Ai cũng thích gặp gỡ và trò chuyện với một người có tính cách dí dỏm, hóm hỉnh, vui tươi, và mang lại thật nhiều tiếng cười trong một cuộc gặp gỡ. Đây là một tính cách đáng quí mà không phải ai cũng có được. Thế nên, người thủ đắc được tính cách hóm hỉnh và dí dỏm là một người rất có duyên trong giao tế, nhưng tính cách này thì không giống như một người vì coi quá nhiều thứ hài nhảm, học theo, rồi ngấm vào trong tư tưởng trở thành một kiểu tính cách vô duyên và kịch cỡm như nhiều người trẻ ngày nay đang mắc phải.
Với sự phát triển của công nghệ và truyền thông xã hội, thì chưa bao giờ người ta cảm thấy dễ dàng tìm kiếm một nụ cười như bây giờ khi chỉ cần lên YouTube gõ vài từ khóa là ra một mớ các kiểu “hài kịch” khác nhau để thưởng thức. Có nhiều bạn trẻ nghiện “hài kịch” đến mức vào các quán cafe chỉ để ngồi coi mấy thứ ồn ào rẻ tiền rồi cười một cách hết sức thoải mái như thể thế giới này chỉ có một mình họ và những người diễn hài. Điều này phản ánh một tính cách “hài hước” của những người nghiện hài kịch. Chưa dừng ở đó, hiện tượng hài lên ngôi trên các phương tiện truyền thông đang phản ánh một não trạng vô cùng bi đát dưới những tiếng cười hô hố của cả người diễn lẫn người coi, và rồi ngang qua các sân chơi, người coi bỗng dưng trở thành danh hài, một danh hiệu mà ngày xưa không dễ gì có được.
Để là một danh hài, thì người ta phải coi thật nhiều hài, từ thượng vàng đến hạ cám, và phải ngấm thì mới có thể có tố chất hài như thần tượng của họ được. Thế nên, bạn là điều bạn coi và thưởng thức là một thực tại hoàn toàn có thật. Nhiều người trẻ ngày hôm nay, giữa một xã hội quá nhiều điều chàm chán và mỏi mệt, tìm đến các chương trình hoặc các clip hài để coi, và cùng cười cho đời bớt chán. Và vì vui cười một cách vô ý thức, tức là không hiểu điều mình cười và ý nghĩa nụ cười của mình, nên nó trở thành một sự tiêm nhiễm mang tính ý thức hệ. Do đó, ở các môi trường khác, những môi trường cần chiều sâu tri thức và sự nghiêm túc mang tính thẩm mỹ và trí tuệ cao, người ta cũng mang cái tính cách hài nhảm bị nhiễm của mình vào đó để thể hiện. Nhưng đáng tiếc, cả ban giám khảo, những người lẽ ra phải rất nghiêm túc về mặt thẩm mỹ, có lẽ cũng do hay coi hài, nên cũng khoái và đánh giá cao tố chất hài của người thi là trí tuệ, một sự nhầm lẫn đáng sợ và đáng quan ngại.
Như một quy luật bất biến: Một hiện tượng khi đã trở nên quá quen thuộc và được số đông chấp nhận, thì dù nó có tồi tệ mấy cũng trở thành một tiêu chuẩn và giá trị nào đó để đánh giá. Cũng thế, ngày xưa chỉ cần cười mà không có lý do chính đáng về mặt thẩm mỹ đã bị lên án, còn ngày nay hễ có nhân tố kích cười, thì dù rẻ tiền cũng trở thành một tiêu chí của một người có năng khiếu, có tài. Và chỉ cần một người đã nổi tiếng, được nhiều người chấp nhận, thì dù họ có nói gì nhảm đến mấy, vô văn hóa đến mấy, mất thẩm mĩ đến mấy, cũng được cả một số đông cười đắc chí và đồng tình ủng hộ. Vì vậy, vô duyên và kịch cỡm trở thành tiêu chí văn hóa của nhiều người ngày nay. Điều đó được thể hiện không chỉ ở nơi một nhóm riêng tư, mà ngay nơi công chúng, nơi những cuộc thi, cuộc chơi dành cho công chúng, một điều mà ngày xưa người ta chối bỏ bằng tất cả sự quyết đoán, thì ngày nay họ đón nhận bằng tất cả sự quyết tâm.
Bạn là điều bạn xem và thưởng thức. Bạn có quyền để chọn lựa điều mình nên xem và nên thưởng thức: từ âm nhạc, hội họa, điện ảnh, đến những sự kiện và hiện tượng văn hóa khác. Hãy là người xem và thưởng thức có chọn lọc và có mục đích cao, chứ đừng trở thành người cổ võ cách nhiệt thành mà không có sự trưởng thành. Vì khi bạn tâm đắc điều bạn xem, bạn nghe, bạn sẽ nói điều đó, và lời bạn nói sẽ nói lên tính cách bạn là.