Qua Cơn Bệnh Này, Con Thiên Chúa Được Tôn Vinh

26

Qua Cơn Bệnh Này, Con Thiên Chúa Được Tôn Vinh

Khoảnh khắc lịch sử của Giáo hội Công giáo, lúc 12 giờ trưa Chúa nhật, ngày 15/3/2020, lần đầu tiên trong lịch sử, hình ảnh một vị Giáo hoàng đơn côi đứng bên cửa sổ, âm thầm đọc kinh Truyền tin và giơ tay ban phép lành trên quảng trường không có một bóng người trong một khoảng không gian im lặng đến rợn người, khiến con tim của người Công giáo trên thế giới đau nhói…

Vì đại dịch Coronavirus đang tàn phá thế giới, gieo nỗi kinh hoàng cho nhân loại, gây nên cuộc khủng hoảng cho các quốc gia, nên hôm thứ sáu 27/3 vừa qua, Đức Thánh Cha đã quyết định tổ chức giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi “ngoại thường” cho các tín hữu trên thế giới.

Chủ sự buổi cầu nguyện lịch sử trong bối chiều tà tại quảng trường trống vắng, lạnh lẽo và ảm đạm, Ngài nguyện xin với Đức Kitô, Đấng chịu treo trên cây Thánh giá nhiệm mầu “Il Crocifisso Miracoloso” ban bình an và sức khỏe cho thân xác của các bịnh nhân, các y bác sỹ và an ủi trái tim mỗi người trong nhân loại đang khốn khổ vì đại dịch này.

Cả thế giới Công giáo và những người thiện tâm háo hức đón chờ. Mọi người bỗng nhiên thấy mình xích lại gần nhau, xung quanh vị Cha chung. Không còn những khoảng cách về địa dư, về không gian, quốc gia và dân tộc.

Cái khoảnh khắc linh thiêng ấy từng giây, từng phút cuốn hút từng người vào “cảnh vực thần linh” (nói theo nhãn quan của cha Pierre Teilhard de Chardin), vào mầu nhiệm hiệp thông Hội thánh – Thân Thể Chúa Kitô, vượt qua những khác biệt để nên một với nhau trong tình thương cứu chuộc của Chúa Kitô, hiện thể trong từng lời nói và cử chỉ của vị Cha chung trong buổi cầu nguyện và phép lành Urbi et Orbi.

Điều này đã khiến lịch sử phải ghi tiếp “những việc lạ Chúa làm để giúp tôi” (x.TV9,2). Có lẽ Chúa Kitô đã an bài để hôm qua, ngày 29/3/2020, Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay, trong buổi đọc kinh truyền tin cũng từ cửa sổ mở ra trước quảng trường, vị Cha chung đã mạnh mẽ kêu gọi: “Hãy lăn tảng đá trong trái tim và để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc”; tảng đá coronavirus đang đè nặng tâm hồn ngài, các tín hữu và cả nhân loại này.

Trong một thế giới đang bị sự chết đe doạ và khống chế, Lời Chúa và đức tin giúp chúng ta có thể chạm tới thực tại mầu nhiệm Thiên Chúa là sự sống và là Đấng ban sự sống, nhưng Người vẫn muốn ôm lấy bi kịch của cái chết qua những vết thương của Con của Người trong cuộc khổ nạn.

Đức Giêsu đã có thể giúp cho người bạn Lazarô khỏi chết, nhưng Người muốn an ủi và chia sẻ nỗi đau khổ của những ai khi đang đau khổ gần như tuyệt vọng khi mất đi những người thân yêu, vì “nếu Thầy ở đây, thì…!.

Người ta muốn che đậy thứ mùi của sự chết, là những sự khủng hoảng của lòng tin của các thứ dịch: dịch sợ hãi, dịch đóng cửa nhà thờ, dịch đình chỉ thánh lễ đi theo dịch coronavirus”

Giữa đau buồn, giữa sự chết chóc, hãy vững tin, ngay cả khi cái chết dường như đã chiến thắng “hãy lăn tảng đá khỏi trái tim! Hãy để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11,4)

Đức Thánh Cha nói: “Vì thế, chúng ta được mời gọi lăn tảng đá che đậy tất cả những thứ có mùi của sự chết: sống đức tin cách giả hình là cái chết; chỉ trích phá hoại người khác là cái chết; vu khống là cái chết; loại bỏ người nghèo là cái chết. Chúa yêu cầu chúng ta loại bỏ những viên đá này khỏi trái tim mình, và Người sẽ làm cho sự sống đâm hoa kết trái nơi chúng ta.

Vì chỉ có Đấng làm cho Lazarô sống lại, người Kitô hữu tìm thấy sự sống. Người hằng sống, và những ai đón nhận Người, những ai vâng lời Người, những ai bước theo Người sẽ bước vào tương quan với sự sống. Không có Chúa Kitô, hoặc những gì ngoài Chúa Kitô, sẽ không chỉ không có sự hiện diện của sự sống, mà thậm chí, còn rơi vào cái chết.”

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở nên những người biết trắc ẩn như Chúa Giêsu, Đấng đã mang lấy nơi mình mọi nỗi đau của nhân loại. Mỗi Kitô hữu hãy gần gũi với những ai đang gặp thử thách, hãy phản ảnh của tình yêu và sự ân cần dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ chết.

Thái Hà 30/3/2020

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

Previous articleNỗi Đau Buồn Của Vị Cha Xứ
Next articleLàm Gì Trong Thời Gian Cách Ly ?