Ở NƠI ĐÓ, TÔI ĐÃ THẤY …
Kỷ niệm 18 năm, 12 năm hồng ân ơn gọi và thánh hiến, như mọi năm : không kèn, không trống và dĩ nhiên … không tiệc.
Tiệc để làm gì ? Dô dô để làm chi ? Tất cả đều qua đi và ồn ào náo động. Chính vì thế, lợi dụng những ngày nghỉ này để đi học : học yêu thương, học chia sẻ, học làm người, học là người và … học đủ thứ. Có cái gì là học cái đó thôi.
Lặng lẽ và âm thầm … nhập đoàn thiện nguyện.
Kỳ này, nhóm đến với một ngôi Chùa khá đặc biệt. Khung cảnh ngôi Chùa vắng lặng và tĩnh đúng nghĩa của một chốn tu.
Hết sức cảm kích đó là dù họ chưa biết nhân thân của mình nhưng đến nơi được đón tiếp nồng hậu chứ không phải một số nơi khác. Khay trà nóng tự pha cùng bánh kẹo mang ra mời khách.
Trong thời gian lưu trú, bản thân cũng không quên hỏi một chút về sinh hoạt nơi đây cũng như về chuyện nuôi cái đám trẻ mồ côi.
Thật kinh ngạc khi cứ mỗi năm những người tu Phật như theo luật định là phải học tu gì đó 3 tháng. Tất cả những tu sĩ phải tìm đến một nơi nào đó có tổ chức chương trình tu tập để đăng ký và … vào học tu. 3 tháng dài ròng rã đó họ giữ tâm hồn thinh lặng đến mức khó có ai chịu nổi. Thế nhưng sư cô hỏ trong Chùa nói là có những người vào đó và cảm thấy được thanh thản và bình an thư thái trong tâm hồn …
Sau khoảng thời gian không dài và không ngắn, đủ cảm nghiệm được ít nhiều gì khung cảnh cũng như con người ở nơi đây. Tất cả họ đi tìm cho mình cõi lặng và nhất là để tu tập mình sao cho thành chánh quả.
Ở nơi đó, nét son nhất vẫn là nơi nương náu cho những mảnh đời không còn gọi là bất hạnh nữa mà là quá bất hạnh. Những đứa trẻ ở đây có đứa chưa kịp khóc đủ 2 ngày trọn vẹn thì cha mẹ chúng đã vất trước cổng Chùa. Và dĩ nhiên đám trẻ ở đây đều không thấy bóng cha và mãi mãi không hề thấy dáng mẹ.
Nghẹn lời và dằn cho dòng lệ ngưng rơi khi nhìn thấy thằng cu tí cỏn con trong bộ đồ chú tểu còn hơi sữa bị ung thư đại tràng. Chắc có lẽ nó còn bé và bé lắm để phải gánh chịu cơn đau đớn nhất của người mang chứng bệnh ung thư.
“Con uống được không ạ ?”. 5 tuổi thôi nhưng cũng biết hỏi chứ không như trẻ khác là thấy là bóc mẽ. Tay không đủ mạnh để mở hộp sữa vừa mới trao tặng cho Nhà Chùa. Mở không được thì thôi chứ đâu có gì là quan trọng. Và sau đó là hội nhập chơi với một anh chưa hết thời Trung Học cùng mấy đứa nhỏ chung Chùa.
Bọn chúng nhập thật nhanh với nhau và cứ mân mê những con thú nhồi bông vừa mang đến. Nhìn khuôn mặt thánh thiện của trẻ thơ lòng càng ngậm ngùi tiếc nuối cho thân phận chúng và của cả cha mẹ chúng. Chả hiểu vì lý do gì mà cha mẹ đành đoạn nhắm mắt không nhìn mặt con.
Thương nhất là “sư cô” có vẻ chừng cũng 5 tuổi cầm gói bánh ngọt nhảy thót vào bàn tụng kinh kèm quyển sách …
Rời ngôi Chùa thanh tịnh bên dòng suối, chúng tôi ngược lên thành phố sương mù để nghỉ ngơi và chờ hành trình ngày mới đến với … hội người mù.
Từ rất sớm, mọi người khăn gói quả mướp để đến cái nơi gọi là “nhìn đời bằng trái tim”. Rất đơn giản và dễ hiểu vì những con người ở đây không may mắn như bao người khác vì họ khiếm thị.
Nhóm “Vì những mảnh đời bất hạnh” và một số người thân quen – có cả đại diện cho MTQ quỹ khuyến học Minh Thành – nhanh chân lẹ tay để chuẩn bị những phần quà chia sẻ với những người không may mắn. Ở nơi đây có 2 nhóm người gọi là “ngoại trú” và “nội trú”.
Những người “ngoại trú” là những người ở gia đình và người thân của họ. Những người “nội trú” là những người ở trong hội người khuyết tật của Tỉnh.
Những lời chào hỏi nhau rất đơn giản nhưng chất chứa đầy thân tình giữa vị trưởng đoàn và vị hội trưởng hội khiếm thị. Tiếp theo đó là phần chia sẻ quà cùng với những bài hát thân quen.
Và đoàn thiện nguyện không quên ghi lại một vài tấm hình gọi là kỷ niệm ngày yêu dấu ở đây. Sau đó đoàn “lăn bánh” đến tận “chân mây”.
Cảnh vật ở đây cũng chả có gì lạ, có điều mới là nơi đây họ thiết kế một chiếc thang chơi vơi để nhìn lên khi chụp ảnh là thấy người đó ở chân mây. Thiết tưởng cũng đầy đủ ý nghĩa và tròn vẹn của chuyến đi.
Con người, dù theo tín ngưỡng nào rồi cuối cùng cũng về nơi cuối trời, nơi chân mây. Tưởng nghĩ nơi đó là nơi con người đạt được hạnh phúc nhất, bình an nhất, yêu thương nhất. Để có được nơi đó, nên chăng ta hãy sống yêu thương và chia sẻ ngay khi còn có thể, còn thở, còn thấy mặt người.
Ở nơi đó – nơi những anh chị em khiếm thị tá túc – tôi đã thấy những trái tim nhân hậu, những tấm lòng từ tâm được trao cho nhau.
Bản thân bỉ nhân, sau chuyến đi này có lẽ là nhận chứ chả có gì để cho đi.
Nhận là nhận được những mảnh đời nhìn đời và nhau bằng trái tim.
Nhận là nhận được những mảnh đời nhìn đời và nhìn nhau bằng ánh mắt.
Nhận là nhận được ở nơi đó không có gì ngoài tấm lòng yêu thương.
Tạ ơn Thiên Chúa với 18 năm và 12 năm hồng ân.
Tri ân tất cả mọi người và dĩ nhiên không quên cha mẹ đã sinh thành – dưỡng dục cho nó nên người.
Cảm ơn, cảm ơn từng tấm lòng đã sẻ chia với nó trên mọi nẻo đường đời.
Cảm ơn những sư cô, những anh chị em khiếm thị đã nhắc nhớ rằng nó may mắn hơn để rồi trở về với sứ vụ, nó có tấm lòng bao dung, yêu thương và nhất là nhìn nhau không chỉ bằng con mắt mà bằng con tim nữa.
Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi, giòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ
Ngày mãi mong chờ, ngày sẽ thiên thu …