Thăm hang Bethlehem, Palestine

113

Thăm hang Bethlehem, Palestine

Thăm hang Bethlehem, Palestine - 1
Ngôi Sao Bạc 14 cánh là vị trí là nơi Chúa ra đời.

“Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bêlem ánh sáng tỏa làn tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng…”

Thuở còn là cậu bé học trò lớp Năm của trường tiểu học Thánh Mỹ, tôi có dịp cùng bạn bè hát vang những lời hát như thế vào dịp Lễ Giáng Sinh. Hát chỉ là để hát chứ thực sự hiểu thì chỉ hiểu được vài chữ như “đêm Đông” có nghĩa là đêm lạnh lẽo lắm!

Chúa thì biết đó là Chúa Giê-su, “thiên thần” thì biết là “người có cánh bay,” nhưng “hang Bêlem” thì không biết gì cả. Qua lời thầy dạy thì chỉ biết đó là nơi Chúa đã được sinh ra nhưng ở một phương trời rất xa xôi.

Cho đến ngày có dịp đặt chân đến Bethlehem của xứ Do Thái – Palestine, tôi mới biết đây chính là “hang Bêlem” từ thuở bé mơ ước của tôi.

Từ thành phố Jerusalem, du khách đi về phía Nam chỉ chừng 10 km là đến biên giới giữa Israel và quốc gia Palestine. Những năm trước đây, đường biên giới chỉ là những cuộn hàng rào thép gai và những miếng tôn sơ sài dựng lên để phân chia ra hai phần đất Israel và quốc gia Palestine.

Hai bên đều có chốt canh và một vài người lính đứng quanh quẩn đâu đó. Bây giờ các miếng tôn sơ sài đó đã được thay thế bằng các tấm sắt to và cao, các chốt canh cũng không còn nữa. Du khách (theo group tour) có thể đi qua lại khu vực Bethlehem mà không phải trình báo giấy tờ gì cả. Tôi không ngờ mình đã đến được “hang Bêlem của thời thơ ấu” dễ dàng như thế!

Bethlehem là một khu vực khá lớn, du khách không những chỉ đi thăm hang Bêlem (Grotto of the Nativity) mà còn có dịp biết thêm về di tích Hang Sữa (Milk Grotto) và “cánh đồng chăn cừu” (Shepherd’s Field).

Cả hai di tích này đều đã được xây thêm các ngôi nhà nguyện để tưởng nhớ như “The Chapel of the Milk Grotto là thánh tích về hang động” nơi Đức Mẹ tạm trú nuôi sữa Chúa Hài Đồng. Còn “The Church of the Sheperd’s field” là thánh tích nơi các thiên sứ hiện ra báo tin vui ngày Chúa sẽ ra đời.

Shepherd’s Field hay “cánh đồng chăn cừu” chỉ cách hang Bêlem chừng 2 km, thuộc về làng của người dân Bedouin xưa kia. Vì thế ngôi nhà nguyện Shepherd’s Field cũng được xây theo hình dáng lều vải ngày xưa của người dân vùng này.

Thăm hang Bethlehem, Palestine - 2Một vì sao sáng.

Bên trong ngôi nhà nguyện là những bức họa tranh tuyệt đẹp, diễn tả về hoạt cảnh các điềm báo hiệu của Thiên Chúa như ánh sáng ngôi sao tỏa sáng xuống cánh đồng chăn cừu và hình ảnh những người chăn cừu, ai ai cũng vui mừng nhìn thấy điềm báo hiệu tin mừng.

Hoạt cảnh thứ hai là bức họa tranh diễn tả cảnh thiên sứ hiện ra báo tin ngày ra đời của Chúa Giê-su. Hoạt cảnh thứ ba miêu tả ánh sáng trên trời tỏa chiếu xuống rực rỡ trong không gian Chúa Hài Đồng vừa mới ra đời, nằm trên lòng Đức Mẹ.

Trước ngôi nhà nguyện, một đài phun nước với tượng các con cừu đang uống nước như giúp du khách gợi nhớ đến “cánh đồng chăn cừu thuở xưa” vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay.

Nếu có thì giờ, du khách có thể lững thững đi xuống đồi để quan sát những di tích nuôi và chăn cừu đã được trùng tu lại. Phóng tầm mắt qua ngọn đồi kế bên là một con đường chạy vòng vèo theo độ cong ngọn đồi. Phía trên đồi là những tòa nhà bốn, năm tầng lầu tương đối còn mới được phía Israel xây cất. Tuy chỉ cách nhau một thung lũng nhỏ nhưng người dân Palestine nghèo hẳn so với phía người dân Israel.

Sau “cánh đồng chăn cừu” du khách đến chiêm bái hang Bêlem hay còn gọi là “Grotto of the Nativity” nơi người ta cho rằng Chúa Giê-su đã được sinh ra ở đây. Tôi không biết “hang Bêlem ngày xưa” ra sao! Nhưng ngày nay đến Bethlehem, tôi không nhìn thấy được “hang Bêlem” mà tôi chỉ đến được ngôi nhà thờ Giáng Sinh (The Church of the Nativity) với những tường gạch vô cùng cũ kỹ.

Trước mặt nhà thờ là quảng trường Manger (quảng trường “Máng cỏ”) và một ngôi đền thờ Hồi Giáo Umar được xây vào thế kỷ 19, đây cũng là ngôi đền thờ Hồi Giáo duy nhất tại Bethlehem. So với lần trước đến Bethlehem, tôi nhận thấy sinh hoạt khu vực quảng trường đã nhộn nhịp hơn, phố xá nhà cửa hình như đã được sơn phết và sửa sang lại sáng sủa hơn ngày trước.

Một ngôi nhà thờ đã được xây trên “hang đá Bêlem” là ngôi “nhà thờ Giáng Sinh” được xây từ thế kỷ thứ 4, có lẽ vì thế “hang Bêlem” chỉ là một hang đá được nhìn thấy trong tâm tư đức tin của con người hơn là một hang động mà chúng ta có thể nhìn thấy được ngoài đời.

Thăm hang Bethlehem, Palestine - 3
Thiên sứ hiện ra trên cánh đồng chăn cừu báo tin Chúa sẽ giáng sinh.

Cửa vào nhà thờ Giáng Sinh tương đối khá thấp, được gọi là cửa Khiêm-Cung, cửa chỉ vừa một người bước vào và phải cúi thấp người xuống mới đi vào được bên trong. Qua khỏi cửa, du khách chứng kiến cả một không gian thánh đường rộng lớn khiến mọi người không khỏi bỡ ngỡ vì nó khác hẳn với không gian nơi cửa Khiêm-Cung.

Tuy nhiên, vì sự cũ kỹ của thời gian nên bên trong thánh đường Giáng Sinh luôn luôn được trùng tu lại nhằm để bảo vệ những di tích cổ nằm phía bên dưới tầng hầm thánh đường. Ở đây du khách còn có thể nhìn thấy những di tích sàn nhà thờ bằng mosaic của thánh đường cũ còn lưu lại bên tầng dưới.

Nhưng điểm quan trọng nhất trong thánh đường mà ai ai cũng muốn đến để chiêm bái, để cầu nguyện, đó chính là hang Giáng Sinh tức hang Bêlem mà bất cứ ai có đức tin đều mong mỏi một lần được đặt tay vào thánh tích nơi Chúa ra đời.

Du khách đi đến cuối thánh đường, qua khu Gian Cung Thánh và bước xuống các bậc thềm cong. Khi đến bậc thang cuối, ngay sát bên phải du khách thấy ngay một hình tượng Ngôi Sao Bạc 14 cánh mũi nhọn nằm ngay giữa hang động khối chữ nhật đã được lát gạch mable.

Người ta tin rằng bên dưới Ngôi Sao Bạc này chính là hang Bêlem, nơi Chúa Giê-su được sinh ra. Ngôi Sao này được dòng Franciscans gắn vào đây năm 1717 với 14 cánh ngôi sao bạc mang bao hàm ý nghĩa “Here the Virgin Mary gave birth to Jezus Christ.”

Cạnh đó độ ít thước, phía trước vị trí Ngôi Sao Bạc cũng có một hang thờ nhỏ. Người Công Giáo La Mã tin rằng đây chính là nơi Đức Mẹ Maria đã đặt Chúa Hài Đồng trên máng cỏ sau khi Chúa ra đời. Thông thường bạn không có nhiều thì giờ ở đây để “biểu hiện đức tin” của bạn quá lâu vì mọi người sau lưng bạn xếp hàng khá dài. Một vị tu sĩ Chính Thống Giáo gần đó luôn nhắc nhở bạn điều này.

Các tôn giáo như Công Giáo La Mã, Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo hội Tông Đồ Armenian đều tin vào vị trí Ngôi Sao Bạc là đúng nơi Chúa sinh. Tuy nhiên, ngày lễ Giáng Sinh thì mỗi tôn giáo lại cử hành lễ khác nhau.

Thăm hang Bethlehem, Palestine - 4
Sheperd’s Field, cánh đồng chăn cừu ngày nay.

Công Giáo La Mã (Roman Catholic) chọn ngày 25 Tháng Mười Hai, Chính Thống Giáo Hy Lạp (Greek & Coptic Orthodox) chọn ngày 7 Tháng Giêng, Giáo Hội Tông Đồ Armenian (Armenian Orthodox Christians) chọn ngày 19 Tháng Giêng.

Riêng Công Giáo La Mã cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh vào đêm ngày 24 Tháng Mười Hai ngay tại thánh đường Catherine bên cạnh nhà thờ Giáng Sinh. Một trong những lý do khiến có sự khác biệt ngày cử hành lễ Giáng Sinh là do việc dùng lịch Julian Calendar (do Julius Caesar đề xướng năm 45 BCE) và Gregorian Calendar (do Đức Giáo Hoàng Gregory XIII đề xướng năm 1582). Công Giáo La Mã đã chọn dùng lịch Gregorian và một số phái Chính Thống Giáo thì lại dùng lịch Julian.

Ngày nay, ôn lại những trang lịch sử thế giới ít ai có thể ngờ rằng Ngôi Sao Bạc do dòng Franciscans gắn vào nền gạch, dùng để chỉ nơi Chúa ra đời lại là một phần nguyên nhân tranh chấp giữa Pháp và Nga, giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) vào thế kỷ 19.

Các đất nước này đều tranh chấp đòi “chủ quyền” nhà thờ và câu chuyện Ngôi Sao Bạc bị đánh cắp cũng là một trong những lý do tạo ra cuộc chiến tranh Creamean giữa Thổ Nhĩ Kỳ – Anh – Pháp (ba nước một phe) với đế quốc Nga từ năm 1853 đến năm 1856 mới chấm dứt. Kết quả đế quốc Nga thua và mất chủ quyền ở Hắc Hải (Black Sea) và điều này có lẽ vẫn còn làm đế quốc Nga hậm hực mãi cho đến ngày nay.

Các đế quốc ai cũng mong muốn chiếm đóng và giành được chủ quyền vùng biển Hắc Hải và “chủ quyền” ngay cả trong lãnh vực tôn giáo. Trong quá khứ nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (đế quốc Ottoman) đã từng là kỳ phùng địch thủ với nhau, đâu phải họ chỉ có một lần đánh nhau. Lần này có đánh nhau tiếp thì cũng chỉ là một sự tiếp nối lịch sử.

Chúa Giê-su giáng sinh để cứu rỗi nhân loại, đem tình yêu thương và bình an đến cho muôn người. Chúa không đem đến chiến tranh, bất an và tuyệt vọng cho nhân loại. Những nhà chính trị và những ai lạm dụng sự buôn thần bán thánh, lạm dụng sự cứu rỗi – tình yêu – và sự bình an của nhân loại hãy một lần đến viếng thăm nhà nguyện Sistine Chapel để tìm lại con người chính họ! Hãy thưởng ngoạn bức họa tranh “Sự phán xét cuối cùng.” Họ sẽ tìm thấy con người họ nằm lấp ló đâu đó ở phía dưới cùng của bức họa tranh.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Mười bốn chữ, quả là một tuyệt tác của Thiên Chúa!

Previous articleNgười nữ tu trong cô nhi viện Pleiku
Next articleGIÁO XỨ PHÚ TÚC : LỄ NHẬN XỨ CỦA CHA GIUSE HUỲNH LÊ PHÁP