“Lệ Đá Thời Covi”

35

“Lệ Đá Thời Covi”

          Tiếp theo những lần mưa đá trên những vùng cao Tây Bắc gây nhiều thiệt hại về hoa mầu, nhà cửa của người dân, trận mưa đá rạng sáng 24/4/2020 có lẽ kinh khủng nhất trong năm, tính đến thời điểm này. Những “giọt mưa” bằng đá to bằng nắm tay thi nhau giáng xuống cuộc sống, vốn đầy khó khăn của đồng bào thiểu số vùng cao.

          Nhiều người ngạc nhiên vì thời tiếc khắc nghiệt, khó đoán trong năm nay, vì theo lẽ thường, giờ đã vào hạ, và càng ngạc nhiên hơn vì, chen vào những “giọt mưa” đá to tròn như trứng vịt, trứng ngỗng, có những giọt mưa quái dị, hình thù trông như virus Corona, hoặc Covit-19, hoặc SARS-CoV-2, hoặc Chinese virus, hoặc đơn giản là Cúm Tàu.

          Nếu những cái tên chỉ khác biệt về danh xưng, thì tính chất vẫn chỉ là một. Nếu những “giọt mưa” bình thường, tồn tại dưới ba thể trạng khác nhau, bằng hơi, chất lỏng, hay bằng đá rắn, chúng cũng vẫn là nước, nhưng lại gây ra những hiệu ứng khác nhau, thì cho dù có đổi tên Corona virus, hoặc Covit-19, hoặc SARS-CoV-2, cũng vẫn là Chinese virus, nói đơn giản là Cúm Tàu, chúng cũng gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng: từng là sự kinh hoàng ở Vũ Hán Trung quốc, gieo rắc nỗi chết chóc khủng khiếp trên khắp thế giới và để lại những thương tích không bao giờ lành lặn trên mọi bình diện của lịch sử thế giới.

          “Những Giọt Đá Co-vi” ấy buộc người ta phải suy nghĩ lại để tìm ra phương cách bảo đảm an toàn cho cuộc sống. Từ việc chọn lựa những tấm lợp có kết cấu thích hợp nào để chống chọi với những trận mưa đá đối với đồng bào miền cao, đến những biện pháp an toàn trong sinh hoạt thế nào ở thời Co-vi này; từ những biện pháp mang tính khoa học đến những giải pháp tâm linh sẽ phải được đánh giá lại, phải được tuân thủ trong sự nhận thức và tính tự giác cao.

          Nếu những chỉ số về mức độ ô nhiễm ở các thành phố trên thế giới giảm mạnh trong thời gian Coronavirus hoành hành, thì sự trong lành “bỗng có” buộc các quốc gia phải hoạch định lại các kế hoạch phát triển kinh tế của mình.

          Ngày 22/04/2020 vừa qua, kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Thế giới về Trái đất được thành lập, nhằm cổ vũ sự dân chủ trong vấn đề về môi trường, Đức Thánh Cha Phanxicô coi đó là cơ hội canh tân sự dấn thân của chúng ta trong việc yêu quý ngôi nhà chung, chăm sóc nó cũng như đối với các thành viên yếu đuối nhất của gia đình nhân loại.

          Ngài nói: “Như đại dịch virus corona cho thấy, chỉ khi cùng nhau chăm sóc những người yếu đuối nhất, chúng ta mới có thể chiến thắng các thách đố toàn cầu.

          Chăm sóc Trái Đất và các thụ tạo như Thiên Chúa đã làm. Chúng ta sẽ không có tương lai nếu chúng ta hủy diệt môi trường vì tính ích kỷ cá nhân, kém trách nhiệm trong việc chăm sóc và cai quản trái đất.

          Chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, trong việc bảo vệ anh em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại người lân cận và cuối cùng, chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha tốt lành ban phát cho mọi người và muốn chúng ta sống với nhau trong sự hiệp thông và thịnh vượng.

          Trái Đất đã phản ứng thế nào? Người Tây Ban Nha có câu châm ngôn rất thâm thúy, đó là: “Thiên Chúa luôn tha thứ, con người chúng ta thì đôi khi tha thứ, còn Trái đất thì không bao giờ tha thứ.”

          Làm thế nào để chúng ta có thể khôi phục sự hài hòa này?

           có một cách nhìn mới về ngôi nhà chung. Chúng ta phải hiểu rằng Trái Đất không phải là một kho tài nguyên để khai thác bóc lột. Những người có đức tin thấy rằng, thế giới tự nhiên là “Tin mừng về sự Sáng tạo”, thể hiện sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo nên cuộc sống con người, làm cho thế giới tồn tại cùng với những gì chứa đựng trong nó để hỗ trợ nhân loại.

          Hôm nay, chúng ta được kêu gọi tái khám phá ý nghĩa của sự tôn trọng thánh thiêng đối với trái đất, bởi vì đó không chỉ là nhà của chúng ta, mà còn là nhà của Thiên Chúa. Hãy sống hài hòa với Trái Đất. Phải hoán cải sinh thái

          Là anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Cha trên trời của mình: “Xin ban Thần khí của Cha và canh tân mặt trái đất” (x. Tv 104,30).

          (https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-ngay-the-gioi-ve-trai-dat.html)

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR