Người Nhật trung thực đến mức nào?
Có rất nhiều người Việt khi đến Nhật Bản đều chỉ “mua mua mua” hầu như không hề lo mua phải hàng giả như khi ở trong nước. Vậy ở Nhật có hàng giả hay không?
Nếu bạn ăn phải thứ gì không sạch sẽ trong quán ăn ở Nhật, ví dụ như tóc, côn trùng v.v… thì chúc mừng bạn, bạn phát tài rồi! Bởi vì bạn sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường vô cùng lớn; còn quán ăn xảy ra vấn đề này thì đa phần sẽ rất khó có thể tiếp tục kinh doanh được.
Ở Osaka từng có 4 khách hàng bị tiêu chảy sau khi đi ăn thịt nướng, tin tức này bị các tờ báo liên tục đưa tin, cuối cùng kết quả rất thê thảm: cửa hàng thịt nướng đang phát đạt phải đóng cửa, ông chủ bị cấm làm việc trong ngành ăn uống suốt đời.
Ngoài ra còn một ví dụ như sau: Ở Nhật, một người mua một cái máy tính hiệu Sony mới dùng được một tuần thì bị màn hình xanh khởi động lại, anh gọi điện thoại cho hãng để bảo hành, phía bên hãng hỏi về sự cố xong rồi nói có thể là “giai đoạn đầu chưa được ổn định” và cho biết sẽ đổi cho anh một cái máy mới. Sau đó, họ nói với anh rằng chỉ cần lưu tài liệu cá nhân trong máy rồi gửi lại cho hãng là được.
Theo quy trình bảo hành ở Việt Nam, thường thì trước tiên bạn phải mang máy đến hãng, hãng sẽ nhận máy, xác định không có nhầm lẫn thì mới sửa hoặc đổi máy mới cho bạn. Điều khiến, anh này bất ngờ đó là chưa đến hai ngày mà hãng Sony đã gửi máy mới đến và còn kèm theo một lá thư xin lỗi.
Bạn thấy đấy, ở Nhật, sự tin tưởng giữa người với người đơn giản thế thôi.
Vì vậy, những người Việt sống lâu ngày ở Nhật sẽ trở nên “ngốc”, ví dụ như:
– Tuân thủ quy tắc xã hội, nhìn đèn tín hiệu khi qua đường, xếp hàng khi cần phải xếp hàng, không có điều kiện xếp hàng thì cũng phải xếp.
– Ý thức đề phòng kém: hoàn toàn không cho rằng việc để ví tiền trên bàn ăn ở nhà hàng hay quán ăn để đi vệ sinh là có gì đó không ổn, dù là ví hiệu Louis Vuitton hay Dunhill. Tóm lại, có đặt ví tiền trên bàn ăn rồi đi đâu đó cũng không lo bị mất.
Hệ thống thành tín này tất nhiên sẽ tồn tại một loại hiện tượng là: một khi làm trái lại thì hậu quả chắc chắn sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Trong ngành thương mại ở Nhật đôi lúc cũng có hiện tượng làm hàng giả, ví dụ như giả mạo phẩm nước ngoài là sản phẩm của Nhật Bản (người Nhật tin rằng nước mình mới là tốt nhất).
Ví dụ như vài năm trước từng xuất hiện sự việc giả mạo cá chình của Trung Quốc thành là hàng của Nhật, việc này dẫn đến kết quả là:
– Thứ nhất, giám đốc công khai xin lỗi.
– Thứ hai, ngân hàng ngừng cho công ty này vay vốn và các đối tác ngừng quan hệ mua bán, công ty đành phải đóng cửa.
– Thứ ba, một số các lãnh đạo công ty lớn tuổi do không thể vực dậy công ty nên đi vào đường cùng như tự sát.
Ở Nhật nếu bị phát hiện gian dối thì hậu quả là rất nghiêm trọng, nghiêm trọng đến mức nào?
Có một trường hợp điển hình có thể cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của việc giả tạo. Khi sự việc làm giả luận văn ồn ào trước đây của TS Haruko Obokata bị khui ra, giáo sư hướng dẫn của cô là ông Yoshiki Sasai, người được giới y khoa Nhật công nhận là thiên tài khoa học đã treo cổ tự sát trong Viện nghiên cứu.
Vì thế ở Nhật, giả dối là một việc còn nghiêm trọng hơn cả ngồi tù.
Nếu bị phát hiện giả dối thì về cơ bản có nghĩa là không còn đường phát triển nữa, bởi vì công ty làm giả sẽ bị đóng cửa, lãnh đạo tự sát, thậm chí còn không được ai thương cảm, mọi người chỉ cho rằng bạn dùng việc tự sát để tẩy sạch lỗi lầm của mình mà thôi.
Việc không cần lo lắng mua phải hàng giả ở Nhật còn một nguyên nhân là quan hệ giữa người Nhật với nhau đạt đến mức trung thực khó tin.
Ví dụ như xung quanh bãi đỗ xe tại rất nhiều thị trấn nhỏ ở Nhật, bạn thường có thể thấy nhiều “sạp” nhỏ có mái che không hề có người trông coi để từng túi từng túi rau tươi hoặc trứng gà, bên cạnh là một mảnh gỗ viết 100 yên một túi, không có ai coi giữ cả, hoàn toàn là khách hàng mua đồ xong rồi tự giác bỏ tiền vào chiếc hộp trông giống như heo đất.
Một cảnh người mua tự trả tiền ở Nhật. (Ảnh: Internet)
Tại các cửa hàng, siêu thị hoặc máy bán hàng tự động ở Nhật đều không hề lắp đặt hệ thống nhận dạng tiền, bởi vì sẽ không có ai dùng tiền giả.
Ở Nhật, nếu đánh mất thứ gì đó thì không hề lo lắng, bởi vì người nhặt được đều sẽ gửi đến sở cảnh sát gần nhất.
Một người đi công tác ở Nhật bỏ quên áo khoác khi đi tàu điện ngầm, anh ấy nghĩ rằng lần này thì phiền phức to rồi đây, vì bên trong có tài liệu quan trọng, ví tiền và hộ chiếu.
Ngay khi anh ấy lo lắng thì có người cho biết những thứ bị mất thường sẽ có người giao lại cho trạm xe.
Anh ấy đến phòng bảo vệ ở trạm xe thì nhìn thấy áo khoác của mình được xếp gọn gàng không thiếu thứ gì và gói bằng túi nhựa, anh ấy vô cùng cảm kích và xúc động.
Nhật Bản không chỉ là một quốc gia giàu có phát triển mà là một quốc gia khiến người ta yên tâm.
Tinh thần tập thể và ý thức hợp tác của người Nhật rất mạnh. Người Nhật tôn trọng mọi người, bất cứ việc gì cũng nghĩ cho người khác trước, không gây phiền phức gì cho mọi người.
Chủ nghĩa hoàn hảo của họ điển hình nhất là yêu cầu về mức độ sạch sẽ trong nhà vệ sinh.
Dù là trong phòng khách sạn hay nhà vệ sinh công cộng cũng vậy, tất cả đều nhất định phải vô cùng sạch sẽ, tốt hơn nữa đó là đều có lắp đặt bồn cầu tự động xả nước “cao cấp”, điều này không cần phải giải thích rõ ràng, chỉ cần ai từng dùng là sẽ biết.
Yêu cầu của Nhật Bản đối với môi trường đạt đến mức độ cực cao, vì vậy chỉ cần từng đi Nhật bạn sẽ biết, đi bộ trên đường phố cả tháng giày cũng sẽ không có bụi.
Ở Nhật, dù vứt rác như chai lọ làm bằng nhựa PET hay hộp sữa uống… cũng phải rửa sạch, sau khi khử trùng thì mới tái chế, vì vậy Nhật Bản trở thành một quốc gia rất ít virus, vi khuẩn và cực kỳ vệ sinh.
Bởi vì mức độ vệ sinh cực kỳ cao, lại thêm dinh dưỡng cân bằng phong phú, tâm lý khỏe mạnh tích cực, môi trường xã hội hoàn hảo, bảo đảm phúc lợi xã hội hoàn thiện, y tế phát triển, xã hội thành tín an tâm, tôn trọng lẫn nhau, hệ thống giáo dục tiên tiến, xã hội nhân tính bao dung đã khiến cho nước Nhật 42 năm liền được bình chọn là một trong những quốc gia đáng sống nhất trên thế giới.
Ở Nhật, đường phố không có một cọng rác.
Người Nhật là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, họ bị ám ảnh bởi trật tự.
Người Nhật tuân thủ trật tự là điều mà mọi người trên thế giới đều rất quen thuộc, ở những nơi du lịch lớn, hướng dẫn viên du lịch cầm cờ nhỏ dẫn đường, một nhóm người lặng lẽ xếp hàng đi theo chắc chắn là người Nhật.
Người Nhật theo chủ nghĩa hoàn hảo, họ bị ám ảnh bởi sáng tạo kỹ thuật.
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, Nhật Bản đi tiên phong về mảng tàu điện trên cao, qua hơn 20 năm nghiên cứu, không ngừng thử nghiệm, sửa chữa thì mới có thể vận hành được bình thường, điều này hoàn toàn khác với Việt Nam.
Chính vì điều này nên người Nhật đã tạo nên một thị trường nói không với hàng giả.
Vì vậy, khi bạn mua sắm ở những cửa hàng dược-mỹ phẩm như Matsumoto Kiyoshi, bạn có thể yên tâm rằng chỉ cần cửa hàng dám xếp hàng lên kệ thì chất lượng được đảm bảo 100%.