MARIA LÒNG CON MẾN YÊU

226

 

 

MARIA LÒNG CON MẾN YÊU

Mẹ Maria là kỳ công tuyệt tác của Đấng Tối Cao, và Chúa dành riêng cho mình sự nhận biết và quyền sở hữu. Mẹ Maria là Mẹ khả ái của Chúa Con: Chúa Kitô đã vui mừng để Mẹ mình sống khiêm nhường, và giấu kín Mẹ mình bằng cách gọi Ngài là “người đàn bà” (Ga 2,4; 19,26), y như cư xử với một người xa lạ, mặc dầu trong thâm tâm Ngài quý trọng và yêu mến Mẹ mình hơn tất cả các thiên thần và người ta. Mẹ Maria là “giếng nước niêm phong” (Dc 4,12), là hiền thê trung tín của Chúa Thánh Thần: chỉ mình Chúa Thánh Thần vào đó. Mẹ Maria là đền thờ và là nơi Chúa Ba Ngôi ngự: Chúa ở nơi đây cách huy hoàng và uy linh hơn bất cứ nơi nào trong vũ trụ, kể cả ngai toà của Ngài giữa các thiên thần Kêrubim và Sêraphim: không một thụ tạo nào, 12 dầu trong sạch đến đâu, cũng không được phép bước vào đền thánh này, nếu không có một đặc ân lớn lao.

Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì những lý do sau:

– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội” (Đức phaolô VI).

– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô: “Đây là con Bà… Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).

– Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi ở nhà Tiệc Ly, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Mẹ Maria đã gật đầu thưa tiếng xin vâng cộng tác đầu tiên khi chấp nhận chức làm Mẹ Thiên Chúa. Ðó chính là sự tự do lựa chọn của Mẹ, được thể hiện với lòng tin và lòng mến trọn vẹn; với thái độ đó Mẹ hằng dâng chính mình Mẹ cho Thiên Chúa.

Và ta thấy rõ khi Hy Tế được dâng tiến, Mẹ cũng hiện diện, không phải chỉ như một người mẹ với tấm lòng sầu khổ, thông cảm với những đau khổ của Con, nhưng như một người mẹ tự dâng Con mình để cứu chuộc thế giới. Với lòng tin và lòng mến đầy tràn, Mẹ liên hợp với Lễ Dâng Chúa Giêsu đang thực hiện.

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa không muốn mẹ Maria dự phần vào việc mở rộng Nước Chúa trong cuộc đời công khai của Con Mẹ hay sau khi Con Mẹ lên trời. Công việc của Mẹ khác hẳn: Mẹ dâng trót cả đời sống Mẹ, giá trị cao cả của mọi việc Mẹ làm, và lời cầu nguyện liên lỉ của Mẹ cho Giáo Hội.

Mẹ đã bắt đầu đời sống nhân loại với đặc ân thoát khỏi tội nguyên tổ, vì Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ kết thúc cuộc đời trần thế với đặc ân được lên thiên đàng cả hồn và xác. Vì Mẹ đã dự phần vào cuộc khổ nạn của Con Mẹ, nên Mẹ cũng thông phần vào sự sống lại của Người. Vì vậy, Mông Triệu là hành vi vao cả và sau cùng của đời Mẹ. Giờ đây trên tiên đàng Mẹ vẫn là Mẹ mọi người và là E-và thứ hai, nữ vương trời đất hằng tiếp tục cầu nguyện như khi còn tại thế, Mẹ hằng tiếp tục trợ giúp cứu rỗi loài người. Mẹ thật là mẹ chúng ta.

Tình yêu và sự chăm sóc của Mẹ vẫn tiếp tục nơi mỗi người chúng ta, và chiếm lấy cho chúng ta những ơn cần thiết. Vì Mẹ thật là Mẹ chúng ta, nên chúng ta có lòng in cậy vô biên nơi quyền năng của Mẹ nơi Thiên Chúa trong việc cầu bầu cho chúng ta và cho người khác.

Với tất cả những điều đó, là con cái của Mẹ, lòng ngưỡng mộ chung của toàn thể giáo con cái đối với  Ðức Mẹ, phát sinh từ buổi sơ khai đạo Chúa, đến nay vẫn y nguyên không thay đổi, mặc dầu những kẻ vô tín ngưỡng không ngừng công kích tính thờ ơ và óc hoài nghi của người đời đã lay chuyển bao tín ngưỡng, làm nhụt bao nhuệ khí, mà cũng phải hàng phục lòng ngưỡng mộ ấy.

Việc sùng kính Đức Maria còn bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi vì: nhờ Người, với Người và trong Người, mọi vinh quang, danh dự đều quy về Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, những biểu hiện tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria cần phải dẫn đến việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thế nên, mọi việc tôn sùng Đức Mẹ phải nhằm vào sự kết hợp trực tiếp với Đức Giêsu, thiếu yếu tố này, mọi việc kể như vô hiệu.

Việc sùng kính Mẹ Maria phải dẫn chúng ta đến việc sống tình con thảo với Mẹ bằng cách noi gương Mẹ để sống đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ đã sống. Điều này nhắc nhở chúng ta ý thức sự hiện diện của Mẹ bên cạnh chúng ta. Mẹ luôn đồng hành và che chở chúng ta qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống. Và chúng ta cũng ý thức rằng Mẹ luôn yêu thích đón nhận tấm lòng chân thành, đơn sơ, yếu mến của mỗi người chúng ta dành cho Mẹ qua những đóa hoa thiêng dâng kính Mẹ. Đó là những đóa hoa nhân đức không tàn phai của lòng khiêm tốn, bác ái, hy sinh, hiền hòa, tận tụy phục vụ và khao khát sống đời thánh thiện v.v…

Và rồi ta cũng nên nhớ rằng lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta mang đậm nét kính trọng và mến yêu vì mang nặng tình mẫu tử.

Hết sức thiết thực và gần gụi, qua hình ảnh người mẹ trần gian, thôi thúc chúng ta hướng về Mẹ trên trời. Thật vậy, trong cuộc sống, những lúc gặp khó khăn hay hoạn nạn, nhiều người đã thuộc nằm lòng những ca vãn ngợi khen, và cầu xin tha thiết như: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển… “; “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam…”; “Lạy Mẹ, xin yên ủi chúng con luôn luôn…”, v.v… rồi những kinh Kính Mừng, tràng chuỗi Mân Côi được đọc lên râm ran trong các thánh đường, nơi các gia đình, và trong mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại… Các cuộc rước linh đình, nhiều đền đài được mọc lên, nhiều nhà thờ được mang tước hiệu của Mẹ. Những thói quen đó đã đem lại cho Giáo Hội Việt Nam một tinh thần sốt sắng, giàu đức tin, lòng mến và trung kiên giữ đạo dù trải qua trăm nghìn thử thách gian truân.

Thế nhưng, việc sùng kính đó nhiều lúc đã làm cho không ít người xa lạ với đức tin, tức là họ đã nhìn nhận Đức Mẹ như là đấng Trung Gian tuyệt đối, mà quên mất rằng: “Mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô” (x. LG 60). “Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 970).

Trộm nghĩ, ngày mỗi ngày chúng ta hãy nhìn lại việc sùng kính của mình dành cho Đức Mẹ, và nếu đang đi quá xa về cách thức biểu lộ niềm tin và cách tôn sùng Mẹ không đúng với Giáo Huấn của Giáo Hội, thì hãy chỉnh lại sao cho phù hợp, để lòng tôn sùng Đức Mẹ không mất đi hay xa lạ với Đức Tin Công Giáo mà lại làm cho đức tin được thêm khởi sắc và đúng như ý Chúa, ý Mẹ và Giáo Huấn của Giáo Hội mong muốn.

Vì thế, Công Đồng đã nhắc nhở:  “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Vẫn mong ước những việc tôn sùng Đức Mẹ của chúng ta sẽ dẫn đến việc noi gương Mẹ để sống cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ đã sống, để sau cuộc đời này, chúng ta được cùng Mẹ ca ngợi Thiên Chúa không ngừng trên Thiên Quốc.

 

Previous articleTượng Đức Mẹ Copacabana ở Vườn Vatican
Next articleĐức Maria – Mẹ của Lòng Thương Xót