Mối tương quan nam – nữ: Chút suy tư từ hai chương đầu sách Sáng thế

30

MỐI TƯƠNG QUAN NAM – NỮ: CHÚT SUY TƯ TỪ HAI CHƯƠNG ĐẦU SÁCH SÁNG THẾ

Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

– Mối tương quan nam – nữ là một trong những tương quan vừa hết sức quen thuộc, nhưng đồng thời cũng chứa đựng biết bao bí ẩn, biết bao huyền nhiệm. Đề tài này đã được những áng văn chương ở mọi thời đại trình bày dưới muôn vàn góc nhìn khác nhau, dầu vậy vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn, có sức hút kì lạ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thử xem xét mối tương quan này, khởi đi từ những quan sát khía cạnh ngôn ngữ của những trình thuật tạo dựng ở hai chương đầu tiên trong sách Sáng thế. Từ nền tảng đó, chúng tôi sẽ cố gắng khám phá một số ý nghĩa mà những chương đầu tiên này muốn trình bày. Sau đó, chúng tôi sẽ thử đối chiếu với một số khuynh hướng trong đời sống hiện đại nhằm giúp độc giả, đặc biệt là những người trẻ, ít nhiều có thể nhận diện, phân định và đưa ra quyết định trong cuộc sống hằng ngày.      

I. XEM XÉT MỘT SỐ KHÍA CẠNH VỀ MẶT NGÔN NGỮ

Để tìm hiểu mối tương quan nam – nữ trong hai chương đầu tiên của sách Sáng thế, trước tiên, chúng tôi sẽ lần lượt xem xét một số những yếu tố ngôn ngữ liên quan đến mối tương quan này trong từng trình thuật tạo dựng.

1. Trong đoạn văn St 1,1 – 2,4a

Bản văn St 1,1 – 2,4a thường được xem là trình thuật tạo dựng thuộc truyền thống Tư tế (P) và có lối hành văn mang tính công thức, chân phương[1]. Trong trình thuật trang trọng đầy tính khuôn khổ và trật tự này, cuộc tạo dựng con người ở 1,26-31 nổi bật hẳn lên vì cả nhịp điệu và lối hành văn đều thay đổi: Việc tạo dựng con người như được bàn bạc một cách trang trọng (x. 1,26)[2], đồng thời điệp khúc có vẻ đơn điệu của năm ngày đầu trong cuộc tạo dựng bị phá vỡ. Những yếu tố ngôn ngữ như thế dường như là những phương tiện giúp khẳng định vị trí đặc biệt của con người như là đỉnh điểm của cuộc tạo thành[3].  

Một cách cụ thể hơn, các dạng ngữ pháp cũng như cấu trúc của cc. 26-27 là những yếu tố cần quan tâm đặc biệt. Câu 26 khởi đầu giống như cc. 3.6.11.14.20.24, tức là giống như sự khởi đầu đối với các cuộc tạo dựng trong năm ngày đầu tiên. Tuy nhiên, liền sau đó, thay vì dạng jussive diễn tả ý muốn của người ra mệnh lệnh cho ngôi thứ ba, như trong các câu vừa nêu, là dạng cohortative diễn tả sự tham gia của chính người nói, tức là Thiên Chúa, vào mệnh lệnh được đưa ra. Hơn nữa, thay vì  kiểu nói “tuỳ theo loại[4] (x. 1,11.12.21.24.25), đối với cỏ cây và thú vật, là cách diễn tả “nam và nữ” ở câu 27[5]. Cũng ở câu 27 này, động từ sáng tạo (bārāɔ – בָּרָא) được lặp lại ba lần, với hạn từ hình ảnh (ṣelem – צֶ֫לֶם) ở trung tâm và tiếp vĩ ngữ chỉ con người từ số ít sang số nhiều. Các câu 26-28 có thể được dịch sát như sau:

26 Thiên Chúa nóia chúng ta hãy làm ra con ngườib trong hình ảnh của chúng ta, theo khuôn mẫu của chúng tac, và chúng hãy cai trịd trên cá biển và chim trời và gia súc và tất cả đất và mọi loài bò sát bò trên đất.

27 Thiên Chúa đã sáng tạo con ngườie trong hình ảnh mìnhg, trong hình ảnh của Thiên Chúa Ngài đã sáng tạo nó, namh và nữ Ngài đã sáng tạo họi.

28 Rồi Thiên Chúa chúc lành cho họ, và Thiên Chúa nói với họ: “Các ngươi hãy sinh hoa trái và hãy nên đông đúc và hãy làm đầy đất, và hãy thống trị nó. Các ngươi hãy làm bá chủ cá biển và chim trời và mọi sinh vật bò trên đất”(St 1,26-28).

a Động từ được chia ở ngôi thứ ba số ít.

b Danh từ ɔādām – אָדָם [6]  giống đực số ít, không có mạo từ xác định.

c Cả hai lần, tiếp vĩ ngữ đều ở dạng ngôi thứ nhất số nhiều.

d Động từ ở dạng jussive, ngôi thứ ba, số nhiều.

e Danh từ giống đực số ít, có mạo từ xác định.

g Tiếp vĩ ngữ dạng giống đực, số ít.

h Hạn từ zākār (זָכָר) xuất hiện 58 lần trong Ngũ Thư, thường được dùng để chỉ con vật giống đực. Hạn từ này xuất hiện 6 lần trong St 1 – 11 (x. 1,27; 5,2; 6,19; 7,3.9.16), luôn đi với nəqēbāh (נְקֵבָה), trong đó chỉ có hai lần (2,27; 5,2) những từ này nói về người nam và người nữ, những lần còn lại đều dùng để chỉ con đực và con cái của các giống vật.   

i Tiếp vĩ ngữ dạng số nhiều.

Một yếu tố khác cũng cần quan tâm: Trong đoạn văn 1,1 – 2,4a, động từ bādal (בָּדַל: phân rẽphân chia, chia tách) xuất hiện năm lần (x. 1,4.6.7.16.18). Đây cũng là những lần duy nhất động từ này xuất hiện trong sách Sáng thế.

Từ những xem xét trên đây, chúng tôi nhận thấy bản văn St 1,1 – 2,4a nhấn mạnh đến hai yếu tố:

– Vị trí cao cả đặc biệt của con người như là hình ảnh của Thiên Chúa, với nhiệm vụ cai trị[7] mọi loài mà Thiên Chúa đã dựng nên.

– Con người được tạo dựng là nam và nữ, là hình ảnh của Thiên Chúa. Đặt trong khung cảnh của St 1 – 11, đặc biệt của đoạn văn 1,1 – 2,4a, câu 27 dường như nhấn mạnh đến sự phân biệt, chia tách giới tính gắn liền với lệnh truyền “sinh sôi nảy nở thật nhiều” (1,28).

2. Trong đoạn văn St 2,4b-25

Cũng là trình thuật tạo dựng, đoạn văn St 2,4b-25 thường được coi là thuộc truyền thống Giavít (J), với rất nhiều nét miêu tả gần gũi với những áng văn chương cổ của vùng Lưỡng Hà[8]. Những xem xét về mặt ngôn ngữ liên quan đến cuộc tạo dựng con người và mối tương quan giữa người nam và người nữ trong trình thuật này sẽ giúp ta thấy rõ hơn điều đó.

Cuộc tạo dựng con người (ɔādām – אָדָם)[9] được trình bày rất đặc biệt ở St 2,7. Hành động của Thiên Chúa được diễn tả bằng động từ yāṣar (יָצַר), một động từ được dùng trong trình thuật tạo dựng ở đây, nhưng cũng được dùng để nói về công việc của người thợ gốm[10] (x. Is 29,16; 41,25; Tv 94,9; 95,5; 104,26). Chất liệu Thiên Chúa dùng là cāpār (עָפָר: bụiđất rờicục đất)[11] từ ɔădāmāh (אֲדָמָה: đấtđất canh tác), cùng với nəšāmāh (נְשָׁמָה: hơi thở) từ Thiên Chúa[12].  

Sau việc tạo dựng con người, câu 18 cho thấy một sự dữ tồn tại cần phải sửa chữa: sự cô độc của con người[13]. Những câu 18-25 chứa đựng những từ ngữ và lối diễn tả đặc biệt liên quan đến mối tương quan nam – nữ. Câu 18 cho thấy Thiên Chúa muốn tạo cho con người “một trợ tá tương xứng với nó[14] (cēzer kənegdô – עֵזֶר כְּנֶגְדּוֹ). Trong cụm từ này, cēzer (עֵזֶר)[15] có nghĩa sự trợ giúp, trợ lực, cứu giúp; còn כְּנֶגְדּוֹ được ghép từ nhiều yếu tố: וֹ (tiếp vĩ ngữ: của nó) + נֶ֫גֶד + כְּ (giới từ: giống, giống như). Là danh từ, hạn từ neged (נֶ֫גֶד) mang nghĩa đối diện, trước mặt, dễ thấy, nhưng từ này cũng còn có thể được dùng như giới từ hay trạng từ, với những nét nghĩa trên đây, thêm vào đó là những nghĩa đối kháng, rời xa.

Ở cuối câu 20, bản văn nhắc lại trọn vẹn cụm từ cēzer kənegdô (עֵזֶר כְּנֶגְדּוֹ) để nhấn mạnh rằng con người không tìm được “một trợ tá tương xứng với nó” trong “mọi dã thú, mọi chim trời”. Điều này dẫn đến việc Chúa dựng nên (bānāh – בָּנָה)[16] người đàn bà (ɔiššāh – אִשָּׁה) từ xương sườn (ṣēlāc – צֵלָע)[17] của con người (אָדָם) và Ngài đưa nàng đến với con người. Cuộc tạo dựng được trình bày như một tấm màn sân khấu vén lên từ từ: Thiên Chúa tạo dựng con người (c. 7); sự cô độc cần phải sửa chữa (c. 18); Thiên Chúa dựng nên người đàn bà (c. 21). Tất cả nhằm chuẩn bị cho đỉnh điểm của trình thuật là lời reo mừng đầy phấn khích của con người ở câu 23. Jacques Briend nhận xét khi bàn về lối chơi chữ đàn bà (ɔiššāh – אִשָּׁה) và đàn ông (ɔîš – אִישׁ) ở trình thuật này: “Truyện không có mục đích kể lại cuộc tạo dựng người nữ như là riêng biệt với người nam, nhưng chính là kể lại cuộc tạo dựng con người chỉ được hoàn tất nhờ sự chung sống của người chồng và của người vợ[18]. Lời reo vui của con người “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” vừa cho thấy mối tương quan nam – nữ vượt xa mọi mối tương quan huyết thống, như câu 24 khẳng định liền sau đó “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình”, vừa diễn tả sự hợp nhất toàn diện và trọn vẹn “thành một xương một thịt” của mối tương quan đặc biệt này[19]. Ngoài nghĩa gắn bó[20]động từ dābaq (דָּבַק) còn có nghĩa dính chặt, bám chặt, trói buộc với. Những nét nghĩa đó càng cho thầy sự gắn kết đặc biệt của mối tương quan vợ – chồng.   

Như vậy, có thể nói rằng bản văn St 2,4b-25 gợi lên cho chúng ta một số ý tưởng chính yếu sau đây về mối tương quan nam – nữ:

– Người nam và người nữ ở vị thế đối diện và tương hợp với nhau, có vai trò trợ giúp và bổ túc cho nhau.

– Người nam và người nữ kiện toàn và hoàn thiện lẫn nhau trong mối tương quan độc nhất vô nhị, vượt lên trên mọi tương quan huyết thống.

II. THỬ KHÁM PHÁ MỘT VÀI Ý NGHĨA CỦA CÁC ĐOẠN VĂN

Sau khi đã xem xét một số những khía cạnh ngôn ngữ liên quan đến mối tương quan nam – nữ trong hai truyền thống tạo dựng khác nhau, trong phần này, chúng tôi sẽ thử khám phá một số những ý nghĩa của những đoạn văn đặc biệt này.  

1. Nam và nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa

Điều chúng ta dễ nhận thấy là khi đối chiếu với những bản văn cổ thuộc bối cảnh văn hoá và tôn giáo của vùng Lưỡng Hà, cách thức bản văn St 1,1 – 2,4a thuật lại cuộc tạo dựng con người nhấn mạnh một cách đặc biệt tới vị thế cao cả của con người trong toàn bộ các thụ tạo. Nếu như những áng văn chương cổ vùng Lưỡng Hà miêu tả con người được tạo dựng mang những nét gần gũi với thú vật[21], thì St 1,1 – 2,4a lại nhấn mạnh một cách đặc biệt rằng con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Dù xuất hiện sau cùng, con người không phải là em út của công trình sáng tạo, nhưng như là đích điểm, hay đỉnh điểm, của toàn bộ công việc chia tách và trang trí mà Thiên Chúa đã thực hiện. Điều này được diễn tả rất rõ nét qua mệnh lệnh “chúng hãy cai trị” trên tất cả mọi vật. Mệnh lệnh này lại gắn liền với “hình ảnh” và “khuôn mẫu” từ chính Thiên Chúa, Đấng được miêu tả trong bản văn như là toàn quyền và tuyệt đối[22]. Do vậy, có thể nói, quyền cai trị trên vạn vật được trao cho con người là một cách thức bản văn muốn cho thấy “hình ảnh” và “khuôn mẫu” của Thiên Chúa được phản ảnh nơi con người. Một cách nào đó, St 2,15.20 cũng diễn tả ý tưởng này khi cho biết: “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” và con người “đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú[23].

Khía cạnh thứ hai liên quan đến hình ảnh của Thiên Chúa được phản chiếu nơi con người là “nam và nữ Ngài đã sáng tạo họ”. Trong các câu 26-28, câu 27 về việc sáng tạo con người được đặt ở trung tâm với cách nói “hình ảnh Thiên Chúa” được lặp đi lặp lại như ý tưởng căn bản, ý tưởng then chốt của câu 27 cũng như các câu 26-27. Câu 28 tiếp tục lặp lại lệnh truyền “hãy thống trị”, nhưng trước đó là lời chúc phúc và lệnh truyền sinh sôi khắp mặt đất. Lệnh truyền này gắn kết mật thiết với lời khẳng định ngắn gọn nhưng cũng hết sức súc tích ở cuối câu 27: “nam và nữ Ngài đã sáng tạo họ”. Như thế, được sáng tạo là “nam và nữ” để sinh sôi đầy mặt đất cũng là một cách diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, như lời nhận xét trong Tông huấn Niềm vui yêu thương: “vì Người cũng là Đấng Tạo Hoá, nên khả năng sinh sản của cặp vợ chồng con người là ‘hình ảnh’ sống động và hữu hiệu, là một dấu chỉ hữu hình của tác giả cuộc tạo dựng[24].

Dòng dịch chuyển ở các câu văn này tạo nên sự kết nối đặc biệt tinh tế: Thiên Chúa dự định sáng tạo con người (số ít ở câu 26) để con người cai trị vạn vật; Thiên Chúa thi hành dự tính khi tạo dựng con người (số ít ở đầu câu 27) là nam và nữ (số nhiều ở cuối câu 27); Thiên Chúa truyền lệnh cho họ sinh sôi nảy nở trên mặt đất và thống trị vạn vật. Xét như thế, những câu này tạo nên một dạng cấu trúc A B A’ mà câu 27 vừa là trung tâm, vừa là cầu nối. Lệnh truyền cai trị trên mặt đất và vạn vật chỉ có thể thực hiện được khi dòng giống loài người nên đông đúc trên mặt đất, mà con người nên đông đúc do được sáng tạo là nam và nữ.

Như vậy, ta có thể nói rằng được sáng tạo để cai trị vạn vật và được sáng tạo là nam và nữ là hai khía cạnh của cùng một thực tại căn bản: Con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

2. Trợ giúp, đối diện, tương hợp và bổ túc cho nhau

Trong khi bản văn St 1,1 – 2,4a có vẻ nhấn mạnh đến sự chia tách giới tính “nam và nữ” hướng đến sự sinh sôi nảy nở của con người trên mặt đất, thì St 2,4b-25 xem ra nhấn mạnh đến mối tương quan trợ giúp, đối diện, tương hợp và bổ túc cho nhau giữa đàn ông và đàn bà.

     – Sự trợ giúp, là một trợ tá

Hạn từ liên quan đến điều này là cēzer, được dùng 21 lần trong Kinh Thánh, đa số nhằm nói về sự phù hộ hay phù trì của Thiên Chúa, ở những hoàn cảnh nguy hiểm thập tử nhất sinh[25]. Mà mối nguy hiểm của con người trong trình thuật St 2,4b-25 là sự cô độc như lời khẳng định ở St 2,18: “Con người ở một mình thì không tốt”. Thế mà, truyền thống Kinh Thánh nhiều lần nói tới sự cô độc như là dấu hiệu bị chúc dữ, bị loại bỏ, bị quên lãng (x. Mk 7,14; Is 27,10; Ac 1,1), bị xa rời nguồn sống. Tuy nhiên, sự trợ giúp hay trợ tá mà người đàn bà mang tới cho người đàn ông không chỉ là giúp người đàn ông thoát khỏi tình trạng cô độc, mà còn là trở nên kẻ kề vai sát cánh để cùng nhau vượt qua mọi thử thách và những mối nguy hiểm mang tính sống còn[26].

     – Đối diện và tương hợp  

Nhưng bên cạnh cách dịch trợ giúp hay trợ tá, hạn từ cēzer cũng còn được dịch là đối tác[27]. Nét nghĩa này liên kết chặt chẽ với cụm từ đi liền sau hạn từ cēzer ở St 2,18: kənegdô, như là đối diện với nó, ở trước mặt nó. Người đàn bà là trợ thủ của đàn ông ở tư thế diện đối diện và cũng là đối tác của đàn ông trong chương trình của Thiên Chúa. Hai người sống trong mối tương quan qua lại, vì người nọ nhận ra nơi người kia “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23), yếu tố khiến họ “thành một xương một thịt”, nên gắn bó khăng khít với nhau (x. St 2,24). Thế nhưng hai người cũng lại khác biệt nhau[28], vì là đàn ông (ɔîš) và đàn bà (ɔiššāh). Đó là sự khác biệt cần thiết để tạo nên thế cân bằng và căng thẳng giữa nên một mà vẫn là hai, là hai nhưng lại nên một.

Những yếu tố trên đây cho thấy mối tương quan hết sức đặc biệt giữa người nam và người nữ: Họ vừa tương trợ nhau, nhưng giữa hai người luôn tiềm ẩn mối căng thẳng có thể trở thành xung đột.

3. Trong tương quan với Thiên Chúa

Có thể nói trong trình thuật St 2,4b-25 này, cách nào đó Thiên Chúa đã hoá giải những xung đột và căng thẳng khi Ngài “dẫn” người đàn bà “đến với con người”.

Động từ bôɔ (בּוֹא) ở dạng hành cách (hiphil) mang nghĩa làm cho đến, khiến cho đến, dẫn đến. Bản văn miêu tả Thiên Chúa như người cha dẫn con gái mình tới trao cho chàng rể trong ngày thành hôn[29]. Điều này hoá giải một sự dữ đã tồn tại từ khi con người được tạo thành và được diễn tả rõ nét ở St 2,18: sự cô độc nguyên thuỷ[30]. Sự cô độc đã dằn vặt con người vì trong muôn loài được tạo thành, con người vẫn “không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2,20), trong khi điều mà con người thấy được nơi vạn vật là “tất cả đều có đôi, cái này đối cái kia” (Hc 42,24).

Nhưng đồng thời với việc hoá giải nỗi cô độc nguyên thuỷ của con người, Thiên Chúa cũng trao cho con người một đối tác, để người đàn ông và người đàn bà nhận ra chính mình trong tương quan đối diện với nhau. Cuộc khủng hoảng trước đó của con người chính là cuộc khủng hoảng căn tính. Cuộc tìm kiếm “một trợ tá tương xứng” cũng là cuộc tìm kiếm chính bản thân con người, là cuộc tìm kiếm gương mặt của chính mình, gương mặt mà con người có thể đối diện để nhận ra chính mình. Đó cũng là cuộc tìm kiếm vị trí của chính mình giữa muôn loài, là sự tự định vị. Trong cái nhìn như thế, cuộc tạo dựng con người trong St 2,4b-25 là một tiến trình dài, một cuộc tìm kiếm và khám phá mà đỉnh điểm là lời nhận diện đầy hân hoan: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2,23). Nơi người đàn bà, người đàn ông như soi gương để nhận ra chính mình, nhận ra vai trò cũng như vị trí của chính mình và ngược lại.

Thiên Chúa không chỉ dẫn người đàn bà đến với đàn ông để họ nhận ra nhau và nhận ra chính mình, mà Ngài còn muốn họ “gắn bó” với nhau nên “một xương một thịt”. Những từ ngữ đó diễn tả sự kết hợp ở mức độ và kinh nghiệm thâm sâu nhất trong đời sống con người. Sự kết hợp và gắn bó vượt lên trên mọi tương quan huyết thống đến mức “người đàn ông lìa cha mẹ” mình (x. St 2,24). Trình thuật St 2,4b-25 dĩ nhiên chuẩn bị và hướng tới St 3, ở đó người đàn bà được gọi tên là E-và và được xác định là “mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Ở một mức độ nào đó, ý niệm này tương đương với việc Thiên Chúa chúc phúc cho người nam và người nữ với lệnh truyền: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).

Như vậy, là hình ảnh của Thiên Chúa, người nam và người nữ được tạo dựng để làm chủ vạn vật bằng cách thực thi lệnh truyền sinh sôi nảy nở đầy mặt đất. Trong chương trình của Thiên Chúa, mối tương quan giữa họ thật đặc biệt, vừa tương trợ, vừa tiềm ẩn những yếu tố có thể trở thành xung khắc. Cũng chính vì thế, mối tương quan này luôn cần được Thiên Chúa hướng dẫn.

III. THỬ ĐỐI CHIẾU VỚI MỘT VÀI KHUYNH HƯỚNG CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Dựa trên nền tảng những yếu tố ngôn ngữ, chúng tôi đã thử cố gắng khám phá một số ý nghĩa của mối tương quan nam – nữ trong hai chương đầu tiên của sách Sáng thế. Ở phần này, chúng tôi sẽ dựa vào những điều đã được trình bày trên đây để thử đối chiếu với một số khuynh hướng ít nhiều mang tính tiêu cực hiện nay liên quan đến đề tài đang được bàn tới.    

1. Bình đẳng và khác biệt  

Ở những phần trên, chúng tôi đã thử đọc ra một số ý nghĩa trong mối tương quan nam – nữ như được phản ảnh trong những chương đầu tiên của sách Sáng thế. Bản văn St 1,1 – 2,4a cho chúng ta thấy người nam và người nữ đồng trách nhiệm trong việc cai trị vạn vật cũng như trong việc sinh sôi phát triển trên mặt đất. Điều này hàm ý rằng người nam và người nữ bình đẳng trong trách nhiệm, nhưng mỗi người thi hành trách nhiệm theo cách là nam và là nữ. Nhân danh sự bình đẳng để đi tới phủ nhận sự khác biệt như là nền tảng căn bản của mối tương quan nam – nữ là một trong những điều dường như xa lạ với điều mà bản văn Kinh Thánh muốn trình bày, nhưng có vẻ lại là khuynh hướng thời thượng trong xã hội chúng ta.

Trước tiên, thiết tưởng cần phải nói tới khuynh hướng đấu tranh cho sự bình đẳng nam – nữ, nhưng là bình đẳng theo kiểu cào bằng, sự bình đẳng máy móc. Trên phương diện thực hành, một cách vô tình hay hữu ý, khuynh hướng này chủ trương rằng bất cứ việc gì người nam làm được thì người nữ cũng hoàn toàn có thể và phải được quyền làm. Nhưng như thế là vô tình hay hữu ý bỏ quên sự khác biệt trong cấu trúc thể lí, tâm lí và sinh lí của người nam và người nữ, khác biệt nằm trong ý muốn của Thiên Chúa khi sáng tạo nên con người là “nam và nữ” để họ cai trị, tức “cày cấy và canh giữ đất đai” theo thiên hướng của từng phái. Vì thế, bình đẳng kiểu san bằng thực ra chỉ là một kiểu đảo lộn trật tự, một sự đảo lộn gây ra những hệ quả mất cân bằng trong đời sống xã hội.

Cũng liên quan đến sự khác biệt nam – nữ, có lẽ cũng cần phải nêu ra ở đây lí thuyết giới (gender theory) vốn đã được Đức Phanxicô nhắc tới trong Tông huấn Niềm vui yêu thương:

Một thách đố nữa được đặt ra bởi các dạng khác nhau của một ý thức hệ về phái tính chủ trương “phủ nhận sự khác biệt và tính hỗ tương vốn thuộc bản chất của người nam và người nữ, và hình dung một xã hội không có những khác biệt về tình dục, từ đó loại trừ cả nền tảng nhân học của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến những chương trình giáo dục và sự ban hành các đạo luật cổ xúy một căn tính cá nhân và sự mật thiết tình cảm tách rời hẳn khỏi những khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Hệ quả là căn tính con người trở thành một sự chọn lựa của cá nhân, là điều có thể thay đổi qua thời gian”. Thật rất đáng ưu tư khi một số ý thức hệ loại này – vốn nhằm đáp ứng những cảm hứng đôi khi là chính đáng – có thể tự khẳng định như một cái gì tuyệt đối và không thể chất vấn, thậm chí chúng qui định cả cách mà người ta phải nuôi dạy con cái nữa.[31]

Cũng cần phải ghi nhận thêm rằng quyền cai trị trên vạn vật của con người cũng gắn liền với lệnh truyền sinh sôi nảy nở trên trái đất. Ở lĩnh vực này, sự khác biệt giữa người nam và người nữ tưởng chừng là không thể hoán chuyển cho nhau. Thế nhưng kinh nghiệm thực tế đang cho chúng ta thấy những khuynh hướng, có thể “nhằm đáp ứng những cảm hứng đôi khi là chính đáng[32], hoặc có thể là dấu hiệu sự đòi hỏi quyền bình đẳng khiến chúng ta phải nhìn lại và suy tư trên nền tảng mặc khải. Thời gian gần đây, nhiều tờ báo Việt Nam đưa tin về vụ một người đàn ông đầu tiên của Việt Nam mang bầu thay cho người vợ, như một sự thay đổi cách nhìn và thể hiện sự bình đẳng của hai giới[33]. Trớ trêu thay, người có tên gọi Minh Khang và được gọi là người đàn ông đầu tiên của Việt Nam mang bầu lại vốn là một phụ nữ đã chuyển giới thành đàn ông! Và cô/anh này đã thực hiện việc chuyển giới ngay khi vừa mang thai! Sự kiện này nên được coi như là dấu hiệu của bình đẳng giới hay là một sự phủ nhận đối với bình đẳng giới?

Phẩm giá và sự bình đẳng giữa người nam và người nữ dĩ nhiên không phải là sự san bằng mọi khác biệt, nhưng là để mỗi phái triển nở theo đúng thiên hướng của mình trong nhiệm vụ đã được ghi khắc trong tâm khảm của từng giới liên quan đến trách nhiệm quản trị và tô điểm thế giới này. Mọi nỗ lực đi ngược lại chương trình “rất tốt đẹp” (St 1,31) của cuộc sáng tạo đều gây ra những hệ quả trầm trọng ở mức cá nhân cũng như tập thể.

Bình đẳng và khác biệt, cả hai yếu tố đều quan trọng trong mối tương quan nam – nữ, và mọi nỗ lực thăng tiến đều phải quan tâm đến hai yếu tố này.

2. Tương trợ và bổ túc  

Vì bình đẳng với nhau do cùng là hình ảnh của Thiên Chúa, đồng thời lại khác biệt nhau do thiên hướng, người nam và người nữ cũng tương trợ và bổ túc cho nhau.

Ở những phần trên, chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến vai trò trợ thủ trong mối tương quan nam – nữ giúp con người thoát khỏi mối căng thẳng, sự nguy hiểm của tình trạng “cô đơn nguyên thuỷ”. Cũng chính vì thế, cuộc gặp gỡ khi người đàn bà được dẫn đến với người đàn ông là cuộc gặp gỡ tràn đầy niềm vui, niềm vui của kẻ thực sự tìm thấy “trợ thủ”, nhờ đó cũng nhận ra chính mình. Tuy nhiên, niềm vui của sự tương trợ và bổ túc này hiện đang bị tấn công dữ dội do lối sống và não trạng cá nhân chủ nghĩa, như lời nhận xét từ những trích dẫn trong Niềm vui yêu thương:

“Cần phải dành sự lưu tâm không kém đối với mối nguy ngày càng tăng của một chủ nghĩa cá nhân cực đoan đang làm suy yếu các mối gắn kết gia đình và rốt cục coi mỗi thành viên gia đình như một đơn vị rời rạc, nhiều khi dẫn đến ý tưởng rằng nhân cách của một người được định hình bởi những khao khát của người ấy, những khao khát được xem là tuyệt đối”. “Những căng thẳng tạo nên bởi một nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa quá mức, cộng với những chiếm hữu và lạc thú, dẫn đến tình trạng bất bao dung và xung đột trong các gia đình”.[34]  

Khuynh hướng này có thể huỷ hoại sự tương trợ và bổ túc giữa người nam và người nữ, huỷ hoại niềm vui tiềm tàng của mối tương quan này. Đặc biệt trong đời sống gia đình, khuynh hướng này có thể biến các thành viên thành những ốc đảo không chỉ cô lập, nhưng còn tiềm tàng những xung đột khó được hoá giải.

Hơn thế nữa, bản văn Tông huấn cũng chỉ ra một mối nguy khác gắn liền với khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, đó là lối sống ích kỉ, là sự tìm kiếm niềm vui ích kỉ, chỉ mong “chiếm hữu và lạc thú”. Hệ quả tất yếu của hiện tượng này là một dạng thức của chủ thuyết tương đối (relativisme) trong mối tương quan nam – nữ, nhất là tương quan vợ – chồng, khi người ta đặt cái tôi cùng với sự cảm nhận và lượng giá của bản thân làm trung tâm và tiêu chí cho mọi sự:

Khi những yếu tố này ảnh hưởng đến cách nhận hiểu về gia đình, thì người ta có thể xem gia đình như một trạm trên đường đi, chỉ có ích khi thuận tiện, hay như một cảnh vực trong đó các quyền được khẳng định, còn các mối tương quan thì bị bỏ mặc cho sự thay đổi thất thường của những ước muốn riêng và của các hoàn cảnh. Cuối cùng, ngày nay thật dễ lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và ý tưởng rằng mỗi cá nhân có thể làm gì tùy ý; dường như không có những sự thật, những giá trị và những nguyên tắc cung cấp sự hướng dẫn, và mọi sự đều có thể và được phép.   

Đối chiếu với ơn gọi tương trợ và bổ túc trong mối tương quan nam – nữ mà bản văn Thánh Kinh gợi mở, những khuynh hướng này dường như đang dẫn dắt con người của thế hệ chúng ta đi ngược thời gian, đi ngược dòng chuyển hoá để trở lại với tình trạng cô độc, tình trạng bị chúc dữ!

3. Căng thẳng và xung đột

Những khuynh hướng nêu trên cũng đồng thời cũng có thể là nguồn cơn cho rất nhiều căng thẳng và xung đột trong mối tương quan nam – nữ, vì trợ thủ cũng có thể là đối tác và rồi bị biến thành đối thủ.  

Thời đại chúng ta từng biết tới một câu rất nổi tiếng của Jean-Paul Sartre: “l’enfer, c’est les Autres[35]hoả ngục chính là người khác. Con người thời nay không chỉ ưa chuộng tinh thần ham thích độc lập mang dấu ấn của chủ nghĩa cá nhân, mà cách nào đó còn cảm thấy rầy rà và trở ngại khi sống với người khác. Do vậy, người ta không còn muốn duy trì những mối tương quan bền bỉ lâu dài, nhất là trong mối tương quan nam – nữ. Những yếu tố đó cùng với nhiều hoàn cảnh khác nữa dẫn đến tình trạng nhiều người trở thành cha hay mẹ đơn thân. Khi con người nói chung, nhất là người nam và người nữ, không còn nhìn thấy nơi nhau một trợ thủ đồng hành để cùng vượt qua những thử thách, mà chỉ còn thấy nơi người khác, nơi vợ hay chồng mình chỉ là đối thủ, thì phải chăng cuộc sống trần thế đã là một dạng hoả ngục, và con người lại trở về với mối nguy hiểm nguyên thuỷ: sự cô độc, dấu hiệu bị chúc dữ, bị loại bỏ, bị quên lãng và bị xa rời nguồn sống đích thực?

Tình trạng trên đây dẫn đến những căng thẳng và đổ vỡ trầm trọng: Tỉ lệ li thân và li hôn, ngay cả nơi người công giáo, ngày càng gia tăng. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng lan tràn giống như một cơn bão táp đang tấn công và huỷ diệt cơ cấu gia đình truyền thống. Cơn bão táp này mang những dạng thức hấp dẫn khác nhau, được miêu tả như là thuộc về những quyền căn bản của con người, như hôn nhân đồng tính, như quyền tự quyết về giới tính, những trào lưu tự do tính dục, những kiểu ăn chơi thời thượng chồng chung vợ chạ trong giới trọc phú, v.v… Yếu tố căn bản và điểm chung của những hiện tượng này là phủ nhận các giá trị nền tảng của gia đình một cách ngấm ngầm hay công khai rõ ràng.

Ở một góc cạnh nào đó, mối tương quan nam – nữ đã và đang mất đi ý nghĩa và vai trò bổ túc và tương trợ để dần dần những căng thẳng và xung đột tiềm tàng thắng thế và trở thành khuynh hướng thống trị.

4. Sự loại trừ Thiên Chúa

Thiết tưởng tất cả các khuynh hướng tiêu cực được nêu ra trên đây đều mang dấu ấn thời đại của một tâm thức muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân và cộng đồng.

Ở bình diện cá nhân, con người ngạo mạn của thời đại chúng ta muốn tự quyết mọi sự: Quyền tự chọn giới tính cho bản thân, quyền tự quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu trong lãnh vực tính dục và tương quan nam – nữ, quyền tự do xé bỏ những cam kết đã được tuyên bố một cách long trọng, quyền loại bỏ mọi tiêu chuẩn và mọi chân lí khách quan v.v… Tựu chung, con người thời nay muốn làm chủ trong một viễn ảnh vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí loại trừ Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình, con người sẽ nhanh chóng rơi vào những dạng thờ ngẫu tượng khác nhau, rơi vào tình trạng mất phẩm giá của kiếp nô lệ như được miêu tả trong những thiên thần thoại cổ xưa, ở đó, con người vốn được tạo dựng để làm những công việc nặng nhọc, để phục dịch thế giới thần linh, con người sống kiếp nô lệ. Khi loại trừ Thiên Chúa, con người đánh mất tấm gương nhận diện chính mình, vì con người, cả nam và nữ, vốn được tạo dựng “trong hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27).

Trên bình diện tương quan nam – nữ, đặc biệt là tương quan vợ – chồng trong đời sống gia đình, tình trạng thiếu vắng Thiên Chúa được bản văn Niềm vui yêu thương nhận xét như sau:

Tại một số xã hội, sự suy yếu về đức tin và thực hành tôn giáo có một hệ lụy trên các gia đình, bỏ mặc các gia đình càng chơ vơ giữa bao khó khăn. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “một triệu chứng của sự nghèo nàn khủng khiếp trong nền văn hóa thời nay, đó là sự cô đơn, phát xuất từ sự vắng mặt Thiên Chúa trong đời sống con người, và từ tình trạng mong manh của các mối tương quan. Cũng có phổ biến một mặc cảm bất lực khi đứng trước những thực trạng xã hội-văn hóa thường làm tan nát các gia đình…[36]

Nếu như cả người nam và người nữ đều được tạo dựng “trong hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27), và hai người được Thiên Chúa dẫn đến với nhau, thì sự thiếu vắng Thiên Chúa hay thậm chí loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi mối tương quan này có thể gọi là tình trạng tha hoá, đánh mất những nền tảng và qui chiếu căn bản nhất làm nên vẻ đẹp và niềm vui của mối tương quan nam – nữ. 

Trong bài viết này, chúng tôi đã thử khởi đi từ những nền tảng ngôn ngữ để xem xét mối tương quan nam – nữ như được miêu tả trong hai trình thuật về cuộc tạo dựng trong những chương đầu tiên của sách Sáng thế. Từ nền tảng đó, chúng tôi đã thử khám phá ý nghĩa của mối tương quan đặc biệt này. Cuối cùng, chúng tôi đã thử đối chiếu với một số những khuynh hướng ít nhiều mang tính tiêu cực trong thời đại chúng ta. Dĩ nhiên, chúng tôi không muốn dùng bài viết này để bôi đen mối tương quan vốn được bản văn Kinh Thánh xem là “rất tốt đẹp” (St 1,31). Qua bài viết này, đặc biệt với một số khuynh hướng tiêu cực được nêu ra, chúng tôi chỉ muốn đưa ra những lời cảnh báo và mời gọi mọi người, đặc biệt những ai đang sống đời gia đình, nhìn lại đời sống và mối tương quan của chính mình dưới ánh sáng Lời Chúa.   

Nguồn: phatdiem.org 


[1] X. Speiser, E. A., Genesis: Introduction, Translation, and Notes (Anchor Bible 8; London, 2008) 8.

[2] X. Brown, R. E., Fitzmyer, J. A., & Murphy, R. E., The New Jerome Biblical commentary (Englewood Cliffs 1990)11; Reyburn, W. D., & Fry, E. M., A handbook on Genesis. UBS handbook series. (New York, 1997) 50.

[3] X. Brown, R. E., Fitzmyer, J. A., & Murphy, R. E., The Jerome Biblical commentary (Englewood Cliffs 1968) 11; Derousseaux, L. (dir.), La création dans l’Orient ancien (Lectio divina 127; Paris 1987), 149.

[4] Beauchamp, P., Création et séparation. Étude exégétique du chapitre premier de la Genèse (Lectio divina 201; Paris 2010) 55 nhận xét rằng kiểu nói “tuỳ theo loại” là một dạng nối dài chủ đề phân rẽ trước đó.

[5] X. Reyburn, W. D., & Fry, E. M., A handbook 51.  

[6] ɔādām là một danh từ chỉ con người nói chung, không phân biệt nam hay nữ.

[7] Cả Heidel, A., The Babylonian Genesis. The Story of Creation (Chicago – London, 19612) 46 và 118 lẫn Derousseaux, L. (dir.), La création dans 73-76 đều trưng ra các áng văn chương cổ vùng Lưỡng Hà về cuộc tạo dựng, trong đó, các thần linh đã làm ra con người để họ mang gánh nặng công việc thay thế cho các thần linh.   

[8] X. Brown, R. E., Fitzmyer, J. A., & Murphy, R. E., The Jerome 12.

[9] Về ɔādām, xin xem Derousseaux, L. (dir.), La création dans, 129-130.

[10] X. Derousseaux, L. (dir.), La création dans, 126-128. Động từ yāsar xuất hiện năm lần trong sách Sáng thế: 2,7.8.19; 6,5; 8,21.  

[11] Derousseaux, L. (dir.), La création dans, 56-59 cho biết những áng văn chương cổ vùng Lưỡng Hà nói tới những chất liệu khác nhau được dùng để tạo dựng con người: đất sét – đất sét cùng với thịt và máu của thần linh.

[12] Về việc bản văn tránh dùng từ rûªḥ (רוּחַ), xin đọc Derousseaux, L. (dir.), La création dans, 128-129. Cũng ở đó, tác giả nhận xét rằng hơi thở cũng chính là ân ban, là yếu tố xác lập mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.

[13] X. Derousseaux, L. (dir.), La création dans 131.

[14] X. Roze, E., “Thánh Kinh và tính dục dị biệt”, Hiệp thông 118, 2020, 45-46. Ngoài những đoạn văn dịch sát, những trích dẫn Kinh Thánh được lấy từ bản CGKPV, Kinh Thánh. ấn bản 2011.

[15] X. Derousseaux, L. (dir.), La création dans 131-132. Về những cách dịch khác nhau đối với hạn từ cēzer, xin xem Ska, J.L., « “Je vais lui faire un allié qui soit son homologue” (Gn 2, 18) », Biblica 65, 1984, 233-234.

[16] X. Derousseaux, L. (dir.), La création dans 84-87.

[17] X. Roze, E., “Thánh Kinh và tính dục …” 42-44.

[18] Derousseaux, L. (dir.), La création dans 135.

[19] X. Derousseaux, L. (dir.), La création dans 135. Cũng ở đây, Jacques Briend ghi nhận hạn từ “thịt” ở câu 23 không chỉ nhằm nói tới những liên hệ tính dục, vì hạn từ này trong tiếng Hípri dùng để nói về toàn thể con người.

[20] X. Đức Phanxicô, Niềm vui yêu thương, số 13.

[21] X. Derousseaux, L. (dir.), La création dans 64-67.

[22] Văn chương cổ vùng Lưỡng Hà thường nói về cuộc tạo dựng vũ trụ vạn vật như kết quả của cuộc chiến giữa các thần linh.

[23] X. Roze, E., “Thánh Kinh và tính dục …” 40-41.

[24] Đức Phanxicô, Niềm vui yêu thương, số 11.

[25] X. Ska, J.L., « “Je vais lui faire …” » 234-236.

[26] X. Ska, J.L., « “Je vais lui faire …” » 237-238.

[27] X. Ska, J.L., « “Je vais lui faire …” » 233-234; Derousseaux, L. (dir.), La création dans 131.

[28] X. Derousseaux, L. (dir.), La création dans 132.

[29] X. Roze, E., “Thánh Kinh và tính dục …” 46.

[30] X. Đức Gioan Phaolô II, Thần học về thân xác (Thành phố Hồ Chí Minh, 2016) 11-12; Roze, E., “Thánh Kinh và tính dục …” 41.

[31] Đức Phanxicô, Niềm vui yêu thương, số 56.

[32] Đức Phanxicô, Niềm vui yêu thương, số 56.

[33] X. https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/nguoi-dan-ong-mang-bau-dau-tien-tai-viet-nam-tiet-lo-ve-thai-ky-622661.html, truy cập ngày 3/7/2020.

[34] Đức Phanxicô, Niềm vui yêu thương, số 33.

[35] Sartre, J.P., Huis clos suivi de Les mouches (Saint-Amand [Cher] 2000) 93.

[36] Đức Phanxicô, Niềm vui yêu thương, số 43.

Previous articleĐTC Phanxicô cầu nguyện cho Indonesia sau trận động đất chết người
Next articleKHI SỰ ÁC LÊN NGÔI