Linh mục, Thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót

69

LINH MỤC

Linh mục, Thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót
(Tìm hiểu tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng của Thánh bộ Giáo sĩ)

Đây là tài liệu hướng dẫn các vị giải tội và làm công việc linh hướng. Trong đó phần đầu nói về việc giải tội và phần sau bàn về việc linh hướng. Tuy ngắn nhưng tài liệu làm nổi bật những điểm quan trọng của vấn đề được nói tới.

1.1 DẪN NHẬP

1.1.1 Một số vấn đề về giải tội

Đến với Toà Giải tội như một thủ tục phải có trước khi Rước lễ: Xưng tội để chịu lễ.

Xưng đại, bịa tội, xét mình không kỹ: chuyện lớn coi như nhỏ, chuyện nhỏ coi như lớn (linh mục thì coi nhẹ việc làm gương xấu).

Xưng tội liên tục (thí dụ 1,2 ngày) hay không muốn xưng tội nữa.

1.1.2 Tập tài liệu nhằm để khám phá lại bí tích Hoà giải

– Câu cuối của tập tài liệu này cho thấy tính quan trọng của việc hiện tại hoá hoạt động của Chúa Thánh Thần.

“Tác vụ hoà giải và công tác linh hướng chính là những nguồn trợ lực mang tính quyết định trong quá trình tập cởi mở và trung thành với toàn thể Giáo Hội và nhất là, trong việc linh mục hiện tại hoá hoạt động của Chúa Thánh Thần.” (số 141)

– Lời giới thiệu tập tài liệu cho thấy có cái gì đó còn hơn việc ban bí tích Giải tội:

“Cần quay lại với toà giải tội như một nơi không những để cử hành bí tích Hoà giải, mà còn để “ở lại” thường xuyên hơn cho người tín hữu tìm được sự thông cảm, khuyên nhủ và an ủi, cho họ cảm thấy họ được Chúa yêu thương và thông cảm, và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa Thương Xót, bên cạnh sự Hiện Diện thật của Chúa trong bí tích Thánh Thể”.

1.2 TIẾN TỚI SỰ THÁNH THIỆN

“Thừa tác vụ hoà giải cũng như công tác tư vấn tâm linh và linh hướng được đặt nằm trong viễn cảnh ai ai cũng được mời gọi nên thánh, cũng là sự hoàn thiện của đời sống kitô hữu và cũng là sự “hoàn thiện của đức ái” (số 4)

1.2.1 Lời mời gọi linh mục sống thánh thiện

Số 1 của văn kiện nêu lên vấn đề chính yếu của đời sống linh mục liên hệ tới Bí tích Hoà giải.

Các linh mục lôi kéo người khác tới tình thương của Chúa nên: “Chúng ta có cử hành bí tích Sám Hối và thực hành việc linh hướng là cử hành và thực hành trong viễn tượng bác ái yêu thương ấy.” (số 1)

Để có thể thi hành tác vụ cần thiết này, mỗi linh mục phải phấn đấu cho có một đời sống thiêng liêng riêng và phải quan tâm làm sao cho mình được cập nhật về mục vụ và thần học” (số 1)

Để phục vụ người khác, mỗi cá nhân phải đi lại hành trình quan hệ liên vị với Thiên Chúa và với anh em – một hành trình sẽ được thực hiện trong sự chiêm niệm, hoàn thiện, hiệp thông và truyền giáo. (số 2)

Công cuộc canh tân đời sống nội tâm ấy phải đụng đến mọi khía cạnh trong đời sống và tác vụ linh mục, và phải thấm sâu vào mọi khía cạnh trong quan điểm, động cơ và cách ứng xử cụ thể của các linh mục. Hoàn cảnh hiện nay đòi các linh mục phải làm chứng cho người ta thấy mình đang sống căn tính linh mục trong vui tươi và hy vọng. (số 1)

Muốn thi hành đức ái mục tử một cách trung thực với căn tính của người linh mục, các linh mục phải hướng toàn bộ tác vụ và công tác của mình về sự thánh thiện, nhờ đó phối hợp hài hoà các khía cạnh rao giảng, tế lễ và phục vụ trong tác vụ của mình (số 4)

Nếu một linh mục không còn đi xưng tội hay không còn thú nhận tội mình cho đúng, tư cách và việc làm của linh mục ấy sẽ bị ảnh hưởng thấy rõ và cộng đoàn mà ngài cai quản sẽ sớm nhận ra điều ấy” (số 17)

1.2.2 Để thánh hoá người khác

– Việc trước tiên là Huấn luyện lương tâm.

“Hiện nay, đào tạo đúng đắn cho các tín hữu có lương tâm đàng hoàng chắc chắn là một trong những ưu tiên mục vụ”. (số 1)

“Việc linh hướng cũng góp phần đào tạo lương tâm. Nhu cầu cần có các ‘bậc thầy tu đức’ thánh thiện và khôn ngoan hiện nay lớn hơn so với trước kia: đó đúng là một sự phục vụ rất quan trọng mang tính Giáo Hội. (nt)

– Lương tâm ngay thẳng giúp hối nhân bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện: “Ngoài ra, mỗi linh mục còn được kêu gọi hãy quản lý lòng thương xót của Chúa trong bí tích Sám Hối để qua đó và nhân danh Đức Kitô tha thứ các tội và giúp hối nhân bước đi trên con đường thánh thiện cam go với một lương tâm ngay thẳng và hiểu biết. (nt)

– Được mời gọi nên thánh: Luật tiệm tiến

Toàn bộ hoạt động mục vụ của thánh Phaolô, cùng với vô vàn khó khăn của những hoạt động ấy, đã được ngài so sánh với việc sinh nở một con người, có thể được tóm tắt bằng nhu cầu cần phải cấp tốc “làm cho Đức Kitô được thành hình” (Ga 4,19) nơi mỗi tín hữu và trong mọi tín hữu. Mục tiêu của thánh Phaolô là “làm cho mọi người đạt tới mức hoàn hảo trong Đức Kitô” (Cl 1,28), hoàn hảo không giới hạn hay không cùng. (số 3)

1.3 NIỀM VUI ĐƯỢC THA THỨ

“Sứ mạng của Giáo Hội là một quá trình phối hợp hài hoà giữa công bố, cử hành và tha thứ hay cử hành việc tha thứ. Điều này đặc biệt đúng cho việc cử hành bí tích Hoà Giải, là kết quả và hoa trái của Đấng Phục Sinh đang hiện diện trong Giáo Hội: “Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm giữ tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

“Từ chỗ vui tươi vì được tha, người ta sẽ đi tới chỗ biết ơn và quảng đại nên thánh và thi hành sứ mạng. Những ai đã trải nghiệm sự tha thứ sẽ muốn người khác cũng được gặp gỡ Đức Kitô, người Mục Tử tốt lành, như mình. Thế nên, những thừa tác viên bí tích Sám Hối nào đã kinh nghiệm được sự đẹp đẽ của cuộc gặp gỡ bí tích ấy sẽ luôn sẵn sàng cống hiến sự phục vụ này, một cách khiêm tốn, cam go, nhẫn nại và vui tươi.”(số 9)

“Thực hành bí tích Hoà Giải một cách cụ thể, vui tươi, đáng tin và dấn thân chính là dấu hiệu rõ ràng cho biết mức độ được phúc âm hoá của một cá nhân và một cộng đoàn tín hữu. Bí tích Sám Hối cũng là một dấu chỉ hùng hồn cho biết sự khát khao hoàn thiện, chiêm ngắm, hiệp thông huynh đệ và làm việc tông đồ. “Trong bối cảnh của mầu nhiệm hiệp thông các thánh, một mầu nhiệm giúp đưa con người đến gần Đức Kitô hơn bằng nhiều cách khác nhau, cử hành bí tích xưng tội chính là bày tỏ niềm tin vào mầu nhiệm Cứu Chuộc và vào việc tái hiện mầu nhiệm ấy trong Giáo Hội”.(số 10)

1.4 NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN CỦA BÍ TÍCH SÁM HỐI

– Bản chất Bí tích Sám hối: “Đức Kitô kéo dài lời tha thứ của mình qua những lời linh mục nói, đồng thời làm cho thái độ của hối nhân đổi khác sau khi đương sự nhìn nhận mình là tội nhân và đương sự cầu xin Chúa tha thứ, sẵn sàng đền tội và sửa chữa.” (số 24)

– Bí tích Sám hối cử hành cuộc Vượt Qua và hành trình hoán cải.

Việc cử hành bí tích này chủ yếu là trong phụng vụ, tưng bừng và vui vẻ vì nó hướng tới việc tái ngộ với Thiên Chúa và với Vị Mục Tử Tốt Lành, do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đức Giêsu đã đánh dấu sự tha thứ này bằng một cung giọng hết sức vui vẻ và tưng bừng (Lc 15,5-7. 9-10.22-32).

Các tên gọi của Bí tích Sám hối nói lên hành trình hoán cải

     + bí tích “Sám hối”, ấy là vì “bí tích này thánh hiến các bước hoán cải, sám hối và đền tội vừa mang tính cá nhân vừa mang tính Giáo Hội do hối nhân thực hiện”.

     + bí Tích “Cáo giải”, “vì việc tiết lộ hay xưng thú tội mình cho một linh mục là một yếu tố căn bản của bí tích.

     + bí tích “Tha thứ”, “vì nhờ sự xá giải mang tính bí tích của người linh mục, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn tha thứ và bình an”;

     + bí tích Hoà giải vì “bí tích này ban cho tội nhân tình thương của một Thiên Chúa muốn hoà giải với con người”. (số 25)

– Bí tích Sám hối giúp nên thánh.

“một khi anh em đã được giải thoát khỏi tội và trở nên nô lệ cho Thiên Chúa, anh em sẽ được thánh hóa và sau cùng, được sống đời đời” (Rm 6,22).(số 28)

Một khi đã hiểu rõ sự thật của ơn ấy, các linh mục sẽ không thể làm gì hơn là cổ võ các tín hữu lãnh nhận bí tích Sám Hối. Nếu vậy, “khi cử hành bí tích Sám Hội, là linh mục chu toàn tác vụ của vị Mục Tử tốt lành đang đi tìm con chiên lạc, tác vụ của người Samari nhân hậu đang băng bó các vết thương của con chiên ấy, tác vụ của chính Chúa Cha đang chờ đợi và hân hoan đón đứa con hoang đàng trở về, và tác vụ của vị thẩm phán công bình và vô tư, luôn đưa ra những phán quyết vừa công bằng vừa nhân ái. Linh mục là dấu chỉ và là dụng cụ được Chúa Kitô dùng để bày tỏ tình yêu thương xót của Chúa Cha đối với người có tội”. (số 31)

– Bí tích sám hối là mầu nhiệm của ân sủng.

Đó chính là một hành trình “bí tích”, một dấu chỉ rất hữu hiệu của ơn thánh, là một phần trong đời sống bí tích của Giáo Hội. Đó cũng là một hành trình đã được nói lên trong kinh Lạy Cha, khi chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta và chúng ta tha thứ cho người khác. Từ kinh nghiệm hoà giải này, chúng ta sẽ sinh lòng ao ước cho toàn thể nhân loại được bình an trong tâm hồn: “Người kitô hữu mong muốn cho toàn thể gia đình nhân loại được kêu cầu Thiên Chúa là Cha chúng con !”(số 35)

1.5 VÀI NHẬN XÉT

– Khi giải tội, linh mục cần tuân theo giáo huấn của Giáo Hội

– Cần bình tĩnh khi bị quấy rầy. Linh mục cần biết mình và điểm yếu của mình

– Đây là Bí tích trang trọng, nghiêm túc cho dù hối nhân không nghiêm túc

– Linh mục cần tôn trọng phẩm giá của hối nhân. Cho dù tội lỗi lớn đến đâu, đừng quên nhiệm vụ khôi phục hình ảnh Thiên Chúa nơi hối nhân.

– Gặp hối nhân thực sự, đau khổ thực sự chúng ta cẩn thận giúp họ con đường sống. Quyết tâm hoán cải mời gọi bước đi trên con đường thay đổi, con đường trở nên hoàn thiện.

– Nên hướng lời khuyên về yêu mến: Tình yêu không bị sứt mẻ: không thể yêu Chúa nhưng tệ bạc với người hay yêu người nhưng tệ bạc với Chúa.

– Khi hối nhân xưng tội người khác, linh mục nên khéo léo hướng dẫn để hối nhân biết trách nhiệm của mình. Tránh văn hoá đổ thừa: thí dụ khi thấy ít người xưng tội thì đổ thừa cho giáo dân.

– Đừng quên hướng hối nhân về Đức Kitô: sống như Đức Kitô dạy, khuôn cuộc đời mình theo Đức Kitô nhiều hơn.

– Phạm tội nhiều làm tội nhân mình đắm chìm trong vết tích của tội, dễ phạm tội hơn, dễ sinh gương xấu hơn. Đối với linh mục là làm gương xấu: làm người ta xa Chúa.

– Với những người đắm chìm trong tội không muốn xưng tội nữa: thử hướng hối nhân khiêm tốn nhận ra con người thật, con người nhiều tội lỗi của mình và thông cảm với những yếu đuối của người khác. Đặc biệt hướng hối nhân đến lòng thương xót của Chúa.

2.1 VẤN ĐỀ LINH HƯỚNG

Tài liệu cho thấy “Việc tư vấn tâm linh đã được thi hành từ buổi ban đầu của Giáo Hội cho tới ngày hôm nay. Cũng có người gọi đây là linh hướng hay đồng hành thiêng liêng.” (số 64) Trong thực tế, các linh mục , tu sĩ rất thường được hỏi về đời sống thiêng liêng, về những điều được làm và không được làm, về điều tốt điều xấu, về điều đúng sai… và không phải ai cũng có khả năng giải đáp thoả đáng. Việc tư vấn tâm linh luôn quan trọng. Tuy nhiên “Nếu việc linh hướng luôn luôn được trao cho các đan sĩ và linh mục thì tư vấn tâm linh có thể được thi hành bởi các thành phần khác trong tín hữu Công Giáo (tu sĩ và giáo dân) như thánh nữ Catarina chẳng hạn.” (số 65)

Sở dĩ có việc đồng hành hay “linh hướng” này là vì Giáo Hội vốn là sự hiệp thông, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, là gia đình huynh đệ trong đó mọi người sẽ tùy theo đoàn sủng Chúa ban cho mà giúp đỡ nhau. Đây là công việc quan trọng vì Linh hướng là một sự giúp đỡ các tín hữu trên con đường nên thánh – một sự giúp đỡ luôn dành sẵn cho hết mọi người, bất kể họ thuộc về bậc sống nào. Sự giúp đỡ này cho thấy đời sống kitô hữu là một “hành trình” (số 66) mỗi ngày kitô hữu từng bước đi trên con đường trọn lành.

Sự giúp đỡ này cũng cho thấy cuộc sống vật chất, tuy dồi dào phong phú và đa dạng nhưng chưa thể gọi là đủ. “Tiến bộ và công nghệ mang đến nhiều giá trị, nhưng các giá trị này cần phải được đầu tư cho có một “linh hồn” hay một “linh đạo” ” (số 138) “Bởi thế, mục tiêu chính của việc linh hướng là giúp phân định các dấu chỉ cho biết ý Chúa muốn chúng ta tiến bước thế nào trong hành trình ơn gọi, cầu nguyện, hoàn thiện, muốn chúng ta làm gì trong đời sống hằng ngày và trong sứ mạng huynh đệ của mình.” (số 78) Nếu không chân thành mong muốn nên thánh, việc linh hướng sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu riêng của mình trong đời sống kitô hữu. (số 80) Chính trong việc tư vấn tâm linh lẫn nhau mà trong việc sống cuộc sống “cầu nguyện (cầu nguyện riêng hay tập thể hoặc trong phụng vụ), chúng ta phải dạy cho nhau biết cầu nguyện, bằng cách lưu ý tới thái độ hiếu thảo của kinh Lạy Cha, tức là khiêm tốn, tin tưởng. (số 83) cũng như khi luôn hướng đến mục tiêu của việc linh hướng chúng ta có thể sống trọn vẹn đời sống kitô hữu vì “Mục tiêu của việc linh hướng nằm ngay trong chính hành trình đức tin, cậy và mến (chẳng hạn làm sao giúp mình có được những giá trị tiêu chuẩn và quan điểm của Kitô Giáo): chúng ta biết được mục tiêu ấy dựa vào các dấu chỉ cho biết ý Chúa muốn đối với đoàn sủng mà chúng ta đã tiếp nhận. (số 79)

Việc linh hướng thường được phát triển theo vòng tròn đồng tâm: đầu tiên là hướng dẫn để biết mình, rồi tin tưởng vào tình thương của Chúa, sau cùng là tận hiến cho Ngài; hay tập tin vào sự phối hợp hài hoà giữa thanh tẩy, đức chiếu và kết hợp. Trong tất cả quá trình này, không bao giờ được quên rằng Chúa Thánh Thần mới chính là nhà linh hướng đích thực, dù cá nhân mỗi người vẫn phải có trách nhiệm và sáng kiến. (số 82)

2.2 ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI LINH HƯỚNG

Các chuyên viên thần học thường mô tả nhà linh hướng như một người hướng dẫn chúng ta, đưa ra những áp dụng cụ thể, một người khơi gợi cho chúng ta xả thân và đề xuất với chúng ta những phương thế nên thánh phù hợp với từng người và từng hoàn cảnh, không quên ơn gọi riêng của mỗi người. (số 85)

Cụ thể hơn, tài liệu cho biết: “Nói chung, nhà linh hướng cần phải có một khả năng đón tiếp rất tốt. Vị ấy cần có khả năng lắng nghe vừa nhẫn nại vừa có trách nhiệm. Vị ấy cũng cần có một cách tiếp xúc vừa như một người cha vừa như một người bạn. Vị ấy cũng cần biết khiêm tốn, vì đó là một đặc điểm của tất cả những ai muốn làm linh hướng để phục vụ người khác. Vị ấy cần tránh không gây cảm tưởng rằng mình độc đoán, cá nhân chủ nghĩa, cậy quyền, khiến cho người khác phải lệ thuộc, hấp tấp vội vàng hay uổng phí thời gian để chạy theo những vấn đề phụ thuộc. Vị ấy cần phải khôn ngoan và kín đáo. Ngài cần biết khi nào phải hỏi ý kiến của những người khác với tất cả sự dè dặt cần thiết. Khi tư vấn thiêng liêng cho người khác, nhà linh hướng phải vận dụng tất cả những đức tính và cá tính ấy. Ngài không nên coi thường vai trò quan trọng của một chút óc khôi hài, vì nếu chân thật, óc khôi hài sẽ giúp chúng ta vừa tôn trọng người khác vừa giải quyết nhiều vấn đề tự tạo để sống thư thái hơn.” (số 101)

Việc tư vấn thiêng liêng cũng đòi một số điều kiện. Trước tiên cần phải có sự hiểu biết tương đối đủ cho công việc khá quan trọng này: Để tư vấn thiêng liêng, cần phải có một sự hiểu biết đủ (lý thuyết lẫn thực hành) về đời sống thiêng liêng, có một kinh nghiệm đủ về đời sống thiêng liêng, cũng như có một ý thức tốt về trách nhiệm và sự khôn ngoan. (số 102) Vị linh hướng cũng cần hiểu biết nội dung đức tin, có một căn bản về Kitô Học cho đời sống thiêng liêng chính là có căn bản thích hợp nhất để có thể giảng giải thành công khi phải hướng dẫn các tín hữu trên hành trình chiêm ngắm, sống bác ái và làm việc tông đồ. (số 132) Hành trình linh hướng cho thấy việc đào tạo thần học và việc đào tạo mục vụ có liên quan với nhau. (số 134)

Không chỉ biết mình, người tư vấn còn phải biết người mình đang hướng dẫn Nhà linh hướng cần biết rõ người mình đang hướng dẫn. “Hiểu biết tính khí và tính tình con người sẽ giúp chúng ta bảo đảm không để cho đương sự sinh lòng kiêu ngạo và sống quá độc lập mỗi khi ngưỡng vọng những điều cao cả (tính nóng vội); hay tính tình dễ chịu không bị xuống cấp để trở thành nhẹ dạ và hời hợt (tính cầu toàn); hay thiên về đời sống nội tâm và cô độc một mình sẽ không biến chất thành thụ động và mau nản chí (tính u buồn); hoặc bền chí và điềm tĩnh không biến thành cẩu thả và hờ hững (tính lãnh đạm).” (số 130)

Nhà linh hướng cần luôn luôn tỏ ra kính trọng sâu xa đối với lương tâm của người tín hữu. (số 103) Vả lại quyền hành của nhà linh hướng không phải là quyền tài thẩm, mà đúng hơn là quyền tư vấn và hướng dẫn, (số 104) nên nhà linh hướng phải biết cầu nguyện và không được nản lòng khi không thấy kết quả của những việc vất vả mình đã làm. Do vậy nhiệm vụ linh hướng thích hợp cho các linh mục vì nhiệm vụ của linh mục không chỉ hướng đến việc tha tội cho dù đây là việc mà dân Chúa trông đợi nhất là trong những thời gian cao điểm là Mùa Vọng và Mùa Chay (tại Việt Nam còn lễ các thánh và dịp Tết cũng có nhu cầu xưng tội). Nhiệm vụ linh mục còn giúp cộng đoàn nên hoàn thiện vì thế “các linh mục sẽ phải là người đầu tiên sẵn sàng dành thời giờ và sức lực để làm công việc giáo dục và hướng dẫn thiêng liêng cá nhân này. (số 71) Vả lại tài liệu cung thấy sự liên hệ mật thiết giữa việc linh hướng và bí tích Sám hối: “Khi thi hành tác vụ linh hướng hay phục vụ linh hướng, linh mục đóng vai trò đại diện Đức Kitô Mục Tử Tốt Lành, là người hướng đạo, là anh em, là cha và là thầy thuốc từ tâm, như trong bí tích Sám Hối vậy.” (số 112)

Nếu linh mục có cố gắng tổ chức nghi lễ phụng vụ tốt đẹp đến đâu thì linh mục cũng cần lưu ý rằng “Lễ nghi có đẹp đẽ đến đâu hay hội họp có nhiều đến đâu, mà không nhắm tới việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô Giáo, thì cũng chẳng có giá trị bao nhiêu.” (số 113) Chính vì thế tài liệu cho biết “Linh hướng để phân định Thần Khí đúng là một phần trong tác vụ linh mục. “Trong lúc tìm cách thăm dò các thần để xem các thần ấy có là của Chúa hay không, các linh mục nên lấy đức tin mà giới thiệu các đoàn sủng khiêm tốn nhưng cao quý của người giáo dân, vui vẻ nhìn nhận các đoàn sủng ấy và cần mẫn hỗ trợ các đoàn sủng ấy”.” (số 67) Khi thi hành nhiệm vụ của mình với tinh thần của Đức Kitô, linh mục sẽ để lại một dấu hiệu là “niềm vui Phục Sinh” và “sự lạc quan hy vọng” trong tâm hồn chúng ta (cf. Rm 12,12). (số 135)

Sự tham gia linh hướng của những người thuộc về đời sống thánh hiến phải được giả thiết là đã qua một thời gian sống chiêm niệm, nên trọn lành, hiệp thông (sống chung) và truyền giáo, như một phần làm nên tính bí tích của Giáo Hội – vốn là một thực tại mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. (số 120)

Việc linh hướng cho các giáo dân giả thiết ơn gọi nên thánh này là giúp giáo dân trở thành men Tin Mừng trong thế giới và hoạt động trong địa hạt riêng của mình, luôn hiệp thông với Giáo Hội. Nhà linh hướng cần giúp giáo dân trong quan hệ của họ với Chúa (bằng cách tham gia cụ thể vào bí tích Thánh Thể và việc cầu nguyện, xét mình bằng cách liên kết với đời sống của mình), trong việc đào tạo lương tâm, trong việc thánh hoá gia đình, công ăn việc làm, các quan hệ xã hội và tham gia vào đời sống công cộng.

“Công ăn việc làm mà được thi hành theo lối này sẽ trở thành cầu nguyện. Học hành theo lối này cũng trở thành cầu nguyện. Nghiên cứu khoa học theo lối này sẽ trở thành cầu nguyện. Mọi sự đều đồng quy về một thực tại duy nhất: nếu tất cả đều là cầu nguyện thì mọi sự sẽ có thể và hẳn sẽ đưa chúng ta đến với Chúa, nuôi dưỡng quan hệ thường xuyên của chúng ta với Ngài, từ bình minh tới lúc chiều tà. Mọi việc lao động liêm chính đều có thể trở thành cầu nguyện, và mọi việc làm đều là cầu nguyện, đều là làm tông đồ. Bằng cách đó linh hồn chúng ta sẽ được trở nên vững mạnh trong một cuộc sống thống nhất, đơn sơ nhưng mạnh mẽ”. (số 122)

Đàng khác, việc linh hướng hay tư vấn tâm linh cho các giáo dân hoặc cho những người ngoài đời sẽ không quá chú ý tới những thất bại và tình trạng chưa trưởng thành của họ.

2.3 NGƯỜI ĐƯỢC LINH HƯỚNG

Chính linh mục là người cần được linh hướng

Cho dù linh mục là người thích hợp cho việc linh hướng nhưng chính linh mục cũng cần được linh hướng. “Để góp phần cải thiện đời sống thiêng liêng của mình, các linh mục cần được linh hướng. Khi đặt việc đào tạo linh hồn mình vào tay một anh em linh mục khôn ngoan, họ sẽ giúp cho lương tâm mình được soi sáng thêm ngay từ những bước đầu tiên thi hành tác vụ, và sẽ nhận thức được cần hết sức tránh bước đi một mình trên con đường thiêng liêng và trong khi thi hành các công tác mục vụ.” (số 75) Các linh mục chỉ có thể đạt được điều này bằng cách noi gương Đức Kitô là Chúa của mình ngay trong tác vụ của mình. Cụ thể hơn nữa là noi gương Đức Kitô khi Người đồng hành với hai môn đệ đi làng Emmaus

Đức tính của người được linh hướng

Tài liệu cho thấy người được linh hướng cũng cần có nhiều đức tính căn bản: “cởi mở, thành thật, trung thực, liêm khiết, có thực hành các phương thế nên thánh (như tham dự phụng vụ, các bí tích, cầu nguyện, hy sinh, xét mình…). (số 106) và muốn đạt kết quả cũng cần kính trọng các vị linh hướng xem các ngài như vị hướng dẫn đức tin, nghĩa là giúp cho người được linh hướng có cái nhìn đức tin trong mọi công việc 108. “Một đời sống thiêng liêng được coi là chân chính khi người ta nhìn thấy có sự hài hoà giữa những lời góp ý mà đương sự đã xin và nhận được, với đời sống ăn khớp một cách cụ thể với những lời góp ý ấy. Người được linh hướng phải tự nguyện đón nhận các góp ý một cách có trách nhiệm, và nếu có lỡ sai lầm, người ấy cũng không đổ lỗi lên nhà linh hướng. (số 108)

Như thế thái độ căn bản của người xin linh hướng là thái độ của một người tìm cách làm đẹp lòng Chúa và tìm cách sống trung thành hơn với thánh ý của Ngài.

2.4 THỰC HÀNH LINH HƯỚNG

Vài điều cần lưu ý trước

– Trong thực hành, đôi khi người ta dừng lại quá lâu nơi các câu hỏi và trả lời về giáo lý:“Linh hướng không phải chỉ là bàn hỏi về giáo lý. Mà đúng hơn linh hướng đụng chạm tới mối quan hệ và nỗ lực đồng hoá thâm sâu của chúng ta với Đức Kitô.” (số 69)

– Trong việc linh hướng người ta luôn dành chỗ quan trọng cho việc phân định Thánh Thần là đấng đang dìu dắt chúng ta đến chỗ được thánh hoá, thi hành sứ mạng tông đồ và hiệp thông vào đời sống Giáo Hội. Chính anh em sẽ mang an ủi đến cho dân và hướng dẫn dân trong những lúc khó khăn của cuộc đời”. (số 70)

– Việc linh hướng nhắm tới một mục tiêu rất tuyệt vời. Có thể nói công việc này hết sức cần thiết để giáo dục luân lý và thiêng liêng cho người trẻ nào muốn tìm ra ơn gọi của mình và theo đuổi ơn gọi ấy tới cùng một cách hết sức trung thành. (số 72)

– Linh hướng thường đi đôi với bí tích Sám Hối (số 73)

Trong thực hành

– Khi thực hành linh hướng, người ta không bao giờ được quên cứu xét ơn gọi riêng của người xin linh hướng hay tư vấn trong Giáo Hội. Người ta cũng phải nhìn tới bậc sống, những đoàn sủng riêng và những ơn riêng được ban cho đương sự. Vì mỗi người là một đơn vị “thống nhất”, nên cần phải biết rõ hoàn cảnh đặc biệt của họ, gia đình, công ăn việc làm, v.v… Khi có dịp làm việc với một đoàn sủng hay một ơn gọi đặc biệt, nên lưu ý những giai đoạn khác nhau trong hành trình ơn gọi ấy, (số 87) cũng như những thay đổi trong bậc sống theo giáo luật, những ước muốn nên hoàn thiện hơn, những sự bối rối và những hiện tượng bất thường.

– Chương trình linh hướng “có thể bắt đầu hành trình linh hướng một cách thích đáng bằng việc nhìn lại đời sống của đương sự một cách tổng quát. (số 88) Đương sự cảm thấy bị lôi cuốn trước những thái độ đạo đức, muốn kiên trì tập nhân đức, cầu nguyện, gắn bó với ý Chúa, làm việc tông đồ, đào tạo tính tình (trí nhớ, trí hiểu, tình cảm, ý chí), thanh tẩy, huấn luyện trở nên người cởi mở, cương quyết đi tìm sự trung thực và từ chối chơi tiêu chuẩn kép. (số 89)

Giai đoạn hai của việc linh hướng được gọi là thời kỳ tiến bộ và thăng tiến. Trong giai đoạn này, cần nhấn mạnh tới việc hồi tâm, đời sống nội tâm, sống khiêm tốn và hãm mình nhiều hơn, đào sâu các nhân đức và cải thiện đời sống cầu nguyện.

Từ giai đoạn này chúng ta sẽ tiến tới giai đoạn hoàn thiện hơn nữa; lúc đó việc cầu nguyện của chúng ta sẽ mang tính chiêm niệm nhiều hơn. để biết cách vượt qua đêm tối linh hồn (hay đêm tối đức tin). (số 90)

Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thôi thúc, chúng ta biết mình sẽ đi tới đâu, đang ở đâu, và phải tiến tới đâu. (số 91) Hoạt động tông đồ cũng có lúc gặp khô khan, xung đột, ngộ nhận, lăng mạ và bắt bớ, do chính những sai lầm của mình nhưng cũng có thể do những người có thiện chí (bách hại người tốt) vì thế trong khi tiến bước trên con đường hoàn thiện chúng ta thường gặp khủng hoảng. Đêm tối đức tin có thể xuất hiện vào những thời điểm khác nhau, nhưng đặc biệt nhất là khi đương sự đã tiến lại gần Chúa. (số 93)

– Hành trình linh hướng, là một hành trình tìm tòi và trải nghiệm sự thật, cái hay cái đẹp, là sự phối hợp hài hoà giữa trí khôn, tình cảm, ý chí, trí nhớ và tất cả những gì quan trọng đối với chúng ta tạo được “sự ổn định trong tâm trí, khả năng biết đưa ra những quyết định nặng ký và biết đánh giá con người và biến cố một cách lành mạnh”. (số 127) Linh hướng sẽ giúp chúng ta hiểu biết và khắc phục những yếu kém của mình khi quyết định, khi ghi nhớ, khi xúc cảm và khi bị điều kiện hoá về mặt xã hội, văn hoá và tâm lý giúp chúng ta trả lời câu hỏi: tôi là ai ? (căn tính của mình); tôi đang sống với ai ? (các mối quan hệ); và tôi đến đây để làm gì ? (sứ mạng).

– Đôi khi chúng ta cảm thấy được Thánh Thần soi sáng và thúc giục, kể cả khi chúng ta muốn dấn thân quyết liệt hơn trong đời sống thiêng liêng hay trong hoạt động tông đồ, vậy mà có khi đó chỉ là những giây phút rất mong manh và rất dễ đánh lừa, xuất phát từ sự kiêu ngạo hay từ sự ngẫu hứng của chúng ta. (số 94) Những hiện tượng ấy có thể phát xuất từ những nguồn gốc tự nhiên, từ những nguồn gốc tâm lý và văn hoá cũng như từ nền giáo dục và từ những hoàn cảnh xã hội, (số 95) cũng có khi do bệnh tật và khiếm khuyết tâm lý liên quan đến đời sống thiêng liêng làm người ta hờ hững vô tâm hay sống tà tà. (số 96) Chúng xuất hiện khi người ta quá quan tâm tìm sự thoả mãn hay quá bất mãn với chính mình, tìm hết cách để mọi người chú ý và cảm thương. (số 97)

Để biện phân chúng ta nên nhớ nguyên tắc: Những việc thần dữ làm bao giờ cũng có kèm theo sự tự ái, đòi độc lập, buồn bã, thoái chí, ghen tuông, hồ đồ, giận ghét, thất vọng, khinh người, và có những sự ưu tiên ích kỷ. (số 99) Chúng ta không thể nào phân định một tình huống thiêng liêng mà tâm thần không được bình an, và đây chính là một ơn do Chúa Thánh Thần ban cho. Người có ơn ấy sẽ không tìm kiếm tư lợi hay tìm cách thống trị người khác, mà chỉ tìm cách thế nào tốt nhất để phục vụ Chúa và anh chị em mình. (số 100)

2.5 ĐỂ KẾT

Trong thời đại hiện nay Giáo Hội cần cải tổ hơn bao giờ hết để đáp ứng thay đổi của thời đại. “Muốn ơn gọi linh mục và tu sĩ phát triển, muốn giáo dân ngày càng dấn thân trên con đường nên thánh và trong hoạt động tông đồ, cần phải canh tân lại tác vụ sám hối và linh hướng, những việc phải được thực hiện với sự nhiệt tình có cơ sở cũng như với sự xả thân thật rộng rãi.” (số 139) Trong tình hình mới, cộng với ân sủng mới, chúng ta nuôi hy vọng sẽ có sự nhiệt tình tông đồ mới để linh mục biết hiện tại hoá hoạt động của Chúa Thánh Thần.NVH