Lâm bô (limbo) là gì?
Từ “lâm bô” (“limbo”) không có trong Kinh Thánh, và nó cũng không có trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Nó chưa bao giờ là một tín điều hay giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Có thể nói, nó là một lý thuyết hay một giả thuyết thần học, từ chuyên môn gọi là một kết luận hay ý tưởng thần học. Vì Bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ, nên câu hỏi phát sinh là những người tốt lành chết trước khi được rửa tội sẽ như thế nào: liệu họ có sa hoả ngục?
Các Giáo phụ (xem câu 220) nói về hai loại lâm bô, limbus patrum (lâm bô dành cho các tổ phụ) và limbus parvulorum (lâm bô dành cho trẻ sơ sinh). Cả hai đều là nơi của sự hạnh phúc tự nhiên, nơi mà các linh hồn đến sau khi chết. Những người chưa được rửa tội sống cuộc đời chính trực, nhưng chết trước khi Đức Giêsu đến và cứu chuộc loài người sẽ vào lâm bô, và chờ được cứu độ vào ngày Thứ 6 Tuần Thánh. Ađam và Evà, Abraham, Isaac, Jacob, Đavid và Solômon, … đã vào nơi này sau khi chết (đôi khi nơi này còn được gọi là hoả ngục của người chết).
Những trẻ em chưa được rửa tội chết trong thời Kitô giáo sẽ ở lâm bô, nơi hạnh phúc tự nhiên vĩnh cửu, chứ không phải trên thiên đàng vì phép rửa là cần thiết để được vào đó. Khẳng định này nhằm bảo vệ giáo lý về tính thiết yếu của bí tích rửa tội và giáo lý về lòng thương xót cũng như sự công bình của Thiên Chúa, Ngài thưởng, chứ không phạt các trẻ em chết trước khi được rửa tội.
Khái niệm rửa tội bằng ước muốn sau này mới được hình thành (Xem Câu hỏi 81 và 256). Giáo Lý Công Giáo hiện nay lược bỏ từ ngữ và quan niệm về lâm bô, và nói nhiều hơn về ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, giáo lý về túc sủng và hiệu sủng, và chân lý về sự bất xung khắc giữa lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa. Nếu trẻ em chưa được rửa tội, sẽ được rửa tội nếu sống đủ lâu, hay sẽ ước muốn được rửa tội, chẳng hạn như trường hợp phá thai hay sẩy thai, nhiều thần học gia giả thiết rằng các em được rửa tội bằng ước muốn bởi ước muốn của cha mẹ hoặc một cách tiềm tàng bởi ước muốn của các em.