Home Blog Page 465

Đức Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ động đất ở Ý

Trong buổi tiếp kiến chung thứ tư ngày 24 tháng 8, Đức Phanxicô đã ngưng bài giáo lý hàng tuần để mời giáo dân cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất vừa xảy ra ở Ý sáng sớm thứ tư.

 

Một trận động đất mạnh 6.2 độ Richter đã xảy ra sáng sớm thứ tư 24-8 ở thị trấn Amatrice, làm thiệt mạng ít nhất trên hai mươi người và thành phố bị hư hại nặng. Trung tâm động đất ở 10 cây số Đông-Nam Norcia, một thành phố ở vùng Ombrie cách Đông-Bắc Rôma 150 cây số. Bản tổng kết tạm thời cho biết có khoảng hai mươi người thiệt mạng, nhưng con số nạn nhân có thể nhiều hơn.

 

“Như tất cả ngày thứ tư của Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi đang chuẩn bị bài giáo lý về đề tài sự gần gũi của Chúa Giêsu. Nhưng sau tin tức về vụ động đất mạnh xảy ra ở miền Trung nước Ý, phá hoại toàn vùng và có nhiều người thiệt mạng và bị thương, tôi xin nói lên nỗi đau buồn sâu xa và sự gần gũi với tất cả những người bị chấn động ở các vùng đó, tất cả những ai bị mất thân nhân trong vụ động đất và những ai còn bị chấn động, sợ hãi, kinh hoàng”, Đức Phanxicô tuyên bố khi mở đầu buổi tiếp kiến chung hàng tuần ở Quảng trường Thánh Phêrô.

 

“Tôi rất xúc động khi hay tin trong số các nạn nhân có các em bé. Tôi cầu nguyện và với tình thương của Giáo hội, tôi xin hướng đến các người trong tổ chức Accumoli, Amatrice, các địa phận Rieti, Ascoli, Piceno và các nơi Latium, Ombria và Manches”. Đức Giáo hoàng cũng đã cám ơn tất cả các thiện nguyện viên, các nhân viên cấp cứu đắc lực. “Tôi xin anh chị em hiệp với tôi cùng cầu nguyện, xin Chúa Giêsu, Đấng luôn thương xót loài người, xin Ngài an ủi những tâm hồn khổ đau, cho họ được bình an qua lời cầu bàu của Đức Trinh Nữ Vương Maria”, trong phần kết thúc, Đức Phanxicô xin giáo dân cùng lần chuỗi.

TRỞ NGẠI LỚN NHẤT CỦA TÌNH YÊU

Trở ngại lớn nhất để yêu mến Chúa là tính kiêu căng.  Vì kiêu căng là thèm muốn cho mình được trổi vượt một cách quá đáng; trong khi đó Đức Ái lại khiến ta xem Chúa là đối tượng tối thượng cho mọi cố gắng của ta.  Đang khi kiêu căng khiến ta co cụm lại với chính mình, thì Đức Ái lại gắn bó trí tuệ ta, trái tim ta, và ý chí ta với Chúa.  Vì trực tiếp chống lại điều răn thứ nhất, nên tính kiêu căng là tội lớn nhất trong tất cả mọi thứ tội.

Kiêu căng là nguyên nhân căn bản của khuynh hướng biến cái tôi của mình, chứ không phải là Chúa Ki tô, thành trung tâm đời sống mình.  Vì thế, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình như là dặc điểm đầu tiên của những kẻ theo Ngài.  Theo một nghĩa nào đó, sự hãm mình duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là từ bỏ chính mình, vì cái tôi cá nhân đi ngược lại lề luật và tình yêu dành cho Chúa.  Không gì phá hoại đời sống Chúa Kitô ở trong ta bằng tính kiêu căng.

Tính kiêu căng – một thứ tà giáo

Tính kiêu căng đúng là một thứ tà giáo, vì nó lấy chính bản thân mình làm thần tượng thay vào chỗ chỉ dành cho Chúa.  Đó là sự tôn thờ quá đáng cái tôi của mình, vì nó coi cái tôi của mình như nguyên nhân đầu tiên và cũng như mục đích cuối cùng.  Nó thúc đẩy ta tìm cách khoe những điều tốt của mình ra, đồng thời giấu kín những khiếm khuyết hay thất bại của mình.  Nó cũng có thể xúi giục ta tìm cách hạ kẻ khác xuống vì sợ rằng họ sẽ làm giảm sự trổi vượt mà ta tưởng rằng mình đang có.

Nó làm ta đóng tai lại trước những lời phê bình, và đề nghị khách quan của người khác, nhưng lại thích lắng tai nghe những lời tán tụng mà nó hằng tìm kiếm.  Nó khiến ta nhắm mắt lại không thấy được những nhân đức hay tài năng của người khác đang khi tất cả mọi người đều trông thấy rành rành và thán phục, nhưng nó lại khiến ta chú ý những khuyết điểm hay thất bại dù nhỏ nhất của họ.  Bi đát hơn là nó khiến ta sống vì mình, chứ không phải vì Chúa.  Đấy đúng là một sự tôn thờ bản thân một cách sai lầm!

Tính kiêu căng biến ta thành người vong ân

Tính kiêu căng cũng biến chúng ta thành những kẻ vong ân.  Tại sao thế?  Vì cứ sợ rằng người khác sẽ không công nhận những thành công hay do tài năng và đức độ của mình.  Nên chúng ta cảm thấy rất miễn cưỡng khi phải công nhận sự thành công đó là nhờ Chúa.  Thật ra, tất cả mọi sự tốt đẹp chúng ta có được đều xuất phát từ Thiên Chúa, chỉ có một điều duy nhất trong đời sống chúng ta mà Chúa không nhúng tay vào, đó là tội lỗi của chúng ta.  Ngoài tội lỗi ra, thì có thứ gì khác chúng ta có được mà không nhận từ bàn tay Thiên Chúa không?  Tính kiêu căng dường như làm ta không nhận ra chân lý cơ bản này.

Tính kiêu căng tạo ra một tế bào ung thư trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.  Tế bào ung thư là tế bào hoạt động theo đường lối riêng của nó, nó từ chối không làm việc chung với những tế bào lành mạnh của thân thể.  Tính kiêu căng của bất kỳ ai đều giống như bệnh ung thư luôn luôn gây tai hại cho sự sống của Nhiệm Thể Chúa Kitô, cản trở sự lưu thông của sự sống và tình yêu của Chúa Kitô là Đầu đến với các Chi Thể.

Tính kiêu căng ăn trộm vinh quang của thiên chúa

Cuối cùng, tính kiêu căng biến ta thành kẻ trộm, vì nó ăn trộm vinh quang vốn chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.  Theo sự an bài của Chúa Quan Phòng, mọi sự mọi việc trong đời sống chúng ta cuối cùng đều nhắm đến làm vinh danh Thiên Chúa.  Nhưng người kiêu căng lại dùng mọi cố gắng, tài năng để xây một giáo đường tôn thờ sự trổi vượt của mình.  Do đó, họ là kẻ ăn cắp quyền lực, sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa.

Hậu quả đáng buồn nhất của tính kiêu căng là sự tự phụ khiến cho người kiêu căng tự cho mình là rất quan trọng, quan trọng đến nỗi Chúa không thể loại họ ra khỏi nhãn quan của Ngài.  Họ nghĩ rằng họ có thể cứu vớt linh hồn mình mà không cần phải thực sự từ bỏ chính mình, và có thể lên được thiên đàng mà không cần có đức trông cậy đích thực.  Họ quên rằng họ phải đặt Chúa trong trái tim họ trước khi trái tim họ được lên đến Cõi Trời.

Chúa chống lại người kiêu căng thì có gì đáng ngạc nhiên không?  Chúa không thể giúp người kiêu căng vì họ ở ngoài tầm giúp đỡ của Chúa.  Chúa sẽ giúp họ chừng nào họ nhận ra hay cảm thấy họ cần Ngài.  Họ bắt đầu trở lại với Chúa khi nào họ thành khẩn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi”.  Chúng ta cũng phải cầu nguyện như vậy!

Tác giả: Kilian Mc Gowan, C.P

NGƯỜI TRẺ NGÀY NAY

NGƯỜI TRẺ NGÀY NAY

Một chủng sinh tôi mới quen biết, kể cho tôi nghe về hôm thầy dự một buổi tiệc tối thứ sáu ở trường đại học địa phương.  Nhóm này gồm những thanh niên đại học trẻ tuổi, và anh bạn của tôi giới thiệu mình là một chủng sinh, một người nỗ lực để trở thành linh mục, và khấn hứa sống đời độc thân khiết tịnh.  Khi nghe đến độc thân khiết tịnh, một số cười khúc khích, số khác giễu cợt, và nhiều lời đùa rằng anh sẽ phải bỏ mất biết bao nhiêu thứ trong đời.  Thật là ngây thơ, tội nghiệp!  Ban đầu, trong nhóm 8x9x này, niềm tin lòng đạo và những gì dẫn dắt anh chủng sinh muốn sống cuộc đời của mình, được xem là một chuyện vừa buồn cười vừa tội nghiệp.  Nhưng trước khi tàn tiệc, một vài cô gái trẻ đến, khóc trên vai anh và chia sẻ về sự thất vọng với việc bạn trai mình không thể hoàn toàn tận tâm trong mối quan hệ.

 

Điều này có thể cho chúng ta một mô tả về người trẻ trong thế giới thế tục hóa thời nay của chúng ta.  Họ thể hiện cái gọi là tính cách lưỡng cực về đức tin, giáo hội, gia đình, luân lý tình dục, và nhiều đều khác quan trọng với họ.

 

Họ cho chúng ta một hình ảnh mâu thuẫn.  Một mặt, nhìn chung, họ không đi lễ, ít nhất là không đều đặn, họ không giữ đạo đức Kitô giáo về tình dục, dường như lãnh đạm, và có khi thù địch với nhiều truyền thống quý báu trong đạo, và họ có thể thiển cận, không thể tin nổi khi nghiện ngập, và bị nô lệ hóa trong luồng thời thượng của thế giới giải trí, thời trang, và công nghệ thông tin.  Nhìn từ phương diện này, đám trẻ của chúng ta có vẻ không có đạo, suy đồi đạo đức, và vùi đầu vào những thứ hời hợt của các show truyền hình, và trò chơi điện tử.  Nghiêm trọng hơn nữa, các em còn có thể có vẻ thiển cận, tham lam, hư hỏng, và tư lợi quá đáng.  Thật là một viễn cảnh không sáng sủa gì trước mắt chúng ta.

 

Nhưng không hoàn toàn chính xác như vậy.  Trong hầu hết trường hợp, phía dưới bề mặt, các bạn sẽ thấy một con người dễ mến, chân thành, dịu dàng, thiện tâm, tử tế, đạo đức, quảng đại và tìm kiếm những gì đúng đắn (mà không có nhiều hỗ trợ từ một nền văn hóa thiếu chỉ hướng đạo đức rõ ràng, và đầy nguy cơ với quá nhiều chọn lựa).  Tin tốt là, hầu hết người trẻ, với những khao khát thật nhất trong mình, hoàn toàn không xa lạ với Thiên Chúa, đức tin, giáo hội, và gia đình.  Xét chung, người trẻ ngày nay vẫn là người tốt và muốn điều đúng đắn.

 

Nhưng, không phải lúc nào cũng rõ ràng như thế.  Có khi vẻ ngoài dường như lấn át chiều sâu của người trẻ đến nỗi con người thật của các em, và những gì các em muốn không thật sự rõ ràng.  Chúng ta thấy vẻ ngoài, và qua đó, thấy người trẻ có vẻ tư lợi hơn là quảng đại, hời hợt hơn là sâu sắc, bừa bãi hơn là nhạy bén về đạo đức, và lãnh đạm với đạo hơn là đầy đức tin.  Người trẻ cũng thể hiện một sự tự phụ thiển cận, cho rằng mình khó mà bị tổn thương, và không cần bất kỳ ai khác hướng dẫn.

 

Mà chính vì thế, người trẻ đang trong tình trạng lưỡng cực.  Hầu như, các em muốn những điều đúng đắn, nhưng quá thường xuyên vì thiếu sự hướng dẫn thực sự, và vì nền văn hóa bao quanh, mà người trẻ không đưa ra những chọn lựa đem lại những gì đúng với các khao khát sâu thẳm hơn trong lòng mình.  Ví dụ hàng đầu là về tình dục.  Các nghiên cứu trên giới trẻ 8x và 9x cho thấy hầu hết các em mong muốn cuối cùng có được một cuộc hôn nhân chung thủy một vợ một chồng.  Vấn đề là các em cũng tin rằng trước hết mình có thể sống mười hay mười lăm năm tình dục tự thoải mái, mà không chấp nhận rằng mười hay mười lăm năm tình dục không phải là một chuẩn bị tốt cho sự chung thủy nâng đỡ hôn nhân và gia đình.  Trong chuyện này, cũng như nhiều chuyện khác, các em bị kẹt giữa đặc nét văn hóa, và sự an toàn mỏng manh của mình.  Văn hóa cứ xướng lên một đặc nét nhất định, giải phóng khỏi những tỉ mẩn của quá khứ, hoàn toàn tự mãn xem thường bất kỳ điều gì chất vấn nó.  Nhưng nhiều sự tự mãn như thế thực sự đang sa vào bóng tối.  Sâu bên trong, người trẻ của chúng ta khá dao động, và may thay, chính điều này giữ các em yếu đuối và dễ thương.

 

Có lẽ Louis Dupre, triết gia đã dạy tôi vài năm ở Yale, trình bày rõ nhất điều này khi ông nói rằng người trẻ ngày nay không xấu, chỉ là chưa hoàn thiện.  Đây là một thấu suốt đơn giản mà nhiều ý nghĩa.  Có người có thể rất tuyệt vời và dễ thương, nhưng vẫn thiếu chính chắn, chưa trưởng thành.  Hơn nữa, nếu bạn đủ trẻ, như thế bạn có thể rất hấp dẫn, rất ngầu.  Và ngược lại, thường cũng như thế. Nhiều người trưởng thành chúng ta, bị giày vò vì tính lưỡng cực của chính mình, khi chúng ta chính chắn trưởng thành, nhưng lại không tuyệt vời và dễ thương.  Điều này gây nên những song đề nghịch lý.

 

Vậy người trẻ ngày nay thực sự là thế nào?  Là con người luôn luôn gói kín trong thế giới của riêng mình, bị ám ảnh về ngoại hình, ham mê đến nghiện truyền thông xã hội, sống ngoài hôn nhân, tự mãn thiển cận về đạo đức phi truyền thốn,g và quan điểm tôn giáo của mình ư?  Tôi tin rằng, đó chỉ là mặt bề ngoài.  Người trẻ ngày nay thực sự đầy nồng hậu, thiện tâm, quảng đại và mong đợi có ý thức một tình yêu và kết ước, cũng như mong đợi trong vô thức được Thiên Chúa ôm vào lòng.

THÁNH BARTÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ

Các sách Tin Mừng nhất lãm và sách công vụ tông đồ ghi nhận thánh Bartôlômêô là một trong nhóm 12, nhưng lại không biết thêm gì về ngài, ngoài việc liên kết tên ngài với Philipphê.

Tin Mừng thứ tư không có danh sách các tông đồ, nhưng có nhắc phần lớn tên các tông đồ thuộc nhóm 12, sách Tin Mừng này không nói gì tới Bartôlômêô, nhưng lại chỉ ghi nhận tên Nathanael, liên hệ với Philipphê (Ga 43-51), cũng như kết nhóm với các tông đồ khác sau phục sinh (Ga 21,1-14). Từ thế kỷ 16, nhiều học giả đã đồng hóa Nathanael với Bartôlômêô và gọi tên Bartôlômêô là tên của Nathanael. Như vậy chính Nathanael là con (bar) của ông Tolmai hay có thể Ptolemy (Tlômêô), sinh tại Cana (Ga 21,2).

Nếu sự đồng hoá là đúng, chúng ta biết được nhiều chi tiết về ơn gọi của thánh tông đồ hơn là của các tông đồ khác (Lc 5,4-10 dường như là phó bản của Ga 21,4-17). Trước khi được chính thức kêu gọi, đã có một cuộc gặp gỡ thú vị : Philipphê giới thiệu với Bartôlômêô :

  • Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là Đức Giêsu con ông Giuse người Nazareth.
Bartôlômêô đáp lại, với óc khinh miệt của những dân làng lân cận :
  • Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được.
Tuy nhiên đáp lại lời mời “thì hãy đến mà xem”, vị tông đồ đã gặp một Chúa Giêsu thấu suốt lòng mọi người :

– Này đây đích thực là một người Israel, trong mình không có gì gian dối.

Bartôlômêô đã nhận ra nguồn gốc Thiên sai của Chúa Giêsu nhờ cuộc gặp gỡ ấy. Rồi đây ngài còn khám phá ra sư thật cao cả hơn nữa về con người Chúa Giêsu. Ngài luôn chen vai sát cánh với các bạn tông đồ (Ga 21,1-14).

Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thánh Bartôlômêô ra đi truyền giáo. Có nhiều truyền thống tìm cung ứng các chi tiết khác nhau về đời truyền giáo của Ngài tại Tiểu Á, Armenia, Mosopotamia, Persia, Ấn Độ và Ai cập. Tuy nhiên giai thoại ở Armenia được chấp nhận nhiều hơn cả. Thánh nhân được tôn kính như thánh tông đồ của miền này.

Người ta kể rằng : khi thánh tông đồ đến Armenia, tại chính nơi vua Polimio và triều đình cư ngụ, quỷ thần Atarốt ở đấy câm họng. Ngài khua trừ ma quỉ. Giải thoát cho nhiều người khỏi bị quỉ ám. Trong số này có cả nàng công chúa. Ngài liền được triệu vời đến triều đình. Trước mặt vua ngài truyền quỉ thần phải nói sự thật bỉ ổi về số phận đời đời của nó. Nhà vua cảm động ban tặng tiền bạc cho tông đồ, nhưng ngài từ khước và chỉ mong mọi người nhận biết và thờ phượng Chúa.

Dĩ nhiên các tư tế thờ ma quỉ tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh tông đồ. Attiges em vua Polimiô bắt ngài tống ngục. Ông nổi giận ra lệnh lột da rồi thiêu sống thánh nhân. Nhưng nhờ quyền năng Chúa, ngài vẫn được cứu sống. Người ta dựa vào sự kiện này để vẽ hình thánh nhân nằm cạnh con dao và miếng da như biểu tượng đời ngài. Cuối cùng ngài bị trảm quyết.

Tương truyền rằng : xác ngài được chuyển về Beneventô. Vào thế kỷ X, không rõ các di tích của ngài có được vua Ottô III đưa về và còn được lưu giữ tại thánh đường thánh Bartôlômêô ở Tiber không?

Thứ Năm Tuần XXI Mùa Thường Niên Năm chẵn

Ca Nhập Lễ

Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con. Xin cứu độ tôi tớ Ngài đây, hằng tin tưởng nơi Ngài. Chính Ngài là Thiên Chúa của con. Xin dủ lòng thương con, lạy Chúa, vì con kêu cầu Chúa suốt ngày.

Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin…

 BÀI ĐỌC I:  1 Cr 1, 1-9

“Trong mọi sự, anh em hãy nên giàu có trong Người”.

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô, ở cùng anh em.

Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Người, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Người sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 144, 2-3. 4-5. 6-7

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1b).

Xướng: 1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi
danh Chúa tới muôn đời, Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.    –  Đáp.

2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều kỳ diệu của Chúa.  –  Đáp.

3) Người ta nói tới quyền năng trong những việc đáng sợ, và kể ra sự vĩ đại của Ngài. Người ta lớn tiếng khen ngợi lòng nhân hậu bao la, và hân hoan vì đức công minh của Chúa.  –  Đáp.

ALLELUIA:  Cl  3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. – Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 24, 42-51

“Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

“Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: ‘Chủ tôi về muộn’, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.  Đó là lời Chúa.

Lời Nguyện Tiến Lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Đức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Kinh Tiền Tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Vì thế, cùng với ca đoàn các Thiên thần, chúng con ca ngợi Chúa và hân hoan tuyên xưng rằng: Thánh! Thánh! Thánh!

Ca Hiệp Lễ

Lạy Chúa, đất chứa chan phước lộc của Ngài, từ ruộng đất Ngài sản sinh cơm bánh, và rượu ngon làm phấn khởi lòng người.

Lời Nguyện Hiệp Lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin…

 

Vượt qua bế tắc trong cuộc sống

Cuộc sống không phải là con đường bằng phẳng, không phải lúc nào cũng như ta mong đợi. Cuộc sống luôn có những gập ghềnh, gấp khúc, đó là một hành trình đầy chông gai, thử thách…

Cuộc sống luôn công bằng, chẳng cho ai tất cả cũng chẳng lấy hết của ai thứ gì… Cuộc sống là vô vàn những điều biến động, đôi lúc gặp những trở ngại khiến ta buồn chán, tuyệt vọng, rơi vào trạng thái bế tắc, có lúc tưởng không còn tìm ra được cách giải quyết, muốn buông xuôi tất cả…

Có ai sống cả đời suôn sẻ mà chưa từng một lần cảm thấy bế tắc? Chuyện gì rồi cũng có cách giả quyết của riêng nó.

“Hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp hơn” (Willie Jolley).

Khi gặp bế tắc, bạn hãy học cách vượt qua vì không ai sống thay cho cuộc đời của chính bạn cả mà bạn phải thực sự sống cuộc đời của mình. Vượt qua được bế tắc, thử thách đồng nghĩa với việc bạn chiến thắng chính bản thân mình, thấy mình trưởng thành hơn. Bạn sẽ thấy những bế tắc chẳng có gì đáng sợ chỉ cần bạn biết cách vượt qua.

Hãy vẽ bức tranh cuộc đời bạn bằng sắc màu tươi sáng thay cho bức tranh ảm đạm, u tối mà bạn đang gặp phải, đang gánh chịu vì thế giới này vẫn thật đẹp, nỗi buồn phiền rồi sẽ bay đi thôi.

Ba cách đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn từng bước vượt qua bế tắc gặp phải trong cuộc sống, hãy cùng nghiền ngẫm, bạn sẽ thấy thật thú vị, hữu ích.

  1. Học cách bình tĩnh

Mọi việc đều có cách giải quyết, vấn đề là bạn phải sáng suốt, phải thật bình tĩnh để suy xét, nhìn nhận lại vấn đề, nguyên nhân xuất phát từ đâu. Chuyện đã xảy ra rồi, có nôn nóng, hoảng loạn cũng không giải quyết được, vì vậy hãy pha cho mình một cốc nước, chậm rãi suy nghĩ, bình tâm xem mình sai ở chỗ nào, tại sao lại xảy ra chuyện này chứ đừng ngồi đó chỉ trích hay “than thân trách phận”. Việc bình tĩnh sẽ giúp bạn đưa bản thân về trạng thái cân bằng, từ đó bạn có thể tự mình tháo gỡ từng nút thắc trong vấn đề đang gặp phải, bạn sẽ thấy sự việc “không quá khó khăn như mình nghĩ”.

  1. Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nghĩ tới những điều tốt đẹp

Rơi vào bế tắc, bạn phải có nghị lực vươn lên bởi đây không phải là lúc để bạn chùn bước hay rơi vào vòng luẩn quẩn mà không biết phải làm gì. Hãy nhớ rằng“thất bại là mẹ thành công”. Cuộc sống luôn chuyển động vì thế đừng từ bỏ, buông xuôi, hãy lập cho mình một kế hoạch, đặt ra mục tiêu cần phải làm gì ở bước kế tiếp. Cuốn vào công việc, xóa những suy nghĩ tiêu cực và luôn nghĩ về những điều tốt lành sắp đến, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ thở hơn nhiều.

  1. Học cách mỉm cười mỗi ngày

Dẫu cuộc sống của bạn đang có quá nhiều thứ để lo toan, dẫu đôi vai đang oằn nặng vì nhiều thứ thì cũng nên mỉm cười để đứng vững. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, cười để có động lực, có niềm tin để vượt qua, cười để biết rằng cuộc đời này vẫn còn nhiều điều để ta yêu, ta quý. Những lúc bế tắc chỉ cần bạn mỉm cười, vững tin vượt qua, bế tắc sẽ không là vấn đề quá quan trọng nữa.

Cần có cái nhìn lạc quan hơn để vượt qua bế tắc, bước tiếp, bạn nhé!

Chia sẻ của những người con nhân mùa Vu Lan

Một mùa Vu Lan báo hiếu nữa lại về, chúng ta cùng lắng lòng nghe tâm sự của những người con dành cho đấng sinh thành của mình.

Mẹ già như chuối ba hương

Mở đầu là lời bộc bạch của một người con vừa chập chững bước chân vào đời mà không có mẹ dắt tay đi cùng.

“Em nghĩ tới mẹ em lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói.

Em nhớ mẹ trong lúc đi làm, khi bị người ta nói này nói kia. Mình nghĩ lúc ở nhà, ba mẹ la mình thì mình giận, nghĩ là không thương mình. Rồi bây giờ, đi ra ngoài đi làm, người ta khó khăn với mình thì mình cũng phải chịu thôi, không nói lại được. Nên nghĩ lại thấy thương nhớ mẹ.”

Lời tâm tình vừa rồi của cô bạn nhỏ Kiều Hạnh cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ – những chú chim non vừa bay ra khỏi tổ, tự một thân một bóng phải vật lộn, chống chọi lại mọi thứ để tồn tại trong khoảng không gian bao la vô tận mà trước đây bầu trời xanh trong với những ước mơ bay bổng từng thu hút và đầy quyến rũ để các chú chim luôn khao khát mau được bay ra khỏi tổ một cách tự do, độc lập.

Trong suy nghĩ non tơ khi còn nhỏ, cô bé Kiều Hạnh không định nghĩa được thương yêu mẹ là như thế nào. Tuy nhiên, mỗi khi bụng đói và nghe câu hát “mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau” là Kiều Hạnh nghĩ ngay đến mẹ. Ở cạnh mẹ, em luôn có cảm giác mẹ của em thật “ngon và ngọt” như những cây trái làng quê này.

Những ngày đầu tiên xa nhà vào đại học, cũng cảm giác nhớ mẹ da diết mỗi khi đói thì hình ảnh của mẹ không hấp dẫn như những món ăn hồi xưa nữa. Giờ đây, du học tận Hoa Kỳ, Kiều Hạnh không thể tranh thủ cuối tuần về quê để được sà vào lòng mẹ. Những giọt nước nước mắt tủi buồn nơi xứ xa khi đói lòng khiến cô gái bé bỏng này nghị lực hơn để mau sớm học hành thành tài và trở về bên mẹ dù giờ đây câu hát “mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi” luôn ám ảnh mình.

Phận mồ côi

Phận mồ côi, dù không muốn cũng không được, cô Thuỷ, một đứa con lai được một gia đình giàu có ở Pleiku nhận nuôi khi người mẹ trẻ của cô mang cho lúc cô tròn 8 tháng tuổi. Là một con bé nhỏ thó với gương mặt của một người Tây phương da trắng, cô Thuỷ tự hỏi không biết có nét nào được di truyền từ mẹ của mình.

Sau ngày 30-4-1975, dù được gia đình nhận nuôi thương yêu hết lòng, nhưng cô Thuỷ phải trải qua những ngày cơ cực khốn khó của một “thân phận dư thừa” ở Việt Nam sau những ngày chiến tranh. Đời sống tình cảm thương yêu của gia đình vẫn không bù đắp được cảm giác lạc lõng, cô đơn, trơ trọi của mình.

Sau khi ổn định cuộc sống mới cùng chồng và 4 đứa con ở Hoa Kỳ, cô Thuỷ bắt đầu hành trình đi tìm mẹ. Trước khi về lại thành phố Pleiku năm 2000, cô Thuỷ đã đăng báo tìm mẹ trong suốt 2 năm ròng. Được gặp gỡ với nhiều bà mẹ cùng những lời lý giải đầy nước mắt vì sao họ phải quyết định lìa bỏ núm ruột của mình, cho đến nay, người mẹ ruột cô Thuỷ hằng ngóng trông vẫn chưa xuất hiện. Hình ảnh người mẹ không chân dung vẫn luôn hiện diện từng giây phút trong tâm tưởng của cô Thuỷ cùng với khát khao tìm mẹ vẫn luôn cháy bỏng trong lòng.

Không trách cứ, không than phiền về phần số mồ côi nhưng giờ đây là một bà mẹ đơn thân của 4 đứa con, cô Thuỷ chắc chắn một điều là cô sẽ luôn mở rộng vòng tay bao phủ che chở cho con mình dù bất cứ điều gì nghiệt ngã nhất xảy ra trong đời. Cô Thuỷ tâm tình:

“Bởi vì Thuỷ không có anh em ruột, không có cha mẹ ruột, mấy đứa con là ruột thịt của Thuỷ, rất là thương, rất là quý. Cho nên dù có gì đi nữa thì cũng ráng mà nuôi, không bỏ con mình. Mình đã thiếu mẹ và đã thiếu cha rồi, mình cũng nghĩ tới trong trường hợp như vậy thì con mình sẽ khổ như thế nào và những sự mong muốn của chúng như thế nào. Vì vậy, Thuỷ không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ con mình cho một người nào khác mặc dù những người xin về nuôi dưỡng chúng kỹ lưỡng.”

Nỗi đau mất mẹ

Không là phận nữ nhi thường được cho là yếu đuối trong cảm xúc, ca sĩ Vũ Vinh Quang thật sự bị sốc khi mẹ đột ngột từ giã cuộc đời lúc anh 20 tuổi. Chàng sinh viên năm thứ 2 đại học bị mất phương hướng và đã trốn tránh tất cả với nỗi đau mất mẹ quá lớn này. Đã hơn 15 năm trôi qua, chàng ca sĩ vẫn nhớ như in những lời nói dịu dàng của mẹ nhắc nhở con cái về phòng ngủ sớm khi cả nhà quây quần bên nhau trong đêm định mệnh ấy.

Hình ảnh mẹ vẫn bàng bạc hiện diện và theo cả vào giấc mơ mỗi đêm. Định cư ở Mỹ được 3 năm, Vũ Vinh Quang càng nhớ mẹ nhiều hơn bao giờ hết, anh chia sẻ:

“Những lúc gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, gặp những điều không ưng ý, hay là khi qua đây, mỗi khi làm việc vất vả quá, những lúc cảm thấy cô đơn, buồn quá thì Quang nghĩ đến mẹ nhiều. Ngay cả trong giấc ngủ, từ lúc qua đây đến giờ đã 3 năm rồi, Quang nằm mơ thấy mẹ liên tục. Nói chung, thường những lúc mình cảm thấy chán nản trong cuộc sống thì Quang hay mơ đến mẹ, giống như là mẹ tạo cho mình niềm tin động viên vậy đó.”

Hai câu thơ của Trần Trung Đạo:

“Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”

như nói thay ước muốn của tất cả những người con trên thế gian này. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù được ở gần đấng sinh thành mỗi ngày chia sẻ buồn vui, dù nước mắt lăn dài trên gối chiếc với nỗi lòng ngậm ngùi tiếc thương, dù hy vọng mong manh có một ngày được cất lên 2 tiếng “Mẹ ơi!” thì những người con vẫn mãi đầm ấm một tình mẫu tử thiêng liêng bất biến vì:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”

Thứ Tư Mùa Thường Niên Năm C

LỄ THÁNH  BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ

* Thánh nhân còn được gọi là Na-tha-na-en, quê ở Ca-na. Chính tông đồ Phi-líp-phê là người đã giới thiệu thánh nhân với Chúa Giêsu ở bờ sông Gio-đan. Người nhập nhóm các môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi. Người ta không biết đích xác về hoạt động tông đồ của người sau lễ Hiện Xuống. Tương truyền rằng người đã loan báo Tin Mừng ở Ấn Độ và đã chịu tử đạo ở đó.

Ca Nhập Lễ

Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Thiên Chúa cứu độ. Kể cho muôn dân biết Người thật quang vinh.

Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một lòng tin vững mạnh, để chúng con thật tình gắn bó với Đức Kitô, Con Một Chúa, như thánh Batôlômêô tông đồ. Xin Chúa cũng nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con sống thế nào, để muôn dân nhận biết Hội Thánh chính là bí tích cứu độ. Chúng con cầu xin…

 

BÀI ĐỌC I:   Kh 21, 9b-14

“Trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần nói với tôi rằng: “Ngươi hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi xem phu nhân, bạn của Con Chiên”.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường luỹ cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó và đèn của nó chính là Con Chiên.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18

Đáp:     Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (c. 12a).

1)        Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
– Đáp.

2)         Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ.    – Đáp.

3)         Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật.     – Đáp.

ALLELUIA:  Ga 1, 49b

Alleluia, alleluia! – Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel. – Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 1, 45-51

“Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối “.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”. Đó là lời Chúa.

Lời Nguyện Tiến Lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh tông đồ Batôlômêô, chúng con dâng tiến của lễ này để chúc tụng tôn vinh Chúa. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà ban ơn trợ giúp chúng con. Chúng con cầu xin…

Kinh Tiền Tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Lạy Chúa là Mục Tử hằng hữu, Chúa không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các Thánh Tông Đồ, Chúa luôn che chở giữ gìn để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa coi sóc đoàn chiên. Vì thế, cùng với các Thiên thần và Tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng: Thánh! Thánh! Thánh!

Ca Hiệp Lễ

Chúa nói: “Thầy sẽ ban quyền cai trị cho anh em, như Cha Thầy đã ban cho Thầy, để anh em được cùng với Thầy đồng bàn ăn uống trên vương quốc của Thầy”.

Lời Nguyện Hiệp Lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, trong ngày lễ kính thánh Batôlômêô tông đồ, chúng con đã lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu độ muôn đời. Xin cho bí tích này nâng đỡ chúng con bây giờ và mãi mãi. Chúng con cầu xin…

 

“Cứ phục vụ một ly bia, chúng tôi tặng một câu Thánh Kinh và một nụ cười”

Từ Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế về, Noé kể chuyến đi Paris-Krakow bằng xe thực phẩm

Noé 23 tuổi, anh vừa từ Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế về. Anh vừa học xong, trước khi đi làm việc, anh quyết định dành ra hai tuần để đi dự Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế ở Ba Lan… theo xe thực phẩm. Anh trở về sau một chuyến đi thích thú.

Aleteia: Xin anh cho biết dự tính cho chương trình Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế của anh như thế nào?

Noé: Tôi đi dự Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế với Anuncio, bạn biết đó Anuncio là cơ quan đã tổ chức các sự kiện Krakow-Beach, các buổi trình diễn cho các nhóm ca nhạc Glorious, Turpin, Hopen…! Bạn hình dung thêm một chút nhé: một bối cảnh bên bờ Vistule, ở ngay trung tâm Krakow nơi có hàng chục ngàn người đi qua trong Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế! Thế có điên không chứ!

Cơ quan Anuncio đã có từ 8 năm nay. Mục đích là nhân lên các sáng kiến để giảng Phúc Âm. Dựng máy giặt khổng lồ

ở các nơi công cộng ở Paris, diễn hành với âm nhạc, xe thực phẩm, tổ chức các buổi hòa nhạc hàng năm như ở Krakow-Beach.

Lần này chúng tôi đi từ Paris-Krakow mười ngày trên mười xe mini-buýt, mỗi ngày chúng tôi ngừng ở một tỉnh khác nhau để giảng Phúc Âm ngoài đường.

Giảng Phúc Âm ngoài đường đòi hỏi một cố gắng vượt bực lúc đầu, nhưng chúng tôi có những cuộc gặp gỡ lạ lùng, giáo dân thố lộ: “Tôi ở trong tình trạng điên loạn hoàn toàn”, “Tôi vừa mất một đứa con”, “Tôi không biết cầu nguyện”, “Chúa không thể thương tôi, tôi quá hư”, … Chỉ trong vòng một giờ làm việc, ít nhất bạn có thể gặp một người cần đến bạn trong lúc đó! Bạn cảm thấy thật khẩn cấp, những người mà bạn hay gặp trên đường đi của mình nhưng bạn không ngừng lại, và thật sự họ cần được yêu và được nghe.

Tại nơi tổ chức các buổi hòa nhạc, các thừa tác viên tiếp những người qua lại, nghe họ và làm chứng đức tin kitô của mình với họ. Về phần tôi, tôi lên đường theo xe thực phẩm: một chiếc xe tải một bên mở ra để làm ‘quán’ bán thức ăn! Chúng tôi tạo một khung cảnh thiện cảm và an bình cho các thừa tác viên và cư dân các nước mình đi qua để làm thuận tiện cho các cuộc gặp gỡ và thảo luận.

Cứ mỗi ly bia chúng tôi phục vụ, chúng tôi tặng một câu Thánh Kinh và một nụ cười cho khách hàng: rao giảng Phúc Âm bắt đầu từ đó!

Anh có thể kể một ngày làm việc bình thường trên xe thực phẩm không?

Chúng tôi dậy sớm để sống với nhóm gồm 60 người của cơ quan Anuncio. Buổi sáng là bài giáo huấn, hương nguyện, thư giãn, ăn uống, sinh hoạt. Nhóm của chúng tôi nhỏ nên tất cả mọi người gặp mọi người. Chúng tôi sống trong tình bằng hữu mấy tuần này nên khi xa nhau thì thật là buồn.

Buổi chiều là đi đường và chuẩn bị cho công việc buổi tối. Sau khi dọn dẹp xong buổi tối, chúng tôi thường họp nhau lại để uống ly bia: đó là giây phút thần tiên!

Có khó để phối hợp công việc trên xe và cầu nguyện không?

Ở Anuncio, chúng tôi không đọc hương nguyện: mỗi ngày chúng tôi có ba mươi phút đến một giờ với Chúa. Như thế, chúng tôi có cuộc hẹn với Chúa mỗi ngày, và cả là một sự khác biệt. Công việc phục vụ của chúng tôi một cách nào đó đã là cầu nguyện và làm chứng! Đúng là như vậy.

Đâu là các kinh nghiệm phong phú anh có trong chuyến đi này?

Cá nhân tôi có hai chuyện đặc biệt đánh động. Ở khuôn viên Misericordiae, khi Đức Phanxicô nói chúng tôi phải rời ghế sofa, tôi xem câu này như ngài nói riêng với tôi: dù trong đời sống sinh viên hay trong đời sống nghề nghiệp, dấn thân giảng Phúc Âm phải là một trong các ưu tiên của chúng tôi! Những người chúng tôi gặp mỗi ngày họ thật sự khao khát!

Tôi cũng được đánh động bởi một cuộc gặp gỡ ở Nuremberg trong một sứ vụ. Tôi gặp một bà đến từ Ukraina, bà cần nói chuyện, bà ngừng xe đạp trước xe thực phẩm. Tôi đến giải thích cho bà biết những gì đang xảy ra, các bạn trẻ tụ họp ở đây, các buổi hòa nhạc, các băng rôn, vv..

Bà giải thích cho tôi, bà không tin có Chúa vì khi còn đi học ở Nga, bà được dạy là không có Chúa. Không bỏ lỡ dịp, tôi mời bà vào nhà thờ trước mặt, nơi đang có giờ chầu để chính bà chứng thực. Sau khi cầu nguyện với bà, bà ở lại một mình lâu trong nhà thờ: tôi nghĩ có một cái gì đó giữa Chúa và bà. Tôi để bà lại ở nhà thờ, tôi ra đường lại.

Thật cực kỳ đơn giản: bất cứ ai cũng có thể làm như vậy, nó làm bừng lên đức tin của bạn và nó lấp đầy niềm vui cho bạn. Và đó là thành quả đầu tiên thấy được, cảm nhận có một niềm vui trong công việc của mình. Cái gì xảy ra nơi quả tim tín hữu… là xảy ra trong quả tim của Chúa!

Nếu bạn muốn biết thêm hoặc muốn thử, xin hẹn bạn cuối tuần đầu tháng 10: xin mời tất cả các bạn trẻ Paris!

Thế vận hội 2016. Bán đấu giá huy chương để giúp một em bé bị bệnh!

Piotr Malachowski, vận động viên Ba Lan bán đấu giá huy chương Rio của mình để cứu em bé Olek.

Kỳ thi Thế vận hội vừa chấm dứt, huy chương bạc môn ném đĩa người Ba Lan Piotr Mslachowski không ngần ngại lao vào một cuộc thi đấu mới. Anh trả lời tiếng kêu tuyệt vọng của một bà mẹ Ba Lan có con bị bệnh, anh đem bán đấu giá huy chương bạc của mình. Em bị bệnh ung võng mạc, một loại nhiễm trùng võng mạc ở trẻ em. Từ hai năm nay, khi em 3 tuổi, em đã chiến đấu để sống còn và không một hy vọng nào được săn sóc ở Ba Lan. Với em, giải pháp chỉ có thể là đến New York để mổ, và đó là mục đích lực sĩ huy chương bạc này nhắm đến để lo cho em.

“Tôi quyết định giúp em Olek”

Lực sĩ vô địch chia sẻ quyết tâm của mình trên các trang mạng xã hội và anh giải thích trên trang Facebook: “Thắng huy chương thế vận là giấc mơ suốt cả một đời của một lực sĩ. Đương nhiên huy chương vàng này là quý nhất. Tôi đã làm hết khả năng mình để đạt được. Nhưng tiếc thay, lần này tôi không thành công. Tuy nhiên số phận đã cho tôi dịp may để tăng thêm giá trị của huy chương “bạc” của tôi.

Và cuối cùng anh tuyên bố: “Tôi quyết định giúp em Olek và bán đấu giá huy chương Rio của tôi. Số tiền thu được sẽ được dùng để chữa bệnh cho em Olek”.

Hành động quảng đại này không ngừng ở sự trợ giúp tài chánh, vì anh “khuyến khích tất cả những ai thiện chí nên gởi tin nhắn, giúp bằng đủ mọi cách có thể để giúp các cha mẹ và các gia đình”.

Theo báo Figaro Pháp cho biết, “cuộc bán đấu giá này mở ra cho đến ngày 26 tháng 8 và cho đến bây giờ đã thu được 15 500 ơrô. Một phần ba số tiền sẽ dành vào chuyến đi và việc giải phẫu cho em Olek sẽ có được qua quỹ của lực sĩ Piotr Malachowski vận động quyên góp”.

Lực sĩ thế vận lạc quan: “Nếu quý vị giúp đỡ tôi, tiền của quý vị sẽ quý cho Olek hơn là vàng.”