Mọi sự đã hoàn tất

322

Ai có thể dám nhìn lên thập giá máu me, nơi Đức Giêsu bị treo mà không thấy xấu hổ hay đau đớn buồn phiền, vô tín hay sự kính sợ? Thập giá đưa chúng ta đến đối diện với sự đau khổ của Đức Giêsu. Ngài cô đơn – tất cả các môn đệ đã lìa bỏ Người, ngoại trừ Mẹ Người, ba người phụ nữ và Gioan, người môn đệ được Chúa yêu. Cái chết của Người đầy đau khổ và nhục nhã.

Thông thường, người bị đóng đinh có thể sống vài ngày trên thập giá. Đức Giêsu đã bị người ta lấy roi đánh đòn, bị lấy mão gai ấn vào đầu. Không lạ gì mà Ngài chết vào lúc giữa chiều. Philatô cách công khai đã tiên báo Đức Giêsu là “Vua dân Dothái” khi Người chết trên thập giá, rõ ràng điều này đã khiến cho các vị thượng tế và những người Pharisêu tức giận và bực tức (Ga 19,19).

Vị Vua chuộc lấy chúng ta với mạng sống của chính mình

Đức Giêsu đã bị đóng đinh vì lời tuyên bố mình là Vua. Người Dothái hiểu rằng Đấng Mêsia sẽ đến với tư cách là Vua để thiết lập vương quốc Thiên Chúa cho họ. Họ muốn một vị vua sẽ giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại xâm. Nhiều người còn có cao vọng rằng Đức Giêsu sẽ là vị Vua Mêsia đó. Rất ít người hiểu thứ vương quyền mà Đức Giêsu đã tuyên bố. Đức Giêsu đến để chinh phục các tâm hồn cho một vương quốc bất diệt, hơn là chiếm hữu những vùng đất và quyền lực chóng qua.

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đánh bại tội lỗi và sự chết dành cho chúng ta

Chúng ta không thể tìm được bằng chứng về tình yêu Thiên Chúa nào lớn hơn sự sẵn sàng hy sinh của Con Một của Chúa trên thập giá. Những lời vĩnh biệt của Đức Giêsu “Mọi sự đã hoàn tất!” diễn tả sự chiến thắng hơn là sự thất bại. Đức Giêsu đã gục đầu và trút hơi thở, biết rằng sự xung đột giờ đây đã chấm dứt và cuộc chiến đã thắng. Thậm chí trên thập giá, Đức Giêsu đã biết được niềm vui của sự chiến thắng. Điều mà Cha đã sai Người vào thế gian để thực hiện, giờ đây đã được hoàn tất. Đức Kitô đã hiến tế chính mình mà không ô danh cho Thiên Chúa, và Ngài đã tiêu diệt tội lỗi qua sự hiến tế chính mình (Hr 9,24-26).

Khi chúng ta nhìn vào các vết thương của Người – chúng ta chạm tới các dấu phục sinh của Người

Trong khi các môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu – các tông đồ – đã bỏ rơi Người và bỏ trốn vì sợ hãi nhà cầm quyền Do thái, mẹ của Đức Giêsu và một số phụ nữ thân thiết với Đức Giêsu đứng bên cạnh Người khi Người bị treo trên thập giá. Thánh Augustine Hippo (354-430 AD) trong bài giảng về câu chuyện khổ nạn của Đức Giêsu nhấn mạnh tới cái nhìn của các phụ nữ chứng kiến máu Người đỗ ra và sự hiến dâng mạng sống của Người làm hy lễ đền tội cho tội lỗi nhân loại.

“Giống như họ nhìn lên, chúng ta cũng nhìn vào các vết thương của Ngài lúc bị treo. Chúng ta nhìn thấy máu Ngài khi Ngài chết. Chúng ta nhìn thấy cái giá phải trả bởi Đấng cứu chuộc, chạm vào những vết sẹo của Đấng phục sinh. Ngài cúi đầu như thể để hôn bạn. Trái tim Ngài được mở rộng ra, như nó từng mở, trong tình yêu đối với bạn. Cánh tay Ngài danh rộng để có thể ôm lấy bạn. Cả thân thể Ngài đều phơi bày cho sự cứu chuộc của bạn. Hãy suy gẫm những điều này thật lạ lùng biết bao. Hãy để cho tất cả những điều này đè nặng trong trí bạn: cũng như xưa kia Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá nơi mọi phần thân thể của Ngài cho bạn, thì hôm nay, Ngài cũng có thể chịu đóng đinh nơi mọi phần của linh hồn bạn” (GMI 248).

Thánh Augustine mời gọi chúng ta đặt mình trước Đức Giêsu bị đóng đinh, Đấng mang lấy tội lỗi chúng ta vào mình và đóng đinh chúng vào thập giá. Qua cặp mắt đức tin, chúng ta cũng nhìn lên thân thể máu me của Đấng Cứu chuộc chúng ta – và chúng ta chạm vào các dấu phục sinh của Người, Đấng đã đánh bại sự chết cho chúng ta, để chúng ta có thể nhận biết sự chiến thắng của thập giá và sự phục sinh của Người và lãnh nhận lời hứa sự sống và vinh quang đời đời với Người trong vương quốc của Người.

Phép lạ về ơn cứu độ của tôi

Trong thập giá của Đức Kitô, chúng ta nhìn thấy sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên các kẻ thù của Ngài: tội lỗi, Satan, và sự chết. Các văn sĩ Kitô giáo xuyên qua nhiều thế kỷ đã vang lên lời ca ngợi thập giá của Đức Kitô. “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).

Hãy nghe những gì Gregory Nazianzen (329-389 AD), một giáo phụ và là Giám mục thành Constantinople, viết về sự chiến thắng khải hoàn của Ðức Kitô trên thập giá:

“Quá nhiều điều kỳ diệu xảy ra vào lúc đó: Thiên Chúa bị treo trên thập giá, mặt trời ra tối tăm và bốc cháy (Lc 23,44; Mc 15,33); vì thật xứng hợp để loài thụ tạo khóc thương Đấng tạo hóa của nó. Màn trong đền thờ xé ra làm hai (Mt 27,51), máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người (Ga 19,34): một từ người, một từ Thiên Chúa; đất đai chuyển động, đá vỡ ra (Mt 27,51); người chết sống lại để làm chứng sự sống lại cuối cùng và phổ quát của người chết (Mt 27,52). Những điều xảy ra ở ngôi mộ và sau ngôi mộ, ai có thể kể lại chi tiết cách thích đáng về chúng? Nhưng không một trong chúng có thể so sánh với phép lạ của sự cứu rỗi của tôi. Một ít giọt máu đổi mới toàn thế giới, và cho tất cả mọi người như những gì con men làm cho sữa: nối kết chúng ta và hợp nhất chúng ta với nhau. (trích từ bài giảng lễ Phục sinh 45.1)

Tu viện trưởng Rupert thành Deutz (1075-1129), nhà thần học và Ðan viện trưởng dòng Biển Ðức, viết rằng: “Thập giá Đức Kitô là cửa vào Thiên đàng, là chìa khóa vào Thiên đàng, là sự sụp đổ của ma quỷ, là sự đỡ nâng của con người, là sự an ủi của sự tù ngục của chúng ta, là phần thưởng cho sự giải thoát của chúng ta.”

Ngai tòa tình yêu và dấu thương xót của TC

Thập giá Đức Kitô là sự bảo vệ của đức tin, là bảo đảm của đức cậy, và là ngai tòa của đức mến. Nó cũng là dấu hiệu của lòng thương xót của Chúa và là bằng chứng của sự tha thứ. Qua thập giá, Chúa Giêsu đã cứu chuộc tội lỗi của chúng ta, và đền tạ cho hình phạt của chúng ta. Con đường đến bình an, niềm vui, và công chính trong vương quốc của Chúa và con đường đến chiến thắng trên tội lỗi, thất vọng, và cái chết đều ngang qua thập giá của Đức Giêsu Kitô. Bạn có sẵn sàng đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá của Ngài, với niềm vui, hy vọng, và phó thác không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, bằng cái chết của Chúa trên thập giá, Chúa đã đem lại ơn tha thứ cho chúng con, và giải thoát chúng con khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Chớ gì con sống trong niềm vui và sự tự do nhờ cuộc chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết.

Previous articleNhân viên y tế thời Covid-19, bạn là ai?
Next articleSuy niệm 14 Chặng Đàng Thánh Giá