THỨ BÁNH KHÁC CHO MỘT CƠN ĐÓI KHÁC

8

THỨ BÁNH KHÁC CHO MỘT CƠN ĐÓI KHÁC

Ga 6:24-35

Đức Giê-su vừa hoàn tất phép lạ hóa bánh ra nhiều (Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước) và một diễn từ dài khởi sự: về Bánh sự Sống, bánh trường sinh. Từ cơn đói tầm thường của những kẻ đã đến nghe Người giảng, và từ thứ bánh Người đã hóa ra nhiều, chúng ta sắp nghe nói tới một cơn đói khác và một thứ bánh khác.

Đói Sống Mãnh Liệt Và Sống Vĩnh Cửu

Trước tiên, câu hỏi vụ lợi của người Do-thái đã khiến Đức Giê-su đưa ra một câu đáp mà bên ngoài chẳng phải là một câu đáp thực. Thật vậy, lời Người trả lời nhắm đến thái độ mà lời họ hỏi han đã không giấu nổi. Họ đã thấy các dấu chỉ hơn một lần, nhưng vẫn không chú ý và không muốn hiểu. Họ chỉ quan tâm đến bánh, đến sự no thỏa vật chất; phép lạ đã chẳng mang lại cho họ ánh sáng về bản thân của Người.

Người bèn kêu gọi họ chớ nhọc công, chạy đôn chạy đáo tìm lương thực hư nát như họ đang làm, nhưng là ra công tìm lương thực trường sinh bằng cách thi hành việc Thiên Chúa muốn. Thế nhưng họ vẫn lẫn lộn công việc của Thiên Chúa (là hãy tin vào Đức Giê-su) với các công việc họ hoàn tất vì Người (tức vô số quy định của nền luân lý rất phức tạp của họ: x. Mt 19,16; 22,34-40). Để được “ăn no nê”, người ta tỏ ra sẵn sàng đặt một giá nào đó: những công việc tốt họ sẽ thực thi làm cho họ xứng đáng ăn bánh bởi trời, họ tưởng vậy. Đó là phản ứng thuần bản năng của tôn giáo loài người trong việc “bán buôn” với Thiên Chúa. Chúng ta chấp nhận làm mọi điều kiện Người đặt, miễn là về phía Người, Người bảo đảm lợi ích cho chúng ta, ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn.

Nên câu trả lời của Đức Giê-su thật ra chỉ là một câu hỏi: “Các ông ra công làm việc vì lương thực nào?” Hãy để mình bị chất vấn thật kỹ, các cơn đói của ta cho biết ta ra sao. Chúng ta muốn ăn, dĩ nhiên, nhưng chúng ta còn muốn nhiều nữa: hiểu biết, yêu thương, chiêm ngắm những vật mỹ miều, có một công việc thú vị… Đó là các cơn đói của phàm nhân chúng ta, là các lương thực chúng ta ra công kiếm tìm.

Đức Giê-su cố gắng hướng cử tọa và chúng ta về những cơn đói sâu xa hơn, “đói sống mãnh liệt và sống vĩnh cửu”: “Anh em đừng chỉ bận tâm đến những cơn đói mau qua, hãy đào sâu trong mình nỗi đói khát một sự sống sẽ chẳng trôi qua bao giờ”. Thay vì cố gắng đổ đầy túi thèm khát vô đáy của xác thịt, của dục vọng, chúng ta phải “ra công làm việc để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” nghĩa là lương thực biến đổi chúng ta nên những con người sống chính sự sống Thiên Chúa và hiệp thông vào nguồn tình yêu không bao giờ cạn của Người.

Nhưng Đức Giê-su đã gặp khó khăn trong việc lôi thính giả khỏi niềm hy vọng được tiếp phẩm cách dễ dàng và kỳ diệu. Họ vừa bị chinh phục vừa tỏ vẻ hoài nghi: “Chúng tôi muốn tin Thầy lắm, nhưng Thầy sắp làm gì để chúng tôi có thể tin? Thầy sắp cho chúng tôi gì nào?” Người từ khước thách thức họ đề nghị với mình: “Thầy đã cho chúng tôi bánh, còn Mô-sê đã cho chúng tôi man-na. Hai vị bằng nhau. Giờ hãy làm một dấu lạ lớn hơn nữa!” Như thường lệ, họ hiểu sai ý nghĩa các lời của Đức Giê-su. Không kể chi đến bản thân Người, họ tiếp tục mơ ước một thứ bánh sẽ từ trên trời rơi xuống, kỳ diệu hơn man-na. Như người nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,15) và như đã làm trong nhiều trường hợp tương tự, họ nài xin Đức Giê-su ban cho họ, đều đặn và luôn luôn, thứ bánh nhưng không ấy.

Chúng ta, Ki-tô hữu, cũng chẳng âm thầm chờ đợi những dấu lạ lớn hơn như thế sao? “Lạy Chúa, xin tỏ cho thấy là Ngài hiện hữu, Ngài toàn năng, lời cầu nguyện được chấp thuận, các bí tích sinh hiệu quả. Tỏ mình đi! Làm dấu lạ đi nào!” Cơn đói của chúng ta có lẽ là vậy. Đói các thuận lợi của tôn giáo, đói những thành công về mặt tổ chức, xây dựng, sinh hoạt của đạo, đói những chuyện giật gân ngoạn mục diệu kỳ, đói sự chiến thắng của Tin Mừng mà không phải qua gian khổ, đói “yên hàn” và “được việc” đôi khi bằng cách quỵ lụy quyền lực thế gian, đói tự do của con người và của con Chúa bằng cách chờ được bố thí chứ không phải bằng đấu tranh … Vậy thì hãy nghe Đức Giê-su cho rõ.

Bánh Ban Sự Sống Sung Mãn Và Muôn Đời

“Bánh tôi đã ban cho anh em, cũng như man-na Thiên Chúa đã ban xuống cho tổ tiên anh em thời hoang địa chỉ là những dấu chỉ, dấu chỉ về một lương thực cao hơn cho một cơn đói lớn hơn: có một thứ bánh trường sinh ban sự sống mãnh liệt nhất mà anh em có thể ao ước, sự sống trong thế giới này và sự sống trong thế giới vĩnh cửu: sự sống đời đời, sự sống của Đấng đời đời. Sự sống yêu thương, sự sống tự hiến, như đã có trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Và bánh ban sự sống ấy chính là tôi!”

Một lời tuyên bố như thế hẳn đã làm cho mọi ai nghe con người ấy bật ngửa. Nếu đây là một tên khùng hoang tưởng tự đại? Phải bỏ rơi hắn lập tức. Nhưng nếu đây là thật? Mà đó đã là thật! Đến phiên chúng ta, hãy nghe điều ấy: “Tôi có thể thỏa mãn mọi cơn đói của anh em, tôi là bánh thật của anh em”.

Bánh là biểu tượng của sự sống. Đức Giê-su, bánh của chúng ta, là Đức Giê-su sự sống của chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta đói khủng khiếp cái Người đã mơ ước cho chúng ta, và Người ban Đức Giê-su cho chúng ta để thỏa mãn cơn đói này. Ấy là dự định chúng ta phải đi vào, là công việc của Thiên Chúa mà chúng ta phải thực hiện. Nhưng cách nào đây?

Chúng ta đi vào dự định của Thiên Chúa, thực hiện công việc của Thiên Chúa khi tin vào Đấng Người đã sai, khi không có những cơn đói nhỏ, song là có những khát vọng bao la, khi tin rằng Đức Giê-su là bánh thỏa mãn những khát vọng ấy.

Vậy chúng ta có dám thẳng thắn tuyên xưng rằng mình được Đức Ki-tô thỏa mãn chăng? Người đổ đầy mọi khát vọng của ta chăng? Tại sao đôi khi chúng ta tìm kiếm quá xa Người? Ở quá lâu không Người? Phản lại Tin Mừng của Người? Tại sao chúng ta buồn bã, không thỏa mãn, hãi sợ tương lai? Tại sao chúng ta quá mong được những thành công cụ thể mà chẳng dám hy sinh để bảo vệ các giá trị tâm linh, tinh thần, tôn giáo cho xã hội, mà chẳng dám can đảm để bênh vực chân lý trước sự tuyên truyền của dối trá, mà chẳng dám dấn thân để tranh đấu cho Chúa Ki-tô đang bị đàn áp, ngược đãi nơi biết bao anh em? Người đổ đầy mọi khát vọng của chúng ta, sao chúng ta lại mong được thế gian đổ đầy ân huệ? sao chúng ta lại e ngại khi đề cập đến các vị tử đạo là những đấng đã sẵn sàng mất mạng để đổi lấy sự sống trường sinh, để chứng minh cho người đời thấy là Chúa Ki-tô đã đủ cho họ?

Có một con người giữa thời đại hôm nay đã thấy được Chúa Ki-tô là Đấng đổ đầy mọi khát vọng cùa chúng ta qua phép Thánh Thể: chân phước Carlo Acutis (1991-2006). Vị hiển thánh tương lai này (có thể được tôn phong vào Năm thánh 2025 sắp tới) từng gọi Bí tích Thánh Thể là “đường cao tốc lên thiên đàng” của mình. Từ thời niên thiếu, ngoài việc lần hạt Mân Côi, cậu Carlo thường xuyên dự lễ, rước lễ hằng ngày, xưng tội mỗi tuần và dành nhiều thời gian để chầu Thánh Thể. Cậu nói: “Khi chúng ta đối diện với mặt trời, chúng ta trở nên rám nắng… nhưng khi chúng ta đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta nên thánh thiện.”

Carlo qua đời vì một khối u não vào năm 2006 ở tuổi 15. Trước đó, vào mùa Hè sau sinh nhật lần thứ 11 của mình, cậu đã dành thời gian nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể và tạo ra một trang web để lập ‘Danh mục Phép lạ Thánh Thể’ nhằm chia sẻ thông tin này với người khác. Cậu đã đi tìm những nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể trên thế giới – những phép lạ được Giáo hội công nhận từ thời kỳ đầu của Ki-tô giáo cho đến ngày nay. Trang web mà Carlo tạo ra có thể được coi như một cuộc triển lãm quốc tế về những sự kiện vĩ đại của bí tích Thánh Thể. Carlo tỏ ra lo lắng khi thấy nhiều người ngày càng xa cách Giáo hội và bí tích Thánh Thể. Cậu muốn trang web của mình sẽ lay động lương tâm các tín hữu: “Hãy trở lại với những điều cốt yếu, hãy quay về và đi đến nhà thờ, đi dự lễ và rước lễ…” Một cuốn sách ghi lại các phép lạ Thánh Thể mà Carlo đã mô tả trên trang web của mình, chứa gần 100 bản tường thuật từ 17 quốc gia khác nhau, tất cả đều được Giáo hội chuẩn y và chứng thực.

Previous articleĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC CHỦNG SINH: “XIN CHÚA UỐN NẮN TRÁI TIM CÁC CON THEO TRÁI TIM CỦA NGƯỜI”
Next articleKiến thức về Luyện hình và Hỏa ngục