LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA BÀ GÓA

115

Thứ Sáu tuần III MC

Mc 12, 28b-38

LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA BÀ GÓA

Mở đầu đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu có thái độ nghiêm khắc, không khoan-nhượng đối với những kẻ đạo-đức giả-hình. Chúng ta biết rằng: Những người lãnh-đạo tôn giáo thời đó đã quá thiên về hình thức, chỉ để ý đến tiếng khen chê của người đời, mà không tôn thờ Thiên Chúa trong Tinh Thần và Chân Lý!

Khi bày tỏ quan điểm, vị kinh sư đã biểu đồng tình với Đức Giêsu. Nhưng ông đã diễn tả ý kiến như là mộtlời bình nhằm triển khai vấn đề bằng cách thêm vào mộtý tương gán cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận mộtgiá trị cao hơn mọi lễ toàn thiêu và các hy lễ đẫm máu. Bằng câu trả lời của mình, ông đã gián tiếp nhìn nhận lỗi của các đồng nghiệp, của nhóm Pharisêu và Hêrôđê.

Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật, các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu. Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema, kinh này được người Do thái đọc sáng chiều mỗi ngày: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4). Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29). Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa. “Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18). Và Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).

Thái độ và lối sống vụ hình thức như thế làm cho Chúa ghê tởm, nên Ngài đã cảnh cáo dân chúng rằng: “Hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào nơi công-trường, chiếm những chỗ nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ gỉa bộ đọc kinh kệ dài dòng để nuốt gia tài của các bà goá”…Chúng ta biết: “Bọn luật sĩ” là tiếng Chúa Giêsu nói về các tiến sĩ luật thời đó, những người dạy luật, những người hướng dẫn tôn giáo, những bậc thầy trong đạo Do Thái thời Chúa Giêsu. Không còn lời trắch mắng nào thẳng nhặt và đốp chát hơn những lời Chúa nhận xét về bọn người đó! …

Những điều Chúa thường thấy nơi bọn người háo danh, đó là : họ ưa “Mặc áo thụng, thích được người ta bái chào nơi công trường ,chiếm những chỗ nhất trong hội đường và trong đám tiệc (câu 39)…làm bộ đọc kinh kệ dài dòng để mong nuốt gia tài của các bà goá” (câu 40)… Nói thế, Chúa Giêsu không muốn kết án những người đọc nhiều kinh, suy niệm lâu giờ để tâm hồn hoàn toàn gần gũi với Chúa, nhưng Ngài kết án những người làm bộ yêu mến Chúa, làm những việc phụng thờ Thiên Chúa cốt để được hưởng những mối lợi trần gian! Bọn người lợi dụng những việc đạo đức để mưu cầu danh lợi!

Bà goá đã bỏ tiền nhiều nhất: không phải bà đã bỏ nhiều tiền, nhưng vì bà đã bỏ những đồng tiền cuối cùng trong gia tài của bà, những đồng xu giúp cho bà sống còn!

Đồng xu của bà  có giá trị hơn nhiều món tiền lớn: Vì những món tiền lớn kia là những tiền dư thừa của những người giầu.

Trong hoàn cảnh túng thiếu, Chúa không buộc chúng ta phải làm một cách quá quảng-đại như bà goá…Ta có thể giữ lại để nuôi sống mình. Tuy nhiên hành động quảng đại của bà goá chắc chắn Chúa sẽ ban thưởng cho bà ngay tại đời này để bà thoát khỏi hoàn cảnh túng bấn, vì bà đã tuyệt đối tín thác nơi Thiên Chúa và nghĩ đến tha nhân!

          Nếu chúng ta chỉ dâng các hy lễ, nếu chúng ta chỉ nói lên những công thức cầu nguyện, nếu chúng ta chỉ dâng những điều khác với bản thân chúng ta, và không hề có bản thân chúng ta dấn thân vào đó thực sự, chúng ta không yêu mến, và chúng ta đánh mất ý nghĩa/chiều hướng của đời sống chúng ta.

Tình yêu trước tiên không phải là một tình cảm, mộtcảm xúc của con người, nhưng là tất cả bản thân chúng ta hiến dâng lên Thiên Chúa cùng với các sức lực và khả năng. Yêu mến là ra khỏi tình trạng thụ động, trơ ì, lãnh đạm, tìm thoải mái riêng tư, hời hợt, ngờ vực, để hướng về Thiên Chúa cách năng động mạnh mẽ và cương quyết, với mộtsự quan tâm sâu xa, tha thiết, sống động. Yêu mến Thiên Chúa là vận dụng tất cả năng lực trí tuệ và ý chí để hiếu biết Ngài, gặp gỡ Ngài, đón tiếp Ngài trọn vẹn, để được Ngài nắm lấy và lấp đầy. Nói cho cùng, yêu mến Thiên Chúa là luôn cố gắng mở ra với Ngài mãi.

Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh. Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến. Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân: đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do thái cách đây hai ngàn năm. Đó cũng là câu trả lời của Ngài cho các Kitô hữu hôm nay. Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống. Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30). yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác, vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước. Ăn ngay ở lành không đủ.

Và rồi, ta nên nhớ rằng theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành. Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân. Thương người như thể thương thân. Nhưng đối với tôi thương thân là gì? Tôi cần gì trong cuộc sống? Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ… Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.

          Điều răn đứng đầu chính là điều quan trọng trong mọi trường hợp, điều mà chúng ta phải dấn thân theo với tất cả sức lực. Bởi vì chúng ta phải trả lẽ với Thiên Chúa và bởi vì Ngài sẽ quyết định về giá trị của đời sống chúng ta, cách thức đời sống chúng ta có thể nhận được một ý nghĩa thức sự, trường tồn, tùy thuộc câu trả lời cho câu hỏi về điều răn đứng đầu. Bởi vì điều răn này cho biết Thiên Chúa thực sự muốn chúng ta sống thế nào, chúng ta phải đi theo con đường nào để cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa, có chiều hướng cách tuyệt đối chắc chắn.

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta cũng biết chia sẻ như bà góa trong Tin Mừng hôm nay.