Những cảnh đời sau kính hậu.
Tôi gọi chiếc taxi sau khi rời đám cưới của thằng em kết nghĩa. Trời Sài Thành đang mưa.
Hồi nó qua Nhật mới 15, 16 tuổi, thông minh nhưng không có điều kiện đi học. Ở trại tị nạn 3 năm ra đi làm luôn, tự học bằng những cuốn truyện tranh manga. Sau đó nó di dân qua Úc, bẵng đi gần 10 năm, xấp xỉ tuổi 40 mới về VN lấy cô bé quen biết với gia đình. Thật tình cờ, tôi cũng về quê trong dịp này nên được đi dự đám cưới của nó, anh em bao nhiêu năm gặp lại đủ thứ chuyện để hàn huyên.
Lòng còn lâng lâng men nồng, tôi nhảy lên chiếc xe mới biết tài xế là một phụ nữ qua giọng nói. Tôi cũng chẳng nhìn gương mặt cô ta, trả lời cái tên khách sạn gần AEON Tân Phú cho cô chạy.
7,8 năm trước đây, phụ nữ lái taxi vẫn còn là hiếm ở VN đối với tôi. Đương còn dài nên tôi bắt chuyện.
-Chạy về AEON thế nào cũng đi ngang nghĩa địa Bình Hưng Hòa, chị không sợ hả?
-Dạ thỉnh thoảng cũng sợ chứ anh, có lần chở khách xong quay về, đã hơn 12 giờ khuya, dù đường vẫn còn người đi qua lại đó nhưng có cảm giác như ai đang ở trong xe mình, không dám nhìn ra đằng sau chỉ cắm đầu chạy cho lẹ.
-Hình như chị không phải người ở đây.
-Đúng rồi anh, em quê Phú Yên, vào Nha Trang ở thời gian rồi bỏ vô Sài Gòn lập nghiệp. Nói lập nghiệp cho oai chứ em đi làm thuê, ai mướn gì em làm ấy.
Tôi không nói mình thân phận từ nước ngoài về cho chị tự nhiên. Chỉ bâng quơ…
-Vậy giống tôi, sinh ở Nha Trang rồi đi tứ xứ. Mà cô thân một mình vào đây hả hay đi với ai? Trời mưa lớn cô cứ chạy từ từ, tôi không có gì vội.
-Em vào một mình, lúc đó em đã có chồng, nhưng có cũng như không. Người ta mai mối qua ba má, làm dâu cho một gia đình khá giả ở Nha Trang, nhà em thì không đủ ăn đủ mặc. Em nghe lời ba má với hy vọng có cuộc sống hạnh phúc, nhưng em lầm. Người ta không quan tâm gì tới em, chỉ một tháng anh ấy không còn ở nhà, nghe mong manh đi sống với ai khác. Không thấy tin tức gì. Ở thấy ngột ngạt không khác gì con ở, em bỏ đi, sau đó biết mình mang bầu.
Tôi chăm chú theo dõi câu chuyện của chị tài xế. “Trời! rồi sao chị sống ở mảnh đất Sài Gòn này được khi trong bụng có cái bào thai”!
-Vào Sài Gòn một buổi tối trời mưa như đêm nay 18 năm trước, bụng đói em khuỵu chân trước một cửa nhà gần ga xe lửa. Thấy tiếng động chủ nhà mở cửa, hai ông bà có tuổi hỏi han. Em thật tình kể chuyện mình, ông bà cho ăn xong nói: -âu cũng là cái duyên, hay con ở đây giúp việc cho ông bà, không có lương lậu gì đâu, có gì ăn đó; lúc nào con tìm được việc làm thích hợp rồi muốn đi đâu tùy con.
Em chỉ cần có vậy, từ đó em sống với ông bà, được biết hai ông bà từng là giáo viên nhưng đã nghỉ dạy; có con đi ngoại quốc gởi tiền về nên cuộc sống không đến nỗi nào. Con gái em sinh ra cũng được ông bà chăm sóc coi như cháu. Năm lên cấp 3, ông bà bảo em: “Con gái con cũng lớn rồi, con cũng cần cuộc sống độc lập, tìm công việc gì làm để nuôi con, ông bà cho con miếng đất nhỏ, coi như tiền công của con giúp việc nhà cho ông bà mười mấy năm qua. Sẽ cho con mượn tiền cất căn nhà nhỏ 2 mẹ con ở, lỡ lúc ông bà mất thì cũng có chút tài sản của mình.
Cuộc đời em gặp hai ông bà giáo Sài Gòn như là chuyện cổ tích. Có thể anh không tin nhưng đó là sự thực. Được cái con gái em rất ngoan, thương ông bà ngoại nuôi lắm và học giỏi, năm nay nó tốt nghiệp cấp 3, em ráng làm cho nó vào đại học.
-Chị không nghĩ tới chuyện tìm lại cha của cháu hả?
-Không anh, người ta đã bỏ mình thì đâu còn ý nghĩa gì, với lại họ không biết có giọt máu trong bụng em. Thôi cứ như thế này mà em hạnh phúc. Ở với ông bà giáo em ngộ ra nhiều điều, mình sống tốt sẽ nhận lại điều may mắn.
Câu chuyện làm tôi nghĩ tới cái tình người Sài Gòn như hai ông bà giáo, xưa nhiều nay hiếm; đúng là chuyện cổ tích của đời thường.
Chiếc xe dừng lại trước khách sạn, tôi rút ra 1 triệu gởi chị, nói là làm quà cho cháu mùa thi. Chị rơm rớm nước mắt. Trời Sài Gòn vẫn đổ mưa, tôi nhớ tới buổi tối Chị lê lết đi tìm một chỗ trú thân. Tôi cũng nhớ tới một đêm mưa bão tầm tã cuối tháng 6 đưa tôi rời quê hương tìm nơi nương náu mới.
st