Thời đại này, con người chuộng sống, sợ chết, ham quyền lực địa vị, của cải. Họ đi tìm hạnh phúc ở đời này dù chỉ là những cuộc ham vui chóng qua, rồi sau đó lại rơi vào thất bại ê chề.
Tin Mừng cho thấy những phản ứng ngược chiều của các tông đồ trước biến cố Thập giá của Chúa. Chúa Giêsu đã trình bày lý tưởng của con đường Thập giá cho các môn đệ biết: “Này, Ta lên Giêrusalem, Con Người sẽ bị rơi vào tay các trưởng tế và các luật sĩ, họ sẽ luận xử tử Ngài. Rồi họ sẽ phó Ngài cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh, song ngày thứ Ba Ngài sẽ sống lại” (Mt 20,17-19). Nhưng các tông đồ thì nghĩ ngược lại: kẻ thì xin được ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Kẻ thì ghen tị bất bình, vì muốn có phần vinh quang và quyền hành khi theo Chúa.
Chuyện đã xảy ra cho các tông đồ vào thời Chúa Giêsu cũng có thể xảy ra cho những kẻ tin Chúa ngày hôm nay. Có người muốn chọn con đường theo Chúa Giêsu với điều kiện không có Thập giá, nhưng cũng có kẻ lại chọn lấy Thập giá mà không có Chúa Giêsu Kitô. Sự đau khổ mà không có Chúa Kitô là một đau khổ không ý nghĩa cứu rỗi. Một sự đau khổ đè bẹp con người, một sự điên dại mà ai nấy đều muốn tránh xa.
Người đồ đệ đích thực không thể và cũng không nên tách rời Thập giá ra khỏi Chúa Giêsu Kitô. Những đau khổ và những hy sinh chỉ có ý nghĩa, nếu biết liên kết với Chúa Giêsu Kitô, được lãnh nhận vì Chúa và với Chúa Kitô mà thôi.
Trang Tin Mừng mà Thánh Matthêu thuật lại hôm nay như đi ngược chiều dòng lịch sử ấy, Nói đúng hơn Thánh sử đang trình thuật về một vương quốc khác hẳn thế giới này: Một vương quốc mà Đức Vua phải chịu tử hình bởi con dân Ngài. Một vương quốc mà mọi thần dân phải bước trên con đường đau khổ, vác thập giá cuộc đời thì mới đến ngai tòa vinh hiển.
Một vương quốc lấy dân làm gốc, lấy tình yêu làm luật, lấy sự phục vụ chăm sóc người khác làm dây thắt lưng… Thoạt nghe, chúng ta chắc hẳn sẽ nghi ngờ và cho rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong mộng tưởng. Nhưng có một con người đã sống chết cho vương quốc ấy và đang mời gọi chúng ta tiếp bước là Đức Giêsu- Chúa chúng ta.
Tin Mừng cho thấy các tông đồ chưa hiểu đúng sứ mạng của mình: họ theo Chúa Giêsu nhưng để được vinh dự và địa vị; lời xin của 2 con ông Dêbêđê, sự khó chịu của các tông đồ kia. Để giáo dục họ, Chúa Giêsu làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người; hai là dạy họ bài học phục vụ: “Ai muốn cầm đầu thì hãy làm đầy tớ…” “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.”
Ta hãy cùng lần bước xem những bài học mà Ngài thông truyền cho chúng ta:
Trên đường lên Giêrusalem (vì sắp tới lễ Vượt Qua là lễ mà mọi người Do Thái đến tuổi thành niên về Giêrusalem để tham dự), Chúa Giêsu tách riêng những môn đệ thân tín đi với Ngài. Ngài nói với các ông như lời tiên báo và cũng là lời tâm sự : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người… bị nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh…. và sẽ chỗi dậy” (c.18-19). Một tin động trời như vậy, thế mà chẳng có môn đệ nào phản ứng, ngay cả Phêrô, Gioan… là những người đứng đầu bảng tuyên xưng niềm tin và được Chúa Giêsu thương mến. Hình như các ông chẳng quan tâm và cho rằng đó là chuyện của người nào đấy… và không dính dáng đến mình. Thánh sử còn nói rõ : đây là việc tiên báo về cuộc thương khó lần thứ ba của Chúa Giêsu. Thật vô tình quá ! Bài học này đã không được các môn đệ tiếp nhận.
Chúa Giêsu đang buồn rầu vì các môn đệ không hiểu bài học Ngài vừa truyền đạt, thì Ngài lại phải giải quyết một vấn đề khá quan trọng xảy ra với hai môn đệ thân tín của Ngài: Mẹ của Gioan và Giacôbê đến gặp Đức Giêsu. Một bà mẹ như đoán trước thời cuộc. Thời lên ngôi của Chúa Giêsu nên bà vội vã đến quì lạy xin giành “chỗ nhất” cho hai đứa con yêu quí của bà được ngồi bên tả, bên hữu Chúa. (x. c.20-21)
Rất tiếc bà đã đi lệch hướng. Đức Giêsu liền kéo bà và mọi người quay trở về đường lối của Thiên Chúa: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” chẳng biết có hiểu “chén của Chúa” là cuộc tế hiến trên đồi Canvê của Ngài hay không, họ cũng đáp liều : Thưa uống nổi. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định rõ với họ: Môn đệ theo Thầy là phải giống như Thầy là uống chén đắng, nhưng còn việc ngồi ở đâu là do quyền Chúa Cha định đoạt. Ý nói : chúng ta được cứu độ không phải là do công trạng mình lập ra, nhưng là do lòng thương xót của Chúa.
Có lẽ mười môn đệ kia tức tối với hai anh em Giacôbê và Gioan là vì : mình không chạy nhanh, không tính toán bằng. Đó có thể là sự ganh tị… và Chúa Giêsu, nhân cơ hội này đã giảng một bài về phục vụ cho những người muốn làm thủ lãnh, làm đầu, làm nhất, làm lớn trong thiên hạ. Chúa trưng dẫn lối lãnh đạo theo Người đời : Lấy quyền thống trị, dùng uy cai quản (x. c. 25). Ngài khẳng định : Giữa anh em không được như vậy : làm lớn để phục vụ (c. 26). Làm đầu phải là đầy tớ (c. 27). Một lối sống đối nghịch với những gì người đời mong đợi.
Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó: phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Người tôi tớ trong thời phong kiến chỉ có một hiện hữu duy nhất, đó là sống cho và sống vì người khác. Như vậy, phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại trong Tin Mừng hôm nay.
Những dân chài Galilê đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Ngài. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: “Tôi cho đi để được lấy lại,” “tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn,” “tôi phục vụ để được phục vụ lại.” Quyền bính, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thời đại. Dưới lớp áo thâm chùng của từ bỏ vẫn còn ẩn núp những tham sân si. Đội lốt tôn giáo, lời tố cáo ấy xem ra không phải là quá đáng, bất công đối với không biết bao nhiêu thành phần được gọi là người của Giáo Hội.
Gồm những con người yếu hèn, tội lỗi, Giáo Hội Chúa Kitô luôn cần được thanh luyện trong ý tưởng, cũng như trong thể hiện của mình. Trong cuộc trở về chung của toàn Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để không ngừng hoán cải. Hoán cải là quay về với Chúa, là chỉ tìm kiếm và yêu mến một mình Ngài, là tham dự vào cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô bằng những hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày.
Chúa mời gọi tất cả và từng người đồ đệ hãy theo Ngài trên con đường Thập giá, nhưng không dừng lại ở đây. Vì ngày thứ ba Ngài đã sống lại trong vinh quang. Như vậy, đau khổ sẽ biến thành niềm vui và hy vọng. Chỉ có ai chấp nhận đi trọn con đường Thập giá với Chúa, vì Chúa, thì mới hưởng được niềm vui và bình an của Chúa Kitô Phục Sinh.
Ở đời ai cũng muốn được sống an nhàn trong sự phục vụ của tha nhân. Nhưng Chúa đã không sống như thế! Chúa đã sống vì lợi ích tha nhân. Chúa đến để hầu hạ mọi người. Từ em bé cho đến cụ già. Từ kẻ bần cùng cho đến kẻ quyền quý. Chúa sẵn lòng phục vụ mà không hề so đo tính toàn. Chúa không đến để người khác phục vụ Chúa, nhưng Chúa còn hiến dâng mạng sống vì hạnh phúc tha nhân.
Xin Chúa giúp taluôn bé nhỏ khiêm nhu để cúi mình phục vụ mọi người. Xin Chúa giúp ta biết chu toàn bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến và phụng sự Chúa trong chính công việc của mình.