Thánh Cha gửi cho Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin

9

Thư của Đức Thánh Cha gửi cho Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin

Hôm mồng 01.07.2023, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo Đức Thánh cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Victor Manuel Fernande, 61 tuổi, người Argentina, làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, sẽ bắt đầu vào giữa tháng 09.2023, thay thế Đức Hồng y Luis Ladaria Ferrer, SJ, 79 tuổi, vừa mãn nhiệm. Dưới đây là nội dung Lá thư Đức Thánh Cha gửi Đức Tổng Giám mục Victor Manuel Fernandez.

THƯ ĐỨC THÁNH CHA

GỬI TÂN TỔNG TRƯỞNG BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

Kính gửi Đức Tổng Giám mục Víctor Manuel Fernández

Thành phố Vatican, ngày mồng 1 tháng 7 năm 2023

Hiền đệ thân mến,

Với tư cách là Tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Huynh trao phó cho Hiền đệ một nhiệm vụ mà Huynh cho là rất cao quý. Mục đích chính của Bộ là bảo vệ giáo huấn xuất phát từ đức tin để “trình bày các lý do cho niềm hi vọng của chúng ta, nhưng không phải theo cách của một kẻ thù chỉ trích và lên án”[1].

Bộ mà Hiền đệ sẽ chủ trì, có những thời điểm trước đây đã sử dụng những phương pháp không xứng hợp. Đó là những thời điểm mà, thay vì thăng tiến sự hiểu biết thần học, thì lại đuổi bắt những sai lạc về giáo lý. Những gì Huynh mong đợi từ Hiền đệ chắc chắn là một điều gì đó rất khác.

Hiền đệ đã từng là trưởng khoa Thần học của Buenos Aires, chủ tịch Hiệp hội Thần học Argentina và chủ tịch Ủy ban Đức tin và Văn hóa của Hội đồng Giám mục Argentina, trong mọi trường hợp Hiền đệ đều được bầu chọn từ các đồng nghiệp, vốn là những người đánh giá cao sức thu hút thần học của Hiền đệ. Là Viện trưởng của Đại học Giáo hoàng Công giáo Argentina, Hiền đệ đã khuyến khích sự tích hợp kiến thức một cách lành mạnh. Mặt khác, là cha xứ của “Santa Teresita” và cho đến nay, là Tổng Giám mục của La Plata, nơi Hiền đệ biết làm sao để đem kiến thức thần học vào cuộc đối thoại với đời sống của Dân Chúa.

Xét rằng đối với các vấn đề kỷ luật – nhất là những vấn đề liên quan đến lạm dụng trẻ vị thành niên – một Bộ phận cụ thể gần đây đã được thành lập với các chuyên gia rất có năng lực, nên Huynh cần Hiền đệ, với tư cách là Bộ trưởng, hãy cống hiến sự tận tụy cá nhân của Hiền đệ một cách trực tiếp hơn cho mục đích chính của Bộ là “bảo vệ đức tin”[2].

Để không giới hạn tầm quan trọng của nhiệm vụ này, cần phải nói thêm rằng nhiệm vụ này liên quan đến việc “tăng cường nhận thức và thông truyền đức tin để phục vụ việc loan báo Tin Mừng, sao cho ánh sáng đức tin trở thành tiêu chuẩn cho việc hiểu ý nghĩa của cuộc sống, nhất là trước những vấn nạn do sự tiến bộ khoa học và sự phát triển xã hội đặt ra”[3]. Những vấn đề này, được kết hợp trong một lời loan báo được đổi mới về sứ điệp Tin Mừng, “trở thành những khí cụ loan báo Tin Mừng”[4] vì những khí cụ này cho phép chúng ta tham gia vào cuộc đối thoại với “bối cảnh hiện tại chưa từng có trong lịch sử nhân loại”[5].

Hơn nữa, Hiền đệ biết rằng Giáo hội “cần phải học phát triển việc giải thích Lời mạc khải và sự hiểu biết của mình về chân lý”[6] mà điều này không có nghĩa là áp đặt một cách diễn đạt duy nhất. Vì “các luồng tư tưởng triết học, thần học và thực hành mục vụ khác nhau, nếu cởi mở để được Thần Khí làm cho hoà hợp trong sự tôn trọng và yêu thương, thì cũng có khả năng giúp Giáo hội tăng trưởng”[7]. Sự tăng trưởng hài hòa này sẽ bảo tồn giáo lý Kitô giáo hiệu quả hơn bất kỳ cơ chế kiểm soát nào.

Thật tốt đẹp khi nhiệm vụ của Hiền đệ cho thấy rằng Giáo hội “khuyến khích đặc sủng của các nhà thần học và những nỗ lực học thuật của họ” miễn là họ không hài lòng chấp nhận “với một thứ thần học bàn giấy”[8], với “một logic lạnh lùng và cứng nhắc tìm cách thống trị mọi thứ”[9]. Sẽ luôn luôn đúng rằng thực tế vượt trội hơn ý tưởng. Theo nghĩa này, chúng ta cần thần học chú ý đến một tiêu chí cơ bản: suy xét rằng “tất cả các quan niệm thần học mà cơ bản gây nghi ngờ về chính sự toàn năng của Thiên Chúa, và đặc biệt là lòng thương xót của Ngài, là chưa đủ”[10]. Chúng ta cần một lối suy nghĩ biết trình bày cách thuyết phục về một vị Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, cứu độ, giải thoát, thăng tiến con người và mời gọi họ phục vụ tình huynh đệ.

Điều này xảy ra nếu “sứ điệp tập trung vào điều cốt yếu, đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất, lôi cuốn nhất, và đồng thời cần thiết nhất”[11]. Hiền đệ biết rõ rằng có một trật tự hài hòa giữa các sự thật trong sứ điệp của chúng ta, và mối nguy hiểm lớn nhất xảy ra khi những vấn đề thứ yếu cuối cùng lại làm lu mờ những vấn đề trung tâm.

Trong tầm nhìn phong phú này, nhiệm vụ của Hiền đệ cũng bao hàm sự quan tâm đặc biệt để xác minh rằng các tài liệu của chính Bộ Giáo lý Đức tin cũng như của các Bộ khác có sự hỗ trợ thần học đầy đủ, phù hợp với dưỡng chất phong phú của giáo huấn lâu đời của Giáo hội, đồng thời cũng lưu ý đến Huấn quyền gần đây.

Xin Đức Trinh Nữ che chở và gìn giữ Hiền đệ trong sứ vụ mới này. Xin Hiền đệ tiếp tục cầu nguyện cho Huynh.

Trong tình huynh đệ,

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (01.07.2023)

Previous articleNgười môn đệ Chúa Giêsu và mạng xã hội
Next articleKinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Khi lắng nghe nhau, chúng ta sẽ tránh được những xung đột