựa vào một câu chuyện quen thuộc ở Aicập về việc sinh ra của Sargon Agadé, một người đã sống hơn 2.300 năm trước cn.

CHUYỆN SARGON AGADÉ SINH RA

“Sargon, vua hùng mạnh, vua của Agadé, chính là Ta. Mẹ Ta thì nghèo ; còn Cha Ta thì Ta không biết… Người Mẹ nghèo của Ta đã cưu mang Ta, đã sinh ra Ta cách lén lút, bà đặt Ta trong một chiếc thúng bằng sậy rồi lấy nhựa trét lại nhốt Ta trong đó. Bà thả Ta trôi trên giòng sông nhưng nó không phủ ngập Ta. Giòng sông đưa Ta đến tận Akhi là Thần Nước. Akhi dạy Ta làm vườn. Trong lúc Ta làm vườn thì nữ thần Ishtar yêu Ta. Ta đã làm vua ngự trị trong 55 năm”.

  1.  
    1. Bụi gai rực lửa (Xh 3-4) : Thiên Chúa tỏ mình ra một cách rực rỡ. Ngài mạc khải tên Ngài cho Môsê trong một câu khó dịch. TOB dịch là “Ta là Đấng sẽ là” (Je suis qui serai), nghĩa là “các ngươi sẽ biết Ta là ai khi thấy Ta sẽ là gì và sẽ làm gì trong lịch sử của các ngươi”. Như vậy ta chỉ biết Thiên Chúa là ai qua những kẻ phụng sự Ngài : đó là Thiên Chúa của Abraham, của Môsê, của Đức Giêsu-Kitô, của ông A bà B. Mục đích của cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Aicập là để dân phục vụ Thiên Chúa (4,23 câu này lặp đi lặp lại nhiều lần). Trong truyện này, chính Israel được gọi là con đầu lòng của Thiên Chúa chứ không phải như trong J.
    2. Môsê và Jéthro (Xh 18) : nhạc phụ của Môsê giúp ông tổ chức dân, ông đã đặt Môsê vào vị trí người đại diện cho dân trước Thiên Chúa (c.19). Trong vương quốc phía Bắc, núi của Thiên Chúa được gọi là Hôreb chứ không phải Sinai.
  2.  
    1. Con bê vàng và thị kiến thấy lưng Thiên Chúa (Xh 32,34) : trong chuyện này 2 truyền thống E và J cùng hoà lẫn với nhau. Có lẽ tội của dân và của Aharon không phải là thờ ngẫu thần, vì tượng con bê hình như là bệ cho Thiên Chúa ngự (32,5). Nhưng tội này là : dân muốn Thiên Chúa hiện diện bằng cách làm cho Ngài một chiếc ngai. Làm như thế thì họ “nắm” được Thiên Chúa (bạn hãy đọc lại 2 cách quan niệm về Thiên Chúa).

Môsê tỏ ra là một người cầu bầu (33,10t).
Ông lãnh trách nhiệm dẫn dân đến gặp Thiên Chúa : trong bài tường thuật rất hay trong Xh 33,7-10, Môsê (và sau này là Êlia) là người đã tiến sâu hơn trong tình thân thiết với Thiên Chúa. Dù vậy ông cũng chỉ được thấy “lưng” Thiên Chúa mà thôi (Xh 33,18-23).

  1.  
    1. Thánh Linh ngự xuống trên các kỳ lão (Ds 11,16- 17.24-30) : chúng ta đã thấy rằng ở vương quốc phía Bắc, chính ngôn sứ là kẻ duy trì đức tin thật, và Môsê đứng hàng đầu và là vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Thế nhưng lý tưởng của tác giả là toàn dân đều là ngôn sứ được Thánh Linh dẫn dắt.

CHƯƠNG IV


GIAI ĐOẠN CUỐI CỦA VƯƠNG QUỐC GIUĐA 721-587
Bài 1

LỊCH SỬ

  1.  GIUĐA TỪ 933 ĐẾN 721

Nằm giữa Israel và Philitinh, Giuđa chỉ là một vương quốc nhỏ mà diện tích là những ngọn đồi bao quanh Giêrusalem và sa mạc Néguev. Dân cư sống bằng trồng trọt, chăn nuôi (đặc biệt là cừu) và buôn bán với xứ Arabia và Aicập.
Về mặt chính trị, chắc chắn Giuđa cũng chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình thăng trầm của cả vùng. Khi đó các thế lực lớn như Aicập và Assyria đang suy yếu, cho nên hoạt động chính trị và quân sự tập trung trong vùng lãnh thổ Canaan với những cuộc chiến tranh và những thoả hiệp giữa những vương quốc nhỏ như Giuđa, Israel và Đamas.
Nhưng từ năm 745 tình hình thay đổi với sự kiện Assyria quay trở lại sân khấu. Để chống Assyria, Đamas cùng Israel liên minh với nhau và ép Giuđa gia nhập liên minh với họ. Đó là cuộc chiến tranh Syro-Ephraim, là dịp ngôn sứ Isaia đưa ra những sấm ngôn. Vua của Giuđa lúc bấy giờ là Achaz không chấp nhận gia nhập liên minh, ông

xin Assyria tới giúp. Và vua của Assyria đã tới, chiếm Đamas năm 732 rồi Samaria năm 722-721.
Biến cố Samaria thất thủ đưa lại nhiều hệ quả quan trọng cho Giuđa về cả 2 phương diện chính trị và tâm lý.

  1.  GIUĐA GIỮA 721 VÀ 587

Toàn thể lãnh thổ phía Bắc Giêrusalem (vương quốc Israel cũ) đã trở thành một tỉnh của Assyria. Vua Achaz cũng có một phần trách nhiệm vì chính ông đã xin Assyria tới can thiệp. Từ đó cho tới chết Achaz vẫn trung thành với Assyria.
Con ông là Êdêkias nối ngôi trị vì khoảng 30 năm. Nhưng nếu cộng thêm 12 năm cùng ngự trị với vua cha thì triều đại của ông được hơn 40 năm. Dù Isaia đã hết lời can gián nhưng Êdêkias vẫn theo đuổi chính sách thoả hiệp với Aicập và Babylone để chống lại Assyria. Năm 701 vua mới của Assyria là Sennachérib đem quân bao vây Giuđa. Êdêkias củng cố thủ đô và cho đào một con kênh dẫn nước từ Guihon tới Ao Siloé trong thủ đô. Nhưng Sennachérib siết chặt vòng vây, Giêrusalem “như một con chim bị nhốt trong lồng“. Thế nhưng sau cùng ông đành phải rút quân (có lẽ do một cơn dịch đã làm tiêu hao đội quân Assyria), chỉ buộc Êdêkias đóng phạt một phần thuế rất nặng.
Kế vị là Manassê, một ông vua hung bạo và vô đạo. Ông này trị vì 45 năm, ngoan ngoãn thần phục vua Assyria lúc bấy giờ là Assourbanipal. Đây là một ông vua học thức và chuộng nghệ thuật. Ông đã để lại một thư viện lớn gồm hơn 20.000 thủ bản khắc trên đất nung về lịch sử và văn học của vùng Trung Đông. Thế nhưng vào cuối triều đại ông, bản đồ chính trị bắt đầu thay đổi : một thế lực mới xuất hiện

ở Babylone ; và xa hơn về hướng Đông (ở lãnh thổ nước Iran hiện nay), dân Mèdes hùng mạnh lên ; còn ở phía Tây, Ai cập cũng thức dậy.
Trong bối cảnh ấy vua Josias ngự trị ở Giêrusalem khoảng 30 năm. Vì ông lên ngôi sau 2 triều vua bạo ngược là Manassê và Amon, nên ông được dân chúng nồng nhiệt ủng hộ, nhất là khi ông chiếm lại được một phần lãnh thổ của vương quốc Israel cũ. Người ta tự hỏi phải chăng Josias chính là một Đavít mới. Dưới triều ông, năm 622 người ta tìm được trong đền thờ một cuốn sách luật xuất xứ từ vương quốc Israel cũ : tài liệu này sẽ được bổ sung thêm để trở thành sách Đệ nhị luật, nhà vua dùng nó làm nền tảng cho cuộc cải cách tôn giáo và chính trị (2V 22-23).
Thời này xuất hiện một thế hệ ngôn sứ mới gồm Xôphônia, Nakhum, Khabacúc và nhất là Giêrêmia.
Năm 612, Ninivê, thủ đô của Assyria bị chiếm. Tất cả các dân Trung Đông vui mừng trước sự sụp đổ của kẻ thù. Nhưng hỡi ơi họ không hiểu rằng đó chỉ là đổi chủ mà thôi : vị tướng của Babylone chiến thắng kẻ thù cũ ấy tên là Nabuchodonosor, và việc làm đầu tiên của ông khi nắm quyền bá chủ sẽ là đưa quân trừng phạt Ai cập.
Vua Josias muốn cứu Ai cập nên đem quân chận đường Nabuchodonosor và tử trận tại Megiddo. Cái chết thê thảm của vị vua thánh này làm đau lòng các tín hữu : họ tự hỏi tại sao một người hết lòng trông cậy vào Thiên Chúa mà phải chết thảm như vậy. Cái chết ấy cũng kết thúc công cuộc cải cách của Josias khi nó chưa đi sâu vào tâm hồn người dân bao nhiêu.

Sau chiến thắng ở Karkémish, năm 605 Nabuchodonosor tiến về xứ Palestina. Ông chiếm Giêrusalem năm 597 và bắt vua cùng một phần dân cư đưa đi đày. Trong số đó có một tư tế ngôn sứ là Êdêkien. Nabuchodonosore đặt một người khác làm vua Giêrusalem. Nhưng khi ông vừa quay lưng đi thì vua mới này liền liên minh với Aicập. Nabuchodonosor tức giận quay trở lại. Ngày 9-7-587 (hoặc 586), ông chiếm thành, đốt Đền thờ và khám giao ước, bắt dân đi đày bên Babylone… thế là chấm dứt vương quốc Giuđa.
Giêrusalem sụp đổ là một cú sốc tâm lý nặng nề đối với các tín hữu. Chương sau ta sẽ xem rõ hơn. Còn bây giờ ta phải trở lại cú sốc đầu tiên là Samaria thất thủ, bởi vì chính biến cố này giúp ta hiểu một phần về suy tư của Giuđa từ năm 721 trở đi.

  1.  CÚ SỐC DO VIỆC ISRAEL SỤP ĐỔ NĂM 721

Dân Đức đã từng trải qua cơn ác mộng đất nước họ bị chia đôi, và trong lòng họ luôn sôi sục ước muốn đất nước tái thống nhất.
Cũng thế, dân Giuđa đã trải qua cơn ác mộng khi thấy Assyria tàn phá Samaria và sát nhập phần đất này vào lãnh thổ của chúng. Cơn ác mộng lại càng khủng khiếp hơn vì không phải chỉ chạm tới tinh thần ái quốc mà còn đụng tới đức tin tôn giáo. Hẳn nhiên 2 vương quốc đã ly khai và đánh nhau, thế nhưng họ vẫn có cùng một Thiên Chúa, cùng những truyền thống và cùng một niềm xác tín rằng mình là “dân của Thiên Chúa”, đã được Thiên Chúa ban cho một lãnh thổ. Việc Samaria bị sát nhập vào đế quốc Assyria đã khiến họ hoang mang về cả 2 cột trụ ấy của đức tin : dân tộc

và lãnh thổ. Phải chăng “dân tộc” chỉ gom lại thành Giuđa mà thôi ? Nhờ các ngôn sứ và các hiền sĩ, người ta vẫn nuôi hi vọng một ngày kia Thiên Chúa sẽ hợp nhất dân tộc lại, đó là một dân tộc thực sự của Thiên Chúa gồm cả Giuđa và Israel.
Bối cảnh chính trị và tôn giáo trên giúp ta hiểu một phần lớn tại sao có hoạt động văn chương sôi động như thế ở Giêrusalem dưới triều các vua Êdêkias và Josias.

SINH HOẠT VĂN CHƯƠNG

Các Lêvi từ phía Bắc chạy về tị nạn ở Giêrusalem mang theo gia tài văn chương của họ được viết ở miền Bắc gồm có : lịch sử thánh của vương quốc phía Bắc (truyền thống E), những sưu tập luật, những sấm ngôn của các ngôn sứ…
Các sưu tập luật mang nặng ảnh hưởng của tinh thần miền Bắc. Chúng bị quên lãng cả một thế kỷ trong thư viện của Đền thờ trước khi vua Josias dùng nó làm nền tảng cho công cuộc cải cách. Ngoài ra các ký lục tiến hành việc hoà hợp 2 lịch sử thánh của Giuđa (truyền thống J) và của Israel (truyền thống E) lại làm một. Gọi là truyền thống Jéhoviste (JE). Đây là tài sản chung của các chi tộc Nam Bắc.
Công cuộc cải cách của vua Josias đã đưa ra ánh sáng những khoản luật xuất xứ từ miền Bắc. Sau này chúng được bổ sung và trở thành sách Đệ nhị luật.
Dưới ánh sáng của giáo huấn được tìm thấy trong sách Đệ nhị luật, người ta bắt đầu sắp xếp những truyền thống về Giôsuê, các thủ lãnh, Samuel và Các Vua. Những quyển mà sách Đệ nhị luật cố gắng diễn tả bằng lời nói.

Sau cùng là sấm ngôn của các ngôn sứ (Xôphônia Nakhum, Khabacúc, Giêrêmia) được viết ra thành sách (xem Gr 36). Thời đó nhiều Thánh vịnh cũng được sáng tác và suy tư của các hiền sĩ cũng vẫn tiếp tục. Đặc biệt là suy nghĩ về cái chết của vua Josias.

Bài 2

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT


Giêrusalem năm 622. Theo lệnh của vua Josias người ta dọn dẹp trong Đền thờ. Vị thượng tế tìm gặp “quyển sách luật” (2V.22) và Josias coi nó là “sách giao ước” (2V 23,2) rồi dùng nó làm nền tảng cho công cuộc cải cách ông đang tiến hành. Đấy là hoàn cảnh khám phá ra phần cơ bản của cái sẽ trở thành sách Đệ nhị luật.
Chính những phần cơ bản ấy cũng trải qua một lịch sử phức tạp và việc biên soạn nó trải dài nhiều thế kỷ. Do đó nó chính là cả một trào lưu tư tưởng mà ta phải tìm tòi bởi vì cách suy nghĩ về lịch sử Israel trong tài liệu ấy có ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều sách khác của Thánh kinh.

  1.  SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT HIỆN NAY VÀ LỊCH SỬ CỦA NÓ

Trong tình trạng hiện nay sách này là một chuỗi những diễn từ của Môsê. Trước khi chết, ông này nói với dân những khoản luật và những lời căn dặn cuối cùng về cách phải sống trong xứ mà họ sắp chiếm được.
Quyển sách hiện tại là kết quả của của một lịch sử lâu dài mà sau đây ta có thể tạm tóm lược thành những giai đoạn chính :
Trong vương quốc phía Bắc (nghĩa là trước biến cố Samaria sụp đổ năm 721), người ta ý thức rằng luật do Môsê ban trước kia không còn phù hợp với thực tế nữa vì nó được

làm ra cho một dân du mục, còn bây giờ thì đã là một dân tộc có tổ chức đàng hoàng. Có những vấn đề mới xuất hiện, chẳng hạn : cám dỗ bắt chước những cách thờ tự ngoại đạo đang thịnh hành ở Canaan, cảnh bất công do người giàu áp bức kẻ nghèo, việc gọi nhập ngũ những thanh niên vừa mới cưới vợ… Do đó cần phải điều chỉnh luật. Nói cách khác, phải “xuất bản lần thứ hai”. Chính vì thế mà dần dần có những khoản luật và những tập tục mới tạo thành hạt nhân cho quyển Đệ nhị luật.
Những Lêvi gom góp và giải thích các khoản luật và các tập tục ấy. Họ chịu nhiều ảnh hưởng của các ngôn sứ như Êlia, Amos và nhất là Hôsê. Họ thấy rõ luật mà Thiên Chúa ban cho dân không phải là một thứ khế ước bất kỳ nào đó, nhưng là một giao ước, một liên hệ tình thương, tương tự như giao ước liên kết 2 vợ chồng với nhau (Hs 1-3).
Sau khi Samaria sụp đổ năm 721, các Lêvi chạy về tị nạn ở Giêrusalem, lúc đó đương triều vua Êdêkias. Họ cũng mang theo những khoản luật ấy, rồi họ sắp xếp lại, bổ sung thêm. Họ cũng suy nghĩ về những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của vương quốc họ : đáng lý ra họ đã phải làm thế nào để trung thành với Thiên Chúa ? Do vậy mà đôi khi những khoản luật của họ chỉ thuần tuý là lý thuyết : họ muốn vạch ra một tinh thần hơn là đưa ra những quy định không còn áp dụng được nữa. Chẳng hạn như quy định cứ 7 năm một lần phải xoá nợ và phóng thích các nô lệ (Đnl 15) ; khi chiếm được một thành thì phải giết hết mọi cư dân trong đó để khỏi bị lây nhiễm tín ngưỡng của chúng (Đnl 16); hàng năm phải lên Giêrusalem dự 3 cuộc lễ lớn (Đnl 16) v.v… Cách riêng quy định sau cùng này là nhằm mục đích tạo lại sự thống nhất trong dân, các Lêvi muốn tập trung lại đức tin

vào một nơi duy nhất có Thiên Chúa hiện diện, đó là Đền thờ Giêrusalem. Như thế các Lêvi đã gạt qua một bên vấn đề của những đền thờ xưa như Sikem và núi Garizim.
Kết quả của công trình san định lại những truyền thống mà các Lêvi mang về từ miền Bắc tạo thành phần cơ bản của sách Đệ nhị luật (những đoạn dùng chữ “ngươi” của các chương 5-26). Nhưng rồi triều vua Manassê vô đạo đã để tài liệu trên rơi vào quên lãng, nó bị bỏ xó trong Đền thờ, mãi tới năm 622 nó mới được tìm thấy lại.
Vua Josias dùng nó làm nền tảng cho cuộc cải cách chính trị và tôn giáo nhằm mục đích tái tạo một dân tộc thống nhất quanh Giêrusalem. Có lẽ vào chính thời kỳ này, hoặc sau đó, người ta đã thêm vào những đoạn dùng chữ “các ngươi” cũng như những chương đầu và cuối.
Sau cùng, sau nhiều lần sắp xếp, quyển sách này sẽ được cho vào bộ sách tổng hợp vào khoảng năm 400, tức là sách Luật, gồm 5 quyển, hoặc Ngũ thư.
Vì ý thức rằng mình trung thành với tư tưởng của Môsê, hay nói cách khác, vì cho rằng những khoản luật ghi trong sách này chính là những điều khoản mà Môsê chắc hẳn sẽ ban hành nếu như ông sống trong thời của họ, nên các soạn giả sách này đã đặt những khoản luật vào miệng Môsê, coi như là những diễn tả ông trối lại trước khi chết.

VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG ĐỆ NHỊ LUẬT

  1.  
    1.  Về hình thức :
      • Cú pháp rất tình cảm. Tác giả không chỉ muốn dạy dỗ mà còn thuyết phục cho người ta vâng theo luật.
  2.  
    1.  
  • Thường hay lặp đi lặp lại. Thí dụ : Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi… Hỡi Israel, hãy nghe! Hãy nhớ ! Hãy giữ các lệnh truyền thống, các lề luật, các tập tục…
  • Thường hay xen lẫn chữ “ngươi” và chữ “các ngươi”. Đây có thể là dấu cho thấy 2 giai đoạn soạn tác. Trong quyển sách hiện nay, đó là xác nhận rằng dân là một (do đó có thể gọi dân là “ngươi”). Nhưng mỗi phần tử trong dân cũng giữ cá tính của mình (do đó gọi họ là “các ngươi”).
  •  
    1.  Một số ý lực :
  • Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất của Israel.
  • Ngài đã chọn một dân. Để đáp lại ơn được chọn ấy, dân phải yêu mến Thiên Chúa.
  • Thiên Chúa đã ban cho dân một lãnh thổ, nhưng với điều kiện là dân phải trung thành với Ngài, phải nhớ ngày hôm nay đến giao ước của Ngài.
  • Phụng vụ là ưu tiên để dân (một đám người được Thiên Chúa tập họp như ở Horeb xưa) nhớ và nghe theo Lời của Thiên Chúa.

“LẼ RA NGƯƠI PHẢI…”

Thật là dễ việc viết lại lịch sử và đưa ra phán đoán sau khi sự việc đã xảy ra : “Lẽ ra ngươi phải làm thế này… lẽ ra ngươi chỉ cần làm thế đó…” Trước những lời phán đoán như vậy người ta tự nhiên muốn cãi lại : “À giả như anh ở hoàn cảnh tôi xem sao…”. Thế nhưng nếu chính Thiên Chúa nói với ta những lời phán đoán ấy, như trong trường hợp sách Đệ nhị luật, thì sao ?

Trong tường thuật những cơn cám dỗ của Đức Giêsu, Mt và Lc cho thấy Thiên Chúa – trong Đức Giêsu – đã cư xử thế nào trong hoàn cảnh chúng ta. Thực vậy, Satan làm cho Đức Giêsu chịu lại những cơn cám dỗ của dân Do thái xưa và của chúng ta ngày nay. Và Đức Giêsu dùng những câu trong sách Đệ nhị luật để trả lời hắn : Ngài trả lời như dân Do thái lẽ ra phải trả lời và như chúng ta lẽ ra phải trả lời. Trong Ngài chính lịch sử của dân Do thái và của chúng ta rốt cuộc đạt được thành công.
Có thể yêu mến Thiên Chúa không ? Đó là câu hỏi của Đệ nhị luật. Và Tân ước trả lời : từ nay trong Đức Giêsu, mọi sự đều có thể.

  1.  MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG

Nhưng Đệ nhị luật không chỉ là một quyển sách. Người ta nói tới truyền thống Đệ nhị luật (viết tắt là D), điều đó có nghĩa là nó còn là một trào lưu tư tưởng, là một cách đọc lại lịch sử trong một hoàn cảnh cụ thể là hoàn cảnh thất bại của vương quốc phía Bắc.
Năm 587 tới phiên vương quốc phía Nam sẽ bị tàn phá. Nhiều nhà thần học khác cũng sẽ suy gẫm về sự thất bại này và cũng sẽ đọc lại lịch sử đã được viết. Khi nhúng tay san định sách Giosuê và sách Các Vua (cũng như các tác giả D đã san định sách Thủ lãnh và sách Samuel), các ký lục sẽ cố gắng cho thấy lẽ ra phải sống trung thành với Thiên Chúa như thế nào thì lịch sử Israel đã không đi theo con đường tệ hại như vậy.

  1.  VÀI BẢN VĂN ĐỆ NHỊ LUẬT

Dĩ nhiên phải đọc trọn quyển sách này mới thấy được trong đó tình thương Thiên Chúa đối với dân Ngài, mới nghe được tiếng gọi hãy đáp lời Ngài bằng cách yêu mến Ngài với trọn cả con người và suốt trọn cuộc sống hàng ngày, cũng như bằng cách yêu thương anh em mình. Nhưng trong bước đầu, bạn có thể chỉ đọc vài bản văn quan trọng sau đây :

  1.  
    1. Sự tuyển chọn (4,32-40) : Thiên Chúa tuyển chọn chủ yếu là do yêu thương. Đây không phải là một đặc ân, mà là một sứ mạng.
    2. Shema Israel… (6): đoạn đầu của chương này đã trở thành một bài kinh của mọi người Do thái, làm thành trái tim của đức tin. Shema có 2 nghĩa: “Hãy lắng nghe” và “hãy vâng lời”. Như vậy “Hỡi Israel hãy vâng nghe, Đức Chúa là duy nhất” chính là xác quyết nền tảng. Và hệ quả là: “ngươi hãy yêu mến Đức Chúa hết tấm lòng ngươi”.
    3. Cuộc sống thường ngày là một thử thách (8,1-5) : Thiên Chúa thử chúng ta để xem chúng ta có đặt trông cậy vào một mình Ngài mà thôi không. Bản văn này được lấy lại trong tường thuật các cơn cám dỗ của Đức Giêsu.
    4. Luật không phải là một số điều khoản ngoại tại, mà là lời đòi buộc phải đáp trả tình yêu bằng tình yêu (10,12t).
    5. Đền thờ là nơi duy nhất mà Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài (12,2-28) : mỗi năm 3 lần phải hành hương lên đấy (16,1-17).
    6. Ngôn sứ đích thực (18,15-22) : Thiên Chúa loan báo Vị ngôn sứ đích thực sẽ đến. Các Kitô hữu đầu tiên coi Vị đó là Đức Giêsu.
  2.  
    1. “Khốn thay kẻ bị treo trên cây gỗ” (21,22) : câu này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong suy nghĩ của Phaolô về Đức Giêsu bị đóng đinh (chẳng hạn hãy xem Gl 3,13).
    2. Ý thức xã hội (24,14-122) : ở đây và ở nhiều chỗ khác, ta thấy sự tế nhị và tình thương của Đệ nhị luật đối với những kẻ bé mọn.
    3. Lễ tạ ơn đầu mùa (26,1-11) : chúng ta sẽ đọc bản văn này sau đây.
    4. Lời của Thiên Chúa trong trái tim chúng ta (30,11-

20).

  1.  NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN : LỄ TẠ ƠN ĐẦU MÙA Đnl 26,1-11

Israel đã cư ngụ ở xứ Canaan được vài thế kỷ. Họ thờ Thiên Chúa là Đấng đã can thiệp vào lịch sử. Đó là điểm mà họ tuyên xưng trong bản văn này. Thế nhưng hiện tại họ đã sống theo nghề nông và tiểu thương, điều họ quan tâm bây giờ là đất đai và súc vật sinh sản cho nhiều. Ở đây ta gặp thấy sự xung đột giữa 2 quan niệm mà ta đã từng gặp khi nói về ngôn sứ Hôsê : nên thờ Thiên Chúa của lịch sử hay thờ các thần của thiên nhiên ? “Hàng năm vào mùa thu hoạch, người Canaan cử hành lễ kính Baals, thần sinh sản và đâm chồi nẩy lộc” (chú thích của TOB). Israel cũng tiếp thu lễ nghi này, nhưng họ gán cho nó ý nghĩa gì ?
Bản văn này được soạn theo một sơ đồ giống với các thánh lễ tạ ơn của chúng ta ngày nay : dâng lễ vật – tường thuật – thờ lạy – và hiệp lễ.
Bạn hãy đọc kỹ bản văn rồi sử dụng “hộp đồ nghề” để trả lời một số câu hỏi sau :

Có những vai nào ? họ làm gì ? họ dâng gì ? Chúa có hiện diện khắp nơi không ? những nơi nào ? những kiểu nói nào lặp đi lặp lặp lại ? chú ý cách chơi chữ với những đại từ Ta / ngươi – chúng ta.
Khúc đầu của bản văn chỉ nói tới “ngươi”, đến khúc cuối thì tác giả gom chung “ngươi – lêvi – kẻ di cư”. Ba vai này có gì chung nhau mà tác giả gom chung lại như thế ? (đối với lêvi, hãy xem TOB chú thích Lv 25,32w). Việc gom chung như thế có làm thay đổi liên hệ giữa “ngươi” với mảnh đất không ?
Hãy đặt bản văn vào bối cảnh tôn giáo thời đó : nó giúp giải quyết gì cho sự xung đột giữa Thiên Chúa của lịch sử và các thần của thiên nhiên ?
Nếu gặp trường hợp bạn bị bí gì thì hãy chú ý lối thoát sau đây : thông thường một bài tường thuật bắt đầu với một sự thiếu thốn nào đó, nhưng khi kết thúc thì thiếu thốn đó được tìm thấy. Ở đây có 3 tường thuật lồng vào nhau :

  • c.5b : sự thiếu một lãnh thổ được đong đầy, bởi vì đã thành một dân lớn. Nhưng phần tiếp theo của bản văn cảnh giác rằng điều đó đã bị hỏng. Vì thế đối tượng phải xác định rõ hơn : một lãnh thổ tự do. Tại sao nó bị hỏng ? Câu này là câu duy nhất trong bản văn mà Thiên Chúa vắng mặt ! Phải chăng nó ngụ ý rằng một cuộc tìm kiếm mà không có Thiên Chúa thì không đưa lại kết quả chắc chắn ?
  • c.6-9 : đối lại với người Ai cập đã ban ách nô lệ cho người Do thái, Thiên Chúa ban cho họ một lãnh thổ tự do (hãy chú ý sự xuất hiện của chữ “chúng ta” trong một hoàn cảnh khó khăn), nhưng ở đây hình như Thiên Chúa phục vụ cho nhu cầu của dân cũng như các thần thiên nhiên.
  • c.10-11 là lặp lại câu 1-4 : vì đây là thuật lại lịch sử của mình cho nên những sản phẩm của đất đai thay đổi ý nghĩa. Ban đầu thì chúng có nghĩa là “những hoa trái mà Ta ban cho ngươi” khúc sau thì chúng trở thành “những hoa trái mà Ngài ban cho con để con làm nẩy sinh“. Ở đây Thiên Chúa được nhìn nhận là Đức Chúa.

Liên quan với lãnh thổ cũng thay đổi. Người Lêvi và người di cư được hưởng lãnh thổ không thuộc về họ. “Ngươi” cũng thế ! Tất cả của cải ta hưởng không thuộc về ta, chúng được dùng để phục vụ cho hạnh phúc của ta và của tất cả mọi người.

NHỮNG NGÔN SỨ ĐI ĐẦU

Những quyển sách mà chúng ta gọi là “sách lịch sử”: Giosuê, Thủ lãnh, Samuel, Các Vua thì người Do thái gọi là “các ngôn sứ đi đầu” họ coi đó là những sách ngôn sứ, nghĩa là cùng loại với Isaia, Giêrêmia và các ngôn sứ khác, mà họ gọi là “những ngôn sứ đi sau”.
Thực ra đây không phải chỉ là thay đổi nhãn hiệu. Ngày nay khi một tác giả xuất bản một tác phẩm và xếp nó vào loại lịch sử hoặc triết học thì chính cách xếp loại ấy cho ta biết tác giả muốn ta đọc nó cách nào.
Như thế những quyển “ngôn sứ đi đầu” không phải là sách lịch sử. Chúng không nhằm dựng lại chính xác những biến cố đã xảy ra. Khi khoa khảo cổ chứng minh rằng thành Giêricô trên thực tế đã tan hoang trước khi Giôsuê chiếm, thì điều này cũng chẳng có gì quan trọng. Tác giả không có ý định tường thuật chính xác trận chiếm thành mà chỉ muốn giải nghĩa sự kiện đã xảy ra.

Chúng là những sách ngôn sứ, nghĩa là tác giả đã suy gẫm các truyền thống về những sự việc ấy để tìm hiểu xem những việc ấy mang sứ điệp nào của Thiên Chúa. Tác giả ít quan tâm nói về những sự việc cho bằng quan tâm khám phá xem những sự việc ấy muốn nói gì với chúng ta. Rồi trải qua nhiều thế hệ chúng lại có thể được đọc lại, được suy gẫm, được thuật lại cách khác nữa và do đó lại mang thêm những sứ điệp khác nữa của Thiên Chúa đối với những hoàn cảnh lịch sử mới.
Khi đọc sách Đệ nhị luật, chúng ta khám phá được cả một trào lưu tư tưởng. Việc soạn tác sau cùng những sách “ngôn sứ đi đầu” có lẽ được thực hiện bởi những ký lục chịu ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng này. Họ có trong tay những bài tường thuật viết sẵn. Họ viết lại, tổng hợp lại để rút ra một bài học. Sau thảm hoạ năm 587 bài tường thuật các tội lỗi của Israel và của các vua trở thành một lời kêu gọi hoán cải. Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa ban lãnh thổ, nhưng với điều kiện dân phải trung thành với Ngài. Thiên Chúa vẫn hiện diện với dân cũng như vẫn hiện diện trong Đền thờ, nhưng với điều kiện dân phải đến với Ngài, quay về với Ngài. Trong khi suy gẫm về quá khứ như vậy, các tác giả cố tìm một ánh sáng cho hiện tại và cho tương lai.

Bài 3

TRUYỀN THỐNG JÉHOVISTE (J-E)


Đây là tên gọi của công trình tổng hợp hai truyền thống J và E. Thực ra đây không chỉ là một tổng hợp văn chương, mà còn cho thấy một quyết định đức tin, một suy tư sâu sắc về tình hình mới do việc sụp đổ của vương quốc phía Bắc tạo ra.
Khi đó là ở Giêrusalem, triều vua Êdêkias được ngôn sứ Isaia ủng hộ. Êdêkias là con cháu của Đavít và Salômon, là những vị được Thiên Chúa hứa ban cho một lãnh thổ, một dân tộc và một triều đại. Nhưng từ 2 thế kỷ trước, vương quốc thống nhất ấy đã tan vỡ thành 2 vương quốc phía Bắc hoặc Israel, và vương quốc phía Nam hoặc Giuđa. Cả 2 đều biết mình là dân được Thiên Chúa kết giao ước ở Sinai, là kẻ thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với Abraham.
Thế rồi năm 721 vương quốc phía Bắc bị Assyria tiêu diệt. Biến cố này khiến dân xét lại đức tin của mình về 2 điểm chính là lãnh thổ và dân tộc. Lãnh thổ xưa kia được ban cho Đavít thì nay bị quân thù lấn chiếm dần cho đến tận cổng thành Giêrusalem. Còn dân tộc thì phải chăng từ nay chỉ thu lại trong hai bộ là Giuđa và Benjamin tạo thành vương quốc phía Nam ?
Trong số những người phương Bắc sống sót, nhiều tín hữu chạy về Giêrusalem mang theo các truyền thống của họ. Vua Êdêkias muốn gây nên một cuộc canh tân về quốc gia và tôn giáo, và dưới triều ông đã phát sinh một sức sống thần

học và văn chương phong phú. Truyền thống Jéhoviste sẽ là một thể hiện đẹp của sức sống này.
Việc hoà hợp J-E thành truyền thống JE là câu trả lời của đức tin cho vấn đề băn khoăn được đặt ra về lãnh thổ và dân tộc. Trên căn bản người ta vẫn còn hi vọng (và sẽ mãi hi vọng) rằng dân tộc là gồm cả Giuđa và Israel, để chứng minh điều đó người ta đã kết hợp 2 truyền thống phát sinh riêng rẽ thành một truyền thống chung. Công việc quả tế nhị vì 2 truyền thống ấy thường có cùng những tường thuật nhưng được viết theo những nhãn quan khác nhau. Việc hoà hợp phải cố gắng tôn trọng cả 2 mà vẫn giữ được tính mạch lạc cho tường thuật mới. Đặc biệt phải tôn trọng niềm hi vọng của J vốn tập chú vào triều đại Đavít, đồng thời phải đưa vào đấy những đòi hỏi về luân lý và thiêng liêng của E. Như vậy đây là công trình chung của các chi tộc phương Bắc và phương Nam, biểu lộ niềm tin của họ vào Thiên Chúa của Israel và niềm hi vọng của họ vào tương lai. Sau đây chúng ta đọc lướt qua 2 bản văn :

  1.  
    1.  Giao ước với Abraham St 15 :

Đây có lẽ là đoạn mở đầu của truyền thống E nhưng đã pha lẫn rất nhiều với một bài tường thuật J đến nỗi các chuyên viên thấy không cần phân biệt câu nào là của truyền thống nào, họ chỉ chú ý chỉ ra ý tưởng nào là của truyền thống nào mà thôi.
Chẳng hạn lời hứa ban cho một hậu duệ và một lãnh thổ là thuộc J, còn giao ước là thuộc E.
Bản văn cho thấy đức tin trọn vẹn của Abraham. Lễ nghi kết giao ước rất quan trọng (xem các chú thích của TOB và BJ). Thông thường thì 2 bên kết ước cùng đi qua những

con vật đã được cắt đôi, ngụ ý nếu bên nào vi phạm giao ước thì cũng sẽ bị chẻ đôi như những con vật ấy. Thế nhưng ở đây chỉ có một mình Thiên Chúa đi qua, chỉ mình Ngài cam kết. Điều này thật hệ trọng đối với Israel ngày xưa và với chúng ta ngày nay : ban đầu là một sự cam kết vô điều kiện từ phía Thiên Chúa và Thiên Chúa tự nguyện trung thành với cam kết ấy. Trong những giai đoạn đau đớn khi Israel tự ý thức mình đã bất trung cho nên đáng bị trừng phạt, thì họ quay về với giao ước ấy và thâm tâm tự nhủ : Thiên Chúa đã hứa không điều kiện và Ngài vẫn trung thành.

  1.  
    1.  Luật giao ước : Xh 20,22-23,19 :

Bản văn này rất cổ xưa, được sinh ra có lẽ vào thời các thủ lãnh, là thời chưa có vua và cũng chưa có tư tế. Kinh tế dựa vào chăn nuôi và đôi chút trồng trọt. Bản văn này được lưu giữ trong vương quốc phía Bắc, sách Đệ nhị luật cũng lấy ý từ đó. Bộ luật giao ước này quan tâm tới mọi lĩnh vực cụ thể của sinh hoạt thường ngày, dạy chúng ta phải luôn sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa.
Khi hoà hợp lại để thành truyền thống Jéhoviste, bộ luật này được đưa vào tường thuật về cuộc Xuất hành.

Bài 4

NHỮNG NGÔN SỨ CỦA GIUĐA THẾ KỶ VI


Không biết Isaia im tiếng lúc nào. Theo một truyền thuyết Do thái, ông đã tử đạo dưới triều vua Manassê. Nhưng một thế hệ ngôn sứ khác đã đứng lên nối tiếp ông.

  1.  NAKHUM

Đoạn văn tuyệt vời của ông là đoạn mô tả cuộc chiến của những chiến xa tràn ngập thủ đô Ninivê. Thực ra đây chỉ là một lời tiên tri, vì ông rao giảng vào năm 660, mà biến cố Ninivê thất thủ xảy ra vào năm 612. Cho nên đây đúng là một lời tuyên xưng đức tin vào quyền năng của Thiên Chúa, được thốt lên vào chính thời điểm Assyria đang vào thời cực thịnh.

  1.  XÔPHÔNIA

Khi Xôphônia lên tiếng thì triều của ông vua vô đạo Manassê vừa kết thúc, vua trẻ Josias lên ngôi năm 640 chưa bắt đầu cuộc cải cách tôn giáo.
Phần I (1,1-3,8) là một nhận định bi thảm. Có một chữ Híp-ri được lặp đi lặp lại, mà chữ này có thể dịch 2 cách : “đến gần” và “ở giữa“. Xôphônia cố sức tìm “ở giữa” dân nhưng chẳng gặp được ai là người công chính cả. Giêrusalem đã không “đến gần” Thiên Chúa của nó (3,2) vì thế ngày thịnh nộ lớn lao của Thiên Chúa “đến gần” (Dies irae dies illa 1,14t).

Bởi vì những kẻ mạnh thế như vua, ngôn sứ và tư tế đều không còn, nên Xôphônia quay về những người nghèo trong tâm hồn, tức là những người không cậy vào sức mạnh riêng nhưng đặt trông cậy vào Thiên Chúa (2,3). Như vậy Xôphônia là người khai sáng một chủ đề (chủ đề sự nghèo khó trong tinh thần) sẽ được khai triển rộng rãi trong Tân ước.
Xôphônia đề cao tình thương của Chúa, Thiên Chúa thấy trước sẽ có một ngày Ngài rốt cuộc có thể ở giữa lòng con gái Sion, ở giữa dân Ngài và mọi dân đã được thanh luyện bởi tình thương của Ngài. Chỉ cần nghĩ tới điều đó thôi, Ngài đã cảm thấy lòng mình rộn rã niềm vui (3,9-20).

  1.  KHABACUC

Khabacuc rao giảng khoảng năm 600 là lúc quân Babylone bắt đầu xâm lược Palestina. Theo ông chúng là dụng cụ Thiên Chúa dùng để trừng phạt quân Assyria vì tội đã áp bức Israel. Nhưng việc này cũng đặt cho ông một câu hỏi : Những dụng cụ xấu xa như vậy Chúa có thể dùng chúng cách nào ? Tại sao những kẻ gian ác cứ mãi thành công ? Khabacuc đặt vấn đề sự dữ trên bình diện các nước. Và Thiên Chúa đã trả lời ông trong một câu mà sau này Phaolô sẽ dùng để tóm lược sứ điệp của mình : “người công chính sống bởi đức tin” (2,4).
Lời cầu nguyện ở Kb 3 biểu lộ đức tin và niềm vui của ông đồi với Thiên Chúa cho dù đang sống giữa những thử thách bi thảm nhất.

CON GÁI SION

Tất cả mọi nền văn hoá đều thích lấy hình ảnh người nữ để làm biểu tượng cho dân tộc.
Hôsê đã so sánh dân Do thái với một người vợ bất trung nhưng được Thiên Chúa dùng tình yêu để hoán cải.
Mikha là người đầu tiên dùng thuật ngữ “con gái Sion” để ám chỉ khu vực phía Bắc của thành Giêrusalem, tức là đỉnh đồi Sion, nơi tập trung những người chạy thoát từ cơn thảm hoạ Samaria năm 721. Như thế, thuật ngữ này có nghĩa là phần nhỏ dư tồn đã được đau khổ thanh luyện.
Xôphônia thấy trước rằng phần dư tồn ấy trong tương lai sẽ được luyện sạch đến nỗi Thiên Chúa có thể đến ở trong lòng đó. Và tất cả các dân đã được thanh luyện cũng được Thiên Chúa đến ở như vậy (Xp 3,9). Như thế hình ảnh này cũng liên hệ tới mỗi người chúng ta vì chúng ta là thành phần của Dân Chúa trong thời cuối cùng.
Phần Giêrêmia thì nhấn mạnh hơn tới mầu nhiệm đau khổ cần được thanh luyện (4,11 ; 6,23). Nhưng một khi đã được thanh luyện rồi thì “người vợ” ấy sẽ tìm kiếm Thiên Chúa là “chồng” mình (Gr 31,22).
Các môn đệ của Isaia rao giảng vào khoảng cuối thời lưu đày, cho thấy trinh nữ Sion ấy, hiền thê của Đức Chúa, sinh ra rất nhiều con cái (Is 1,60-62) “Vui lên nào hỡi con gái Sion…” nàng sẽ sinh ra chính dân tộc mới (Is 66,6-10).
Các Kitô hữu đầu tiên sẽ lấy lại chủ đề này để trình bày mầu nhiệm Giáo hội. Giáo hội chính là Hiền thê, do những đau đớn trên đồi Sọ và suốt lịch sử của mình, phải hạ sinh Đức Kitô (Ga 16,21-22; Kh 12). Và đối với Luca, Đức Maria là hình ảnh của Giáo hội dư tràn ân sủng vào thời tận thế, Đức Maria là đấng cưu mang Chúa trong lòng (Lc 1,28-31).

  1.  GIÊRÊMIA

“Nếu không có nhân vật lạ thường này thì lịch sử tôn giáo của loài người đã đi một con đường khác… đã không có Kitô giáo” (Renan).
Giêrêmia đã sống thảm kịch ập xuống trên dân vào năm 597 và 587. Hơn nữa, ông còn thấy trước là nó sẽ xảy ra, đã chuẩn bị lòng dân đón nhận nó, thế nhưng dân đã bắt bớ ông.
Giêrêmia bắt đầu rao giảng vào thời vua Josias. Khi đó sứ điệp của ông chẳng có gì khác với các ngôn sứ tiền nhiệm. Ông muốn làm cho dân ý thức rằng họ đã lầm đường, rằng cách sống của họ sẽ đưa tới thảm hoạ. Trong 6 chương đầu tóm lược sứ điệp này, có 2 chìa khoá lặp đi lặp lại : dân đã bỏ Thiên Chúa, họ phải trở về với Ngài, phải hoán cải.
Lạ thay khi Josias tiến hành cuộc cải cách tôn giáo mà Giêrêmia rất tán thành thì ông lại im tiếng.
Năm 605, vua Babylone là Nabuchodonosor đánh bại quân Aicập tại Karkémish. Và năm 603 ông này tiến quân tới tận Giêrusalem buộc Giêrusalem đầu hàng. Giêrêmia đã hiểu rằng kẻ thù sẽ đến từ phương Bắc, từ Babylone. Ông thấy trước thảm hoạ ấy và đã chuẩn bị dân đón nhận. Khi một điều đau đớn xảy ra cho ta (bệnh tật, tai nạn…) mà ta không thể làm gì để thoát, thì ta chỉ còn biết tìm hiểu ý nghĩa của nó. Tức là ta hiểu được ý nghĩa sau khi sự việc đã xảy ra. Đó là điều các ngôn sứ như Êdêkien và các môn đệ của Isaia đã làm sau khi họ bị lưu đày sang Babylone. Công của Giêrêmia là đã chỉ ra được ý nghĩa trước khi sự việc xảy ra. Dĩ nhiên là người ta không nghe ông bởi vì họ thích nghe những ngôn sứ nói tới những lời thuận tai với họ hơn. Nhưng khi sự việc xảy ra đúng như Giêrêmia đã tiên báo thì người

ta mới nhớ lại sứ điệp của ông. Nhờ ông mà dân mới có thể sống và hiểu được biến cố đau thương ấy : dù bị lưu đày họ vẫn còn tin và hi vọng, vẫn thấy đời mình có ý nghĩa.

  • Tôn giáo đích thực : dân thi hành tốt những việc tôn giáo như tôn kính Khám giao ước, đến Đền thờ, dâng lễ vật, giữ ngày Sabbat, cắt bì cho con cái v.v… Nhưng họ chỉ làm bề ngoài chứ không có tâm tình bên trong. Họ còn nghĩ rằng vì họ đã chu toàn những lễ nghi bề ngoài ấy nên Thiên Chúa phải bảo vệ họ và thành Giêrusalem của họ (vì đó là nơi Thiên Chúa ngự), họ tưởng giữ các lễ nghi ấy thì cũng đủ bảo đảm rồi, khỏi lo yêu thương nữa. Giêrêmia nói cho họ hay rằng Thiên Chúa sắp tiêu huỷ tất cả những thứ bảo đảm giả dối : Khám giao ước (3,16), Đền thờ (7,1-5; 26), thành Giêrusalem (19), bởi vì điều Thiên Chúa đòi không phải là cắt bì ngoài da mà là cắt bì trong trái tim (4,4; 9,24-25). Những lời công kích táo bạo ấy bị coi là phạm thượng khiến Giêrêmia bị mưu sát, ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Như thế Giêrêmia là hình ảnh tiên báo những lời công kích của Đức Giêsu đối với những lễ nghi bề ngoài rỗng tuếch của chúng ta.
  • Giao ước mới : chương 31 là đỉnh cao của sứ điệp Giêrêmia. Trong cảnh bất hạnh ông rao giảng niềm hi vọng: Thiên Chúa sẽ tha thứ và làm mới lại.

Niềm hi vọng này dựa vào đâu ? Hãy đọc 31,20.
Trách nhiệm cá nhân (c.29-30) : Êdêkien sẽ triển khai thêm khía cạnh này (Ed 18).
Những nét nào khiến cho giao ước thành mới (21,31- 34) ? Luca (22,20) và Phaolô (1Cr 11,25) sẽ thấy giao ước mới được thực hiện bằng Máu của bữa tiệc ly.

  • Những hành vi ngôn sứ : cũng như mọi ngôn sứ khác và còn hơn họ, Giêrêmia rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động. Ông làm nhiều hành vi có tính cách biểu tượng. Những hành vi ấy không những loan báo mà còn có khả năng thực hiện : bởi lẽ ngôn sứ là kẻ mang Lời của Thiên Chúa, mà Lời của Thiên Chúa là lời hữu hiệu. Một cách nào đó, Lời làm cho điều được loan báo có thể hiện hữu trước. Theo nghĩa này, hành vi của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là một hành vi ngôn sứ (xem BJ chú thích Gr 19,1b; TOB chú thích Gr 18,1c).
  • Nhật ký tâm hồn của Giêrêmia : Giêrêmia và Phaolô là những nhân vật trong Thánh kinh được chúng ta hiểu rõ nhất. Thực vậy Giêrêmia thổ lộ tâm tư, cảm nghĩ, đức tin và hoài nghi của ông trong nhiều đoạn văn rất chân thành, khiến người ta đôi khi gọi chúng là “những lời tự thú” (bạn có thể xem liệt kê trong TOB 11,18; BJ 15,10d). Ít ra bạn hãy chịu khó đọc 12,1-5 và 20,7-18 : những “lời cầu nguyện” ấy có thể giúp chúng ta thế nào để hiểu Thiên Chúa ? hiểu chính chúng ta ? hiểu liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa ?
  • Ơn gọi (1,4-19) : có một dấu hiệu giúp ta hiểu rõ sứ điệp của một ngôn sứ. Đó là cách ông nói về việc mình được Thiên Chúa gọi. Đối với trường hợp Giêrêmia thì chẳng có gì lạ thường, mọi sự hình như diễn ra trong bầu khí thân mật cầu nguyện. Dựa trên bản văn này bạn hãy cố tìm xem Thiên Chúa giao cho Giêrêmia sứ mạng gì cùng một vài nét cá tính của ông. Chỗ dựa an toàn của ông là đâu ? Hai “thị kiến” (c.11t và 13t) cho chúng ta biết ngôn sứ “thấy” biến cố như thế nào. Điều này có thể giúp gì cho chúng ta trong việc khám phá Lời Chúa trong cuộc sống và trong những diễn biến của thế giới ?

“THIÊN CHÚA SẮP TRỪNG PHẠT CÁC NGƯƠI…”

Sứ điệp của các ngôn sứ có thể khiến chúng ta bị chạm vì nó thường cho thấy Thiên Chúa đe doạ trừng phạt dân Ngài vì họ phạm tội. Vậy phải chăng thiên tai, chiến tranh, bất công v.v… đều là những hình phạt của Thiên Chúa ? Quả thực một hình ảnh Thiên Chúa báo thù đối với chúng ta là không thể chịu nổi.
Hãy lấy một thí dụ so sánh. Một thanh niên thích phóng môtô thật nhanh. Một hôm anh bị tai nạn, nằm nhà thương điều trị nhiều tháng. Rồi một hôm cô y tá chăm sóc anh tận tình hơn cả mức đòi hỏi của nghề nghiệp. Rồi họ cưới nhau. Anh thanh niên nói với cô y tá : “Thực tình mà nói, cũng nhờ anh gặp tai nạn mà anh mới biết em“. Trước đó linh mục tuyên úy bệnh viện cũng nói với anh: “Tai nạn này là một dịp may cho anh…” Hai câu nói trong cùng một hoàn cảnh, thế nhưng câu sau thật khó nghe, còn câu trước nghe rất dễ chịu. Tại sao ? Vì câu trước được thốt ra từ chính tâm tư của đương sự và sau khi sự việc đã xảy ra, nó diễn tả ý nghĩa của tai nạn mà chính đương sự tự khám phá được, nó không bị áp đặt từ bên ngoài. Vả lại tai nạn dù sao cũng vẫn là một điều xấu, điều mà đương sự cho là may mắn chính là hiệu quả tốt phát sinh từ việc xấu kia.
Ta hãy áp dụng thí dụ trên vào các bản văn ngôn sứ. Giả sử thanh niên kia trước khi gặp nạn đã sống một đời ích kỷ và phóng túng. Những đau đớn và thời gian điều trị lâu dài đã giúp anh suy nghĩ về sự trống rỗng của nếp sống trước đây. Khi ra khỏi bệnh viện anh đã thành một con người khác, quyết tâm thay đổi nếp sống để phục vụ tha nhân nhiều hơn. Có lẽ anh sẽ nói với Chúa rằng : “Chúa thật tốt và khôn

ngoan khi để con gặp tai nạn, vì nhờ đó con đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời“. Lời cầu nguyện này chúng ta thấy thật dễ nghe, chứ không chướng tai như lời của linh mục tuyên úy : “Thấy chưa! Chúa đã phạt anh !”.
Lời của các ngôn sứ là lời của anh thanh niên chứ không phải lời của linh mục tuyên úy. Êdêkien đã bị lưu đày cùng với dân ; Giêrêmia thì bị bắt bớ và trong bản thân ông đã chịu trước những đau khổ của dân. Các vị ấy suy nghĩ về những sự việc xảy ra. Tuy chúng tự thân là xấu, thế nhưng sau khi chúng xảy ra rồi và sau đó (hoặc “trước đó” đối với trường hợp Giêrêmia) họ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng, nhờ đó tự thâm tâm họ thấy được hiệu quả tốt của chúng : chúng có tác dụng khiến dân biết mình đã sống xấu nên nay cần phải thay đổi nếp sống. Tóm lại : những sự việc ấy đối với các ngôn sứ ít là hình phạt của Chúa cho bằng là dịp chúng ta khám phá tình yêu của Thiên Chúa mời gọi ta đổi mới cuộc sống.

CHƯƠNG V


THỜI LƯU ĐÀY Ở BABYLONE 587-538
Bài 1

LỊCH SỬ


Tháng 7-587 sau một năm bao vây, quân đội Babylone dưới quyền chỉ huy của vua Nabuchodonosor chiếm được thành Giêrusalem. Đó là ngày tàn của vương quốc Giuđa.

  1.  MƯỜI NĂM ĐIÊN LOẠN : 597-587

Năm 597 Nabuchodonosor đã một lần chiếm được Giêrusalem. Nhưng lần đó ông chỉ đòi một số tiền cống nạp lớn, đem đi đày một phần dân cư (trong đó có Êdêkien), đặt lên ngôi một ông vua theo ý ông rồi rút quân đi.
Biến cố ấy có thành một bài học cho dân không ? Người ta đã có thể hi vọng như thế. Nhưng dân lại nghe theo những lời đường mật của các ngôn sứ giả cho rằng đó chẳng qua chỉ là một giai đoạn khó khăn tạm thời. Nghĩ vậy nên họ vẫn tiếp tục sống vô tư, lại còn liên minh với Aicập chống lại Babylone. Thật là 10 năm điên loạn !
Trong thời gian đó, ở Giêrusalem ngôn sứ Giêrêmia cố gắng khuyên dân hãy tùng phục Babylone. Theo ông, điều chủ yếu không phải là đất nước được tự do hay chịu thần phục về chính trị, mà là dân phải sống công chính, phải tự do về mặt thiêng liêng để thờ phượng Chúa và thi hành đức

công chính. Nhưng than ôi, dân đã buộc tội ông là phản quốc và quẳng ông xuống một cái giếng sâu đầy bùn. Tiếng nói của ông bị bóp nghẹt…
Cùng thời đó bên Babylone, Êdêkien cũng giảng một sứ điệp tương tự cho số đồng bào cùng bị lưu đày với ông và cũng vô ích. Họ lén lút may cờ sẵn để chờ đồng bào từ cố hương sang giải phóng cho họ… Tới năm 587, họ đã gặp đồng bào sang, nhưng không phải trong tư cách của những giải phóng quân, mà trong tư thế tả tơi, xích xiềng, mệt lả sau 1.500 km đường xa, theo sau là một ông vua đã bị chọc mù hai mắt với hình ảnh cuối cùng còn sót lại là thấy thần dân của mình bị thảm sát tơi bời…

  1.  PHÉP LẠ CỦA CUỘC LƯU ĐÀY

Dân đã mất hết những gì là lẽ sống của họ :

  •  
  • Lãnh thổ, dấu chỉ cụ thể của phúc lành Thiên Chúa ban cho dân Ngài.
  • Vua, người được Thiên Chúa đặt làm trung gian chuyển thông phúc lành, người bảo đảm mối thống nhất của toàn dân, người đại diện dân trước Thiên Chúa.
  • Đền thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân.

Và trong một giới hạn nào đó, Israel còn mất luôn Thiên Chúa của họ, vì vào thời đó người ta nghĩ rằng mỗi nước có một vị thần hộ mạng. Thế mà Thiên Chúa của Israel đã thua thần Mardouk của Babylone. Ai lại đi thờ một vị thần bại trận !
Phép lạ của cuộc lưu đày chính là thảm hoạ ấy đã không huỷ diệt đức tin của dân Israel mà còn làm cho đức tin ấy

đứng dậy và thanh luyện nó. Phép lạ này do công của các ngôn sứ (như Êdêkien, và một môn đệ của Isaia, quen được gọi là Đệ nhị Isaia) và các Tư tế : các vị ấy giúp dân đọc lại những truyền thống của mình để khám phá ra nền tảng xây dựng nền hi vọng. Họ đã sáng tạo một cách sống đức tin mới mẻ có tính cách thiêng liêng hơn. Không còn Đền thờ và các lễ vật ư ? Chẳng sao. Vẫn có thể tập họp vào ngày Sabbat để thờ phụng Chúa và suy gẫm Lời Ngài. Không còn vua ư ? Nhưng vua thật và duy nhất của Israel chính là Thiên Chúa kia mà ! Không còn lãnh thổ ư ? Cũng chẳng hề gì, việc cắt bì sẽ thay vào đó để lập nên một vương quốc thiêng liêng… Như thế, trong cảnh lưu đày sẽ xuất hiện cái mà người ta gọi là Do thái giáo (Judaisme) tức là một lối sống tôn giáo Do thái sẽ còn tiếp tục mãi tới thời Đức Giêsu và cả thời chúng ta ngày nay.

  1.  BÊN BỜ SÔNG BABYLONE …

Hoàn cảnh của những người Do thái bị lưu đày như thế nào ? Thật không dễ trả lời. Dân đã bị một cú sốc khủng khiếp về tâm lý và luân lý, nỗi đau ấy còn hằng trên da thịt. Vào thời đó chiến tranh và bắt đi lưu đày có nghĩa là có những phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ con bị đập đầu vào đá, các chiến binh bị lột da, móc mắt, chặt đầu… Ta có thể đọc được trong Thánh vịnh 137 âm vang của nỗi thống khổ ấy. Nhưng đàng khác ta chớ tưởng cuộc sống bên Babylone giống như một trại tập trung. Bên Babylone, người Do thái vẫn được hưởng một sự tự do tương đối (dĩ nhiên là không miễn trừ nô dịch) ; Êdêkien được tự do đi thăm viếng đồng bào đang lo trồng trọt. Vào cuối thời lưu đày, một số trong họ không muốn hồi hương, thà ở lại, số người này tạo thành một cộng đoàn quan trọng và khá sung túc. Các tư liệu còn lại của

“Ngân hàng Murashu” ở Nippour (phía Nam thành Babylone) cho biết một thế kỷ sau lưu đày một số người Do thái đã có được những ngân khoản kếch sù.
Người Do thái còn ngỡ ngàng trước thành Babylone và những truyền thống văn hoá của nó. Babylone là một thành phố lớn, vuông vức, diện tích 13 km2, có giòng sông Euphrat chảy ngang. Cổng Ishtar làm bằng những viên đá nhiều màu, rực rỡ, nhiều ngôi đền lộng lẫy bao quanh ngôi tháp nhiều tầng (gọi là ziggourat) : đấy chính là tháp Babylone hoặc tháp Babel. Hàng năm vào dịp lễ Năm mới người ta hát những bài đại thi (như Emouma Elish, Anh hùng ca Gilgamesh v.v…) kể chuyện thần Mardouk sáng tạo thế giới ra sao và thần Êa đã cứu loài người thoát nạn hồng thuỷ thế nào… người Do thái biết được tư tưởng của các bậc hiền sĩ và thân phận con người… Tóm lại, họ được dịp tiếp xúc trực tiếp với một hệ tư tưởng vốn đã được phổ biến rộng khắp miền Trung Đông, và điều này đã góp phần không nhỏ vào suy tư của họ.

  1.  ĐẤNG MESSIA MANG TÊN CYRUS

Ngày 29-10-539 “chẳng tốn một viên đạn” (có lẽ nhờ sự đồng loã của những người Babylone đã quá chán ghét vua họ khi đó là Nabonide), tướng Cyrus chiếm được thành Babylone.
Cyrus là một tiểu vương xứ Ba Tư, một tỉnh của đế quốc dân Mèdes trải rộng từ phía Đông tới phía Bắc của Babylone. Từ năm 550, ông đã nắm quyền tại Médie, ông tiến quân tới tận Tiểu Á vơ vét hết những kho báu huyền hoặc của vua Crésus rồi quay hướng về Babylone. Dân Do thái lưu đày và Đệ nhị Isaia đã say mê theo dõi những bước

tiến lên vùn vụt của Cyrus : phải chăng ông chính là người được Thiên Chúa chọn, người được Thiên Chúa xức dầu (tiếng Híp-ri gọi là Messia) để giải phóng họ ?
Năm 538 từ thành Ecbatane thủ đô mùa hè của ông, Cyrus ký một sắc lệnh cho phép dân Do thái hồi hương. Ông còn ban cho họ một số tiền lớn gọi là “thiệt hại do chiến tranh” để giúp họ tái thiết quê hương. Do lòng tốt hay do ý đồ chính trị ? Thực ra làm vậy thì Cyrus cũng có lợi vì nước Do thái là tiền đồn cho đế quốc ông đối diện với Aicập, ông cư xử tốt với Do thái thì Do thái sẽ hết lòng với ông. Dù sao thì đối với dân Do thái, đấy cũng là chấm dứt một cơn ác mộng. Một số lớn dân chúng trở về “lãnh thổ” của họ.

SINH HOẠT VĂN CHƯƠNG

Những người Do thái đã mất tất cả, chỉ còn giữ lại những truyền thống. Do đó họ đọc lại chúng cách say mê.
Các ngôn sứ Êdêkien và Đệ nhị Isaia rao giảng trong thời lưu đày : một ông vào thời đầu, một ông vào thời cuối.
Các tư tế thu thập những sưu tập luật đã được viết ở Giêrusalem trước khi vương quốc sụp đổ : Luật về sự thánh (Lv 17-26). Sau thời lưu đày bộ luật này sẽ được bổ sung và trở thành sách Lêvi.
Trên hết, nhằm nâng đỡ đức tin và niềm hi vọng của dân, các tư tế một lần nữa đưa họ về về với nguồn gốc của mình. Công trình đọc lại lịch sử ấy được gọi là truyền thống tư tế (viết tắt là P từ chữ Prêtres nghĩa là “tư tế”). Đây là nguồn tài liệu thứ tư của Bộ Ngũ thư. Như thế là tất cả các yếu tố của Bộ Ngũ thư đã có đủ, chỉ cần tập họp lại thành một tác phẩm duy nhất, việc này sẽ được thực hiện khoảng năm 400.

Thảm hoạ mất nước, thống khổ lưu đày và cả dịp được tiếp xúc với tư tưởng Babylone và Ba Tư… Những yếu tố ấy giúp các hiền sĩ Israel đào sâu suy tư về thân phận con người. Suy tư ấy trong những thế kỷ sau lưu đày sẽ đưa đến những tác phẩm như sách Gióp.
Ta cũng dễ hiểu rằng lời cầu nguyện của các tín hữu sẽ có một cung giọng mới. Các Thánh vịnh (chẳng hạn TV 137 hay 44 ; 80 ; 89) được sinh ra như một lời cầu nguyện lên Thiên Chúa trung thành.
Còn ở tại Giêrusalem, một vài người Do thái may mắn không bị lưu đày đã cất tiếng bày tỏ nỗi niềm trong những khúc Ai ca (mà nhiều người lầm tưởng là Giêrêmia).

Bài 2

CÁC NGÔN SỨ THỜI LƯU ĐÀY


Êdêkien thuộc nhóm bị lưu đày lần thứ nhất năm 597. Trong 10 năm, ở Babylone, ông giảng cùng một sứ điệp với Giêrêmia còn ở lại Giêrusalem : ông trách dân Chúa (Ed 3- 24) và các nước (25-32) về cách sống xấu xa của họ.
Từ năm 587, khi thảm hoạ ập đến và dân đã mất hết hi vọng, lời giảng của ông đổi thành sứ điệp hi vọng : Thiên Chúa sẽ tái lập dân Ngài (33-39). Ông tin chắc điều đó đến nỗi ông mô tả trước thành Giêrusalem trong tương lai, được Thiên Chúa đổi mới hoàn toàn (40-48).

  1.  Một con người kỳ cục :

Êdêkien không thể làm gì giống mọi người được ! Cũng như những vị tiền nhiệm, ông có những thị kiến, nhưng những thị kiến của ông khiến người ta kinh ngạc : chẳng hạn xin thử đọc tường thuật về ơn gọi của ông (ch.1). Ông cũng làm những hành vi ngôn sứ nhưng đôi khi chúng rất kỳ quặc : hãy đọc ch.4-5. Ông có những ngụ ngôn nhưng trong đó một số khiến người ta phải đỏ mặt : chớ nên đọc chương 16 hoặc 23 !
Thế nhưng dù kỳ cục như vậy ông vẫn chiếm được cảm tình, và khi muốn thì ông cũng tỏ ra là một thi sĩ đại tài : chẳng hạn những lời ông chống vua thành Tyr (ch.28). So sánh nó với St 2-3 (nhờ các chú thích của TOB s và BJ Êdêkiên) : bạn sẽ thấy 2 bản văn khai thác cùng những đề tài huyền thoại nhưng với cách thức khác nhau.

  •  Cha đẻ của Do thái giáo :

Sứ điệp của Êdêkien sẽ được dùng làm nền tảng cho cái được gọi là “Do thái giáo”, tức là một cách đặc biệt của người Do thái sống cuộc đời họ trước mặt Thiên Chúa và người khác, cách sống này đã được thành hình sau thời lưu đày.
Êdêkien có một ý thức rất mãnh liệt về sự thánh thiện của Thiên Chúa, ông muốn biểu lộ nó ra bằng toàn thể con người, do đó ông rất coi trọng những chi tiết lễ nghi và phụng tự (vì ông cũng là một tư tế). Ông đã lấy hứng từ “bộ luật về sự thánh thiện” (Lv 17-26) đã được các tư tế Giêrusalem san định trước cuộc lưu đày.
Giêrêmia đã nhấn mạnh tới khía cạnh nội tâm của tôn giáo, nhưng mặt yếu là làm cho tôn giáo mất tính nhập thể. Còn Êdêkien cũng giảng về tôn giáo nội tâm nhưng nhấn mạnh tới một khía cạnh bổ sung : đức tin phải được diễn tả ra bên ngoài bằng những lễ nghi. Mặt yếu của Êdêkien là làm cho người ta chỉ lo các chi tiết lễ nghi mà quên mất tâm tình.

  •  Vài bản văn của Êdêkien :
    • Sự hiện diện thánh của Thiên Chúa : Thiên Chúa đã đến ngụ trong Đền thờ. Nhưng từ trước, Natan (2Sm 7) rồi đến các ngôn sứ khác đã từng linh cảm rằng “Thiên Chúa không muốn cư ngụ một cách vật chất ở một nơi nào, mà chỉ muốn cư ngụ một cách thiêng liêng giữa một dân tin Ngài

(Congar). Khi sống cảnh lưu đày, Êdêkien, bằng cách thức riêng của mình, đã cho thấy linh cảm trên đã được thực hiện.
Xin đọc liên tục Ed 9,3 ; 10, 4-5 ; 11,22-23 rồi Ed 01, cuối cùng Ed 37,26-28; 43,1-12. Qua những hình ảnh lạ thường đó. Êdêkien muốn nói lên điều gì ? Thiên Chúa đang hiện diện ở đâu ? bằng cách nào ? (Luca có lẽ nghĩ đến Êdêkien khi định vị cuộc thăng thiên trên một ngọn núi phía Tây tức là núi Cây Dầu).

  •  
  • “Ta là mục tử tốt” : Ed 34 và 37,15-18 :

Những mục tử của dân là ai ? họ đã cư xử thế nào ? ai sẽ là mục tử thật ?
Đức Giêsu sẽ lấy ý từ những bản văn trên (Mt 18, 10- 14 ; Lc 15,1-7 ; Ga 10). Mục tử là ai ? nó làm cho những lời của Đức Giêsu có sức mạnh và ý nghĩa như thế nào ?

  •  
  • Đây Ta làm mới mọi sự” :

Ed 33,1-11 và 37,1-14. Dân lưu đày đã tuyệt vọng. Họ giống như những bộ xương cũ khô đét dưới ánh nắng mặt trời… Thiên Chúa loan báo gì trong thị kiến ch.37 ? Thiên Chúa tái tạo dân Ngài bằng Lời của Ngài và ban cho họ sự sống bằng Thánh Linh của Ngài. Điều này có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu ngày nay ?
Ed 36,16-38 và 47,1-12. Thánh Linh làm gì ? Ngài xuất từ đâu ? điều này giúp hiểu rõ hơn Gr 31,31-34 : xác định ở điểm nào ? những bản văn này giúp ta hiểu Ga 7,37-39 và 19,34 hoặc Gl 5,22-25 như thế nào ?

  1.  ĐỆ NHỊ ISAIA “TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI HÔ LỚN” : Is 40-55

Bị lưu đày, khinh ghét sau khi đã mất tất cả, rồi làm việc mà không chút hi vọng, là một công nhân ngoại lai… thế mà vẫn ca ngợi Thiên Chúa, Đấng làm những việc diệu kỳ, với một giọng xác tín đến nỗi đem lại hi vọng cho toàn dân. Đấy mới là lạ ! Người đó chính là một môn đệ của Isaia, không muốn xưng tên mà chỉ tự gọi mình là “tiếng nói của người hô lớn“. Ông tin rằng Thiên Chúa luôn luôn là “Đấng- kéo-chúng-ta-ra-khỏi-nhà-nô-lệ” trong cuộc xuất hành. Do đó Ngài vẫn còn có thể giải phóng chúng ta, Ngài có quyền năng làm thế bởi vì chỉ mình Ngài là Tạo hoá. Ngài sẽ làm thế bởi vì Ngài trung thành và Ngài yêu thương chúng ta hơn cả mẹ thương con.

  1.  
    1.  Vài chủ đề lớn :
      • Tin mừng : 3 lần ông nói tới Tin mừng. Đó là tin Thiên Chúa rốt cục sẽ thiết lập một vương triều của Ngài, Ngài sẽ tỏ ra là vua thật bằng cách xoá tan mọi sự dữ, bất công và đau khổ (40,9 ; 41,27 ; 52,7. Xin cũng đọc 35,3-6 là đoạn cũng được viết cùng thời đó). Sau này Đức Giêsu khi làm những phép lạ và công bố những mối phúc, sẽ loan báo rằng nhờ Ngài mà điều đó được thực hiện, kẻ nghèo sẽ được hạnh phúc vì từ nay sự nghèo của họ chấm dứt rồi.
      • Tình âu yếm của Thiên Chúa : 43,1-7 ; 49,14-16. Không gì đẹp bằng những đoạn này nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta như tấm lòng của một người mẹ hiền.
      • Cuộc xuất hành mới : việc được giải phóng khỏi ách lưu đày được tác giả xem là một cuộc xuất hành mới còn kỳ

diệu hơn cuộc xuất hành trước. Chẳng hạn bạn hãy đọc 40,3 ; 41,17-20 ; 43,16-23 ; 44,21-22 ; 48,17-22 (BJ 40, 3hai ;
52,12a). Sau này các Kitô hữu đầu tiên cũng sẽ coi cuộc đời của Đức Giêsu và của chúng ta là một cuộc Xuất hành (xem những quy chiếu bên lề quyển Thánh kinh).

  •  
    •  
  • Đấng “Messia” Cyrus : đây là một thí dụ điển hình về việc giải thích lịch sử. Cyrus chiếm Babylone để bành trướng thế lực, nhưng chính ông giải thích việc đó là làm theo tiếng gọi của thần Mardouk của Babylone (xem bài trong khung). Còn đối với Isaia thì đó chính là Thiên Chúa của Israel đã gọi Cyrus, đã “xức dầu” cho ông (41,1-5.25- 29 ; 42,5-7 ; 44,27-28 ; 45,1-6.11-13 ; 48,12-18). Chính đức

tin (và chỉ đức tin mà thôi) đã giúp thấy được một ý nghĩa trong những biến cố lịch sử.

  1.  
    1.  Một bản văn của Isaia :

Người Tôi tớ của Thiên Chúa Is 52,13-53,12
Đây là đỉnh cao của sứ điệp Isaia. Ý nghĩa của nó còn đang được bàn cãi. Chúng ta sẽ theo chú giải của TOB.
Bắt đầu, mời bạn tìm những chi tiết nói rằng :

  • Thiên Chúa báo trước vinh quang chờ sẵn Người Tôi tớ (52,13-15).
  • Các nước từng bách hại Người Tôi tớ nay thú nhận lỗi lầm của họ (53,1-6).
  • Ngôn sứ suy gẫm về thân phận của Người Tôi tớ vô tội nhưng bị hành khổ và bị giết chết (53,7-9).

Tiếp đến, tác giả cầu nguyện (giải thích của TOB) :
Lạy Chúa, xin hài lòng vì kẻ đã bị khổ đau nghiền nát,

xin biến Người thành của lễ hi sinh tạ tội,
xin cho Người được thấy một dòng dõi đông đúc và cho Người được sống thọ miên trường,
và xin cho thánh ý Chúa nhờ Người mà được nên trọn (53,10).

  • Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện ấy (53,11-12).

Có lẽ Người Tôi tớ này là hiện thân của dân Israel bị nhục mạ, khinh ghét và giết chết. Bất hạnh đã ập xuống họ, họ không thể làm gì khác hơn là tìm hiểu ý nghĩa của việc đó.
Số phận đau thương của Người Tôi tớ được biến đổi thế nào ? Kết quả cuối cùng sẽ ra sao ? Tại sao ? (hãy xem 2 phương diện : thái độ của Người Tôi tớ và hành động của Thiên Chúa).
Sau này hình ảnh Người Tôi tớ sẽ giúp ích rất nhiều cho các Kitô hữu đầu tiên tìm hiểu Đức Giêsu. Bạn hãy xem họ dựa vào hình ảnh ấy để hiểu thế nào.

  •  
    • Về sứ mệnh của Đức Kitô (TOB 53,12c).
    • Về việc Ngài chịu chết “vì số đông người” (Mc 10,45 ; Rm 4,25 ; tường thuật về Tiệc ly : Mt 26,18 và Mc, Lc) ?
  • Về mầu nhiệm vượt qua ? Hãy đọc Pl 2,6-11. Bạn tìm thấy ý nghĩa gì cho đời chúng ta ?

CHIẾC ỐNG CỦA VUA CYRUS.

Trên một chiếc ống bằng đất nung được tìm thấy ở Babylone, vua Cyrus đã giải thích những diễn biến lịch sử như sau :

“Mardouk, vị chúa tể (của Babylone), đấng bảo vệ những kẻ thuộc về ngài, vui sướng ngắm nhìn những hành động tốt của Cyrus và tấm lòng ngay thẳng của người. Ngài truyền cho người tiến về thành Babylone của ngài. Ngài bảo lên đường đi Babylone, ngài không ngừng đi bên cạnh người như một bạn đồng hành. Ngài giúp người vào được Babylone mà chẳng cần đánh một trận nào cả…”

Bài 3
 

SÁCH LÊVI


Quyển sách này thật tuyệt vời nhưng đầy những cấm kỵ về phái tính và tràn ngập máu ! Cần có can đảm mới đọc được : có những kiểu nói luôn lặp đi lặp lại, giọng điệu nhàm chán , những quy định tỉ mỉ và lạ lùng… Tóm lại, nó dễ làm ta lạc hướng. Tuy nhiên…

  1.  CẦN CÓ NHHỮNG LỄ NGHI

Vì chúng ta có thân xác nên những tâm tình của chúng ta phải được diễn tả ra bằng những cử chỉ cụ thể. Hãy nhìn bà nội trợ dọn chén đĩa trên bàn ăn : tất cả đều phải theo thứ tự quy ước… Nhưng có thế bà mới tỏ cho thực khách biết rằng bà vui mừng đón tiếp họ. Tuy nhiên lễ nghi cũng có nguy hiểm là dễ trở thành máy móc, vô hồn.
Khi ta chuẩn bị đến gặp Chúa thì cũng cần lễ nghi, vì đó là một việc rất hệ trọng. Do đó sự tỉ mỉ của các lễ nghi cũng là một cách biểu lộ tâm tình kính mến khi ra trước mặt Chúa.

  1.  “CÁC NGƯƠI HÃY NÊN THÁNH, VÌ TA LÀ THÁNH !”

Nhiều nghi thức trong sách này thuộc về một nền văn hoá khác với chúng ta, do đó áp dụng chúng cho chúng ta thì rất ngược nghĩa. Tuy nhiên nội dung của chúng mới là điều chủ yếu : Thiên Chúa luôn hiện diện và chúng ta sống trước mặt Ngài. Tác giả thường xuyên nhắc tới Thiên Chúa

(hơn 350 lần), và kiểu nói “trước mặt Ngài” thường trở đi trở lại như một điệp khúc (hơn 50 lần). Xin bạn đọc chương 19 : “Chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” là câu duy nhất giải thích lý do của tất cả mọi lệnh truyền, như phải yêu cận nhân (c.18), phải trả lương công bằng (c.13) và tất cả mọi hoàn cảnh trong cuộc sống thường ngày. Như vậy là chính vì yêu thương Thiên Chúa mà người tín hữu tìm ra cách sống trong thế giới và với mọi người khác.
Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa thánh, tức là hoàn toàn khác với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa sống, Ngài là sự sống. Chính vì thế mà ta phải tôn trọng máu và phái tính.

LINH THÁNH-TƯ TẾ-LỄ TẾ :

Trong tất cả các tôn giáo, linh thánh (le sacré) là lĩnh vực của thần linh. Hoàn toàn cách biệt với phàm tục (tiếng Latin là profanum nghĩa là “cái ở trước” nơi linh thánh). Tâm thức này ăn sâu vào Israel, Thiên Chúa là thánh, nghĩa là hoàn toàn khác.
Hơn nữa Israel cảm nghĩ sâu sắc rằng con người chỉ hiện hữu nếu hiện hữu trong tương quan với những người khác và nhất là với Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để vượt qua hố thẳm cách biệt giữa Thiên Chúa thánh và người phàm ?
Tư tế sẽ lo việc đó. Nhưng muốn thế thì tư tế phải bước vào lĩnh vực linh thánh bằng việc thánh hiến. Thánh hiến giúp ông tách biệt khỏi dân để được hành động riêng cho phụng tự, tách biệt khỏi phàm tục và những sinh hoạt thường ngày để vào trong Đền thờ. Đỉnh cao của hoạt động tư tế là lễ tế, chữ sacrifice (lễ tế) không có nghĩa là hi sinh chịu mất đi mà là biến đổi làm cho nên thánh (sacri-facere) : của lễ

mà ta dâng lên được đưa vào lĩnh vực của Thiên Chúa. Ngược lại tư tế cũng chuyển đến dân những ơn ban của Thiên Chúa như : ơn tha thứ, ơn dạy dỗ, phúc lành…
Với Đức Giêsu Kitô, quan niệm trên sẽ hoàn toàn thay đổi. Trong Ngài linh thánh sẽ trở thành phàm tục ! Chẳng còn có thể phân biệt giữa hai thứ ấy nữa, vì nhờ Ngài mà mọi sự được thánh hoá, và Ngài là tư tế duy nhất, là trung gian hoàn hảo ; lễ tế của Ngài là lễ tế duy nhất (Thư gửi tín hữu Híp-ri sẽ triển khai rộng tư tưởng này). Thế nhưng cám dỗ của Giáo hội là luôn muốn dùng lược đồ của Cựu ước để diễn tả lễ tế và tác vụ của các tư tế. Đó chính là lý do giải thích biết bao khó khăn hiện nay về chức tư tế trong Giáo hội Công giáo.

  1.  “MÁU CHÍNH LÀ SỰ SỐNG” Lv 17,11.14

Máu là linh thánh vì nó là sự sống, chính sự sống phát xuất từ Thiên Chúa và chảy trong huyết quản của chúng ta. Vì thế không được làm đổ máu người. Cũng không được uống máu con vật (huống chi là máu người) vì làm như thế tức là muốn tự mình gia tăng sự sống đang khi chỉ mình Thiên Chúa là chủ sự sống. Đây không phải chỉ là một quy định về việc ăn uống (đừng ăn tiết canh !) mà chính là tôn trọng sự sống. Trái lại tế hiến máu trong lễ tế là một cách nhìn nhận rằng sự sống là do Thiên Chúa ban cho ta. Trong những lễ tế ấy, người ta không phải dâng hiến con vật (thực ra nó chỉ là một xác chết), mà là dâng hiến máu tươi (nói cho đúng là máu sống), tức là chính sự sống của con vật. Ta phải tập quen chuyển nghĩa chữ “máu” thành chữ “sự sống được dâng hiến”, khi đọc những bản văn của sách Lêvi, thì sẽ thấy dễ hiểu hơn.

Cũng thế đối với những cấm kị về phái tính. Ngoài yếu tố cấm kị, trước hết còn có yếu tố tôn kính vì được tham dự, thông qua phái tính, vào công trình truyền sinh của Thiên Chúa khiến cho phái tính có tính cách linh thánh.

NHƠ UẾ HAY LINH THÁNH ?

Đối với chúng ta, tinh sạch và nhơ uế là những khái niệm luân lý. Nhưng trong Thánh kinh cũng như trong mọi tôn giáo đó là những khái niệm rất gần với khái niệm về cấm kị (tabou) và linh thánh (sacré). Nhơ uế là khi ta tiếp xúc với một quyền lực thần bí (có thể là tốt hoặc là xấu). Do đó sau đấy phải có một nghi thức “tẩy uế” để giúp khỏi lây nhiễm quyền lực ấy.
Chẳng hạn một vài chứng bệnh có thể làm cho con người nhơ uế vì người ta nghĩ rằng chúng là do tà ma gây nên.
Ngược lại việc tiếp xúc với Thiên Chúa cũng có thể gây “nhơ uế”. Chính vì thế mà các sách Phụng vụ Công giáo quy định rằng “sau lúc rước lễ, chủ tế phải “tẩy uế” chén thánh” (bằng một tấm khăn gọi là purificatoire “khăn tẩy uế”). Bởi vì chén thánh ấy đã trở thành “nhơ uế” (theo nghĩa luân lý) do đã đựng Máu Đức Kitô chăng ? Không, chén ấy đã trở nên “linh thánh” vì đã vào lĩnh vực của Thiên Chúa, bởi đó cần có nghi thức “tẩy uế” để “giải thánh” và đưa nó trở về công dụng phàm tục như trước. Người đàn bà vừa sanh đẻ xong cũng phải được “tẩy uế”. Phải chăng đây cũng là một nghi thức “giải thánh” ? Đúng thế, vì khi sinh đẻ, người ấy đã tiếp xúc với Thiên Chúa là nguồn sự sống, cho nên phải có một nghi thức tẩy uế để đưa người ấy trở về nếp sống phàm tục bình thường.

Xem thế, vấn đề tinh sạch và nhơ uế là phức tạp và còn được bàn cãi nhiều bởi các chuyên viên. Để đơn giản hoá cho dễ hiểu, ta có thể ghi nhớ vài điểm như sau :

  • Những khái niệm về tinh sạch và nhơ uế thường chẳng có tính cách luân lý tí nào, nhưng có tính cách tôn giáo gần với những khái niệm về cấm kị và linh thánh.
  • Tuy nhiên đôi khi chúng cũng mang một ý nghĩa luân

lý.

  • Sở dĩ những chữ ấy bị hiểu lẫn lộn (từ nghĩa tôn giáo

sang nghĩa luân lý) là do người ta sẵn coi khinh phái tính. Bởi thế khi Thánh kinh nói tới “nhơ uế” theo nghĩa “linh thánh” thì ta lại hiểu đó là sự nhơ uế luân lý.

  1.  VIỆC SOẠN THẢO SÁCH LÊVI

Bộ luật về sự thánh (Lv 17-26) đã được soạn tại Giêrusalem trước khi lưu đày. Vào lúc người ta sử dụng những tài liệu từ phía Bắc để soạn quyển Đệ nhị luật vốn tập chú vào giao ước và việc tuyển chọn của Thiên Chúa, thì các tư tế ở Giêrusalem đã muốn quy thành luật tất cả những tập tục về Đền thờ, tất cả đều được cho qui vào phụng tự nhằm nhắc dân ý thức rằng Thiên Chúa là thánh, là Đấng hoàn toàn khác.
Luật về những lễ tế (Lv 1-7) và luật về sự tinh sạch (Lv 11-16) thì được soạn sau thời lưu đày, cũng như luật về những ngày nghỉ (Ds 28,29).

  1.  VÀI VĂN BẢN CỦA SÁCH LÊVI

Có lẽ bạn không thể đọc hết sách này, nhưng sẽ là thiếu sót nếu bạn không biết một số đoạn trong đó, xin kể như sau :

  •  
  • Lv 19,1-17 : sự thánh thiện của Thiên Chúa là nguồn của tình huynh đệ và nếp sống cộng đoàn.
  • Lv 23 dạy cách thánh hoá thời gian bằng ngày Sabbat và những ngày lễ lớn.
  • Lv 16 nói về lễ Yom Kippour tức là Ngày xá tội : đó là ngày duy nhất trong năm mà vị thượng tế được bước qua tấm màn ngăn cách để vào gian cực thánh của Đền thờ hầu xin ơn tha thứ các tội lỗi. Sau này tác giả thư Híp-ri sẽ dựa vào lễ nghi này để giải thích lễ tế của Đức Kitô. Chương này cũng lấy lại một tập tục xưa có tính cách hơi ma thuật, đó là tập tục về “con chiên gánh tội”.
  • Sau cùng Lv 1-7 (và bài dẫn nhập của TOB) sẽ giúp bạn biết về những loại lễ tế.

Bài 4
 

LỊCH SỬ TƯ TẾ


Khi bị lưu đày, dân đã mất tất cả những gì tạo họ thành một dân. Họ có nguy cơ bị đồng hoá và biến mất như trường hợp nửa thế kỷ trước khi vương quốc Israel phía Bắc bị lưu đày sang Assyria. Ai sẽ giúp họ đứng vững trước thử thách ? Thưa là các ngôn sứ. (Êdêkien và Đệ nhị Isaia) và nhất là các tư tế. Trước đó chính các tư tế ở Giêrusalem đã là một tập thể có tổ chức vững chắc và có lòng đạo sâu sắc. Nay chính họ cũng sẽ nâng đỡ đức tin của những người bị lưu đày. Họ sẽ làm cho tôn giáo thích nghi với hoàn cảnh khó khăn mới và cho tôn giáo có một tương lai mới.
Các tư tế nghĩ ra nhiều hình thức sinh hoạt mới có một giá trị mới. Ngày Sabbat để thánh hoá thời gian và việc cắt bì để đánh dấu thuộc về dân Thiên Chúa. Hai hình thức sinh hoạt này được coi trọng hàng đầu. Họ cũng tổ chức những buổi họp (gọi là synagogues sau này khi đã hồi hương thì trở thành những “nhà họp” hoặc là “hội đường“) để cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, chúng thay thế cho những lễ tế.
Lịch sử tư tế (viết tắt là P) phát sinh trong bối cảnh như thế. Mục tiêu của nó là đọc lại lịch sử đã qua để tìm câu trả lời cho những vấn đề âu lo hiện tại : tại sao Thiên Chúa im lặng ? Làm sao còn tin Thiên Chúa được nữa trong cái thế giới Babylone tôn thờ Mardouk như thần sáng tạo ? Các nước khác có chỗ đứng nào trong kế hoạch của Thiên Chúa ? Như thế truyền thống P cũng mời gọi chính chúng ta tiếp tục

suy nghĩ xem chúng ta phải sống đức tin của mình như thế nào và giải đáp những vấn đề mới như thế nào trong thế giới mà chúng ta đang sống. Lời hứa của Thiên Chúa vẫn còn giá trị mãi, ta phải nỗ lực làm việc để hoàn thành nó.

VÀI NÉT VỀ P :

Bút pháp khô khan. P không có tài kể chuyện, P thích những con số, những bản liệt kê, thường lặp đi lặp lại cùng một sự việc, như “Thiên Chúa phán… Thiên Chúa làm…”. Thí dụ : tường thuật qua biển (xem trang 64) tường thuật tạo dựng (St 1), kiến thiết Đền thờ (Xh 25-31 và 35-40).
Ngữ vựng thường có tính cách kỹ thuật và phụng tự.
Thường có những bảng gia phả. Chúng rất quan trọng đối với một dân đang bị lưu đày và dễ quên nguồn gốc. Những gia phả ấy giúp đặt người ta vào lịch sử dân tộc, và P còn nối kết lịch sử ấy với cuộc tạo dựng ban đầu nữa (St 2,4 ; 5,1 ; Ds 3,1…).
Phụng tự được coi trọng hàng đầu. Môsê tổ chức, Aharon và hậu duệ ông có trách nhiệm thực hiện bằng cách sắp xếp những cuộc hành hương, những ngày lễ, những lễ tế, việc phục vụ Đền thờ và nơi thánh là chỗ có Thiên Chúa hiện diện. Chức tư tế là định chế thiết yếu bảo đảm sự tồn tại của dân. Tư tế thế chỗ cho vua của truyền thống J, và cho ngôn sứ của truyền thống E.
Các khoản luật thường được ghi giữa những bài tường thuật, như thế chúng được nối kết với những diễn biến lịch sử và khiến những diễn biến ấy có ý nghĩa. Thí dụ khoản luật về sinh sản (St 9,1) được lồng trong tường thuật hồng thuỷ ; khoản luật về lễ Vượt qua (Xh 12,1t) được móc nối với tai ương thứ 10.

Vì có những nét đặc thù ấy, những bản văn tư tế là dễ tìm nhất trong Bộ Ngũ thư.

 

  1.  MỘT BẢN VĂN CHÌA KHOÁ St 1,28

“Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói với họ rằng : hãy sinh sôi nảy nở, hãy tăng số, hãy đầy dẫy mặt đất, và hãy thống trị nó, và hãy làm chủ trên các cá biển và trên những chim trời và trên những thú vật bò trên đất”.
Một lời chúc phúc lạ thường biểu lộ đức tin của các tư tế đang bị lưu đày. Trong câu trên có 5 động từ nói ngược hẳn với hoàn cảnh lúc đó ! Chúng cho thấy ý muốn của Thiên Chúa tạo hoá : một ngày nào đó ý muốn này sẽ được thực hiện, kết thúc sự dữ và cảnh lưu đày.
Hãy để ý xem lời chúc phúc này rải rác đánh mốc cả quyển Sáng thế khiến cho những chuyện được thuật trong đó mang một màu sắc mới như thế nào : St 8,17 và 9,1-7 (hồng thuỷ), 17,20 (Abraham), 28,1-4 và 35,11 (Giacob), 47,27 (Giuse). Trong Xh 1,7 lời ấy không chỉ là một lời hứa mà còn là một thực tại phải được tiếp nối suốt dòng lịch sử.

  1.  ĐỌC LƯỚT QUA TRUYỀN THỐNG P

Cũng như truyền thống J, truyền thống P khởi sự từ tạo dựng và kết thúc với cái chết của Môsê (Đnl 24,7). Phần sau chúng ta sẽ nghiên cứu riêng tường thuật tạo dựng. Còn bây giờ chúng ta đọc vài bản văn.

  1.  
    1.  Giao ước với Noe và hồng thuỷ St 6-9 :

Hai truyền thống J và P hoà lẫn nhau trong tường thuật này (TOB 6,1h / BJ 6,5a). Cả 2 đều theo sát câu chuyện huyền thoại về hồng thuỷ được thuật trong anh hùng ca Gigamesh. P nhấn mạnh hơn về việc đóng tàu gồm có 3 tầng giống như Đền thờ của Salômon dựng : ngụ ý rằng con người được cứu nhờ Đền thờ ấy (6,16).
Tường thuật này kết thúc bằng giao ước Thiên Chúa ký với Noe, với hậu duệ ông và với cả Trái đất (9,8-17). Thế có nghĩa Thiên Chúa của Israel cũng là Thiên Chúa phổ quát, và giao ước của Ngài liên hệ tới mọi người. Tất cả các nước đều có chỗ trống trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng phải chăng Israel có chỗ đặc biệt hơn ?

  1.  
    1.  Giao ước với Abraham St 17 :

Khoản luật về cắt bì được lồng trong một bài tường thuật gồm 4 diễn từ của Thiên Chúa. Bạn thử xem tư tưởng tiến triển dần như thế nào từ diễn từ này sang diễn từ khác. Thiên Chúa muốn gì nơi Abraham ? Ngài muốn ông bước đi trước mặt Ngài (hãy nhớ lại tư tưởng của sách Lêvi), và phải liêm chính ; không lỗi lầm ; không tì vết giống như của lễ dâng lên Ngài (Xh 12,5 ; Lv 1,3…) Việc cắt bì trở thành dấu thuộc về Dân Chúa (so sánh bản văn này với St 15// trang 155 mục “giao ước với Abraham”).
Trong lúc bị lưu đày, Israel ý thức rằng mình phạm tội, rằng mình đã bẻ gãy giao ước song phương ký kết ở Sinai, do đó Chúa có để họ bị như bây giờ thì cũng đáng mà thôi. Vì thế P đã lướt nhanh qua giao ước Sinai để tìm tới tận giao ước với Abraham là giao ước một chiều : Thiên Chúa đơn phương hứa che chở con cháu Abraham. Do đó dù Israel (và

cả chúng ta bây giờ) dù có tội lỗi thế nào đi nữa thì cũng có thể đến xin Chúa giúp.
Truyền thống này quan tâm tới việc Abraham tậu một thửa đất ở Hebron để chôn cất Sara (St 23). Điều này quan trọng đối với những người bị đày : tổ tiên họ đã tậu một thửa đất và được chôn cất ở đấy (25,9) cho nên họ có quyền trên mảnh đất ấy !

  1.  
    1.  Xuất hành :

Vì là những người bị lưu đày cho nên các tác giả P nhấn mạnh tới cảnh nô dịch cực nhọc ở Aicập (Xh 1,13-14; 2,23- 24) và tới Lời Chúa hứa với Abraham (Xh 6 : ơn gọi của Môsê). P nhắc lại cách thức làm lễ mừng cuộc giải phóng ấy, bởi vì phụng tự giúp làm sống lại trong mỗi thế hệ công cuộc giải phóng của Thiên Chúa (Xh 12,1-20). Việc qua biển trở nên một hành động quyền năng của Thiên Chúa tạo hoá (xin hãy xem lại trang 65) ; Ngài có khả năng lặp lại hành động ấy đối với dân Ngài đang bị lưu đày. Khoản luật về ngày Sabbat được nối kết với ơn ban manna (Xh 16) : ngụ ý rằng trong ngày Sabbat, dân có thể nghỉ việc một cách an tâm vì Chúa chẳng để cho họ chết đói đâu !

  1.  
    1.  Giao ước Sinai :

Giao ước này quá quan trọng nên những người lưu đày không thể không nhắc tới, nhưng họ đã đổi thay ý nghĩa của nó. Không có phần kết luận về giao ước như trong J và E (Xh 24). Thiên Chúa chỉ loan báo rằng Ngài sẽ làm cho Israel thành một vương quốc tư tế và một dân thánh (Xh 19; 5-6). Israel được điều khiển không phải bởi vua như ở các dân khác mà là bởi các tư tế.

Thiên Chúa không ban luật cho dân mà ban những lệnh truyền xây dựng đền thánh (Xh 25-27) thiết lập những tư tế (Xh 28-29) và phụng tự : chỉ có một khoản luật là luật về ngày Sabbat (Xh 31,12-17).
Trước sự thất bại của giao ước Sinai người ta quay về với lời Thiên Chúa hứa với Abraham. Định chế có trách nhiệm nhắc dân nhớ tội của họ và sự tha thứ của Thiên Chúa, đó là chức tư tế.

  1.  
    1. Sự hiện diện thánh của Thiên Chúa Xh 25,10-22; 40,34-38.

Trong tổng thể gồm Xh 25-31 và 35-40 ta phải đọc ít ra là phần đầu và phần cuối. “Chúng phải làm cho Ta một đền thánh để Ta lưu lại giữa chúng” (25,8). Bản văn tập chú vào nắp xá tội (propitiatoire, một cái nắp bằng vàng ròng đậy khám giao ước) và vào khoảng trống giữa nắp xá tội với 2 Kêrubim : đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với dân ; chính trên nắp xá tội này mà mỗi năm một lần vị thượng tế rảy máu lên để xin ơn Chúa tha thứ (Lv 16).
Sau này khi muốn nói rằng Đức Kitô là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa và máu Ngài đem lại ơn tha thứ cho chúng ta, thánh Phaolô sẽ viết : “Thiên Chúa đã đặt Ngài làm nắp xá tội do máu Ngài” (Rm 3,25).

  1.  TƯỜNG THUẬT TẠO DỰNG : St 1,1-2,4

Những từ và những nhóm từ lặp đi lặp lại :

  • Thiên Chúa phán” (10 lần) : khiến ta liên tưởng tới 10 giới răn. Thiên Chúa tạo dựng thế giới cũng như tạo dựng dân Ngài ở Sinai (TOB 1,3f).
  • “Thiên Chúa làm” : sự đối nghịch giữa tạo dựng bằng lời và bằng hành động có lẽ là dấu chỉ về một tường thuật khác có trước hoặc là bút pháp quen thuộc của P.
  • Đã có một buổi chiều…” : công trình tạo dựng được phân thành 6 ngày để hoàn tất vào ngày Sabbat. Nghĩa là tổ chức theo phụng vụ (chứ không theo khoa học) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày Sabbat.

Thời kỳ soạn tác bản văn này : đừng quên đây là thời lưu đày. Có nhớ như vậy mới thấy được giá trị đức tin của bản văn này. Sống trong cảnh lưu đày, mọi sự như đều tan vỡ, thế mà bản văn lại đẹp như một bài thơ : “tất cả đều tốt đẹp“. Nghĩa là dù bị khinh chê, dù chịu đau khổ, tác giả vẫn khẳng định đức tin vào một Thiên Chúa đã muốn thế giới được tốt đẹp và công chính.
Có những thuật ngữ và thực tại mang một ý nghĩa đặc biệt vào thời đó :

  • Ngày Sabbat rất quan trọng đối với những kẻ lưu đày. Mô tả Thiên Chúa cũng tuân giữ ngày đó tức là coi ngày đó có giá trị linh thánh.
  • Tác giả không nói mặt trời và mặt trăng, nhưng gọi chúng là hai chiếc đèn (TOB 1,8m / BJ 1,16i). Chữ này thuộc về ngữ vựng phụng tự của các tư tế, nó chỉ những ngọn đèn cháy sáng trong đền thờ (thí dụ Xh 25,6 ; 27,20). Như thế mặt trời và mặt trăng không phải là những thần linh như ở Babylone người ta quen nghĩ, mà là những dấu chỉ cho thấy có một sự hiện diện (cũng như “đèn nhà tạm” của chúng ta ngày nay) và cho biết thời kỳ của những cuộc lễ. Đền thờ Giêrusalem đã bị tàn phá ư ? Chẳng sao cả. Vì toàn thể vũ trụ là Đền thờ của Thiên Chúa.

Bạn sẽ càng thú vị hơn nếu so sánh bản văn này với những huyền thoại Babylone (xem lại trang 44-45). Có những chi tiết giống nhau : Thiên Chúa không tạo dựng từ hư không, tạo dựng bằng cách tách đôi. Chữ “vực thẳm” trong tiếng Híp-ri là tohom khiến ta liên tưởng tới Tiâmat là tên của một vị thần Babylone. Nhưng cũng có khác biệt : chẳng có sự tranh đấu giữa các thần, chỉ có Thiên Chúa là thần duy nhất.
Và cũng có thể so sánh tường thuật này với nhiều bản văn Kinh thánh khác. Chẳng hạn 2 bản sau đây :

  • Tạo dựng của P (St 1) và của J (St 2).
  • Cả 2 đều nói tới “sự hiểu biết” (science) nhưng lại khác nhau. Trong St 2 đất được hình dung như 1 ốc đảo giữa sa mạc, còn ở đây nó là một hòn đảo giữa nước mênh mông. Qua 2 lần tách rời liên tiếp nhau Thiên Chúa làm cho khô ráo xuất hiện để làm chỗ ở cho con người.
  • Trong St 2 người nam được tạo dựng trước để canh tác đất, tiếp đến là người nữ. Còn ở đây loài người (nam nữ) được tạo dựng cuối cùng. Đó là 1 cách đề cao phẩm giá con người : trong một cuộc kiệu rước của phụng vụ, kẻ địa vị cao nhất đi sau cùng. Tác giả nói Thiên Chúa tạo dựng người vậy thôi. Sau này khi nói lại lần nữa thì tác giả mới nói rõ là người gồm có nam và nữ.
  • Tạo dựng và qua biển (Xh 14) :

Hai bản văn có nhiều điểm giống nhau : Thiên Chúa phán và làm (hoặc làm trực tiếp hoặc làm qua Môsê) ; Người tách nước cho khô ráo xuất hiện. Như thế ngụ ý việc giải phóng khỏi Aicập là một hành vi quyền năng của Thiên Chúa tạo hoá và tạo dựng là một hành vi của Thiên Chúa

giải phóng. Ngài muốn cho không phải chỉ một dân Israel mà còn tất cả các dân đều được tự do.
Bây giờ ta hãy tóm lại một vài điểm quan trọng:

  1.  
    1.  Một bài thơ phụng vụ :

Ta đừng tìm ở đây những chỉ dẫn lịch sử và khoa học, vì đây là một bài thơ diễn tả niềm tin lạ thường của các tư tế vào Thiên Chúa của họ. Nói thế giới được tạo dựng trong 6 ngày là để hợp pháp hoá ngày Sabbat. Ngày này có 2 ý nghĩa : nó là lúc Thiên Chúa nghỉ việc (nói cách khác “Thiên Chúa giữ ngày Sabbat”) ; vì nó là ngày thứ bảy nên nó cũng là thời gian lịch sử của loài người, thời gian được ban cho loài người làm việc và tiếp tục công trình tạo dựng trước khi tới “ngày thứ 8” là ngày cùng tận. Nhưng người ta mừng ngày Sabbat này bằng cách ngưng làm việc, mục đích là để thánh hoá thời gian, để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa là Đấng làm chủ việc làm của con người.

  1.  
    1.  Từ “Tc – giải phóng” đến “Tc – tạo dựng”

Thiên Chúa mà Israel đã khám phá trước tiên là Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Aicập, một Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Khi bị lưu đày sang Babylone, họ lại hướng về Thiên Chúa ấy để hi vọng Ngài sẽ giải phóng họ nữa. Nhưng (như Đệ nhị Isaia giải thích) sở dĩ Thiên Chúa có khả năng hành động trong lịch sử là vì chính Ngài đã tạo dựng lịch sử. Ngài là Thiên Chúa tạo dựng.

  1.  
    1.  Con người là hình ảnh Thiên Chúa :

Do đâu mà con người là hình ảnh của Thiên Chúa ? Bài tường thuật này nhấn mạnh 2 phương diện :

  •  
    •  
  • Con người được dựng nên làm kẻ tạo dựng : do quyền làm chủ thế giới, do sự hiểu biết (hoặc khoa học), con người thể hiện quyền năng của Thiên Chúa. Vì vậy con người có trách nhiệm tổ chức vũ trụ khiến nó có thể ở được.
  • Con người là tương quan yêu thương : hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương không thể là một cá nhân đơn độc, mà phải là một đôi gồm một nam một nữ yêu thương nhau, và tình yêu thương ấy sinh ra sự sống. Phải chờ tới mạc khải của Đức Giêsu mới khám phá hết ý nghĩa mà hình ảnh này gợi cho hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa.

MỘT THIÊN CHÚA KHÔNG CÓ TÊN

Gọi tên ai tức là có quyền trên người đó; xưng tên cho ai biết tức là ban cho người đó một phần của mình. Vì thế nên Thiên Chúa không có tên riêng (xem St 32,23-33). Thiên Chúa không chịu xưng tên.
EL ELOHIM : cách thứ nhất để gọi Ngài là dùng một danh từ chung. El có nghĩa là Thần, Chúa. Từ thiên niên kỷ thứ 3 những người Sêmit đã quen gọi vị thần chính của họ là El. Tín đồ Hồi giáo còn giữ tập tục này : Đấng Allah của họ xuất phát từ chữ Al-Ilah nghĩa là “Thần”. Dân Do thái gọi Thiên Chúa đơn giản là “El của Abraham, của Isaac…” Như vậy là một lời giáo huấn đầu tiên : Thiên Chúa là Đấng không thể biết được, ta chỉ có thể biết được chút ít về Ngài qua điều ta thấy về những kẻ thờ phụng Ngài : Ngài là El của Abraham, của Đức Giêsu, của ông A, của bà B ; Elohim là dạng số nhiều của chữ El để diễn tả sự trang trọng.
YHWH : với Môsê hình như Thiên Chúa chịu xưng ra một tên. Thực ra đó không phải là một tên mà chỉ là một dấu chỉ về một sự hiện diện. Vả lại, “tên” đó (YHWH) ta cũng

chẳng biết đọc thế nào ! Do kính trọng, người Do thái không bao giờ đọc ra “tên” đó. Họ viết 4 phụ âm của chữ YHWH (đôi khi gọi là Tétragramme nghĩa là “tứ tự”, 4 vần) nhưng miệng thì lại đọc Adonai, nghĩa là “Chúa”. Các nhà Massorètes lấy những nguyên âm của chữ Adonai (a hoặc é, o, a) ghép vào 4 phụ âm của chữ YHWH thành ra chữ Yêhowah.
Bản 70 thì dịch “tứ tự” ấy thành Kurios “Đức Chúa”. Rồi các Kitô hữu đầu tiên bắt chước theo. Vì những người Do thái cảm thấy rất chạm khi nghe chúng ta đọc tên cực trọng của Thiên Chúa. Cho nên để kính trọng tình cảm của họ chúng ta cũng nên làm như họ, nghĩa là phải đọc chữ YHWH là “Đức Chúa”. Đó là điều mà TOB đã làm (nhưng rất tiếc BJ lại không làm !)

CHƯƠNG VI


ISRAEL DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA BA TƯ 538-333

Bài 1
 

LỊCH SỬ

Năm 538 sắc chỉ của vua Cyrus cho phép người Do thái hồi hương và xây dựng lại Đền thờ (xem sắc chỉ này trong Er 1,2-4). Điều này phù hợp với tinh thần bao dung của Cyrus, nhưng cũng đúng theo chính sách của ông muốn dùng Giêrusalem làm tiền đồn của đế quốc Ba Tư ngăn chận ảnh hưởng Aicập.
Trong vòng 2 thế kỷ, dân Do thái sống dưới sự lệ thuộc vào đế quốc Ba Tư, đang lúc đó sức mạnh của Hy Lạp càng ngày càng lớn thêm. Sau đây ta hãy chú ý tới vài điểm quan trọng trong giai đoạn lịch sử sôi động này.

  1.  ĐẾ QUỐC BA TƯ

Sau khi chiếm được Babylone, Cyrus tiếp tục mở mang bờ cõi về hướng Đông. Ông băng hà năm 530. Con ông là Cambyse chiếm được Aicập nhưng thất bại ở Éthiopie.
Darius I nối ngôi và ngự trị một thời gian dài (522- 486). Ông lo tổ chức lại đế quốc rộng lớn này : chia lãnh thổ thành 20 tỉnh được gọi là 20 satrapies, mỗi satrapie được quản trị bởi một satrape (tương đương tỉnh trưởng), một chưởng ấn (chancelier) và một tướng quân (général). Các tỉnh phải đóng thuế rất nặng cho triều đình. Ông còn thiết lập một hệ thống đường bộ rất đáng kể, trong đó có “con

đường Hoàng gia” đi từ Suse tới tận Êphêxô ở Địa Trung Hải. Ông chinh phục được thành Thrace và Macédoine ở phía Bắc Hy Lạp, nhưng phải chịu thất bại tại thành Marathon (490).
Sau khi Xerxes I cũng bị quân Hy Lạp đánh bại tại Salamie (480), Artaxerxès I (464-424) lên ngôi. Việc đầu tiên của ông là lo trấn áp Aicập đang khởi loạn. Một người Do thái tên Nơkhemia đang làm viên chức trong triều đình được phái đi Giêrusalem ; trước đây dân Do thái thuộc tỉnh Samaria, nhưng từ nay họ thành một tỉnh độc lập.
Lúc bấy giờ Hy Lạp lên tới thời hoàng kim về nhiều mặt : nghệ thuật (thí dụ đền Parthénon), văn chương (thí dụ các văn hào Sophocle, Euripide), triết học (thí dụ triết gia Socrate, Platon…).
Darius II (424-404) bận chinh chiến bên Aicập. Trong đảo Éléphantine có một nhóm kiều dân Do thái làm lính cho Ba Tư, họ có một đền thờ kính “thần Yahô”. Các thư từ của họ với Giêrusalem và triều đình Ba Tư giúp ta biết ít nhiều về tín ngưỡng của họ.
Khi Artaxerxèr II lên ngôi (404-359), Aicập giành lại được độc lập. Tỉnh Giêrusalem lại trở nên một tiền đồn quan trọng cho đế quốc Ba Tư. Năm 398 vua phái Ét-ra tới đó. Ông này cố gắng dàn hoà giữa dân Do thái với dân Samaria, cả hai được cho hưởng một quy chế đặc biệt trong đế quốc. Đó là được sống theo “Luật của Chúa Trời” (Er 7,21) dưới quyền điều khiển của một Thượng tế. Tuy nhiên sự kết hợp mong manh giữa 2 dân chỉ kéo dài khoảng 20 năm.
Các vua cuối cùng của Ba Tư phải đối phó với cuộc nổi loạn của nhiều tỉnh, và cuối cùng phải đành nhường

quyền cho một thế lực mới, đó là dân Macédoine. Năm 338, Philippe de Macédoine thống nhất đế quốc Hy Lạp. Lên nối ngôi là Alexandre, năm 336 khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của lịch sử.

  1.  LƯU ĐÀY TRỞ VỀ

Vua Cyrus chấm dứt 50 năm lưu đày bên Babylone. Ước tính có chừng 50 nghìn người Do thái trở về quê hương mình thành 2 đợt chính :
Năm 538, đoàn hồi hương đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Sheshbacar, gồm nhiều tư tế, một ít Lêvi (TOB Er 2,40z) và nhiều “quà tặng” là các nô lệ phục vụ Đền thờ (TOB Er 2,43c và 55e), những người không có địa vị tôn giáo và đã làm ăn khá ở Babylone thì chọn ở lại.
Việc tái định cư ở Giuđa gặp khó khăn, đất đai đã bị người Samaria chiếm, cho nên họ không cảm tình với những sở hữu chủ cũ ngày nay trở về đòi lại. Mặt khác, họ muốn góp phần tái thiết Đền thờ nhưng bị dân Do thái từ chối vì cho rằng tín ngưỡng của họ không tinh tuyền. Hơn nữa dân Samaria còn chống lại việc xây lại tường thành Giêrusalem. Cộng vào đấy lại thêm nạn hạn hán và thiếu tiền. Tất cả những khó khăn trên buộc phải ngưng xây cất Đền thờ. Có lẽ trong những năm này, một đệ tử của Isaia lên tiếng rao giảng, đó là Đệ tam Isaia.
Năm 529 dưới triều Darius, một đoàn thứ hai rời Babylone dưới sự dẫn dắt của hoàng thân Zorobabel và thượng tế Giôsuê. Theo sự hướng dẫn của 2 vị này và sự hỗ trợ của các ngôn sứ Khacgai và Dacaria, cuối cùng Đền thờ đã tái thiết xong năm 515.

  1.  NĂM 515 – KỶ NGUYÊN CỦA ĐỀN THỜ THỨ HAI

Sau 5 năm nỗ lực, Đền thờ đã tái thiết xong. Những bô lão đã từng biết vẻ huy hoàng của Đền thờ Salômon trước đây không cầm được nước mắt trước dáng vẻ tầm thường của Đền thờ mới (Er 3,10-13 ; Kg 2,3). Nhưng không sao, vì ít ra cũng còn Đền thờ ; sau này nó sẽ được Hêrôđê nới rộng và trang hoàng từ năm 19 trước cn tới năm 64 cn, nhưng lại bị quân Rôma phá huỷ vào năm 70 cn.
Xin lưu ý tới kiểu nói “Đền thờ thứ hai” : không những nó chỉ một ngôi đền mà còn chỉ một kỷ nguyên khởi sự lúc lưu đày trở về và kéo dài tới năm 70 cn. Đó là kỷ nguyên của Do thái giáo.
Ngôn sứ Nơkhemia lên tiếng 2 lần (các năm 445 và 432) để khuyến khích xây dựng lại tường luỹ thành Giêrusalem, đánh dấu sự độc lập khỏi Samaria. Cũng chính trong thời kỳ này Malakhi cố gắng làm sống lại đức tin của dân.
Năm 398 (niên biểu khả dĩ chấp nhận được, vì các niên biểu thời này rất lộn xộn), Ét-ra được vua Artarxerxès giao trách nhiệm ổn định trật tự trong vùng. Bằng những biện pháp cứng rắn, ông tái lập sự tinh tuyền của đức tin, buộc huỷ bỏ những cuộc hôn nhân với những người không phải Do thái, bắt mọi người phải giữ “Luật của Chúa Trời” coi đó như là luật nước. Hình như luật ấy chính là Bộ Ngũ thư bây giờ mà Ét-ra đã soạn lại từ 4 nguồn truyền thống JEDP.
Nkm 8-10 mô tả một cuộc lễ long trọng được coi như lúc khai sinh chính thức cho Do thái giáo. Dân không tụ họp trong Đền thờ mà là ở một quảng trường, không có dâng

những lễ tế mà là đọc sách luật và cầu nguyện. Đây là nét chính của phụng tự Hội đường được khai sinh ngày hôm ấy.

 

  1.  NHỮNG NÉT QUAN TRỌNG

Chúng ta còn chưa rõ nhiều chi tiết của lịch sử Israel. Tuy nhiên vẫn có thể thấy được một vài điểm chính như sau :

  1.  
    1. Quyền nằm trong tay các tư tế :

Chính các tư tế đứng ra tổ chức dân. Họ thực thụ là những lãnh tụ cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị.

  1.  
    1. Những người Do thái ở nước ngoài (diaspora) :

Có nhiều người Do thái ở lại Babylone, làm thành một cộng đoàn sinh động. Còn có một cộng đoàn ở Éléphantine và một cộng đồng nữa ở Alexandria (Aicập)… Đó là những diaspora (tiếng Hy Lạp nghĩa là “tản mác”) tức là những nơi quy tụ các người Do thái tha hương trên khắp thế giới.

  1.  
    1. Tiếng Aram được chọn làm ngôn ngữ chung :

Aram là thứ ngôn ngữ gần với tiếng Híp-ri, nó được dùng làm tiếng quốc tế được sử dụng trong khắp đế quốc Ba Tư trong công việc thương mại và ngoại giao (như tiếng Anh ngày nay). Ở Giuđêa, tiếng Aram dần dần thay thế tiếng Híp- ri là thứ tiếng chỉ còn dùng trong phụng vụ. Thời Đức Giêsu dân nói tiếng Aram và không còn hiểu tiếng Híp-ri nữa.
Ngôn ngữ chung Aram và Diaspora, đó là 2 nhân tố góp phần làm cho người Do thái hướng tới khuynh hướng đại đồng.

SINH HOẠT VĂN CHƯƠNG :

Thời này có nhiều ngôn sứ hoạt động như : Khacgai, Dacaria, Malakhi, Ôvađia và nhất là Đệ tam Isaia.
Nhưng nổi bật nhất trong thời này là ảnh hưởng của các ký lục và hiền sĩ. Các ký lục (như Ét-ra) đọc lại Sách thánh, tập họp chúng lại (Bộ Ngũ thư), bổ sung chúng (những quyển sử Biên niên, sách Ét-ra, Nơkhemia). Các hiền sĩ gom góp những tư tưởng của các thế hệ trước và làm thành những tác phẩm lớn như sách Ruth, Giona, Châm ngôn, Gióp.
Các Thánh vịnh cũng bắt đầu được tập họp lại thành những sưu tập mà không bao lâu sẽ thành một quyển chung.

Bài 2
 

NHỮNG NGÔN SỨ THỜI HỒI HƯƠNG

  1.  KHÁC GAI

Năm 520, Khácgai gửi cho dân hồi hương một sứ điệp tuy ngắn nhưng thẳng thừng : “Các ngươi đã hồi hương 20 năm rồi. Các ngươi đã xây dựng nhà cửa cho mình, thế mà nhà của Thiên Chúa vẫn còn hoang tàn !”. Vấn đề mà Khacgai đặt ra là Israel muốn xây dựng đất nước cùng với Thiên Chúa hay bất cần Thiên Chúa. Quả là một vấn đề thời nào cũng có giá trị.

  1.  ĐỆ NHẤT DACARIA : Dcr 1-8

14 chương của quyển sách như hiện nay thực ra gồm sứ điệp của 2 ngôn sứ được gọi là Đệ nhất và Đệ nhị Dacaria. Ta sẽ đọc sứ điệp của Đệ nhị Dacaria trong chương sau.
Đệ nhất Dacaria dựa vào lời rao giảng của Khácgai, nhưng diễn tả theo ngôn ngữ riêng của mình, mang màu sắc khải huyền.

  1.  MALAKHI

Khi Malakhi rao giảng thì đền thờ đã xây dựng xong, phụng vụ và lễ tế đã bắt đầu lại… Nhưng đồng thời cũng sống lại những tệ nạn trước thời lưu đày : chỉ lo lễ nghi bề ngoài trong khi cuộc sống thì bất công, bất nghĩa…
Malakhi đã phản ứng lại cách mạnh mẽ và sứ điệp của ông sẽ có ảnh hưởng lớn cho tới tận thời Tân ước.

Tác phẩm của ông mang một hình thức một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Ngài, chuẩn bị cho cuộc đối thoại trong Tin mừng : “Ta đói… nhưng lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói đâu ?…” “Chúa phán : Ta yêu thương các ngươi. Và các ngươi hỏi lại : Chúa yêu thương chúng con chỗ nào đâu ?” Cái điệp khúc “và các ngươi hỏi lại” được tác giả lặp lại 8 lần để chống một dân hay vặn hỏi ! 8 lần để lột trần tội lỗi khéo được che giấu. Tội của những kẻ đang đổ thừa cho Chúa (1,6t) tội của các tư tế không giảng dạy Lời Chúa (2,1t), tội của những kẻ bơ vơ (2,10t : một bài suy gẫm tuyệt vời về hôn nhân), tội của những kẻ không còn biết phân biệt lành dữ (2,17t)…
Trong phần cuối, Thiên Chúa loan báo Ngài sẽ gửi xuống trần ngôn sứ Êlia trước ngày phán xét. Đoạn văn này sẽ góp phần làm cho Êlia có tầm quan trọng đặc biệt trong Do thái giáo. Đức Giêsu sẽ tuyên bố rằng Gioan Tẩy giả hoàn thành vai trò của Êlia (Mt 17,9t).

  1.  GIOEN

Ta không rõ “vị ngôn sứ môi sinh” này rao giảng lúc nào. Ông coi “ô nhiễm môi sinh” là một dấu chỉ rằng đã đến “ngày của Chúa“, ngày mà Thiên Chúa lột con người khỏi tội lỗi. Nhưng trong con người đã bị lột trần ấy, Ngài sẽ đặt Thánh Linh của Ngài vào. Hôm lễ Ngũ tuần, Phêrô sẽ trích Gioen 3 lần (Cv 2).

LỜI CỦA THIÊN CHÚA

Nhiều người thất vọng khi đọc Thánh kinh : họ tưởng gặp thấy “Lời của Thiên Chúa”, thế nhưng chỉ thấy “Lời của loài người”.

Đôi khi người ta có một ý tưởng hơi ma thuật về Lời Chúa, tưởng đó là một cái gì từ trời rơi xuống, đang khi thực ra Thiên Chúa mặc khải trong lịch sử, trong những biến cố đời sống con người. Chính đó là nơi ta phải cố gắng tìm hiểu Lời Chúa.
Phải chăng một số Kitô hữu cũng hơi thất vọng tương tự trước Đức Giêsu ? Họ tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Lời. Thế nhưng nhiều người khác lại coi Đức Giêsu là một con người như họ, Gioan đã không viết “chúng tôi đã thấy Lời” mà lại viết “điều chúng tôi đã thấy và đã nghe về Lời” (1Ga 1,1). Tức là : xuyên qua những gì chúng ta đã thấy (những cử chỉ, những lời nói, cũng như chúng ta thôi), chúng ta được đức tin và Thánh Linh soi sáng, và chúng ta được thấy Lời.
Trong Cựu ước, Thiên Chúa cũng không làm khác. Những người Do thái cũng trải qua những biến cố thông thường, thế nhưng ai có đức tin (nhất là các ngôn sứ) thì đọc được Lời Chúa trong những biến cố ấy.
Tuy nhiên ta có thể lầm… Có chắc gì những ngôn sứ và những tín hữu kia không lầm ? Chính ở đây đức tin và Thánh Linh trở thành cần thiết (Ga 16,13). Chờ cho Lời Chúa từ trời rơi xuống là thái độ chối từ không tin Thánh Linh và không sống đức tin.

  1.  ĐỆ TAM ISAIA : Is 56-66

Trước lời hứa trong Đệ nhị Isaia về một cuộc xuất hành mới, dân Do thái hồ hởi trở về quê hương. Nhưng khi đã về tới nơi sự thật lại chua chát phũ phàng, lòng hồ hởi ban đầu như quả bóng xì hơi : cuộc sống thì nghèo khổ, người ta

không còn tin vào tương lai… Khi đó một môn đệ của Isaia lên tiếng hầu tái lập đức tin.
Sứ mạng thật khó khăn vì thính giả không phải là một khối thống nhất, họ gồm những người từ Babylone hồi hương, những người Do thái “bám trụ” tại chỗ, những ngoại kiều đã đến đấy lập cư, và những người Do thái ở Diaspora. Chia rẽ, thù ghét, khinh chê nhau… Cộng vào đó còn nạn thờ ngẫu thần và nỗi thất vọng. Sứ mạng của Đệ tam Isaia là đem lại hăng say cho mọi người.
Quyển sách hiện nay được trình bày như một đường cong, trong đó các bản văn tương ứng nhau từng cặp, quanh một chóp đỉnh là chương 61. Trước khi nghiên cứu chóp đỉnh này, ta hãy đọc lướt qua toàn thể.

  • 56,1-8 : các ngoại kiều có thể thuộc về dân Chúa, bởi vì “nhà cầu nguyện” của Ngài là nhà của mọi dân, 66,17-24. Thiên Chúa sẽ tập họp tất cả các dân cho một cuộc tạo dựng mới.
  • 56,9-57,21 : ngôn sứ than phiền về sự kiện những kẻ tin được tự động thuộc về dân Thiên Chúa. 66,1-16 : ngược lại ông cho thấy rằng Thiên Chúa ban cho con gái Sion có quyền sinh ra một dân mới.
  • 58 : cách sống đạo đích thực, việc ăn chay đích thực làm Thiên Chúa vui lòng, chính là chia cơm sẻ áo, dẹp bỏ bất công và phóng thích những kẻ bị áp bức… 65 : những lời chúc phúc và chúc dữ đối với những người để cho Chúa thương hoặc từ chối tình thương của Ngài.
  • 59,1-15 : lời buộc tội của ngôn sứ đã có kết quả : dân xưng thú tội lỗi. 63,7-64,11 : đây là một thánh vịnh khẩn cầu, tiền vị của kinh Lạy Cha sau này : nài xin Thiên Chúa

thương xé trời ngự xuống. Theo Mc, điều này sẽ được thực hiện trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa (Mc 1,10).

  • 59,15-20 và 63,1-6 : không nên coi thường Thiên Chúa, Ngài sẽ đè bẹp kẻ thù… Sách Khải huyền (19,13) sẽ áp dụng đoạn này cho Đức Kitô : máu Ngài chảy ra sẽ chuộc lấy tội lỗi chúng ta.

Nghiên cứu một bản văn : Is 60-63

Is 61 là chóp đỉnh của tác phẩm, nhưng nó thuộc về một toàn thể thống nhất chung với các chương 60 và 62. Vì vậy ta phải nghiên cứu chung cả 3 chương.

  1.  
    1. Vui lên nào hỡi con gái Sion… Is 60 và 62.

Bạn hãy chịu khó đọc 2 chương này, chú ý xem tác giả trình bày các vai như thế nào ?

  • Thiên Chúa: mang khuôn mặt nào ? tác giả dùng những hình ảnh gì để mô tả những tình cảm của Ngài ?
  • Con gái Sion : là ai ? hãy để ý những hình ảnh diễn tả sự thay đổi hoàn cảnh của nàng ?
  • Những đứa con: là ai ? từ đâu tới ? được thu hút đến bởi gì ?

Đây là một hình ảnh lạ thường về dân Chúa (và về Giáo hội bây giờ) : giống như một ngôi nhà toả ánh sáng trên khắp vùng tăm tối chung quanh để dẫn dắt những người bước đi trong bóng tối, dân Chúa cũng là một ngọn đèn sáng đặt giữa thế gian để dẫn đường cho người ta. Nhưng sự sáng không tự nó phát ra mà phát ra từ Thiên Chúa ngự trong đó.

  1.  
    1. Thánh Linh của Chúa ngự trên tôi… Is 61.

Chương này chia thành 3 phần:

  • 61,1-4 : ngôn sứ tự giới thiệu. Ông được ơn gọi ra sao ? sứ mạng của ông là gì ? ông được sai tới ai, để mang “tin mừng” gì ? hãy chú ý những hình ảnh diễn tả sự biến đổi.
  • 61,5-9 : ngôn sứ nói với thính giả. Ông nói, và Chúa nói qua ông (c.8) về tương lai. Điều gì được hứa ? vai trò của dân sẽ như thế nào ?
  • 61,10-11 : ngôn sứ hoặc dân (hoặc cả hai) bày tỏ sự hứng khởi. Lý do và nguồn gốc của niềm hứng khởi ấy ?

Bây giờ bạn hãy đọc lại toàn thể Is 60-62. Tin mừng mà tác giả nói có thể gây hứng khởi cho đám dân hồi hương đang thất vọng ấy là tin mừng gì ?
Xin hãy đọc Lc 4,16-21. Theo Lc, Is 61 diễn tả sứ điệp của Đức Giêsu như thế nào ? nó giúp ta hiểu ý nghĩa những phép lạ của Đức Giêsu và sứ điệp của những Lời chúc phúc như thế nào ?

Bài 3
 

LUẬT HOẶC NGŨ THƯ


Khi Ét-ra tới Giêrusalem vào năm 398 (?) nhiệm vụ của ông là tổ chức lại cộng đồng dân Do thái và giải quyết xích mích với dân Samaria.

  1.  LUẬT

Ét-ra buộc tất cả mọi người phải coi “Luật của Chúa Trời” như là luật nước (Er 7,21). Người ta nghĩ rằng đấy chính là Bộ Ngũ thư dưới hình thức như hiện nay, và chính Ét-ra đã soạn lại từ những nguồn tư liệu sau :

  •  
  • Lịch sử thánh của phía Nam (J).
  • Lịch sử thánh của phía Bắc (E).

Hai truyền thống này đã được hoà nhập thành một, tức là tài liệu Jehoviste.

  •  
  • Đệ nhị luật (D).
  • Lịch sử thánh tư tế và sách Lêvi (P).
  • Những truyền thống độc lập, cách riêng là những khoản luật về lễ tế và những cuộc lễ do các tư tế soạn sau khi hồi hương.

Với những bản văn trên, Ét-ra đã soạn lại thành một bộ sách tuy không phải lúc nào cũng mạch lạc, nhưng ít ra là có tính thống nhất.

Lịch sử thánh khởi đầu từ cuộc tạo dựng cho tới cái chết của Môsê và làm nổi bật hai nhân vật Abraham và Môsê.
Sau tường thuật về khởi nguyên (St 1,11) phần còn lại của sách Sáng thế (12,50) nói về các tổ phụ, nhất là Abraham. Ông này được coi là Cha của những kẻ tin, là người mang lời hứa của Thiên Chúa (giao ước : St 15 và 17), là trung gian cầu bầu với Thiên Chúa (St 18), là người hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài đòi ông hiến tế con ông (St 22).
Trong sách Xuất hành, Môsê nhập cuộc và đóng vai trò chính cho tới cuối sách. Sau khi nhắc lại thời nô lệ ở Aicập và ơn gọi của Môsê (Xh 1-5), tác phẩm tập chú vào giao ước núi Sinai : đóng khung bởi 2 tường thuật về cuộc sống trong sa mạc (Xh 16-18 ; Ds 11-12), phần trung tâm là bộ luật giao ước (Xh 2023) và những khoản luật tư tế (Xh 25-31 và 35- 40) ; sách Lêvi, Dân số 1-10. Trong toàn thể này, chuyện con bê vàng (Xh 32-34) nhắc về những mối nguy phá vỡ giao ước. Phần cuối nói về cuộc hành trình về Đất hứa (Ds 13-36) và những lời cuối cùng của Môsê trên núi Nêbô (sách Đệ nhị luật).
Như thế Môsê được trình bày như người trung gian. Ông hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa là Đấng giúp ông giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ và đưa họ tới phụng sự Thiên Chúa bằng cách tuân giữ Luật mà Ngài ban cho họ. Ông cũng hoàn toàn đứng về phía dân, liên đới với dân. Và cùng với dân bị chết trong sa mạc. Môsê cũng chết trước khi tiến vào Đất hứa, nhưng là chết “trong nụ hôn của Chúa” (Đnl 34,5).

  1.  TORAH THÀNH VĂN VÀ TRUYỀN KHẨU

Đối với người Do thái, Lời Chúa chủ yếu là Luật (tiếng Híp-ri : Torah) mà Thiên Chúa đã ban cho dân ở Sinai.
Luật được lưu giữ, dưới hình thức thành văn trong Bộ Ngũ thư. Đó là trái tim của Sách thánh.
Tuy nhiên – các rabbi sẽ nhấn mạnh rất kỹ điều này – luật ấy cũng được lưu truyền song song dưới hình thức truyền khẩu. Những truyền khẩu ấy cũng quan trọng không kém sách thánh.
Các sách ngôn sứ cũng là Lời Chúa nhưng không phải cùng một tước hiệu. Trong phụng vụ vai trò của chúng là soi sáng cho luật.
Còn về “các sách vở, chúng cũng được tôn kính nhưng không được coi trọng như Luật và các sách ngôn sứ.
Đến đây ta mới thấy được vai trò quan trọng của Ét-ra là người có công san định lần cuối thành bộ luật, như lời của một rabbi sau đây: ” Nếu như luật đã không được ban cho Môsê thì Ét-ra xứng đáng nhất để đón nhận nó”. Môsê và Ét-ra vẫn là 2 khuôn mặt lớn nhất của Do thái giáo.

  1.  DÂN SAMARIA

Hình như Ét-ra đã thành công trong việc buộc giữ “Luật Chúa Trời” đối với cả dân Do thái lẫn dân Samaria vốn là một dân có nguồn gốc rất lộn xộn. Thực ra 2 dân chỉ hợp nhất được một thời gian ngắn rồi lại chi rẽ nhau (có lẽ vào thời Alexandre). Dân Samaria còn dựng đền thờ riêng của họ trên ngọn Garizim. Tuy nhiên họ tuân giữ Luật (hoặc Ngũ thư) mà trên thực tế bản văn cũng giống với bản văn của

người Do thái. Đó là những sách thánh duy nhất mà họ nhìn nhận.
Như thế liên hệ giữa dân Samaria và Do thái rất phức tạp. Tin mừng cho ta biết rằng vào thời Đức Giêsu 2 dân này rất nghịch nhau. Tuy nhiên họ đều biết mình có cùng một vận số.
Một cộng đồng người Samaria vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và hàng năm vẫn tế lễ chiên vượt qua trên núi Garizim.

 

  1.  HAI QUYỂN SỬ BIÊN NIÊN – SÁCH ÉT-RA VÀ SÁCH NƠKHEMIA

Tác phẩm được viết có lẽ vào đầu thời Hy Lạp. Không rõ tác giả, người ta gọi ông là “Sử gia” (chroniste hay chroniqueur), tham vọng của ông là viết một lịch sử từ Adam tới Ét-ra ! khi viết ông trích nhiều nguồn : có tới 20 quyển đã được trích, trong đó một số ta biết (Samuel, Các vua) và một số khác ta không biết. Tác phẩm gồm 2 tập rồi được cắt ra thành 4 : Sử biên niên quyển I, sử biên niên quyển II, sách Ét-ra, sách Nơkhemia.
Ta sẽ thấy thú vị nếu so sánh vài đoạn của Sử biên niên với những đoạn của sách Samuel và sách Các vua. Qua đó ta sẽ biết cách viết một bài midrash như thế nào. Sau đây là một vài nét đặc thù.
Tác giả Sử biên niên đưa ra một thần học về lịch sử. Để cho thấy ngày nay dân phải sống thế nào, ông lí tưởng hoá một giai đoạn lịch sử đã qua : thời Đavít-Salômon. Do đó ông lướt nhanh giai đoạn từ Adam tới Đavít (nhất là các

gia phả). Đối với thời Đavít, ông kéo dài ra, chọn các nguồn, loại bỏ những chuyện nào bất lợi cho Đavít (Đavít phạm tội, sự xa hoa và tội thờ ngẫu thần của Salômon). Đavít được trình bày như một vị vua vừa ý Thiên Chúa, là đại diện cho Thiên Chúa, là vua duy nhất của Israel. Đavít có công lập một thủ đô (Giêrusalem) cho cả nước chuẩn bị xây dựng Đền thờ, ông còn có công tổ chức việc phụng tự.
Tác giả Sử biên niên không nói đến lịch sử của vương quốc phía Bắc. Ông quan tâm nhiều nhất tới lịch sử Đền thờ và phụng tự. Ông coi trọng các tư tế và Lêvi.
Ý của ông là muốn chứng minh rằng : khi nào các vua và dân còn trung thành thì họ hạnh phúc ; ngược lại khi họ bất trung thì họ cũng bất hạnh. Một cách hơi đơn giản, ông dùng các hình ảnh để cho thấy vương quốc của Thiên Chúa có thể được sống như thế nào ở thế gian này.
Bạn có thể đọc Nkm 8-9.

  • Nkm 8 : phụng tự gồm những yếu tố nào ? diễn ra ở đâu ? ai chủ toạ ? có gì mới so với phụng tự ở Đền thờ ?
  • Nkm 9 : đây là một bản thú tội. Trong đó tác giả nói tới những điểm lịch sử nào ? ta có thể nương tựa vào đâu ? vào công nghiệp mình ? hay vào Thiên Chúa ? Thiên Chúa có những phẩm tính nào ? những điều trên giúp gì cho sự cầu nguyện của chúng ta ?

Bài 4
 

SỰ KHÔN NGOAN


Tất cả chúng ta, bạn cũng như tôi, đều là những người khôn ngoan, nhưng chúng ta không phải tất cả là những người viết các tác phẩm về sự khôn ngoan.
Người khôn ngoan là kẻ cố gắng sống tốt, biết tìm tòi những gì có ích cho cuộc sống chứ không dẫn tới sự chết. Vì thế người khôn ngoan suy tư về những vấn đề lớn của con người như : sống, chết, tình yêu, đau khổ, sự dữ… đời người có nghĩa gì không ? ý nghĩa đó là gì ?.. Và mỗi người theo trình độ của mình, người trẻ và kẻ già, ông giáo sư và người thợ thủ công hoặc bà nội trợ, ai cũng làm triết lý, ai cũng có sự khôn ngoan và nghệ thuật sống của mình.
Đôi khi có những nhà thơ, những triết gia viết những suy tư ấy ra thành những tác phẩm lớn.
Đó là điều xảy ra đối với Israel. Từ lúc dân tộc của họ có, họ đã tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, họ suy tư về những vấn đề lớn và chúng ta đã thấy chẳng hạn tường thuật về tạo dựng là “một suy tư khôn ngoan”. Họ đã diễn đạt những suy tư ấy ra thành châm ngôn và những lời cầu nguyện, tức là những phác thảo của những tác phẩm.
Thế nhưng chỉ sau thời lưu đày mới có một số người viết những suy tư ấy ra thành sách, những quyển mà chúng ta sắp đọc dưới đây.
Tuy nhiên ta phải coi chừng một nguy hiểm có thể có trong việc nghiên cứu của chúng ta. Trong 5 chương trước

chúng ta đã thấy tiến trình hình thành Bộ Ngũ thư, đợi đến chương VI này ta mới nói tới những sách khôn ngoan. Như thế có thể khiến ta tưởng rằng Israel ban đầu chỉ sống kế đó mới viết lịch sử, và phải chờ 8 hoặc 9 thế kỷ mới bắt đầu suy tư ! Dĩ nhiên là sai. Chúng ta đang đọc những quyển sách được viết vào thời ấy. Thế nhưng chúng chứa đựng suy tư của bao thế hệ trước.

  1.  AI LÀ NGƯỜI KHÔN NGOAN (HAY HIỀN SĨ) Ở ISRAEL ?

Thưa là bất cứ người Israel nào. Khôn ngoan là của dân gian, rất nhiều châm ngôn chứa đựng sự khôn ngoan của các bậc tiền bối dưới hình thức những ngạn ngữ rất sâu sắc.
Kế đến là nhà vua, kẻ lãnh trách nhiệm quản trị dân, do đó cần phải biết phân biệt cái gì tốt và cái gì xấu cho dân. Vua được coi là chia sẻ sự khôn ngoan của thần linh.
Các ký lục : khôn ngoan của dân gian, tuy nhiên nó cũng có tính uyên bác. Các ký lục (phần đông là quan chức triều đình) là những người khôn ngoan hàng đầu, và chính nhờ khôn ngoan mà họ nắm quyền. Sẽ thường xuyên có xung đột giữa các ngôn sứ hay bảo vệ những người thấp cổ bé miệng với giai cấp ký lục.
Những hiền sĩ sau thời lưu đày là những kẻ thừa kế tất cả những trào lưu trên. Nhờ biết suy tư và biết viết, nên sự khôn ngoan của họ tuy cũng là suy tư của con người nhưng đồng thời cũng được coi là một ơn ban của Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan duy nhất.

VÀI NÉT VỀ KHÔN NGOAN

Khôn ngoan là nghệ thuật sống tốt, nó tìm tòi những gì đưa tới sự sống chứ không dẫn tới sự chết. Nó là suy tư về những vấn đề lớn của con người như sống, chết, yêu thương, đau khổ, sự dữ, tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, cuộc sống xã hội…
Khôn ngoan có tính phổ quát và vượt thời gian. Đau khổ, sống, chết, yêu thương không có biên giới. Người bệnh rên đau ở Babylone hay ở Israel 2.000 năm trước cn cũng không làm gì khác hơn người bệnh hấp hối trong một bệnh viện thời nay.
Như thế, các hiền sĩ của Israel có thể múc lấy suy tư từ nguồn phong phú của các nền văn minh khác : Aicập, Babylone, Hy Lạp… rồi đúc lại trong một cái khuôn độc đáo là đức tin vào Thiên Chúa duy nhất. Như thế rốt cục sự thật
– nguồn cội của khôn ngoan – chính là Thiên Chúa ; và cách duy nhất để có được khôn ngoan chính là liên hệ mật thiết và kính cẩn với Thiên Chúa, điều mà Thánh kinh gọi là “lòng kính sợ Chúa“.

  1.  NHỮNG SÁCH VỀ KHÔN NGOAN TRONG THỜI BATƯ
    1.  Sách Ruth :

Đây quả là một trò đùa của Thiên Chúa ! Để giữ cho đức tin được tinh tuyền, Ét-ra vừa buộc những người Do thái lỡ cưới vợ ngoại phải bỏ những người vợ đó. Thiên Chúa thấy điều này cũng đúng nhưng hơi khắt khe, do đó Ngài soi sáng cho có người viết ra câu chuyện này. Booz là một người Do thái đạo đức ở Bêlem, kết hôn với Ruth là một cô gái

ngoại của xứ Moab. Họ sinh ra một đứa con là Obed, cha của Jessé và là ông nội của… Đavít !
Một bài học về tinh thần đại đồng và một lời nhắc nhở đầy khôi hài của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta vốn tưởng mình kính mến Thiên Chúa vì đã giữ kỹ các lệnh truyền của Ngài : “Kính mến Ta thì tốt đấy, nhưng đừng cuồng tín. Chớ nên lẫn lộn mục đích với phượng tiện”. Tên bà Ruth sẽ được kể trong gia phả của Đức Giêsu (Mt 1,5).

  1.  
    1. Sách Giôna :

Giôna, vai chính của câu chuyện này, là một ngôn sứ không đồng ý với những cách hành xử của Thiên Chúa. Ngài sai ông đi rao giảng ở Ninivê thủ đô của Assyria, một đế quốc thù nghịch với dân Do thái. Ninivê nằm ở phía Đông, Giôna xuống tàu đi về phía Tây ! Nhưng Thiên Chúa khiến một con cá to thộp đầu ông lại để nhả ông lại trên bờ biển phía Đông. Giôna chỉ còn nước theo đúng hướng Ngài chỉ.
Khi tới Ninivê, ông giảng rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt thành này, và ông đã rất hí hửng. Thế nhưng dân thành ăn năn sám hối và Thiên Chúa không phạt họ…
Một bài học tuyệt vời về tinh thần đại đồng. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, “Ngài không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 33,11).
Sau này Đức Giêsu sẽ dùng Giôna làm một dấu chỉ để kêu gọi hoán cải (Lc 11,29; Mt 16,4) và Mt coi ông là hình ảnh của sự sống lại (Mt 12,40).
 

MIDRASH VÀ TARGUM

Người Do thái đã sớm đặt vần đề làm sao cập nhật hoá Sách thánh. Lời Chúa được phán ra trong một hoàn cảnh xa lạ không giống như hiện thời của họ. Do đó cần phải đọc lại để khám phá xem lời ấy có ý nghĩa gì cho cuộc sống hiện thời của họ.
MIDRASH (từ gốc chữ darash nghĩa là “tìm tòi”) vừa chỉ một phương pháp giải thích Sách thánh, vừa chỉ những quyển sách được viết theo phương pháp ấy.
Có hai loại Midrash :

  • Midrash halakak (halakak là “con đường”) nhằm tìm ra những quy luật hướng dẫn cách sống. Trong Do thái giáo, halakhôt (số nhiều của chữ halakak) đồng nghĩa với quy luật.
  • Midrash aggadah : kể chuyện) nhằm đưa ra những bài học giáo dục.

Tài liệu P đã đọc lại những truyền thống trong bối cảnh lưu đày để tìm ý nghĩa của lịch sử và niềm hi vọng cho cuộc sống. Tác giả Sử biên niên tìm cách rút từ lịch sử ra một cách thức sống Nước Thiên Chúa. Đấy là 2 thí dụ về Midrash halakak. Còn sách Ruth và Giôna thuộc thể loại Midrash Aggadah.
TARGUM là cách dịch bằng miệng Sách thánh từ tiếng Híp-ri sang tiếng Aram. Mặc dù Híp-ri vẫn còn là ngôn ngữ phụng vụ nhưng từ một lúc nào đó dân chúng không còn hiểu nó nữa vì họ đã quen nói tiếng Aram. Do đó trong phụng vụ người ta đọc sách thánh bằng tiếng Híp-ri rồi có một ký lục dịch ra tiếng Aram. Nhưng thay vì dịch sát từng chữ thì người ta dịch rộng ra theo nghĩa mà người ta hiểu lúc đó (vừa dịch vừa quản diễn).

Trong buổi lễ mà Ét-ra chủ sự (Nkm 8-9), sau phần đọc sách thánh, các Lêvi đã giải nghĩa cho dân hiểu. Có lẽ đó là một trong những thể hiện Targum đầu tiên.
Những Targum chính đã được cố định khoảng đầu công nguyên. Nhờ chúng mà ta thấy được thời Đức Giêsu người Do thái đã hiểu một số đoạn sách thánh như thế nào.
Sau này các Kitô hữu đầu tiên sẽ tiếp thu cách giải thích sách thánh ấy. Họ thường đọc sách thánh dưới ánh sáng của Targum, đôi khi họ cũng viết những midrash Kitô giáo (chẳng hạn những tường thuật trong Mt về thời thơ ấu của Đức Giêsu).

  1.  
    1. Sách Gióp :

Vào thời mà Hy lạp có những thi hào soạn những vở kịch về lịch sử và con người (chẳng hạn những vở Les perses, Antigone) thì có một người Do thái cũng viết một vở kịch về số phận của con người trước đau khổ. Đó là sách Gióp.
Hình thức hiện nay của tác phẩm là kết quả của một lịch sử dài : cái sườn là một chuyện bằng văn xuôi có lẽ đã có từ thời Salômon, sau thời lưu đày người ta thêm vào đó những cuộc đối thoại giữa Gióp và các bạn ông.
Bi kịch của Gióp cũng là của mọi tín hữu vô tội mà phải chịu khổ. Gióp tin nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa công bình và toàn năng. Rồi ông gặp khổ, ông đã xét mình kỹ (xét về đức công bình và bác ái với tha nhân) và thấy mình vô tội.
Tác giả đặt vào miệng các bạn của Gióp những luận đề cổ truyền : “Anh khổ là vì anh đã phạm tội… anh khổ là vì

Chúa thương anh nhiều, bởi vì Chúa phạt kẻ Chúa thương…” Nhưng Gióp phản đối : toàn những lời bá vơ ! Ông kêu lên Chúa, nhưng Chúa im lặng, ông la lối, ông nổi loạn, ông nguyền rủa…
Cuối cùng thì Thiên Chúa lên tiếng, không phải để giải thích hay để an ủi mà là để đè bẹp Gióp bằng vẻ huy hoàng của công trình tạo dựng và để đặt cho ông một câu hỏi : “Ngươi có quyền gì mà bắt Ta trả lời ?” và Gióp cúi mình khuất phục.
Rốt cục ta cũng chẳng hiểu lý do của sự dữ. Dù sao cũng là tốt nếu có một quyển sách như thế bày tỏ sự nổi loạn của chúng ta trước sự dữ. Bởi vì nổi loạn và nguyền rủa cũng có thể là một cách cầu nguyện (42,7: Thiên Chúa phán : “Chỉ có Gióp là thẳng thắn nói về Ta”). Những lời giải thích đầy mùi đạo đức chẳng giá trị gì cả. Thái độ duy nhất có thể được của kẻ tin là trông cậy. Đó là thái độ của nữ sĩ Marie Noel (“trong giờ khủng khiếp tôi tưởng là Chúa không có thật, tôi vẫn cứ yêu mến Ngài“). Đó cũng là thái độ của Đức Kitô trên thập giá.
Bạn có thể đọc :

  • Nỗi thất vọng của Gióp : 3,6-7; 29-30.
  • Sự khôn ngoan mầu nhiệm của Thiên Chúa : 28.
  • Gióp xét mình : 31.
  • “câu trả lời” của Thiên Chúa : 38.
    • Sách Châm ngôn :

Quyển này giúp ta có một cái nhìn tổng quát về nền văn chương Khôn ngoan và sự tiến hoá của nó.

Sách gồm 9 sưu tập có chiều dài, bút pháp và thời kỳ soạn tác khác nhau. Những châm ngôn xưa nhất có thể lên tới thời Salômon (trong các chương 10-22). Hai sưu tập (30- 31) được coi là của những hiền sĩ ngoại quốc, chứng tỏ tính phổ quát của sự khôn ngoan. Sưu tập của “các hiền sĩ” (22,17-24,22) có nhiều điểm tương đồng với một tác phẩm Aicập mang tựa đề “Khôn ngoan của Amenemopé”. Phần đầu (1-9) và phần cuối (31,10-31) được soạn sau thời lưu đày.
Khởi sự bạn hãy đọc những sưu tập xưa nhất. Không cần đọc liền một hơi những chương này, nhưng đọc chậm rãi để thưởng thức từng câu. Có thể đọc theo chủ đề, chẳng hạn như sau :

  • Kính sợ Chúa là nguồn gốc của khôn ngoan 10,27; 14,2.26-27.
  • Những câu nói về Thiên Chúa (TOB : Đức Chúa ; BJ : Jahvé). Ngài làm gì ? 10,22-29 ; 11,1; 12,2.22.
  • Những phương pháp tích cực trong việc giáo dục : 10,11 ; 12,1 ; 19,29.
  • Vài đức tính (yêu thương, khiêm tốn, chính trực…) 10,2 ; 11,2 ; 12,28.
  • Nói về đàn bà (cả một sưu tập những câu khinh chê phụ nữ) 11,22 ; 18,22 ; 19,13 ; 21,9.19 ; 27,15…
  • Những bài học luân lý : sự ngoại tình 7,6-27 ; kẻ lười biếng 19,24 ; 24,30-34 ; người buôn bán 20,14 ; kẻ say sưa 23,29-35…

CHÂM NGÔN CỦA DÂN SUMER

  • Đối với người nghèo, thà chết còn hơn sống.

Có bánh thì không có muối, có muối thì không có bánh.

  • Chưa phải nuôi vợ nuôi con nghĩa là chưa phải mang dây xỏ mũi.
  • Bình nước trong sa mạc là sự sống của con người. Vợ là tương lai của con người.

Con trai là nơi nương tựa của con người. Con gái là phần rỗi của con người.
Nhưng con dâu là địa ngục của con người !

*** Bà Khôn : Cn 1-9

Những chương đầu (và 31,10-31) lại được soạn sau cùng, có lẽ vào thời Ba Tư. Tác giả lấy lại sứ điệp của Đệ nhị luật, Giêrêmia và Đệ nhị Isaia. Đây là những lời của ông thầy nói với học trò, âu yếm như cha mẹ nói với con : dạy phải sống khôn ngoan, phải yêu người lân cận (3,27t), đừng truỵ lạc. Tác giả tán dương lòng yêu người với giọng điệu như dạo trước cho sách Diễm ca (5,15-23).
Trong vài đoạn, tác giả trình bày sự khôn ngoan như một người : “Bà Khôn” (ngược lạ với “Bà Ngu ở 9,13t), ngôn sứ (1,20-33). Dưới đây ta sẽ nghiên cứu một bản văn rất đặc thù (8,22-31). Trong chương sau chúng ta sẽ thấy các hiền sĩ tiếp tục đi theo hướng ấy. Khôn ngoan càng ngày càng trở thành AI ĐÓ xuất phát từ chính Thiên Chúa. Sau này các Kitô hữu sẽ dùng những bản văn này để diễn tả thiên tính của Đức Kitô, Khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24).

*** Nghiên cứu một bản văn : Cn 8,22-31.

  • Có những vai nào ? các vai được bố trí ra sao trong bản văn ? hãy tìm những từ và những nhóm từ có nghĩa tương đồng ?
  • Thiên Chúa làm gì ? sự khôn ngoan làm gì ? khôn ngoan có địa vị gì trong tương quan với Thiên Chúa ? (hãy xem các động từ) trong tương quan với công trình tạo dựng ? với con người ? vai trò của Khôn ngoan là gì ?

Nhiều thuật ngữ rất khó hiểu, nhưng những chú thích của sách Thánh kinh (nhất là TOB) sẽ soi sáng bạn.
Nghiên cứu xong bản văn rồi, bạn có thể tự hỏi bản văn này có thể giúp ta hiểu vai trò của Đức Kitô như thế nào ? Hãy xem Cl 1,15-20.

“AMEN – AMÔN – AMOUN”

Câu 30 là một dịp tốt giúp ta nhận ra sự phong phú – và sự phức tạp – của ngôn ngữ Híp-ri. Trong chữ Híp-ri, và chữ Ả rập, người ta chỉ viết có phụ âm. Đến khi đọc thì mới thêm nguyên âm tuỳ theo ý nghĩa. Ở đây ta có 3 phụ âm của ngữ căn MN muốn nói tới một cái gì vững chắc. Trong phụng vụ chữ Amen có nghĩa là “Chắc chắn là vậy”. Còn trong câu này thì ta có thể đọc 2 cách : Amôn (phân từ hiện tại – participle présent) nghĩa là “người cưu mang”, “người xây cất”, từ đó có nghĩa là “kiến trúc sư” ; Amoun (phân từ quá khứ – participle passé) nghĩa là “người được xây dựng”, “người được cưu mang”, từ đó ra nghĩa “đứa con”, “con gái nhỏ”.

CHƯƠNG VII


ISRAEL DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA HY LẠP (333-63)
 

VÀ ROMA (sau năm 63)


Bài 1
 

LỊCH SỬ


Năm 333, nhờ thắng được Issos (phía Bắc Antioche), Alexandre mở được cánh cửa vùng Trung Đông. Năm 332 ông tiến đến Aicập và xây thành Alexandria. Năm 331, ông chiếm Babylone, Suse, Persépolis. Năm 327 ông tiến sát biên giới Ấn Độ và năm 323 vị vua trẻ mới 33 tuổi ấy đã chết tại Babylone. Trong vòng 10 năm, ông đã liên tiếp chiến thắng trên con đường viễn chinh 18.000 km, đã xây dựng hơn 70 thành trong đế quốc bao la (trong đó nhiều thành mang tên Alexandria) ông đã đem văn hoá Hy Lạp phổ biến khắp nơi và tạo ra một phương tiện để thống nhất toàn đế quốc, đó là một ngôn ngữ chung. Tiếng koinè (nghĩa là “ngôn ngữ chung”) được sử dụng lúc bấy giờ ở Hy Lạp, sẽ trở thành tiếng nói chung cho toàn vùng lòng chảo Địa Trung Hải suốt 8 thế kỷ dài (mãi tới năm 500 cn nó mới bị tiếng Latin thế chỗ). Đây cũng chính là thứ ngôn ngữ mà Cựu ước sẽ được dịch ra (bản dịch 70) và được dùng để viết Tân ước.

  1.  ISRAEL DƯỚI QUYỀN NHÀ LAGOS : 333-198

Sau khi Alexandre băng hà, các tướng lĩnh của ông (gọi là những vị Diadoques) tranh giành đế quốc và cuối cùng chia đế quốc làm 3 phần, lập nên các triều đại mang tên vị vua đầu tiên : triều đại Antigon ở Hy Lạp, triều đại Lagos ở Aicập và triều đại Seleucos ở Syria (từ Địa Trung Hải tới Ấn Độ).
Trong vòng hơn 100 năm, đất Palestina nằm dưới quyền nhà Lagos. Các vua của triều đại này đa số mang tên là Ptolémée và thường tôn trọng tập tục của các nước bị trị, do đó họ để cho dân Do thái được tự do theo quy chế mà Ét- ra đã ấn định. Dân Do thái cũng được hưởng một sự tự trị khá rộng.
Trong giai đoạn này Do thái giáo bắt đầu phân chia ra

ba trung tâm chính :

  • Ở Babylone, cộng đoàn kiều dân Do thái tiếp tục tồn tại. Nó sẽ sinh ra nhiều tác phẩm quan trọng, đặc biệt là Talmud de Babylone.
  • Ở Aicập, cộng đoàn Alexandria mở mang nhanh. Tới thời Đức Giêsu nó đã chiếm tỉ lệ 1/5 dân số trong thành. Cộng đoàn này khai sinh một hình thức Do thái giáo đặc biệt, có thể hoà đồng với tư tưởng Hy Lạp. Chính tại nơi đây Thánh kinh sẽ được dịch sang tiếng Hy Lạp (bản 70), nhiều sách khác được soạn (trong đó có sách Khôn ngoan) và cũng tại đây vào thời Đức Giêsu, triết gia Do thái tên Philon sẽ cố gắng suy tư đức tin của mình bằng phạm trù tư tưởng Hy Lạp.
  • Ở Palestina, cộng đoàn bị chia rẽ. Có những người bị cám dỗ chạy theo văn minh Hy Lạp, tham gia các trò chơi

và tới lui những hồ tắm Hy Lạp, thậm chí đi giải phẫu lại để che giấu vết tích cắt bì của họ. Nhưng có những người khác rất lo lắng trước làn sóng “Hy Lạp hoá”. Họ rất gắn bó với đức tin Do thái và những hình thức diễn tả đức tin ấy, họ thiết tha chứng minh rằng : đức tin Do thái giáo có thể giúp người ta triển nở trọn vẹn, và muốn duy trì đức tin Do thái giáo thì phải duy trì những hình thức lễ nghi Do thái giáo. Chính trong bối cảnh chia rẽ ấy đã phát sinh một số tác phẩm như sách Qohelet, Tobia, Siracide…

  1.  ISRAEL DƯỚI QUYỀN NHÀ SELEUCOS 198-63

Năm 198 đoàn voi Syria chọc thủng đạo quân Aicập và mở màn thời kỳ tử đạo cho Israel. Tại trận Paneion phía thượng nguồn sông Giođan, vua Antiochus III của triều Seleucos giành được quyền cai trị xứ Palestina khỏi tay Aicập.
Khác với nhà Lagos, nhà Seleucos chủ trương dùng sức mạnh để buộc người Do thái theo văn hoá và tín ngưỡng Hy Lạp. Năm 167, Antiochus IV bãi bỏ những đặc quyền của người Do thái, cấm giữ ngày Sabbat và việc cắt bì, đặt tượng thần Zeus trong Đền thờ Giêrusalem. Cuộc khủng hoảng càng trầm trọng thêm vì các tư tế không đồng tâm nhất trí, một số còn lại ủng hộ phong trào Hy Lạp hoá.
Nhân một dịp quan chức của Antiochus buộc dân phải tế thần, một tư tế đã giết chết ông này và cùng với 5 người con rút vào bưng biền. Người con thứ năm tên là Giuđa, chính tên riêng của ông này sẽ trở thành tên của cả gia đình : Macabê (nghĩa là “Búa”). Bằng những cuộc đột kích táo bạo, Giuđa Macabê giải phóng được Giêrusalem. Phụng tự tại Đền thờ được tái lập ngày 15-12-164. Từ đó lễ Cung hiến

Đền thờ hàng năm cũng là lễ tưởng niệm cuộc giải phóng đó. Hai anh của Giuđa và những người kế vị sau đó lập thành triều đại Macabê (hay còn gọi là triều đại Asmon) và thậm chí còn xưng hiệu là Vua.
Nhưng than ôi, lịch sử triều đại Asmon khởi sự bằng máu của các vị tử đạo sẽ kết thúc trong bùn nhơ. Những người kế nghiệp Giuđa đút lót các vua Seleucos để được phong làm thượng tế, một số còn giết chết những người Do thái vì trung thành với đức tin mà chống lại hành vi của họ.
Năm 63, dân Do thái chia rẽ thành 2 phe, mỗi phe ủng hộ vua riêng của mình. Họ dại dột kêu cầu Rôma làm trọng tài phân xử cho họ. Thế là tướng Pompée có lý do can thiệp : viện cớ để ủng hộ một phe Do thái, ông chiếm thành Giêrusalem sau 3 tháng bao vây. Đó là mở màn cho ách đô hộ của Rôma sẽ kéo dài cho tới thế kỷ VII cn khi quân Á rập tràn vào xứ này.

  1.  NHỮNG HỆ PHÁI DO THÁI
    1. Phái Pharisêu (nghĩa là “tách biệt” hoặc “biệt phái”). Những người phái này thuộc phong trào Hassidim (từ ngữ hésèd nghĩa là “sốt sắng, đạo đức”). Phong trào này đã có từ thời Ét-ra chủ trương xây dựng một đất nước trên những giá trị thiêng liêng. Những người Pharisêu rất có lòng đạo, rất gắn bó với Luật và các lễ nghi. Do lòng đạo đức sốt sắng và do thông thạo Sách thánh, họ sẽ trở thành lương tri của Do thái giáo.
    2. Phái Êssêni : từ hồi khám phá những thủ bản ở Qumrân người ta biết nhiều hơn về phái này. Họ cũng là những Hassidim. Có lẽ trong cuộc nổi dậy của gia đình

Macabê, họ cũng bỏ Giêrusalem rút vào sa mạc và trú tại một nơi gần Biển Chết, ở đấy họ thành lập một cộng đoàn Giao ước mới để chuẩn bị cho Đấng Messia tới bằng một cuộc sống cầu nguyện và suy gẫm. Vốn chủ trương đạo đức triệt để, họ cho rằng những người phái Pharisieu quá nguội lạnh nên đoạn giao với phái ấy.

  1.  
    1. Phái Sađóc : phái này gồm một nhóm tư tế cao cấp. Họ liên minh với các vua triều đại Asmon và dùng mọi phương tiện để bảo vệ quyền lợi của họ. Ta không nên lẫn lộn nhóm tư tế trưởng giả này với số đông các tư tế “cùng đinh” là những người thường rất sốt sắng và thiên hơn về phái Pharisêu.

SINH HOẠT VĂN CHƯƠNG

Thời này có một ngôn sứ được gọi là Đệ nhị Dacaria.
Phong trào Hy Lạp hoá gây nên nhiều phản ứng hoặc theo hoặc chống, biểu hiện trong những sách Qohelet, Siracides, Tobia, Diễm ca, Baríc và Khôn ngoan. Trong thời này Sách thánh được dịch sang tiếng Hy Lạp : bản dịch 70.
Cuộc bách hại của Antiochus và thiên anh hùng ca của nhà Macabê cũng làm phát sinh nhiều tác phẩm : Ét-te, Giuđitha, 1 và 2 Macabê và triển khai một thể loại văn chương mới phát sinh với những ngôn sứ sau cùng, đó là văn thể khải huyền, mà đại biểu trong Cựu ước là sách Đanien.
Những Thánh vịnh cuối cùng được soạn thành Bộ Thánh vịnh.

Bài 2
 

MỘT NGÔN SỨ THỜI HY LẠP ĐỆ NHỊ DACARIA


Nếu các chuyên viên Thánh kinh đã cắt Isaia ra làm 3 thì họ đã chia Dacaria ra làm 2 : các chương 9-14 là của một ngôn sứ thời Alexandre.
Việc vị vua trẻ này lật đổ quyền lực Ba Tư để lên ngôi bá chủ đã khơi lên biết bao hy vọng : rốt cuộc, Thiên Chúa sẽ can thiệp ! Tuy nhiên theo Dacaria sự đổi thay triệt để chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Vì thế ông kêu gọi người ta hi vọng vào Đấng Messia (đấng “xức dầu”) mà nhờ đấng ấy một ngày kia Thiên Chúa sẽ thiết lập vương triều của Ngài. Dung mạo mà Dacaria vẽ ra về đấng ấy rất độc đáo trong Thánh kinh : Ngài là tổng hợp tất cả các nét về Messia vuacon của Đavít hoặc Con của Thiên Chúa và những nét về Người Tôi tớ chịu khổ của Isaia. Đặc biệt có 4 bài thơ nói về Đấng ấy sau này sẽ được các Kitô hữu đầu tiên áp dụng cho Đức Giêsu. Sau đây ta hãy đọc chúng.

  1.  Vua Messia, khiêm tốn và hiếu hoà 9,9-10 :

9,1-8 có lẽ mô tả cuộc viễn chinh của Alexandre ở Palestina và Aicập năm 333. Ông ấy có phải là Đấng Messia chăng ? Dacaria trả lời rằng không.
9,9-10 : Dacaria mô tả vị vua Messia như thế nào ? chỗ dựa của Ngài là đâu ? Dựa vào sức mạnh của riêng mình ? hay dựa vào Thiên Chúa ? Ngài mang lại gì ?
So sánh với Mt 21,5 (xem chú thích của TOB).

  •  Người mục tử bị dân mình bán 11,4-17; 13,4-9 :

Không dễ tìm ra ý nghĩa của các hình ảnh trong chuyện này. Sau đây là ý nghĩa có thể của chúng : đoàn chiên là dân, các mục tử là các vua hoặc các thượng tế, những kẻ buôn bán là các ngôn sứ giả, các tư tế xấu đã giao dân cho quân thù, những người mua là quân thù, 3 mục tử bị giết là 3 thượng tế (?), cắt đứt ân huệ và cảm thông có lẽ là nhắc lại những cuộc xâm lược trong quá khứ cùng những sự ly khai giữa Israel và Giuđa năm 935 và giữa Israel với dân Samaria. Tác giả dựa theo ánh sáng của những biến cố quá khứ để tìm hiểu ý nghĩa các biến cố hiện tại.
Người mục tử là ngôn sứ, mà cũng là Thiên Chúa (11,13), để hạ nhục Người, người ta đã mua Ngài với giá tiền mua một tên nô lệ.
So sánh với Mt 26,31 và 27,3-10 : Đức Giêsu được đồng hoá với người mục tử tốt và với Thiên Chúa.

  •  Thiên Chúa bị đâm 12,10-13,1 :

Đây là lời tiên tri lạ thường nhất : trong bản thân một kẻ bị đâm, Thiên Chúa nói chính Ngài bị đâm !
Hậu quả bất ngờ của việc này như thế nào (13,1) xin đọc Ed 36,25t và 47,1-12. “nguồn” là gì ? phát xuất từ đâu ?
Bạn hãy đọc Ga 7,38 và 19,34 : Dacaria giúp ta hiểu thêm về Đức Giêsu như thế nào ? “nguồn” phát xuất từ đâu ? Gioan không có ý đưa ra một chỉ dẫn y học (Đức Giêsu bị đâm bên cạnh sườn nào) mà muốn nói về thần học : Đức Giêsu chính là Đền thờ thật từ đó phát sinh ra Thánh Linh.

NHỮNG SÁCH THUỘC ĐỆ NHỊ THƯ QUI, NHỮNG SÁCH NGUỴ THƯ


Có một khác biệt nhỏ giữa các Thánh kinh Công giáo và Tin lành đối với Cựu ước. Các sách Thánh kinh Công giáo có nhiều hơn Tin lành 7 hoặc 8 quyển mà Công giáo gọi là thuộc đệ nhị thư quy” còn Tin lành gọi là nguỵ thư”.
Chữ Thư quy có nghĩa là quy định : một quyển sách được coi là hợp qui nếu nó được công nhận làm quy định cho đức tin. Thư qui các sách thánh là toàn bộ những sách được nhận làm quy định cho đức tin.
Đối với Cựu ước người Do thái có 2 thư quy : khoảng những năm 90 cn, các rabbi ở Palestina chỉ công nhận những sách viết bằng chữ Híp-ri. Nhưng những người Do thái ở Alexandria công nhận thêm những quyển được viết hoặc được biết bằng chữ Hy Lạp nữa.
Các Kitô hữu vì đọc Thánh kinh bằng chữ Hy Lạp nên nhận Thư quy Do thái ở Alexandria. Thế nhưng thánh Giêrôm (người có công dịch Thánh kinh sang chữ Latin vào đầu thế kỷ V) ngả về thư quy ở Palestina.
Trong cuộc cải cách vào thế kỷ XVI, người Tin lành theo lập trường của thánh Giêrôm nên những sách nào còn trong vòng tranh cãi thì họ in vào phần cuối của bộ Thánh kinh và gọi chúng là nguỵ thư.
Còn người Công giáo (ở công đồng Tridentinô) nhìn nhận những quyển ấy cũng linh ứng như những quyển kia,

và coi chúng là “thuộc đệ nhị thư quy” nghĩa là cũng thuộc thư quy nhưng hạng nhì.

Đó là các quyển: Giuđta, Tôbia, 1 và 2 Macabêô, Khôn ngoan, Siracide, những đoạn Hy Lạp trong sách Ét-te, Barúc và thư của Giêrêmia.

Bài 3
 

NHỮNG SÁCH VỀ KHÔN NGOAN

  1.  QOHELET HOẶC GIẢNG VIÊN

Đây là một quyển sách kỳ lạ, trong đó tác giả đánh đổ tất cả những thứ mà người ta quen coi là an toàn, chắc chắn như : hoạt động chính trị, tình yêu, lạc thú… “Tất cả chỉ là gió thoảng, chỉ có một điều đáng kể thôi, là ăn ngon…”. Có Thiên Chúa chứ ? Vâng, nhưng Chúa thì ở trên trời, còn bạn thì ở dưới đất, cho nên hãy tự xoay sở trong cái thế giới phi lý của bạn !
Tác giả ẩn mình dưới một cái tên giả : Qohelet, nghĩa có lẽ là “Cộng đoàn“. Đó có lẽ là tiếng nói của cộng đoàn. Trước một bài giảng rằng Thiên Chúa thấy trước mọi sự, Thiên Chúa là Đấng công bằng và tốt lành, thế giới vận hành theo đúng chương trình của Chúa…, cộng đoàn đã dám lên tiếng phản ứng : “tất cả toàn là gió thoảng“.
Đây là một liều thuốc đắng buộc chúng ta đừng quá quan trọng hoá vấn đề, phải xoá đi những ảo tưởng… và phải ra tay hành động : “Trong 2 điều, bạn không biết điều nào sẽ thành công, cho nên hãy làm cả hai”.
Bạn thử mở Thánh kinh ra, hãy tìm những tựa đề khiến bạn chú ý… Có lẽ bạn sẽ đọc trọn quyển sách này !

  1.  TÔBIA (thuộc đệ nhị thư quy) :

Đây là một tường thuật rất đẹp, hoặc một midrash aggadah. Tác giả đọc lại lịch sử các tổ phụ để rút ra một chuyện có tính xây dựng mà ông đặt vào thời lưu đày.

Tôbia-cha là một người thánh thiện nhưng bị tai nạn mù mắt và đâm ra thất vọng ; nàng Sarra là một thiếu nữ đạo hạnh nhưng bao nhiêu người cưới nàng đều phải chết nên nàng cũng muốn chết luôn… Tại sao có sự dữ phi lý như thế ? Thiên Chúa vắng mặt rồi chăng ? Nếu có thì tại sao Ngài quá dửng dưng như vậy ?
Tác giả trả lời rằng : Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống từng người chúng ta nhưng Ngài ẩn mình. Do đó phải biết cách khám phá Ngài.
Tường thuật này cũng đồng thời là một chứng từ rất đẹp về tình yêu và hôn nhân.
Ít ra bạn hãy cố gắng đọc những lời cầu nguyện rất hay trong sách này : lời nguyện của cụ Tôbia lúc tuyệt vọng (3,1- 6), của Sarra khi muốn tự tử (3,11-15), của Sarra và Tôbia trong đêm tân hôn (8) và của cụ Tôbia khi được khỏi bệnh (13,1-10).

  1.  DIỄM CA

Đây là một bài thơ tuyệt vời ca tụng tình yêu với tất cả thể xác lẫn tâm hồn và với những nét rất thực tiễn khiến cho các thi sĩ ngày nay cũng phải khen ngợi.
Bản văn hiện nay đã trải qua một lịch sử dài. Nguồn gốc có lẽ là những bài thơ tình ngày xưa được hát trong ngày đám cưới, lấy hứng có lẽ từ những nghi lễ của người ngoại, nên không bao giờ nói tới tên Chúa. Tuy nhiên tác giả đồng thời suy gẫm về đoạn St 2,3-24, Ml 2,14 và về những đoạn sách ngôn sứ viết về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài theo hình ảnh của tình yêu vợ chồng.

Diễm ca cũng sẽ khơi lên cả một lịch sử : nó sẽ trở thành biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa và của dân (hoặc của người tín hữu), và sẽ gợi ý rất nhiều cho cả người Do thái lẫn các Kitô hữu, như thánh Gioan Thánh giá chẳng hạn.
Vào thời mà phụ nữ bị coi là nô lệ của đàn ông, những bài thơ trong Diễm ca rất độc đáo vì ca tụng tình yêu bình đẳng giữa nam và nữ, một tình yêu dịu dàng trong sáng nhưng không phải là chẳng có khó khăn.

  1.  SIRACIDE HAY HUẤN CA

(thuộc đệ nhị quy thư) :
Đây là công trình của một người cháu nội dịch sang tiếng Hy Lạp tác phẩm của ông nội mình vào khoảng năm
190. Thời đó, cám dỗ chạy theo văn hoá Hy Lạp rất lớn khiến nhiều thanh niên muốn bỏ hết những truyền thống tổ tiên. Tác phẩm này nhắc rằng chính lòng trung thành với Luật mới giúp ta đạt tới khôn ngoan đích thực.
Bạn có thể đọc một đoạn sau :

  • Thánh thi tán tụng lòng kính sợ Chúa (đẹp không kém thánh thi đức ái của 1Cr 13) : 1,11-20. Khôn ngoan đã được đặt vào trong ta ngay từ trong bụng mẹ : mỗi người khi sinh ra đều có sẵn mầm giống khôn ngoan trong mình.
  • Niềm vui của người tìm kiếm khôn ngoan 4,11-19.
  • “Bà Khôn” tự nói về vai trò của mình trong cuộc tạo dựng và trong lịch sử : 24. Khôn ngoan được đồng hoá với Luật. Về sau Ga 1 sẽ lấy ý từ đoạn này.
  • Bài tán dương công trình tạo dựng (42,15-43,33) nêu gương các tổ tiên (từ chương 44), cách riêng đoạn nói về

thượng tế Simon (50) là chương sẽ gợi hứng cho Lc 24,50- 52.


Bài 4
 

NHỮNG TÁC PHẨM RƠI RỚT TRONG THỜI MACABÊ


Cuộc nổi dậy của nhà Macabê tuy ngắn ngủi (3 năm : 167-164). Nhưng là cột mốc quan trọng cho Do thái giáo. Trước ý muốn của vua Antiochus IV dùng bạo lực buộc người Do thái chỉ còn nước phải chọn lựa dứt khoát hoặc chối đạo mình hoặc chịu tử đạo. Cuộc nổi dậy của Giuđa Macabê và sự thành công – thanh tẩy Đền thờ – đã giúp cho đức tin sống lại. Nhưng như ta đã thấy, những kẻ kế nghiệp ông đã tự bôi bẩn mình với những âm mưu chính trị và tranh giành quyền lực.
Trong vòng một thế kỷ, khúc Anh hùng ca Macabê đã khơi lên 3 phản ứng thể hiện trong các tác phẩm mà ta có thể tóm lược như sau.

  1.  Tay cầm gươm :

Ca tụng các chiến sĩ, tường thuật những chiến công. Đó là những quyển 1Macabê, Giuđita, và Ét-te.

  •  Tay chắp lại :

Có nhiều người lại khó chịu với cuộc nổi dậy của nhà Macabê. Họ nghĩ rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng. Vì thế thái độ đúng duy nhất không phải là

tay cầm gươm, mà là tay chắp lại để xin Thiên Chúa can thiệp. Quan niệm này thể hiện trong quyển 2Macabê cũng là quyển đại biểu của trào lưu Pharisêu : nếu có đức tin thì phải sẵn sàng chịu tử đạo vì nhờ thế mà Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp.
Trào lưu khải huyền, với quyển Đanien, cũng theo cùng hướng này, nên chờ đợi Thiên Chúa can thiệp vào lúc tận cùng lịch sử.

  •  Tay đưa ra :

Khi giông bão đã qua, và cũng vì sống ở Alexandria xa cách những bi kịch ở Palestina, một hiền sĩ đã viết quyển Khôn ngoan của Salômon trong đó ông cố gắng sử dụng văn hoá Hy Lạp để diễn tả đức tin Do thái.
Chúng ta hãy xem xét lướt qua giòng lịch sử này. Và dừng lại hơi lâu trên 2 bản văn : Đanien 7 và Khôn ngoan 7.

  1.  GIUĐITHA (Đệ nhị thư quy) và ÉT-TE :

Đây là hai truyện giáo dục (midrash) diễn tả sự hứng khởi được khơi lên do anh hùng ca Macabê. Chúng nhấn mạnh một điểm chủ yếu : chính Thiên Chúa hành động và giải cứu. Nhưng Ngài làm việc ấy bằng những phương tiện yếu đuối nhất : dùng tay của một phụ nữ.

  1.  2 MACABÊ (Đệ nhị thư quy) :

Quyển này không phải là tiếp theo quyển Macabê, mà nó còn được viết trước nữa, khoảng 124. Đây là tóm lược một tác phẩm khác gồm 3 tập do Jason viết ít lâu sau biến cố Giuđa Macabê.

Xuyên qua những câu chuyện đạo đức, ta khám phá linh đạo của phái Pharisêu và sự họ gắn bó hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đây là vài điểm :

  •  
  • Một cuộc thánh chiến : khi tường thuật những chiến công của Giuđa, tác giả nhấn mạnh rằng chính Thiên Chúa ban chiến thắng. Bởi thế trước mỗi trận đánh đều có những lời cầu nguyện và có nhiều can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa (chương 8 và tiếp theo).
  • Việc tử đạo : sự hoàn toàn gắn bó với Chúa có thể đưa đến việc làm chứng cho Ngài một cách dứt khoát bằng cách chịu tử đạo. Gương tử đạo của cụ già Êlêazarô (6,18-31) và nhất là của 7 anh em (7) là những chuyện nổi tiếng.
  • Sự sống lại (7,9.23.29) : tác giả sử dụng lại – nhưng rõ ràng hơn – giáo thuyết đã được trình bày bởi Đanien (Đn 12,2) và cũng là giáo thuyết của Pharisêu. Chúng ta sẽ xem lại điểm này khi nghiên cứu sách Đanien.
  • Cầu nguyện cho người đã chết (12,38-45) : bản văn này đóng một vai trò quan trọng trong Thần học Công giáo về “luyện ngục” : nếu ta phải cầu nguyện cho người đã chết là vì không phải họ rơi vào hư vô, nhưng vì họ có thể được cứu sau khi chết. Những người Tin lành thì không công nhận sách này, nên chỉ đơn giản phó thác cho Chúa số phận những người đã chết, chẳng cần cố gắng vén màn bí mật ấy làm gì.
  • Tạo dựng từ hư vô (7,28) : từ trước cho tới bây giờ, người ta không trình bày Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô, mà chỉ nói Ngài tạo dựng bằng cách tách biệt và bằng cách ra lệnh (St1).
  1.  
    1.  MACABÊ (Đệ nhị thư quy)

Sách này được viết có lẽ khoảng những năm 100. Tác giả có thiện cảm với triều đại Macabê. Ông thuật lại lịch sử của 3 người con đầu của gia đình này : Giuđa (3-9), Gionatan (9-12) và Simon (13-16). Ông muốn viết một lịch sử thánh trong đường hướng của các ngôn sứ đầu tiên, và muốn chứng minh rằng chính Thiên Chúa giải phóng dân Ngài khi ra tay cứu họ khỏi nỗi bất hạnh mà tội lỗi đã ném họ xuống.

Bài 5
 

CÁC SÁCH KHẢI HUYỀN


Trong đời, nhiều lần chúng ta gặp những chuyện vui và buồn. Chúng ta cố gắng làm chủ chúng, thay đổi chúng để chúng thành vui, và ban cho chúng một ý nghĩa. Và chúng ta cũng tự thay đổi chính mình khi hiểu rằng mình đang đi lạc đường.
Đó cũng là điều các ngôn sứ đã làm : họ giải thích những sự việc đã xảy ra, họ đọc được trong đó một Lời của Chúa. Họ mời người ta tự thay đổi và hoán cải.
Nhưng có khi sự dữ quá lớn, hoàn cảnh quá bế tắc hầu như không còn lối thoát. Chỉ còn mỗi một việc là chờ đợi một tương lai sáng sủa hơn. Nếu khi đó có ai nói cho ta biết rằng tình trạng bế tắc sẽ kết thúc ra sao, thì lời ấy sẽ là một ánh sáng và một hi vọng đem lại cho ta can đảm tiếp tục chịu đựng.
Những sách Khải huyền là những lời như thế. Chúng sinh ra trong một thời kỳ khủng hoảng. Các tác giả đưa ra một phán đoán bi quan về thế giới : tất cả đều nằm dưới ách thống trị của “vua của thế giới này” (ma quỉ). Để đem lại hi vọng, họ cho ta thấy rằng đến lúc tận cùng Thiên Chúa sẽ đến và sẽ tái tạo lại mọi sự thành mới. Trong khi chờ đợi thì phải “khoanh tay” để cầu nguyện. Như thế ta thấy trào lưu tư tưởng này có vẻ mơ hồ, vừa bi quan vừa lạc quan, vừa gây tin tưởng nhưng cũng vừa có thể khiến nản lòng.

Trong ngôn ngữ thời nay, khải huyền trở thành đồng nghĩa với “tối tăm, tai họa”. Tiếc rằng người ta chỉ giữ lại khía cạnh tiêu cực ấy, chứ thực ra Khải huyền cũng còn là “sáng tươi, hi vọng”.
Động từ Hy Lạp apo-caluptein dịch sang Latin là re- velare nghĩa là vén màn ra : tưởng như lịch sử diễn tiến theo một đường thẳng mà đoạn cuối bị che giấu trong bí mật của Thiên Chúa. Để nâng đỡ hi vọng của dân trong thời kỳ bi thảm, Thiên Chúa vén bức màn ra để cho dân thấy đoạn kết thúc tốt đẹp bằng chiến thắng của Thiên Chúa.

NHƯ LỰC SĨ NHẢY XA :

Tác giả Khải huyền vén màn lịch sử như thế nào ? Kỹ thuật của ông phần nào cũng giống một lực sĩ nhảy xa : muốn nhảy càng xa thì trước đó phải … lùi lại đàng sau càng nhiều để lấy trớn, xong chạy nhanh tới điểm nhún, anh nhún mình phóng mạnh tới trước.
Tác giả Khải huyền cũng như ta thôi, nghĩa là chẳng biết gì về tương lai. Nhưng ông chắc chắn một điều là : Thiên Chúa luôn trung thành. Do đó nếu thấy được Thiên Chúa đã hành xử thế nào trong quá khứ thì cũng đoán trước Ngài sẽ làm thế nào trong tương lai. Vì thế tác giả lùi lại : ông làm bộ như đang sống ở 3 hoặc 4 thế kỷ trước, rồi ông lướt nhanh qua giòng lịch sử mấy thế kỷ đó ; khi chạy tới thời kỳ hiện tại, ông nhảy mạnh về tương lai. Như thế ông lấy ánh sáng mà ông khám phá ra khi đọc lịch sử quá khứ để chiếu về tương lai, về lúc tận cùng của thời gian.

MỘT TRÀO LƯU PHỔ BIẾN :

Trong Thánh kinh chỉ có 2 quyển sách Khải huyền : sách Đanien và sách Khải huyền của Gioan. Nhưng thực ra

rất nhiều đoạn trong sách các ngôn sứ thời sau cũng thuộc trào lưu này (Is 24-27l 34-35 ; Dcr 1-8…)
Giữa năm 150 trước cn và năm 70 cn, trào lưu này sản sinh rất nhiều sách, uốn nắn tư tưởng các tín hữu rất nhiều, giúp họ sống trong hi vọng và trong khi chờ lúc tận cùng của thời gian.

VÀI NÉT VỀ CÁC SÁCH KHẢI HUYỀN :

  • Tác giả sử dụng một tên giả : gán tác phẩm của mình cho một nhân vật thánh thiện của quá khứ. Làm như vậy thì được 2 cái lợi : một là vì nhân vật thánh thiện này gần với Thiên Chúa cho nên có thể mạc khải những bí mật của Thiên Chúa ; hai là vì đó là một nhân vật quá khứ nên có thể loan báo tương lai.
  • Được phát sinh trong những thời kỳ khủng hoảng các sách Khải huyền bi quan về thế giới, cho rằng thế giới sẽ đi tới chỗ tiêu vong và hoàn toàn bị “vua của thế gian này” (ma quỉ) thống trị. Tuy nhiên chúng lạc quan về lúc cùng tận bởi vì Thiên Chúa sẽ tạo dựng một thế giới mới.
  • Cái nhìn về lịch sử có tính cách tiền định : mọi sự đều đã được định trước và được ghi trong những sách trên trời.
  • Chúng gợi lên một đức tin trọn vẹn vào Thiên Chúa nhưng cũng có thể khiến người ta chán nản vì chẳng thể làm gì khác hơn là chờ Chúa hành động.
  • Nhất là chúng nhằm mục đích duy trì niềm trông cậy.
  • Vì được dành riêng cho những người muốn thực hành, nên chúng sử dụng một thứ ngôn ngữ và những hình ảnh qui ước.

Bài 6
 

SÁCH ĐANIEN

Quyển sách này liên hệ mật thiết với thời Macabê, được viết khoảng năm 164. Nó được liệt vào hàng “những sách vở” hoặc vào hàng “sách ngôn sứ” do nó sử dụng hai loại văn thể : văn thể chuyện đạo đức và văn thể khải huyền.

  1.  NHỮNG CHUYỆN ĐẠO ĐỨC hoặc CHUYỆN HÀI HƯỚC ĐEN : Đn 1-6

Trong thời chiến, tinh thần của quân đội rất quan trọng. Để duy trì tinh thần này người ta dùng những câu chuyện đạo đức kể cho họ nghe, làm cho quân lính giải trí bằng những nhân vật tác giả tưởng tượng ra. Chẳng hạn nếu nói Thiên Chúa biến vua Antiochus IV thành một “con thú ăn cỏ” thì thật nguy hiểm, cho nên người ta đem câu chuyện ấy gán cho Nabuchodonosor là người sống trước đấy tới 4 thế kỷ (Đn 4).
Thế nhưng những chuyện ấy không chỉ để giải trí mà còn nhằm giáo dục, để củng cố đức tin. Sau đây là vài thí dụ :
Chế độ ăn uống của người Do thái rất nghiêm ngặt, có thể lố bịch đối với người ngoại và thậm chí đối với một số người Do thái chạy theo phong trào Hy Lạp hoá. Vì thế vua Antiochus đã cấm không cho tuân theo chế độ ấy. Chuyện những thiếu niên lưu đày bên Babylone nhằm đưa ra câu trả lời : dù chỉ ăn rau và uống nước lã, các thiếu niên này vẫn xinh đẹp hơn những đứa khác ăn thịt (Đn 1).

Israel đã bị đè bẹp bởi Antiochus cũng như trước kia bởi nhiều kẻ thù khác như Babylone, Mèdes, Ba Tư và Hy Lạp, của nhà Lagos. Israel thấy mình bất lực trước kẻ thù khổng lồ. Đanien trấn an họ: “Đó chỉ là một tượng khổng lồ chân bằng đất sét”, một khối đá từ núi lăn xuống sẽ nghiền nát nó ra (2,34). Nghĩa là chính Thiên Chúa (chứ không phải gươm giáo của nhà Macabê) sẽ kết thúc lịch sử này và lập vương quốc của Ngài (2,44).
Đối với những người Do thái nào cãi lệnh vua, thà chết còn hơn thờ phượng một thần khác (3,28), tác giả kể cho họ nghe câu chuyện 3 thiếu niên bị quăng vào lò lửa để nhắn rằng “Đừng sợ, Thiên Chúa sẽ sai thiên sứ đến với các bạn trong ngọn lửa hồng để chở che bạn” (Đn 3).
“Và ngay cả nếu người ta giết bạn, Thiên Chúa vẫn có khả năng cứu sống bạn ra khỏi mồ”, đó là giáo huấn của chương 6. Đanien bị quăng vào hầm sư tử ; một tảng đá đậy lên trên như đậy một ngôi mồ, chính nhà vua cũng để tang. Nhưng Đanien không chết, ông vẫn sống và ra khỏi đó. Ông là hình ảnh của toàn dân Do thái bị quân thù giết chết nhưng được Thiên Chúa làm cho sống lại.
Trong những chuyện trên, ta đã thấy một vài chi tiết có tính khải huyền : tảng đá tượng trưng sự can thiệp của Thiên Chúa, những thị kiến và những giấc mộng. Nhưng nhất là trong các chương 7-12 tác giả cố ý sử dụng văn thể khải huyền.

MỘT THẦN HỌC BẰNG HÌNH

Các sách Khải huyền dùng một hệ thống hình ảnh để diễn tả những ý tưởng. Sau đây là những hình ảnh chính :

Màu :

Trắng : chỉ chiến thắng, sự tinh tuyền.
Đỏ : chỉ bạo lực, sát nhân, máu các vị tử đạo. Đen : chỉ cái chết, sự vô đạo.

Số :

7 là đầy đủ, hoàn hảo. 6 (7 — 1) là bất toàn.
3,5 (phân nửa số 7) chỉ sự bất toàn, đau khổ, thời gian thử thách và bị bắt bớ. Chú ý : 3,5 có thể xuất hiện dưới nhiều dạng nhưng ý nghĩa biểu tượng vẫn giữ nguyên như “ba năm rưỡi”, “ba ngày rưỡi”, “42 tháng”, “1260 ngày”, “một thời, nửa thời, và những thời”.
12 chỉ Israel (vì gồm 12 chi tộc). 4 chỉ Trái đất (vì có 4 hướng).
1000 chỉ một số lượng lớn không đếm xuể.

Vài hình ảnh khác :

Cái sừng : sức mạnh.
Tóc trắng : sự vĩnh cửu (chứ không phải sự già nua : ông già trong Đn 7 thực ra không là già, mà đời đời vẫn trẻ !).
Áo dài : chức tư tế.
Đai vàng : vương quyền. Dê : kẻ ác.
Chiên : kẻ lành, dân.

  1.  MỘT ĐOẠN KHẢI HUYỀN : Đn 7-12

Phần khải huyền đích thực (chương 7-12) của sách Đanien mới quan trọng đối với tư tưởng Israel. Nên nhớ, tác giả viết năm 164 nhưng ông làm bộ như viết vào thời bị bách hại ở Babylone, nghĩa là 4 thế kỷ trước, và ông mượn tên Đanien, tức là một nhân vật được nói ở Êd 14,14 có thế thì tác giả mới có thể tiên báo tương lai giữa thời lưu đày với thời Macabê. Nhưng chủ yếu là tác giả muốn vạch ra những nét lớn trong cách hành xử của Thiên Chúa để từ đó biết được Thiên Chúa sẽ hoàn tất lịch sử như thế nào.

Nghiên cứu một bản văn Đn 7 :

Trước tiên, xin bạn chịu khó đọc một mạch hết chương này. Bạn sẽ thấy như đi lạc ! Nhưng như thế sẽ giúp bạn biết thế nào là văn chương khải huyền.
Bây giờ bạn hãy tìm xem chương này chia làm mấy phần. Thông thường thì một đoạn văn khải huyền gồm một thị kiến và tiếp sau đó là một thiên sứ giải thích thị kiến ấy.
Thị kiến được thuật ở 7,1-14, nhưng ở cc 19-22 tác giả đưa ra một chi tiết quan trọng. Xin bạn đọc theo thứ tự sau : 7,1-8, tiếp đến 19-22 rồi mới đọc 9-14.
Lời giải thích được đưa ra ở cc 15-18 rồi 23-28. Sau đây hãy xem xét lại các chi tiết :
Có sự đối lập giữa những con thú và một người (trong chữ Híp-ri, thuật ngữ “con của” có nghĩa là “thuộc giống”, “con của người” hay đơn giản là “người”) ; những con thú từ vực thẳm đi lên tức là từ sào huyệt của những thế lực xấu, còn con người thì xuất hiện trên trời. Như thế trước khi biết rõ những hình ảnh này tượng trưng cho ai thì ta cũng biết

những con thú là xấu và con người là tốt, một bên thuộc phía sự dữ, bên kia thuộc phía Thiên Chúa.
Những con thú tượng trưng gì ? hãy xem chú thích ở 7,17 (TOB 7,1t ; BJ 2,28a). Tại sao tác giả chú ý tới con thú thứ tư ? Đây là con dữ nhất, tượng trưng cho Antiochus IV, kẻ bách hại người Do thái. Xin đọc c.25.
Còn con người tượng trưng cho ai ? hãy đọc cc 18-27 (và TOB 7,13t ; BJ 7,13h).
Đã có những biến đổi gì đối với những con thú và con người ?
Thị kiến này muốn nói gì với dân Do thái đang bị bách hại và thà chết chứ không chịu chối đức tin ?

Kẻ chết sống lại Đn 12,1-4 :

Đây là bản văn đầu tiên trong Thánh kinh giúp ta thấy rõ niềm tin vào việc kẻ chết sống lại. Thị kiến của Êd 37 mới chỉ là một hình ảnh về sự sống lại của cá nhân. Bản văn này là một cách diễn tả khác cho điều đã được viết ở Đn 7. Ta hãy xét tới bối cảnh.
Antiochus bách hại dân Do thái, một số người trong họ thà chết còn hơn chối bỏ đức tin. Điều này đặt thành một vấn đề nghiêm trọng : từ trước tới giờ ở Israel người ta chưa có ý tưởng về cuộc sống sau khi chết. Chỉ có mỗi một cuộc sống, đó là sống ở đời này. Nay vì tin Chúa mà một số vị tử đạo đã chấp nhận mất đi cuộc sống duy nhất ấy, họ sẽ ra sao ? Thiên Chúa trả lời : “các ngươi đang chịu đựng bách hại và chịu chết. Đó là mặt hữu hình. Ta sẽ cho các thấy mặt vô hình : những kẻ chịu chết như thế sẽ làm thành dân thánh của Đấng tối cao và sẽ được đưa vào vinh quang để hưởng

một cuộc sống hoàn toàn mới, trong một vương quốc tuyệt diệu sẽ kéo dài tới vô tận”.
Dưới đây là hai kiểu nói quan trọng để diễn tả ý tưởng sống lại :

  • Đn 12 diễn tả theo sơ đồ trước / sau : “trước khi chết các ngươi còn sống. Cái chết đã đưa các ngươi xuống một cái lỗ hoặc vào một giấc ngủ. Sau khi chết các ngươi ra khỏi cái lỗ đó, các ngươi thức dậy”. Trước và sau cũng vẫn là những con người đó. Nhưng cuộc sống sau sẽ không hoàn toàn y như một cuộc sống trước, đấy là điều mà tác giả muốn nói qua những hình ảnh vũ trụ “vẻ huy hoàng của bầu trời…”.
  • Đn 7 thì nhấn mạnh tới khía cạnh thêm hơn và dùng sơ đồ dưới / trên. Dưới đất các ngươi bị giết chết, nhưng rồi các ngươi được đưa lên ở cạnh Thiên Chúa để hưởng một cuộc sống hoàn toàn mới.

Ta phải nhớ những hình ảnh này khi nghiên cứu cuộc sống lại của Đức Kitô, bởi vì các Kitô hữu đã dùng chúng để diễn tả ý tưởng Đức Kitô sống lại.
Một chi tiết quan trọng : Con Người là một hình ảnh, tượng trưng cho tập thể tất cả những người trông cậy Thiên Chúa cho tới chết. Ta cũng phải nhớ điểm này khi đọc Tân ước thấy Đức Giêsu được mô tả là Con Người.

Bài 7
 

KHÔN NGOAN Ở DIASPORA


Chúng ta kết thúc chương này với 2 quyển sách được viết ở Diaspora: một ở Babylone (Barúc) và một ở Aicập (sách Khôn ngoan).

  1.  SÁCH BARÚC (Đệ nhị thư quy) :

Quyển sách này được gán cho Barúc, thư ký của ngôn sứ Giêrêmia. Thực ra nó gồm 4 phần do nhiều tác giả viết vào nhiều thời kỳ khác nhau. Trong hình thức hiện tại, nó là một lễ nghi sám hối. Bắt đầu là một nhận định : tội lỗi của chúng ta đã bẻ gãy liên hệ với Thiên Chúa (1,1-14). Tiếp đến là một suy nghĩ : tội làm cho người ta bị đày xa cách Thiên Chúa ; ta chỉ có mỗi một chỗ cứu giúp, đó là tình thương và lòng trung tín của Thiên Chúa (1,15-3,18). Sau đó tác giả suy gẫm về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thực ra Khôn ngoan không gì khác hơn Luật. Do đó khi giữ Luật thì sẽ được khôn ngoan (3,9-4,4). Phần cuối (cung giọng giống với Đệ nhị Isaia) là những lời khuyến khích Giêrusalem và loan báo rằng Thiên Chúa khấng ban cho nó ánh sáng và lòng thương xót của Ngài. Thế là đã giao hoà xong (4,5-5,9).
Bạn có thể đọc “lời cầu nguyện của những kẻ bị lưu đày” (2,11-3,8) và nhất là “suy gẫm về sự Khôn ngoan của Thiên Chúa” (Khôn ngoan Thiên Chúa đã xuất hiện dưới đất và sống với loài người” 3,32-4,1). Thánh Gioan cũng chẳng nói gì khác hơn thế khi bàn về Đức Giêsu.

ĐỨC GIÊSU – KHÔN NGOAN CỦA THIÊN CHÚA :

Nói cách đơn giản, các ngôn sứ đã giúp các Kitô hữu biết được về sứ mạng của Đức Giêsu : Ngài làm gì ; còn những sách về khôn ngoan giúp họ biết Ngài là ai ?
Trong Cựu ước, mặc dù đôi khi sự khôn ngoan của Thiên Chúa được trình bày như một Ai đó, nhưng dù sao đó cũng chỉ là một hình ảnh, như khi tôi nói : “Trí tôi ở trên cung trăng”, tôi đã nhân hoá cái trí của tôi tưởng như nó có khả năng tự bay lên cung trăng trong khi thực ra trí tôi gắn liền với tôi. Cũng thế, sự khôn ngoan của Thiên Chúa cũng gắn liền với Thiên Chúa, nó là Thiên Chúa. Nói cách khác : đó là Thiên Chúa trong tư cách là Khôn ngoan. Bởi đó ta có thể gán cho Khôn ngoan ấy những phẩm tính của Thiên Chúa như : khả năng tạo dựng chẳng hạn v.v… (Kn 7).
Sau này khi các Kitô hữu nói Đức Giêsu là Khôn ngoan của Thiên Chúa thì họ cũng có thể gắn những phẩm tính của Thiên Chúa cho Ngài.

  1.  SÁCH KHÔN NGOAN (Đệ nhị thư qui) :

Được viết bằng chữ Hy Lạp, tại Alexandria ở Ai cập khoảng những năm 50-30 trước cn. Đây là quyển sách cuối cùng của Cựu ước.
Tác giả sống trong văn hoá Hy Lạp, thông thạo tục lệ Hy Lạp nhưng là người Do thái. Nhờ sống xa cách những biến động ở Palestina trong triều đại Asmon, tác giả theo khuynh hướng “bàn tay đưa ra”. Cũng như triết gia Do thái

Philon Alexandria sau này, tác giả thử suy nghĩ về đức tin Do thái theo những phạm trù tư tưởng Hy Lạp.
Sách gồm 3 phần :
 

  1.  
    1.  Vận số của con người : 1-5

Đời người có nghĩa gì Tác giả trình bày 2 thái độ sống : có người cho rằng con người chỉ sinh ra vì tình cờ, cuộc đời ngắn ngủi, sau khi chết chẳng còn gì cả… bởi thế phải lo hưởng thụ cuộc sống, chà đạp lên người khác để tranh sống… Đối với thái độ này, tác giả nhận định : thực ra những người như thế là “bạn của sự chết“, họ quên rằng “Thiên Chúa đã dựng nên con người bất hoại theo hình ảnh và bản tính của Ngài” ; có người khác “tín nhiệm vào Chúa, bền vững trong tình thương của Ngài“. Họ thường chịu khổ có khi còn bị bách hại nữa, nhưng tác giả nói rằng sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ thì “họ sẽ được ở bên cạnh Chúa“.

  1.  
    1.  Bài tán tụng sự khôn ngoan : 6,1-11,3

Chút nữa chúng ta hãy xem kỹ một phần của đơn vị này, nhưng bây giờ cũng cần phải đọc hết đơn vị. Tác giả thúc giục ta tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa “bạn của loài người“, hãy coi khôn ngoan như “bạn đời” của mình, hãy “yêu mến vẻ đẹp của nó“. Tiếp đến, trong một midrash đặc biệt, tác giả ngược lại những giai đoạn quan trọng của lịch sử thánh để chứng minh rằng chính Khôn ngoan đã dẫn dắt giòng lịch sử ấy, đã tạo nên Adam, đã lèo lái con tàu của Nôê, đã khiến Abraham mạnh hơn tình thương của ông đối với con mình, đã hướng dẫn Môsê…

  1.  
    1.  Suy gẫm về Xuất hành 11,4-19,22 :

Ở đây Khôn ngoan hầu như biến đi. Những tai hoạ của Ai cập vừa là hình phạt cho người này vừa là ơn cứu rỗi cho người kia.

Nghiên cứu một bản văn : Kn 7,21-30 :

Khó cắt ra được một đoạn văn riêng biệt vì toàn thể các chương 6-10 tiếp đến liền lạc nhau. Vì thế phải đọc chung tất cả những chương đó với nhau.
Tác giả làm như mình là Salômon, vị vua nổi tiếng khôn ngoan, và ông tự trình bày cho biết ông là thế nào : ông khôn ngoan không phải do bẩm sinh mà nhờ cầu xin Chúa, và Thần trí Khôn ngoan đã đến trong ông. Khôn ngoan đã dạy cho ông cũng chính là Đấng tạo dựng vũ trụ (7,22).
Hãy đọc riêng 7,21-30. Khôn ngoan tự giới thiệu ra sao ? 7,22-23 liệt kê 3 nhóm mỗi nhóm 7 phẩm tính : nghĩa là 3 lần con số 7 tuyệt hảo ! Một số trong các phẩm tính ấy chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Bạn thử tìm xem đó là những phẩm tính nào ?
Đặc biệt để ý xem địa vị của khôn ngoan trong tương quan với Thiên Chúa.
Câu 26 rất mạnh. Đối với người Do thái “hình ảnh” chỉ một sự hiện diện.
Cũng xin để ý xem vai trò của khôn ngoan trong tương quan với việc tạo dựng và với loài người.
Giờ đây bạn đọc tiếp St 1,26-27 : Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, và Khôn ngoan 2,23. Trong Kn 7,26 khôn ngoan là hình ảnh Thiên Chúa. Nói thế phải chăng con người phản ảnh những nét của sự Khôn ngoan ấy ?

Bạn hãy đọc 2Cr 4,4 và Cl 1,15 rồi 1Cr 11,7; 2Cr 3,18 và Cl 3,10. Bạn biết gì thêm về Đức Kitô, về ơn gọi của con người ?
Cuối cùng bạn có thể đọc lại các chương này bằng cách thay chữ “Khôn ngoan” bằng chữ “Giêsu”.

BẢN DỊCH 70 (LXX)

Người ta gọi bản dịch Cựu ước đầu tiên sang chữ Hy Lạp là “Bản 70” (viết tắt là LXX).
Gọi vậy vì có một truyền thuyết ghi trong “Thư của Aristée” (một tác phẩm Hy Lạp vào cuối thế kỷ II trước cn) rằng : có 72 tiến sĩ Do thái dịch Cựu ước, mỗi người dịch riêng. Thế nhưng sau 72 ngày đã hoàn thành những bản dịch trên hoàn toàn giống hệt như nhau ! Đây là một cách nói rằng bản dịch này là một phép lạ, và do Thiên Chúa soi sáng.
Thực ra công trình này được thực hiện giữa những năm 250 và 150 do nhiều dịch giả.
Cộng đoàn Do thái ở Alexandria nói tiếng Hy Lạp nên không còn hiểu tiếng Híp-ri. Cũng như ở chính Palestina người ta đã dịch Thánh kinh Híp-ri sang tiếng Aram, thì ở Ai cập, Thánh kinh cũng được dịch sang tiếng Hy Lạp. Bản dịch này có lẽ ban đầu để dùng trong phụng vụ. Nó không phải là dịch sát chữ mà là dịch thích nghi, là đọc lại Sách Thánh, là cập nhật hoá. Một thí dụ điển hình là Is 7,14 nguyên bản là : “Người phụ nữ trẻ mang thai và sẽ sinh ra Emmanuel“; bản LXX đã dịch: “Trinh nữ mang thai“, dịch như thế giúp các Kitô hữu áp dụng câu này cho Đức Maria (Mt 1,23).
Bản dịch này rất quan trọng.

Trước tiên nó giúp đặt đức tin Do thái vào phạm trù tư tưởng Hy Lạp và tạo ra một ngôn ngữ để diễn tả nó. Bản dịch này sử dụng “ngôn ngữ chung” (koinè) nhưng tô điểm nó bằng nhiều cú pháp vay mượn từ ngôn ngữ Híp-ri.
Nó đã trở thành Thánh kinh của Kitô hữu, vì Giáo hội đã nhận bản liệt kê các sách thánh trong đó. Giáo hội cũng thường lấy lại những cách giải thích Sách thánh trong đó.

CHƯƠNG VIII


CÁC THÁNH VỊNH

Bài 1
 

TỔNG QUÁT


Chúng ta kết thúc chuyến tham quan Cựu ước bằng tập Thánh vịnh.
Từ đầu tới giờ chúng ta đã đọc những bản văn theo thời kỳ lịch sử chúng được viết. Nhưng không làm thế với các Thánh vịnh vì hầu như không thể xác định chúng được viết vào thời điểm nào. Thánh vịnh là lời cầu nguyện mà thời nào người ta cũng cầu nguyện cả. Bởi đó chúng ta gom chung tất cả các Thánh vịnh vào chương cuối cùng này.

  1.  NHỮNG TIẾNG KÊU CỦA CON NGƯỜI
    1. Chouraqui, một thi sĩ Do thái đã viết : “Chúng tôi sinh ra với quyển Thánh vịnh trong bụng“. Đây là một quyển sách gồm 150 bài thơ, 150 bậc giữa cái chết và sự sống, 150 tấm gương phản ánh những cuộc nổi loạn và những sự bất trung của chúng ta, những cơn hấp hối và những lần hồi sinh của chúng ta. Còn hơn là một quyển sách, đó là một người đang nói, đang sống, đang đau khổ, đang rên rỉ và đang chết dần mòn, nhưng rồi đang sống lại và đang hát trước ngưỡng cửa đời đời…

Thánh vịnh là tiếng kêu của con người, là bài ca thán phục trước thiên nhiên và tình yêu, là nỗi khắc khoải trước đau khổ và sự chết, là tiếng rên rỉ dưới sự chà đạp của xã hội, là sự nổi loạn trước sự phi lý của cuộc đời và sự im lặng của Thiên Chúa… Thánh vịnh là tất cả những tiếng kêu ấy vang lên tới Chúa để trở thành lời cầu nguyện. Đúng vậy, mọi tiếng kêu lên Thiên Chúa dù là tiếng ca ngợi hay là tiếng than van, thậm chí tiếng nổi loạn cũng đều có thể thành lời cầu nguyện.

  1.  HAI LOẠI NGÔN NGỮ

Ta cần phân biệt ngôn ngữ thông tin và ngôn ngữ quan hệ. Đứa trẻ nằm trên giường kêu lên “Má ơi ! con khát“. Đó có thể là ngôn ngữ thông tin nếu nó đang khát nước thực sự. Mẹ nó sẽ đem nước tới cho nó uống. Nhưng nếu nó đã uống no trước rồi mà vẫn kêu : “Má ơi ! con khát” thì thực ra nó không cần nước, không khát nước mà khát sự âu yếm của mẹ. Đây là ngôn ngữ quan hệ.
Trong ngôn ngữ thông tin, lời nói diễn tả đúng sự việc. Còn trong ngôn ngữ quan hệ thì lời nói diễn tả một sự việc khác. Thí dụ chồng nói với vợ “Chim bồ câu của anh ơi”, “con chuột nhỏ bé của anh à“. Tương tự như thế Thánh vịnh gọi Thiên Chúa là “đá tảng của con, thành luỹ của con“.
Sự phân biệt trên rất quan trọng để ta có thể cầu nguyện bằng Thánh vịnh, và rộng hơn để ta có thể đọc và hiểu Thánh kinh. Thực ra Lời Chúa thường thuộc ngôn ngữ quan hệ. Dĩ nhiên sách thánh cũng muốn thông tin một số việc nhưng trước hết, sách thánh muốn đưa ta vào quan hệ hữu vị với Thiên Chúa, nó đánh động chúng ta. Xét cho cùng, ngôn ngữ thông tin chỉ nói với trí óc của ta, còn ngôn ngữ quan hệ nói

với chính con tim của ta. Câu “má ơi con khát” nếu thốt lên khi đứa bé cần nước thật thì mẹ nó chỉ có việc mang nước đến cho con ; nhưng nếu nó là ngôn ngữ quan hệ thì nó làm cho người mẹ xúc động vì nó kêu gọi chính bản năng mẫu tử của bà.
Con người khoa học thường hiểu ngôn ngữ theo nghĩa thông tin, nhưng những người yêu thương nhau thường hiểu theo nghĩa quan hệ. Một giáo viên Sinh vật đưa một cành hoa cho học sinh và hỏi “Cái gì đây ?”. Học sinh sẽ trả lời đó là một loài thực vật thuộc giống gì, có những đặc tính gì v.v… Nhưng một thanh niên đưa một cành hoa cho một cô gái, cô sẽ hiểu hoàn toàn khác hẳn.
Vì thế khi đọc Thánh vịnh – và Thánh kinh – ta phải nhớ rằng đó là ngôn ngữ quan hệ. Có những hình ảnh trong đó ta không nên tìm hiểu ý nghĩa theo kiểu khoa học chính xác mà phải cố gắng khám phá ngụ ý tình cảm của chúng. “Tảng đá” có thể là thứ đè bẹp người ta, nhưng cũng có thể là thứ che chắn cho người ta. Thiên Chúa là “đá tảng“, ta phải tìm xem nói như thế có nghĩa gì ?

  1.  NGÔN NGỮ CỦA MỘT THỜI ĐẠI

Những hình ảnh trong thi văn thay đổi theo từng nền văn minh. Hình ảnh người gieo giống có thể rất đẹp đối với các thế hệ cha ông chúng ta, nhưng chẳng còn ý nghĩa gì nữa đối với thời đại cơ khí bây giờ.
Thánh kinh diễn tả trong một nền văn hoá không giống chúng ta bây giờ bởi đó nhiều chỗ ta thấy khó hiểu. Nhưng những chú thích sẽ giúp chúng ta hiểu.

Thi luật ngày xưa cũng không giống ngày nay. Nhưng chưa chắc là các Thánh vịnh không hay bằng những bài thơ hiện đại.

  1.  CÁCH ĐÁNH SỐ CÁC THÁNH VỊNH

Cách đánh số các Thánh vịnh có khác nhau giữa bộ Thánh kinh Hy Lạp (được dùng theo trong bản dịch Latin và Phụng vụ Công giáo) với bộ Thánh kinh Híp-ri (được theo bởi hầu hết ấn bản nghiêm chỉnh). Khi thấy có khác nhau xin bạn lưu ý rằng bản Híp-ri lớn hơn bản Hy Lạp một số. Khuynh hướng ngày nay là chọn theo cách đánh số của bản Híp-ri. Nhiều ấn bản Thánh kinh cẩn thận hơn, đề ra cả 2 con số. Thí dụ Tv 51 (50) nghĩa là 51 theo bản Híp-ri, và 50 theo bản Hy Lạp.

  1.  NHỮNG VĂN THỂ

Các chuyên viên đã nỗ lực xác định những văn thể của các Thánh vịnh. Việc này giúp ích cho ta hiểu và cầu nguyện với các Thánh vịnh. Phải chuẩn bị lòng mình trước khi đến thăm một người bạn, hoặc dự một tiệc cưới hay phân ưu với một đám tang… Có thế thì ta mới có được một thái độ thích hợp. Tương tự như thế, biết văn thể của Thánh vịnh là rất cần trước khi ta dùng nó để cầu nguyện với Thiên Chúa.
Các chuyên viên đưa ra nhiều cách xếp loại văn thể Thánh vịnh, tuy khác nhau trong chi tiết nhưng đại khái cũng giống nhau trong những nét lớn. Bạn có thể tìm cách xếp loại ở phần dẫn nhập vào Thánh vịnh trong ấn bản Thánh kinh của bạn. Còn chương này nhằm giúp bạn cầu nguyện với Thánh vịnh nên không chú ý tới cách xếp loại cho bằng tới những chủ đề (nhưng cả hai cũng gặp nhau).

VÀI CHỦ ĐỀ CỦA CÁC THÁNH VỊNH

  • Lời nguyện tán tạ Thiên Chúa cứu tinh và tạo hoá.
  • Lời nguyện tán tạ Thiên Chúa ở bên cạnh ta, Ngài ở nơi dân Ngài (Giêrusalem, Đền thờ).
  • Lời nguyện hi vọng : Thiên Chúa là vua và Ngài sắp thiết lập vương triều công chính của Ngài, qua vị Vua- Messia của Ngài mà ông vua trần thế chỉ là hình bóng.
  • Lời nguyện xin ơn và tạ ơn : đây là 2 phương diện không tách rời.
  • Lời nguyện để sống : gom lại trong đây nhiều chủ đề phát sinh từ suy tư của các hiền sĩ : phải sống thế nào trong hoàn cảnh khó khăn của con người ?
  • Trước đó, các Thánh vịnh Lên đền cũng chứa đựng những chủ đề trên.

Bài 2
 

NHỮNG THÁNH VỊNH LÊN ĐỀN TV 120-134


Nhóm này gồm 15 Thánh vịnh ngắn và đầy vẻ tươi mát. Chúng được gọi là Ca khúc Lên đền. Có lẽ vì được hát khi người ta lên đền thờ Giêrusalem vào 3 dịp lễ hành hương. Đó là những Thánh vịnh từ 120 đến 134 (nhưng có lẽ Tv 132 không thuộc nhóm này).
Chúng thuộc nhiều gia đình khác nhau. Nhưng nhờ vậy khi ta nghiên cứu chúng thì ta cũng được làm quen với các gia đình ấy, khám phá ra thi văn Híp-ri và nhất là tâm tình tôn giáo của các tác giả.
Khởi sự, xin bạn đọc qua những Thánh vịnh ấy, chỉ để thưởng thức thôi. Sau đó đọc lại lần nữa kỹ hơn để nghiên cứu các khía cạnh của chúng.

  1.  VĂN THỂ

Từng Tv trong nhóm này thuộc văn thể nào ?
TOB và BJ xếp loại gần như nhau : những Tv phó thác, những Tv kêu cứu (cá nhân và tập thể), một Tv tạ ơn, một thánh thi, nhiều Tv giáo huấn và một Tv phụng vụ.
Bạn thử tìm ra những nét đặc thù của từng văn thể (nhưng cũng nên ý thức rằng biên giới giữa chúng rất mơ hồ : trong cùng một Tv có thể có giọng điệu cầu khẩn rồi chuyển sang phó thác).

  1.  THI VĂN HÍP-RI
    1.  Vần điệu :

Trong một bài thơ Híp-ri người ta tính tiết điệu dựa vào một số vần được dùng như điểm tựa khi ngâm câu thơ lên. Số vần có thể bằng nhau trong mọi câu (3 + 3 chẳng hạn), mà cũng có thể khác nhau (3 + 2…). Thí dụ :
Từ vực sâu con kêu lên Ngài, lạy Chúa (3) xin lắng nghe tiếng con kêu (2)
Xin Ngài lắng tai để ý (3) đến tiếng con cầu nguyện (2)

  1.  
    1.  Sóng đôi :

Đây là cách lặp lại 2 lần cùng một điều nhưng dưới một dạng khác. Bạn thử tìm một số thí dụ trong các Thánh vịnh này (chẳng hạn 122,8-9).

  1.  
    1.  Từ móc nối :

Đôi khi câu sau bắt đầu từ một từ có ở câu trước, làm cho 2 câu được móc nối với nhau. Thí dụ Tv 121.

  1.  HÌNH ẢNH

Bạn có thể nghiên cứu chúng theo 2 mức độ.
Có những hình ảnh gì ? chúng cho thấy môi trường xã hội, kinh tế, văn hoá thế nào ? thí dụ hình ảnh me / con, chủ
/ tớ gợi lên đời sống gia đình ; hình ảnh người gác, mũi tên, xây nhà, gặt lúa… gợi lên sinh hoạt đồng áng…
Nhưng nhất là phải tìm xem chúng muốn nói gì :

  • Các Tv này trình bày khuôn mặt nào của Thiên Chúa ? Ngài có quan hệ gì với con người ? Thí dụ câu “Chúa canh giữ bạn từ lúc khởi hành cho đến lúc tới, bây giờ và mãi mãi” diễn tả khuôn mặt của Chúa quan phòng.
  • Con người đáp trả thế nào trước tình yêu của Chúa, trong cuộc sống hàng ngày, trong gian truân thử thách…? Ý thức về tội được diễn tả thế nào ? Tác giả luôn sống kết hợp với Thiên Chúa trong mọi giây phút cuộc đời, dù là đời riêng tư trong gia đình hay là đời sống chung trong xã hội, mọi sự đều được tác giả thấy là dấu chỉ về Đấng hằng yêu thương mình.
  • Ý nghĩa của việc hành hương thế nào ? tầm quan trọng của Giêrusalem và của Đền thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện.
  1.  LIÊN HỆ VỚI SÁCH THÁNH

Các Tv này lấy lại những ý tưởng của Êdêkien và của truyền thống tư tế : lòng sùng kính tập chú vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền thờ. Thế thì làm sao chúng hoà hợp được trong đời sống hàng ngày ? chúng có giống với quan niệm Đệ nhị Isaia về một Thiên Chúa tạo hoá hằng ở bên cạnh ta không ?
Suy cho cùng, những Ca khúc lên đền này có 4 ý nghĩa : hát mừng việc người ta đang lên đền Giêrusalem ; cuộc hành hương này cũng làm sống lại việc lên khỏi Aicập và lên khỏi Babylone ngày xưa ; và đó cũng là hình bóng muôn dân lên đền Giêrusalem vào thời cánh chung (Is 60-62).

  1.  LỜI CẦU NGUYỆN CỦA KITÔ HỮU

Đức Giêsu đã dùng những Tv này để cầu nguyện như thế nào ? và hôm nay ta có thể dùng chúng để cầu nguyện như thế nào ?

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO CỦA THIÊN CHÚA :

Sự nghèo trong Thánh kinh có thể có 2 nghĩa mà ta không nên lẫn lộn. Nghèo trước tiên là một tình trạng túng thiếu cụ thể. Nó là một điều dữ, thậm chí là một cớ vấp phạm, vì nó cho thấy rằng nước Thiên Chúa chưa đến do vẫn còn người khổ sở và chịu bất công. Các ngôn sứ thời lưu đày nói về ngày nước Thiên Chúa đến như sau : “Khi đó không còn người nghèo nữa”. Và bài “các mối phúc” trong Tin mừng Luca cũng theo chiều hướng đó.
Đôi khi nghèo là một thái độ thiêng liêng : thái độ của người hoàn toàn phó thác vào Chúa bởi đã có kinh nghiệm về sự bất lực của mình, nói cách khác, về “sự nghèo nàn” của mình. Đây là cái nghèo trong tâm hồn.
Người nghèo như thế này (anaw) chính là đối tượng của những lời chúc phúc trong Tin mừng Mt.
Lý tưởng về sự nghèo thiêng liêng xuất hiện rõ nhất trong sách Xôphônia. Lý tưởng này phát triển mạnh sau thời lưu đày và tạo thành một lớp người đơn sơ, tin tưởng sâu sắc, xa lánh những tranh giành về chính trị và tôn giáo của các tư tế. Đại biểu của họ vào đầu công nguyên là Dacaria, Isave, Simêon, Anna, Maria…
Những Tv lên đền được soạn sau thời lưu đày nên cũng đề cao lý tưởng trên. Cuộc sống của người nghèo thiêng liêng rất đơn giản. Họ là dân thôn dã đã sống gần gũi thiên

nhiên, vui với những thú vui khiêm tốn trong gia đình, thân thiện với bạn bè, lối xóm, hoà thuận với mọi người… Họ không diễn tả tâm tình bằng những từ ngữ uyên bác, nhưng sử dụng những hình ảnh đơn sơ bộc lộ tình cảm sâu sắc tự đáy lòng. Đối với họ tất cả đều nói về Chúa, tất cả đều là sứ điệp của tình yêu Chúa. Sau này Đức Giêsu cũng nói thứ ngôn ngữ ấy trong những dụ ngôn.
Thiên Chúa ấy là một Thiên Chúa hữu vị, gần gũi với con người. Ngài bảo vệ con người trong tất cả mọi việc làm của nó, và người nghèo đáp lời Ngài bằng đức tin và sự trông cậy hoàn toàn.
Thiên Chúa ấy ở giữa dân Ngài, trong Đền thờ của Ngài ở Giêrusalem. Như thế cuộc sống của người nghèo là một cuộc hành hương. Israel là một dân hành hương về nơi Thiên Chúa ngự. Hành hương từ lúc Xuất hành, vì Thiên Chúa đã giải phóng họ. Hành hương từ lúc ra khỏi Babylone và vẫn còn tiếp tục hành hương cho tới lúc tất cả mọi dân tộc quy tụ trong cùng một đức tin, một niềm vui và một sự thông hiệp với cùng một Thiên Chúa.

DÙNG THÁNH VỊNH ĐỂ CẦU NHUYỆN CHUNG NHƯ THẾ NÀO ?

Dĩ nhiên chẳng có một cái toa nào cho tất cả mọi người trong mọi trường hợp. Mỗi người, mỗi nhóm phải có sáng kiến. Ở đây chỉ là kể một vài cách đã được thực hiện thử đó đây.
Mọi người trong nhóm tập họp lại một nơi thích hợp (có thể đặt tượng ảnh Chúa vv…). Một người đọc lớn tiếng một Thánh vịnh, rồi mỗi người âm thầm đọc lại một lần, 2 lần, 10 lần…để “nghiền ngẫm”. Một lúc sau (dài ngắn tuỳ)

người này, rồi người khác tiếp theo, đọc lớn lên 1 câu có thể chỉ đọc nguyên văn, có thể diễn tả ý câu đó bằng lời lẽ của mình. Nhiều câu, nhiều chữ, nhiều hình ảnh được đọc lại, được giải thích lại như thế sẽ chứa đầy chất “sống” của mỗi người và do đó sẽ có 1 ý nghĩa mới, khơi lên lời cầu nguyện của mỗi người. Đừng sợ những khoảng im lặng vì đó không phải là thời gian chết mà là thời gian cho lời Thánh kinh biến thành lời của người anh em vang dội vào lòng ta và khơi lên lời cầu nguyện của ta.
Thỉnh thoảng có thể tự phát cất lên điệp khúc của một Thánh ca mà mọi người đều thuộc.
Và thỉnh thoảng cũng có thể đọc lên vài câu Tin Mừng, cho thấy rằng những Thánh vịnh ấy cũng là những lời cầu nguyện của Đức kitô.
Trong 1 số ấn bản Thánh vịnh, sau mỗi Thánh vịnh có in thêm những lời cầu nguyện khai thác những chủ đề chính của Tv ấy.

Bài 3
 

THÁNH VỊNH TÁN TẠ THIÊN CHÚA CỨU TINH VÀ TẠO HOÁ


Có những lúc ta thấy thèm hát vì thế giới đẹp quá, vì có ai đó thương ta quá, vì vừa giải toả được 1 gánh nặng trong tâm hồn …Có những lúc toàn dân nhảy mừng : mừng ngày đất nước được giải phóng, mừng cho cuộc sống ấm no hạnh phúc…Tiếng hát cá nhân, tiếng hát tập thể hoà lẫn nhau trong bầu không khí vui tươi mở hội…
Ở Israel, tâm tình hân hoan tán tạ bộc phát trong hầu hết các Tv. Hầu như đó là tâm tình duy nhất của các Thánh thi. Nó cũng chen vào những Thánh ca tạ ơn, và ngay cả trong những Tv giáo huấn và van xin nữa. Đó chính là một trong những nét đặc thù của con người trong Thánh kinh khi đối diện với Thiên chúa của mình : dù hoàn cảnh cụ thể của họ lúc đó như thế nào đi nữa, dù đang vui hay đang buồn, dù đang sốt sắng hay đang ray rứt vì tội lỗi… người tín hữu vẫn tin mình đang sống trước mặt Thiên Chúa, do đó không thể ngăn nỗi lời ca ngợi khen vẻ đẹp và lòng tốt bao la của Ngài.
Tâm tình tán tạ trào ra không phải là kết quả của suy tư lý luận, mà là sự bộc phát niềm vui bởi biết mình được Thiên Chúa yêu thương, như Lời Ngài đã phán :”Ngươi rất quý giá trước mắt Ta, ngươi rất nặng ký, bởi vì Ta yêu thương ngươi” (Is 43,4).

  1.  THIÊN CHÚA CỨU TINH

Như ta đã thấy, kinh nghiệm đầu tiên của Israel về Thiên Chúa là được Ngài giải phóng và cứu độ : chính Ngài đã kéo họ ra khỏi vòng nô lệ. Ngoài tập Thánh vịnh ra, còn nhiều sách khác cũng chứa nhiều bài ca có từ rất xưa như : Bài ca Myriam hát mừng ngày Xuất hành ra khỏi Ai cập (Xh 15,21), bài ca chiến thắng của Débora dưới chân núi Tabor (Tl 5).
Và trong những cuộc lễ phụng vụ, dân chúng gợi lại những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cũng bằng những Thánh vịnh, qua đó họ ý thức thêm họ là dân riêng của Thiên chúa, họ khẳng định lại niềm tin vào Giao ước, họ củng cố thêm niềm hy vọng vào tương lai : Thiên Chúa đã nhiều lần giải phóng họ trong quá khứ, chắc chắn Ngài cũng sẽ giải phóng họ trong tương lai.

  1.  THIÊN CHÚA TẠO HOÁ

Israel khám phá thêm rằng sở dĩ Thiên chúa có thể can thiệp vào lịch sử để cứu họ vì Ngài chính là Chủ tể của lịch sử, bởi chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ. Vì thế họ cũng tán tạ Ngài vì những công trình tạo dựng trong thiên nhiên.

  1.  CƠ CẤU CỦA NHỮNG THÁNH VỊNH TÁN TẠ

Những Tv có bố cục rất đơn giản gồm 3 phần :

  •  
  • Mở đầu là kêu mời hãy tán tạ Chúa.
  • Tiếp đến là chính lời tán tạ, bắt đầu bằng những chữ “vì”, “bởi vì”, “vì Ngài”…, kể ra những việc kỳ diệu Ngài đã làm trong lịch sử hoặc những phẩm tính của Ngài.
  •  
  1. Kết thúc lại là một lời kêu mời tán tạ Chúa nhưng cách trang trọng hơn, và một lời tung hô hoặc “Allelu-Yah” hay “Đến muôn đời”.
  2.  LỜI NGUYỆN CỦA CHÚNG TA

Có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng cầu nguyện với những Thánh vịnh này, chỉ có một khó khăn nhỏ về phương diện văn hoá là một số hình ảnh xa lạ với chúng ta (nhưng nếu ta đã quen với những bài tường thuật tạo dựng thì những hình ảnh này không còn xa lạ nữa) ; một vài ám chỉ tới những biến cố lịch sử có lẽ cũng lạ. Nhưng không sao, không phải vì ta không biết vài chi tiết về đời sống của ông bà cha mẹ ta mà ta không cảm thấy liên hệ với các Ngài. Thì cũng thế, những Thánh vịnh này, dù có một số chi tiết hơi lạ, cũng giúp ta xác tín rằng lịch sử của dân Chúa cũng là lịch sử của chúng ta, rằng nguồn gốc đức tin của chúng ta chính là những việc kỳ diệu của Thiên Chúa đã làm từ cuộc xuất hành đầu tiên cho đến cuộc xuất hành mới trong Đức Giêsu Kitô.

TỰA ĐỀ CỦA CÁC THÁNH VỊNH

Phần lớn các Tv ở đầu có ghi những chỉ dẫn về tác giả và thể loại nhiều khi khó hiểu.
Tác giả : giới từ híp-ri ở trước tên tác giả có nghĩa là người ta coi ông đó là tác giả của Tv, hoặc Tv này thuộc bộ sưu tập của ông đó. Thực ra đó chỉ là một cách gán ghép các Tv cho tác quyền của những nhân vật lớn của Israel thôi chứ chưa hẳn là đúng sự thật.
Một số Tv còn ghi phải hát với nhạc cụ nào, hát theo thể loại nào.

  1.  NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH
  2.  Tv 114: Thiên Chúa của những cuộc Xuất hành.
    1. Kêu mời: Allelui Yah, hãy tán tụng Chúa.
    1. Tán tạ :

c 1-2 : mục đích cuộc xuất hành thứ nhất : Chúa muốn làm cho dân thành đền thánh của Ngài, Ngài muốn ở với một dân tín hữu.
c 3-4 : những việc kỳ diệu cuộc xuất hành thứ nhất.
c 5-6 : tác giả nhập cuộc mời chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của những việc kỳ diệu ấy.
c 7-8 : những việc kỳ diệu của cuộc xuất hành thứ hai : giải phóng khỏi Babylone. Đây chính là một trong những ý nghĩa có thể có. Tác giả nhớ tới Đệ nhị Isaia (Is 14,15; 42,15; 43,20) và hát mừng cuộc xuất hành mới.

  1.  
    1. Lời nguyện của Đức Giêsu : Đức Giêsu đã mượn lại Tv này để hát mừng “cuộc xuất hành Ngài sắp thực hiện ở Giêrusalem” (Lc 9,31).
    2. Lời nguyện của chúng ta : ngày nay chúng ta sẽ dùng Tv để cầu nguyện như thế nào ? Tân ước trình bày đời chúng ta như một cuộc xuất hành mới (Ga ; 1P ; Kh) : như thế thì đời ta có ý nghĩa gì ? Ta có thể ca mừng Đức Kitô là đá tảng phát sinh nguồn nước sống cho ta (1Cr 10,4).
  2.  Thánh vịnh 113 : Tc của những người bị áp bức :
    1. Kêu mời : c 1-3 mời ai ? ở đâu ?
    1. Tán tạ :

c 4-6 : tán tạ những phẩm tính gì của Thiên Chúa ?

c 7-9 : hãy so sánh những câu này với 1Sm 2,1-10, với “tin mừng” mà đệ nhị Isaia đã nói tới, với những lời chúc phúc trong Tin mừng, những câu này loan báo gì ?

  1.  
    1. Lời nguyện của Đức Giêsu : Tv này là đầu tiên của một toàn thể (Tv 113-118) được gọi là Hallel (tán tạ), được hát trong 3 dịp lễ lớn. Đức Giêsu đã hát nó buổi chiều thứ năm thánh (Mc 14,26), Ngài dùng nó làm lời cầu nguyện của Ngài như thế nào ?
    2. Lời nguyện của chúng ta : Thiên Chúa muốn bày tỏ sự cao cả của Ngài thế nào ? Ngày nay ta có thể dịch các câu 7-9 (phẩm giá của người nghèo và người bị áp bức) như thế nào ? Ta có thể cầu nguyện bằng Tv này mà không cần nỗ lực thực hiện điều ta xin hay không ?
  2.  Tv 8 : Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa.
  1. Kêu mời : c.2 (được lặp lại ở c.10 để kết thúc).
  2. Tán tạ :

c 3-5 : tán tạ sự cao cả của Thiên Chúa. Có lẽ phần đầu phải dịch như sau : “Tôi muốn hát mừng vinh quang của Ngài trên các tầng trời hơn miệng lưỡi của trẻ con và thơ nhi”.
“Con trẻ” có lẽ là các các tinh tú thuở bình minh của tạo dựng đã hát mừng Thiên Chúa (G 38,6 ; Br 3,35) : con người hát mừng Thiên Chúa còn tốt hơn chúng nữa. “Nơi cư ngụ” của Thiên Chúa chính là trời : như ở St 1, cuộc tạo dựng được coi là việc Thiên Chúa chiến thắng hỗn mang.
c 6-9 : c.5 đã đưa con người nhập cuộc, bây giờ con người ở phần trung tâm, nhưng Thiên Chúa vẫn là chủ từ

của tất cả các động từ. Tán dương sự cao cả của con người tức là tán dương sự cao cả của Thiên Chúa.
Với Tv này chúng ta ở giữa đường, giữa 2 tường thuật tạo dựng (St 2 và 1). Tv này sẽ được trích dẫn nhiều lần trong Tân ước.

  1.  Tv 104 : Cuộc tạo dựng và vinh quang của Thiên Chúa

Tác giả lấy hứng từ một thánh thi Aicập ca tụng thần Mặt trời, được soạn khoảng năm 1350. Một lời nguyện của con người có thể trở thành lời nguyện dâng lên Thiên Chúa hằng sống, cũng như bánh ăn thường ngày có thể trở thành Mình Thánh Chúa Kitô ; tác giả dùng thánh thi Aicập này để suy nghĩ về đức tin và về cuộc tạo dựng ở St 1.

  1.  
    1. Kêu mời : c.1.
    2. Tán tạ : c.2-30.

Trước hết bạn cứ đọc chơi để thưởng thức. Sau đó so sánh nó với Thánh thi Aicập xem nó có những điểm nào giống nhau ; rồi so sánh với tường thuật St 1 xem có gì giống nhau (có theo thứ tự các ngày tạo dựng không)

  1.  
    1. Kết thúc : c 31-35.

Lời tán tạ của cá nhân, mơ ước tới ngày thế giới được giải thoát khỏi sự dữ.

  1.  
    1. Lời nguyện của chúng ta : chính nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô mà Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự (Cl 1,15- 18). Chính nhờ hơi thở của Thánh Linh Ngài mà Thiên Chúa ban sự sống cho chúng ta, và bánh rượu trở thành biểu tượng của một thế giới mới được tái tạo trong Thánh Linh.

Bài 4
 

THÁNH VỊNH TÁN TẠ THIÊN CHÚA Ở KỀ BÊN


Tuy rằng Thiên Chúa là Đấng “hoàn toàn khác” vì Ngài là chủ tể lịch sử và là Đấng tạo hoá. Thế nhưng những việc kỳ diệu mà Chúa làm cho loài người khiến họ thấy Ngài lại rất gần gũi. Ngài ở nơi dân Ngài : ở Giêrusalem trong Đền thờ là chỗ Ngài có mặt và là nơi người ta hành hương về, Ngài ở trong dân Ngài. “Luật chẳng xa ngươi, chẳng quá tầm với của ngươi. Lời ở trong lòng ngươi để ngươi đem ra thi hành” (Đnl 30,11t).

  1.  EMMANUEL : THIÊN-CHÚA-Ở-VỚI-TA.

Một số Tv bày tỏ niềm hạnh phúc được mời vào nhà Chúa, được làm khách của Ngài, được sống thân mật với Ngài, là khách của Ngài, ở trong nhà Ngài, ở dưới bóng Chúa, Chúa ở trước mặt tôi, tôi ở dưới cánh của Ngài…
Có thể nghiên cứu Tv 139.

  1.  THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN TRONG ĐỀN THỜ

Giêrusalem – hoặc đồi Sion trên đó có thành Giêrusalem -và Đền thờ là những nơi mà Thiên Chúa hiện diện với dân. Khi đọc bài tường thuật ơn gọi của Isaia hoặc những bản văn P nói về Thiên Chúa hiện diện trên Khám giao ước, ta sẽ có được cảm giác đặc biệt của dân Israel khi họ ở trước sự hiện diện này.
Mỗi năm 3 lần vào những dịp lễ hành hương (lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần, và nhất là Lễ Lều) dân tiến lên Giêrusalem

để sống lại cảm nghiệm được quy tụ chung quanh Thiên Chúa. Nhưng cũng có một nguy hiểm là họ coi sự hiện diện của Thiên Chúa như một cái gì ma thuật chuẩn miễn cho họ khỏi phải sống công bình. Nhiều ngôn sứ như Giêrêmia đã cố gắng kéo họ ra khỏi sự lầm lạc này, cuộc lưu đày tiếp sau việc Đền thờ bị phá huỷ càng giúp họ hiểu rằng sự hiện diện ấy Chúa không phải là một đảm bảo tự động, nơi cư ngụ của Thiên Chúa trước tiên không phải là một cái nhà nào, mà là một dân gồm các tín hữu.
Lời nguyện của chúng ta : Thiên Chúa đã hiện diện thực sự nơi Đức Giêsu Kitô, đền thờ thật của chúng ta. Giáo hội là thân thể của Ngài do Thánh Linh Ngài tác động. Những Tv này nhắc ta nhớ rằng Giáo hội là một dân tiến về Giêrusalem trên trời, là nơi mà sự dữ không còn nữa vì Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người.

  1.  THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN BẰNG LUẬT CỦA NGÀI

Ta khó chịu khi nghe nói tới Luật, tới Vâng lời…
Nhưng đối với Israel, Luật không phải là những mệnh lệnh, những cấm đoán… mà là Lời, một lời dịu dàng như nụ cười của người vợ dịu hiền, một lời cứng rắn như lời người thủ trưởng giao nhiệm vụ, một lời rõ rệt như lời người hướng đạo chỉ cho biết đường nào đi an toàn. Nhưng tựu trung Lời ấy – Shema Israel! Hỡi Israel hãy vâng nghe ! – chẳng nói gì khác hơn là “Ta yêu con… còn con thì sao ?”
Vâng lời (chữ Latin là Ob-audire) là đứng trước mặt kẻ gọi mình để chăm chỉ lắng nghe và sẵn sàng đón nhận những lời của người đó vào tận cõi lòng rồi đáp lại với cả con người

mình. Theo nghĩa này cuộc nói chuyện giữa 2 người yêu nhau là một sự “vâng lời” nhau.
Cần phải nhớ tới điều vừa phân tích ở trên để có thể cầu nguyện với những Thánh vịnh “vâng lời” này và để hiểu được tại sao người tín hữu có thể ca tụng Luật một cách âu yếm như vậy, chẳng hạn như Tv 119.
Lời nguyện của chúng ta : giờ đây ta có thể dùng những Tv này để cầu nguyện cách dễ dàng, bởi vì luật đã trở thành một người : Đức Giêsu Kitô. Ngài là Lời Thiên Chúa do Thánh Linh đặt vào chúng ta. Do đó ta có thể dùng những Tv này để bộc lộ nỗi niềm yêu mến của ta đối với Đức Giêsu Kitô.

  1.  NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH
    1.  TV 139 “Chúa biết rõ con” :

Biết bao người từng mơ ước có được ai đó biết rõ mình cả mặt tốt lẫn mặt xấu và vẫn yêu thương mình. Người tín hữu hát Tv này không phải chỉ mơ ước như thế mà thực sự hạnh phúc vì được như thế.
Nhưng hạnh phúc này hoàn toàn không phải là tự mãn, vì phải luôn cảnh giác đừng để mình trốn chạy trước lời của Thiên Chúa nhiều khi rất nặng.

  •  
    •  
  • c 1-18 : xin lưu ý những hình ảnh và kiểu nói diễn tả sự thân mật, kề cận. Khiêm tốn cũng là biết rằng mình là món quà tặng quý nhất của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì Ngài đã làm cho con sự kỳ diệu tuyệt vời như thế”.
  •  
    •  
  • c 19-22 : nhưng người tín hữu vẫn băn khoăn một điều : tại sao có sự dữ ? một cách đơn sơ, hơi ngây ngô, người tín hữu xin Chúa tiêu diệt hết những gì chống lại mình.
  • c 23-24 : lời nguyện cuối cùng rất cảm động, người tín hữu dù đang đi trên đường tốt vẫn không an lòng nên nài xin Chúa luôn coi chừng giùm mình !

Lời nguyện của chúng ta : Thiên Chúa đã ban dư tràn mọi ơn cho chúng ta trong Con-yêu-dấu của Ngài (Ep 1,6). Trong Đức Giêsu chúng ta trở nên con của Thiên Chúa và chia sẻ tình thân của Ngài với Chúa Cha nhờ Thánh Linh ở trong ta khiến chúng ta kêu lên : “Abba Thưa Cha“, và chúng ta biết rằng những kẻ được Chúa Cha ban cho Chúa Con thì Chúa Con luôn gìn giữ cẩn thận (Ga 17).

  1.  
    1.  Tv 84 : Toàn thể con người tôi hân hoan ca hát.

Đây là bài ca của kẻ hành hương vừa tới được Đền thờ, hát lên tình yêu thương say đắm của mình đối với Thiên Chúa.
Bạn hãy tìm những hình ảnh và kiểu nói diễn tả sự hành trình, nơi ở hạnh phúc… Cũng có thể tìm cách diễn tả lại những ý trên bằng ngôn ngữ của bạn.
Lời nguyện của chúng ta : từ nay Đền thờ đích thực là thân xác của Đức Giêsu Phục sinh, chúng ta có thể dùng Tv này để ngợi khen Ngài. Giáo hội cũng là thân thể Đức Giêsu trong lịch sử. Cho nên ta cũng có thể dùng Tv này để bày tỏ tâm tình vui sướng được sống trong Giáo hội, sống giữa anh em với nhau.

  1.  
    1.  Tv 42-43 : hồn tôi khao khát Chúa :

Hai Tv này chỉ là một. Một điệp khúc (42,6-12; 43,5) cắt Tv làm ba phần bằng nhau.
Một người phục vụ Đền thờ bị đày đi tới Liban. Ông hát Tv này để bày tỏ nỗi niềm đau khổ vì xa cách Chúa.

  •  
    •  
  • 42,2-6 : ao ước của ông là gì ? (xem Xh 34,23) nỗi khổ của ông là gì ? điều gì động viên ông ?
  • 42, 7-12 : từ nơi lưu đày – từ mọi nơi lưu đày – ta vẫn có thể cầu nguyện với Chúa.
  • 43,1-5 : lời cầu nguyện.

Hãy tìm những hình ảnh và kiểu nói diễn tả nỗi nhớ nhung, nước, ánh sáng, niềm vui, ơn cứu độ.

  1.  
    1.  Tv 119 : những kỳ công của Luật Ngài

Tv này tới 176 câu, chỉ để nói lên mỗi một điều “Chúa ơi con yêu Luật Chúa”, chia làm 22 khúc tương đương với số lượng các mẫu tự. Mỗi khúc gồm 8 câu thơ khởi đầu bằng một mẫu tự Híp-ri, mỗi câu thơ có một trong 8 danh từ chỉ Luật (giới luật, điều răn, mệnh lệnh…) Thánh vịnh này giống như lời tự tình của một ngươì sung sướng nói đi nói lại dưới đủ dạng thức về hạnh phúc của mình. Tác giả luôn miệng nói với Chúa rằng ông yêu Ngài và cảm thấy Ngài đang ở kề cận bên ông.
Trong cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và người tín hữu ấy, ta có thể gặp những hình ảnh và kiểu nói diễn tả Thiên Chúa như : Luật là Thiên Chúa ở kề bên (xuất phát từ miệng Ngài, Ngài dạy…) nhưng vẫn bí nhiệm.
Những hình ảnh và kiểu nói về con người và thái độ của con người : quy hướng về Chúa (dò dẫm, nghiền ngẫm,

trìu mến, nghiên cứu luật) vâng nghe, bước đi, kiếm tìm… Con người quay về Thiên Chúa vì trong quá khứ đã phạm tội với Ngài.
Lời nguyện của chúng ta : ta có thể cầu nguyện với Tv này bằng cách thay chữ “Luật” bằng chữ “Đức Giêsu”, vì chính Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa, được Thánh Linh đặt vào lòng ta, Ngài là “đường, là sự thật, và sự sống”.

Bài 5
 

THÁNH VỊNH HY VỌNG


Bài này gồm chung 2 loại Thánh vịnh vì chúng đều ca tụng vương quyền : vương quyền của Thiên Chúa và vương quyền của vị vua trần thế. Nhưng cả hai đều hướng về tương lai, tới lúc mà Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra là một vị vua trung tín và công bình, qua trung gian của Đấng mà Ngài sẽ đặt làm Vua Messia.

  1.  CHÚA LÀ VUA

Ở Israel chỉ có một vua thật duy nhất thôi, đó là Thiên Chúa. Các ông vua trần thế chỉ là kẻ thay mặt Ngài.
Trong thời lưu đày ở Babylone và sau đó nữa, Israel không còn vua trần thế, cho nên người ta càng nghĩ nhiều tới vương quyền của Thiên Chúa (Is 40,12-31 ; 41,42 ; 43,15 ; 44,6 ; 52,7.
Có 5 Tv rất giống nhau ca tụng vương triều của Thiên Chúa : 93 96 96 98 99. Giọng điệu rộn rã, vui mừng khiến ta nghĩ tới ngày lễ phong vương. Israel và các dân xa xôi nhất (các đảo) thậm chí những yếu tố thiên nhiên đều chia sẻ niềm vui phổ quát đó. Những Tv này lấy lại chủ đề “tin mừng” của Đệ nhị Isaia để loan báo lúc mà Vua-Thiên Chúa sẽ làm chấm dứt hết mọi sự nghèo khó và khổ đau.
Thánh vịnh 47 có lẽ cũng cùng nguồn gốc. Còn Tv 24,7-10 có lẽ xưa hơn, hát mừng việc Khám giao ước tiến vào Giêrusalem thời Đavit ; những câu 1-6 được thêm vào

sau thời lưu đày đưa ý nghĩa của Tv tới chiều hướng phổ quát hơn.
Cách chung những Tv vương quyền này được sinh ra trong khung cảnh phụng vụ, bởi vì chính trong những lúc phụng tự mà vương triều vĩnh cửu của Thiên Chúa bắt đầu trở thành hiện thực ở trần gian.
Lời nguyện của chúng ta : khi tuyên bố những mối phúc và những phép lạ cứu giúp kẻ nghèo khổ, Đức Giêsu cho thấy nhờ Ngài mà vương triều của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện. Nhưng chỉ mới bắt đầu thôi, các môn đệ Đức Giêsu phải nỗ lực làm cho vương triều ấy được thực hiện trọn vẹn. Như thế những Tv này vừa thúc giục chúng ta chờ mong cho sớm tới ngày đó (“xin cho vương triều của Cha trị đến“) và kêu mời chúng ta phải ra tay làm cho điều đó được sớm thực hiện.

  1.  SINH NHẬT CỦA VUA

Có 7 Thánh vịnh (và có lẽ vài Tv khác nữa) hát mừng ngày sinh của vua Israel : 2 21 45 72 89 101 110.
Không như những dân khác, Israel không bao giờ thần thánh hoá các vua của mình. Nhưng theo lời ngôn sứ Natan các vua này trong ngày tấn phong được trở thành con của Thiên Chúa. Như thế ngày ông được tấn phong cũng là ngày ông được sinh ra làm con Thiên Chúa.
Các Tv này khiến người ta hi vọng rằng sẽ có một ngày Thiên Chúa ban xuống cho dân Đấng Messia-Vua của Ngài.
Lời nguyện của chúng ta : Kitô hữu tin rằng, Đức Giêsu chính là Vua-Messia. Do đó ta có thể dùng những Tv

này để ca mừng Đức Giêsu và xin cho vương triều của Ngài mở rộng tới toàn thể nhân loại.

THÁNH VỊNH 2 TRONG TÂN ƯỚC :

  • Tv 2 giúp chúng ta hiểu và diễn tả điều gì về Đức Giêsu Kitô ?
  • Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô : lúc phục sinh là lúc Ngài sinh ra làm Con Thiên Chúa, làm vua Messia và làm Đức Chúa của toàn vũ trụ (Cv 13,32 ; Rm 1,3 ; Dt 1,5 ; 5,5 ; Kh 12,5). Đây không phải là cuộc sinh ra ở Bêlem, và thuật ngữ “Con Thiên Chúa” không có nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay : nó không chỉ Thiên tính của Đức Giêsu mà chỉ việc Ngài được đặt làm vua và Chúa của vũ trụ.
  • Cái chết của Đức Giêsu Kitô : Ngài bị các lãnh tụ Do Thái chối bỏ, họ chính là “những kẻ dữ” trong Tv này, nổi loạn chống Thiên Chúa và Đấng Messia của Ngài (Cv 4,23- 31).
  • Việc Đức Giêsu Kitô lại đến vào ngày tận thế : sẽ có một ngày Ngài được tấn phong làm Chúa cả vũ trụ (Kh 19,15; 21,1-5). Đây là nền tảng của niềm hi vọng chúng ta. Gioan hứa rằng tới ngày đó chúng ta sẽ được tham dự vào vinh quang của Ngài (Kh 21,7 ; 2,26).
  1.  NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH
    1.  Thánh vịnh 96 : Thiên Chúa ngự trị.

Có nhiều điểm tương quan giữa Tv này với sứ điệp của đệ nhị Isaia :

  •  
    •  
  • c 1-3 : mời toàn cõi đất hát lên bài ca mới (Is 42,10). Qua việc cứu dân thoát cảnh lưu đày, Thiên Chúa biểu lộ ơn
Previous articleCHỌN CHỒNG!
Next articleBạc bẽo, vô ơn !