Người Công giáo có được tham dự nghi thức thành hôn và tiệc cưới cặp hôn nhân đồng tính không?

261

Người Công giáo có được tham dự nghi thức thành hôn và tiệc cưới cặp hôn nhân đồng tính không?

Hỏi : xin cha giải thích hai thắc mắc sau đây:

1. Người Công giáo có được tham dự đám cưới của hôn nhân đồng tính không?

2.Trong Thánh Lễ thì khi nào thì Chúa Giêsu hiện diện trong bánh và rượu, vì có linh mục kia nói là khi linh mục đặt tay trên chén lễ thì Chúa  bắt đầu  ngự xuống trên bánh và rượu. Điều này có đúng  vậy không ?

Trả lời:

1-Là người tín hữu Công Giáo, chúng ta có bổn phận sống và chu toàn mọi giáo lý và lề luật của Giáo Hội, là Mẹ đang thay mặt Chúa là Cha trong trách nhiệm  dạy dỗ con cái mình tuân giữ mọi điều cần thiết cho được rỗi linh hồn để hưởng phúc Thiên Đàng với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Cụ thể, giáo lý hôn nhân dạy mọi tín hữu biết rằng hôn nhân chỉ có giữa một người nam và một người nữ mà thôi, vì đây là ý muốn của Thiên Chúa từ đầu khi tạo dựng con người có nam có nữa và truyền cho họ phải “ sinh sản cho nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị địa cầu.” ( St 1:28).

Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích và truyền cho con người mệnh lệnh

Là “ sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” ( Mt 9: 6) 

( giáo luật số 1055 &1)

Như Thế, Giáo Hội không thể  chiều theo su hướng của thời đại tục hóa để công nhận hôn nhân đồng tính  (same sex mariage) , tức là hôn nhân giữa hai người nam hay hai người nữ được, vì đây là điều trái tự nhiên và vô luân, dựa trên chính lời Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê để truyền lại cho dân Do Thái  xưa như sau:

 “ khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm,…” ( Levi 20: 13)

Vậy mà  các xã hội bệnh hoạn như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức…là những quốc gia có đông người theo Kitôgiáo, lại công nhận loại hôn nhân trái tự nhiên này để chiều theo đòi hỏi của thiểu số người  bệnh hoạn đòi công nhân cho việc trái tự nhiên này là hôn nhân. Đây quả là một tụt hậu thê thảm cho một  nếp sống  tinh thần và luân lý lành mạnh,  khác xa với đời  sống của mọi loài vật chỉ sống với bản năng và không biết gì về luân lý, thuần phong mỹ tục.

Chúng ta không ghét hay lên án những người sinh ra với khuynh hướng bất bình thường ( abnormal) về phái tính ( sexuality). Chúng ta thông cảm và tôn trọng họ như mọi người bình thường khác. Nhưng chúng ta không thể công nhận việc sống chung của họ là hôn nhân được, vì bản chất trái tự nhiên, trái luân lý của sự phối hợp giữa hai người nam hay hai người nữ. Hôn nhân mà họ đòi công nhận- và đã được các xã  hội bệnh hoạn kia  công nhận- là thứ hôn nhân không  thể đạt được mục đích của hôn nhân là sinh con cái và giáo dục chúng thành những người biết sống tự nhiên, phát triền bình thường về mọi mặt tinh thần và tình cảm.

Do đó, nếu các trẻ em  mà những cặp hôn nhân đồng tính này nhận làm con nuôi thì những trẻ  này  sẽ  nghĩ sao  và học được gì trong gia đình chỉ có hai người cha hay hai người mẹ ? Tệ hại hơn nữa là khi thấy hai người cha hay hai người mẹ của chúng ngủ chung với nhau một giường ..thì chúng sẽ nghĩ gì về sự chung sống này

Đấy là những vấn nạn đặt ra cho những cặp hôn nhân đồng tính, cho các nhà  giáo dục, các nhà xã hội học  và luân lý học, và cách riêng,  cho các xã hội bệnh hoạn đã công nhận loại hôn nhân trái tự nhiên này.

Trên bình diện luân lý, đạo đức, Giáo Hội không bao giờ  công, nhận loại hôn nhân trái tự nhiên này vì  tự bản chất nó là vô luân, trái tự nhiên  và  không thể đạt mục đích của hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập cho mục đích bảo tồn  và phát triển sự sống  của  con người  trên trần thế  này cho đến ngày mãn  thời gian,

Vì Giáo Hội không công nhận, nên người tín hữu Công giáo cũng không được phép tham dự đám cưới của những cặp đồng tính này, kể cả dự tiệc cưới của họ. Lý do là tham dự như vậy,  có nghĩa là công nhận việc sống  chung của họ là hôn nhân theo luật của  Chúa và của Giáo Hội,  và phù hợp với luân lý đạo đức của con người.

Tiện đây cũng xin nói thêm điều này : ngay cả những đôi hôn phối Công Giáo,  vì lý do riêng nào đó, không được chứng hôn trong nhà thờ,tức là thành hôn trong Giáo Hội, mà vẫn tổ chức tiệc cưới bên ngoài như những cặp hôn phối hợp pháp khác, thì người Công giáo cũng không nên tham dự tiệc cưới này , vì tham dự như vậy, cũng  có nghĩa là công nhận sự thành hôn của họ là hợp pháp theo giáo lý của Giáo Hội.

Cũng cùng lý do này, người cử tri Công giáo cũng không  được bỏ phiếu cho những ứng cử  viên nào đã công khai chống lại Giáo Hội vì tán thành việc phá thai, ly dị, chết êm dịu ( euthanasia) và hôn nhân đồng tính.Các ứng viên này có tham dự Thánh Lễ thì cũng  không được rước Mình Thánh Chúa như những người tín hữu sống theo giáo lý, giáo luật của Giáo Hội,

2-Về câu hỏi thứ hai, xin được trả lời như sau:

Mỗi khi Thánh Lễ  được cử hành thì , một cách  thiêng liêng, Chúa Giêsu  hiện diện trong linh mục cử hành,  trên bàn thờ, trong Sách Phúc Âm ( Gospel Book) và trong cộng đoàn giáo dân tham dự., đúng như lời Chúa  đã phán bảo:

“ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy  Thì có Thầy ở đấy , giữa họ.” ( Mt 18: 20)

Nghĩa là khi linh mục mặc lễ phục , bước lên cung thánh để cứ hành Thánh lễ thì Chúa Giêsu đã  hiện diện cùng với linh mục và giáo dân tham dự  để diễn lại bữa ăn sau cùng của Chúa với Nhóm Mười Hai Tông Đồ,  Và nhất là dâng lại Hy Tế thập giá mà một lần Chúa đã dâng trên thập giá năm xưa để xin Chúa Cha tha tội cho cả loài người đáng phải phạt vì tội.

Ngày nay trên bàn thờ ở  khắp mọi nơi trong Giáo Hội, Chúa đã liên tục  mượn tay và miệng của các Thừa tác viên có chức thánh là Giám mục và Linh mục để dâng lại Hy tế thập giá của Người cùng thể thức và mục đích Chúa đã một lần dâng  lễ đền tội  lên Chúa Cha trên thập giá cách nay trên  2000 năm  để xin ơn tha thứ cho con người ngày nay như cho con người xưa kia. Vì thế Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist   là việc thờ phượng, ca ngượi , cảm tạ , và xin ơn   cao trọng và quan trọng nhất mà Giáo Hội hiệp nhất cùng với Chúa Giê-su Kitô để dâng lên Chúa Cha cho mục đích cứu rỗi con người tội lỗi ngày nay và và còn tiếp tục cho tới ngày mãn thời gian.

Khi cử hành Thánh Lễ hay bất cứ Bí tích nào, thì giám mục và linh mục đều phải làm nhân  danh Chúa Kitô ( in persona Christi) chứ không  nhân danh chính  mình  bao giờ.

Như thế, chính Chúa Kitô rửa tội, thêm sức , cử hành Thánh Lễ , tha tội, và sức dầu bệnh nhân (và truyền chức thánh dành riêng cho giám mục)  qua tay giám mục và linh mục. Phải nói lại điều này để lưu ý mọi người là linh muc , hay giám mục chỉ là công cụ hữu hiệu Chúa dùng để ban phát ơn thánh của Người cho những ai muốn lãnh nhận cách nhưng không ( gratuitously)

Cũng chính vì linh mục hay giám mục chỉ là thừa tác viên, nên sự hữu hiệu( validity) của bí tích không liên hệ gì đến phẩm chất của thừa tác viên con người  ( ex opera  operato). Do đó, đừng ai thắc mắc hay nghi ngờ Thánh Lễ của linh mục  này hay linh mục kia không thành sự vì cho là linh mục đó có đời sống bất xứng.Nếu thực sự có đời sống bất xứng , mà vẫn  cử hành các bí tích hay Thánh Lễ, thì tất cả vẫn  thành sự ( validly), nhưng người cử hành sẽ mắc  tội phạm thánh ( sacrilege). Tội phạm thánh hay tội trọng  là tội cấm làm lễ ( linh mục) và rước lễ ( giáo dân)

 x.giáo luật số 916, SGLGHCG, số 1415)

Trở lại câu hỏi khi nào Chúa Giê su hiện diện trong hai chất thể bánh và rượu.

Khi linh mục đặt tay và cấu xin trên chén thánh ( chalice) thì đó mới chỉ là phút  nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần (Epiklesis, Epiclesis) để Người biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô.Nhưng Chúa Kitô chỉ thực sự hiện diện trong bánh và rượu nho sau khi linh mục đọc lời truyền phép ( consecration) mà thôi. Nghĩa là khi linh mục giơ tay trên lễ vật để xin ơn Chúa Thánh Thần thì lúc đó bánh và rượu nho chưa được biến đổi bản thể ( transubstantiation)  để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô,  cho nên  Chúa chưa thực sự hiện diện trong  bánh và rượu lúc này.Chúa chỉ thực sự hiện diện sau khi linh mục đọc lời truyền phép là : Đây là Mình Thầy…, đây là chén  Máu Thầy..đúng như chữ đỏ ( rubric) qui định.

Chính vì thế mà trước đây khi Thánh Lễ còn cử hành bằng tiếng La tinh, và linh mục quay lưng lại với giáo dân,   thì sau khi linh mục đọc lời truyền phép và dâng  Mình Thánh Chúa lên thì người giúp lễ  phải rung chuông để báo cho công đoàn tham dự lễ biết rằng Chúa Giêsu đã thưc sự hiện diện trong hai chất thể là bánh và rượu nho để mọi người cúi đầu thờ lậy.

Tóm lại, trong phụng vụ thánh, thì  Chúa Giêsu luôn có mặt trong các Thừa tác viên con người là linh mục và giám mục, nghĩa là  chính Chúa hiện diện trong các Thừa tác viên này để rửa tội, thêm sức, tha tội, sức dầu bệnh nhân và nhất là dâng lại Hy tế thập giá của Người một lần nữa trên bàn thờ  ngày nay, cùng  thể thức và mục đích mà  xưa Chúa đã một lần dâng Hy Tế này lên Chúa Cha  trên núi Sọ  để đền tội thay cho cả nhân loại.

Nhưng trong Thánh Lễ Tạ Ơn hằng ngày được dâng trên bàn thờ ở khắp nơi trong Giáo Hội,  thì  Chúa chỉ thực sự hiện diện ( real presence) trong hai chất thể  bánh và rượu nho sau khi linh mục đọc lời truyền phép mà thôi.

Việc linh mục giơ tay trên lễ vật và đọc lời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần thì lúc này Chúa Kitô chưa thực sự ngự xuống trong bánh và rượu nho.

Ước mong những lời giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

Lm. Phanxicô  Xaviê Ngô Tôn Huấn

Previous articleGiáo Hội có chấp nhận hôn nhân đồng tính hay không?
Next articleTại sao việc cử hành lễ Chúa Nhật trong năm lại quan trọng?