KINH THÁNH GIA
Nếu làm một cuộc thăm dò hoặc tìm hiểu về tình trạng “các gia đình bất ổn” hiện nay, thì có lẽ chúng ta sẽ giật mình trước những con số gia đình ly hôn, phân tán, đổ vỡ, sóng gió… Việc nâng đỡ những gia đình đang gặp khó khăn ấy là bổn phận của mọi Kitô hữu trong mầu nhiệm Hội Thánh. Cầu nguyện cho các gia đình ấy, hướng dẫn các gia đình ấy và đồng hành với các người trẻ chuẩn bị sống đời gia đình, để họ thấy được nền tảng cao quý của gia đình là việc cần thiết mà Mẹ Hội Thánh muốn. Lời “Kinh Thánh Gia” sẽ cho ta thấy điểm Giáo lý nền tảng này, lời kinh cũng hướng mỗi chúng ta về tâm tình phó dâng các gia đình cho thánh gia.
“Lạy Ba Ngôi cực thánh của trần gian, là Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, xưa đã cùng nhau sống hòa thuận êm vui, đã sống cao siêu thánh thiện dưới hình thức đơn giản và dễ bắt chước trong một nhà bé mọn ở thành Nadarét.
Lạy Thánh gia, là gia đình đáng kính mến, đáng tôn thờ, là gia đình gương mẫu hoàn hảo, xin thương chúng con, xin thương các gia đình Công giáo.
Xin ban cho các gia đình được lòng sùng kính và chăm chú theo gương Thánh gia, để đời này chúng con được sống hòa thuận êm vui, đẹp lòng Cha trên trời như Thánh gia xưa, và đời sau được hưởng phúc thật, phúc hoàn toàn và vĩnh viễn, trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, là một Chúa Cả hằng có đời đời. Amen.”
Lời kinh đưa dẫn chúng ta đến ba điểm giáo lý quan trọng như sau: thứ nhất, Thánh Gia là hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa; thứ hai, Thánh Gia là mẫu gương cho mọi gia đình noi theo; cuối cùng, lời kinh mời gọi hãy nhìn lên Thánh gia để khấn xin cho gia đình.
Trước hết, lời kinh nói về điểm giáo lý nền tảng: Thiên Chúa Ba Ngôi là một hiệp thông của tình yêu, và gia đình là sự phản ảnh sống động của tình yêu này khi đọc: “Lạy Ba Ngôi cực thánh của trần gian.” Thánh Gioan Phaolô II soi sáng thêm khi ngài nói rằng “Thiên Chúa chúng ta, trong mầu nhiệm sâu xa nhất của Người, không cô đơn mà là một gia đình, vì tự trong Người, Người có tư cách cha, tư cách con và yếu tính gia đình, tức tình yêu. Trong gia đình Thiên Chúa, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần.” Như thế, gia đình có liên hệ với chính hữu thể của Thiên Chúa.[1] Và đây, lời kinh này lại minh chứng cho ta về “một gia đình rất thánh” thì điều minh chứng ấy lại càng thuyết phục hơn biết dường nào. Quả vậy: “Với cái nhìn đức tin và yêu thương, ơn thánh và trung thành, chúng ta đã ngắm nhìn mối tương quan giữa các gia đình nhân bản và Thiên Chúa Ba Ngôi.”[2]
Điểm giáo lý thứ hai mà lời kinh dạy chúng ta đó là: Thánh Gia là mẫu gương cho mọi gia đình noi theo. “Lạy Thánh gia, là gia đình đáng kính mến, đáng tôn thờ, là gia đình gương mẫu hoàn hảo,… Xin ban cho các gia đình được lòng sùng kính và chăm chú theo gương Thánh gia.” Về điều này, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói:“Mọi gia đình nên nhìn ngắm Thánh Gia Nadarét. Cuộc sống hàng ngày của Thánh Gia cũng có chung những gánh nặng và thậm chí cả ác mộng nữa… Giống Đức Maria, họ được yêu cầu can đảm và thanh thản đương đầu với các thách đố của gia đình mình, trong những lúc gian nan cũng như lúc hạnh phúc, và ghi nhớ trong lòng các kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện (x. Lc 2,19.51). Điều Đức Mẹ trân quí trong lòng cũng bao gồm các trải nghiệm của các gia đình, các trải nghiệm mà Đức Mẹ rất yêu quí. Vì lý do này, Đức Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của các trải nghiệm này và lắng nghe sứ điệp mà Thiên Chúa muốn thông truyền qua cụộc sống của các gia đình chúng ta.[3]
Cuối cùng, lời kinh mời gọi hãy nhìn lên Thánh gia để khấn xin cho gia đình. Vì, “Giao ước yêu thương và trung thành từng được Thánh Gia Nadarét sống đã soi sáng nguyên tắc vốn lên khuôn cho mọi gia đình và giúp gia đình đương đầu tốt hơn với các thăng trầm cuả cuộc đời và lịch sử. Trên căn bản này, mọi gia đình, bất kể các yếu đuối của họ, có thể trở thành ánh sáng trong đêm tối thế giới. ‘Nadarét dạy ta ý nghĩa cuộc sống gia đình, sự hiệp thông đầy yêu thương của nó, vẻ đẹp đơn giản và chân phương của nó, đặc tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của nó…”[4] “Xin ban cho các gia đình được lòng sùng kính và chăm chú theo gương Thánh gia, để đời này chúng con được sống hòa thuận êm vui, đẹp lòng Cha trên trời như Thánh gia xưa, và đời sau được hưởng phúc thật, phúc hoàn toàn và vĩnh viễn, trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, là một Chúa Cả hằng có đời đời. Amen.”
[1] Tông Huấn AmorisLaetitia (niềm vui yêu thương) số 11.
[2] Tông Huấn AmorisLaetitia (niềm vui yêu thương) số 29.
[3] Tông Huấn AmorisLaetitia (niềm vui yêu thương) số 30.
[4] Tông Huấn AmorisLaetitia (niềm vui yêu thương) số 66. Đức Phaolô VI, Diễn Văn tại Nadarét, 5-1-1964.