Phép chuẩn – Phép giao

230

Phép chuẩn – Phép giao

Hỏi: Kính chào cha, nguyện xin bình an và tình yêu Thiên Chúa luôn ở cùng cha.

Thưa cha, con tên là Dương Thị Khánh, con xin cha giúp con giải thích ý nghĩa:

(1) Phép Chuẩn là gì? (2) Phép Giao là gì? (3) Các quy định về hôn phối có giống nhau ở mọi nơi không? (4) Hai người chưa kết hôn, nhưng lỡ có con, họ không sống chung, và sau thời gian tìm hiểu họ kết hôn. Họ có được có Thánh lễ Hôn Phối như những người chưa có con không? (5) Nếu một trong hai người học đạo để trở thành người Công giáo, thì có gì khác hơn không?

Con đang giúp về giáo lý, con đã hỏi nhưng câu trả lời khác nhau, và có cha thì nói là không có chuẩn hay giao gì hết, chỉ là hôn nhân giữa người đạo và người khác đạo, nhưng có người thì nói là phải xin phép chuẩn trước… Trong Chúa, xin cám ơn cha.

(Dương Thị Khánh)

 Trả lời:

Chị Khánh thân mến,

Những thắc mắc của con về hôn nhân cũng là những thắc mắc của nhiều người có lẽ là do những từ ngữ không được giải thích rõ ràng hoặc vì người sử dụng không biết chính xác nội dung nên đôi khi có những cách hiểu khác nhau. Nay cha sẽ giải thích từng điểm một.

1. Phép Chuẩn là gì? Phép chuẩn hay miễn chuẩn là sự nới lỏng một luật thuần túy Giáo Hội trong một trường hợp đặc biệt, được ban do những người có thẩm quyền trong Giáo Hội (x. Giáo Luật điều 85). Như vậy có nghĩa rằng nếu có một luật buộc do Giáo Hội ban hành mà luật ấy trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó trở nên nặng nề cho tín hữu thì có thể xin miễn chuẩn với những người có thẩm quyền như đức giám mục giáo phận, cha tổng đại diện…

Trong hôn nhân có nhiều trường hợp cần miễn chuẩn như khác đạo, chưa đủ tuổi kết hôn, họ máu hàng ngang bậc 3 và 4, lời khấn trọn đời, họ kết bạn…, miễn chuẩn thể thức Giáo Luật.

Những ngăn trở theo luật Chúa hoặc luật tự nhiên thì không chuẩn được thí dụ như bất lực, họ máu hàng dọc…

Vậy phép chuẩn là việc thẩm quyền của Giáo Hội cho phép trong trường hợp đặc biệt khỏi phải tuân giữ các điều luật buộc.

Thí dụ như hai bên kết hôn mà một bên có đạo còn bên kia chưa rửa tội hôn nhân sẽ không thành theo Giáo Luật điều 1086 §1: Hôn nhân giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo Hội ấy với một người không được rửa tội thì bất thành.

Nếu xin được phép chuẩn khác đạo thì họ sẽ kết hôn thành sự nghĩa là nên vợ chồng thật sự trước mặt Chúa và Giáo Hội. Có phép chuẩn rồi thì hai người mới tiến hành nghi thức kết hôn.

Xưa nay người ta vẫn dùng từ phép chuẩn để nói về phép chuẩn khác đạo nên lầm tưởng phép chuẩn là hôn phối chứ thực ra phép chuẩn chỉ là sự miễn chuẩn để có thể kết hôn thành sự. Sau đó họ phải cử hành Nghi thức Hôn Phối như đã được quy định. Vậy phép chuẩn không phải là phép hôn phối.

2. Phép giao là gì? Đó là nghi thức cử hành hôn phối ngoài Thánh lễ. Nếu nghi thức được cử hành trong Thánh lễ Hôn Phối người ta gọi là phép cưới hay lễ cưới. Đây chỉ là cách phân biệt của người Việt Nam thôi chứ nước ngoài không phân biệt phép giao hay phép cưới.

Kết hôn ngoài Thánh lễ thường xảy ra khi hôn nhân được tiến hành cho hai người đã lớn tuổi hoặc họ tái hôn khi người phối ngẫu đã qua đời để tránh sự dị nghị hay cho đôi hôn nhân khác đạo mà có một bên không rửa tội.

3. Các quy định về hôn phối trong Giáo Hội thì có những điều giống nhau như về các ngăn trở, về sự ưng thuận và thể thức Giáo Luật. Tuy nhiên, cũng có những điều dành riêng cho quyết định thích nghi của Hội đồng Giám mục như được nói đến trong sách Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân từ số 39 đến 44. Ngoài ra, còn có những quy định riêng của các giáo phận liên quan đến việc ban phép chuẩn khác đạo, hôn phối với người nước ngoài…

4. Việc hai người chưa kết hôn mà đã có con và sau đó họ muốn tiến hành hôn phối thì bình thường vẫn có thể có Thánh lễ không có gì ngăn trở. Tuy nhiên, việc sống chung của họ nếu gây gương xấu cho mọi người thì quyết định cử hành lễ cưới công khai còn tùy thuộc cha xứ hoặc quy định riêng của mỗi giáo phận.

5. Hôn phối của một người Công giáo và một người không rửa tội thường cử hành ngoài Thánh lễ, dù được cử hành trong nhà thờ thì hôn nhân của họ vẫn là hôn nhân tự nhiên. Còn nếu người chưa rửa tội học đạo để trở thành người Công giáo thì hôn phối của họ được Chúa Giêsu nâng lên hàng bí tích (x. Giáo Luật 1055 §1) và những đặc tính chính yếu là đơn nhất và bất khả phân ly có một sự bền vững đặc biệt (x. Giáo Luật 1056).

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích DCCT

Previous articleNgười đi lễ trễ có được rước lễ không?
Next articleMột số sự kiện ngày 11 tháng 10