Lời kinh “Salve Regina – Lạy Nữ Vương”

391

Lời kinh thắm thiết cầu khấn cùng Đức Mẹ Maria – ngoài kinh Kính mừng Maria – mà Kitô hữu đọc hầu như thuộc lòng là kinh “SalveRegina – Lạy Nữ Vương”.

LATINH

Salve, Regina, Mater misericordiae,
vita, dulcedo, et spes nostra, salve.
ad te clamamus exsules filii
Evae,
ad te suspiramus, gementes et flentes
in hac lacrimarum valle.

Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos
misericordes oculos ad nos converte;
et Jesum, benedictum fructum ventris tui,
nobis post hoc exsilium ostende.
O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria.”

TIẾNG VIỆT

(Kinh Phụng Vụ – Kinh Tối)

Kính chào Đức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào lẽ Cậy Trông.

Này con cháu E-và,
Thân phận người lưu lạc,
Chúng con ngửa trông Bà,
Kêu Bà mà khóc lóc,
Than thở với rên la
Trong lũng đầy nước mắt.

Bà là Nữ Trạng Sư,
Nguyện đưa mắt nhân từ
Phía đoàn con ngoái lại,
Và sau đời khổ ải,
Xin Bà khứng tỏ ra,
Cho đoàn con được thấy
Quả phúc bởi lòng Bà:
Đức Giê-su khả ái.

Ôi lượng cả khoan hồng,
Ôi tấm lòng xót thương,
Ôi dịu hiền nhân hậu,
Trinh Nữ Ma-ri-a.

(Bản phổ thông)

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và
ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.
Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.
Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Đâu là nguồn gốc xuất xứ cùng ý nghĩa Lời kinh cảm động này?

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann der Lahme, Dòng Bênêđíctô ( + 1054), người Đức viết ra bằng tiếng latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức.

Thầy Hermann ngay từ hồi thanh thiếu niên đã bị tàn tật. Nhưng thầy được Chúa ban cho khả năng trí khôn thông minh. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu và làm thơ văn, nhưng cầu nguyện vẫn luôn là nhịp sống cần thiết cho đời sống mà thầy hằng chú tâm chăm sóc.

Sống trong tu viện khổ tu, nhưng thầy kiên trì học hành và nghiên cứu môn Thần học cùng môn Toán học tường tận, và trở thành nhà Thần học cùng là nhà chuyên môn về Toán học. Ngoài ra thầy còn nghiên cứu thêm về môn Lịch sử, môn Thiên văn. Chưa hết, thầy còn có tài năng sáng tác âm nhạc. Như thế, thầy tuy là một người tàn tật, nhưng có nhiều tài năng thiên phú ẩn chứa trong con người của thầy.

Có nhiều tài năng thiên bẩm, nhưng vì bị tàn tật nên không thể tự mình làm được cả những điều căn bản cần thiết cho đời sống hằng ngày. Cuộc sống trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng, của người khác. Và như thế lâu dài trở nên gánh nặng cho họ. Dù nhà Dòng rất kính trọng yêu mến Thầy, cùng sẵn sàng giúp thầy sống trọn vẹn ơn gọi tu sĩ, nhất là giúp thầy phát triển tài năng Chúa ban cho thầy!

Trong những giờ phút đau khổ như thế bài kinh cầu khẩn Salve Regina được cưu mang thai nghén và chào đời trong tâm hồn một thầy dòng tàn tật tên Hermann.

Thầy Hermann đã đọc kinh Kính mừng Maria – Ave Maria hằng ngày, hằng giờ, nên khi cảm hứng sáng tác kinh cầu nguyện thầy đã mượn lời Thiên thần Gabriel chào Đức Mẹ Maria là Nữ Vương: Salve Regina!

Đức Mẹ Maria có phải là nữ vương?

Chúa Giêsu trước mặt quan tổng trấn Philatô đã quả quyết: Phải, tôi là Vua! Và trên đầu thập giá Chúa Giêsu, có bảng viết: Giêsu Nadareth, Vua dân Do Thái!

Đức Mẹ Maria sau quãng đời sống trên trần gian đã được Chúa Giêsu, con của Mẹ, đưa về trời cả hồn lẫn thân xác. Vì thế, trên thiên quốc, Đức Mẹ là Nữ Vương.

Thầy Hermann qua đó muốn diễn tả tâm tư của mình: “Salve Regina – Kính chào Mẹ nữ vương trời đất!” Lời chào này không do Thiên thần hay sứ giả nào nói, nhưng do thầy dòng tàn tật Hermann nói thân thưa với Đức Mẹ Maria.

Xưng tụng Đức Mẹ Maria là Mẹ, thầy vẫn cảm thấy chưa đủ hết tấm lòng của một người mẹ. Nên thầy thêm vào lời xưng tụng “Mẹ nhân lành – Mẹ xót thương” và còn hơn nữa “đời sống chúng con được vui được cậy”.

Qua những xưng tụng đó, thầy Hermann muốn nói lên tâm tình tin tưởng:

  • Đức Mẹ Maria không là trung gian cho sự chết. Nhưng phù trợ cho sự sống
  • Đức Mẹ Maria không chối từ sự cay đắng đau khổ. Nhưng khi cầu nguyện ta tìm nhận ra nơi Đức Mẹ nhân lành nguồn vui an ủi cho đời sống.
  • Đức Mẹ Maria không chỉ giúp cho đời sống trong một lúc khoảnh khắc ngắn ngủi gặp đau khổ, nhưng Đức Mẹ là người cùng đồng hành trung thành hướng dẫn cho đời sống tìm đến nguồn hy vọng nơi Thiên Chúa tình yêu thương.
  • Đức Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn thân xác bên ngai Thiên Chúa. Đó cũng là đích điểm của con người chúng ta mai sau cũng mong được về bên ngai Thiên Chúa.
  • Con người chúng ta còn đang là lữ khách ở trần gian, nên còn mang trong mình hậu qủa của tội nguyên tổ của Ông Bà Adong Evà. Đó là những đau khổ, bệnh tật, yêu đuối giới hạn cả về thân xác lẫn tinh thần.Vì thế, trần gian được gọi là nơi chốn thung lũng đầy nước mắt.

Thầy Hermann đã có cảm nghiệm này từ chính nơi đời sống riêng của mình về sự yếu hèn của khiếm khuyết, của tật nguyền nơi thân thể. Nên qua đó thầy khao khát mong ước một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống vĩnh cửu. Điều khao khát mong ước đó, thầy đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ Maria, Đấng là Trạng sư bầu chữa cho mình trước ngai tòa Chúa.

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann viết ra thành chữ, thoát ra từ tận sâu thẳm tâm hồn của một đời sống chịu đựng tàn tật về thân xác cũng như yếu đuối giới hạn về trí khôn tinh thần.

Lời kinh Salve Regina không vẽ hay tô điểm một hình ảnh bi quan đen tối về đời sống. Nhưng tràn đầy niềm hy vọng của chính Thầy Hermann. Và đấy cũng là hy vọng của mọi Kitô hữu.

Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho rất nhiều nhạc sĩ từ xưa đến nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ khác nhau và rất danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy… Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học của Thánh Alphonsô Liguori – một vị Thánh Tiến sĩ Hội thánh.

Lời kinh Salve Regina trở thành lời kinh cầu nguyện không chỉ trong khuôn viên những tu viện, nhà dòng đọc hát vào giờ Kinh Chiều hay giờ Kinh Tối. Nhưng đã trở thành lời kinh trong “kho tàng” về kinh cầu nguyện của Giáo Hội, phổ thông cho mọi tín hữu, và người Công Giáo tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Previous articleAmoris Laetitia là chương trình của Đức giám mục Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống
Next articleNgày 22/08: Đức Maria Trinh Nữ Vương