Ông Thần tài

353

Người ta cũng khéo tưởng tượng thật. Đọc lại hết giáo lý của các tôn giáo lớn trên thế giới: không có vị thần nào tên Thần Tài. Hóa ra vị thần đó, chỉ là kết quả, khát vọng làm giàu của con người. Đấy chỉ là một ảo ảnh do lòng tưởng tượng sản sinh.

Không có thật, mà rồi thành hiện thực, người ta mặc áo quan quyền cho ông, đội mũ quan cách cho ông; và đặt ông ở nhiều góc nhà trong phòng khách, ở ngay cánh cửa chính của nhiều ngân hàng. Sáng sáng mời ông một ly cà phê đen, có khi là một điếu thuốc. Ông chẳng có nhưng mà lại được đối xử bằng một thái độ trân trọng.

Ông không có, nhưng người ta dùng ông như một biểu tượng của một sức mạnh to lớn là những đồng tiền, những của cải, những vật chất, sự giàu sang.

Thần tài có thật hay chỉ trong trí tưởng tượng của con người ?

Quả thật, tiền của, vật chất, sang  trọng là khát vọng cháy bỏng của đại đa số con người. Bởi vì có nhiều tiền, nhiều của cải, là người ta sẽ hạnh phúc, và cuộc sống sẽ được bảo đảm, an toàn.

Trong cái nhìn nhân sinh trần trụi, thì thần tài quả thật đã trở thành một sức mạnh quyền năng nhất. Tiền là tiên là phật.

Nhưng nếu tất cả mọi người cứ mải mê, đi tìm ông thần tài ấy, thì kết quả sẽ là gì? Thưa: sẽ là cướp giật, tham nhũng, chiến tranh chết chóc. Người ta sẽ bất chấp tất cả, để tìm ông bằng mọi giá. Lương tâm của tôi đâu rồi? Cất sâu vào túi quần, để tôi có thể lừa đảo, mà buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đập vỡ nát lương tâm ra để tôi có thể bán hêrôin đủ loại giết người. Sức mạnh của lão thần tài khiếp thật! Sức hút của nó mạnh mẽ vô song, có thể quật ngã bất cứ người nào, và có thể đi vào bất cứ nơi đâu. Nghiễm nhiên, trong lặng lẽ và âm thầm, lão thần tài ảo ảnh đang lên ngôi thượng đế.

Đoạn Tin Mừng của Chúa nhật thứ 3 Mùa Chay cũng đã đề cập đến cái mối nguy hiểm ấy: “Gần đến lễ vượt qua, Chúa Giêsu lên thành Giêrusamlem. Người đến trong đền thờ có những kẻ bán chiên, dê, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền” (Ga 2, 13). Sửng sốt, Chúa Giêsu thật sự sửng sốt. Đây là đền thờ cơ mà! Mà sao! Ô hay, người ta lại buôn bán thế này? Sức mạnh của lão thần tài ghê thật. Rất hợp tình và cả hợp lý, hợp pháp nữa. Lão thần tài đã vào được tới bên trong đền thờ. Cả một giai cấp luật sĩ và biệt phái, những người được mệnh danh là những người canh giữ luật Chúa ở đâu, sao không một ai lên tiếng phản đối? Cả một dân tộc, được mệnh danh là dân riêng của Chúa đâu, mà cũng chẳng ai lên tiếng vậy?

Chúa Giê-su đánh đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ

Có lẽ trong đầu Chúa, liền nhớ về một câu chuyện đau lòng, mà cha ông của những người này đây đã phạm phải: Đó là câu chuyện thờ bò vàng ngày xưa. Chờ mãi không thấy Maisen xuống núi. Đám đông được Chúa dẫn đi trong sa mạc để huấn luyện. Gom góp vàng lại, và đúc thành một con bò, rồi thì múa nhảy thờ kính. Thế mà không biết nhục. Làm người là một vinh dự cao cả, sao lại đi thờ lạy một con bò, dù con bò ấy có bằng vàng. Vàng cũng chỉ là vật chất, thấp kém hơn cả động vật, huống chi là con người. Vậy mà con người lại quỳ mọp xuống bái lạy. Nghĩ có nhục nhã không cơ chứ!

Rồi Chúa Giêsu lấy dây làm roi, xua đuổi tất cả. Không hẳn là Chúa Giêsu đã quá tức giận, nhưng có khi, Ngài chỉ muốn cường điệu, để cho mọi người chú ý tới cái nguy hiểm chết người của gã thần tài.

Thế nhưng, có một điều cũng cần nói nhỏ với nhau. Để lọt được vào trong đền thờ, có lẽ gã thần tài cũng có sự tiếp tay của những người canh giữ đền thờ. Và điều này, cũng đã có thực đã, đang và sẽ xảy ra.

Chúa Giêsu đứng sững người, và có khi, một lần nữa, Ngài lại phải cúi xuống lấy dây để làm roi.

Những ngày Mùa Chay này, cũng là cơ hội để ta nhìn lại, xem ông Thần Tài đang đứng ở chỗ nào trong lòng ta. Có khi cũng đang ngự trị ở giữa cõi lòng ta cũng nên.

Previous articleTràng hạt Mân côi được làm phép ra sao?
Next articleTại sao chúng ta phải cầu xin cho người khác?