Người Tôi Tá Chúa

75
Lễ Hiện Xuống đầu tiên, sứ mạng đầu tiên mà Chúa Thánh Thần đề nghị và đã được chấp nhận! Sự ưng thuận đầu tiên đủ trọn vẹn để cho Ngôi Lời có thể làm người, để mầu nhiệm nhập thể được thực hiện, để Thiên Chúa có thể “ra đời”: đó là ngày “Truyền Tin”.

Ma‑ri‑a là người trao dâng trọn vẹn, tận hiến trọn vẹn, cả xác hồn, cho Chúa Thánh Thần chiếm ngự. Và Ngôi Lời đã nhập thể. Người đã có thể (bắt đầu) ở giữa chúng ta.

Ma‑ri‑a đã tin vào ơn gọi của mình ‑ Này tôi là tôi tá Chúa ‑ và Ma‑ri‑a đã tức tốc đáp lại lời gọi đó với tất cả con người mình: xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời Ngài phán dạy. Ma‑ri‑a đã không tự hỏi xem sự nhỏ hèn của mình có tương xứng với Tin Mừng vừa nhận được hay không. Không hề ngó lại mình, Ma‑ri‑a đã tin tưởng thưa vâng.

Ma‑ri‑a đã reo mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu chuộc mình. Ma‑ri‑a đã nhận ra Chúa, đã tin đó chính là Người, đã tin Người cần đến mình, đã tin Người cần một Người Mẹ, một thiếu nữ đủ trung tín để trở thành Mẹ Người… Và Ma‑ri‑a đã cất bước lên đường. (Lc 1,38).

Điều lạ lùng nhất nơi Đức Trinh Nữ, đó là đức tin của Người. Người đã sống đời sống đức tin: Người đã sống đúng cuộc sống chúng ta. A! Xin bạn làm ơn đừng tưởng tới Người như tưởng tới một bà hoàng cao xa, mà chúng ta chỉ được “kính nhi viễn chi”, chiêm ngưỡng từ xa xa, nhưng, trái lại, hãy coi Người như một tấm gương (Người đó, chính là bạn) mà bạn được mời gọi noi theo hàng ngày. Coi Ma‑ri‑a như một kiệt tác siêu phàm là một nguy hiểm lớn lao vì như thế, từ giây phút đó, bạn sẽ cho rằng bạn được miễn xá vĩnh viễn, khỏi phải bắt chước Người.

Nhưng, bạn sẽ nói: Người đã được cái đặc ân to tát, “Vô nhiễm thai” từ thuở ban đầu kia mà!

Bạn hãy để tâm nghĩ lại một giây coi! Thật ra, cái đặc ân kia có nghĩa gì? Có nghĩa là Người đã được rửa tội lúc đầu thai, Người đã được như thế ba ngày sau khi bạn mở mắt chào đời. Người đã không mắc tội tổ tông. Bạn, không còn mắc tội tổ tông nữa.

“Nhưng. Người còn được đủ thứ đặc ân khác nữa!” Những đặc ân nào? Khỏi phải chết! Không. Khỏi đau khổ? Không. Khỏi tình dục? Hẳn rồi, nhưng A‑đam xưa cũng đã làm gì có tình dục và cái đặc ân ấy đã không giữ nổi ông khỏi sa ngã.

Cái lạ lùng nhất trong cuộc đời của Ma‑ri‑a: đó là đức tin của Người. Đó là một điều chúng ta phải kinh ngạc, phải thán phục không cùng, mỗi khi nghĩ đến. Nếu bạn muốn làm cho quan niệm của bạn về Đức Trinh Nữ được tươi tắn hơn, bạn hãy đối chiếu gương các thánh. Bạn thử lấy gương thánh nữ Jeane d’Arc. Một trường hợp y hệt: một cô gái tuổi mười sáu được thiên thần và các thánh nữ hiện ra loan truyền cho một sứ mệnh, rất thực tế, giới hạn rõ rệt: cứu nước Pháp. Thế mà, người ta đã phải lập đi lập lại điều đó cho nàng trong vòng suốt ba năm trường: người ta phải nói với nàng điều đó ròng rã ba năm nàng mới bắt đầu tin.

Phải đợi cho nàng thấm nhuần sâu xa cái ý tưởng ấy đã, phải chờ nàng làm quen với các ý tưởng ấy đã, làm quen một cách lâu dài. Còn Ma‑ri‑a, Nàng cũng là một thiếu nữ tuổi đôi tám, hoàn toàn bận bịu với công việc nội trợ, đã hứa hôn với một anh thợ: một thiên thần hiện ra và bảo: một loạt những chuyện khác thường, lạ lùng, khó tin: Nàng sẽ là Mẹ, Nàng sẽ vẫn còn đồng trinh, Nàng sẽ có một đứa con, một vị Cứu thế, đến cứu nhân gian, và là một nhân vật lạ thường, sẽ thống trị muôn đời.

Phản ứng của Ma‑ri‑a khi nghe lời thiên thần truyền, cho chúng ta thấy Nàng là một người khiêm nhường vô cùng, khiêm nhường đến độ không thể tưởng được. Khi biết mình là tội lỗi, bạn đã tưởng rằng bạn khiêm nhường hơn Ma‑ri‑a ư? Nhưng, chính tình trạng tội lỗi là cái làm cho bạn không thể khiêm nhường được nữa đó. Khiêm nhường là nhìn biết cái khoảng cách giữa Thiên Chúa với mình: một khoảng cách “vô cùng” Đức Trinh Nữ biết Chúa rất rõ. Vì thế Người khiêm nhường vô cùng. Trong khi đó, sự nhận biết “tình trạng tội lỗi của chúng ta” chỉ là sự nhận biết cái khoảng cách giữa một thụ tạo vô tội với một thụ tạo lỗi phạm: “một khoảng cách hoàn toàn có cùng”. Đàng khác, chính tội lỗi chúng ta che khuất Chúa và làm cho chúng ta mất Chúa, làm cho mắt chúng ta đui mù không còn thấy được Người nữa. Sánh với đức khiêm nhường của chúng ta cái khiêm nhường của Đức Trinh Nữ Ma‑ri‑a thật là hoàn hảo, vì thế Người đã không phản đối lại. Nếu là bạn, có lẽ bạn sẽ nói: “Không thể được. Chuyện đó không xong đâu. Không đời nào lại như thế được. Tôi cảm thấy mình chưa sẵn sàng: hãy chờ một chút đã… Một vài lần tĩnh tâm nữa đã… Đợi khi nào tôi chín chắn đã chứ”. Ma‑ri‑a đã không nói thế. Ma‑ri‑a đã trả lời rất đơn sơ: “Chúa đủ cao cả, Chúa đủ là Chúa để có thể làm những chuyện như thế… nơi sự nghèo hèn của tôi tá Người. (Chuyện đó không làm cho tôi phải ngạc nhiên về Người đâu). Nếu bạn, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên; nhưng Ma‑ri‑a, Người biết Chúa, Người không ngạc nhiên về Chúa. Vì thế, Ma‑ri‑a đã chấp nhận một cách dứt khoát: “Xin hãy làm cho tôi… theo như ý Người”. Tiếng Fiat (xin vâng) của Ma‑ri‑a, đó là tiếng Fiat của Giếtsêmani. Cũng một tiếng Fiat. Không phải ý con nhưng ý Cha. Và đó cũng là tiếng Fiat trong kinh Lạy Cha của bạn, khi nào bạn muốn khởi sự giống Đức Trinh Nữ. “Xin vâng ý Cha…” “Xin vâng, xin hãy làm cho tôi!” Tất cả chúng ta đều được kêu mời nói lên một lời Fiat đó.

Ma‑ri‑a đã chấp nhận để mặc Chúa hành động trong cuộc đời mình. Và thế là việc Nhập Thể đã khởi sự tức khắc! Bao giờ cũng thế! A! Không bao giờ người ta xin một điều gì, không bao giờ người ta chấp nhận một điều gì mà rồi điều đó lại không được khởi sự ngay tức khắc! Ngay tức khắc, Nàng đã khởi sự bị nhục nhã bị xáo trộn, bị phiền nhiễu. Ngay tức khắc, Nàng đã khởi sự cuộc đời đau khổ.

Bạn có biết nhờ đâu Ma‑ri‑a đã nhận ra được Thiên Chúa không? Cũng như tất cả chúng ta: nhờ ở những đòi hỏi của Người. Người đã đòi hỏi Nàng tất cả. Cậu con của Nàng, cậu ấy khó tính lắm. Cậu ta đã bắt Nàng phải hy sinh tất cả đến nỗi Nàng đã nhận ra rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi Nàng như thế thôi. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi Nàng như thế thôi. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi Nàng tất cả những chuyện đó. Thái độ thầm kín trong lòng của Nàng đối với Thiên Chúa, Nàng đã có dịp để sử dụng nó: đối với CON của Nàng. Bởi vì, Con Nàng đòi hỏi Nàng tất cả, nên Nàng đã dần dần nhận biết Con mình là Thiên Chúa. Nàng đã luôn luôn đáp lại: “Tôi là tôi tá Chúa, xin vâng như lời Ngài truyền dạy”.

Tất cả đã khởi sự lủng củng ngay từ giây phút đầu, ngay từ trước ngày sinh Chúa Giê‑su. Trước hết, Nàng phải khởi đầu hy sinh vị hôn phu của mình. Khi đọc Phúc âm, chúng ta biết câu chuyện rồi sẽ êm xuôi, cũng như trong những quyển tiểu thuyết mà chúng ta đã đọc nhiều lần. Nhưng vào lúc xảy ra câu chuyện đó, sự thể lại khác hẳn. Chàng và Nàng, hai người yêu nhau, yêu nhau tha thiết. Nhưng, Ma‑ri‑a đã tin rằng mình không nên can thiệp; và trong những việc của Thiên Chúa, thì chính Chúa phải là người chủ động, khởi xướng, chứ không phải Nàng. Nàng phải tin… Nàng phải chờ, phải đợi. Nàng đã để mình bị nhốt, bị giam (như Gioan Baotixita) trong cái “hiểu lầm” đó, trong cái cô quạnh đó. Chuyện đó đã kéo dài… qua những chuỗi ngày đằng đẵng. Bạn nghĩ thử xem, bao nhiêu nhục nhã! Bao buồn khổ! Bao vấn đề đặt ra cho Ma‑ri‑a trong mỗi bước đi! Giu‑se thật là tuyệt diệu. Họ yêu nhau. May thay! Chính nhờ yêu nhau như thế mà họ đã được giải cứu. Tôi tin chắc rằng Giu‑se đã biết tin tưởng vào Chúa bởi vì chàng đã tin tưởng nơi Ma‑ri‑a. Giu‑se đã không mảy may ngờ vực, đã không hề quay trở về mình. Chàng đã tự nhủ: chuyện đó thật huyền nhiệm, tôi sẽ không xen vào. Chàng đã âm thầm rút lui. Chàng đã lẩn mặt đi. Tội nghiệp Giu‑se! Chàng cũng thế. Chúa đã bước vào đời chàng. Chúa luôn khởi đầu bằng cách đi ngược lại con đường của chúng ta. Abrahm, Zacharia, họ muốn có một mụn con. Và lẽ dĩ nhiên là họ sẽ không có. Còn Giu‑se… thì Giu‑se cũng đã phải chấp nhận tất cả. Và có một điều làm chứng rằng chàng đã chấp nhận thực sự (Đối với tôi có một bằng chứng quyết định để tin chàng đạt đến trình độ hoàn toàn, kính phục, hoàn toàn chấp nhận, hoàn toàn ngoan ngoãn vâng theo công việc Chúa làm): đó là chàng đã ngủ!!! (Thánh Phêrô… bạn có nhớ không? Mức thành quả của con đường tu đức: một thiên thần đã phải đến đánh thức ngài đang ngủ[1]. Đã có một lúc nào đó, chàng thắng vượt được. Chàng đã hiểu. Và tôi đã nói với bạn: chàng đã tin tưởng mạnh mẽ nơi Ma‑ri‑a đến nỗi chính nhờ Nàng mà chàng đã được chữa khỏi. Niềm tin của chàng nơi Ma‑ri‑a là huấn luyện viên cho đức tin của chàng đối với Thiên Chúa. Vì yêu Ma‑ri‑a tha thiết như thế, vì tin Ma‑ri‑a hết mực như thế, nên chàng đã đi tới chỗ tin rằng mọi việc rồi sẽ êm xuôi, tin rằng mọi sự xuất phát từ Thiên Chúa đều tốt đẹp. Và chỉ sau đó, rất lâu sau đó, một thiên thần (những vị thiên thần mới đến làm cho đức tin chàng được vững chắc hơn. Ma‑ri‑a đã biết chờ đợi, để Chúa tuỳ thích mạc khải bí nhiệm của Người lúc nào Người muốn. Ước gì chúng ta biết nhẫn nại như thế. Chỉ có sự nhẫn nại của chúng ta mới để cho Chúa có thể thực hiện tất cả những ý định của Người nơi chúng ta. Nhờ nhẫn nại hoàn toàn, Ma‑ri‑a đã biết luôn để cho những dự định của Chúa được thực hiện. Còn chúng ta, chúng ta lúc nào cũng muốn hối thúc công việc. Chúng ta muốn chính mình nhúng tay vào. Chúng ta nên nhớ lại câu chuyện bà Sara. Chúa đã hứa ban cho bà một mụn con. Và rồi… cũng như bao giờ chuyện ấy lại đến hơi chậm… Người bắt bà phải đợi. Vì thế, Sara bảo: “Chính ta sẽ lo lấy việc ấy. Ta sẽ thay Thiên Chúa lo việc ấy. Chúa ù lì quá, lờ rờ quá, chậm chạp quá. Nhưng, ta đã có cách. Để ta làm cho mà xem.” Thế là bà đã xếp đặt cho chồng vụ Agar, bà đã gả cô đầy tớ cho ông chồng của bà. Bà đã tìm được mánh lới làm cho Abraham có được một mụn con. Và chúng ta hẳn đã biết câu chuyện kết cục thế nào rồi! Lủng củng giữa đàn bà với nhau; lủng củng giữa mấy đứa nhỏ… Ismael, Agar và Sara… Và, rốt cuộc là thất bại, là xâu xé, là đầu độc tất cả mọi người: đó, con người đã nhúng tay vào kế hoạch của Thiên Chúa. Họ thiếu đức tin. Họ thiếu kiên nhẫn. Họ muốn chính tay làm lấy. Còn Ma‑ri‑a đã thưa: “Xin vâng, ước gì mọi sự được thực hiện nơi tôi…” Ma‑ri‑a để mặc Chúa làm: “Xin Chúa hãy nhào nặn, đặt định con tuỳ ý Chúa… Xin hãy làm cho con biết để mặc Chúa hành động”…

Đối với nhiều người trong chúng ta, đạo là một phương thế để họ thọc gậy bánh xe, để hối thúc Thiên Chúa, để múa máy ngoài chỗ đã quy định cho họ, nơi mà Chúa muốn họ thi hành mệnh lệnh của Người, ngợi khen, cảm tạ Người. Nhập thể có nghĩa là chính cuộc sống hiện tại của chúng ta đây đã được thánh hiến. Các bạn gái, các bạn nghĩ xem: ba mươi năm chỉ quanh quẩn trong nhà, ba mươi năm không bước ra khỏi cửa, ba mươi năm mà không hề gặp một ai. Đó là cuộc đời của Chúa Cứu thế. Người đã sống một cuộc đời bực bội và có vẻ uổng công, buồn tẻ hơn bất kỳ ai trong chúng ta, hơn bất kỳ cuộc đời nào của chúng ta. Và Ma‑ri‑a, cũng ba mươi năm đằng đẵng… Ma‑ri‑a đã trải qua ba mươi năm tự hỏi lý do tại sao mình phải chấp nhận cho Chúa bước vào cuộc đời mình một cách lạ lùng, một cách khó khăn như thế, để rồi Người chỉ sống một cuộc đời tầm thường và có vẻ nghèo nàn, khô cằn đến thế. Ma‑ri‑a giữ lấy tất cả những sự đó và nghiền ngẫm trong lòng. Suốt đời, Ma‑ri‑a không ngớt lặp đi lặp lại một lời của Thiên Chúa. “Xin Chúa chỉ phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”, Chúa Thánh Thần – Đấng lập lại – sẽ nhắc cho Ma‑ri‑a… tất cả những gì thiên thần đã nói với Người.

A! Bạn cứ tin tôi đi, không phải chỉ cần một giây phút mà chúng ta đã có thể hiểu được một lời Chúa đâu. Lời ấy phải nứt mầm rất chậm trong chúng ta và mỗi khi hoàn cảnh thay đổi, một ý nghĩa mới của lời đó lại loé sáng trong đầu óc chúng ta. Ma‑ri‑a đã tin vào một lời của Thiên Chúa và suốt đời Ma‑ri‑a chỉ lặp đi lặp lại lời ấy… Bạn có làm thế không? Bạn có lặp đi lặp lại được lời nào của Chúa không? Đâu là những lần gặp gỡ với Chúa bạn còn nhớ? Đâu là những lời đầy bổ dưỡng, những lời có sức chữa lành mà bạn mang theo như của ăn đường của bạn? Như của ăn đi đường lần sau hết của bạn? Mặc dầu trong thực tế, đó chính là thân phận chúng ta: trong tối tăm mù quáng vẫn tin tưởng bền chặt vào cái mà có lần chúng ta đã thấy trong ánh sáng, trung thành tin tưởng vào cái mà có lần chúng ta đã thấy cách hiển nhiên trong vui mừng.

Lòng trung thành của Ma‑ri‑a đã bị thử thách gay go. Và bị thử thách ngay tức khắc. Sinh con trong cô quạnh, thiếu thốn. Không bao giờ Ma‑ri‑a có thể bần hàn hơn, cô quạnh hơn lúc sinh Chúa ra. Chính Chúa đã chọn lúc đó. Người đã khéo chọn thế đấy! Người chọn đúng lúc không nên chọn. Đúng lúc mà chúng ta sẽ không chọn.

Rồi đến cuộc tàn sát trẻ em vô tội. Có bao giờ chúng ta hình dung được cái chuyện chướng tai gai mắt đó không? Hậu quả đầu tiên của đêm Giáng Sinh là thế đó! Tất cả trẻ con, những đứa trẻ dưới hai tuổi, đều bị tàn sát, giết chóc; tất cả các bà mẹ rên khóc, tất cả những bà mẹ chị em của Nàng – và lúc đó Nàng đã hiểu thế nào là một người mẹ: ‑ bị bóc lột, bị cưỡng đoạt. Bạn tưởng lòng Nàng không tràn ngập đau xót sau? Bạn nghĩ thế nào? Đức tin của Nàng không phải vất vả, cam go, đau đớn, buồn thảm lắm sao? Và bạn dám nghĩ rằng Nàng không cần phải cố gắng kinh khủng để vẫn có thể tiếp tục trung thành sao? Để tự lập đi lập lại cho mình, để tin…, để nhớ lại những lời trong kinh – Manificat – sao? “Lòng thương xót trải qua đời nọ đến đời kia”, Người nâng những kẻ bé nhỏ lên. Người làm cho những kẻ đói khát được no đầy. Người cứu chữa Israel đầy tớ Người (người ta thấy rồi!). Người sẽ nhớ lại lòng thương xót của Người (thế tại sao lúc này Người lại để bao trẻ thơ bị giết chóc, bao gia đình bị tàn phá cách man rợ như thế?). Đối với chúng ta, tất cả những chuyện đó đã trở thành quá tự nhiên: vì chúng ta đã coi ngày các trẻ nhỏ bị tàn sát như một ngày lễ. Thành thử dễ hiểu lắm! Nhưng xưa, chính lúc ấy, nó đâu có phải là một ngày lễ.

Trong chúng ta, ai cũng muốn mình làm được những việc vĩ đại. Nhưng Ma‑ri‑a lại chỉ an phận để Chúa làm những việc vĩ đại nơi mình. Và Chúa đã làm những việc vĩ đại trong buồn khổ, đau đớn của nữ tá Người. Và Nàng đã bền bỉ chịu đựng đến cùng. Nàng đã tin như thế là hay, tin Chúa biết hơn Nàng. “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Người cũng cao hơn đường lối chúng ta bấy nhiêu, và do đó, tư tưởng của Người cũng cao hơn tư tưởng chúng ta bấy nhiêu”.

Mọi chuyện trôi qua như thế bao mươi năm. Mà đích thị là ba mươi năm chẳng xảy ra một điều gì khác lạ. Ba mươi năm phải sống bằng đức tin, ba mươi năm phải chế ngự mình, ba mươi năm Nàng phải luôn tự hỏi tại sao không có gì khác lạ xảy ra cả, ba mươi năm Nàng phải tự hỏi xem có thể có gì xảy ra không?… Trong quyển sách kiệt tác “Vie de Jésus”, Fr. Mauriac đã hình dung Đức Trinh Nữ luôn luôn nhớ lại mũi gươm nhọn đe doạ mà ông Siméon đã báo trước cho Nàng. Và nhiều lúc, Nàng tự hỏi xem cái đau khổ báo trước kia phải chăng đành chịu suốt đời làm con người độc nhất chứng kiến Tình Yêu vô biên kia. Thiên Chúa sống nơi đây, và chỉ có một mình Nàng để canh thức, để làm ngọn đèn chầu. Và Nàng đã không hở môi: Nàng không chạy đi báo tin cho bà con lối xóm. Nàng im hơi lặng tiếng. Nàng tin: Nàng tin rằng Chúa có thể cứu nhân loại… bằng cách im hơi lặng tiếng, cũng như các tông đồ đáng lý phải tin rằng Chúa vẫn có thể cứu họ – đang khi Người ngủ. Nàng đã bền bỉ kiên gan, Nàng đã tin tưởng, Nàng vẫn an phận trong tù ngục của Nàng, trong tù ngục của đức tin. Và còn hơn thế nữa, vì chỉ chấp nhận thôi, chưa đủ. Nàng đã tiếp tục hy vọng, phải tin tưởng rằng thất bại chỉ là lớp vỏ bên ngoài, thất bại chính là những dấu hiệu dành riêng cho đức tin, báo trước những chiến thắng lạ lùng của tình yêu Thiên Chúa. Sự nhẫn nhục với số phận không bao giờ có thể gọi là đức tin được. Zacharia đã “đành chịu” không có con: bạn biết câu chuyện của ông đã xảy ra như thế nào rồi chứ? Phải đợi đến lúc mà trong những ngày tàn của tuổi già, ông đã biết trông đợi tất cả nơi Thiên Chúa. Sự tin tưởng trung thành thật sự, không phải là câu nói: chuyện đó có vẻ thất bại; nhưng là phải nói: chuyện đó đã thành công. Chuyện đó, mặc dầu có vẻ không xảy ra, nhưng sẽ xảy ra… bằng một kiểu khác, một cách thức khác. Tôi không hiểu là thế nào, tôi không hiểu tại sao, tôi không thể hiểu được. Nhưng tôi tin tưởng vào lời Chúa nói! “Những kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được, kẻ què chạy nhảy được, những người phong cùi được nghe giảng Phúc âm…” trong tù thánh Gioan luôn luôn lập đi lập lại câu đó. “Người sẽ lớn lên, Người sẽ là Đấng Cứu thế, Nước Người sẽ không bao giờ cùng, không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được…” Ngày lại này, ở Nazareth, nơi Chúa Giê‑su vẫn lặng yên, Ma‑ri‑a vẫn lập đi lập lại như thế.

Lúc Chúa lên mười hai, Phúc âm thuật lại Chúa Giê‑su đã trả lời khá ngắn ngủi rằng Người phải lo việc của Cha Người… “cha mẹ không hiểu lời Người nổi”, nhưng Ma‑ri‑a đã hiểu rằng mình không hiểu. Nàng bằng lòng chấp nhận không hiểu. Sự đòi hỏi của Chúa thật kinh khủng trong những vấn đề có liên hệ đến đức Tin, đức Cậy, lòng tin tưởng phó thác. Các thánh là những người đã chấp nhận tin không cần hiểu. Cha Charles de Foucauld đã nói: “Tôi cần phải bám chặt vào đức tin, và tôi cũng không biết rằng Chúa có thương tôi hay không, vì Người không nói điều đó với tôi bao giờ”. Ở tầm mức Ma‑ri‑a và Charles de Foucauld, Người sẽ chẳng bao giờ nói điều đó nữa. Với chúng ta, thỉnh thoảng Người sẽ còn nói điều đó.

Chắc bạn đã có dịp suy gẫm câu chuyện xảy ra ở Đền Thánh? Tôi thiết tưởng những lời Chúa Giê‑su thưa với song thân Người, đã làm bạn khó chịu. Câu chuyện một đứa bé bỏ cha mẹ ba ngày, đến lúc mẹ nó gặp lại, bảo nó cách êm ái: “Này con, sao con làm cho cha mẹ buồn rầu như thế? Cha con và mẹ đây đã đi tìm kiếm con, buồn rầu hết sức!” Nó lại trả lời: Tại sao cha mẹ lại đi tìm con? Cha mẹ không biết…? Chúng ta sẽ nghĩ: dẫu sao Người cũng phải tìm ra được lời nào dễ nghe hơn thế để thưa lại chứ!

Nhưng, nghĩ như thế, vì chúng ta chưa hiểu chút nào hết! Từ lúc chịu phép cắt bì đến giờ, đó là lần đầu tiên (Chúa đã lên mười hai tuổi). Người hành hương đến Đền thờ. Vào thời đó, trong những dịp lễ, Giêrusalem là nơi mang nặng một bầu khí sùng bái cuồng nhiệt. Từ ngoài xa, người ta đã nghe được tiếng kèn tiếng trống. Những người hành hương đổ về trong câu ca tiếng hát. Chúa Giê‑su ở trong Đền thờ. Một nơi mà lần đầu tiên trong đời, Người cảm thấy dễ chịu, sung sướng, thoải mái, một nơi mà tất cả là thờ phượng, cung kính, là cảm tạ, hiến dâng. Vì thế, Người ở lại đó trong kinh ngạc; tâm hồn lâng lâng bay lên, Người không còn để ý đến ngoại cảnh nữa. Khi tất cả mọi người ra đi rồi, Người vẫn còn ở lại. Và ba ngày sau đó, lúc người ta đến kiếm Người, Người đương như vừa mới ra khỏi một giấc mộng. Và Người nói: “Ồ… các người đã bỏ ra về rồi sao? Như thế mà các người bỏ đi được à? Và tại sao lại tìm tôi? Các người tưởng tôi có thể ở nơi nào khác hơn nhà Cha Tôi được sao?” Cũng giống y như bạn… một ngày Chúa nhật kia, cả gia đình cùng đi dự lễ và anh chàng, cô nàng – chính bạn, hay anh chị em của bạn – đã ở lại, say sưa trong những phút cám ơn. Hai giờ sau, ở nhà, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi: “Nó đâu rồi?” Và đủ mọi giả thuyết được đưa ra: “Chắc nó còn la cà gẫu chuyện đâu đó, chắc nó ở nhà thằng bạn kia… Có lẽ nó đang mải vui chơi…” Nhưng, sau hai giờ chờ đợi nữa, tất cả mọi người bắt đầu thấy lo. Cả nhà rộn lên, và cuối cùng bắt đầu chạy đây đó. Mãi sau cùng, có người nảy ra ý nghĩa: “Con nhỏ ấy cũng trái tính, lạ đời lắm đấy, hay thử đến nhà thờ xem…?” Và đúng y như vậy, người ta bắt gặp cô nàng đang ở đó. “Ê, nãy giờ mày ở đâu? Tại sao không báo trước cho người ta?” Và cô ta trả lời: “Các cũng đã về rồi sao? Sao các người có thể về sớm thế được? Ở đây các người không cảm thấy thích thú sao? Ở nhà Cha mà các người không cảm thấy vui sao? Làm sao các người lại có thể tưởng tôi ở nơi nào khác được? Sao các người lại không nghĩ rằng riêng vẫn ở trong nhà Cha? Tôi lại không thích ở nhà Cha tôi sao?” Nhưng họ ngạc nhiên, chưng hửng ra… Họ không hiểu.

Những bước đầu rất cam go đối với Ma‑ri‑a và Giu‑se. Khi Chúa Giê‑su ra đi khởi sự đời sống công khai của Người, lại càng “tệ” hơn nữa. Những lời cứng cỏi nhất của Chúa Giê‑su mà Phúc âm đã ghi lại là những lời Người nói với Mẹ Người. Ở Cana: “Này Bà, hãy để kệ Tôi. Giờ Tôi chưa đến”. Một ngày khác, người ta đến thưa với Người: “Mẹ ông và anh em ông đang tìm ông ngoài kia”. Bạn tưởng Người đứng dậy liền sao? Người nhìn những kẻ đang nghe Người giảng và nói: “Ai nghe lời Thiên Chúa, kẻ ấy là cha Ta, mẹ Ta và là chị em Ta”. Một bà mẹ mà nghe con mình nói như thế chắc phải lấy làm buồn tủi lắm. Chúng ta không nỡ lòng nào nói như thế với mẹ chúng ta. Nhưng Ma‑ri‑a thì sẵn sàng. Ma‑ri‑a làm tôi tá là như thế. Ở vào địa vị Ma‑ri‑a, các người khác sẽ ưỡn ngực khoe khoang: “Chắc rồi. Phải, tôi đây… là cha… là mẹ, là anh… là chị… là em Người đấy.” Còn Đức Trinh Nữ nhỏ hèn đáng thương kia vẫn đứng im phía sau, tự nhủ: “Phải để cho Người làm tuỳ ý. Phải nhẫn nhục. Người muốn như thế!”

Bên đường Chúa đi qua, có mấy người đàn bà nói: “Hạnh phúc thay kẻ cưu mang Người, hạnh phúc thay kẻ đã nuôi dưỡng Người…” Họ không hiểu gì hết. Những liên hệ thể xác kia không ăn thua vào đâu hết; làm mẹ, làm con theo xác thịt kia không có nghĩa gì hết. Không phải chỉ những người sống cùng thời với Người mới được hạnh phúc đâu. “Kẻ nghe theo và tuân giữ lời Thiên Chúa, kẻ nào tin, kẻ ấy mới thật hạnh phúc”. Chỉ một mình Ma‑ri‑a hiểu rõ được cái ngôn ngữ đó. Chỉ một mình Ma‑ri‑a biết được cái “hạnh phúc” đó, biết từ lâu rồi. Nàng đã trung thành. Và Nàng đã thấy mang máng rằng như thế là Nàng đã thực hiện được sự kết hiệp chặt chẽ nhất với Con Nàng, như thế là Nàng đã chuẩn bị cho một sự kết hiệp hoàn toàn. Tất cả những gì người lấy đi khỏi Nàng. Nàng coi đó là một sự giải thoát mà Người thêm cho Nàng. Đó chính là lúc Con Nàng bắt đầu giúp Nàng bước tiến lên, ngay từ bây giờ, tất cả những bậc thang của núi Sọ, đó chính là lúc Con Nàng giúp Nàng lột bỏ khỏi thiên chức làm Mẹ của Nàng là những gì quá nhân loại, quá xác thịt, nghĩa là những gì có phần chủ hữu, có phần độc quyền. Người đã tháo gỡ cho Nàng, nghĩa là đã làm cho Nàng xứng đáng với Người.

Chúa Giê‑su đã nói với Ma‑ri‑a những lời cứng cỏi nhất, vì Người biết rằng chỉ nơi Ma‑ri‑a Người mới có thể đưa ra được những đòi hỏi gắt gao nhất của Người, vì Người muốn Ma‑ri‑a phải giống Người nhất. Và Ma‑ri‑a cũng biết rằng những đòi buộc kia, những lời nói kia chỉ là dấu bên ngoài chứng tỏ sự hoà hiệp sâu xa giữa Người và mình, và mặc dầu chỉ là thân gái thơ ngây, Ma‑ri‑a đã hiểu thế nào là vâng lời… và bên kia sự đau khổ của mình, Ma‑ri‑a đã nhìn thấy và vui vẻ tiếp nhận sự gần gũi kia, sự giống nhau kia, sự đồng hoá với Người, sự đồng hoá đã là nguyên nhân cho nỗi đớn đau của mình. Ma‑ri‑a không bao giờ lấy làm khó chịu, bất mãn. Nàng luôn tin rằng như thế là tốt, Nàng luôn chấp nhận; và do đó – trên núi Sọ – vì Chúa muốn nâng Ma‑ri‑a lên như thế cho giống Người hơn trong hy sinh, trong tinh luyện với Người, Ma‑ri‑a đã nổi bật giữa cảnh yên lặng, làm con người độc nhất xứng đáng đứng bên cạnh Người.

Trên núi Sọ, Ma‑ri‑a đứng đó. “Phúc cho những ai nghe và tuân giữ lời Chúa…” Lúc này… tất cả những “anh em”, “chị em” của Người cách đây vài tháng… tất cả đều lánh mặt đi hết!! Tất cả những ai vỗ ngực, vênh mặt khi nghe lời Chúa. Chỉ còn lại độc có một người, một mình con người đã bị đau khổ vì lời nói kia, con người mà lời đó đã sâu xé tâm can như một lưỡi dao nhọn, Nàng đứng đó một mình. Bao giờ cũng thế. Chỉ những ai lúc đầu cảm thấy đau khổ vì lời Chúa, mới tuân giữ lời Chúa. Lời Chúa chỉ sinh hoa kết quả nơi họ, vì họ là người duy nhất chị để cho lời Chúa chạm đến, Ma‑ri‑a đã ghi giữ lại bài học. Phúc thay, không phải cho người mẹ, người chị, nhưng cho người nào nghe và tuân giữ, cho người nào tin tưởng, cho người nào biết kiên gan bền chí. Và lúc ấy, Nàng đứng đó!

Và tôi tin rằng Nàng vẫn luôn lập đi lập lại, mặc dầu không hiểu, tiếng “Fiat” của giây phút đầu, tiếng Fiat của ơn kêu gọi của mình và của sự trung thành đáp lại tiếng gọi đó, tôi tin rằng Nàng đã phải bám víu vào đó chặt lắm. Bạn thấy không: đó là một mầu nhiệm không thể hiểu được, một thứ xung khắc, bên ngoài, giữa hai nhân vật mà Nàng thương mến nhất đời: Chúa Cha và Chúa Con… “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ Con?”, một tiếng kêu rứt xé tận gốc rễ lòng tin, lòng cậy của Nàng… Nhưng, tận trong đáy lòng trung thành của Nàng, Nàng vẫn tin rằng thế là tốt, thế là phải, chuyện như thế phải đến, Chúa có lý.

Mặc dầu không hiểu chuyện đang xảy ra, Nàng vẫn chấp nhận tất cả, đồng ý tất cả, đáp ứng tất cả, Nàng đứng đó để tế lễ hy sinh tột cùng và để một lần nữa thưa lại với Chúa, lần này không phải chỉ: “Này là tôi tá Chúa” (như thế cũng còn dễ), nhưng là để nói lên: “Đây, Con của Con là tôi tớ Chúa, xin tuỳ ý Chúa định liệu…” Trong đời Nàng, đã có một tiếng “Fiat” sau cùng này mới đáng giá thực sự. Nàng đã thật sự thành “Người Mẹ Núi Sọ”, vì người ta chỉ thành mẹ thật sự khi nào người ta thông ban sự sống, khi nào người ta đáp ứng tất cả mọi ý nghĩ, ước muốn và sứ mạng của đứa con mình. Ở núi Sọ, Nàng đã sinh Người ra trong việc cứu chuộc của Người, trong công cuộc của Người, trong sứ mạng của Người. Nàng đã đồng ý và Nàng đã trở thành Mẹ trọn vẹn. Chính đó là điểm cốt yếu trong đời sống của Kẻ đã gặp Chúa thực sự nhất, cách hoàn hảo nhất.

Chúng ta là những người đang tìm cách để gặp Chúa. Thử hỏi chúng ta có thể nhận ra Người trong cuộc sống đó không? Trong một cuộc sống hết sức nghèo nàn và hết sức va chạm, hết sức đau khổ và hết sức phiền toái như thế không? “A! Phải chi tôi được sống cuộc đời của Đức Trinh Nữ!…” Bạn đã được sống cuộc đời của Đức Trinh Nữ rồi đó. Mỗi người trong các bạn là một người tôi tá của Chúa. Nơi tôi tá ấy, Chúa ước ao thực hiện những việc trọng đại.

Trong những lúc gặp gỡ giữa bạn và Đức Trinh Nữ, điều tai hại nhất là bạn đã đặt Người lên một bệ cao; để rồi nhìn xem Người hoàn toàn khác lạ, vượt hẳn trên chúng ta. Nếu vì quá ngợi khen Người mà chúng ta đã đưa Người lên quá xa với chúng ta: thì như thế là chúng ta đã huỷ diệt tất cả sứ điệp của Người rồi đó. Ma‑ri‑a không phải chỉ là môn đồ trang sức của Thiên Chúa, nhưng còn hơn thế nữa. Ma‑ri‑a là Mẹ, là Mẹ chúng ta. Điều Ma‑ri‑a ước muốn là có những đứa con, con trai, con gái, giống Người. Biết chấp nhận sống như Người, làm tôi tớ Chúa.

Thiên Chúa sẽ không phải là Cha, nếu Chúa không có con. Vinh quang của Chúa Cha là có nhiều con, là các bạn sinh hoa kết quả. Bắt đầu từ ngày Chúa làm Cha, Người đã khởi sự đặt tất cả hạnh phúc của Người vào việc làm cho các bạn trở thành những đứa con giống Người. Và từ lúc mà Đức Trinh Nữ Ma‑ri‑a chấp thuận làm Mẹ của bạn, Người chỉ còn có một cao vọng, một ước muốn: đó là có những đứa con, trai, gái, giống như mình. Một người Mẹ đặt tất cả niềm vui của mình vào đó: Có những đứa con giống mình. Và tôi tin chắc rằng lời Thánh Têrêsa Hài Đồng xin Chúa cho mình thương Chúa như bao giờ có ai thương Chúa như thế, thật ra, là một lời nguyện do chính Đức Trinh Nữ soi sáng. Bởi vì, nếu trái tim của một người mẹ mà có ấp ủ một ước muốn bền bỉ, sống động nào, thì ước muốn đó phải là ước muốn cho các con mình tiến lên xa hơn mình. Và đó chính là ước muốn duy nhất của Đức Trinh Nữ. Người chỉ xin có thế. Trước khi chết, Chúa đã nói: “Các con sẽ làm những việc còn vĩ đại hơn chính những việc Ta đã làm”. Bạn nghĩ Mẹ có thể ước ao khác hơn Con nữa sao? Ma‑ri‑a, con người Ma‑ri‑a là một sự đồng ý liên tục với kế hoạch của Thiên Chúa. Người là tôi tá của mọi ân sủng Chúa, tuân theo mọi ý định của Chúa, không thể tách rời Người ra khỏi những gì Chúa muốn, Chúa nói, Chúa làm được.

Người bước và đời sống chúng ta trong cùng một thái độ ấy. Người muốn hoàn thành chức vụ làm Mẹ của Người với cùng một thái độ ấy. Người không muốn làm bà hoàng cai trị trên một bầy tôi: Người muốn làm một người Mẹ giữa đoàn con vây quanh và giống Người. Người ta sẽ không tha thứ cho bạn nếu bạn không mang lại cho Thiên Chúa, cho Mẹ Ma‑ri‑a cái vinh hạnh, cái hãnh diện nầy: đó là biết tin tưởng nơi Người: là hy vọng nên giống Người. Nếu không, có thể nói được là bạn đã chối bỏ thiên chức làm Mẹ của Người. Bạn đã chối bỏ như thế mỗi khi bạn giả bộ khiêm nhường. Bạn đưa Người ra ngoài như người mẹ, cô độc, son sẻ… Bởi vì “tôi không bao giờ được đâu”… Nếu Người là Mẹ, thì việc sinh ra bạn là nỗi vui mừng của Người, Người mẹ chỉ có nỗi vui mừng đó thôi, là sinh ra con cái. Một người mẹ bao giờ cũng rất nhẫn nại… Người muốn dạy dỗ, Người muốn chỉ bảo. A! Bạn cho là tội lỗi của bạn đã làm cho Người nản lòng? Đã là mẹ, thì không biết mệt. Người càng có dịp giúp đỡ, săn sóc, thì Người càng vui thích. Đứa con khó nuôi bao nhiêu, Người càng chứng tỏ thiên chức làm mẹ bấy nhiêu. Những đứa con chậm lớn nhất, lại minh chứng được tình thương của người mẹ nhiều nhất. A! bạn có thể tự đặt mình vào bất cứ hoàn cảnh nào, bạn chỉ càng làm cho Người săn sóc tới bạn nhiều hơn. “Nhưng tôi, tôi không được những đặc ân mà Người được!” Người cũng chẳng được những đặc ân mà bạn được. Người chỉ có thể mang Chúa trong lòng có chín tháng. Còn bạn… bạn có thể rước Chúa cả đời bạn. Bất kỳ lúc nào bạn muốn. Hồi xưa, Người không có thể rước lễ như bạn ngày nay. Người vô nhiễm nguyên tội ư? Bạn đã được rửa sạch khỏi nguyên tội. Và mỗi lần tới toà giải tội, là mỗi lần bạn được rửa sạch tội, bạn được đổi mới trở lại. Bạn có tin vào sự tha thứ của Chúa không? Có lẽ, bạn nghĩ, Chúa tiết kiệm lắm… Và ban ơn ít chừng nào hay chừng ấy? Cho đây một nhúm, kia một nhúm? Đức Trinh Nữ đã được lãnh nhận no đầy; Chúa chỉ rộng rãi có một lần đó thôi sao?

Ma‑ri‑a, mỗi ngày, đều phải sáng chế tiếng “Fiat” của mình. Mỗi ngày, Ma‑ri‑a lại phải khởi sự nhận ra Chúa trong đời mình một cách khác xa với điều Người đã ước đoán trước. Đó đúng là điều chúng ta phải làm. Chúng ta không bao giờ nhận ra Chúa hoàn toàn được. Chúa làm chúng ta vỡ mộng luôn, chúng ta luôn bất nhẫn, khó chịu. “Phúc cho kẻ đã tin…” Người là Mẹ chúng ta: là Kẻ đã tin. Chúng ta sẽ không bao giờ được yên thân đâu, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi lời đề nghị, lời thôi thúc dịu dàng kia, lời mời mọc liên lỉ kia.. mời gọi phải nên giống Người, phải trở nên con cái của Người. Không bao giờ chúng ta có thể làm cho Người thất vọng vì đã nhận làm Mẹ chúng ta. Người sẽ luôn nhắc nhớ chúng ta: là chính Người, không phải Người đã được hiểu Chúa luôn luôn từng giây từng phút đâu, nhưng Người đã luôn luôn thưa vâng, Người đã luôn luôn chấp nhận, Người đã không bao giờ thôi ngợi khen. Người sẽ ngợi khen mãi mãi – vĩnh viễn – những sự trọng đại mà Chúa đã thực hiện trong sự thấp hèn nhỏ bé của người tôi tá Chúa.

Chúng ta cũng thế. Chúng ta phải làm sao để, một ngày kia, cũng có thể hát lên bài Magnificat với Người. Chúng ta chỉ có thể lên Thiên đàng, nếu chúng ta biết hát bản Magnificat. Nếu một ngày nào đó chúng ta đã biết chấp nhận ngạc nhiên, ngợi khen những sự vĩ đại mà Chúa đã làm trong sự thấp hèn của các tôi tá Người.

Previous articleHÃY YÊN TÂM ! THẦY ĐÂY ĐỪNG SỢ !
Next article“Các con xứng đáng yêu và được yêu” – Đức Phanxicô nói với người trẻ WYD