Lời tự thú của một kẻ viết tin giả kiếm tiền

89
Blair

Tiễn vợ đi làm, con đi học, Christopher Blair vội vàng vào mạng. Ở đó, một thế giới hoàn toàn khác đang chờ đón anh ta: thế giới tin giả. Tờ Washington Post mở đầu bài viết về một nhân vật chuyên sản xuất tin giả rồi lan truyền chúng trên mạng như thế…


Bàn làm việc của Christopher Blair, 46 tuổi, ở bang Maine (Mỹ), nơi anh ta “chế” tin giả để kiếm sống. 

Viết xong chữ “tin nóng”, anh ngừng lại để cân nhắc: hôm nay nên bịa chuyện gì, có thể là Hillary Clinton đã chết trong một phi vụ bí mật ở nước ngoài nhằm chuyển lậu thêm người nhập cư vào Mỹ, cũng có thể là Tổng thống Trump được trao giải Nobel hòa bình nhờ lòng can đảm phản bác biến đổi khí hậu.

Năm 2016, trong mùa chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, Blair tạo trang riêng cho mình trên Facebook, đặt tên là America’s Last Line of Defense (Hàng phòng thủ cuối cùng của nước Mỹ). Thoạt tiên, anh ta cùng vài người bạn muốn xây dựng một trang châm biếm chính trị, châm chọc những ý tưởng cực đoan của phe cực hữu.

Suốt hai năm qua, anh ta bịa ra đủ tin quái dị nhất: bang California áp dụng luật Hồi giáo, cựu tổng thống Bill Clinton trở thành kẻ giết người hàng loạt, cựu tổng thống Barack Obama trốn lính khi mới 9 tuổi… Rất nhiều người trên Facebook bấm “like”, hay “share” các câu chuyện này mà không hề biết ý định viết châm biếm của Blair.

Washington Post cho hay trang của anh ta trở thành một trong những trang được ưa chuộng nhất trên Facebook đối với những người trên 55 tuổi và ủng hộ Trump.

Mặc dù Blair tuyên bố rõ “Không có gì là thật trên trang này” nhưng các câu chuyện bịa của anh ta vẫn được chia sẻ, được các trang tin chuyên đăng tin giả trích đăng lại. Trang của anh ta thu hút chừng 6 triệu lượt người vào xem mỗi tháng.

Có lần Blair viết trên tài khoản Facebook của mình: “Bất kể chúng tôi có phân biệt chủng tộc, mù quáng, độc địa hay giả đến mức độ nào đi nữa, người ta vẫn quay lại để đọc. Giới hạn là ở đâu? Đâu là điểm dừng để người ta nhận ra họ đang bị nhồi nhét các thứ rác rưởi và quyết định quay về thực tại?”.

Đến đây, Washington Post cung cấp thông tin nền về Christopher Blair: gia đình anh ta trong 10 năm qua đã dọn khắp nước Mỹ để tìm việc làm ổn định, có lúc làm nghề xây dựng, có lúc phục vụ trong nhà hàng, nhiều lúc sống nhờ phiếu thực phẩm.

Blair tạo ra cả chục tài khoản trên mạng, có lần giả làm một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp hay một tay bảo thủ đầu buộc khăn dưới cái tên Flagg Eagleton, cố tình khiêu khích để người ta đưa ra những nhận xét phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính, sau đó dùng chính những nhận xét này để bôi xấu thiên hạ. Dần dần anh ta lôi kéo được một số người cấp tiến theo chân anh ta.

Công việc hằng ngày hiện nay của Blair là lùng sục các diễn đàn bảo thủ trên Facebook xem có ý tưởng nào để viết tin bịa cho trang của mình không. Chẳng hạn, anh ta thấy một tấm hình Tổng thống Trump đứng nghiêm chào cờ trong một buổi lễ tại Nhà Trắng, đằng sau là nhiều quan chức, có một phụ nữ da trắng đứng gần một phụ nữ da đen.

Thế là đủ. Blair chép tấm hình về, khoanh tròn hai người phụ nữ và viết đại ý tưởng nảy ra trong đầu ngay lúc đó: “Tổng thống Trump muốn vinh danh nên mời Michelle Obama và Chelsea Clinton. Thế mà họ cảm ơn ông bằng cách “chĩa tay” nói xấu trong khi làm lễ chào cờ. Phải bắt giam họ lại vì phản quốc!” (Michelle Obama là phu nhân cựu tổng thống Obama, còn Chelsea là con gái của Bill và Hillary Clinton).

Viết bậy bạ như thế mà vẫn có người tin. Người phụ nữ da trắng trong hình từng là nhà chiến lược cho Nhà Trắng, Hope Hicks, còn người phụ nữ da đen từng là phụ tá cho ông Trump, Omarosa Newman.

Blair biện bạch với Washington Post rằng vẫn có hàng trăm người cấp tiến vào trang America’s Last Line of Defense để chọc quê những người bảo thủ tin và chia sẻ các tin giả do Blair phịa ra, rằng mục đích của anh ta khi lập nên trang này là làm những người chia sẻ tin giả thấy xấu hổ, nên sau này họ sẽ cân nhắc kỹ trước khi lan truyền tin bịa đặt.

Thật không khó để biết mục đích chính của Blair: kiếm tiền. Tháng nào đông “khách”, anh ta dễ dàng thu về chừng 15.000 đôla tiền quảng cáo trên các trang đăng tin anh ta bịa ra, tin càng quái đản càng nhiều người vào xem. Washington Post cho biết hai năm qua, Blair chế ra hàng ngàn tin giả rồi ngồi đếm: phút đầu tiên có 8 “share”, 15 phút sau có 160 “share” và đến cuối giờ đầu tiên đã có hơn 1.000 người bấm “share”…

Nhưng Christopher Blair thực ra không quan trọng trong câu chuyện này, quan trọng là những người tin vào các mẩu tin quái đản của anh ta. Vì sao? Bởi tin rõ ràng là giả vẫn có người chia sẻ tấm hình chào cờ nói trên kèm theo nhận xét: “Phải giam chúng lại”. Quan trọng hơn, đội ngũ “dọn vệ sinh” của Facebook ở đâu khi trang này vẫn đang tồn tại, vẫn lừa được rất nhiều người. Đâu là giới hạn giữa châm biếm với cố tình câu khách bằng tin giả?■ NV

Previous articleMột câu chuyện cảm động
Next articleSự tích ông già Noel