SỰ CHẾT

78

SỰ CHẾT – MỘT BẢN ÁN CÔNG KHAI

Người ta vui mừng khi được thoát chết.  Có khi ăn mừng liên hoan nữa.  “Sắp chết thì lo âu, nhưng được lành bệnh thì vui mừng” là tâm tình chung của con người mà ngôn sứ Isaia đã nói trong chương 38.

Phải chết là một nỗi đau khổ của con người vì là án phạt công khai nặng nề của Thiên Chúa sau khi nguyên tổ sa ngã phạm tội (St 3).  Con người phải cúi mặt đau khổ và chấp nhận thân phận của mình từ nay về sau.  Sẽ mãi vẫn là thân phận thụ tạo thôi dù họ có địa vị cao sang hay tri thức cao vời đến mấy đi nữa.  Không có hình ảnh nào diễn tả đúng nghĩa nhất thân phận nào cho bằng hình ảnh bụi đất.”  Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19b).  Bụi đất của hôm nay và bụi đất của ngày mai chính là sự mỏng giòn và giới hạn rõ rệt của con người đã bị sự chết chi phối.

Như vậy ta đã rõ, bản án chỉ dành cho tội nhân.  Tất cả chúng ta đều sinh ra trong môi trường tội lỗi và chủ động phạm tội chẳng lẽ không lãnh bản án sao?  Sự chết là một thực tại minh chứng cho điều này.

Trong đời sống con người, sự chết bao hàm một bí ẩn rất lớn về mỗi cá nhân, về cõi vô hình, về tình thương xót của Thiên Chúa.  Điều mà đôi khi người ta quên lãng trong thực tế thì cần phải có một biến cố nào đó nhắc nhở cho.  Biến cố ấy phải có một sức mạnh lớn nhất, ghê sợ nhất và người ta vô phương chống chọi.  Đấy là một bản án kết tội phải chết.  Bản án chọc thẳng vào sự nghiệp và những sự đầu tư tốn kém nhất của con người.  Thật là tiếc xót và đau buốt lắm chứ.  Những vụ tịch thu tài sản vì tham nhũng, hối lộ, buôn lậu và kết án tử hình giống như thế đó. Thường thì những vụ án này người ta đưa ra xét xử công khai để tội phạm lãnh một bản án cụ thể.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn của Kitô giáo, chúng ta không hoàn toàn bi quan trước bản án của sự chết do Thiên Chúa muốn.  Vì “Thiên Chúa đánh phạt rồi lại xót thương, Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống.”  Dù bản án sự chết thuộc về kẻ bất lương nhất, tội lỗi nhất thì chúng ta cũng không được phép đứng về phía quan tòa xét xử, vì Thiên Chúa không đặt chúng ta làm quan án xét đoán anh em, mà phải luôn mặc lấy tâm tình của Thánh Phaolô trong “bài ca đức mến”:

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
Không nóng giận, không nuôi hận thù,
Không mừng khi thấy sự gian ác,
Nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
Hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.
Đức mến không bao giờ mất được
” (1 Cr 13,4-8).

Bình thường đấy không phải là tâm tình tự nhiên của tất cả mọi người.  Bản chất con người đã mang theo sự chết nên cũng thích hùa theo, thích nuôi dưỡng trong mình những sự chết chóc đủ loại.  Một thực tại đau lòng Thiên Chúa ngay cả khi chưa có bản án sự chết của Ngài.  Thực tế này lại được tái diễn nhiều lần trong lịch sử nhân loại và đỉnh cao là cái chết của Đức Giêsu mà bản án do con người chúng ta ký cho Ngài!

Vậy dưới cái nhìn của người Do thái, Đức Giê-su phải lãnh bản án sự chết một cách công khai là hợp lý, vì tội Ngài chồng chất (Mc 14,53–15,1-20).  Thánh sử Máccô ghi rõ: “Bản án xử tội Người viết rằng: “Vua người Do thái” (Mc 15,26).  Họ hoàn toàn hãnh diện và thỏa mãn về việc mình kết tội cho Đức Giêsu phải chết.  Xem ra bản án của họ đã được vua quan cho đến các vị tôn giáo ký thì ngay cả Thiên Chúa cũng thua!  Ông tổng trấn Philatô đã không hề thay đổi ý định của mình: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19,22).

Xem ra những quan niện và lý luận của người Do Thái về tội lỗi theo mạc khải Kinh Thánh đúng lắm.  Nên không lạ gì Đức Giêsu bị kết án.  Có tội thì phải chết, nhất là tội xúc phạm đến Thiên Chúa thì không thể tha được.  Đức Giêsu là một điển hình.  Một nhân vật có tiền án tiền sự trong dân và được ghi vào sổ bìa đen trong hàng ngũ tôn giáo, chính trị!

Nếu có cùng quan niện và suy nghĩ như người Do Thái về tội lỗi thì thật là dễ hiểu về bản án sự chết.  Kẻ dữ phải chết là đúng.  Nhưng còn kẻ công chính thì sao?  Kẻ vô tội thì sao?

Danh mục người công chính thì đông lắm.  Kẻ vô tội thì kể được một vài thôi.  Nhưng tất cả vẫn chịu chung một bản án.  Thật là khó hiểu.  Thật là mầu nhiệm lạ lùng.  Không thể chấp nhận được.

Trong chương trình của Thiên Chúa thì cái chết của Đức Giêsu cũng là một bản án công khai, nhưng không phải là bản án kết tội Ngài, vì ngài là Đấng vô tội, mà là một bản án công khai kết tội con người chúng ta.  Vì thế mà Ngài đã bị liệt vào hàng tội nhân (x. Is 53,12).  Không những thế mà tất cả mọi sự xấu xa và tội lỗi của nhân loại trút lên con người Ngài, nên Ngài là: “Con chiên gánh tội thiên hạ.”  Thiên Chúa đánh phạt Đức Giêsu: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).  Chén đắng, thập tự của Ngài do Thiên Chúa trao như một bản án kết tội từ từ mà Ngài không được xin tha, không được từ chối: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,2).  “Thánh giá Đức Giêsu vừa là sự mạc khải về sự rộng lớn bao la và tính nặng nề của tội lỗi của toàn thể nhân loại, vừa tỏ bày sự bao la của tình yêu Thiên Chúa” (Nol Quesson).

Cái chết của Đức Giêsu là một lời giải thích về tội lỗi, về cái chết của những người công chính, người vô tội. “Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23,31).  Cái chết của Đức Giêsu vừa tố cáo vừa dung tha cho những sai lầm của con người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); vừa thông cảm với nỗi oan nghiệt, nỗi bất công bao người đang gánh chịu hôm nay.

Người Kitô hữu đón nhận cái chết trong chương trình của Thiên Chúa để mở rộng tầm nhìn và tăng thêm niềm xác tín vào ơn cứu độ của Đức Giêsu, đồng thời nhìn cái chết của tha nhân (trong đó có cả kẻ ác, kẻ thù của mình) cũng có một giá trị nào đó với mình theo tương quan của ơn cứu rỗi.  Đó là chiều kích cộng đồng cơ bản trong nhân loại, nơi ấy có hình ảnh của Giáo Hội khải hoàn, Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội đang thanh luyện.