Kiểm soát mọi sự chỉ làm bạn thêm khổ!

65

Kiểm soát mọi sự chỉ làm bạn thêm khổ!

fr.aleteia.org, Caryn Rivadeneira, 2017-10-16

Thiên Chúa, Đấng nắm quyền kiểm soát trong tay, còn phần chúng ta, chúng ta chỉ có một việc là tin tưởng vào Ngài. Buông bỏ, chúng ta chỉ có thắng mà thôi…

Chúng ta tất cả đều muốn chính mình kiểm soát tất cả mọi sự chung quanh mình, từ gia đình, đến con cái, đến công ăn việc làm, đến cảm xúc… tất cả mọi sự! Nhưng cứ muốn kiểm soát tất cả mọi sự thì chúng ta chỉ tốn sức, tạo căng thẳng chung quanh mình vô ích. Chỉ cần chịu khó áp dụng 5 lời khuyên này thì mọi sự đâu vào đó!

Kiểm soát: tật xấu chung

Bà Shannon Popkin tác giả quyển sách Cô gái kiểm soát (Control Girl) đưa ra các bài học của bảy phụ nữ trong Kinh Thánh để giảm tật kiểm soát. Bà thú nhận dù viết quyển sách này nhưng bà cũng chưa buông bỏ hoàn toàn tật xấu này.

Bà kể, khi hai vợ chồng bà đi thăm cô con gái, cô để ý chiếc áo pull chồng bà mặc, cũng chiếc áo hôm qua đi leo núi! Cô con gái nói với cha mình và không giấu đi thái độ khinh khỉnh trong giọng nói: “Ba không thay áo sao?” Cô sợ “chiếc áo hôi”. Cô thú nhận: “Con muốn cha ăn mặc đẹp cho con gái của chúng con, con nghĩ trong đầu là cha sẽ mặc áo khác”. Khi ông chồng bà cho con biết, ông không đem theo áo khác để thay thì cô phải… biết giữ miệng lại, không nói lui nói tới đến chiếc áo!

“Tôi sẽ rút tỉa điểm tích cực nhất trong tình trạng không thể kiểm soát này và lễ phép nhắc lần sau cha mang theo áo quần đẹp hơn? Tôi xin lỗi vì đã có lời lẽ khiếm nhã? Hoặc tôi bắt cha tôi phải đi mua cái áo mới ngay, bực mình vì cha tôi không bao giờ mặc áo theo ý thích của tôi, tôi không thích cách ăn mặc của ông?” Rốt cuộc tôi chọn giải pháp, giải pháp đã tạo căng thẳng nhiều giờ sau bữa ăn…

Buông bỏ và tin tưởng ở Chúa để có bình an

Tất cả chúng ta đều bị vướng tật này, và mỗi lần như vậy thì sau đó mình lại giận mình. Nhưng chúng ta không phải là người duy nhất. Tâm lý gia Elliot D. Cohen khẳng định trong báo Tâm lý Ngày nay (Psychology Today), sợ mất kiểm soát là “nỗi sợ phổ biến nhất”. Theo ông, nỗi sợ này là do “nếu mình không kiểm soát được các hệ quả của sự việc thì sẽ có một cái gì khủng khiếp xảy ra”.

Và với những người bị chứng sợ mất kiểm soát kinh niên thì điều khủng khiếp này xảy ra thật. Nhà tâm lý gia viết: “Với những người sợ mất kiểm soát kinh niên này, họ thường xuyên sống trong tình trạng căng thẳng cao độ, với một thời gian nghỉ ngơi ngắn nhưng lúc nào cũng bất mãn”.

Có thể đó là lý do mà tác giả Shannon Popkin cho các vấn đề kiểm soát này là “cái bẫy” (kể cả việc bắt người khác mặc áo theo ý mình). Bà giải thích, họ tự thuyết phục mình, rằng hạnh phúc của mình tùy thuộc vào một cái gì dù cái gì đó “không đáng kể như chiếc áo và nó tùy vào cách chúng ta làm thế nào để tình trạng này ‘không thành xấu’”. Bà Shannon Popkin đồng ý với nhà tâm lý gia, bà nói thêm: “Tuy nhiên, tôi lại không thấy vui và bình tâm khi tôi muốn kiểm soát; nó chỉ làm cho chúng ta khổ thêm”. Và bà có lý.

Cũng may là những người có tính kiểm soát kỹ nhất cũng có thể thay đổi vì buông bỏ là phải học. Tác giả xác nhận, tin tưởng vào Chúa (ít nhất) là phương tiện duy nhất để tìm bình an mà trước hết là mình phải đi tìm.

Bà cho biết: “Khi tôi phó thác vào tay Chúa, tôi có bình an vì chính Chúa mới là người kiểm soát, tôi chỉ có việc đi theo Ngài. Phó thác vào Chúa, tôi cảm thấy mình được che chở, tôi biết, dù chỉ là lựa một chiếc áo cũng không thoát sự chú ý của Ngài. Tôi cảm thấy có một hy vọng cho tương lai, vì tôi biết tôi không thể nào quản lý được tất cả những việc bất ngờ”. Đúng vậy, làm sao chúng ta kiểm soát được các chuyện bất ngờ. Và khi chúng ta làm như vậy, chúng ta lầm, chúng ta nghĩ chúng ta kiểm soát được, chúng ta “xem mình là Chúa”.

Bà Popkin khẳng định: “Khi tôi ‘làm công việc của Chúa’, tôi kiểm soát, mà đáng lý tôi không được làm, tôi trở nên hụt hẫng, tức giận, lo lắng, cố chấp, bức rức và càng kiểm soát hơn. Tôi càng tìm cách kiểm soát thì gia đình tôi càng khổ. Mọi người trong gia đình xa lánh tôi, họ ở thế phòng vệ vì họ cảm thấy bất mãn và không chịu đựng được. Cách đối xử của tôi tạo căng thẳng, đụng chạm và xung đột, không có bình an và an toàn mà tôi mong muốn có”.

Làm thế nào để buông bỏ cho được?

Bà Shannon Popkin khẳng định, trước hết điều quan trọng là phải biết, buông bỏ không phải là một “sự kiện tự phát, nhưng là một thái độ mới cần phải có. Điều này đòi hỏi phải tập luyện và kiên trì trau dồi”. Sau đó, bà xác nhận, phải theo năm lời khuyên sau để có được buông bỏ:

Giữ miệng

“Là phụ nữ, chúng ta thường ‘dùng lời’ để kiểm soát, vì thế phải bắt đầu bằng… lời. Ngưng chỉ trích, lên giọng, nói những lời lẽ xúc phạm hoặc đặt những câu hỏi lắt léo. Không dùng lời lẽ như khí cụ để làm mất tinh thần, làm người khác sợ, làm họ mất quân bình”.

“Không gạch đít”

Tác giả Popkin nói tiếp: “Các bà kiểm soát thường nhấn mạnh đến những gì người khác phải thay đổi. Dù đó là thái độ kiên trì đeo đuổi hay cơn giận bùng nổ, các bà thường công kích mạnh mẽ để cố gắng đặt mọi sự vào đúng chỗ của nó. Khi mình dùng cây viết đỏ để gạch đít những gì mình nghĩ là không đúng, thì mình chỉ tin ở chính mình. Chúng ta có thể trau dồi sự buông bỏ, không dùng cây viết đỏ và tập để cho tâm hồn mình tin tưởng vào Chúa khi đối diện với một tình huống và sửa đổi các sai lầm.

Minh bạch

Bà Popkin còn ghi nhận, các phụ nữ kiểm soát thường tinh tế và khéo lèo lái, họ có các khuynh hướng ẩn giấu, họ che thông tin hoặc che xu hướng của mình và dùng các mẹo kín đáo. Vì thế tác giả cho rằng, buông bỏ cần thái độ minh bạch: “Chia sẻ xu hướng của mình với người khác. Hỏi rõ ràng những gì mình muốn và sẵn sàng chấp nhận nếu bị từ chối. Đó là tiến trình buông bỏ. Nếu bạn muốn biết một cái gì, bạn phải hỏi. Phải biết khen người khác và phải thẳng thắn, cởi mở trong các xu hướng của bạn”.

Biết xin lỗi

“Buông bỏ là biết các sai lầm của mình và xin lỗi. Nếu bạn muốn trau dồi một tâm hồn biết buông bỏ thì bạn phải biết xin lỗi khi thấy mình sai. Xin người khác tha lỗi cho mình”.

Sống trong sự tôn trọng các giới hạn

“Thiên Chúa tạo dựng thể xác chúng ta là để áp đặt các giới hạn. Mỗi 24 giờ chúng ta phải ngừng để ngủ. Chúng ta phải đi chậm lại. Chúng ta phải thích ứng với một ngân quỹ. Không một phụ nữ kiểm soát nào thích các giới hạn này. Nhưng khi tôn trọng chúng, chúng ta buông bỏ kiểm soát, và chính đó là điều Chúa mong muốn. Các giới hạn hàng ngày tôi luyện liên tục và nghiêm ngặt cho chúng ta. Phó thác vào Chúa mỗi ngày, đặt mình trong tâm trạng “xin vâng” tất cả những gì Chúa đòi hỏi chúng ta, dù không đáng kể, hoặc quan trọng.

Previous article10 lời dạy của cha
Next article“Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống”