Tại sao các linh mục được gọi là “cha”?

38

 Tại sao các linh mục được gọi là “cha”?

Các linh mục đã được gọi là “cha” từ rất xưa. Cách gọi này nhấn mạnh đến phả hệ thiêng liêng và liên hệ gia tộc. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu điều này với đoạn Kinh Thánh, trong đó Chúa Giêsu khuyên những người đi theo Ngài không bao giờ được gọi bất cứ ai dưới đất này là cha? Ngoài ra, còn có một lời khuyên khác cũng không được gọi bất cứ ai dưới đất này là thầy hay rabbi. Thực tế, những lời khuyên này nói lên tương quan hơn là cách gọi. Vị trí xứng đáng nhất phải được dành cho Thiên Chúa Cha, và không ai có thể thay thế vai trò của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Do đó, khi gọi một linh mục là “cha”, bạn đang nói đến chức năng của ngài là người lãnh đạo tinh thần và là mục tử, chức năng mà ngài sẽ thi hành trong sự kết hợp với Chúa Giêsu linh mục. Nếu lời khuyên của Chúa Giêsu liên quan đến bất cứ danh hiệu dưới đất nào, thì tại sao chính Ngài lại gọi thánh Giuse, cha nuôi của mình là cha? Chúa Giêsu thậm chí còn dùng từ này để nói đến “cha” Abraham, trong khi chính Ngài lại nói “không được gọi ai dưới đất này là “cha.” Chúa Giêsu vẫn đề cập đến điều răn phải thảo kính cha mẹ. Ngài cũng nói rằng, “không gọi ai dưới đất này là thầy,”  nếu vậy chúng ta gọi những người dạy dỗ con cái mình là ai? Rõ ràng, việc Ngài cấm không được gọi ai dưới đất này là “cha” phải được hiểu trong bối cảnh của nó. Một nguyên tắc giải thích Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo là không bao giờ lấy một câu Kinh Thánh ra khỏi bối cảnh của nó; nếu không bạn sẽ làm méo mó bản văn. Nếu chồng của các bà mẹ có thể được gọi là cha, thì việc gọi linh mục là cha không có gì khác biệt. Trong Tân Ước, có 144 chỗ gọi một ai đó không phải là Thiên Chúa là “cha.”

Thánh Phaolô đã dùng thuật ngữ này cho chính mình trong 1 Côrintô 4:15 khi ngài nói: “Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.” Thánh Phaolô đang giải thích về mối liên hệ thiêng liêng mà một linh mục có với đàn chiên của mình. Ông cũng gọi Timôthê là con: “Anh Timôthê, đó là chỉ thị tôi trao cho anh là người con của tôi, chiếu theo các lời ngôn sứ trước đây đã nói về anh, để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này” (1 Timôthê 1:18 ). Timôthê không phải là con ruột của thánh Phaolô; đúng hơn, thánh Phaolô là “cha” thiêng liêng của Timôthê. Rõ ràng là, thánh Phaolô gọi mình là “cha” không làm mất đi lòng tôn kính tối thượng mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Đúng hơn, nó liên hệ đến một chức năng có tính biểu tượng về chức vụ của ngài (Phaolô).

Điều Chúa Giêsu cấm là việc gọi “cha” không đúng cách. Vào thời Chúa Giêsu, những người Do Thái theo Ngài có thói quen gọi vị sáng lập một trường phái tư tưởng Do Thái giáo là “cha,” và các truyền thống đối lập thường tranh luận nhau dựa trên bậc thầy mà họ gọi là “cha”[1]. Chúa Giêsu kết án lối gọi “cha” sai lạc trong bối cảnh này, nhưng ngài không cấm dùng nó theo nghĩa loại suy. Các kinh sư, người Pharisêu, và phái Sađốc kiêu hãnh với những đặc ân và vinh dự được gọi là “cha” của Israel, nhưng họ không hành động như những người cha tinh thần, người yêu thương và chăm sóc những đứa con tinh thần của họ, khi họ lạm dụng quyền lực của mình cho địa vị cá nhân. Việc lạm dụng quyền làm cha là điều đang bị lên án.

Friar Lacordaire đã viết một bài thơ rất hay về bổn phận, phẩm giá và vai trò của các linh mục. Bài thơ này cho thấy rõ lý do tại sao các linh mục được gọi là cha. “Để sống giữa thế gian mà không ước muốn những thú vui của nó; để là bạn của mỗi gia đình, mà không thuộc về riêng ai; để sẻ chia mọi đau khổ; để đi vào mọi ngõ ngách ẩn kín; để chữa lành mọi vết thương; để từ con người đến với Thiên Chúa và dâng cho Ngài những lời cầu nguyện của họ; để từ Thiên Chúa trở về với con người mang ơn tha thứ và niềm hy vọng; để có một trái tim cháy lửa bác ái và một con tim tinh ròng khiết tịnh; để dạy dỗ và tha thứ, an ủi và chúc lành luôn mãi – một cuộc đời quá đẹp! Và đó là của bạn, ôi linh mục của Chúa Giêsu Kitô!” Friar Locordaire chỉ ra rằng giáo xứ là gia đình thiêng liêng của linh mục, và giống như một người cha tự nhiên, ngài phải hướng dẫn, bảo vệ, nuôi dưỡng và nâng đỡ giáo xứ theo tiếng gọi của đức tin. Chính trong vai trò chủ chăn này, mà một linh mục được gọi là cha.

Khi gởi thư hay bằng một hình thức chính thức nào khác cho một linh mục, thì nên dùng “cha kính mến.” “Cha” là cách xưng hô thân mật thông thường khi nói chuyện với một linh mục. Các linh mục cũng có thể nhận tước “Đức Ông” từ Đức Giáo Hoàng thông qua Đức Giám Mục giáo phận.

Cuối cùng, nếu một linh mục giữ một vị trí quan trọng nào đó thì trong cách xưng hô có thể dùng “cha rất đáng kính” (Very Reverend).

st

[1] Thánh Phaolô lên án thói bè phái này trong thư gởi tín hữu Côrintô: ‘Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.”’ (1 Cr 1:12) [chú thích của người dịch]

Previous articleCác Linh Mục Có Khác Với Các Mục Sư Không?
Next articleCơn giận thử thách kẻ khôn ngoan