Một linh mục minh triết người Úc đã chia sẻ câu chuyện này trong một lớp học. Trong đời tôi, có những ngày mà mọi thứ, từ áp lực công việc, mệt mỏi, chán nản, lơ đãng, đờ đẫn làm cho tôi khó cầu nguyện. Nhưng dù thế nào đi nữa, mỗi ngày, tôi luôn cố tập trung, sốt sắng đọc ít nhất một kinh Lạy Cha.
Trong các sách Phúc âm, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta kinh Lạy Cha. Đây là lời cầu nguyện quý báu nhất của người tín hữu kitô. Tuy nhiên, các Phúc âm còn để lại cho chúng ta một kinh cũng quý báu, một kinh ít được biết đến hay ít được đọc nhiều như kinh Lạy Cha. Đó là lời cầu nguyện của Đức Mẹ, mẹ Chúa Giêsu, kinh Magnificat. Theo tôi, sau kinh Lạy Cha, đây là kinh quý báu chúng ta có.
Phúc âm thánh Luca ghi lại: Đang mang thai Chúa Giêsu, Đức Mẹ đi thăm người chị họ là bà Elizabeth cũng đang mang thai Gioan Tẩy giả. Theo truyền thống kitô giáo, đây là câu chuyện “đi viếng”, và những gì toát ra từ hai phụ nữ này vượt quá những gì bề ngoài. Đây không chỉ là vui mừng bình thường của những phụ nữ mang thai. Được viết ra 80 năm sau khi sự kiện này xảy ra, kể chuyến đi viếng như một phản ảnh hậu phục sinh về tầm quan trọng biến đổi thế giới của hai người con mà hai phụ nữ này đang mang trong dạ. Cũng thế, những lời họ nói với nhau nói lên hiện thực hậu phục sinh. Và trong bối cảnh này, các Phúc âm đã để Đức Mẹ xướng lên lời kinh Magnificat. Và lời kinh đó là gì?
Là lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa vì đã ở bên người nghèo, người khiêm hạ, người thiếu đói, người bị áp bức trên đời, đã nâng họ lên và cho họ chiến thắng, còn những người quyền thế thì bị truất xuống và bị hạ nhục. Tuy nhiên, lời kinh của Đức Mẹ đều dùng thì quá khứ, như thể đó là một việc đã làm rồi, một hiện thực đã có trên thế gian này.
Như nhân vật hoạt hình Ziggy từng nhắc đến Chúa trong lời cầu nguyện, “Người nghèo vẫn đang bị hành hạ ở đây!” Và nhìn chung là như thế. Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta thấy khoảng cách giữa giàu nghèo đang lớn rộng, hàng trăm triệu người đi ngủ bụng đói mỗi đêm, tham nhũng và tội ác diễn ra khắp nơi, người quyền thế dường như muốn gì được đó, chẳng hề bị gì. Chúng ta có gần trăm triệu người tị nạn chờ chực ở các biên giới, những phụ nữ và trẻ em vẫn đang là nạn nhân của bạo lực đủ loại khắp nơi. Tệ hơn nữa, mọi chuyện dường như ngày càng đi xuống chứ không đi lên. Vậy thì chuyện Chúa hạ những ai quyền thế và nâng cao người yếu thế, ban của cải đầy dư cho người nghèo và đuổi người giàu có về tay không, những chuyện đó chúng ta thấy ở đâu?
Chúng ta thấy nó trong sự phục sinh của Chúa Giêsu và viễn cảnh hy vọng chúng ta có được từ thực tế đó. Điều mà Đức Mẹ khẳng định trong kinh Magnificat là một sự thật thâm sâu, rằng chỉ có đức tin và đức cậy chúng ta mới có thể hiểu được rằng, dù hiện tại bất công, tham nhũng và bóc lột người nghèo dường như đang thống trị, nhưng sẽ có một ngày tận thế khi khối đá áp bức đó lăn khỏi mồ và người quyền thế sẽ bị lật đổ. Kinh Magnificat là lời kinh tối cùng của đức cậy, và là lời kinh tối cùng cho người nghèo.
Có lẽ do tuổi tác của tôi, có lẽ do tôi nản lòng khi mỗi đêm xem tin tức, hoặc có thể là do cả hai, nhưng khi thêm tuổi, (ngoài phép Thánh Thể), tôi càng thấy quý trọng hai lời kinh này, kinh Lạy Cha và kinh Magnificat. Như cha giáo dòng Thánh Âugutinô của tôi, bây giờ tôi đảm bảo, không một ngày nào tôi để áp lực, mệt mỏi, xao lãng hay lười biếng ngăn tôi chú tâm đọc hai kinh này, kinh Lạy Cha và kinh Magnificat.
Nhưng không phải khi nào cũng được như vậy. Trong nhiều năm, tôi thấy trong kinh Magnificat lòng tôn kính Đức Mẹ, mọi lời khẩn cầu và chúc tụng Đức Mẹ gom lại trong đó. Chuyện này không có gì sai vì Đức Mẹ là người mà hàng triệu triệu người, không phải chỉ người nghèo, hướng về khi cùng quẫn để được dẫn dắt, an ủi và cảm thông của một người mẹ. Không mấy người phê bình sự tốt đẹp của điều này, vì nó tạo nên một thuyết thần nghiệm về người nghèo và sự nghèo khó trong lòng.
Tuy nhiên, kinh Magnificat không hẳn là để tôn vinh cá nhân Đức Mẹ cho bằng để tôn vinh người nghèo. Trong kinh này, Đức Mẹ nói lên lời đáp trả tối hậu của Thiên Chúa trước sự bất lực và đàn áp người nghèo. Linh mục Henri Nouwen từng viết, xem tin tức buổi tối và thấy đau khổ trên thế giới có thể làm chúng ta cảm thấy nản lòng và bất lực. Nản lòng vì sự bất công chúng ta thấy, bất lực vì gần như chúng ta chẳng làm được gì.
Chúng ta có thể làm được gì đây? Chúng ta có thể đọc kinh Magnificat mỗi ngày để nói lên lời đáp trả tối hậu của Thiên Chúa trước sự bất lực của người nghèo.
J.B. Thái Hòa dịch