Ai đó cần viết một cuốn sách với các tựa đề này: Siêu hình học của một cuộc chia tay, Mổ xẻ cuộc chia tay, Nỗi đau của việc bước lên phía trước, hoặc tốt hơn, Tính cách thiêng liêng của sự kiện Chúa Giê-su lên trời. Tại sao cần có một cuốn sách như vậy?
Bởi vì trong cuộc sống chúng ta trải qua nhiều cuộc chia tay đau đớn. Có quá nhiều lần khi người nào đó mà chúng ta thương yêu phải đi xa hoặc chúng ta phải đi xa. Có nhiều lần, vì lý do nào đó, một người phải bước lên phía trước và không tránh khỏi có sự thay đổi trong tình thân thuộc. Hầu hết đó là những chuyện đau đớn, đôi khi vô cùng đau đớn đến nỗi nó để lại trong ta cảm giác bất an, khô kiệt cảm xúc, như thể tất cả sắc màu, năng lượng và niềm vui đã rời bỏ cuộc sống của chúng ta.
Tuy nhiên, như chúng ta biết, thường thường đó không phải là đoạn kết câu chuyện. Hầu như bao giờ cũng vậy, sau khi nỗi đau buồn tăm tối của chia ly đã qua đi, chúng ta trải qua điều ngược lại, một niềm hân hoan sâu xa khi nhận ra rằng giờ đây người thân thương chúng ta đang hiện hữu một cách khác.
Chẳng hạn các bậc cha mẹ đều trải nghiệm điều này khi con cái lớn lên và rời mái ấm gia đình để tạo dựng cuộc sống riêng. Ban đầu, khi đứa con rời gia đình để lên đại học, để kết hôn, hoặc làm việc ở nơi khác, chúng ta thường có cảm giác buồn đau không dứt khiến khô kiệt cả cảm xúc. Nhưng sau một thời gian, đặc biệt khi con cái trưởng thành trở về thăm, nỗi đau buồn nhanh chóng biến mất, bởi vì đứa con yêu quí không còn là một đứa trẻ, chúng tặng cho chúng ta một tình yêu và sự hiện diện còn phong phú hơn khi chúng còn nhỏ. Nỗi đau đánh mất một ai đó trở thành niềm vui của việc tìm thấy một điều gì đó sâu sắc hơn ở người mà mình nghĩ đã mất.
Khi Chúa Giê-su chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ của mình trước việc chúa lên trời, Người nói với các họ: “Tốt hơn cho anh em khi thầy đi xa. Anh em sẽ không hiểu được điều này bây giờ. Anh em sẽ đau buồn và lòng nặng trĩu, nhưng sau đó niềm vui sẽ đến và anh em sẽ hiểu tại sao thầy làm điều này, bởi vì chỉ khi đi xa, thầy mới có thể gởi cho anh em linh hồn của thầy.”
Đây là những lời không nói ra của người con với cha mẹ khi chúng rời khỏi gia đình để bắt đầu cuộc sống tự lập, đây là những lời không nói ra của chúng ta với bạn bè khi phải rời vòng tay bè bạn để lập gia đình. Đây đôi khi là những lời không nói ra của những đôi vợ chồng, khi họ phải xa nhau và mặc dù có thể là nỗi buồn cho cả hai, nhưng chính điều đó sẽ làm cho tình yêu của họ thêm bền chặt khi cuối cùng họ gặp lại nhau. Và đây là những lời không nói ra của chúng ta với mọi người mỗi khi chúng ta phải tạm biệt, cho dù đó chỉ là tạm biệt để đi làm mỗi ngày: “Tốt hơn cho em khi anh đi xa, mặc dù bây giờ thì buồn.”
Tác động qua lại một cách đối nghịch giữa sự có mặt và vắng mặt trong tình yêu là một bí ẩn lớn. Về mặt thể lý, chúng ta cần có mặt với nhau, nhưng đôi khi chúng ta cũng cần cách xa nhau. Chúng ta mang đến phúc lành cho một người nào đó khi ta đến thăm họ và cả khi từ giã họ. Sự có mặt một phần phải dựa vào sự vắng mặt và có điều gì đó trong tinh thần của chúng ta mà ta chỉ có thể cho được bằng cách đi xa. Tại sao vậy?
Bởi vì vắng bóng đôi khi là điều duy nhất có thể làm sự hiện diện trở nên tinh khiết. Khi hiện diện về mặt thể lý thì luôn luôn có những căng thẳng, tức giận, thất vọng, rạn nứt, thiếu sót, lỗi lầm trong tính cách của chúng ta, những điều mà một phần ngăn cản tình yêu trọn vẹn. Đó là lý do vì sao chúng ta hiếm khi cảm kích trọn vẹn và hiểu thấu giá trị của những người ta thương yêu, mãi cho đến khi chúng ta mất họ.
Sự vắng mặt có thể thanh lọc chúng ta. Nỗi đau của sự vắng mặt làm giãn nở trái tim để tinh túy, vẻ đẹp, tình thương yêu và tâm tình hiến dâng của người vắng mặt có thể tuôn chảy vào mà không bị nhuốm màu căng thẳng, thất vọng và lỗi lầm của cuộc sống hằng ngày. Cũng thế, sự vắng bóng của một người làm trái tim ta mở ra, để chúng ta có thể đón nhận họ, chấp nhận và tôn trọng đúng đắn hơn con người đích thực của họ. Đó là lý do tại sao con cái chúng ta phải đi xa (và chúng ta cảm thấy một nỗi đau buồn cay đắng đó) thì chúng ta mới có thể chấp nhận chúng không còn nhỏ nữa, chúng đã là người lớn như chúng ta, với cuộc sống riêng của chúng.
Bí ẩn của lời tạm biệt thật sự là bí mật của Thăng Thiên, điều bí ẩn ít được hiểu nhất đối với người ở trong lẫn ngoài tôn giáo. Thăng Thiên là đi xa để người thân yêu có thể tiếp nhận tinh thần của chúng ta một cách trọn vẹn. Đó là sự huyền bí của tạm biệt, khi nói lời tạm biệt không phải là tạm biệt hẳn, mà là đón nhận một phương thức khác của tình yêu để nó có thể hiện hữu một cách sâu sắc hơn, trong sáng hơn, lâu bền hơn, ít chịu hẹp hòi và giới hạn hơn bởi những căng thẳng, thất vọng, không hòa hợp, phản bội, tổn thương; và ở phía bên này của sự vĩnh cửu, nó sẽ mãi mãi khiến tình thân của chúng ta là một công trình tiến triển mãi mãi.
J.B. Thái Hòa dịch