Sức mạnh ràng buộc của thù hận

46

Sức mạnh ràng buộc của thù hận

Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Chúng ta biết câu này cũng ứng nghiệm với tình yêu. Vậy nó có ứng nghiệm với thù hận không? Thù hận của người khác có đi theo chúng ta đến tận cõi vĩnh hằng không?

Trong tiểu thuyết mới nhất của mình, Trả vốn, Payback, bà Mary Gordon đã đặt câu hỏi này. Câu chuyện của bà tập trung vào hai phụ nữ, một người, là Agnes đã làm tổn thương người kia, Heidi. Tổn thương này là vô tình, nhưng nó lại sâu đậm, sâu đến mức nó như chất độc ám ảnh tâm hồn họ trong suốt 40 năm. Câu chuyện lần theo cuộc sống của họ dài suốt 40 năm, thời gian họ không bao giờ gặp nhau, cũng chẳng biết tung tích gì của nhau, nhưng họ vẫn bị ám ảnh về nhau, một người giữ mãi tổn thương và một người cảm thấy mặc cảm tội lỗi về tổn thương đó. Cuối cùng câu chuyện lên đến đỉnh cao khi Heidi đi tìm Agnes để đương đầu với bà, đòi lại món nợ. Và món nợ đó là thù hận, một thù hận hoàn toàn xấu xí, một lời nguyền còn mãi đến lúc chết, bảo đảm Agnes sẽ không bao giờ được thanh thản vì nó cho đến tận cuối đời.

Agnes không biết làm gì với thù hận này, thứ áp chế cuộc sống và phá hoại hạnh phúc của bà. Bà tự hỏi nó có ảnh hưởng đến đời sống vĩnh hằng của mình không. “Cuộc gặp cuối cùng với Heidi đã làm cho niềm tin của bà vào sự trường tồn của những ràng buộc yêu thương bị lung lay dữ dội. Vì nếu sau cái chết, tình yêu vẫn còn mãi, còn thù hận thì sao? Bà hiểu rằng, trong trường hợp của Heidi, nó chính là mặt còn lại của đồng tiền, mặt kia là tình yêu. Kể cả sau cái chết, liệu thù hận của Heidi có bám theo bà, phá hoại đời sống vĩnh hằng của bà, phá vỡ sự hòa hợp, và là điểm đen giữa ánh sáng chói lòa không? Vì Heidi đã trở lại với cuộc sống của mình, lần đầu tiên, Agnes cảm thấy thật sự sợ chết. Bà phải làm sao để tin rằng tình yêu của những người yêu thương bà sẽ luôn ở bên bà… giữ bà khỏi thù hận và ác ý mà Heidi đã làm. Bà phải tin rằng, nếu không như thế… thì chuyện sẽ xảy ra sẽ quá sức chịu đựng, còn không dám nghĩ đến”.

Nhà văn Gabriel Marcel đã nói rất đúng: yêu ai đó là bảo đảm người đó không bao giờ có thể bị lạc lối, bảo đảm người đó (miễn là còn tình yêu thương đó thì) không bao giờ vào địa ngục. Qua tình yêu đó, người khác được kết nối (ràng buộc) luôn mãi với gia đình của tình yêu và cuối cùng là với tình yêu trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, vậy thì điều này cũng đúng với thù hận không? Nếu ai đó hận bạn, thì sự thù hận đó có thể bám theo bạn đến vĩnh hằng và làm băng hoại niềm vui trên thiên đàng của bạn không? Nếu tình yêu của ai đó có thể ở bên bạn đến vĩnh hằng, thì sự thù hận của ai đó cũng có thể làm như vậy không?

Đây không phải câu hỏi dễ trả lời. Ràng buộc và tháo cởi, như Chúa Giêsu nói, vận hành theo cả hai hướng, với cả tình yêu và thù hận. Chúng ta giải phóng nhau nhờ tình yêu và kìm kẹp nhau bằng thù hận. Chúng ta biết như thế nhờ kinh nghiệm và thâm tâm chúng ta trực cảm được như vậy. Chính vì thế mà rất nhiều người đi tìm hòa giải lúc lâm tử, ước nguyện cuối cùng của họ là đừng rời thế gian này khi chưa được hòa giải. Nhưng sự thật đáng buồn là, đôi khi chúng ta rời cõi đời mà chưa được hòa giải, và sự thù hận bám theo chúng ta đến tận huyệt mộ. Nó cũng bám theo chúng ta đến tận cõi vĩnh hằng không?

Chọn lựa nằm ở chúng ta. Nếu chúng ta đáp trả thù hận bằng thù hận, thì nó sẽ theo chúng ta đến tận cõi vĩnh hằng. Mặt khác, về phần mình, nếu chúng ta tìm kiếm sự hòa giải (hết sức có thể về mặt thực hành và hiện sinh) thì sự thù hận đó không thể nào ràng buộc chúng ta được nữa, sợi xích sẽ bị đứt, từ phía chúng ta.

Leo Tolstoy đã nói rằng: Chỉ có một cách duy nhất để chấm dứt sự ác, đó là làm điều thiện để trả cho cái ác. Chúng ta thấy điều này nơi Chúa Giêsu. Có kẻ ghét Ngài, đến tận lúc Ngài chết. Tuy nhiên, sự thù hận đó đã mất sức mạnh trên Ngài, bởi vì Ngài không chấp nhận chịu gì trả nấy. Thay vào đó, Ngài lấy tình yêu đáp trả thù hận, thông hiểu đáp trả hiểu lầm, chúc phúc đáp trả nguyền rủa, hiền hậu đáp trả oán giận, trung tín đáp trả loại trừ, và tha thứ đáp trả sát nhân. Nhưng… để làm được thế cần một sức mạnh phi thường hiếm có.

Trong lời khẳng định của nhà văn Gabriel Marcel là nếu chúng ta yêu thương ai thì người đó không hư mất được, có một điều không nói ra, cụ thể là nếu như người kia không chủ định từ chối tình yêu của chúng ta. Với thù hận cũng vậy. Thù hận của người khác kiềm giữ chúng ta nếu chúng ta đáp trả nó bằng thù hận.

Chúng ta không thể khiến người kia không thù hận chúng ta, nhưng chúng ta có thể từ chối thù hận họ, và chính lúc đó, thù hận mất đi sức mạnh ràng buộc và trừng phạt chúng ta. Chuyện này thật chẳng dễ dàng gì, nhất là về mặt cảm xúc. Thù hận có xu hướng hiểm độc nắm chặt chúng ta, làm chúng ta tê liệt sức mạnh cần có để buông bỏ nó. Nếu thế, vẫn còn một điều có thể đem lại sự cứu rỗi. Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta nhiều điều mà chúng ta không thể tự làm cho mình.

Vì thế, cuối cùng, như nữ tu Julian thành Norwich (1342-1416) đã dạy (và như niềm tin vào lòng trắc ẩn và sự thấu cảm của Chúa cho chúng ta biết), đến tận cùng tất cả đều tốt đẹp, dù cho có thù hận.

J.B. Thái Hòa dịch

Previous articleTừ Loan báo Phúc Âm đến truyền giáo và tân Phúc âm hóa
Next articleCon đường canh tân từ bên trong