Sự thật về Tòa án dị giáo Rome
Văn khố Vatican đã công khai thông tin về Tòa án dị giáo Rome, và giới học giả công nhận rằng những câu chuyện huyễn hoặc và tối tăm về đề tài này không phản ánh đúng thực tế.
Thánh bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, từng chịu trách nhiệm cho sự ra đời của Tòa án dị giáo Rome vào thế kỷ 16, bảo quản danh mục các cấm thư và nổi tiếng bí mật trong nhiều thế kỷ, một lần nữa nhắc nhở giới học giả trên toàn cầu rằng, thật ra thánh bộ này của Tòa Thánh là một nơi dễ dàng tiếp cận và hoạt động minh bạch. Thánh bộ Giáo lý Đức tin từ giữa tháng 5 đã tổ chức hội thảo học thuật, đánh dấu 20 năm kể từ khi đưa ra quyết định mang tính lịch sử là mở cửa tàng thư hiếm cho các học giả thế giới. Vào thời điểm đó, Đức Hồng y Joseph Ratzinger (sau này là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI) nhận định, động thái cởi mở của Tòa Thánh đánh dấu “một giai đoạn mới” trong nỗ lực tăng cường đối thoại giữa Giáo hội và thế giới ngày nay.
Hội nghị chuyên đề mang tên “Tòa án dị giáo Rome và văn khố” bao gồm hàng chục bài thuyết trình về đề tài cấm kỵ, trong đó có phiên hội thảo trình bày về cách thức Tòa án dị giáo Rome và danh mục sách cấm tại Vatican được mô tả và hình dung thông qua chuyện kể đời thường, hoặc sự phản ảnh của giới truyền thông, thậm chí trong lĩnh vực phim ảnh lẫn quảng cáo. Số văn thư ít người biết đến nội dung đã ghi chép lại tỉ mỉ các sự kiện trong giai đoạn 1542-1903, và được lưu trữ trong 4.500 đầu sách. Dù phần lớn tài liệu đã thất lạc sau 4 thế kỷ, Đức ông Alejandro Cifres, người quản lý tàng thư cho hay, những gì còn sót lại cho thấy Tòa án dị giáo trên thực tế không hề trùng hợp với hình tượng mà người đời cho là “truyền thuyết đen tối”.
Sau đây là bài phỏng vấn Đức ông Cifres trên trang tin Aleteia của Vatican:
Các tài liệu trong văn khố đã tiết lộ điều gì về Tòa án dị giáo?
Các tài liệu cho thấy sự thật khác với hình ảnh thường được hình dung về Tòa án dị giáo với những bản án tàn khốc. “Truyền thuyết đen tối” chỉ là truyền thuyết, cũng như có những câu chuyện muốn “tô hồng” mọi thứ nhằm bào chữa cho sự tồn tại của loại tòa án này. Tôi luôn nói rằng, không hề có bất kỳ nhà nghiên cứu nào vào lần đầu tiên đến xem văn thư mà lại quay về với quan điểm tiêu cực hơn đối với Tòa án dị giáo. Tài liệu lưu trữ tại đây nhấn mạnh một điều: Tòa án dị giáo là một thể chế do con người tạo ra, dựa trên những tiêu chuẩn khác biệt với chúng ta ngày nay, nhằm áp dụng các quy tắc và luật lệ với sự nghiêm túc. Trên hết, Tòa án dị giáo không chỉ là một phiên tòa xét xử và kết án, mà thường xuyên còn bào chữa và tha bổng. Tựu trung, đó là nơi các quan điểm được mang ra thảo luận và học thuyết được giải thích.
Những hình ảnh về một phiên tòa săn lùng phù thủy đơn thuần là tranh ảnh biếm họa, và bất cứ người nào từng đến nghiên cứu tài liệu trong văn khố sẽ nhận thấy điều đó. Giới sử gia thực thụ và phản ánh lịch sử qua hình ảnh bằng thái độ nghiêm túc sẽ không cần đến tận nơi nghiên cứu tài liệu để nhận ra sự thật này.
Tòa án dị giáo là gì?
Đầu tiên, chúng ta phải biết rằng có 3 tòa án dị giáo khác nhau. Thứ nhất là tòa án thời trung cổ, là đặc quyền cho các giám mục hoặc những phái đoàn của Đức Giáo Hoàng trong những trường hợp cụ thể. Tình tiết nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là cuộc thập tự chinh chống lại người Albigense ở miền nam nước Pháp vào thế kỷ 13. Kế đến là các tòa án dị giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, lần đầu tiên được tập trung tổ chức ở cấp quốc gia. Cuối cùng là Tòa án dị giáo Rome, được Đức Giáo Hoàng Phaolô III thành lập vào năm 1542 để trở thành cơ quan của Tòa Thánh nhằm kiểm soát các bất đồng về tôn giáo. Vì được Đức Giáo Hoàng kiến tạo, nó có quyền hạn xét xử trên toàn cầu. Trên thực tế, tòa án này không được tổ chức trên lãnh thổ thực thi tòa án Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng như tại châu Mỹ. Đến năm 1908, Tòa án dị giáo Rome đóng cửa để mở đường cho Văn phòng Tòa Thánh, và bản thân tổ chức này là tiền thân của thánh bộ Giáo lý Đức tin.
Tại sao Đức Hồng y Joseph Ratzinger, lúc đó là Tổng trưởng thánh bộ Giáo lý Đức tin và sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, muốn mở cửa kho tài liệu hiếm?
Cho đến cách đây 20 năm, các tài liệu trong văn khố của chúng tôi phần lớn phục vụ cho nhu cầu tham vấn trong nội bộ Tòa Thánh. Đó cũng là kho văn thư cuối cùng của Vatican chưa từng mở cửa trước công chúng. Đến năm 1998, Đức Hồng y Ratzinger, sau một số lời đề nghị, đã quyết định công khai thông tin cho giới nghiên cứu. Bất kỳ người nào có văn bằng chứng nhận đủ sức đọc hiểu các tài liệu này đều có thể ra vào kho lưu trữ. Không hề có sự phân biệt về ý thức hệ, tôn giáo hoặc quốc tịch.
Trong vai trò của một người lưu trữ văn thư, tôi có thể nói rằng, kho tài liệu mang đến dấu hiệu hết sức tích cực, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác được hình thành giữa Vatican và giới học giả.