Nếu đảo chiều quay, Trái Đất sẽ trở nên xanh hơn, sa mạc Sahara sẽ trở thành rừng rậm xanh tươi trong khi rừng Amazon hóa đụn cát khô cằn.
Nếu Trái Đất quay theo chiều ngược lại, các đại lục sẽ trải qua nhiều thay đổi lớn. Sa mạc sẽ bao phủ Bắc Mỹ, những đụn cát khô cằn sẽ thay thế rừng rậm Amazon ở Nam Mỹ, và cây cối xanh um tươi tốt sẽ đâm chồi nảy lộc từ Trung Phi tới Trung Đông, theo mô phỏng trên máy tính được công bố đầu tháng này tại cuộc họp chung hàng năm của Liên minh Khoa học Địa chất châu Âu tại Áo, theo Live Science.
Theo mô phỏng, không chỉ sa mạc sẽ biến mất ở một số lục địa và xuất hiện ở lục địa khác, mà mùa đông lạnh giá sẽ tràn qua khắp Tây Âu. Vi khuẩn lam, nhóm vi khuẩn sản sinh oxy thông qua quang hợp, sẽ phát triển mạnh ở nơi chúng chưa bao giờ tồn tại trước đây. Dòng hải lưu AMOC (Atlantic Meridional Overturning Circulation), dòng hải lưu quan trọng giúp điều hòa khí hậu trên Đại Tây Dương, sẽ biến mất dần và nổi lên trở lại ở bắc Thái Bình Dương.
Trong quỹ đạo một năm của Trái Đất quanh Mặt Trời, hành tinh của chúng ta mất 24 giờ để hoàn thành vòng quay quanh trục, xoay ở tốc độ khoảng 1.670km/h theo kết quả đo ở xích đạo. Hướng quay của Trái Đất giống với các thiên thể lân cận, theo chiều từ tây sang đông, hay ngược chiều kim đồng hồ nếu quan sát từ bên trên cực Bắc. Đây là chiều quay phổ biến của tất cả hành tinh trong hệ Mặt Trời, trừ sao Kim và sao Thiên Vương, theo NASA.
Bộ mặt Trái Đất sẽ thay đổi hoàn toàn nếu hành tinh quay theo chiều ngược lại. (Ảnh minh họa: Live Science).
Khi Trái Đất quay, lực hút và đẩy từ động lượng của hành tinh định hình dòng hải lưu, cùng với luồng gió trong khí quyển, tạo ra nhiều mô hình thời tiết trên khắp địa cầu. Những mô hình này mang lượng mưa dồi dào tới các cánh rừng hẩm ướt hoặc làm mất độ ẩm trên vùng đất cằn khan hiếm mưa.
Để nghiên cứu hệ thống thời tiết trên Trái Đất chịu ảnh hưởng như thế nào từ vòng quay của nó, các nhà khoa học lập mô hình phiên bản kỹ thuật số vòng quay của Trái Đất theo chiều ngược lại, tức thuận chiều kim đồng hồ nếu quan sát từ bên trên cực Bắc, Florian Ziemen, nhà nghiên cứu ở Viện Khí tượng học Max Planck tại Đức, người tham gia kiến tạo mô phỏng, cho biết. “Việc đảo chiều quay của Trái Đất giữ nguyên mọi đặc điểm quan trọng về địa thế như kích thước, hình dáng và vị trí lục địa và đại dương, đồng thời tạo ra loạt điều kiện hoàn toàn khác biệt đối với tương tác giữa vòng tuần hoàn khí hậu và địa thế”, Ziemen nói.
Chiều quay mới tạo điều kiện cho dòng hải lưu và gió tương tác với lục địa theo cách mới, tạo ra điều kiện khí hậu hoàn toàn mới trên khắp thế giới. Nhóm nghiên cứu sử dụng Mô hình Hệ thống Trái Đất của Viện Max Planck để thay đổi quan hệ giữa Trái Đất và Mặt Trời và đảo ngược hiệu ứng Coriolis, lực vô hình đẩy vật thể di chuyển trên bề mặt hành tinh đang quay.
Sau khi thực hiện điều chỉnh và mô hình thể hiện Trái Đất quay theo chiều ngược lại, các nhà nghiên cứu quan sát thay đổi ở hệ thống thời tiết trong vài nghìn năm. Họ phát hiện Trái Đất xoay theo chiều ngược lại sẽ xanh tươi hơn. Độ che phủ của sa mạc trên toàn cầu giảm từ khoảng 42 triệu km2 xuống 31 triệu km2. Cỏ sinh trưởng ở một nửa số khu vực trước đây là sa mạc, và cây gỗ mọc ở nửa số khu vực còn lại. Thảm thực vật mới sẽ lưu trữ nhiều carbon hơn so với Trái Đất quay theo chiều hiện nay. Tuy nhiên, sa mạc sẽ xuất hiện ở nhiều nơi chưa từng thấy trước đây như đông nam Mỹ, phía nam Brazil và Argentina và phía bắc Trung Quốc.
Thay đổi trong chiều quay cũng đảo ngược mô hình gió trên địa cầu, dẫn đến thay đổi nhiệt độ ở những vùng cận nhiệt đới và vĩ tuyến giữa. Phần phía tây của các lục địa sẽ mát hơn trong khi phần phía đông ấm lên và mùa đông sẽ lạnh hơn nhiều ở tây bắc châu Âu. Dòng hải lưu cũng thay đổi hướng, làm ấm rìa phía đông và làm mát rìa phía tây của các vùng biển.
AMOC, dòng hải lưu chịu trách nhiệm vận chuyển hơi ấm khắp địa cầu, biến mất khỏi Đại Tây Dương, nhưng dòng hải lưu tương tự mạnh hơn đôi chút sẽ xuất hiện ở Thái Bình Dương, mang hơi ấm tới phía đông nước Nga. Điều này hơi khác thường bởi nghiên cứu về Trái Đất đảo chiều trước đó không phát hiện thay đổi này. “Nhưng AMOC là kết quả của nhiều tương tác phức tạp trong hệ thống khí hậu, có thể có nhiều lý do cho sự khác biệt này”, Ziemen giải thích.
Dòng hải lưu thay đổi ở Ấn Độ Dương cũng cho phép vi khuẩn lam sinh sôi trong khu vực. Tuy nhiên, đối với Ziemen, sự xanh hóa của sa mạc Sahara mới là thay đổi thú vị nhất trong mô hình của họ.