Mười nhân vật tận hiến đời mình cho người khác trong năm 2017

59

 

Một vài khuôn mặt là chứng nhân của đức ái đã chết trong năm 2017 vì đức tin của mình, hoặc vì tình yêu của mình cho người khác: Ignacio Echeverría, Rosemary Nyirumbe, Marta Mya Thwe, Christopher Hartley, Sudha Varghese.
Mười nhân vật tận hiến đời mình cho người khác trong năm 2017
Mười nhân vật tận hiến đời mình cho người khác trong năm 2017

Ai là “Mẹ Têrêxa” của thời buổi chúng ta? Ai là chứng nhân cho đức ái và tình yêu không điều kiện đối với người khác, đặc biệt là với những người gặp khó khăn?

Trong năm 2017, cũng như qua hai ngàn năm nay, các tín hữu của nhiều tín ngưỡng kitô giáo khác nhau đã hiến mạng sống mình cho người khác hoặc tận hiến đời mình để chia sẻ tình yêu của Chúa, hàng ngày quên mình và phục vụ không vụ lời cho những người túng thiếu.

Sau đây là các chứng nhân đức ái đã và đang sống sâu đậm với lời Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng mình vì bằng hữu của mình.” (Ga 15, 13).

1/ Ignacio Echeverría, người “hùng trượt ván” trong vụ tấn công ở Luân Đôn

Thế giới nhớ đến Ignacio Echeverria là người “hùng trượt ván” trong vụ tấn công ngày 3 tháng 6-2017 tại cầu London Bridge. Anh Ignacio Echeverria, 39 tuổi, nhân viên ngân hàng HSBC đã không ngần ngại chạm trán với quân khủng bố bằng… ván trượt của mình.

Anh có thể đạp xe và bỏ trốn như bao người khác, nhưng anh đối diện với tên sát nhân, cứu được nhiều người kịp chạy thoát. Anh té xuống đất và hai tên khủng bố đâm chết anh vào lưng.

Ignacio có cử nhân luật và là thành viên của Công giáo Tiến hành. Anh giỏi thể thao, ngoài môn trượt ván, anh còn thích môn lướt sóng, chơi gôn và bóng quần squash. Anh rời đất nước quê hương Tây Ban Nha để qua Anh làm việc cho ngân hàng HSBC, anh chuyên về dịch vụ phòng ngừa rửa tiền. Có một số người đã xin Giáo hội công giáo cứu xét để mở án phong chân phước cho anh.

2/ Gaetano Nicosie, “thiên thần của người cùi” ở Trung quốc

Linh mục Gaetano Nicosia, nhà truyền giáo Dòng Salê đến Macao, Trung quốc năm 1963 để lo cho hàng trăm người cùi tị nạn ở đảo Coloane. Họ bị bỏ mặc trong tình trạng vệ sinh thê thảm, trong hung bạo với tỷ số tự tử rất cao.

Sinh tại Ý năm 1915, từ năm 1935, linh mục Gaetano Nicosie bắt đầu công việc truyền giáo của mình ở các cộng đoàn người Trung quốc ở Hong Kong và ở bang Quảng Đông. Năm 1950 linh mục bị cộng sản trục xuất.

Linh mục Gaetano Nicosia nói thành thạo tiếng Trung quốc. Khi giám mục Macao xin Dòng Salê giúp để săn sóc người cùi ở Coloane thì linh mục Nicosie tình nguyện đến giúp, cũng như Thánh Damien ở Molokai. Từ năm 1963 đến năm 2011, trong vòng 48 năm, linh mục đã chia sẻ cuộc sống của mình với người cùi và đã biến đổi được nơi này.

Linh mục đã mang các bác sĩ, các y tá đến làm việc ở đảo; cha cải tiến để có thức ăn lành mạnh và để mọi sự được thay đổi; cha xây nhà có hệ thống điện nước; cha mở nông trại để mọi người có việc làm; cha xây một trường học và một nhà thờ.

Năm 2011, khi đã lớn tuổi cha rời sứ mệnh này và bây giờ thì không còn ai mắc bệnh cùi. Cuộc sống của cha đã mang đức tin đến cho nhiều người trong cộng đoàn. Cha qua đời ở Hong Kong ngày 6 tháng 11–2017, thọ 102 tuổi.

3/ Nữ tu Sudha Varghese, người giải phóng “giới cùng đinh” ở Ấn Độ

Ở Ấn Độ, nữ tu Sudha có tên là “Nari Gunjan” hay “Tiếng nói của phụ nữ”. Nữ tu Sudha Varghese thuộc Dòng Đức Bà. Xơ đấu tranh để giải phóng người Musahars, giai cấp cùng đinh của Bang Bihar, để họ khỏi bị lạm dụng tình dục hoặc các sỉ nhục khác, nhất là đối với phụ nữ.

Trong những năm 1980, trước khi nữ tu đến đây, người Musahar được biết đến là những người ăn chuột: họ không có nhà, họ bị bắt đi chùi cầu tiêu, làm việc trong các nhà máy rượu. Phụ nữ và trẻ con thì thường bị chủ lạm dụng tình dục. Trẻ con không được đến trường. Thường thường, các em bé gái của tầng lớp cùng đinh lấy chồng lúc 10 tuổi.

Nữ tu Sudha Varghese sinh năm 1949 trong một gia đình khá giả ở Kerala, một Bang miền đông nước Ấn. Xơ đã dám bứt cái vòng xấu xa bằng cách mở mạng lưới cho nhiều trung tâm đào tạo thiếu nữ người Musahar, rất nhiều em là các bà mẹ đơn thân. Với các công việc này, xơ bị hăm dọa giết nhiều lần.

Từ hơn hai mươi năm nay, xơ sống như người Dalit, có nghĩa là người cùng đinh ở Ấn Độ. Xơ làm việc với các trung tâm giáo dục trẻ con, đào tạo để các em có một tương lai.

4/ Marta Mya Thwe, “Mẹ Têrêxa của Miến Điện”

Mọi người đều biết nữ tu dưới tên “Mẹ Têrêxa Miến Điện”; nhưng tên thật của xơ là Marta Mya Thwe. Nữ tu thuộc Dòng San José của Aparición, xơ tận hiến đời mình để lo cho các bệnh nhân bị Sida ở trong nước của mình.

Từ ba mươi năm nay, công việc của xơ đã làm tăng hy vọng sống cho các bệnh nhân Sida ở Bang Mon, đa số các bệnh nhân này không được săn sóc đầy đủ và bị gia đình ruồng bỏ.

Năm 2002, xơ thành lập trung tâm “Tấm gương Bác ái” (Espejo de la Caridad) cung cấp chỗ ở, thức ăn, thuốc men, giáo dục và huấn nghệ cho các trẻ mồ côi và cho các bệnh nhân Sida.

Ngày nay, các trung tâm này lan rộng khắp nước; bệnh nhân Sida không còn bị cho là “người phải tách ly”, bây giờ họ được xem là người mang vi khuẩn. Họ tìm lại được nhân cách và có viễn cảnh cho tương lai.

5/ Henri Burin des Roziers, luật sư của những người “không đất” ở Ba Tây

Linh mục Dòng Đa Minh người Pháp Henri Burin des Roziers qua đời ngày 26 tháng 11 tại Paris. Cha đến Ba Tây năm 1978 để phục vụ cho Ủy ban mục vụ Đất đai được Hội đồng giám mục địa phương thành lập hai năm trước đó. Mục đích lúc đó là chấn chỉnh lại các bất công mà nhiều nông dân phải hứng chịu.

Cùng với các tu sĩ Dòng Đa Minh khác, với thời gian linh mục “Frei Henri” trở thành trạng sư về đất đai cho người dân ở đây. Cha chạy vạy lo cho các nông dân bị tù oan hay bị tra tấn. Cha ở bên cạnh các gia đình có người cha hay người con trai bị giết trong cuộc chiến đấu đất đai này.

Năm 2000, lần đầu tiên Ủy ban Mục vụ Đất đai bị Bang Pará của một “điền chủ” tố cáo giết một người lãnh đạo nghiệp đoàn. Một vài điền chủ đã phản ứng bằng cách ra giá cho thủ cấp của linh mục.

Năm 2005, các hăm dọa giết trở nên kinh khủng hơn. Năm đó bà Dorothy Stang, 73 tuổi, nhà truyền giáo Mỹ bị giết. Bà cùng chiến đấu với linh mục Henri để bảo vệ cho các nông dân ở đây. Giá thủ cấp của linh mục Henri là 50.000 tiền Ba Tây, vào khoảng 12.500 âu kim.

6/ Linh mục Christopher Hartley, mang nước sạch đến cho Ê-ti-ô-pia

Linh mục Christopher Hartley sinh năm 1959 ở Luân Đôn, từ mười mấy năm nay, cha chiến đấu cho sức khỏe, cho hy vọng sống, cho việc tái hồi nhân phẩm của hàng ngàn người ở Gode, trong sa mạc miền đông-nam Ê-ti-ô-pia, gần biên giới Sô-ma-lia. Ở đây, đại đa số người dân là người hồi giáo, vùng này chưa bao giờ thấy một nhà truyền giáo kitô đến đây.

Ngày này qua ngày khác, linh mục thấy người dân chết vì bệnh nhiễm trùng, cha Christopher lên dự án để giải quyết về lâu về dài: lọc nước sông Wabi Shebelle ở vùng Gode và làm cho dân có được nước sạch. Dự án này được các kỹ sư Âu châu hỗ trợ nên đã cứu được hàng chục ngàn người dân ở đây.

Linh mục đã mang nước uống đến cho dân chúng của đất nước đông dân thứ nhì này ở Phi châu, cha cho biết, trong lòng cha vang lên tiếng Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ: “Hãy cho họ ăn!” và cha đã thật sự thực hiện Lời Chúa: “Ta khát, con đã cho Ta uống”.

7/ Nữ tu Rafała Wlodarczak, mẹ của các em mồ côi trong cuộc chiến giữa người Palestina và người Israel

Một phụ nữ trẻ Ba Lan làm được gì trong cuộc chiến sáu ngày giữa Israel và các nước Ả rập? Năm 1968, nữ tu Rafała Wlodarczak thuộc Dòng Thánh Isave xăng tay vén áo để tự chính bàn tay mình và với sự giúp đỡ của các tu sĩ khác xây “Căn nhà Hòa bình” ở vùng Núi Ô-liu, Giêrusalem. Căn nhà mau chóng trở nên quá nhỏ và phải cần đến một căn nhà thứ hai để đủ sức đón các em thiếu thốn. Căn nhà có mặt ở thành phố Bêlem.

Ngày 8 tháng 12 vừa qua, “Căn nhà Hòa bình” mừng 50 năm thành lập, với sự đóng góp không mệt mỏi của các nữ tu để giúp các em bé Palestina thiếu thốn có được chỗ ở, thêm nữa các em được đào tạo điều cần thiết cho tương lai: học tôn trọng người khác, trong hòa bình. Chính vì lý do này mà tháng 6 vừa qua, Đức Phanxicô đã tặng nữ tu Ba Lan cây thánh giá “Pro Ecclesia et Pontifice” (Giáo hội và Giáo hoàng).

8/ Nữ tu Rosemary Nyirumbe, một tương lai cho các cô gái-lính Uganda

Trước đây hãng tin CNN đã bầu nữ tu là “người của năm”: nữ tu Rosemary Nyirumbe đã mang lại tương lai cho hơn hai ngàn phụ nữ, nạn nhân của các vụ lạm dụng và hung bạo của Lực lượng Quân đội Vũ trang LRA ở Uganda.

Tất cả bắt đầu cách đây mười sáu năm. Xơ Rosemary Nyirumbe thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, xơ thấy trong trường học do mình điều hành ở Gulu có một vài em bé gái bị làm nô lệ cho Lực lượng Vũ trang LRA, một trong các nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.

Một vài em cho biết, các em bị quân khủng bố bắt phải giết chính người thân của gia đình mình. Là nạn nhân của những chuyện cay đắng như thế, đời sống của các em bị hủy hoại hoàn toàn.

Xơ Rosemary không đặt câu hỏi gì nữa. Xơ mở cửa nhà Dòng. Và rồi các phụ nữ bắt đầu đến nhà Dòng: có người đang mang thai, có người bị hiếp, có em từng là lính, các em tìm cách trốn khỏi sự kinh hoàng của chiến tranh.

Ngoài chỗ ở, nữ tu Rosemary mang lại cho các em tình thương và tương lai: đào tạo nghề may và nấu bếp cho các em. Ngày nay, các em là cô giáo, là thợ may thiện nghệ, những người nổi tiếng trong nước trong ngành nghề của mình.

9/ Linh mục Paolo Cortesi, người dám liều để đón người tị nạn

Nhà truyền giáo nhiệt tình Paolo Cortesi được chọn là “người của năm” ở Bungaria, tước hiệu danh giá của Hội đồng Helsinki Bungaria tưởng thưởng cho việc bảo vệ nhân quyền của cha.

Đây là lần đầu tiên tước hiệu này được trao tặng cho một người không phải là người Bungaria, cha Cortesi là người Ý. Và đây cũng là lần đầu tiên một đại diện của một tín ngưỡng được chọn.

Đáp lời kêu gọi của Đức Phanxicô, linh mục Cortesi đã đón gia đình tị nạn người Syria về ở nhà xứ của mình ở thành phố Bélene. Quyết định của cha đã làm cho các nhóm cực đoan địa phương bất bình. Dù vậy, linh mục không chút hận thù, cha cười khi nhận giải: “Người dân ở đây rất tốt, nhưng đôi khi chỉ cần một chút để thắp lên ngọn lửa”.

10/ Dominique de La Rochefoucauld-Montbel, hoàng tử, phục vụ cho những người thiếu thốn

Dominique de La Rochefoucauld-Montbel, Hiệp sĩ Dòng Malta, người điều hợp một trong các tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới nhưng ít nhà báo biết đến.

Chỉ trong vùng biển Địa Trung Hải, trong chín năm vừa qua, với các con tàu và thiết bị y khoa của mình, Dòng Hiệp sĩ Malta đã cứu mạng sống của 53.712 người di dân và tị nạn đã liều mình vượt biển để đến Âu châu, họ từ các nước Trung Đông hay Phi châu đến.

Dù ông Dominique La Rochefoucauld-Montbel là hoàng tử, thành viên của một trong các dòng dõi quý phái nước Pháp, nhưng ông tận hiến đời mình để giúp những người lâm cảnh khốn khó.

Các con số trong công việc điều hợp của ông thì thật ấn tượng: giúp cho 2000 dự án trong 120 nước, có 100.000 thiện nguyện viên, có 25.000 nhân viên làm việc thường xuyên. Năm vừa qua, có 1,6 triệu người được săn sóc ở một trong 435 trung tâm của tổ chức Malteser International, một tổ chức phi chính phủ của Dòng Hiệp sĩ Malta.

Ở miền bắc Irak, Dòng giúp đỡ cho các người tị nạn ở Dohouk, Erbil và Ninive, quản lý các phòng khám lưu động để giúp các bệnh nhân ở các vùng xa xôi hẻo lánh.

Ở Syria, ông hỗ trợ cho bệnh viện nhi đồng Alep, săn sóc đặc biệt cho các em bé sơ sinh thiếu tháng hoặc bị các bệnh nặng, đó là bệnh viện duy nhất trong vùng có thể đảm nhiệm các săn sóc này.

Khi được hỏi vì sao ông làm tất cả những việc này, ông trả lời: “Chúng tôi thấy Chúa Kitô nơi người bệnh, nơi người đau khổ. Chúng tôi thấy Ngài nơi người tị nạn. Tin Mừng đã nói: “Ta đói, con cho Ta ăn. Ta khát, con cho Ta uống. Đó là điều cốt lõi của thành viên Dòng Hiệp sĩ Malta”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch, phanxico

Previous articleBáo động thông tin giả sức khỏe!
Next articleChuột cắn khố rách