Thế giới đang có chiến tranh này cần tình huynh đệ, sự gần gũi và tình bạn

110

Thế giới ngày nay được mời gọi trả lời cho thách đố của một cuộc chiến “từng mảnh” đang đe dọa nó. Bởi vì chính trong thế giới đang có chiến tranh này, cần có tình huynh đệ, cần có sự gần gũi, cần có đối thoại, cần có tình bằng hữu. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là dấu chỉ của niềm hy vọng vì nó là kinh nghiệm sống của tình huynh đệ vô biên giới.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua. Buổi tiếp kiến đã được tổ chức tại đại thính đường vì trời hè Roma quá nóng. Tuy nhiên đã có ngàn tín hữu khác theo dõi buổi gặp gỡ trên màn truyền hình ở quảng trường thánh Phêrô.

Như quý vị đã biết, ĐTC vừa kết thúc chuyến công du Ba Lan chiều Chúa Nhật vừa qua, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tin hữu và du khách hành hương một số cảm tưởng của mình. ĐTC nói:

Dịp của chuyến công du đã là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, 25 năm sau ngày Quốc Tế Giới Trẻ được  cử hành tại Chestochova ít lâu sau khi “bức màn sắt” sụp đổ. Trong 25 năm qua Ba Lan đã thay đổi, Âu châu đã thay đổi và thế giới đã thay đổi, và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này đã trở thành một dấu chỉ tiên tri cho Ba Lan, cho Âu châu và cho thế giới. Thế hệ trẻ mới, những người thừa kế và tiếp nối cuộc hành hương đã được thánh Gioan Phaolô II khởi đầu, đã trao ban câu trả lời cho thách đố của ngày hôm nay, họ đã trao ban dấu chỉ hy vọng, và dấu chỉ đó có tên gọi là tình huynh đệ. Bởi vì chính trong thế giới đang có chiến tranh này, cần có tình huynh đệ, cần có sự gần gũi, cần có đối thoại, cần có tình bằng hữu. Và điều này là dấu chỉ của niềm hy vọng: đó là khi có tình huynh đệ.

Chúng ta hãy bắt đầu với giới trẻ, là lý do đầu tiên của chuyến viếng thăm này. Một lần nữa họ đã đáp trả lại lời kêu mời: họ đã đến từ khắp nơi trên thế giới, vài người còn đang ở đây – một lễ hội của mầu sắc, của các gương mặt, tiếng nói và lịch sử khác nhau. Tôi không biết họ làm thế nào: họ nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng lại hiểu nhau! Bởi vì họ có ý chí cùng đi với nhau, làm các chiếc cầu, của tình huynh đệ. Họ cũng đã đến với các vết thương, các thắc mắc của họ, và nhất là với niềm vui gặp gỡ; và một lần nữa họ đã làm thành một bức khảm đá mầu của tình huynh đệ. Có thể nói tới một bức khảm đá mầu của tình huynh đệ.

Một hình ảnh biểu tượng của các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là rừng cờ muôn mầu mà người trẻ phất lên: thật thế, trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ các quốc kỳ trở thành xinh đẹp hơn, chúng như “được thanh tẩy”, và các các lá cờ của các quốc gia đang xung khắc cũng phất phới bên nhau. Và điều này thật là đẹp. Ở đây cũng có nhiều cờ. Xin anh chị em hãy cho mọi người trông thấy chúng.

Như thế, trong cuộc gặp gỡ năm thánh vĩ đại này của họ người trẻ thế giới đã tiếp nhận sứ điệp của Lòng Thương Xót, để mang nó tới khắp nơi với các việc làm tinh thần và thể xác. Tôi xin cám ơn tất cả mọi bạn trẻ đã tới Cracovia! Và tôi xin cám ơn các bạn trẻ từ khắp mọi miền trên trái đất đã hiệp nhất với chúng tôi. Bởi vì tại biết bao nhiêu quốc gia đã có các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ nối liền với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia. Ước chi món quà mà các bạn đã nhận lãnh trở thành câu trả lời thường ngày cho tiếng gọi của Thiên Chúa. Tôi xin gửi một kỷ niệm tràn đầy thương mến tới chị Susanna, một thiếu nữ thuộc giáo phận Roma đã qua đời tại Vienne sau khi tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Xin Thiên Chúa, là Đấng chắc chắn đã đón nhận chị vào quê Trời, an ủi các thân nhân và bạn bè chị.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đã nhắc tới hai sinh hoạt của ngài trong những ngày viếng thăm Ba Lan: trước hết là chuyến kính viếng đền thánh Đức Bà Chestocova, sau đó là chuyến viếng thăm trại tập trung  Auschwitz.Birkenau. ĐTC nói: Trong chuyến công du này tôi cũng đã kính viếng Đền thánh Chestocova. Trước ảnh Đức Mẹ, tôi đã nhận được món quà là cái nhìn của Mẹ, một cách đặc biệt là Mẹ của dân tộc Ba Lan, của quốc gia cao quý này là quốc gia đã đau khổ biết bao, nhưng đã luôn luôn đứng dậy với sức mạnh của đức tin và bàn tay hiền mẫu của Mẹ. Tôi đã chào vài tín hữu Ba Lan ở đây. Anh chị em giỏi lắm. Anh chị em thật giỏi!

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ : Ở đó dưới cái nhìn của Mẹ người ta hiểu được ý nghĩa tinh thần lộ trình của dân tộc này, mà lịch sử gắn liền với với Thập Giá một cách bất khả phân ly. Ở đó người ta sờ mó được với đôi bàn tay đức tin của dân tộc thánh thiện trung thành với Thiên Chúa, và duy trì niềm hy vọng qua các thử thách và cũng giữ gìn được sự khôn ngoan là thế quân bình giữa truyền thống và việc canh tân, giữa ký ức và tương lai. Và Ba Lan ngày nay nhắc nhớ cho toàn Âu châu biết rằng không thể có tương lai cho lục địa này, nếu không có các giá trị xây nền của nó, là các giá trị có trọng tâm là quan niệm kitô về con người. Trong số các giá trị đó có lòng thương xót, mà có hai người con của đất nước Ba Lan là các tông đồ đặc biệt: đó là thánh nữ Faustina Kowalska và thánh Gioan Phaolô II.

Đề cập tới chuyến viếng thăm trại tập trung đức quốc xã Auschwitz Birkenau và tình hình chiến tranh loạn lạc trên thế giới  hiện nay ĐTC nói:

Và sau cùng chuyến Viếng  thăm này cũng đã có chân trời thế giới, một thế giới được mời gọi trả lời cho thách đố của một cuộc chiến “từng mảnh” đe dọa nó. Và ở đây sự thinh lặng lớn lao của cuộc viếng thăm tại Auschwitz-Birkenau đã hùng hồn hơn mọi lời nói. Trong sự thinh lặng đó tôi đã lắng nghe, tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của tất cả các linh hồn đã đi qua đây; tôi đã cảm nhận được sự cảm thương và lòng từ bi của Thiên Chúa, mà vài linh hồn thánh thiện đã biết đem vào cả trong vực thẳm chết chóc ấy. Trong sự thinh lặng lớn lao ấy tôi đã cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân của bạo lực và chiến tranh. Và tại đó trong nơi này, tôi đã hiểu hơn bao giờ hết giá trị của ký ức, không phải chỉ như là kỷ niệm các biến cố quá khứ, nhưng còn như là lời cảnh cáo và trách nhiệm cho ngày nay và ngày mai nữa, để cho hạt giống của thù hận và bạo lực không đâm rễ trong các luống cầy của lịch sử. Trong ký ức này của các cuộc chiến và biết bao nhiêu vết thương, biết bao nhiêu khổ đau đã sống, cũng có biết bao nhiêu người nam nữ ngày nay, đau khổ vì chiến tranh, biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta. Khi nhìn vào sự tàn ác ấy, trong trại tập trung này tôi đã lập tức nghĩ tới sự tàn ác của ngày nay, chúng giống nhau: không tập trung vào một chỗ như thế, nhưng tại khắp nơi trên thế giới: thế giới này bị bệnh tàn ác, khổ đau, chiến tranh, thù hận, buồn sầu. Và chính vì vậy mà tôi luôn luôn xin anh chị em cầu nguyện: Xin Chúa ban hoà bình cho chúng ta!

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Tôi xin cảm tạ Chúa và Đức Trinh Nữ Maria về tất cả những điều đó. Và một lần nữa tôi xin bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Tổng thống và các giới chức chính quyền khác, với ĐHY TGM Cracovia và toàn thể HĐGM Ba Lan, cũng như đối với tất cả những ai trong hàng nghìn cách thế, đã khiến cho biến cố này có thể xảy ra và đã cống hiến một dấu chỉ của tình huynh đệ và hoà bình cho Ba Lan, cho Âu châu và cho toàn thế giới. Tôi cũng xin cám ơn các bạn trẻ thiện nguyện, trong vòng hơn một năm trời đã làm việc cho biến cố này; cũng như giới truyền thông, những người làm việc trong ngành truyền thông: Xin hết lòng cám ơn anh chị em đã khiến cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được trông thấy trên toàn thế giới. Và ở đây tôi không thể quên chị Anna Maria Jacobini, một nhà bào Ý đã bất thình lình qua đời bên đó. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho chị: chị đã qua đời trong khi phục vụ.

ĐTC  đã chào các đoàn hành hương hiện diện. Với các nhóm nói tiếng Pháp ĐTC xin mọi người cầu nguyện kiên trì để xã hội được sống trong tình liên đới và hoà bình.

Chào các nhóm hành hương đến từ Ai len, Thuỵ Điển, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Aruba, Hoa Kỳ và Canada, ĐTC cầu mong Năm Thánh Lòng Thương Xót giúp canh tân gia đình và xã hội.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài khích lệ mọi người đừng quên đối thoại với Chúa trong lời cầu nguyện và thực thi vài việc lành phúc đức trong mùa hè.

Chào các đoàn hành hương Ý ĐTC nhắc cho mọi nguời biết hôm nay lễ thánh Gioan Vianney cha sở họ Ars. Ngài cầu mong lòng khiêm nhường của thánh nhân nêu gương cho các bạn trẻ biết sống cuộc đời mình như món quà của Thiên Chúa, xin cho sự tín thác của thánh nhân giúp các bệnh nhân và nguời đau yếu trong những lúc khổ đau, và giúp các đôi tân hôn can đảm tuyên xưng đức tin mà không xấu hổ.

ĐTC cũng cho mọi nguời biết  thứ năm hôm nay ngài sẽ đi hành hương Vương cung thánh đường Đức Mẹ các Thiên Thần ở Assisi nhân kỷ niệm 800 năm Ơn toàn xá mà Thánh Phanxicô đã xin được cho tìn hữu kính viếng nhà thờ Porziuncoli. ĐTC xin mọi nguời đồng hành với ngài qua lời cầu nguyện và khẩn nài ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự bầu cử của thánh Phanxicô.

Buổi tiêp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Previous articleSứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olimpic ở Rio
Next articleĐức Phanxicô và «bạo lực công giáo»: Sửng sốt, suy ngẫm và cung kính