Những Ki-tô hữu đã hy sinh mạng sống
cho Đức Ki-tô năm 2017
Photo Khaled Desouki. AFP
Aleteia cung cấp một cái nhìn khái quát về một số vị tử đạo của thế kỷ 21.
Máu của các vị tử đạo tiếp tục là hạt giống cho những Ki-tô hữu mới vào đầu năm 2018. Đây là kết luận mà chúng ta có thể rút ra từ việc xem lại chứng tá của những người nam và nữ ở nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới đã đổ máu mình ra vì niềm tin vào Chúa Giê-su.
Dưới đây, chúng tôi đưa ra một danh sách những chứng nhân Tin mừng đương đại, những người trung thành cho đến giây phút cuối cùng.
Danh sách này chắc chắn không đầy đủ. Nếu độc giả còn biết trường hợp nào của các Ki-tô hữu nổi bật đã bị giết vì niềm tin vào Đức Ki-tô, xin cho biết tên của họ trong mục bình luận dưới cuối bài này, cung cấp nguồn tra cứu để chúng tôi lập tài liệu về trường hợp cái chết của họ.
1. Pakistan: Bị giết một cách tàn bạo ở tuổi 15 vì là người Ki-tô hữu
Tên của cậu là Sharoon Masih, và cậu mới chỉ 15 tuổi. Có một thời gian, cậu xin gia đình và thầy cô giáo cho phép cậu chuyển trường trong thành phố Burewala (gần Multan), thuộc miền nam Punjab, vì bạn cùng lớp của cậu đe dọa và bắt nạt cậu đủ cách chỉ vì một lý do: cậu là người Ki-tô hữu.
Ngày 30 tháng Tám, 2017, tình hình đi đến mức xấu nhất. Lần này, những học sinh trong lớp của cậu dùng bạo lực tóm lấy cậu và tách cậu ra khỏi những bạn còn lại trong lớp và đánh cậu.
Nhóm học sinh đó nói, “Hoặc là mày phải theo đạo Hồi, hoặc là chúng tao sẽ giết mày.” Trong quá khứ cậu đã từng bị đe dọa như vậy và lần này cậu vẫn giữ câu trả lời như mọi lần trước. Tuy nhiên, lần này môi cậu chỉ kịp mở miệng chuẩn bị nói chữ “không” thì một cơn mưa những cú đấm, cú thoi rơi xuống người cậu từ những bạn học điên máu.
Bị ảnh hưởng bởi sự cuồng tín thống trị ở một số môi trường Hồi giáo trong Pakistan, những cú đấm và đá trở nên mạnh hơn và nhiều hơn. Cơn thịnh nộ của đám học sinh được thỏa mãn.
Ít phút sau, cậu bé nằm bất động trên mặt đất. Các nhân viên của trường đưa cậu tới bệnh viện ở Burewala, nhưng bác sĩ không cứu được cậu và xác định là một vụ giết người dã man.
Câu chuyện về cái chết của cậu được đăng trên cơ quan thông tấn thừa sai của Tòa Thánh, Fides.org .
Mushtaq Gill, một luật sư Ki-tô giáo đảm nhận vụ việc, giải thích rằng cái chết của Masih là một ví dụ kinh hoàng về sự bách hại người Ki-tô hữu trong đất nước đó: “Bạo lực bắt đầu từ bài học trong nhà trường, vì thậm chí sách học của cấp tiểu học cũng kích động lòng thù hận chống lại những người không phải đạo Hồi.”
James Paul, một giáo sư người Ki-tô giáo Pakistan, chủ tịch “Hiệp hội Giáo viên Nhóm Người Thiểu số Pakistan” (PMTA), khẳng định rằng vụ sát hại này là một hiện tượng rõ ràng về sự bách hại người Ki-tô hữu trong đất nước của ông.
Hoàn cảnh của người Ki-tô hữu ở Pakistan — kể cả người Công giáo và Tin lành — là rất u ám: ngày 2 tháng Sáu, 2017, Irfan Masih, một công nhân người Ki-tô giáo, bị xỉu khi đang làm trong một xưởng may ở Umerkot, thuộc Lahore, đã tử vong sau khi một bệnh viện từ chối chạm vào thân thể bẩn của anh trong giữa tháng Ramadan, theo một bản tin của Fides.org.
Cũng trong đất nước đó, Asia Bibi vừa trải qua mùa Giáng sinh thứ chín đàng sau những song sắt của một nhà tù ở Multan, vì bị cáo gian đã báng bổ. Thật ra, cô chỉ đơn giản nói tên Chúa Giê-su khi đang giặt đồ cùng những người hàng xóm. Thật không may, trường hợp của cô không phải là hiếm. Có những Ki-tô hữu phải trải qua mùa Giáng sinh trong tù, nạn nhân của đạo luật báng bổ.
2) Bolivia: Một thừa sai trẻ tuổi Ba lan, mạo hiểm tất cả vì Đức Ki-tô
East News
Helena Agnieszka Kmiec, một cô gái 26 tuổi đẹp và tài năng người Ba lan, có một giấc mơ: dành trọn 6 tháng để giúp trẻ em ở Pacata Alta, trong Bolivia, và chia sẻ với các em gia tài lớn nhất của cô: tình yêu của Chúa Giê-su.
Giấc mơ của cô đã bị cắt ngang vào tháng Một năm trước, chỉ 15 ngày sau khi cô đặt chân đến, bởi 14 nhát dao đâm của hai người đàn ông mà sau đó bị tống ngục bởi tư pháp Bolivia.
Helena là thành viên của một cộng đoàn Công giáo Ba lan có tên Wolontariat Misyjny Salvator (“Sứ mạng Tình nguyện của Đấng Cứu thế”) ở Gliwice, Ba lan. Trên Facebook, cô chia sẻ niềm vui được đến Bolivia: “Ở đây đang là mùa hè; nhiệt độ 27ºC và người ta chào đón chúng tôi như chị em. Cochabamba sẽ là nhà của chúng tôi trong sáu tháng tiếp theo.” Đó là những dòng cuối cùng cô viết.
Bolivia: Mission Possible / Boliwia: Misja Możliwa / Facebook
Helena là nạn nhân của hai kẻ tội phạm tấn công cướp khu nhà ở của Dòng Tôi tớ Mẹ Thiên Chúa, nơi cô đang sống. Khi cô phát hiện ra những kẻ đột nhập, họ giết cô.
Lòng quảng đại của cô đã thúc đẩy cô trong những sứ vụ đến các quốc gia khác — Romania, Hungary, và Zambia — là những nơi cô để lại những kỷ niệm không quên của nụ cười và những giai điệu của các ca khúc cô hát và lối chơi đàn guitar, một sự âu yếm đích thật từ Thiên Chúa cho nhiều người đang cần đến.
Trường hợp của Helena cho thấy những thách đố mà các nhà thừa sai phải đối mặt trong Châu Mỹ La-tinh, một tiểu lục địa nơi mười một nhà thừa sai đã bị sát hại trong năm 2017 (tám linh mục, một tu sĩ, và hai giáo dân).
Đặc biệt, các linh mục đã phải trả giá rất cao do làn sóng mất an ninh làm đau khổ nhiều quốc gia Mỹ La-tinh. Ở Mexico, 4 linh mục đã bị sát hại trong năm nay; ba linh mục bị giết ở Colombia, 1 ở Brazil, và 1 ở Haiti.
Đáng buồn, những năm gần đây Mỹ La-tinh trở thành một nơi vô cùng nguy hiểm cho các nhà thừa sai. Không phải tất cả đều là những người tử đạo vì đức tin (vì có nhiều người thiệt mạng vì những tội phạm thông thường), cho dù vậy đa số đều tình nguyện hoạt động làm thừa sai, bất chấp những nguy hiểm rình rập.
3) Nigeria: Bị giết vì bom tự sát
AK RockefellerBoko Haram has fixed its sights on Christians in Nigeria.
Người Ki-tô hữu Nigeria trở thành những mục tiêu hàng đầu bị nhắm tới bởi nhóm Boko Haram, một trong những nhóm khủng bố Hồi giáo theo trào lưu chính thống đẫm máu nhất trên hành tinh.
Ngày 11 tháng Mười Hai vừa qua, những kẻ khủng bố đánh bom tự sát tiến đến cổng nhà thờ ở Pulka, thuộc đông bắc Nigeria — một nhà thờ đặc biệt tham gia vào việc cung cấp sự chăm sóc cho những người tị nạn hồi hương từ Cameroon.
Đài Phát Thánh Vatican cho biết, trong số những chiến binh Boko Haram tham gia trong vụ tấn công, có hai cô gái tuổi khoảng từ 19 đến 29 khi nhìn thấy anh Joseph Naga, một giáo lý viên lớn tuổi nhất, đã đến ôm anh.
John Manye, một giáo lý viên khác trong giáo xứ, và một trong những dự trưởng (chúng tôi chỉ biết tên gọi người dự trưởng này là Patrick) nghi ngờ chuyện chẳng lành xảy ra, tiếp cận và tìm cách giúp John.
Khi nhìn thấy phản ứng của các giáo lý viên, hai người phụ nữ kích nổ áo bom, sát hại những dự tòng ở gần các giáo lý viên này, họ đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm sắp tới của đức giám mục, ngài sẽ đến để ban bí tích cho họ.
Joseph, 56 tuổi và là cha của 11 người con, đã làm giáo lý viên từ năm 36 tuổi; Gio-an, 38 tuổi và là cha của năm đứa con, đã phục vụ làm giáo lý viên được mười năm. Patrick 27 tuổi, và vẫn còn là một sinh viên đại học.
Boko Haram, tổ chức thể hiện lòng trung thành với tổ chức được gọi là Nhà nước Hồi giáo, đã tuyên bố mục tiêu thiết lập luật Sharia (luật Hồi giáo) trong tất cả các bang của Nigeria. Người Ki-tô hữu trong đất nước đó, cả Tin lành và Công giáo, nằm trong số những nạn nhân chính của nhóm này.
4) Trung quốc: “Tử đạo sống”
Đức cha Phê-rô Thiệu Chúc Mẫn (Peter Shao Zhumin), Giám mục Ôn châu (tỉnh Chiết giang), vẫn đang bị công an giam giữ.
Họ là những “người tử đạo sống.” Năm 2017, nhiều giám mục và linh mục của Giáo hội Công giáo ở Trung quốc đã qua đời, sau khi chịu đựng những sự bắt bớ và nhiều năm lao tù hoặc lao động cưỡng bức.
Theo một báo cáo của Asianews.it, Đức Giám mục Lý Kiến Đường (Sylvester Li Jiantang), là giám mục giáo phận Taiyuan, qua đời ngày 13 tháng Tám ở tuổi 93. Ngài đã bị bỏ tù 14 năm (1966-1980) trong một trại lao động cưỡng bức. Sau khi được tấn phong giám mục, ngài dành phần lớn nỗ lực để tái khởi động lại chủng viện của giáo phận. Chính quyền địa phương phản ứng lại bằng cách đóng cửa chủng viện năm 2013.
Đức Giám mục Phao-lô Xie Tingxzhe, giám mục ở thành phố Urumqi, thuộc Tân cương, qua đời ngày 14 tháng Tám ở tuổi 86. Vào cuối thập niên 1950, lúc còn là một chủng sinh, ngài bị tống ngục vì từ chối không chịu thành lập Hội Công giáo Yêu nước Trung quốc, là tổ chức được điều hành bởi chính thể cộng sản.
Ngài bị buộc đi lao động cưỡng bức trong gần 20 năm (từ 1961 đến 1980). Sau khi được trả tự do, ngài được truyền chức linh mục, và năm 1991 ngài được tấn phong giám mục một cách bí mật. Ngài rất năng nổ và loan báo Tin mừng trên internet. Ngài cũng hướng dẫn một nhóm trò chuyện (chat group) trong đó ngài dạy những bài thánh ca bằng tiếng La-tinh cho bạn bè.
Theo một bản tin của Asianews.it, ngày 7 tháng Mười Hai, Đức cha Matthias Yu Chengxin, giám mục phó về hưu của thành phố Hán trung (trong tỉnh Thiểm tây) qua đời ở tuổi 90.
Ngài vào chủng viện năm 1956, và chủng viện bị đóng cửa hai năm sau đó, và hoạt động bí mật. Trong thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ngài bị quản thúc tại gia , và sau đó bị chuyển đi lao động cưỡng bức trong một trại tập trung. Ngài được tấn phong giám mục một cách bí mật năm 1989.
Ngày 9 tháng Sáu, Đức Giám mục Gio-an Liu Shi-gong qua đời ở tuổi 89. Ngài là giám mục của Tế ninh (Jining) thuộc Nội Mông, trong Trung hoa Lục địa. Được truyền chức linh mục năm 1956, ngài bị bắt đi lao động cưỡng bức trong suốt thời Cách mạng Văn hóa.
Đức Giám mục Casimir Wang Milu của thị trấn Khâm Châu (Tianshui), trong tỉnh Cam túc, đã qua đời ở tuổi 74 ngày 14 tháng Hai. Ngài trải qua hầu hết thời gian thừa tác vụ giám mục trong tù. Ngài được tấn phong giám mục trong bí mật năm 1981. Năm 1983, chính quyền bỏ tù ngài 10 năm.
Cuộc sống của các giám mục bí mật ở Trung quốc vẫn vô cùng khó khăn, và một số vị tiếp tục bị tước mất quyền tự do.
Ví dụ trường hợp của Đức Giám mục Thaddeus Ma Daqin, giám mục phụ tá Thượng hải, đã bị quản thúc tại gia từ năm 2012, vì tại lễ tấn phong giám mục ngài tuyên bố sẽ từ bỏ Hội Yêu nước do chính quyền điều hành.
Một ví dụ khác là trường hợp của Đức cha Phê-rô Shao Zhumin, Giám mục thành phố Ôn châu (Triết giang), đã bị công an bắt giữ suốt tám tháng. Ngày 11 tháng Chín, người ta nhìn thấy Đức Giám mục trong bệnh viện Tongren ở Bắc kinh để giải phẫu tai. Trong một thông điệp gửi bởi Wechat, ngài xin các tín hữu cầu nguyện cho ngài, nhưng đừng đến thăm ngài, vì các vấn đề an ninh.
Trường hợp của các linh mục bị tước mất quyền tự do ở Trung quốc còn nhiều hơn thế. Các ngài thật sự là những “người tử đạo sống.”
5) Philippines: Những công nhân hy sinh mạng sống để không chối bỏ đức tin
YouTube / Stephen Curry – Cha Teresito Soganub, trong một video được đăng tải trong thời gian ngài bị bắt giữ bởi Nhà nước Hồi giáo.
Họ bị giết vì không chịu đọc lời tuyên thệ shahada, lời tuyên thệ của Hồi giáo. Tám Ki-tô hữu đang làm chứng nhân cho đức tin trên đảo Mindanao của Philippine.
Sự tử đạo của họ đã được khẳng định bởi cuộc điều tra của chính quyền địa phương thực hiện sau sự hành hình man rợ, được thực hiện bởi những kẻ khủng bố thuộc nhóm Maute, cũng được gọi là Nhà nước Hồi giáo của Lanao, liên kết với Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Nhóm Ki-tô hữu là những công nhân xây dựng đi từ Marawi đến thành phố Iligan, và họ bị những kẻ khủng bố bắt giữ ở đây. Họ bị trói tay, và họ được cho lựa chọn: tuyên xưng niềm tin Hồi giáo thì được sống, hoặc chết.
Tám người Filipinos không chần chừ, và phó dâng linh hồn cho Thiên Chúa. Tiếng súng là âm thanh cuối cùng mỗi người nghe thấy trước khi họ ngã xuống đất. Xác của họ bị vất xuống một đường mương với một bảng chữ viết “Munafik,” nghĩa là những kẻ phản bội hoặc dối trá.
Chẳng bao lâu sau, cũng nhóm khủng bố đó bắt có linh mục Công giáo người Filipino, Teresito “Chito” Soganub (thường gọi là Cha Chito) trong nhà thờ chính tòa Thánh Mary của người Ki-tô giáo ở Marawi, cùng với 23 giáo dân Công giáo khác. Cha Chito rất nổi tiếng ở Mindanao với công việc thúc đẩy đối thoại giữa người Ki-tô hữu và người Hồi giáo. Sau đó những kẻ khủng bố đốt cháy nhà thờ. Sự bắt giữ linh mục, kéo dài 117 ngày, đã kết thúc nhờ hoạt động chống khủng bố của quân đội Philippine.
6) Ấn độ: Họ đã cảnh báo ngài: “Dừng ngay việc rao giảng Kinh Thánh.”
Đã nhiều lần người ta nói ngài phải dừng việc rao giảng Kinh thánh. Tuy nhiên, mục sư Sultan Masih, 47 tuổi, mục sư giáo hội Ngũ tuần ở Ludhiana, thành phố lớn nhất trong bang Punjab của Ấn độ, vẫn không dừng.
Theo tờ báo địa phương tường thuật hai người đàn ông trên xe máy bắn vào chân, vào mặt, và vào ngực mục sư, khi mục sư đang nói chuyện trên điện thoại bên ngoài nhà thờ.
Vị mục sư, hiện đang điều hành một trường học cho trẻ em nghèo, đã thực hiện sứ mạng tại nhà thờ đó suốt 20 năm. Mục sư có bốn người con, hai người là con nuôi.
Con gái 22 tuổi của mục sư, Alisha Masih, giải thích rằng cha của cô đã bị đe dọa nhiều lần qua điện thoại và trên internet. Tóm lại, họ lặp đi lặp lại, “Dừng ngay việc rao giảng hoặc chúng tôi sẽ giết ông.”
Rõ ràng việc sát hại mục sư đã được lên kế hoạch, vì những kẻ giết ngài đã nghiên cứu mọi hoạt động của mục sư và biết rõ khi nào mục sư ở trong tình trạng dễ bị tấn công nhất.
Cảnh sát Ấn độ và tình báo vẫn còn đang điều tra. Tuy nhiên, ngày 31 tháng Mười Hai vừa qua, tờ Times của Ấn độ giải thích rằng cảnh sát kết luận vụ sát hại này, cũng như những vụ khác xảy ra trong năm nay ở Punjab, đã được lên kế hoạch bởi Quân đội Hồi giáo, đặt trụ sở ở Pakistan.
Năm 2017 này là năm rất khó khăn cho cộng đoàn Ki-tô hữu ở Ấn độ, cộng đoàn chỉ chiếm 2,3 phần trăm dân số. Theo Persecution.org, chỉ trong sáu tháng đầu năm, có 410 vụ tấn công bạo lực chống lại các cộng đoàn Ki-tô giáo, hầu hết đều do những người theo trào lưu chính thống Ấn giáo thực hiện.
7) Bắc Hàn: Những người tử đạo vô danh
Kyodo/FOTOLINK Trường hợp của một công dân Hoa kỳ, Otto Warmbier, thuộc Do thái giáo, là một dấu hiệu bách hại tôn giáo khủng khiếp ở Bắc Hàn.
Nơi mà hoàn cảnh của người Ki-tô hữu gặp khó khăn nhất trên thế giới là Bắc Triều tiên, nhưng thật là một nghịch lý vì không thể nào biết được tên của những người Ki-tô chịu tử đạo và bị bắt bớ ở đó.
Theo một báo cáo về “những người Ki-tô hữu bị đàn áp vì đức tin trong khoảng giữa năm 2015 và 2017,” được phát hành bởi tổ chức giáo hoàng Trợ giúp Giáo hội Thiếu thốn, sự tự do cho người Ki-tô hữu đã hoàn toàn bị nghiền nát trong đất nước của Kim Jong-un.
“Ở Bắc Hàn, một nơi ngược đãi tàn nhẫn nhất — theo sự phân loại của báo cáo về đất nước được cai trị bởi Kim Jong-un — những hành động tàn ác không lời nào có thể mô tả nhắm vào người Ki-tô hữu, trong đó có sự tước đoạt lương thực và bắt buộc phá thai, đồng thời có những báo cáo về những vụ tín hữu bị cột lên thập giá và treo bên trên ngọn lửa. Còn những trường hợp khác bị đè bẹp bởi lực ép của hơi nước.
Báo cáo cho biết thêm, những người Ki-tô hữu bị bắt khi đang thực hành đức tin “mặc nhiên bị tống ngục và kết án tử, hoặc bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức, tra tấn, hành hạ, bỏ đói, hãm hiếp, cưỡng bức phá thai, và bạo lực tình dục.”
Báo cáo của Tổ chức Trợ giúp Giáo hội Thiếu thốn giải thích, “Hệ thống phân bậc xã hội ‘Songbun’ quyết định quyền được sử dụng hàng hóa và dịch vụ như lương thực, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe, dựa trên một trong 51 thứ hạng vị trí tình trạng công dân để xác định sự trung thành nhiều hay ít đối với chính thể.”
“Những người xếp ở những hạng mục cuối cùng được cho là thù địch với Nhà nước (người Tin lành bị xếp hạng 37, trong khi người Công giáo bị xếp hạng 39). Hệ thống này ưu ái cho sự phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo trong hệ thống cộng sản.”
Cái chết của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier tháng Sáu năm 2017 sau khi bị cầm tù ở Bắc Hàn kéo sự chú ý đến tình trạng của những người bị bách hại.
Chính thể này quy tội ác cho Ki-tô giáo, cho dù sự thật là Warmier theo Do thái giáo. Nhà nước tố cáo anh đã gỡ một tấm áp-phích chính trị treo trong khác sạn của anh, theo yêu cầu của một người bạn thuộc Giáo hội Liên hiệp Anh giáo.
Trong những cáo trạng chống lại Warmbier, chính phủ khăng khăng cho rằng Ki-tô giáo là một hiện tượng kỳ lạ.
Một cựu nhân viên an ninh Bắc Hàn tiết lộ với tổ chức Đoàn Kết Ki-tô giáo Toàn thế giới, một tổ chứng phi chính phủ, rằng chính phủ liên hệ Ki-tô hữu với Hoa kỳ, và xem những người Ki-tô hữu là những gián điệp nước ngoài, vì lý do đó họ phải bị đem ra xét xử.
Otto Warmbier trở về Hoa kỳ với tình trạng sức khỏe khủng khiếp, hoàn toàn không có ý thức, giúp cho thế giới hiểu rõ thêm một chút về những hoàn cảnh kinh hoàng mà các tù nhân phải đối mặt trong các trại tập trung ở Bắc Hàn.
Các nguồn tin nghiên cứu tình hình cho biết ba phần tư những người Ki-tô hữu bị quản thúc trong các trại tập trung đều chết vì những hình phạt kinh hoàng.
Tuy nhiên, tên của họ hoàn toàn bị che giấu bởi lực lược an ninh. Họ là những người tử đạo vô danh của thời đại chúng ta.
8) Cốp-tíc: Lòng trung thành với Đức Ki-tô đến bậc anh dũng
AFP PHOTO / KHALED DESOUKI Những Ki-tô hữu khiêng quan tài của bốn nạn nhân của các vụ tấn công
Trong khi toàn thế giới chuẩn bị đón mừng năm mới, ngày 30 tháng Mười Hai, 2017, chín người đã bị hạ sát dã man trong một vụ tấn công chống lại nhóm Ki-tô hữu thiểu số ở Ai-cập, do một nhóm chiến binh Jihad vũ trang đánh vào một nhà thờ ở nam Cairo, ISIS nhận trách nhiệm vụ này.
Nó là vụ cuối cùng trong một loạt các vụ tấn công được Jihad thực hiện, chỉ riêng trong năm 2017 đã để lại hơn một trăm người chết. Cái giá phải trả rất cao đối với người Ki-tô hữu Cốp-tic, một cộng đoàn chiếm 10 phần trăm trong số gần 100 triệu dân Ai-cập, nhóm thiểu số lớn nhất trong một quốc gia đa phần là Hồi giáo.
Người Cốp-tíc là cộng đoàn Ki-tô hữu lớn nhất ở Trung Đông, và cũng là một trong những cộng đoàn cổ xưa nhất; theo truyền thống, Giáo hội này được thành lập năm 50, khi Thánh Mác-cô Thánh sử — Đấng mà người Cốp-tíc xem là vị thượng phụ đầu tiên của Alexandria — đến Ai-cập.
Vị kế nhiệm của ngài, Theodoros II, Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Cốp-tíc và là Thượng phụ của Alexandria, nói trong một thông điệp gửi lời chia buồn đến những nạn nhân, rằng cộng đoàn “vẫn giữ vững sức mạnh, và có thể đánh bại những lực lượng bóng tối” bằng sức mạnh của lòng trung thành với Đức Ki-tô.
Từ tháng Mười Hai năm 2016, Nhà nước Hồi giáo chi nhánh tại Ai-cập đã sát hại hàng chục người Ki-tô hữu trong những vụ tấn công vào các nhà thờ trên khắp đất nước bằng bom và nhóm vũ trang.
Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm một vụ tấn công tự sát vào nhà thờ các Thánh Phê-rô và Phao-lô của Cốp-tíc ở Cairo ngày 11 tháng Mười Hai, 2016, sát hại 29 người.
Tháng Tư năm 2017, 45 người đã bị giết chết trong hai vụ tấn công tự sát — cũng do Nhà nước Hồi giáo — ở Alexandria, thành phố lớn thứ hai trong nước, và ở Tanta, thuộc miền bắc.
Vào tháng Năm, một thành viên vũ trang của nhóm khủng bố đã giết chết 28 người Ki-tô hữu ở nam Cairo khi họ đang trên đường đến một chủng viện.
Nỗi ám ảnh khủng bố của Jihad nhằm bách hại người Cốp-tíc Ai-cập là một phần của phong trào bất khoan dung tôn giáo. Ngoài ra, Cốp-tíc là một mục tiêu rất dễ bị xúc phạm, một phần vì họ là nhóm thiểu số trong một xã hội đa phần Hồi giáo, và cũng vì họ sống trong tình trạng bên lề xã hội.
Tất cả những vụ tấn công này xảy ra trong năm qua đã gặp một mức độ thờ ơ nhất định từ phía cộng đồng và truyền thông quốc tế. Chúng ta cứ thử tưởng tượng cộng đồng thế giới sẽ phản ứng ra sao nếu những vụ tấn công nghiêm trọng như vậy xảy ra ở bất kỳ một quốc gia nào trong Châu Âu; dường như thứ bậc mạng sống con người được phân thành loại một và loại hai, tùy thuộc vào việc họ có sống ở Tây phương hay không.
Dường như chỉ một mình Đức Thánh Cha Phanxico quan tâm về những gì xảy ra cho người Ki-tô hữu Cốp-tíc. Trong chuyến ngài đến thăm Ai-cập, ngày 28-29 tháng Tư, ngài đã tìm cách kêu gọi sự chú ý của thế giới đến tình trạng bị bách hại của họ, vinh danh Giáo hội Cốp-tíc vì lòng trung thành với Đức Ki-tô trong suốt hai thiên niên kỷ qua, bất chấp tình trạng họ liên tục bị bách hại.
9) Cameroon: Án tử dành cho giám mục?
YouTube/Haussin Junior Đức Giám mục Jean-Marie Benoît Balla
Những kẻ thù của Giáo hội đôi khi rất tự hào vì sát hại được người Ki-tô hữu; những lúc khác, họ che giấu, rửa sạch những bàn tay vấy máu của họ. Tình trạng thứ hai có thể giải thích cho cái chết đầy đau đớn của đức giám mục được Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II chọn cho giáo phận Bafia, Cameroon.
Ngài nổi tiếng khắp nước vì tinh thần thừa sai, nó thúc đẩy ngài thành lập các giáo xứ, cải thiện các trường học của Ki-tô giáo, và giới thiệu loại đàn balafon, một loại nhạc cụ gõ của âm nhạc truyền thống Châu Phi, vào trong nghi lễ phụng vụ.
Vào nửa đêm giữa ngày 30 và 31 tháng Năm, 2017, đức giám mục rời nơi ở sau khi nhận một cuộc điện thoại. Trong chiếc xe của ngài, ngày hôm sau xuất hiện trên cầu bắc qua sông Sanaga, người ta tìm thấy một tờ giấy viết “Tôi ở dưới sông.” Dòng chữ có phần kỳ quái này dường như cho thấy nó là một vụ tự tử được dựng lên. Ba ngày sau, xác của ngài nổi trên sông.
Theo những kết quả điều tra ban đầu, xác của đức giám mục đã bị ném xuống nước sau khi bị tra tấn và giết chết. Tuy nhiên, ngày 4 tháng Bảy Tổng chưởng lý Cameroon trình một báo cáo cho biết nguyên nhân có khả năng xảy ra nhất là đức giám mục đã chết vì nhảy xuống sông tự tử.
Bốn ngày sau, Đức Giám mục Samuel Kleda, Tổng Giám mục Douala và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Cameroon, tuyên bố rằng ngài không đồng ý với những kết luận của viên chưởng lý, và khẳng định rằng “Đức Giám mục Jean Marie Benoît Bala đã bị sát hại một cách hung bạo.” Vào tháng Bảy, Hội đồng Giám mục quyết định gửi hồ sơ cáo buộc những thủ phạm giấu mặt gây ra cái chết của đức giám mục.
Ngày 3 tháng Tám, đức giám mục kế nhiệm tạm thời quản lý giáo phận, Đức Giám mục Giu-se Akonga Essomba, tuyên bố rằng những kẻ giết đức giám mục có được sự bảo vệ từ các thành viên của chính phủ.
Ngày 28 tháng Tám, mộ của đức giám mục trong Nhà thờ chính tòa Thánh Sebastian ở Bafia bị xúc phạm. Sự xúc phạm này bị điều tra, khi trường hợp cái chết của ngài vẫn còn mở ở văn phòng viên chưởng lý ở Yaoundé.
Sự thiếu tính minh bạch trong vụ điều tra cái chết của Đức Giám mục Bala nhắc chúng ta nhớ rằng nhiều nhà thừa sai Công giáo cũng đã bị sát hại trong những thập kỷ gần đây ở Cameroon, mà chẳng có thủ phạm nào được tìm thấy.
Ví dụ, trường hợp của một trong những người cộng tác gần gũi nhất của Đức Giám mục Bala, giám đốc tiểu chủng viện Thánh An-rê ở Bafia, Cha Armel Djama, ngài được tìm thấy bị chết trong tình trạng đầy nghi vấn.
Những ví dụ về các nhà thừa sai Công giáo khác đã chết một cách thảm khốc và không có nhóm tội phạm nào bị kết án đó là trường hợp Đức Giám mục Yves Plumey, tổng giám mục nghỉ hưu của Garoua (1991); Cha Giu-se Mbassi, nhà biên tập ấn bản Công giáo “L’Effort camerounnais” (1988); nhà thần học Dòng Tên Engelbert Mveng (1995); tu sĩ người Pháp Germaine Marie Husband và Marie Léone Bordy, hai người điều hành một phòng khám và phát thuốc tại một nhà thừa sai Công giáo (1992); và Cha Apollinaire Cloude Ndi, cha xứ một nhà thờ gần Yaoundé (2001). Từ năm 2010, nhiều giáo xứ và linh mục xứ bị tấn công, và thường nhận được sự im lặng từ phía giới chức dân sự.
Ở Cameroon, việc sát hại người Ki-tô hữu được báo cáo là tự tử, cho dù chẳng ai muốn tin điều đó.
10) Trong tay của Nhà nước Hồi giáo
Congregazione Madre Caridad BraderGloria Cecilia Narváez Argoty
Mục điểm báo những chứng nhân đức tin đã hy sinh mạng sống cho Đức Ki-tô trong năm qua sẽ không trọn vẹn nếu không nhắc đến trường hợp của các nhà thừa sai Ki-tô giáo đã bị Nhà nước Hồi giáo hoặc những nhóm chiến binh Jihad khác bắt cóc tại nhiều quốc gia.
Trường hợp gần đây nhất là của một nhà thừa sai người Colombia, nữ tu Gloria Cecilia Narváez Argoty, bị bắt cóc ngày 8 tháng Hai trong thị trấn Karangasso, ở Mali.
Nhóm Al Qaeda của Mali đăng một video lên truyền thông xã hội vào tháng Bảy, trong đó xuất hiện nữ tu cùng năm người khác cũng đã bị bắt làm con tin bởi nhóm Jihad. Dù có những sự can thiệp của Giáo hội và các lực lượng chính phủ, nhưng vẫn không có tin tức rõ ràng nào về Nữ tu Gloria.
Thậm chí còn bi thảm hơn là tình hình của linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall’Oglio, bị bắt cóc ngày 29 tháng Bảy, 2013, ở Al Raqa, Syria. Trong những năm gần đây, có những tin đồn đây đó, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có thông tin chắc chắn về số phận của ngài.
Giữa hàng loạt những tin tức đau buồn, một tín hiệu hy vọng đó là sự giải phóng cho linh mục dòng Salêdiêng người Ấn độ, Tom Uzhunnalil, ngày 12 tháng Chín, cha đã bị bắt cóc ngày 4 tháng Ba, 2016, ở Aden thuộc Yemen, trong một vụ tấn công của Jihad vào một nhà cho tu sĩ cao tuổi thuộc dòng của Mẹ Teresa, trong đó bốn nữ tu đã bị sát hại cùng với 12 người khác.