Những điều bạn không bao giờ nên nói dối
Theo khoa học, chúng ta thường nói dối 1-3 lần trong ngày, chủ yếu do đam mê. Không phải lời nói dối nào cũng vô hại, đôi khi nó hại ngay chính chúng ta, nghiệp đến chỉ sau vài ngày, vài tháng chứ không chờ đến kiếp này kiếp nọ như ông bà thường nói.
5 mins read.
Trong nhiều tình huống, nói dối thật ra tốt cho mọi người. Nếu một cô gái hỏi bạn: “Anh thấy em cắt tóc này đẹp không?”, bạn buông lời tâm can: “Xấu quắc” hoặc “Nhìn như má anh” thì thật thảm họa cho dù bạn có yêu mẹ mình đến mấy. Những câu hỏi dạng này luôn dẫn đến phần ứng xử kém thật vì sự ổn định của xã hội.
Dù sao, rất khó tránh khỏi việc phải nói dối trong đời. Nhưng có vài điều bạn không nên flex bởi quả báo sẽ đến rất nhanh.
1. Nói dối về công việc
Chúng ta có thể cao hứng phóng đại về việc mình từng leo lên đỉnh Everest (thôi chết, hơi quá) hoặc đặt chân đến rừng Amazon. Nhưng bạn không thể flex CV của mình. Khi bịa ra “em biết chạy media”, bạn phải hiểu tình huống media chắc chắn sẽ ập đến. Lúc này bạn thực sự chạy, chỉ thiếu media.
2. Nói dối về ngoại hình khi hẹn hò online
Bất cứ việc hẹn hò online nào cũng sẽ dẫn đến offline. Vì vậy đừng nên chỉ trưng bày góc nhìn thần thánh qua nhiều lớp filter, một vẻ đẹp chết người. Hãy nghĩ xem, nếu bên kia cũng làm y như thế và lần offline đầu tiên diễn ra bàng hoàng khi cả hai đều muốn… chết thật. Trong hẹn hò, phù phép nhan sắc là bất thiện.
3. Nói dối rằng bạn yêu ai đó
Đôi khi chúng ta nhầm lẫn. Tuy nhiên, đừng bày tỏ rằng bạn cũng yêu một người dù bạn không có tình cảm đó, nó thật tàn nhẫn. Đừng cho ai bất cứ hy vọng nào, đừng dẫn dắt người khác (hoặc chính mình). Nếu không yêu hay không còn yêu, hãy thừa nhận và dũng cảm chấm dứt vì lợi ích của cả hai.
4. Lỗi lầm trong công việc
Khi bạn mắc phải một sai lầm ở nơi làm việc. Hãy nhận lỗi, nhận lỗi và nhận lỗi. Nếu bạn không thừa nhận hoặc tệ hơn, đổ cho người khác, quả nghiệp sẽ quay lại cắn bạn. Khi bị nghiệp cạp, bạn trông tệ hơn gấp 10 lần so với khi chịu trách nhiệm. Hãy làm những gì có thể để sửa chữa và học hỏi từ nó. Nên nhớ rằng kiểu gì thì sự thật cũng tìm cách lên tiếng.
5. Nói dối về tài sản
Việc làm này gây nghiện. Nhưng bạn có thể được tôn trọng bởi vì thông minh, giỏi giang, tốt bụng… chứ không nhất thiết phải giàu, giàu chỉ là cộng thêm thôi. Có nhiều kiểu gồng, nhưng gồng tài chính vất vả nhất. Hãy nhớ rằng xã hội luôn tồn tại một bộ phận chỉ chờ để cắn bọn giàu có huênh hoang vì đam mê. Chúng ta không nhất thiết phải làm con mồi.
6. Nói dối về việc làm từ thiện
Thật ra đây không còn là việc nói dối nữa, bạn đang tìm kiếm sự chú ý trên hoạn nạn của người khác. Có rất nhiều mất mát, đau khổ, nước mắt… nhưng bạn lại sử dụng chính điều đó.
Khi mắc lỗi lầm nhỏ, chúng ta phải tự sửa đổi. Nhưng khi cố tạo ra một sai trái quá lớn, vũ trụ sẽ tìm cách điều chỉnh. Vũ trụ rất giỏi trong việc trừng phạt.
Nhìn chung, nếu bạn không đủ cảm xúc thật sự trước những khó khăn của cộng đồng, hãy đứng sang một bên để người khác hành động. Việc đứng im như vậy cũng đủ tốt cho cộng đồng rồi, không nhất thiết phải ngứa ngáy trình diễn bất cứ thứ gì.
Vì sao chúng ta hay nói dối?
Trừ chuyện “kiểu tóc của em đẹp rụng rời”, đa số mọi người nói dối vì không muốn làm một người bình thường. Chúng ta cần thêm tài năng, tiền bạc, lòng nhân ái… để được đặc biệt hơn.
Thật không may, không phải mọi “lời nói dối vô hại” đều vô hại. Khi xạo, bạn nghĩ mình an toàn. Nhưng chưa ai có đủ trí nhớ tốt để làm một người nói dối tài. Người thông minh sẽ không nhìn vào những gì bạn nói, họ nhìn những gì bạn không nói, thế là sự thật phơi bày.