Hương vị của câu nói đùa và rượu

16


Câu nói đùa cũng như rượu, nếu dùng với tinh thần tốt và có điều độ, nó cũng có thể cải thiện tâm trạng, hâm nóng cuộc chuyện trò và xoa dịu căng thẳng trong cuộc tụ họp.

Elizabeth Poreba kết thúc bài thơ No Good Company (Không có bạn đồng hành tốt) với những câu này:

Tôi không có câu nói đùa,

Tôi toàn nổi cáu và xét đoán, một bà da trắng dễ cáu

Băn khoăn phải làm gì, phải làm gì tiếp theo

Nghe cũng giống như lúc Chúa Giêsu đến, có vẻ bận rộn.

Ở tiệc cưới Cana, Đức Mẹ bảo Chúa Giêsu là “họ hết rượu rồi” và xin Ngài cho họ thêm rượu. Rượu và câu nói đùa có điểm gì chung? Cả hai đều là thứ phụ thêm cần thiết trong đời chúng ta.

Hãy nói về rượu trước. Rượu không phải là chất đạm, thứ cơ thể cần để được bồi dưỡng và sống, thứ vốn là thiết yếu trong chế độ ăn. Rượu là thứ phụ thêm đem lại một cái gì đặc biệt cho sự lành mạnh của con người. Uống rượu với một tinh thần tốt và có điều độ thì có thể giúp cải thiện tâm trạng và hâm nóng buổi nói chuyện, thậm chí còn giúp (dù chỉ trong chốc lát) xoa dịu căng thẳng giữa chúng ta. Nó là chất làm cho trơn tru cuộc trò chuyện, bữa tối trong nhà, buổi tụ họp xã giao được thêm thoải mái.

Còn câu đùa? Cũng như rượu, nếu dùng với tinh thần tốt và có điều độ, nó cũng có thể cải thiện tâm trạng, hâm nóng cuộc chuyện trò và xoa dịu căng thẳng trong cuộc tụ họp. Kinh điển Hy Lạp gợi ý tình yêu có sáu yếu tố: Eros – sự hấp dẫn về tình cảm và tình dục; mania – ám ảnh về tình cảm; asteismos – vui thú và vui đùa; storge – quan tâm và lo lắng; pragma – thu xếp và bố trí thực tế; philia – tình bạn; và agape – vị tha.

Thông thường, khi nghĩ về tình yêu, chúng ta nghĩ về những yếu tố này, ngoại trừ khía cạnh vui thú và vui đùa. Cái tôi lãng mạn của chúng ta định nghĩa tình yêu bằng ám ảnh cảm xúc và hấp dẫn tình dục. Cái tôi luân lý và tôn giáo của chúng ta thì định nghĩa tình yêu bằng quan tâm, tình bạn và vị tha. Còn cái tôi thực dụng của chúng ta thì định nghĩa tình yêu bằng những dàn xếp thực tế. Ít ai nói đến vị trí và tầm quan trọng của vui đùa, vui thú, chọc ghẹo lành mạnh hay hài hước, nhưng chúng thường là chất mềm giúp mọi thứ khác trôi chảy hơn.

Tôi có một ví dụ: Trong suốt cuộc đời trưởng thành, tôi sống trong nhiều cộng đoàn tu khác nhau, với những tu sĩ khác. Chúng tôi không được chọn để sống với ai, nhưng được chỉ định vào một cộng đoàn để cùng sống với người khác ở đó. Và chúng tôi đến với nhau, mỗi người đều có xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau và những điểm dị biệt khác nhau. Đây là công thức chuẩn cho căng thẳng, thế mà hầu như nó luôn hiệu quả, thoải mái, đem lại sự nâng đỡ và thông hiệp trong cuộc sống. Điều gì làm cho nó có hiệu quả? Tại sao chúng tôi không rơi vào cảnh tương tàn? Làm sao chúng tôi sống (hầu như luôn) thoải mái với nhau, bất chấp những khác biệt, những ấu trĩ và cái tôi của mình?

Có một sứ mạng giữ chúng tôi lại để cùng nhau làm việc và quan trọng nhất là có lời cầu nguyện chung đều đặn giúp chúng tôi nhìn nhận nhau theo cách tốt đẹp hơn. Nhưng một điều rất quan trọng, là có những câu nói đùa, chọc ghẹo lành mạnh và hài hước như rượu trên bàn, giúp gạt đi những áp lực và xoa dịu căng thẳng vốn có trong khác biệt giữa chúng tôi. Một cộng đoàn không giữ mình được nhẹ nhàng bằng những câu nói đùa, chọc ghẹo lành mạnh cuối cùng sẽ trở thành thứ đối lập với nhẹ nhàng, cụ thể là nặng nề, xám xịt, đầy căng thẳng và vênh vang. Trong mọi cộng đoàn lành mạnh mà tôi đã sống, một trong những điều làm cho nó lành mạnh (và là mái nhà chúng ta thích quay về), đó chính là những câu nói đùa, vui thú, chọc ghẹo trong yêu thương và hài hước. Có những thứ rượu đậm đà có thể thêm sức sống cho bàn ăn của bất kỳ gia đình hay cộng đoàn nào.

Tuy nhiên, điều này cũng giống như uống rượu, nói đùa có thể hơi quá đà và bị dùng để tránh những cuộc trò chuyện khó khăn hơn cần phải có. Đồng thời, những câu nói đùa có thể giữ chúng ta liên hệ với nhau, theo cách có thể ngăn cản sự hình thành một cộng đoàn thực sự. Hài hước, nói đùa, chơi khăm cần biết khi nào là đủ, khi nào cần nghiêm túc. Nguy cơ làm quá chuyện đùa là có thật, mặc dù có lẽ nguy cơ cố sống mà không đùa còn cao hơn.

Chuyện đùa, vui thú, chọc ghẹo yêu thương và hài hước, không chỉ giúp chúng ta liên hệ với nhau bất chấp các khác biệt, mà còn giúp chúng ta làm nhẹ bớt sự vênh vang vốn thường là sản phẩm của những chuyện nghiêm túc quá đáng. Chúng giúp giữ gia đình và cộng đoàn của chúng ta vững vàng và thoải mái.

Tôi lớn lên trong một gia đình đông con, mỗi người đều có cá tính mạnh và nhiều lỗi lầm, nhưng trừ một vài dịp rất hiếm, nhà chúng tôi dù quá nhỏ so với số người trong nhà, nhưng lại rất thoải mái để ở, bởi vì nó luôn đầy những câu nói đùa, vui thú, hài hước và chọc ghẹo lành mạnh. Chúng tôi hiếm khi uống rượu, nhưng nói đùa thì nhiều! Khi nhìn lại những gì gia đình đã cho tôi, tôi vô cùng biết ơn vì rất nhiều tặng vật như đức tin, tình yêu thương, sự an toàn, lòng tin tưởng, nâng đỡ, dạy dỗ, sự tiết độ và sự nhạy bén về đạo đức. Nhưng gia đình còn dạy tôi về những câu đùa, vui thú, chọc ghẹo lành mạnh và hài hước. Đấy là một tặng vật không hề nhỏ.

Ở tiệc cưới Cana, Đức Mẹ để ý thấy dù đang là tiệc cưới, nhưng có gì đó không ổn. Có phải là bầu khí nặng nề chăng? Hay nghiêm túc quá đáng? Hay vênh vang không lành mạnh? Hay có một căng thẳng lộ rõ? Là gì cũng được. Nhưng Đức Mẹ thấy thiếu gì đó, nên Mẹ tìm đến Chúa Giêsu và bảo: “Con ơi, họ hết câu nói đùa rồi!”


Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch

Previous articleVẻ đẹp Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi gắn liền với sự ra đời của chữ Quốc ngữ
Next articleBạn muốn đặt cược vào Chúa