Sử dụng ngôn ngữ mạng trong giao tiếp

28

Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ mạng trong giao tiếp đang diễn ra và dần lan tỏa nơi cộng đồng giới trẻ, làm nảy sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau trong xã hội.

Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là người trẻ sử dụng những từ lóng, từ viết tắt, biến âm hay kết hợp tiếng nước ngoài trong các cuộc nói chuyện thường ngày. Các từ, cụm từ như: gấu, quẩy, cạn lời, lầy, trẻ trâu, ahihi đồ ngốc, ôi thần linh ơi… được thêm vào các câu chuyện thường ngày với tần suất ngày càng cao.

Trong thời đại internet toàn cầu, ngôn ngữ mạng ngày càng phát triển là điều khó tránh khỏi. Một số ý kiến cho rằng đây là động thái biểu hiện cho sự trẻ trung, năng động và cá tính của từng người. Thật vậy, không thể phủ nhận những ưu điểm mà dòng ngôn ngữ mới này mang đến. Nhiều người thường gắn nó với người trẻ nhưng thực tế là cũng có khá nhiều người có tuổi đã ưa thích và thường xuyên sử dụng nó, cụ thể là trên các trang mạng xã hội. Tính tiện nghi, nhanh chóng chính là yếu tố quyết định cho sự bành trướng của những từ ngữ hay ký hiệu hiện được sử dụng rộng rãi này. Có thể thấy trong các cuộc nói chuyện nội bộ giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau, việc dùng các từ ngữ riêng cũng phần nào tăng thêm sự thân mật, hài hước và làm cho bầu không khí trở nên cởi mở hơn. “Khi nhắn tin, chat hay viết blog tôi ưa dùng từ lóng hay biểu tượng cảm xúc trong câu. Chúng không chỉ làm cho câu văn trở nên ngắn gọn mà còn tạo ra sự thú vị cho người đọc”, bạn Nguyễn Thị Bảo Nhanh (Gò Vấp, TPHCM) cho biết.

Ở một khía cạnh khác, sự ăn nhập quá sâu của ngôn ngữ mạng vào đời sống thường ngày cũng gây ra khá nhiều phản ứng không tốt. Khi sử dụng tiếng lóng quá thường xuyên sẽ dần dần tạo thành thói quen, thành câu cửa miệng. Đặc biệt là trong các trường hợp quan trọng, nếu vô tình thốt lên một hay nhiều từ ngữ mạng cũng có thể làm cho cuộc gặp gỡ bị mất đi tính nghiêm túc và gợi lên ấn tượng phản cảm cho người nghe. Một số người trẻ xem việc dùng tiếng lóng như một thứ “mật ngữ” riêng nhằm bảo vệ bí mật của mình. Hậu quả là nhiều bậc cha mẹ thường than phiền về cảm giác bực bội như bị gạt ra ngoài khi nghe con cái chuyện trò bằng những từ ngữ “vô cùng khó hiểu”. Chị Lâm Thị Thanh Hương (Trảng Bom, Đồng Nai) bày tỏ: “Con trai tôi dùng nhiều từ lóng khi nói chuyện, kể cả khi nói với ba mẹ hay anh chị. Điều đó khiến tôi cảm thấy không được tôn trọng và thật khó chịu”.

Chính vì thế, đã có ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp hạn chế, thậm chí là nghiêm cấm việc sử dụng cũng như lan truyền ngôn ngữ mạng. Tuy nhiên, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, là công cụ thể hiện tư duy, tình cảm của con người, nên rất khó tìm ra một chuẩn mực nhất định cho việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Bạn Trần Quốc Hưng (Đức Trọng, Lâm Đồng) chia sẻ: “Việc dùng ngôn từ chuẩn trong từng trường hợp khi trao đổi với người khác sẽ chứng tỏ sự tôn trọng mà bạn dành cho họ. Cần phải có hiểu biết và ý thức giới hạn phù hợp để ngôn ngữ mạng vẫn có thể tồn tại mà không gây ra quá nhiều xung khắc trong cuộc sống thường ngày”.

Như vậy, điều cần thiết là phải làm sao cho người sử dụng biết được lúc nào nên và không nên dùng các từ ngữ vốn thuộc riêng một bộ phận hay một nhóm người khi đối thoại với người khác. Một hướng đi đúng và phù hợp sẽ không chỉ làm cho tiếng Việt thêm phong phú mà còn giúp ngôn ngữ được phát triển. ML