Những điểm khác biệt chính giữa Công Giáo và Tin Lành
Họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa nhưng các yếu tố cơ bản trong đức tin của họ thì khác nhau. 500 năm sau cuộc Cải cách Tin Lành, vẫn còn đó những sự chia rẽ đau lòng giữa những người Tin Lành và những người Công Giáo.a
Ở Đức, cái nôi của cuộc cải cách Tin Lành, lòng thù hận hằn sâu đã gây ra sự chia rẽ giữa người Công Giáo và những người Tin Lành cho đến cách đây vài thập kỷ. Sự chia rẽ này đã trở nên nghiêm trọng hơn qua nhiều thế kỷ do các cuộc xung đột tôn giáo và chiến tranh.
Mọi chuyến bắt đầu từ khi cuộc Cải cách Tin Lành diễn ra cách đây 500 năm, khi ông Martin Luther (1483-1546) cố gắng cải cách Giáo hội Công Giáo. Nhưng nỗ lực của ông trong việc cải cách đã dẫn đến một sự phân ly trong Giáo Hội.
Ngày 31 tháng 10 năm 1517, sự kiện Martin Luther công bố Chín-Mươi-Lăm Luận Đề nêu lên những lạm dụng phổ biến trong Giáo hội, được xem như sự kiện chính dẫn tới sự chia rẽ ở nước Đức và sự ra đời của đạo Tin Lành.
Hòa giải thay vì tôn vinh các vị anh hùng
Từ năm 2016 đến 2017, năm tưởng nhớ về cuộc Cải cách Tin Lành đã cho thấy sự nổi bật của một cách tiếp cận mang tính toàn cầu. Trong quá khứ, các Hội Thánh Tin Lành đã tổ chức những dịp kỉ niệm trọng đại bằng cách tôn vinh Martin Luther như một vị anh hùng – nhưng trong những năm gần đây cách tiếp cận đó đã thay đổi.
Hội Thánh Tin Lành ở Đức (EKD) đã cố gắng thay đổi việc tổ chức “kỉ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành” thành một dịp để cùng với Giáo hội Công Giáo tôn vinh Chúa Kitô.
Trong nhiều sự kiện khác, cả hai bên đã tỏ lòng tôn kính đối với Martin Luther và đồng thời cũng nhấn mạnh ý chí vượt qua sự chia rẽ. Vào ngày 11 tháng 3 năm 2017, một sự kiện hòa giải đã được tổ chức ở trung tâm thành phố Hildesheim để cùng nhau kỉ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành.
Tượng đài kỉ niệm ông Luther ở thành phố Wittenberg, nơi bắt đầu của cuộc Cải cách Tin Lành.
‘Sự đa dạng mang tính hòa hợp’
Mục tiêu của cả hai bên trong những năm gần đây là nhắm đến việc hiểu nhau hơn và tìm ra những nền tảng chung giữa hai bên. Tuy nhiên, việc có hay không một Giáo hội mới thống nhất được thành lập thì vẫn còn rất xa để có thể nhận thấy được.
Để diễn tả mối quan hệ hiện tại, cả hai bên đều sử dụng cụm từ “sự đa dạng mang tính hòa hợp”. Còn nhiều những khía cạnh khác đã được cải cách bởi Luther Martin hiện tại vẫn là rào cản gây phân ly giữa hai nhóm tôn giáo này.
Dưới đây là 8 điểm khác biệt chính yếu:
- Cách hiểu về Thánh Kinh
Công Giáo và Tin Lành có những quan điểm khác biệt về cách giải thích và căn cứ của Thánh Kinh. Đối với các tín hữu Tin Lành, Luther Martin đã nói rõ rằng Thánh Kinh là “Sola Skriptura”, nghĩa là sách thánh duy nhất từ Thiên Chúa, mạc khải chính Ngài cho con người và cho phép con người đi vào sự hiệp thông với Ngài.
Nhưng người Công Giáo thì lại không chỉ đặt niềm tin mình trên nền tảng Thánh Kinh. Cùng với Tin Mừng, họ còn tiếp nối các truyền thống của Giáo hội Công Giáo Rôma.
- Cách hiểu về Giáo hội
Công Giáo và Tin Lành có quan điểm khác biệt về căn tính của Giáo hội. Cụm từ “Công giáo” có nghĩa là “đạo phổ quát” và Giáo hội Công Giáo tự nhìn nhận là Giáo hội đích thực duy nhất trên toàn thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng.
Trái lại, các Hội Thánh phân ly từ sau cuộc cải cách được gọi tên là “Tin Lành” có nghĩa là “Theo lời Phúc Âm” và không sáp nhập thành một Hội Thánh. Có khoảng vài chục ngàn Hội Thánh Tin Lành khác nhau trên toàn thế giới. Và tất cả những Hội Thánh này được xem là ngang hàng với nhau.
- Đức Giáo hoàng
Tin Lành không chấp nhận tư cách đứng đầu của một vị Giáo hoàng. Theo quan điểm của Tin Lành thì điều đó mâu thuẫn với những gì được tuyên bố trong Thánh Kinh.
Người Công Giáo xem Đức Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô Tông đồ, vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội được chính Chúa Giêsu tấn phong. Chức vụ Giáo hoàng được chứng minh bởi truyền thống tấn phong được cho là không thể phá vỡ từ thế kỉ thứ nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Dù răng nhiều người Tin Lành có cảm tình với Đức Giáo hoàng Phanxicô, họ vẫn thẳng thắn không chấp nhận thiết chế Giáo hoàng.
- Cách hiểu về các chức thánh trong Hội Thánh
Sự kế nhiệm, từ thời các Thánh Tông Đồ, là rất quan trọng đối với các chức thánh khác nhau trong Giáo hội Công Giáo. Với Bí tích Truyền chức, các Giám mục, Linh mục và Phó tế lãnh nhận một dấu ấn trọn đời từ Thiên Chúa, ban cho họ quyền cử hành các bí tích đối với giáo dân Công giáo. Và các chức vụ này chỉ giao cho những người nam.
Tin Lành không thánh hiến ai vào giáo vụ đặc biệt trong Hội Thánh nhưng chấp nhận nguyên tắc rằng chức tư tế có thể được trao cho bất cứ ai – ngay cả với người nữ.
- Thánh thể hay Mình Máu Thánh Chúa
Quan điểm của Công Giáo về chức thánh được phản ánh qua việc cử hành bí tích Thánh Thể, một nghi thức tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu cùng các môn đệ của người trước khi chịu chết trên thập giá. Khi được thánh hóa bởi vị linh mục nhân danh Chúa Giêsu, bánh và rượu sẽ trở nên Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Đồng thời những người ngoài Công Giáo không được tham dự vào nghi thức Rước Lễ.
Trong Hội Thánh Tin Lành, bất cứ ai đã lãnh nhận phép rửa đều được mời gọi chia sẻ và được cho phép tham gia cử hành việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly. Cách tiếp cận này không được Công Giáo chấp nhận.
Thêm nữa, Mình Thánh Chúa mang ý nghĩa khác nhau đối với người Công Giáo và người Tin Lành. Bánh Thánh, đối với người Công Giáo, là Thân Thể Chúa Kitô và vì thế họ có thể cầu nguyện với Mình Thánh ấy. Còn đối với Tin Lành, nghi thức này chỉ để tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
Đối với người Công Giáo, Bánh được thánh hóa thành Thân Thể Chúa Giêsu
- Các bí tích
Giáo hội Công Giáo Rôma có 7 nghi thức long trọng được gọi là 7 phép bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Hôn phối, Giải tội, Truyền chức và Xức dầu bệnh nhân. Giáo hội Công Giáo tin rằng các bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập và thông qua các bí tích họ được lãnh nhận Ơn Chúa.
Hầu hết các Hội Thánh Tin Lành chỉ cử hành hai trong số các bí tích trên, là: Rửa tội và tưởng niệm Bữa Tiệc Ly (tương tự bí tích Thánh Thể). Và các nghi thức này chỉ được xem như những nghi thức mang tính tượng trưng qua đó Thiên Chúa trao ban Lời Ngài. Và các nghi thức này được chấp nhận nhờ vào đức tin.
- Các tín điều về Mẹ Maria và sự thờ phượng các vị Thánh
Giáo hội Công Giáo Rôma tôn kính Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu, là “Nữ Vương Nước Trời”. Tuy nhiên, có rất ít những dẫn chứng Thánh Kinh minh nhiên làm nền tảng cho các tín điều của Giáo hội Công Giáo về Đức Mẹ Maria – gồm cả những tín điều như Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trin và Hồn Xác Lên Trời. Và đó cũng là lý do những điều này bị phủ nhận bởi những người Tin Lành.
Dù Tin Lành vẫn tin rằng Mẹ Maria là mẹ của Chúa Giêsu, nhưng không giống Công Giáo, họ không tôn kính Người.
Giáo hội Công Giáo cũng cử hành việc tôn kính các Thánh. Những tấm gương tử vì đạo, được Giáo hội Công Giáo tuyên phong là “thánh”, có thể giúp chuyển cầu các ý nguyện của người xin giúp giữ niềm tin của họ nơi Thiên Chúa. Hiện có hơn 4000 vị Thánh. Và phần thi hài của họ được gọi cách tôn kính là Thánh tích.
Hội Thánh Tin Lành thì lại cho rằng những sự tôn kính như vậy là không đúng theo Thánh Kinh. Theo quan điểm của cuộc Cải cách Tin Lành, mỗi người được mời gọi nên cầu nguyện cách trực tiếp với Thiên Chúa.
- Đời sống độc thân linh mục
Tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều chia sẻ một hình thức nào đó của đời sống khiết tịnh, lời khấn không lập gia đình hay không có các mỗi quan hệ tính dục. Công Giáo và Tin Lành cũng không ngoại lệ. Đối với Giáo hội Công Giáo, đời sống độc thân là bắt buộc đối với các linh mục. Điều này được xem như là dấu chỉ của người kế vị Đức Kitô.
Hội Thánh Tin Lành bác bỏ nghĩa vụ này của các linh mục. Martin Luther đã yêu cầu bãi bỏ luật này vào đầu những năm 1520. Chính Luther đã đưa ra một quyết định cá nhân dựa trên yêu cầu này vào năm 1525. Ông đã kết hôn với một người từng là nữ tu tên Katharina von Bora. Tuy ban đầu không chắc chắn về việc có nên kết hôn hay không, nhưng cuối cùng Luther cũng đã quyết định rằng “cuộc hôn nhân của ông sẽ làm hài lòng cha ông, sẽ chọc giận Giáo hoàng, làm các thiên thần phải cười và lũ quỷ phải khóc.” HP