THỬ BÀN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN BẢN TRONG MỤC VỤ LINH MỤC

77

THỬ BÀN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN BẢN TRONG MỤC VỤ LINH MỤC

Trong tuyển tập “Được chọn và sai đi”, giáo phận Long Xuyên 2003, Đức Giám mục GB Bùi Tuần đã viết như sau: “Làm sao để khi gặp linh mục và thấy linh mục làm mục vụ và việc xã hội, ngay cả khi thấy ngài thinh lặng cầu nguyện, hoặc thinh lặng hiện diện với tuổi tác và bệnh tật, mọi người thiện chí đều có cảm tưởng là một Đấng thiêng liêng vô hình đang hiện diện một cách tích cực trong cuộc sống ngài, và qua ngài mà Đấng ấy đang đến với lịch sử hôm nay. Với Đấng thiêng liêng ấy, linh mục hiện diện và đến như một tình thương, một hi vọng, một sức mạnh đổi mới trong dáng vẻ tu thân hiền từ và khiêm tốn” (x. Sđd trang 62).
Ở chỗ khác, LM Đỗ Xuân Quế OP cũng đã chia sẻ như sau: “Đứng trước một Hội thánh đang dần dần phục hồi lại khí thế như Hội thánh tại VN, chúng ta vui mừng phấn khởi, nhưng đồng thời cũng phải lưu tâm đến một số biểu hiện nguy hại, có thể làm xói mòn sinh lực của Hội thánh chúng ta. Đó là: a- Tính thích phô trương chuộng hình thức; b- Tính cả nể và óc phong kiến; c- Khuynh hướng háo thắng; d- Tính ù lỳ cứ muốn trước sao sau vậy cho khỏi phải thay đổi rắc rối; e- Thiếu nhân bản trong cách giao tế…” (x. Bài “Sơ thảo đôi nét về hiện tình Hội thánh tại VN”, VietCatholic News 23-1-2005).

Một cách chi tiết hơn, trong bài “Tính nhân bản trong các hành xử của LM”, LM Đỗ Xuân Quế cũng đã viết như sau: “Ở chủng viện các chủng sinh được học hành nhiều thứ và huấn luyện khá đầy đủ về đường đạo đức, nhưng có một mặt xem ra ít được để ý và coi trọng, đó là tính nhân bản. Nhân bản là lấy con người làm gốc trong cách giao tiếp đối xử, nghĩa là trọng kính người ta, khi nói năng, gặp gỡ, dù người ta ở cấp bậc nào, có học hay không có học, giàu sang hay nghèo hèn, Công giáo hay ngoài Công giáo, hay nói khác đi, tính nhân bản là cách đối xử sao cho có tình người và tính người…” (x. VietCatholic News ngày 23-1-2005).

Quả thực, mấy ý dẫn trên đã gợi ý giúp ta định hướng vấn đề cần chia sẻ ở đây. Đó là vấn đề nhân bản trong mục vụ của linh mục (LM).

* Dẫn chứng vài câu chuyện trong thực tế

Phải thừa nhận rằng trên thực tế, đã có không ít những tình huống ứng xử không mấy tốt đẹp của một LM nào đó xảy ra tại các giáo xứ mà các giáo dân tại những nơi ấy đã có dịp chứng kiến hay nghe biết.

Chẳng hạn, trong một cuộc tranh luận về việc nên làm việc này, không nên làm việc kia, cha xứ đã nói thẳng vào mặt hai người giáo dân của mình là “Các ông chỉ là giáo gian chứ không phải là giáo dân!…”. Nghe vậy hai người giáo dân nọ chỉ biết cứng họng, chào thua cha xứ của mình và xin rút lui, vì thực sự họ không nghĩ rằng cha xứ lại có những lời lẽ nặng nề như vậy.

Một câu chuyện khác, ở một giáo xứ nọ, có lần một giáo dân già xin gặp cha xứ trình bày ý kiến về một vấn đề gì đó, sau khi nghe người giáo dân này góp ý xong, vị LM chính xứ lạnh lùng chỉ tay xuống đất và nói một câu thẳng thừng: “Những lời ông vừa nói chỉ đáng tôi vứt xuống đất và chà đạp lên…”. Ông lão giận run lên và chỉ còn biết quay lưng rút lui trong buồn tủi.

Một anh bạn của người viết bài này có đứa con phục vụ trong lễ sinh tại một giáo xứ nọ. Các em cho biết cha xứ thường hay trừng mắt nạt nộ đám lễ sinh khi chúng làm điều gì đó không vừa ý ngài. Lúc đó ngoài thái độ nạt nộ, ngài còn buông ra những lời mắng chửi, chẳng hạn “Đồ khỉ, đồ con heo! Ngu như lợn!…”.

Quả đúng như lời LM Đỗ Xuân Quế đã viết: “Hiện nay cũng có những linh mục, tu sĩ làm cho người ta bực bội vì cách cư xử thiếu nhân bản. Thí dụ, có linh mục đáng tuổi con cháu la mắng một bà cụ già bổn đạo như tát nước vào mặt. Có vị chỉ thằng vào mặt một ông già mà bảo ‘Ông là đồ ngu!’.’” (x. LM Đỗ Xuân Quế OP, bài đd).

* Những mong ước của giáo dân

Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp và thân tình giữa LM và GD, thiết nghĩ có 4 điều mong ước sau đây đối với LM mà bất kỳ một giáo dân nào cũng muốn đề cập đến. Đó là:

– Lòng nhân ái, bao dung;

– Tính khiêm nhu tự hạ;

– Thái độ hòa đồng cởi mở;

– Lòng trung thực thẳng thắn.

1.- Lòng nhân ái, bao dung:

Trong đời mục tử, LM sống với cộng đoàn bằng trái tim của vị Mục Tử Giê-su chí thánh, vì thế ngài phải yêu hết mình và yêu đến kỳ cùng. Tấm lòng nhân ái của mục tử sẽ tỏa sáng không chỉ trong lúc cử hành phụng vụ, mà còn tiếp tục lan tỏa khi ngài sống và làm việc với giáo dân trong mọi hoàn cảnh của đời thường. Chính vì vậy mà LM luôn làm cho mình hiện diện và đến như một tình thương.

2.- Tính khiêm nhu tự hạ:

Có thể nói khiêm nhường là một đòi hỏi cao nhất về nhân bản đối với một LM. Đó vừa là nhân đức đạo đức, vừa là một đức tính nhân bản trổi vượt trên tất cả. Chính Thầy Giê-su chí thánh cũng đã kêu gọi các môn đệ hãy học nơi Ngài sự khiêm tốn và hiền lành.

Thánh Phao-lô cũng đã mạnh mẽ quả quyết: “Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giê-su” (2Cor 4,5). LM là tôi tớ của cộng đoàn, là mục tử đến để phục vụ. Với vai trò người phục vụ, LM sẽ luôn cư xử một cách khiêm tốn, điều đó trái ngược lại với tính kiêu căng, lên mặt của giới lãnh đạo Do Thái hay như nhóm tư tế, biệt phái khi xưa. Bởi ai cũng biết, “Phục vụ mà kiêu căng sẽ không là phục vụ của người môn đệ Đức Ki-tô. Phục vụ với lòng tự cao tự đại là một xúc phạm. Phục vụ mà chỉ tưởng rằng cho đi mà không nhận lãnh cũng là một sai lầm. Phục vụ mà cho rằng chỉ có mình là đúng, là tốt, là cần, sẽ là một thảm họa” (ĐGM GB. Bùi Tuần, gp Long Xuyên).

Một LM khiêm tốn dễ thu hút lòng người hơn là một LM thông thái. Một LM khiêm tốn sẽ dễ dàng có được một đời sống quân bình, một thái độ an vui và một nếp ứng xử dịu dàng, thoải mái, hòa đồng…

3.- Thái độ hòa đồng cởi mở:

Một số giáo dân khi đến với LM thường hay khúm núm, e ngại, sợ sệt. Vì giữa họ và LM dường như có một khoảng cách vô hình nào đó. Khoảng cách do chức vụ, do “chức thánh”, do danh xưng “cha-con”, do tương quan lỏng lẻo xuất phát từ tính vô cảm của mục tử vv… Đã có một thời người ta phải “Xin phép” mới được “Lạy cha!”. Khi phát biểu, người giáo dân luôn sử dụng một phong cách ngôn ngữ trịnh trọng nhất dành cho LM, chẳng hạn “Trọng kính…”, hay “Kính trình, kính thưa…”. Dù sao, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngôn ngữ xã giao không thể là rào cản khiến LM xa cách và coi nhẹ giáo dân được. Ngôn ngữ ấy nên nhẹ nhàng, bình dị nhờ đó mối quan hệ “cha-con” trở nên hòa đồng, dễ chịu.

Sự trân trọng của GD làm cho LM hiểu rằng “Để việc truyền thông giao tiếp trong ứng xử đạt hiệu quả, việc này đòi hỏi biết lắng nghe, biết đồng cảm, trung thực. Những khả năng này mở đường cho sự cởi mở đối với nhau. Thái độ cởi mở đối với nhau đưa mọi người đến những vùng ánh sáng mới và những khám phá mới. Tất cả những điều đó làm nền tảng cho việc thiết lập tương giao tốt là tương giao có tác dụng trợ lực và mở đường đối với mọi người liên hệ, với các cộng sự viên. Thiếu khả năng truyền thông tốt (cởi mở, hòa đồng, thông cảm) sẽ là nguồn gốc của những hiểu lầm, của những đổ vỡ trong mối quan hệ” (x. “Đi tìm chân dung người mục tử”, tài liệu thường huấn LM gp Long Xuyên 2003, trang 110).

4.- Lòng trung thực thẳng thắn:

Chúng ta đều biết, trong ứng xử đời thường giữa người-người, vấn đề trung thực, thẳng thắn là rất quan trọng và cần thiết. Bởi sự trung thực thẳng thắn giúp người ta lột bỏ được cái mặt nạ vô duyên giả tạo của mình mà đến với tha nhân bằng con người thật của mình. Vì thế, không chỉ vì cách xưng hô nào đó mà LM nghĩ mình vượt trổi hơn người khác. Không chỉ vì chức vụ và sự kính trọng người GD dành cho mình mà LM nghĩ mình là “thầy cả toàn năng”. Không chỉ vì một sự đãi ngộ nào đó mà mình nghĩ là mình xứng đáng hơn người khác. Quả vậy, “Người nào muốn làm môn đệ Chúa thì không được nghĩ rằng đó là một chức tước mình có thể chiếm đoạt nhờ tài năng của mình. Là LM không phải là một nghề nghiệp như các nghề nghiệp khác…” (x. LM Thân Văn Tường, Tĩnh tâm các LM gp Long Xuyên, 1997).

Do vậy ước mong LM sẽ nhìn bản thân mình và nhìn người khác bằng con mắt trong suốt, đánh giá trung thực cái-mình-là, cái-mình-có, để vừa cho đi, vừa đón nhận một cách thoải mái, nhẹ nhàng. Sự trung thực là chấp nhận tất cả sự thật về mình và về người khác. Không úp mở, không che đậy, không bóp méo, không giả dối… Suy nghĩ trung thực đã khó, mà hành xử trung thực lại càng khó hơn nhiều. Nhưng chính thái độ hành vi ứng xử này sẽ giúp cho mối tương giao giữa người-người được lâu bền./.

————————-

Aug. Trần Cao Khải

Previous articleTruyền thông xã hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng
Next articleDạy con như thể ngày mai mẹ không còn nữa…