Sao lại dạy điều xấu, việc ác?

188

Trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM tôi đọc được truyện “Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đăng trên một tờ tạp chí song ngữ.

Tôi thực sự thấy sốc. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại tuyên truyền những truyện như thế? Lại còn dịch ra tiếng Anh cho bạn bè quốc tế đọc nữa.

Truyện kể rằng: Ngày xưa trâu và người nói cùng một thứ tiếng. Một người làm ruộng thuê một cậu bé chăn trâu. Do ham chơi, cậu bé không dắt trâu đi ăn, mà cột trâu lại một nơi rồi bỏ đi chơi khăng. Cuối ngày, để che mắt chủ, cậu lấy mo cau áp vào bụng trâu, trát bùn ra ngoài rồi dắt trâu về chuồng. Cậu khôn ngoan dùng lời lấp liếm, không cho trâu có dịp mở miệng. Nhưng đến một hôm, khi chủ dắt trâu đi cày, trâu mách. Chủ biết chuyện, đánh cho cậu bé một trận tả tơi. Cậu bé ngồi trên bờ ruộng khóc. Bỗng dưng một ông lão hiện ra, hỏi cậu vì cớ gì mà khóc. Cậu bé giải thích rồi bày tỏ mong muốn “làm thế nào trâu không nói được nữa”.

Ông lão bèn rút từ trong người ra một que hương, đốt lên rồi bất thình lình gí vào dưới cổ con trâu. Con trâu kêu oai oái, tiếng nói của trâu dần dần mất hẳn, chỉ còn “nghé ọ” được mà thôi. Chỗ bị thương sau này thành một cái nốt và từ đó trâu không còn nói được nữa.

Tôi sốc bởi trong truyện này, cậu bé chăn trâu là một kẻ xấu. Cậu lười lao động, khôn lỏi, gian dối với người và tàn nhẫn với trâu – loài động vật hiền lành, có ích. Ông lão (ông Bụt) khi biết chuyện đã không dạy bảo điều khôn, lẽ phải cho cậu, lại còn thương hại kẻ xấu mà ra tay làm điều ác với con trâu.

Chúng ta muốn dạy người Việt Nam điều gì qua truyện cổ tích phản giáo dục này, khi điều xấu, việc ác không những không bị lên án, mà còn được chia sẻ và tiếp tay? Tôi cũng nghi ngờ cả tính giáo dục của phần kết truyện Tấm Cám – kiệt tác cổ tích Việt Nam. Đành rằng Cám là người xấu, nhiều lần hãm hại Tấm, nhưng chúng ta có nên giáo dục các thế hệ trẻ em Việt Nam bằng chuyện Tấm xui Cám tắm nước nóng cho chết bỏng, rồi chặt xác Cám làm tám khúc, lấy thịt làm mắm gửi cho mẹ kế ăn?

Tôi tin rằng, chúng ta sẽ mong muốn có một cô Tấm biết kiềm chế và cư xử nhân đạo hơn với những người sai trái trong và ngoài gia đình. Chúng ta muốn con em mình vị tha và có ý thức pháp quyền hơn để biết bắt trói và giao nộp những kẻ trộm chó cho công an, thay vì thẳng tay đánh chết họ…

Đời sống kinh tế của nước ta ngày một cải thiện, nhưng đồng thời điều xấu, cái ác trong xã hội ta cũng ngày càng nhiều hơn, cuộc sống của mỗi người ngày càng có nhiều rủi ro hơn từ những người sống quanh mình. Nước nào ít nhiều cũng đều có tội phạm. Nhưng ở nước ta, trong những năm gần đây có rất nhiều vụ giết người vì những lý do lãng xẹt: vì “bọn nó dám sang làng ta tán gái”; vì “nhìn đểu”; vì va quệt xe máy; vì cãi nhau ở quán nước…

Tôi nghĩ, nhiều kẻ, sau khi đã gây án, cũng không thể hiểu nổi tại sao chúng lại giết người một cách vớ vẩn, ngu xuẩn đến như vậy. Đấy là nói về chuyện giết người, còn về những điều xấu, việc ác chưa đến mức giết người thì vô vàn, kể ra không xuể. Tôi chỉ có thể đặt nghi vấn về sự tích tụ cái ác quá nhiều ở những kẻ đó, nhiều đến mức chúng không còn nhận thức được về cái ác nữa.

Nelson Mandela từng nói rằng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”. Những câu chuyện cổ tích mang đầy “màu sắc báo thù” trên đây là sản phẩm của một xã hội sơ khai. Chúng đáng bị lãng quên từ lâu bởi những thông điệp trong đó đã không còn phù hợp với thời đại văn minh, pháp trị, nơi hành vi của con người được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật.

Tôi cho rằng, cần phải rà soát lại những gì chúng ta dạy cho con em ở mọi hình thức và loại bỏ tất cả những gì vô tình tuyên truyền, cổ xúy cho điều xấu, việc ác.

Mỗi một thế hệ trẻ là một vụ mùa của đất nước. Hạt gieo xuống không được chăm sóc đúng cách thì không thể đòi hỏi những vụ mùa xanh tươi.

LHN

Previous articleÔng tỷ phú và bài học từ cô bé nghèo
Next articleThiện Ác