SÁM HỐI – TRỞ VỀ VỚI CHÚA VÀ VỚI ANH CHỊ EM

96

SÁM HỐI – TRỞ VỀ VỚI CHÚA VÀ VỚI ANH CHỊ EM

LỜI CHÚA: Lc 13,1-5

Chúng con thiếu nhi thân mến, hôm nay là ngày đầu tiên trong 2 ngày Tĩnh tâm mà Cha xứ và Giáo xứ ưu tiên dành riêng cho thiếu nhi chúng con. Chúng con thấy, người lớn – gồm 3 giới: Giới Cao niên, Giới Gia trưởng, Giới Hiền Mẫu chỉ được có 3 ngày, Giới Trẻ thì được 1 ngày, còn riêng thiếu nhi chúng con lại được tới 2 ngày. Nói như vậy, cũng là để cho chúng con thấy tầm quan trọng của kì Tĩnh Tâm. Vậy trước hết, Cha muốn hỏi chúng con, “Tĩnh tâm” là gì? và Tĩnh tâm để làm gì?

Đó có phải là chúng con đi đến nhà thờ để nghe Cha giảng cái gì phải không? Đi tĩnh tâm là để khỏi bị Cha xứ la phải không? Đi Tĩnh tâm để khỏi bị ba mẹ la phải không? Đi Tĩnh tâm để khỏi bị các anh chị GLV cho ở lại lớp phải không?…

Nghĩ như vậy cũng đúng. Tuy nhiên, chúng con cần phải vượt qua những cái sợ đó để nhận thấy rằng, Tĩnh tâm là có lợi cho mình. Vì đó là dịp, đó là cơ hội để chúng con xét lại cách sống của mình. Trong một ngày sống, chúng con bị chi phối bởi việc học tập, bởi việc này này việc khác. Chúng con bị chi phối bởi những tiếng ồn ào của xe cộ, của âm thanh, của những cuộc nói chuyện, la hét. Vì thế, “Tĩnh tâm” là gạt bỏ đi những ồn ào bên ngoài; rồi để Tâm hồn của mình tĩnh lại, tâm hồn của mình lặng xuống. Và qua sự tác động của Chúa Thánh Thần, qua Lời Chúa hướng dẫn cũng như qua 1 vài gợi ý, chia sẻ của Cha giảng sẽ giúp cho mỗi người chúng con nhận ra rằng:

– Ừ, từ trước đến giờ sao mình không siêng năng cầu nguyện, sao mình không biết nói chuyện với Chúa, sao mình làm biếng đi lễ vậy ta!

– Sao mình hay cãi lại lời của Ba Mẹ.

– Đi học thì mình hay cho bạn chép bài kiểm tra của mình. Tại sao mình lại không hướng dẫn cho bạn hiểu được bài vậy ta?

– Đi học mình thấy tiền của bạn Nam rớt sao mình không lượm gửi lại cho bạn mà mình lượm rồi bỏ vô túi của mình luôn?

– Bà Năm, người hàng xóm của mình nghèo lắm, sao từ trước đến giờ mình không giúp cho bà cái gì hết vậy ta?…

Và một khi chúng con xét mình lại, thì chúng con sẽ nhận ra có nhiều chuyện mà chúng con làm chưa được, hay làm rồi nhưng trật lất hết. Thế thì Tĩnh tâm chính là cơ hội để chúng con biết nhìn ra con người sai sót, con người yếu đuối của mình để từ đó mình quyết tâm sống tốt với Chúa và sống tốt với mọi người hơn.

Vậy, bây giờ, mỗi người chúng con, hãy nhắm mắt lại (đừng có nhắm mắt rồi ngủ nghen). Hãy để tâm lắng xuống rồi nhớ lại những gì mà mình đã làm với Chúa, những gì mà mình đã gây ra cho người khác trong thời gian qua. Mình có siêng năng tham dự thánh lễ hay đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày không? Mình có siêng năng học Giáo lý không? Mình có vâng lời Ông Bà Cha Mẹ không? Mình có chửi tục không? Mình có nói dối không? Mình có đánh lộn không?…

Trước những yếu đuối, những sai sót mà mình đã gây ra như thế, mình có thấy hối hận không? Mình có cảm thấy đau đớn vì mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và làm buồn lòng người khác không?

Rồi, chúng con hãy mở mắt ra…

Trong ngày Tĩnh tâm này, trước lời mời gọi nhận ra những khuyết điểm, những sai phạm mà mình đã gây ra cho Chúa và cho người khác, thì với lời mời gọi sám hối của Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng hôm nay, thiếu nhi chúng con hãy quyết tâm thực hiện lời Chúa Giêsu dạy là biết sám hối, biết từ bỏ những tính hư tật xấu để sống mỗi ngày một tốt hơn.

Trở lại với đoạn Tin mừng theo thánh Luca mà chúng con vừa nghe, sau khi nghe câu chuyện về quan tổng trấn Philatô đã giết chết mấy người Galilê đang dâng lễ vật trong đền thờ, hay những người bị tháp Siloat đè chết, thì Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh báo rằng: “Tôi nói cho các ông biết… nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Và có lẽ, hôm nay, trong ngày Tĩnh tâm này, Chúa cũng muốn nói với chính Cha, Chúa cũng muốn nói với Hồng, nói với Trâm, với Mai, với Quỳnh, với Hải… và cụ thể hơn nữa, là Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: “Ta nói cho các con biết… nếu các con không sám hối, thì các con cũng sẽ chết hết y như vậy.” Chúa nói như thế, chúng con có sợ không? Riêng Cha thì Cha sợ lắm. Chết đời đời, chết trong tội, chết mà mất linh hồn, thì ai mà không sợ!

Chúng con thiếu nhi thân mến, những lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: Nếu các con không sám hối, thì các con cũng sẽ chết hết y như vậy, thì không phải là Chúa ghét bỏ chúng ta đâu. Không phải là Chúa muốn chúng con chết thì Chúa mới vui đâu, nhưng Chúa muốn cho chúng ta phải nhận thấy rằng: khi có những điều không hay xảy ra trong cuộc sống: như có một ai qua đời, một tai nạn giao thông, một căn bệnh hiểm nghèo mà ai đó mắc phải, hay bão lụt xảy ra ở chỗ này chỗ kia… thì khi đó, chúng ta đừng kết tội cho ai: vì bà đó bả ác quá nên xe tông là đúng rồi! Vì thằng đó hay ăn hiếp, hay đánh con gái nên nó bị bệnh là đúng rồi!…

Và bình thường, mình cứ nghĩ rằng, hễ một người có tội, người nào làm điều dữ, người nào làm điều ác thì người đó đáng phải chịu đau khổ và chịu chết! Thế nhưng, khi đứng trước những trường hợp như vậy, thì hơn bao giờ hết, Chúa dạy chúng ta phải biết sám hối, phải biết đấm ngực mà ăn năn, phải biết nhìn lại mình để từ bỏ tội lỗi mà sống xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Nếu chúng con làm được như thế, thì lời nhắc nhở của Chúa Giêsu sẽ giúp cho mỗi người chúng ta sống mỗi ngày mỗi tốt hơn.

Ah, nãy giờ, Cha có lặp đi lặp lại 2 chữ “sám hối”. Vậy, Cha muốn hỏi chúng con, “sám hối” là gì?

Cha lấy ví dụ như thế này. Chiều nay, chúng con đi đến nhà thờ để tham dự kì Tĩnh tâm Mùa Chay. Thay vì rẽ vào nhà thờ, nhưng chúng con cứ mãi lo nói chuyện với bạn hay là đang suy nghĩ điều gì mà chúng con lại cứ đi thẳng qua khỏi nhà thờ, một lúc sau mới sực tỉnh và biết mình đi lạc, đi không đúng, nên chúng con vội vàng tìm cách mà quay trở lại để đi vào nhà thờ này. Cũng vậy, “sám hối” cũng chính là hành động nhanh chóng quay trở lại khi biết mình đang đi sai đường lối của Thiên Chúa. Nếu không quay lại, thì chúng con vẫn cứ tiếp tục đi trong tội lỗi và xa rời tình thương của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, “sám hối” chính là thay đổi cả con người: thay đổi từ cách suy nghĩ đến thay đổi hành động để làm đúng theo lời Chúa dạy.

Thế nhưng, nói “sám hối” thì dễ nhưng để “sám hối”, để làm được điều mình muốn sám hối thì khó ơi là khó!

Từ ngày xửa ngày xưa cho đến ngày nay, chúng con thấy rằng, ai cũng ăn. Ai cũng muốn ăn. Ai cũng thích ăn. Nếu không ăn thì con người sẽ… chết. Chúng con có thích ăn không? Chắc chắn là thích rồi. Người ta ăn từ lúc mới sinh ra cho đến lúc chết đi.

Khi một em bé được sinh ra, thì cả gia đình, mọi người đều vui và tổ chức tiệc ăn mừng. Rồi 1 tháng sau, Cha mẹ tổ chức tiệc vì em được đầy tháng, em được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đến khi em được 1 tuổi, thì Cha mẹ lại tổ chức tiệc Sinh nhật đầu tiên cho em. Người ta lại ăn tiếp. Và cứ mỗi năm như vậy đều có tiệc Sinh nhật. Rồi đến khi lớn lên có người yêu, người ta tiếp tục ăn hỏi rồi ăn cưới. Sau đó, người ta lại ăn để kỉ niệm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 25 năm, 50 năm thành hôn. Và đến khi chết, người ta lại tiếp tục ăn, gọi là ăn giỗ. Như vậy cả một đời người, ai cũng thích ăn, ai cũng muốn ăn.

Rồi khi có một cái gì mới, người ta cũng tổ chức tiệc để ăn. Hôm Tết vừa rồi, thấy Cha mặc cái áo mới, có mấy em thiếu nhi chạy tới nói với Cha: Cha ơi Cha ơi, hôm nay Cha rửa đi. Ngạc nhiên. Cha hỏi, rửa cái gì? Các bạn nói, hôm nay Cha mặc áo mới, nên Cha phải rửa áo. Hóa ra, các bạn ấy muốn cái gì chúng con? Muốn ăn. Có quần áo mới cũng ăn. Có đồng hồ mới cũng ăn. Có xe mới cũng ăn. Nhà mới cũng ăn… Hễ có dịp, có cơ hội là người ta ăn. Thế nhưng, có một cái, có một điều mà ít người muốn ăn lắm. Đố chúng con biết, cái gì mà rất ít người muốn ăn? Cái gì vậy? Đó là “ăn năn”. Cái “ăn năn” này thì có rất ít người muốn “ăn”, và xem ra có người cũng chẳng thèm “ăn”.

Vì thế, Giáo hội luôn kêu mời mọi người, từ người lớn cũng như thiếu nhi là hãy ăn năn, là hãy sám hối. Hãy biết quay trở về cùng Chúa mỗi ngày. Hôm nay, trong ngày Tĩnh Tâm này, một lần nữa, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi chúng ta là hãy ăn năn, hãy sám hối để lãnh nhận sự sống đời đời; vì nếu không ăn năn, không sám hối thì chúng ta sẽ chết đời đời.

Vậy thì, trong những ngày còn lại của Mùa Chay này, chúng con hãy xét mình lại đi, xem mình đang có tật xấu nào. Ví dụ, mình có tật xấu là lười đọc kinh xem lễ, đi học thì hay quay cóp bài của bạn, hay nóng giận đánh mắng em, nói dối, chửi tục, không vâng lời, hay ăn cắp… tất cả những điều xấu đó, chúng con hãy quyết tâm chừa bỏ để sống mỗi ngày một tốt hơn trước mặt Chúa và trước mặt người khác.

Có một cậu bé rất hay chửi tục. Mở miệng ra là chửi, và mỗi khi nghe cậu ta chửi tục như thế, thì mọi người xung quanh rất là khó chịu và đều muốn xa lánh cậu. Một hôm, ông bố đưa cho cậu một túi đinh và nói: “Từ nay, mỗi khi con chửi tục thì con hãy chạy ra phía sau nhà và đóng 1 cây đinh này lên hàng rào gỗ.”

Ngày đầu tiên, cậu đã rất vất vả đóng tất cả 30 cây đinh lên hàng rào gỗ. Sau vài tuần, cậu bé đã tập kiềm chế dần tính hay nói tục của mình, nên số lượng đinh mà cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Và cậu nhận ra rằng, kiềm chế việc nói tục của mình còn dễ hơn là đi đóng một cây đinh lên hàng rào.

Đến một ngày, cậu đã không còn nói tục chửi thề lần nào nữa. Cậu đến thưa với bố và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ, nếu sau mỗi ngày mà con không hề nói tục chửi thề, thì con hãy nhổ 1 cây đinh ra khỏi hàng rào.”

Và rồi một ngày kia, cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm ba mình và báo rằng, đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Ông bố đến bên hàng rào, và khi đó ông nói với cậu: “Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn vào những lỗ đinh còn lại trên hàng rào. Hàng rào đã không còn giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói tục chửi thế, thì những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương rất khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó, con có nói lời xin lỗi, thì vết thương đó vẫn còn mãi. Con hãy luôn nhớ rằng, vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác.”

Chúng con thiếu nhi thân mến, những vết đinh còn lại trên hàng rào chính là những hậu quả của những lần chúng ta phạm tội, hậu quả của những lần chúng con làm buồn lòng Chúa, làm buồn lòng ÔB Cha mẹ ACE, làm buồn lòng người khác. Có một vị thánh nói rằng, mỗi lần chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta lại đóng thêm một cây đinh vào tay vào chân Chúa Giêsu. Thế nhưng, Thiên Chúa thương chúng con nhiều lắm. Ngài sẽ quên hết tất cả những gì mà chúng ta đã xúc phạm đến Ngài; và không chỉ quên, mà Chúa còn muốn băng bó những vết thương tội lỗi do mình gây ra nữa. Vì thế, giờ đây, nơi tâm hồn của người tội lỗi, sẽ không còn một lỗ đinh nào, mà thay vào đó là một niềm vui không thể nào diễn tả do tình thương của Thiên Chúa mang đến cho mỗi người chúng ta.

Nguyện xin tình thương của Thiên Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con biết sám hối, biết ăn năn để trở nên người con ngoan của Chúa. Amen.

Hồng Phúc

Previous articleTư duy của người giàu và người nghèo
Next articleHÃY LẮNG NGHE TRƯỚC KHI PHÁN XÉT