Jean Cassaigne trong tâm khảm người phong Di Linh

35

Jean Cassaigne trong tâm khảm người phong Di Linh

Mới đây, thông tin Ðức cha Jean Cassaigne được Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện tiến trình xin phong thánh đã trở thành niềm vui đặc biệt đối với giáo dân làng phong Di Linh (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng). Biết bao kỷ niệm về vị mục tử nhân lành lại ùa về nơi những người đã sống bên ngài trong những tháng năm êm đềm, hạnh phúc

.

Chào đón những người khốn khổ

Một buổi sáng Chúa nhật, chúng tôi đến làng phong. Men theo con đường nhỏ vào làng là những ngôi nhà giống nhau như đúc. Cảnh bình yên trong ánh nắng mai hòa vào tiếng nói cười của những con người trong hơn 80 hộ dân sau một tuần lao động chăm chỉ. Như bao gia đình, đây cũng là lúc cả nhà ông Giacôbê K’Beo quây quần sum họp. “Những ngày trong tuần, ai muốn làm gì thì làm, nhưng Chúa nhật là ngày dành riêng cho việc thờ phượng Chúa và sum họp gia đình, Ðức cha đã dạy thế mà”, người đàn ông có hơn 10 năm sống bên Ðức cha Jean Cassaigne giải thích trong lúc chăm chú lau tượng của ngài ở nơi trang trọng trong phòng khách của gia đình. Ðó là bức tượng duy nhất trong làng mà nữ tu Mai Thị Mậu đã trao cho gia đình ông sau khi vị cha chung qua đời. Trong ký ức của ông K’Beo, ngài là một vị giám mục hiền lành, hay cười, luôn khuyên nhủ “các con phải yêu thương nhau”.

Ngược dòng thời gian, người đàn ông 79 tuổi nhớ lại thời điểm năm 1958, khi căn bệnh quái ác đã cướp đi bàn chân phải của cha ông, còn tay trái của mẹ cũng đã bị co quắp vì di chứng. Qua lời giới thiệu của một bác sĩ, cả hai ao ước được đến làng phong để chữa trị, nhưng chưa biết đi bằng cách nào, vì phương tiện giao thông từ Ðắk Nông đến Lâm Ðồng rất hiếm, nếu đi bộ phải mất 2 ngày 2 đêm trèo đèo lội suối. Biết được hoàn cảnh này, Ðức cha Jean Cassaigne đã cho xe ô tô qua tận nơi để đón gia đình về làng. Ðến nơi, bệnh nhân được bố trí ở theo từng hộ gia đình, còn các con (là người lành) được nội trú trong các dãy nhà dành cho nam, nữ riêng biệt. Vào Chúa nhật, con cái được về nhà thăm cha mẹ mình. Lúc ấy, thấy K’ Beo chưa có nghề nghiệp, nên Ðức cha cho học nghề thợ mộc, rồi cùng thợ trong làng làm hơn 30 ngôi nhà gỗ chắc chắn cùng bàn ghế, giường, tủ cho các hộ dân. Ngoài ra, ngài còn xây dựng hồ chứa nước để dùng trong bệnh xá và lắp đặt hệ thống cấp nước đến từng nhà.

Trong ký ức của ông K’Beo và giáo dân làng phong, Ðức cha Jean Cassaigne là hiện thân của vị mục tử nhân lành sống giữa đoàn chiên. Ðều đặn mỗi ngày, ngài thức dậy vào lúc 4 giờ sáng để đánh chuông và dâng lễ 5 giờ; 14 giờ, thì đến với bệnh nhân; 15 – 16 giờ thăm các hộ gia đình; 17 giờ lần chuỗi ở nghĩa trang và trong nhà nguyện. Từ 18 giờ trở đi, ngài chơi đôminô và kể chuyện vui cho con cháu bệnh nhân ở các dãy nội trú. Ai chơi với ngài, dù thắng hay thua cũng được thưởng bằng những viên kẹo ngọt lịm. Lễ Tết hoặc ngày nghỉ, thanh niên trong làng được uống rượu cần, ngài không cho phép sử dụng rượu đế để không tổn hại đến sức khỏe. Dịp Giáng Sinh, Phục Sinh và ngày kỷ niệm tấn phong giám mục hằng năm, ngài lại cùng dân làng mổ trâu ăn mừng. Rất nhiều lần, thanh niên nài nỉ ngài dạy tiếng Pháp, thì người cha hiền liền phân bua: “Tôi là người dân tộc, tôi chỉ nói tiếng K’Ho”.

Tấm ảnh lưu niệm giữa Đức cha Jean Cassaigne và ông Gioan K’Bis trong dịp kỷ niệm ngày thụ phong giám mục của ngài

Ðổi thay những “phận người”

Nhắc đến hoàn cảnh của những bệnh nhân sống ẩn mình trong rừng sâu vì bị kỳ thị khiến Ðức cha thương cảm lập nên làng phong từ năm 1929, ông K’Beo khẳng định nơi đây đã giúp biết bao bệnh nhân và gia đình họ cơ hội thay đổi và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Như trường hợp của cha mẹ ông, đã được chăm sóc y tế chu đáo và sống thọ trên 80 tuổi với những ngày tháng an vui bên con cháu. Không chỉ chăm lo cho bệnh nhân, ngài còn “ươm mầm” yêu thương cho nhiều gia đình trẻ bằng những lời giáo huấn dễ hiểu, dễ nhớ: “Khi lấy vợ, lấy chồng, sinh con, hãy dạy con cái thờ phượng Chúa và gia đình phải luôn yêu thương nhau”. Hạnh phúc bên 8 người con đã trưởng thành, trong đó có người con trai đang là bác sĩ phục vụ bệnh xá làng phong, ông bố K’ Beo sống trong căn nhà gỗ ba gian được làm từ thời mới đến làng đến nay vẫn nhắc nhở con cháu ghi nhớ lời dạy của ngài trong cuộc sống thường nhật. Dù vị cha chung đã xa rời nhân thế 47 năm, ông luôn khẳng định: “Ngài đã yêu thương chúng tôi cách tuyệt đối, kể cả khi đã mang lấy bệnh của làng. Và khi đã khuất, ngài vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống chúng tôi. Mỗi khi đi đâu, con cái làng phong đều cầu nguyện trước mộ phần để xin ngài phù hộ cho cuộc hành trình được bình an. Nhớ có năm bị hạn hán, chúng tôi cầu xin Ðức cha xin Chúa cho mưa, thì đã có mưa”.

Là người cao niên nhất trong làng, bà Lucia Ka Jíu (90 tuổi) nhớ lại lúc cùng cha mẹ được Ðức cha Jean Cassaigne đón về và được ngài trực tiếp chăm sóc vết thương. Trong trí nhớ của người phụ nữ có đôi bàn chân không còn nguyên vẹn, hình ảnh khiến bà nhớ mãi là những buổi chiều Ðức cha đến thăm bệnh nhân với hộp bánh, quả cam hay quả quýt phân phát cho từng người. Mỗi lần phụ nữ trong làng vào rừng lấy củi, người cha đáng kính lại dùng xe để chở cả người và củi về nhà để họ đỡ vất vả. Trưởng thành ở làng và lập gia đình ở đây, mảnh đất làng phong đã trở nên gắn bó máu thịt với gia đình bà Ka Jíu và là nơi chôn nhau cắt rốn của 9 người con khỏe mạnh. Trong đó có một người con gái làm y tá cho một cơ sở y tế địa phương. Theo bà Ka Jíu: “Cuộc sống chúng tôi được như thế này là nhờ Ðức cha đã yêu thương và lo liệu mọi thứ”.

Cũng cảm nhận rõ sự thay đổi của bản thân, ông Gioan K’Bis (77 tuổi), người đã giúp lễ cho Ðức cha Jean Cassaigne trong nhiều năm khẳng định: “Cuộc đời tôi đã được tái sinh từ khi đến làng”. Là người ngoại giáo cư ngụ tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng (giáo xứ B’Sumrắc hiện nay), cậu thiếu niên 15 tuổi đến làng phong vào năm 1961 với các triệu chứng da lưng mất cảm giác, da chân tay bị bong tróc. Ðến làng, K’Bis được Ðức cha dạy học tiếng Latinh, viết chữ K’Ho và được rửa tội. Khi hoàn thành phác đồ điều trị trong 3 tháng, cậu bé bắt đầu thấy da lưng có cảm giác, tay và chân dần lành lặn trở lại. Khỏi bệnh, K’Bis được chọn giúp lễ và phụ Ðức cha dạy giáo lý cho người trong làng. Ðến tuổi trưởng thành, cậu được đi học lái xe ô tô và phụ trách việc đưa đón ngài mỗi lần đi công việc và mua thực phẩm cho làng. Thường xuyên bên ngài cho đến những giây phút cuối đời, ấn tượng sâu sắc của ông K’Bis về người cha già là lòng yêu mến kinh Mân Côi cách đặc biệt. Ðó là hình ảnh ngài chăm chú lần chuỗi trên mỗi chuyến xe, khi viếng nghĩa trang, trong nhà thờ, lúc ở phòng riêng, khi còn khỏe cũng như lúc trên giường bệnh.

Cuốn Kinh Thánh (Latinh – K’Ho) do Đức cha trao tặng là kỷ vật quý đối với ông Gioan K’Bis

Lan tỏa tình thương của bậc tiền nhân

Cho chúng tôi xem những kỷ vật được Ðức cha trao tặng gồm một cuốn Kinh Thánh song ngữ (Latinh – K’Ho) bìa đã ngả vàng, tấm hình chụp chung với ngài và chiếc tẩu hút thuốc bóng loáng, ông K’Bis khẳng định: “Ðây là những kỷ vật nhắc nhớ ký ức tươi đẹp về người cha nhân ái”. Giải thích nguồn gốc của cuốn Kinh Thánh cũ, ông K’Bis kể về những ngày đầu Ðức cha Jean Cassaigne còn là linh mục, đến coi sóc giáo xứ Di Linh vào năm 1927, khi tiếng K’Ho chỉ mới là ngôn ngữ nói chứ chưa có chữ viết. Ngài đã nỗ lực học tiếng nói để giao tiếp với người bản địa và sáng tạo cách phiên âm tiếng K’Ho. Từ đó, ngài dịch Kinh Thánh, bài hát, giáo lý ra tiếng này và biên soạn tự điển để phục vụ đồng bào người sắc tộc. Sau những năm đầu thành lập làng phong và tự tay chăm sóc bệnh nhân, đến năm 1936 ngài đã mời các nữ tu dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đến phụ giúp về y tế và các giáo viên vào làng dạy chữ cho con em người phong. Ðể giúp người trẻ hội nhập với đời sống xã hội, sau năm 1975, các nữ tu xin cho con em làng phong theo học tại trường học của địa phương. Thời gian đầu đến trường, học sinh trong làng gặp không ít khó khăn vì bị kỳ thị, thậm chí có khi xảy ra ẩu đả. Ðể tránh bị bắt nạt, các em phải đi thành từng nhóm. Với sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, sau khi hoàn thành bậc Trung học Phổ thông, người trẻ tiếp tục được các nữ tu gởi đi học trung cấp, cao đẳng và đại học. Nhờ vậy, làng phong đã có nhiều người thành đạt, trở thành bác sĩ, y tá, kỹ sư, giáo viên, viên chức…

Là một trong số những gia đình có con tốt nghiệp đại học, ông K’Bis khẳng định: “Tình yêu thương của Ðức cha Jean Cassaigne đã giúp người phong có cuộc sống mới và được làm con cái Chúa. Ngài cùng với các nữ tu giúp con cái làng phong được học tập để góp sức phục vụ cộng đồng, xã hội”. Tính đến nay, con em làng phong có 4 người bác sĩ, 6 điều dưỡng, đa phần đều phục vụ tại bệnh xá của làng và anh Giuse K’Chíu là một trong số đó. Cha mẹ anh đều là bệnh nhân, đã được chăm sóc bằng tình yêu thương vô bờ của người cha nhân ái và các nữ tu hiền hậu. Chính vì vậy, 14 năm qua, anh Giuse K’Chíu – một cử nhân điều dưỡng, đã chọn nơi này để gắn bó tuổi xuân. Theo chia sẻ của K’Chíu: “Khi cảm nhận nỗi đau về thể xác, nỗi cô đơn của bệnh nhân, vì còn nhiều người chưa hiểu đúng về căn bệnh, tôi thấy mình cần có trách nhiệm chăm sóc, phục vụ và lan tỏa tình yêu thương của vị giám mục nhân lành cho những người bệnh tật, khổ đau”.

Anh Giuse K’Chíu đang chăm sóc y tế cho ông Giuse K’Lin tại bệnh xá làng phong –

Xem làng phong là mái nhà thứ hai của mình, ông Giuse K’Lin (dân tộc Gia Rai, đến từ Pleiku) cảm nhận khoảng thời gian gần 20 năm qua là những tháng ngày vui vẻ. Di chứng khiến chân phải ông bị cụt tới gần đầu gối, chân trái và bàn tay phải bị mất đi nhiều ngón, nhưng tinh thần lạc quan luôn thể hiện qua nụ cười, cả những lúc được vệ sinh vết thương. Ông bộc bạch: “Ðược các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc như người thân, từ y tế đến miếng ăn giấc ngủ. Ðược sẻ chia, an ủi khi vui lúc buồn chính là hạnh phúc rất lớn đối với một người sống độc thân như tôi”. Trong mái nhà chung này, gần gũi với bệnh nhân ngoài đội ngũ nhân viên y tế và các nữ tu, còn có anh Gioan K’Briu, 48 tuổi. Khi anh được 1 tuổi thì Ðức cha Jean Cassaigne qua đời. Vậy mà những kỷ vật, hình ảnh, tư liệu về người cha nhân lành anh thuộc nằm lòng đến từng chi tiết nhỏ và giới thiệu cùng chúng tôi với lòng tự hào khôn tả. Tỉ mỉ làm từng chiếc giày, đôi dép cho bệnh nhân, làm hướng dẫn viên và phiên dịch cho khách tham quan, chăm chút hoa kiểng nơi mộ phần của Ðức cha dưới chân tháp chuông… là những việc thường ngày mà K’Briu rất yêu mến. Với K’Briu và giáo dân làng phong, Ðức cha Jean Cassaigne là vị thánh của tình yêu thương vô bờ bến. Thế nên, lan tỏa tình yêu thương của ngài cho cộng đồng, với tha nhân, chính là sứ vụ mà những người con làng phong luôn ghi nhớ và thực thi.  BV

Previous articleTop 5 tác phẩm của Gaudi
Next article6 sai lầm khi sử dụng ấm siêu tốc khiến ổ điện nổ tung