Những nguyên tắc giúp phân định thiêng liêng

14

Những nguyên tắc giúp phân định thiêng liêng

…………
10 DẤU HIỆU CỦA VIỆC SÁM HỐI GIẢ HIỆU

  1. Ta lấy làm thỏa mãn về các việc sám hối của mình và về chính bản thân mình. Ta thích được ca ngợi và luôn tìm cách để được ngợi khen.
  2. Ta muốn lên mặt dạy bảo người khác, chứ không muốn học hỏi từ người khác. Ta tự tán dương mình, nhưng chỉ trích, kết án, miệt thị những người không làm các việc sám hối như ta.
  3. Ta thường bị Satan kích động để tăng thêm lòng nhiệt thành và sự khao khát làm các việc sám hối, bởi vì, Satan biết rõ rằng: những việc làm sám hối này, không sinh ích lợi gì cho ta, nhưng trái lại, còn làm cho ta thêm kiêu căng, tự phụ.
  4. Ta mong được đề cao, tán tụng về các việc sám hối của mình. Khi các vị linh hướng không tán thành các việc sám hối của ta, thì ta cho rằng: các vị này kém nhân đức, kém thánh thiện, nên không thể hiểu ta.
  5. Ta sẽ trốn chạy, thậm chí, nuôi lòng căm phẫn, đối với những ai muốn can ngăn, hay cảnh báo ta về các việc làm sám hối, mà ta đang thực hiện.
  6. Ta cố tạo ra những dấu hiệu bề ngoài, những kiểu cách dị thường để người khác nhận ra là ta đang sám hối, thậm chí, nhờ sự trợ giúp của Satan, ta có được những cơn ngất trí, thị kiến để ta có dịp huyên thuyên với người khác về những chuyện lạ này.
  7. Ta không dám vạch trần tội lỗi của mình với các vị linh hướng. Ta thường tô vẽ và bào chữa các tội lỗi của ta hơn là xưng thú chúng.
  8. Ta tìm đến xưng tội với các vị linh mục khác, để các vị linh hướng của ta, chỉ thấy nơi ta toàn là các nhân đức, chứ không hề có chút bất toàn nào.
  9. Ta tưởng mình đã là thánh, nên khi ta sa ngã, phạm tội, ta thường nổi giận, cau có và thù ghét chính mình.
  10. Ta xin Chúa cất đi những bất toàn đó, không phải vì yêu mến Chúa, nhưng vì, để ta có được sự an lòng, và để ta có dịp tự mãn

.…………………
5 NGUYÊN TẮC PHÂN ĐỊNH THẦN KHÍ

Nguyên Tắc 1: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Giấy: kẻ thù số 1 của việc nên thánh là những kinh sư, các luật sĩ: chất những gánh nặng lên vai người khác, còn mình, không đưa một ngón tay để lay thử. Các thần học gia, các nhà tu đức bàn giấy muốn tự mình nên thánh bằng chính sự hiểu biết, sự tinh thông của mình về các học thuyết cao siêu, huyền bí, mà không cần Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô.

Nguyên Tắc 2: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Tay: kẻ thù số 2 của việc nên thánh là những người Pha-ri-sêu, các nhà tu đức khổ hạnh ra sức làm việc, tuân giữ tỉ mỉ lề luật, nổi tiếng với các nhân đức anh hùng, nhưng, giả hình: lọc con muỗi, nhưng nuốt con lạc đà, tự hào về các việc đạo đức của mình, biến Chúa thành con nợ: phải trả công cho các công trạng của mình, họ muốn tự mình nên thánh, mà không cần Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô.

Nguyên Tắc 3: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Quỳ: Muốn trở thành tiến sĩ bàn giấy và tiến sĩ bàn tay, trước hết, phải là tiến sĩ bàn quỳ. Những suy tư thần học, các việc làm đạo đức phải xuất phát từ thái độ khiêm nhường, suy phục, tôn thờ Thiên Chúa nơi bàn quỳ. Tuy nhiên, nơi bàn quỳ, Sa-tan vẫn còn có thể lẻn vào và thao túng được ta, nếu, bàn quỳ không được đặt ngay trước mặt, ngay bên cạnh, ngay bên dưới Bàn Thờ Thập Giá.

Nguyên Tắc 4: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Thờ: Nếu không được đặt cạnh Bàn Thờ Thập Giá, thì bàn quỳ rất có nguy cơ trở thành bàn thờ Sa-tan lúc nào mà ta không hay biết, bởi vì, sức nặng của chân bàn giấy, chân bàn quỳ, và bàn tay không đủ khả năng, không đủ trình độ, không đủ năng quyền: để đạp nát đầu con rắn, chỉ có, chân Bàn Thờ Thập Giá, có Đấng dùng sự khôn ngoan của Thập Giá mới có đủ uy quyền và thế lực để làm được việc đó mà thôi.

Nguyên Tắc 5: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Vấn đề nảy sinh là: những người ngoài Ki-tô giáo, chưa từng biết Đức Ki-tô, chưa tin vào Đức Ki-tô, thì làm sao họ có thể Phân Định Thần Khí đúng đắn được? Chúng ta phải nại đến Karl Rahner (1904-1984) với các phạm trù: Ki-tô hữu vô danh (anonymous christian), Ki-tô hữu minh nhiên (explicit christian), Ki-tô hữu mặc nhiên (implicit christian). Vấn đề này sẽ được trình ở một chỗ khác.
……………….

5 NGUYÊN TẮC VỀ VIỆC NÊN THÁNH

Nguyên tắc 1: Tiến Sĩ Bàn Giấy – Kẻ Thù của Việc Nên Thánh: (1) Họ cầm tù người khác trong các tư tưởng của họ; đo lường sự hoàn thiện bằng tri thức, hiểu biết, nhưng bỏ quên đức ái. (2) Họ không quan tâm đến tha nhân, nên họ thiếu khả năng chạm đến những đau khổ của Đức Kitô nơi những người khác. (3) Họ giảm trừ giáo huấn của Đức Giêsu thành một luận lý khắc nghiệt, lạnh lùng. (4) Họ là những tiên tri giả, sử dụng tôn giáo để quảng bá tri thức như: thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng Đơn Nhất Tính. (5) Họ tự cho mình là thánh, là tốt lành hơn những đám đông dốt nát.

Nguyên tắc 2: Tiến Sĩ Bàn Tay – Kẻ Thù của Việc Nên Thánh: (1) Họ chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác khi tuân giữ một số quy tắc, luật lệ. (2) Họ coi ý chí là toàn năng, ân sủng chỉ là cái được bổ sung vào. (3) Họ tự nên thánh bằng những việc làm, và những cố gắng của riêng mình, mà không cần ân sủng của Chúa. (4) Họ nghĩ mình có quyền đòi hỏi, và cũng có thể mua được ân sủng thần linh bằng những nỗ lực của mình. (5) Họ tự mãn, kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, những chương trình tự lực, và thành tựu cá nhân.

Nguyên tắc 3: Hội Thánh không ngừng dạy rằng: chúng ta nên thánh không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng mình, nhưng là bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước. Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng ta nhờ sự tuôn đổ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được nên thánh cách nhưng không, bởi vì, không có gì đi trước việc nên thánh, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà chính là do ân sủng. Ân sủng Chúa trao ban thì vượt quá năng lực của trí năng và ý chí của chúng ta.

Nguyên tắc 4: Được trở nên nghĩa thiết và bạn hữu của Thiên Chúa là một điều gì đó muôn trùng siêu vượt trên chúng ta. Chúng ta không thể mua nó bằng những việc làm của mình. Đó chỉ có thể là một quà tặng, do sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hân hoan sống tâm tình biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này, bởi vì, khi chúng ta nhận được ân sủng, thì ân sủng đã nhận được đó, không phải do chúng ta xứng đáng. Ngày cuối đời, chúng ta sẽ ra trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, tất cả những việc làm, mà chúng ta tưởng là thánh thiện, thì đều nhiễm uế trước mắt Chúa, bởi Người là Đấng tinh tuyền, toàn thiện.

Nguyên tắc 5: Chúng ta trở nên thánh thiện là hoàn toàn do bởi Chúa. Điều này được diễn tả rõ ràng trong Lời Chúa đến nỗi không thể nào bị chất vấn. Chân lý này phải tác động đến cách sống của chúng ta, bởi vì, nó tuôn chảy từ cốt lõi của Tin Mừng và đòi buộc chúng ta không chỉ chấp nhận nó trong trí năng, mà còn phải biến nó thành một nguồn vui lan tỏa. Chúng ta chỉ có thể mừng quà tặng nhưng không này, khi chúng ta nhận ra những khả năng tự nhiên của mình đều là ân ban của Chúa. Điều này thật không dễ trong một thế giới vốn nghĩ rằng mọi sự đều do tự nó, và do sáng kiến của nó.
…………

5 NGUYÊN TẮC PHÂN ĐỊNH ƠN THẦN HIỆP

Nguyên Tắc 1: Ơn thần hiệp, tự bản chất là của Chúa 100%. Việc ta chuẩn bị xô, chậu, thùng, thau, đào giếng, xây bể… để hứng nước, dù nhiệt tình, quảng đại; dù khó nhọc, vất vả đến đâu, cũng không phải là nguyên nhân khiến trời mưa xuống, trời mưa xuống chẳng liên quan gì đến việc chuẩn bị hứng nước của ta; việc chuẩn bị hứng nước chẳng có tác động gì, chẳng can hệ gì tới việc trời mưa, mưa hoàn toàn độc lập, nhưng không… Tuy nhiên, nếu ta không hứng, thì ta không có nước, nhưng, nước đó hoàn toàn nhưng không, không do bất kỳ tác động nào từ phía ta.

Nguyên Tắc 2: Trường hợp thứ nhất của ơn thần hiệp: Ơn thần hiệp dành cho những người được ơn này ngay chính thời điểm đó, còn thời gian sau đó, vẫn phải cẩn trọng phân định. Mũi tên đang trên đường cắm vào hồng tâm, vẫn còn khoảng cách. Khi leo núi, lúc còn ở dưới thấp, té xong, ta đứng dậy leo tiếp, nhưng, khi gần tới đỉnh rồi, mà ngã xuống, thì cực kỳ nguy hiểm, ở giai đoạn này, có nhiều người bị điên loạn là vậy, vì thấy mình sắp tới đỉnh, mà trong phút chốc, bị mất tất cả, lúc này cần phải khiêm nhường nép mình bên Chúa, để tránh mưu sâu kế độc của Satan.

Nguyên Tắc 3: Trường hợp thứ hai của ơn thần hiệp: mũi tên đã cắm vào hồng tâm rồi, nhưng, không tuyển thủ nào, thi bắn cung là để mang cái bia, cái hồng tâm về nhà cả, cái họ nhắm đến là huy chương vàng, là giải thưởng, Chúa mới là phần thưởng đích thực, vì thế, các nhân đức như khiêm nhường, kể cả bác ái, giống Chúa lắm rồi, và như thể là Chúa luôn rồi đó, bởi vì, có ai khiêm nhường bằng Chúa, bác ái được như Chúa, nhưng, vẫn chưa phải là Chúa trọn vẹn. Các nhân đức chỉ mới là “scopos”, Chúa mới chính là “télos”.

Nguyên Tắc 4: Về ơn thần hiệp, ta không được muốn, càng muốn càng không thể đạt được. Vậy phải làm gì? Việc phải làm là đừng làm gì cả, càng làm cái tôi của ta càng lớn, có ý riêng xen vào không thể có được ơn thần hiệp, vì là của Chúa 100%, 100% là do Chúa muốn. Khi nào Chúa ban cho thì được, khi nào trời mưa thì có nước… chờ hứng nước, nhưng, nhớ việc hứng nước, không là nguyên nhân làm cho mưa rơi xuống.

Nguyên Tắc 5: Ơn thần hiệp chỉ đạt được trọn vẹn khi ta kết hợp 100% với Chúa trên Thiên Đàng, nên, khi còn ở đời này, phải thận trọng trước những quỷ kế tinh vi của Satan, 95% sự thật, thì cũng chưa phải là sự thật thật sự, ngược lại, nó còn là sự dối trá đáng sợ nhất, vì hàng giả càng tinh vi, càng giống hàng thật, thì càng lừa được khách hàng… Trên Thiên Đàng không có 2 vị thánh giống nhau, mỗi người là một nhân vị, được Chúa yêu cách cá vị, không ai giống ai, nên ơn thần hiệp cũng chẳng giống nhau, đừng bắt chước rập khuôn.
…………………..

5 LỜI NGUYỆN XIN ƠN BỎ MÌNH

Lời Nguyện 1: Xin cho con chẳng còn các quan năng, để con được mau mắn, gỡ mình ra khỏi những gì đang trói buộc khiến con không thể nhìn thấy Chúa. Xin cho con chẳng còn khả năng của thính giác, để con được bình an, đi giữa tiếng sấm rền, thác đổ của những đam mê, dục vọng trần gian. Xin cho con chẳng còn khả năng của thị giác để con được an toàn, tiến bước trên chiếc cầu hẹp giữa vực sâu của những tham vọng, ích kỷ thấp hèn. Xin cho con chẳng còn các giác quan, để con được hân hoan, đắm chìm trong sự thông truyền, tỏa rạng của riêng một mình Chúa mà thôi. Amen.

Lời Nguyện 2: Xin cho con chẳng còn khả năng của vị giác, để con được vui vẻ, nhấp cạn vị đắng chát của những nhục nhằn, tủi hổ, khinh chê. Xin cho con chẳng còn khả năng của khứu giác, để con được dứt khoát, khử trừ mùi tanh tưởi của những thèm khát quyền lực, giàu sang. Xin cho con chẳng còn khả năng của xúc giác, để con được can đảm, sờ chạm những gai góc của những chống đối, loại trừ, quên lãng. Xin cho con chẳng còn các giác quan, để con được hân hoan, đắm chìm trong sự thông truyền, tỏa rạng của riêng một mình Chúa mà thôi. Amen.

Lời Nguyện 3: Xin cho con luôn biết coi người khác tốt lành hơn mình, và chỉ ganh đua cách thánh thiện để có thể phụng sự Chúa được như họ. Xin cho con biết lấy làm vui khi nghe người khác ca ngợi ai đó, và chỉ buồn phiền vì mình chưa biết phụng sự Chúa được như người đó. Xin cho con đừng để ý xem người khác có làm các việc sám hối hay không, và nếu có để ý xem, thì xin cho con cũng xác tín rằng: người khác thì luôn tốt lành hơn con. Xin cho con biết khiêm nhường nhiều hơn, khi làm được nhiều việc sám hối, vì Chúa đáng được phụng sự biết bao, nhưng những gì con làm, thì lại quá ít ỏi. Amen.

Lời Nguyện 4: Xin cho con đừng thích nói về các việc sám hối mà mình đã làm, nhưng luôn xem những việc đó, chỉ là điều cần phải làm mà thôi. Xin cho con biết chấp nhận những yếu đuối, bất toàn của mình với lòng đơn sơ, khiêm tốn, và khao khát sửa chữa chúng. Xin cho con thích nói về những khiếm khuyết của mình, và thích tỏ cho người khác thấy những điểm yếu của mình, hơn là, những nhân đức, bởi vì, con biết rằng: Chúa là Đấng Khôn Ngoan thượng trí luôn giúp con gìn giữ những kho báu này trong lòng, không để lộ ra ngoài cho người khác thấy, nhưng chỉ để một mình Chúa biết mà thôi. Amen.

Lời Nguyện 5: Xin cho con đừng lên mặt dạy đời người khác, nhưng luôn biết khiêm nhường học hỏi từ những người chúng con gặp gỡ. Xin cho con dám vạch trần tội lỗi, và những yếu đuối bất toàn của mình với các vị linh hướng, chứ không tô vẽ và bào chữa chúng. Khi sa ngã, phạm tội, xin cho con đừng nổi giận, cau có và thù ghét chính mình, vì Chúa chưa cất đi những bất toàn đó, là để con biết khiêm nhu, tự hạ, nhận ra sự yếu hèn khốn cùng của mình, nếu như không được Chúa trợ giúp, thì con chẳng thể làm được gì, dù chỉ là một việc rất nhỏ bé. Amen.
………………..

TÓM LƯỢC CÁC NGUYÊN TẮC PHÂN ĐỊNH CỦA THÁNH I-NHÃ

  1. Satan xui ta tới những lạc thú, đẩy ta vào tội lỗi; Chúa thôi thúc ta cắn rứt lương tâm.
  2. Satan gây buồn phiền, đặt những chướng ngại khiến ta không thể tiến lên được; Chúa làm cho ta can đảm, dẹp trở ngại để ta tiến lên trên đàng lành.
  3. An ủi thiêng liêng khiến ta bừng cháy lửa kính mến Chúa; chảy nước mắt vì yêu mến Chúa, vì tội lỗi mình, vì cuộc thương khó của Đức Kitô. An ủi thiêng liêng gia tăng lòng tin-cậy-mến, cùng mọi niềm vui bên trong.
  4. Sầu khổ thiêng liêng khiến ta xao xuyến, thúc đẩy về những gì thấp hèn, phàm tục, và cám dỗ ta mất lòng tin-cậy-mến; lười biếng, khô khan, sầu khổ.
  5. Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định đã có trước khi bị sầu khổ.
  6. Trong cơn sầu khổ, cương quyết chống lại cơn sầu khổ bằng cách chuyên tâm cầu nguyện, suy gẫm, xét mình, và gia tăng việc hãm mình.
  7. Đang gặp sầu khổ, hãy nghĩ rằng: để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các cơn cám dỗ.
  8. Đang cơn sầu khổ, ta hãy gắng giữ sự nhẫn nại.
  9. Ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ: (1) vì ta lười biếng các việc thiêng liêng; (2) vì để thử coi sức ta tới đâu trong việc phụng sự Chúa; (3) vì để ta ý thức rằng: không phải tự ta làm phát sinh lòng sốt sắng.
  10. Khi được an ủi, phải nghĩ tới cách xử sự trong cơn sầu khổ sẽ đến, đồng thời dành lấy sức cho lúc đó.
  11. Khi được an ủi, phải thật tự khiêm và tự hạ, bằng cách nghĩ mình nhỏ hèn biết mấy trong cơn sầu khổ.
  12. Satan xử sự như đàn bà, vì khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh (Ta phải luôn mạnh)
  13. Satan cũng xử sự như kẻ si tình lẳng lơ, muốn ta giữ bí mật để nó khỏi bị lộ (Ta phải trình bày với linh hướng)
  14. Satan lại còn xử sự như một tướng quân tấn công vào điểm yếu nhất (Ta canh thức đề phòng điểm yếu nhất)
  15. Chúa ban niềm vui thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do Satan mang đến; còn Satan chống lại niềm an ủi thiêng liêng bằng những lý do giả tạo.
  16. Chỉ có Chúa, mới ban ơn an ủi không có nguyên do; đó là quyền riêng của Đấng Tạo Hóa.
  17. Khi có nguyên do, Chúa cũng như Satan đều an ủi ta, nhưng nhằm mục đích trái ngược nhau: Chúa nhằm giúp ta lớn lên; còn Satan nhằm lôi cuốn ta theo ý định xấu xa tồi tệ của nó.
  18. Satan là giả dạng thiên thần ánh sáng: bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện, rồi từ từ lôi kéo ta theo những mưu mô ẩn kín của nó.
  19. Ta cần theo dõi diễn biến của tư tưởng: Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, thì là dấu hiệu của Chúa.
  20. Ta cần xét duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt lúc khởi đầu, nhưng từ từ khiến ta xa rời niềm vui siêu nhiên vốn có trước đây.
  21. Nếu ta đang tiến tới, Chúa sẽ soi dẫn ta cách êm ái, nhẹ nhàng như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn Satan thì tác động cách chát chúa như giọt nước rơi trên đá.
  22. An ủi không có nguyên do là ơn của riêng Thiên Chúa. Song, khi được Chúa ban ơn an ủi này, ta phải tỉnh thức, và chú ý xem xét và phân biệt thời gian được an ủi với thời gian tiếp sau. (Ta đừng ngủ quên trên chiến thắng).

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Previous articleĐức Giêsu Kitô – Bị chối bỏ và con người – kẻ chối bỏ
Next articleKhoe thành tích trên mạng xã hội – Sự cần thiết và cẩn trọng cần có