Một phương thế hữu hiệu Tân Phúc Âm hóa giáo xứ: Phát triển các Cộng đoàn Kitô nhỏ

48

Mục lụcI. Viễn tượng một Giáo hội tham gia và truyền giáoII. Cộng Đoàn Kitô hữu nhỏ: cách thế hiện diện mới của Giáo hộiIII. Lời trong đời sống và sứ vụ của các Cộng Đoàn nhỏ

I. Viễn tượng một Giáo hội tham gia và truyền giáo

1. Dựa trên ý kiến của các đức giám mục châu Á, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đúc kết trong Tông huấn Ecclesia in Asia (Hội thánh tại Á châu) như sauMỗi Giáo hội địa phương phải được xây dựng trên những chứng từ của sự hiệp thông hội thánh, đó vốn là điều làm nên chính bản chất của Giáo hội. Giáo phận là một sự Hiệp thông của các cộng đoàn, tập hợp xung quanh Vị Mục Tử, trong đó các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân “đối thoại trong cuộc sống và bằng con tim” được nâng đỡ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính trong giáo phận sự hiệp thông của các cộng đoàn này được thực hiện trước hết ngay giữa lòng các thực tại xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa. Sự hiệp thông hội thánh đó hàm nghĩa mỗi Giáo hội địa phương phải trở thành một “Giáo hội tham gia” (participatory Church), có nghĩa là, một Giáo hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi riêng của mình và thực hiện vai trò riêng của mình. Để xây dựng sự “hiệp thông vì sứ vụ” và thực hiện “sứ vụ của hiệp thông”, đặc sủng của mỗi thành viên cần được nhìn nhận, phát huy, và sử dụng cách hiệu quả. Cách riêng, cần để cho các giáo dân và tu sĩ tham gia sâu xa hơn nữa trong việc lên kế hoạch mục vụ và ra quyết định, thông qua các cơ chế tham gia như là Hội đồng Mục vụ hay các Công hội Giáo xứ.[1]

2. Một ví dụ: Đọc câu chuyện sau đây trong tổ thảo luận, rồi trả lời các câu hỏi :

Cha Giuse được chỉ định làm chánh xứ của họ đạo X. mới thành lập chưa có nhà thờ. Đức Giám mục địa phận yêu cầu cha xây dựng một nhà nguyện tạm trên một lô đất ngài đã mua để xây Nhà Thờ. Nhưng nhiều giáo dân trong xứ phản đối thiết lập giáo xứ với nhiều lý do:

– Họ đã không được tham khảo ý kiến trước. Quyết định như thế là áp đặt.

– Khu đất đức giám mục đã mua là nhỏ không thích hợp.

– Giáo dân thấy rằng xây dựng một Nhà Thờ mới có nghĩa là họ phải đóng góp một số đáng kể để xây dựng công trình.

– Hầu như ai cũng chỉ bằng lòng với chút dấn thân tham gia tối thiểu như hiện có cho Nhà Thờ, và cảm thấy như thế là đủ.

Cha Giuse thấy có sẵn ở đó 9 cộng đoàn nhỏ (liên gia hay khu giáo) trong giáo xứ mới đó, không hoạt động được tốt lắm, và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX) được bầu chọn từ các cộng đoàn nhỏ giáo khu ấy, theo Chỉ nam của giáo phận. Cha bắt đầu đến gặp gỡ và tham dự các buổi hội của các cộng đoàn này, và trao đổi với giáo dân về vấn đề giáo xứ mới. Dân cảm thấy cha Giuse chịu kiên nhẫn lắng nghe những lo lắng của họ. Dần dần cha giúp họ nhận biết rằng đức giám mục chỉ muốn điều tốt nhất cho cuộc sống của họ, ngài muốn đây sẽ là một khu vực phát triển nhanh và có nhiều người Công giáo đến sống định cư. Giáo dân hiểu ra tầm nhìn xa trông rộng của đức cha khi ngài muốn dựng lên một giáo xứ cho khu vực dân cư này. Từ từ giáo dân cũng quen và đón nhận ý tưởng về giáo xứ mới. Cha Giuse gặp HĐMVGX và trao đổi với họ làm thế nào để đưa người dân cộng tác vào công trình chung mới này. Bước đầu tiên, cha yêu cầu các thành viên của HĐMV thăm viếng tất cả các gia đình trong CĐ nhỏ khu giáo của họ, để biết cuộc sống họ và thông cảm với họ, và rồi báo cáo lại cho HĐMV những gì đã khám phá. Chính cha Giuse cũng đích thân đi đến thăm các gia đình.

Bốn tháng sau, khi giáo phận loan báo Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, cha Giuse thúc đẩy các ông/bà trùm trong HĐMVGX và mọi người nhận đó là ngày phát động sứ vụ truyền giáo của giáo xứ: xây dựng một CĐ giáo xứ mới đầu tiên. Ngài thúc họ thảo luận trong các CĐ nhỏ tại sao ngày Khánh Nhật Truyền Giáo lại quan trọng và họ cần góp phần vào sứ vụ như thế nào. Nhiều thảo luận rồi lên kế hoạch; và sau cùng, ai cũng ngạc nhiên, số gom góp ngày Khánh Nhật Truyền Giáo của giáo xứ X. cao nhất trong cả địa phận. Kinh nghiệm cùng nhau cộng tác dấn thân đó đã khơi dậy được nhiệt tình mới nơi người tín hữu xây dựng giáo xứ và họ rất vui vì được phục vụ công trình.

Cha Giuse đã lợi dụng cơ hội nhiệt tình mới đang phát khởi nơi người giáo dân đó, trong mỗi CĐ giáo khu ngài cho thảo luận và bàn bạc về ước mơ xây được một ngôi Nhà Thờ giáo xứ mới để có chỗ cho dân thờ phượng Chúa xứng đáng, và hội họp học hỏi Lời Chúa và Giáo lý. Những người trưởng trong HĐMVGX được huấn luyện để biết cách cho thảo luận vấn đề một cách hết sức cởi mở và tự do. Bất cứ ở đâu trong các CĐ nhỏ có ý kiến đối nghịch lại, cha xứ đích thân đến dự, lắng nghe trình bày ý quan điểm của họ, rồi sau đó ngài giúp họ nhận ra tại sao có một giáo xứ mới sẽ là hồng phúc cho mọi người. Sau cùng, có đến 95% tổng số 254 gia đình ủng hộ kế hoạch xây nhà thờ mới. Bấy giờ cha xứ mới cho bàn bạc kế hoạch gây quỹ xây dựng. Các CĐ nhỏ khu giáo lại hội thảo và đi đến một quyết định: mỗi người đi làm ở trong giáo xứ sẽ đóng góp một tháng lương của họ cho việc xây dựng ngôi thánh đường mới. Một vài giáo dân trong xứ đến gặp cha phản đối chương trình gây quỹ này. Sau khi kiên nhẫn lắng nghe họ, ngài nói quyết định đóng góp một tháng lương ấy là từ đại đa số giáo dân, và đóng góp dâng cúng hay không và như thế nào là tùy ở họ. Cha nói ngài tôn trọng tự do của mọi người trong sự hợp tác hay không hợp tác với việc chung Giáo hội; nhưng ngài cũng nói họ có bổn phận tham gia vào đời sống của giáo xứ bằng bất cứ cách nào trong khả năng của họ.

3. Hiệp thông để hướng đến truyền giáo. Chúa Giêsu Đấng Phục sinh ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20), không chỉ để các môn đệ dừng lại vui hưởng niềm vui cho mình, mà mời gọi họ biết chia sẻ niềm vui Tin Mừng ấy trong tự do và yêu thương. “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Truyền giáo là thông truyền Hiệp thông. Đó là sự Sống, Ơn Cứu độ dành cho muôn người. Hiệp thông và truyền giáo, cả hai đều thuộc bản chất của Hội Thánh, kết hợp và thâm nhập sâu sắc với nhau, đến độ “hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là hoa trái của truyền giáo: hiệp thông đưa đến truyền giáo và truyền giáo được hoàn tất trong hiệp thông”[2]. Do đó, việc chúng ta sống cảm thức Hội Thánh phản chiếu nơi cung cách chúng ta hiểu và thi hành sứ vụ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi một sự “hoán cải mục vụ và truyền giáo”, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần túy” trong Giáo hội đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới chúng ta phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”[3]. Điều đáng băn khoăn và trăn trở “đó là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong cuộc đời”. Ngài khuyến khích “tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”[4]. Do đó, Hội Thánh cần có một cuộc canh tân không thể trì hoãn nữa. Và “mọi sự canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh qui vào chính mình”[5].

4. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định. […] Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi xem xét lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo”[6]. Vì thế, Đức Thánh Cha nhắc đến đề nghị của các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII: quan tâm đến “các Cộng Đoàn cơ bản và các Cộng Đoàn nhỏ, các phong trào và các dạng hiệp hội là một nguồn làm phong phú Hội Thánh, được khơi dậy bởi Thần Khí để Phúc Âm hóa các vùng và các lãnh vực khác nhau. Các tổ chức này thường mang một nhiệt huyết Phúc-Âm-hóa mới và một khả năng mới để đối thoại với thế giới nhờ đó Hội Thánh được canh tân. Nhưng sẽ rất hữu ích cho các cơ chế này nếu chúng không mất tiếp xúc với thực tế phong phú của giáo xứ tại địa phương và sẵn sàng tham gia vào hoạt động mục vụ toàn thể của Hội Thánh địa phương”[7].

II. Cộng Đoàn Kitô hữu nhỏ: cách thế hiện diện mới của Giáo hội

5. Các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có giá trị “như một phương thế hữu hiệu để đẩy mạnh sự hiệp thông cộng tác trong các giáo xứ và giáo phận, và như một lực lượng thật sự cho công cuộc Loan báo Tin mừng. Những tập thể nhỏ bé này sẽ giúp các tín hữu sống thành những cộng đoàn đức tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Các tập thể này còn giúp các thành viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc cho một xã hội mới, biểu hiện một nền văn minh tình thương. Cùng với Thượng Hội Đồng, tôi khuyến khích Giáo hội tại Á châu, nơi nào có thể, xem các Cộng đoàn cơ bản này như một khí cụ hữu ích cho hoạt động loan báo tin mừng của Giáo hội. […] Sự hiện diện của các cộng đoàn này không nghịch cùng các định chế và cơ cấu vững bền, vốn vẫn cần thiết cho Giáo hội để thực hiện sứ vụ của mình”[8].

Vậy Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (Small Christian Communities) hay còn gọi là CĐ Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Communities) là gì? Đâu là những đặc trưng của một CĐ KTH nhỏ?

6. Để cho rõ ràng, ta có thể xác định bốn đặc điểm cốt yếu (tương ứng với những đặc tính DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, TÔNG TRUYỀN, CÔNG GIÁO của Hội Thánh nói chung) của các CĐ nhỏ này như sau:

– Những người sống cùng xóm, làng, hay cùng khu phố, nghĩa là cùng một địa bàn dân cư, bởi bí tích Rửa tội, họ hợp thành một CĐ nhỏ như là Thân Mình Chúa Kitô, gặp gỡ họp mặt một lần trong một tuần lễ / hai tuần lễ / một tháng để chia sẻ kinh nghiệm sống hiệp thông (khoảng 10-20 gia đình thành một CĐ nhỏ, giáo khu hay liên gia). (Neighbours).

– Họ chia sẻ Phúc Âm. Lời Chúa hay Đức Kitô Phục sinh, qua dấu chỉ của Lời trong bối cảnh cuộc sống là cơ sở cho CĐ nhỏ. Những người tham gia mở lòng mở trí trước Tin mừng để mình được lớn lên trong đời sống thần linh. Thỉnh thoảng, đi đến đỉnh cao của chia sẻ, là một cử hành Thánh Thể, dấu chỉ bí tích sự hiện diện của Đức Kitô trong CĐ. (Gospel Sharing).

– Họ biểu lộ đức tin của mình qua việc phục vụ. Được linh hứng từ Lời Chúa, họ hành động trong đức tin qua những việc làm tuy nhỏ bé trong tình hiệp thông, như “thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây một cây cầu, cùng đào một giếng nước, dựng một mái nhà tình thương…”[9], nhưng như những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại. Những hành động đức tin biến đổi thế giới từng ngày qua việc đề cao các giá trị công lý, tình thương, và hòa bình. Bằng cách đó, họ biến kinh nguyện thành hành động, đức tin thành việc làm, tình yêu thành phục vụ. Như thế, họ tiếp nối sứ vụ truyền giáo của Hội thánh trong địa bàn sinh sống của mình (Act in faith).

– Họ luôn giữ mối liên kết với Hội thánh toàn cầu, và địa phương. Các CĐ nhỏ không tồn tại biệt lập, nhưng luôn hợp nhất với Hội thánh hoàn vũ. Các trưởng CĐ viếng thăm các CĐ láng giềng. Các thành viên trong HĐMVGX được chọn hay được bầu từ các CĐ nhỏ khác nhau này. Cha xứ, người nối kết sống động giữa giám mục và cộng đoàn giáo xứ nhận trách nhiệm đào tạo và hướng dẫn các trưởng CĐ nhỏ (trùm khu). Thánh Thể là dấu chỉ cao nhất của mối liên kết của Đức Kitô là Đầu với các chi thể của Thân Mình Người. (with the Universal Church).

7. Một CĐ KTH nhỏ gồm khoảng từ 10 – 20 gia đình sống gần nhau. Họ hội với nhau hàng tuần hoặc hàng tháng để lắng nghe Lời Chúa và để Lời Chúa chiếu sáng trên cuộc sống hàng ngày của họ. Họ chia sẻ Tin mừng, họ đón nhận và đáp lại không chỉ trong kinh nguyện, nhưng còn qua những hình thức khác do Thánh Thần linh hứng trong hoàn cảnh sống của họ. Các CĐ nhỏ xuất hiện và phát triển. Như những cơ cấu sinh động các CĐ nhỏ liên tục canh tân chính mình và “sáng tạo ra con đường của mình bằng cách cứ bước đi”. Các CĐ nhỏ triển nở như một dân sống cùng nhau. Nói cách khác, đó là phong trào đang dần dần phát triển. Có thể CĐ nhỏ có nhiều hình thái khác nhau, nhưng tựu trung có những nét chung sau đây.

– Trước hết, các CĐ nhỏ là những cộng đoàn (community) chứ không phải chỉ là một tập thể, một nhóm. Trong thế giới hậu-hiện-đại, cá nhân sống trong các đô thị thường phải chịu tình cảnh sống cô lập và vô danh. Giáo xứ, như vẫn tồn tại cho đến nay, xem ra nặng nề về cơ cấu tổ chức hành chánh cứng nhắc, chỉ có tính cách như một lãnh thổ địa phương và đôi khi chỉ như là một bánh răng trong guồng máy hành chánh địa phận. Giáo dân cảm thấy liên hệ gần gũi thân tình với nhau hơn trong các CĐ nhỏ, và từ đó biểu lộ được tình hiệp thông và tham dự. Nhấn mạnh sự hiệp thông, họ tìm cách sống đức tin như một kinh nghiệm được sẻ chia, nuôi dưỡng và nâng đỡ lẫn nhau giữa các thành viên cộng đoàn. Quan hệ giao ước giữa Thiên Chúa và con người là cảm hứng cho chiều kích này. Sự hiệp thông trong đức tin đó làm cho các thành viên tương quan với nhau mỗi ngày một sâu đậm hơn trong cộng đoàn. Xét cho cùng, sự hiệp thông giúp họ có khả năng cùng chia sẻ trách nhiệm và tham gia chung vào việc lấy quyết định. Bằng cách đó, họ vượt qua được thái độ sống thụ động của người giáo dân và thái độ độc đoán của người giáo sĩ, tu sĩ và cán bộ giáo dân trong cộng đoàn.

– Thứ đến, các CĐ này là thuộc về Giáo hội (ecclesial) và vì thế được gọi là CĐ Kitô hữu (Christian Communities), do yếu tố họ thường xuyên suy niệm Lời Chúa, cách thức họ sống và làm chứng cho các giá trị Phúc âm và bởi họ gắn bó với thực tại Giáo hội hữu hình. Động lực truyền tải trong nhóm/hội này là đức tin, tin vào Chúa Giêsu Kitô, ước muốn sống giới răn yêu thương của Người, thực hiện sứ vụ của Người nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, trong tinh thần hiệp thông với Hội Thánh địa phương và hoàn vũ.

– Đặc tính thứ ba: đây là những CĐ nhỏ/cơ bản (small/basic), theo nghĩa thần học lẫn xã hội. Về mặt thần học, vì đó là yếu tố Kitô giáo cơ bản và tại đây Hội Thánh thực sự là một biến, cố cứu độ cho người dân tại chỗ này và lúc này, những con người thực và cụ thể, xác định. Thế nên, cộng đoàn này thực là cơ bản bởi vì hình thành bởi những yếu tố rất thiết yếu của Hội Thánh. Chính các cộng đoàn này làm nên “cơ sở” cho Hội Thánh, và chính trên cơ sở này mà toàn thể cơ cấu của Hội Thánh được kiến thiết. Những CĐ này là cơ bản, về phương diện xã hội học, trong mức độ chúng qui tụ dân chúng sống gần gũi nhau về địa dư, và đồng thời tạo ra một bầu khí văn hóa mới tích cực và năng động dựa trên nền văn minh tình thương. Các CĐ này trao ban cho mỗi người tín hữu một căn tính mới trong Hội thánh, nhất là cho người nghèo, bởi lẽ CĐ nhỏ là gia đình, mái ấm cho mọi người.

8. Về lí thuyết, ai cũng biết, Yêu thương là điều cốt lõi của Đạo chúng ta, nhưng trong thực tế người ta sống yêu thương thế nào? Giữa bao nhiêu sinh hoạt, chương trình và chính sách của mỗi giáo xứ phải lo thực hiện, chúng ta thường quên sống điều này. Cám dỗ nặng nghi lễ, nệ nghi thức, tôn giáo nào cũng có. Tôn giáo cần có nghi lễ phụng tự, nhưng chúng phải dẫn con người tôn giáo đến với bác ái, từ bi, và chia sẻ hiệp thông, nghĩa là tình yêu. Lễ lạc, kinh hạt, học hỏi Kinh thánh, kiệu rước, hội họp sẽ có ích gì nếu chúng không giúp ta sống yêu thương phục vụ?

CĐ nhỏ là một hình thức của đời sống hội thánh trong đó tình yêu được viết ra cách cụ thể và nó đòi hỏi người ta phải mở lòng ra đi tới với người thân cận và giúp đỡ lẫn nhau. Người ta được mời gọi không chỉ hài lòng với việc tham dự Thánh Lễ, nhưng còn làm sao để đem Thánh Lễ đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống và mọi góc xó trong giáo xứ. Đó là hệ luận bao hàm trong bí tích Thánh Thể vốn bị quên lãng bấy lâu, nay được các CĐ nhỏ đem áp dụng vào cuộc sống.

Cách cụ thể để thực hiện mầu nhiệm Hiệp thông hội thánh này là Điều Răn Mới Yêu Thương. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Yêu thương là thi hành thánh ý Chúa Cha, tuân giữ các điều răn của Chúa Giêsu (x. Ga 14,15), hi sinh tính mạng vì bạn hữu mình (x. 15,12-13). Yêu thương không chỉ ở nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng còn bằng việc làm và phải chân thật (x. 1Ga 3,18). Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa (x. 1Ga 4,7) và là hoa quả của Thánh Thần (x. Rm 5,5). Tình yêu thì chân thật và là con đường trổi vượt hơn cả (x. 1Cr 12,31) và đó là ân huệ của Thần Khí nhằm xây dựng cộng đoàn hội thánh (1Cr 14,12). Bản chất của cộng đoàn hội thánh là “sự lưu thông của đức từ bi bác ái”. Từ ái là năng động sâu xa làm cho một tín hữu, trong tương giao với người khác, có thái độ cởi mở, liên đới và thông hiệp. Nói tóm lại, yêu thương hay từ ái là biểu lộ của mầu nhiệm Hiệp thông.

Hiệp thông ở nền tảng chính là chia sẻ hay tham dự vào đời sống của Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần – một sự sống thần linh được Thần Khí Thiên Chúa nuôi dưỡng. Hội Thánh trở thành là Hội Thánh tại một địa phương chỉ khi nào biến cố cứu độ, là Đức Giêsu Kitô, bén rễ sâu vào một hoàn cảnh đặc thù nào đó với những đặc tính xã hội, văn hóa và những mặt khác nữa, làm nên cuộc sống và suy nghĩ của người dân sống trong vùng ấy. Đời sống mới được thông ban bởi biến cố Đức Kitô là đời sống hiệp thông. Đó là sự sống hiệp thông với Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Giêsu Kitô trong sự thông hiệp với Đức Chúa Thánh Thần. Hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch, là nền tảng và là mẫu mực cho các CĐ nhỏ.

III. Lời trong đời sống và sứ vụ của các Cộng Đoàn nhỏ

10. Cuối thời sứ vụ của Người trong thế gian vì vâng lời Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi vào thế giới bằng lệnh tuyền: “Anh em hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian” (Mt 28,19). Mọi hoạt động của sứ vụ Tông đồ gồm cả những cử hành bí tích và tổ chức quản trị là để thực thi thừa tác vụ (phục vụ) Lời Chúa. Họ phải hoàn tất thừa tác vụ đó dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ cho họ biết phải rao giảng điều gì. Điều kiện tiên quyết duy nhất phải có để làm điều này là họ đã phải gặp gỡ Chúa Phục sinh, kinh nghiệm sự hiện diện sống động của Người. Như vậy, rõ ràng sứ vụ của Hội Thánh không gì khác hơn là rao giảng Lời, mà nội dung là Phúc âm hay Tin mừng Đức Kitô Chết và Phục sinh, Đấng họ đã gặp gỡ vẫn sống động sau khi Người chịu chết.

Tín hữu là người đã được kêu gọi qui tụ lại bởi Lời Chúa (hoi kletoi) và tin tưởng vào Lời Chúa bởi lắng nghe Lời Người (fides ex auditu). Hiệu quả của lời rao giảng của các môn đệ là cộng đoàn các tín hữu được hình thành, qui tụ lại bởi quyền năng của lời, nhận ra Chúa đang hiện diện giữa họ bằng việc bẻ bánh (Thánh Thể) và diễn tả đức tin của mình ra bằng việc thực thi bác ái, chia sẻ mọi sự họ có và loan báo Tin mừng cho mọi người xung quanh (x. Cv 2,42). Hội Thánh là cộng đoàn những người được kêu gọi (ekkesia). Ngay cả cử hành các bí tích cũng được diễn tả như là cử hành loan báo Lời (1Cr 10,26). Thế nên, loan báo Lời là thừa tác vụ cơ bản của Hội Thánh. Sứ vụ của Hội Thánh trong thế giới ngày nay là “phải luôn tìm hiểu thấu đáo những dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng” (Gaudium et Spes, 4). Các CĐ KTH nhỏ phản chiếu dung mạo Hội Thánh này mà Công Đồng Vatican II đã phác họa dựa trên thừa tác vụ của Lời.

11. Ở đây, vì ý hướng muốn thực hành cụ thể, chúng tôi đề cập đến việc Chia sẻ Phúc âm trong các CĐ nhỏ. Có rất nhiều người thích Chia sẻ Phúc âm nhưng cũng có nhiều người khác cảm thấy chán khi phải Chia sẻ. Nhưng cũng có ngàn vạn người trên khắp thế giới đã gặp được Chúa qua Chia sẻ Phúc âm.

Câu chuyện sau đây xảy ra cách đây hai năm ở một vùng đất quê nghèo nơi phần lớn theo Ấn giáo. Một chị phụ nữ Công giáo nghèo kể kinh nghiệm của mình về Chia sẻ Phúc âm cho một chị bạn hàng xóm theo Ấn giáo. Chị bạn đó nghe cảm thấy thích thú và muốn được tham dự buổi chia sẻ Phúc âm. Trong lần đó qua chia sẻ của anh chị em trong CĐ nhỏ, chị cảm thấy bị đánh động rất nhiều và xin một quyển Kinh Thánh. Chị lại đến lần Chia sẻ kế tiếp mang theo quyển Kinh Thánh và xin phép được tham gia chia sẻ như mọi người. Chị đã chia sẻ như thế và cảm thấy rất vui đến nỗi tham gia tích cực nhiệt thành vào mọi sinh hoạt của CĐ. Nhiều tháng sau, khi CĐ phải bầu chọn một người trưởng, họ đã chọn chị đó làm trưởng nhóm.

Một câu chuyện khác. Năm 2011, tại một xứ đạo ở vùng ngoại ô thành phố kia, cha xứ bắt đầu giới thiệu với bà con giáo dân việc Chia sẻ Phúc âm. Mọi người trong xứ đều được mời gọi. Buổi chiều tối ngày đầu tiên, một ngày thứ Bảy, chỉ có 9 người đến tham gia. Sáng hôm sau, sau khi cha xứ chủ tế Thánh Lễ và giảng hùng hồn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ngồi lại Chia sẻ Phúc âm theo nhóm nhỏ, buổi hội sau Thánh lễ đó cũng chỉ có 7 người ở lại tham dự. Thế nhưng Nhóm nhỏ ấy về sau đã trở thành một CĐ nhỏ trong khu xóm của họ và tiếp tục chia sẻ Phúc âm và làm việc bác ái xã hội như: giúp đỡ những người đau yếu bệnh tật đi ra ngoài bất cứ khi nào họ muốn – như đi chợ, đi phố, đi dạo công viên, đi khám bệnh hay đi nhà thờ. Từ đó, ngày càng có nhiều người tham gia và xuất hiện thêm vài CĐ nhỏ mới trong xứ.

Hai chuyện trong số cả ngàn câu chuyện về Chia sẻ Phúc âm đã đem đến niềm vui cho toàn thể CĐ nhỏ trong các giáo xứ, giúp người giáo dân sống đức tin tích cực tham gia với sự tự do, yêu mến và vui mừng. Niềm vui của Chia sẻ Phúc âm là niềm vui bộc phát và do Thần Khí của Lời hằng sống linh hứng.

12. Về vấn đề này, chúng ta hãy nghe lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Chính Phúc âm ban cho sự thông truyền của chúng ta ý nghĩa, vẻ đẹp và sự hấp dẫn. Phải căn cứ trên tâm điểm của sứ điệp của Đức Kitô, không dựa trên những khía cạnh thứ yếu (Evangelii Gaudium, 34). Thực hành mục vụ theo phong cách Phúc-âm-hóa (truyền giáo) không quá bận lo thông truyền thật nhiều giáo thuyết, nhưng tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và cần thiết nhất. Phải làm sao cho sứ điệp nên đơn giản mà không đánh mất chiều sâu của chân lí (EG, 35). Không được làm biến dạng tính toàn diện của Phúc âm (EG, 39). Theo hướng đó, quả thật, phải hướng các CĐ nhỏ luôn hướng tâm và bén rễ vào Lời Chúa. Các hoạt động Phúc-âm-hóa xuất phát từ sự gặp gỡ Đức Kitô – một sự gặp gỡ riêng với mỗi người ngồi đó nhưng lại đưa đến một sự hiệp nhất các tâm hồn với nhau. Đó là một sự gặp gỡ riêng bởi vì mỗi người được cảm nghiệm một cách rất riêng tư trong cuộc sống mình và việc chia sẻ cảm nghiệm ấy dẫn các tâm hồn đến chỗ hiệp thông sâu xa hơn.

Khi chúng ta đọc và suy niệm Lời Chúa, sứ điệp trung tâm chính là tình yêu vĩ đại Thiên Chúa đang trao ban cho ta mà một ai đó đang khiêm tốn chia sẻ như chứng từ của mình và mở lòng học nơi những người khác (EG, 128). Đây chính là điều chúng ta làm ở bước thứ 5 của Chia sẻ Phúc âm (theo phương pháp 7 bước). Rao giảng Phúc âm cho một nền văn hóa là tạo ra một tổng hợp mới (EG, 129) với nền văn hóa ấy, đem lại niềm vui và ý nghĩa mới cho cuộc sống của dân chúng.

“Nhưng nếu người rao giảng không dành thời giờ để nghe Lời Thiên Chúa với con tim rộng mở, nếu họ không để cho lời đánh động cuộc đời họ, thách thức họ, thúc đẩy họ, và nếu họ không dành thời giờ cầu nguyện bằng lời ấy, thì quả thực họ sẽ là một tiên tri giả, một kẻ lừa đảo, một kẻ huênh hoang trống rỗng. Nhưng bằng cách nhìn nhận sự nghèo hèn của mình và ước muốn ngày càng dấn thân nhiều hơn, họ sẽ luôn có thể phó thác mình cho Đức Kitô và nói như thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây” (1Pr 3,6). Chúa muốn dùng chúng ta như những con người sống động, tự do, và sáng tạo, những con người để cho Lời Người thâm nhập lòng mình trước tiên rồi truyền sang cho người khác. Sứ điệp của Đức Kitô phải thực sự thâm nhập và chiếm hữu người rao giảng, không chỉ phần trí óc nhưng toàn thể con người họ” (EG, 151). Những gì vừa nói đó, ta nhận thấy, nó xảy ra trong các CĐ nhỏ.

Bước thứ 6 của Chia sẻ Phúc âm được Đức Giáo hoàng suy tư sâu sắc trong những dòng sau đây: “Rõ ràng, mỗi khi các tác giả Tân ước muốn trình bày tâm điểm của sứ điệp luân lí của Tin Mừng, họ trình bày yêu sách cốt yếu nhất là tình yêu đối với tha nhân: “ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật… yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,8.10)”. Những lời khuyên nhủ của sách Thánh không chỉ diễn giải khái niệm, nhưng “quyết liệt kêu gọi chúng ta yêu thương nhau, phục vụ trong khiêm tốn và quảng đại, sống công bằng và có lòng thương xót người nghèo” (EG, 194). Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, yêu mến người nghèo đặc biệt đến mức chính Người “trở nên nghèo hèn” (2Cr 8,9). “Tôi muốn một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Không những họ tham dự vào cảm thức đức tin (sensus fidei), những trong những khó khăn của mình họ nhận biết Đức Kitô chịu đau khổ. Chúng ta cần để mình được Phúc-âm-hóa bởi họ. Tân Phúc-âm-hóa là một lời mời gọi nhìn nhận quyền năng cứu độ đang hoạt động trong đời sống của họ và đặt nó vào tâm điểm cuộc lữ hành của Hội Thánh. Chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực quyền lợi của họ, nhưng đồng thời cũng làm bạn của họ, lắng nghe họ, nói với họ và nhận lấy sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn chia sẻ cho ta qua họ” (EG, 198).

Khi các CĐ nhỏ hội đều đặn và cởi mở ra trước Lời hằng sống, họ sẽ được tự nhiên đánh động bởi tình yêu phục vụ người nghèo trong xóm làng mình.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 86 (Tháng 01 & 02 năm 2015)


[1] ĐGH Gioan Phaolô II, TH. Ecclesia in Asia (06 / 11 / 1999) (EA), 25.

[2] ĐGH Gioan Phaolô II, TH. Christifideles Laici (1988), 32.

[3] ĐGH Phanxicô, TH. Evangelii Gaudium (2013 (EG), 25.

[4] EG, 49.

[5] EG, 27.

[6] EG, 28.

[7] EG, 29.

[8] EA, 25.

[9] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2015. Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các Giáo xứ  và các Cộng đoàn sống đời thánh hiến, 4.

Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn

Previous articleCẦU NGUYỆN
Next articleCha rơi: Không khóc được, đành gửi vào câu hát